Sunday, September 18, 2016

Q&A

A Tu La là gì?
Có mấy loại A Tu La? Và thân hình của chúng ra sao?
Đáp: A Tu La tiếng Phạn là Asura. A Tu La có nhiều tên gọi khác nhau: A tác la, A tô la, A tố la, A tố lạc, A tu luân. Trong Kinh thường nêu ra ba loại A Tu La: 1/ A Tu La thiên đạo. 2/ A Tu La quỉ đạo. 3/ A Tu La súc đạo.
Theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang, quyển 1, trang 84 giải thích: “A Tu La là 1 trong 6 đường, 1 trong 8 bộ chúng, 1 trong 10 giới, một trong những vị thần xưa nhất ở Ấn Độ.
Một loại quỷ thần hiếu chiến, thường bị coi là ác thần và thường tranh đấu với trời Đế Thích không ngừng nên có danh từ A Tu La trường, A Tu La chiến v.v…
Theo phẩm A Tu La Luân trong Kinh Tăng Nhất A Hàm 3 : Thân hình của A Tu La cao 84.000 do tuần, miệng rộng mỗi bề 1.000 do tuần. Còn phẩm A tu La Luân trong Kinh Trường A Hàm 20, phẩm A tu luân trong Kinh Đại Lâu Thán 2. Kinh Khởi Thế Nhân Bản 5 v.v…đều ghi rõ chỗ ở và sự tích của A Tu La.
Về nghiệp nhân của A tu la, các Kinh thường nêu ra 3 thứ nhân làm cho chúng sanh sanh trong loại nầy: Sân, mạn, nghi.
Theo Kinh Phật Vị Thủ Ca Trưởng Giả Thuyết Nghiệp Báo Sai Biệt thì liệt kê ra 10 thứ nhân làm cho chúng sanh sanh trong loài A tu la.
1.Thân làm việc ác nhỏ. 2. Miệng nói lời ác nhỏ. 3. Ý nghĩ điều ác nhỏ. 4. Khởi tâm kiêu mạn. 5. Khởi tâm ngã mạn. 6. Khởi tâm tăng thượng mạn. 7. Khởi tâm đại mạn. 8. Khởi tâm tà mạn. 9. Khởi tâm mạn mạn. 10. Hướng về các căn lành.
Hình tượng của A tu la có nhiều thuyết khác nhau. Có chỗ cho rằng: A tu la có 9 đầu, 1000 mắt, miệng phun lửa, có 990 tay, 6 chân, thân to gấp 4 lần núi Tu di. Có chỗ cho rằng: A tu la có 1000 đầu, 2000 tay; 10.000 đầu, 20.000 tay; 3 đầu, 6 tay. Có chỗ cho rằng: A tu la có 3 mặt màu xanh đen, giận dữ, lõa hình và có 6 cánh tay.

Phúng điếu người chết có mắc nợ hay không?
Hỏi: Tôi thấy có một vài đám tang trong giới Phật tử của mình, thân quyến có viết cáo phó là: “Miễn Phúng Điếu”, (không nhận tiền) hỏi ra, thì họ nói: Nếu nhận tiền, thì người chết phải mắc nợ. Vậy xin hỏi: nhận tràng hoa người ta phúng điếu, thì người chết có mắc nợ hay không? Và nếu so sánh giữa tiền và tràng hoa, thì cái nào có lợi ích thiết thực hơn?
Đáp: Nếu căn cứ theo luật nhân quả, thì phàm hễ có vay, tất nhiên phải có trả. Nếu bảo nhận tiền, thì người chết mắc nợ, vậy thì nhận tràng hoa, người chết không mắc nợ hay sao? Tràng hoa đâu phải tự nhiên mà có, tất cũng phải dùng tiền để mua. Chẳng qua dưới một hình thức khác thôi. Như vậy, bạn bè thân thuộc đến phân ưu phúng điếu, vì ai mà họ phúng điếu, tất nhiên là vì người chết. Nếu không có người chết, thì họ đâu có phúng điếu. Do đó, đương nhiên là người chết phải mang nợ.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra ở đây là, việc phúng điếu bằng tràng hoa phát xuất từ đâu? Và có phải đó là một tập tục của người Việt Nam chúng ta hay không ?
Theo chỗ chúng tôi được biết, thì việc phúng điếu bằng tràng hoa là do người Việt mình ảnh hưởng người Tây phương. Vì người Tây phương họ rất yêu chuộng hoa tươi. Chúng ta cũng không lạ gì, khi thấy họ đến thăm thân nhân hay bạn bè thân, trên tay của họ thường có một bó hoa tươi. Đây là để biểu lộ tấm lòng thân thương của họ. Đây cũng là một tập tục hay đẹp của họ. Do đó, nên người mình bắt chước làm theo. Điều nầy, nếu xét theo phong tục xưa của ta, như trong quyển Phong Tục Việt Nam của giáo sư Toan Ánh đã viết: “Phúng là lễ vật đi điếu người chết, còn viếng nghĩa là thăm. Ta thường nói phúng viếng hoặc phúng điếu nghĩa là đem lễ vật tới hỏi thăm nhà có tang.
Người chết sau khi đã nhập quan và tang chủ đã làm lễ thành phục, con cháu khóc lóc, bạn bè thân thuộc mới bắt đầu tới phúng điếu. Trước đó, cũng có người tới, nhưng chỉ là để hỏi thăm và chia buồn cùng tang chủ chứ chưa có lễ viếng và cũng chưa lễ trước linh cữu.
Lễ phúng viếng thường là trầu cau trà rượu, hoặc những tay văn tự thì dùng những bức trướng hoặc những đôi câu đối, trong nêu lên những đức hay tính tốt của người chết.
Con cháu cũng có câu đối để khóc ông bà cha mẹ. Những trướng đối của bạn bè thường làm bằng lụa, bằng da màu xanh, vàng, trắng, còn những câu đối của con cháu chỉ viết bằng chữ xanh hoặc chữ đen trên vải trắng.
Ở thôn quê, người trong làng xã thường dùng tiền để phúng viếng, một cách trực tiếp giúp đỡ thiết thực tang chủ trong lúc cần thiết v.v..." (Phong Tục Việt Nam, Toan Ánh, trang 512, nhà xuất bản Đại Nam ).
Chúng tôi trích dẫn những đoạn văn trên để chúng ta biết sơ qua về phong tục phúng điếu của ông bà ta ngày xưa là như thế. Từ ngày người Tây phương có mặt ở xứ ta, nhứt là trong thời kỳ chiến tranh có quân đội Mỹ, mỗi khi một quân nhân cấp lớn tử trận, thì người chết sẽ được nhận những tràng hoa danh dự, tưởng niệm thân thiết phúng điếu. Và cũng từ đó, người dân thành thị bắt chước theo hay dùng hoa tươi hoặc hoa cườm để phúng điếu cho người chết.
Ngược lại, ở thôn quê thì lại khác. Chúng ta thấy, trong làng xã có người mất, thì người ta thường dùng tiền để phúng điếu. Đây là một hình thức trực tiếp giúp đỡ cho tang chủ tiện bề chi dụng trong lúc cần thiết. (Người viết đã chứng kiến nhiều đám táng ở thôn quê là như thế).
Đây cũng là một tập tục rất hay và rất thực tế trong việc tương tế. Tổ tiên ta có câu: “Nhứt gia hữu sự bá gia ưu”. Nghĩa là, một nhà có việc, thì trăm nhà đều chung lo. Điều nầy, vừa nói lên tinh thần tương thân tương trợ của người dân quê mộc mạc, cũng vừa nói lên tình đoàn kết keo sơn gắn bó tình tự của một dân tộc hiền hòa.
Chính vì tinh thần hỗ tương sớm tối có nhau nầy, nên ta thấy, ngoài việc bà con thân hữu xúm xít nhau lại chung lo đám sám, họ còn nghĩ đến việc giúp đỡ tiền bạc cho gia đình người chết có chút ít phương tiện để xoay trở tiêu phí trong việc tang lễ. Vì vậy, ở thôn quê, ít có gia đình nào từ khước không chấp điếu. Vì họ nghĩ, hôm nay mình nhận của người ta, thì mai kia mình sẽ đi trả lại. Giống như một hình thức cho vay mà không lời vậy.
Tuy nói là vì người chết, mà kỳ thật là vì giúp đỡ cho người sống. Nếu là người khá giả, có đủ khả năng, thì họ sẽ đem số tiền mà bà con phúng điếu để làm những việc từ thiện giúp ích cho xã hội hoặc cúng chùa v.v... Việc làm đó, hương linh chẳng những không mắc nợ, mà còn được tăng thêm phước đức nữa. Còn nếu như những gia đình nghèo không đủ khả năng chi dụng cho đám sám, thì tạm thời họ dùng số tiền nầy để trang trải cho việc tang lễ, rồi sau đó, con cháu hoặc người thân từ từ họ sẽ đi hoàn trả lại.
Như thế, trên thực tế, ta thấy người chết như mắc nợ, nhưng xét cho cùng, thì đây là một hình thức tương trợ lẫn nhau mà thôi. Theo tôi, đây là một hình thức tương trợ vừa giữ được tập tục xưa mà cũng vừa ích lợi rất thực tế, nếu chúng ta khéo sử dụng đồng tiền nầy vào những việc làm hữu ích cho xã hội.
Ngược lại, đối với những tràng hoa, xét ra, chỉ tô điểm cho tang lễ thêm phần trang trọng, chỉ dùng được một hai ngày, rồi sau đó khi đưa đám đến huyệt mộ hay đến lò thiêu, thì những tràng hoa nầy cũng theo người chết mà vứt bỏ luôn, thật là uổng phí! Chi bằng, nếu trong thân quyến e ngại sự nhận tiền phúng điếu của bằng hữu, thì ta có thể làm theo phương cách mà Đại Đức Thích Phước Tấn trụ trì chùa Quang Minh đã đề xướng một phương pháp phúng điếu mới, vừa có lợi ích thiết thực cho xã hội mà cũng vừa đem lại sự lợi lạc cho hương linh.
Phương pháp đó như thế nào? Nhân đám tang của phật tử Nguyễn Thị Hoàng Ánh, tịnh danh là Tịnh Mẫn, là một liên hữu của Cực Lạc Liên Hữu Liên Xã Quang Minh Đạo Tràng, Thầy kêu gọi quý Liên hữu phật tử mỗi người nhận một Tràng Hoa Công Đức. Tràng hoa công đức nầy hình thức là một khổ giấy giống như phiếu công đức vậy. Thầy in màu rất đẹp. Thầy trao phát cho những liên hữu phật tử nào đã phát tâm nhận lãnh ghi vào. Ghi như thế nào? Có vị thì ghi sẽ hiến cúng 50 đô, hoặc 100 đô... để gởi tặng cho các bệnh viện cô nhi, hoặc các bệnh viện cùi hay ung thư v.v...
Có người thì hứa là sẽ tụng một bộ Kinh Pháp Hoa, có người thì phát nguyện mỗi đêm niệm một ngàn câu hiệu Phật, có người thì phát nguyện làm bao nhiêu việc phước thiện trong thời gian 49 ngày, tất cả những việc làm và những điều phát nguyện trên, thảy đều hồi hướng cho hương linh sớm được siêu sanh Tịnh Độ.
Qua việc đề xướng nầy, chúng tôi thấy quý liên hữu phật tử hưởng ứng rất mạnh mẽ. Và mỗi người đem hết lòng thành của mình để thực hiện những điều mà mình đã phát nguyện. Tất cả chỉ vì hương linh và cho hương linh. Đây mới thật là một loại Tràng Hoa thật vô cùng quý giá. Âm vang của những việc làm nầy, như tụng kinh, niệm phật, công quả, làm phước v.v... nó vẫn còn vang dội mãi cho đến trải qua hết 49 ngày, chớ không như những đám khác, là khi bạn bè hay đồng đạo đưa đám xong rồi, thì người chết sẽ đi vào trong quên lãng, không còn ai nhớ biết đến để cầu nguyện dù đó là một câu hiệu phật.
Riêng chúng tôi, chúng tôi nhận thấy điều nầy rất phù hợp với tinh thần vị tha của Phật giáo và cũng rất phù hợp trong việc hộ niệm cho hương linh trong tinh thần nhiếp tâm cầu nguyện, gọi là đức chúng như hải vậy.
Trên đây, là góp chút thành ý của người phụ trách mục giải đáp nầy. Mong rằng tất cả liên hữu, phật tử chúng ta, tưởng cũng nên suy xét lại cho thật kỹ, để chúng ta có thể chuyển đổi qua một hình thức như Đại Đức Thích Phước Tấn đã làm vừa qua trong đám tang của phật tử Nguyễn thị Hoàng Ánh. Qua đó, theo tôi được biết, mọi người đều rất hoan hỷ tán đồng. Vì nó rất hữu ích cho cả hai: kẻ còn và người mất đều được lợi lạc vậy.

Vấn đề xả tang cho cha mẹ
Hỏi: Kính bạch thầy, trường hợp cha mẹ mình chết ở Việt Nam, nhưng vì hoàn cảnh bất như ý mà không về để chịu tang cho cha mẹ được, con có thể tới chùa ở đây để xin làm lễ thọ tang và sau 49 ngày xin xả tang. Xin hỏi: như thế có được không?
Đáp: Xin thưa ngay là được không có gì trở ngại. Trường hợp của Phật tử vì một lý do hoàn cảnh nào đó quá đặc biệt, ngoài ý muốn, nên khi hay tin cha hay mẹ mình mất mà không thể về Việt Nam được để thọ tang, thìPhật tử và gia quyến trong thân thuộc có thể đến chùa để xin chư Tăng Ni làm lễ thọ tang. Điều nầy, theo tôi, thì không có gì là bất hiếu hay khó xử cả.
Cần nói thêm, việc cư tang, đây là một phong tục bắt nguồn từ Nho Giáo mà ra. Trong Phật giáo không có đề cập đến việc phục sức tang chế. Tang chế là một hình thức biểu lộ lòng thành hiếu thảo của người con. Quan niệm của tổ tiên ta, coi sự tử như sự sinh. Lúc còn sống mình đối xử với những người thân thuộc như ông bà cha mẹ… của mình như thế nào, thì khi chết cũng phải cư xử như thế đó. Do vậy, nên việc để tang là một biểu nghi hình thức để bày tỏ nỗi nhớ thương người đã khuất bóng.
Ngày xưa, việc cư tang rất lâu, phải qua cái lễ cúng đại tường. Đại tường là 2 năm còn tiểu tường là một năm. Cho nên, ngày xưa các con cháu phải để tang cho cha mẹ ông bà phải đúng 2 năm mới xả. Nghĩa là phải qua cái lễ giỗ đại tường. Nhưng về sau nầy, người ta lại giảm lần đi. Vì để tang lâu, có nhiều việc bất tiện, trở ngại nhiều thứ, nhứt là trong vấn đề cưới hỏi hoặc làm ăn v.v…
Từ đó mà người mình không còn giữ đúng theo phong tục ngày xưa nữa. Bây giờ, thông thường là sau 49 ngày là con cháu có thể làm lễ xả tang.
Như vậy, Phật tử cứ đến chùa xin chư Tôn đức Tăng Ni để làm lễ thọ và xả tang đều được cả. Đây là vì hoàn cảnh bất khả kháng, chớ kỳ thật Phật tử đâu có muốn như thế. Vì cha mẹ hay ông bà là những người thân thuộc nhứt đời mình, lẽ ra là mình phải về để cư tang mới đúng đạo làm con, nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc phải như thế. Xin Phật tử cứ yên tâm, không ai trách cứ Phật tử khi mà hoàn cảnh không cho phép.

Việc tụng kinh cầu siêu cho người chết có thật sự siêu hay không?
Đáp: Vấn đề nầy, thú thật chúng tôi không thể nào trả lời một cách quả quyết dứt khoát được. Bởi không thấy, không biết, thì làm sao dám nói quả quyết. Tuy nhiên, theo chỗ học hiểu của chúng tôi, thì người Phật tử hay không phải Phật tử, tốt hơn hết là mình nên cầu siêu cho chính mình lúc còn sống.
Cầu siêu lúc còn sống là sao? Bởi vì hai chữ cầu siêu, nó có nghĩa là mong mỏi vượt qua mọi khổ đau. Nhưng nếu chúng ta chỉ cầu siêu suông bằng cách nói như thế, thì ngàn đời cũng không thể nào vượt qua khỏi khổ đau được. Muốn vượt qua khỏi khổ đau, thì chúng ta cần phải tu. Nghĩa là chúng ta cần phải làm lành lánh dữ. Điều gì xấu ác, không lợi cho bản thân và tha nhân, thì chúng ta quyết định không làm. Như người Phật tử, sau khi quy y thọ ngũ giới rồi, quyết tâm gìn giữ không phạm, được thế, thì hiện đời đã siêu rồi, còn nói gì đến đời sau. Ngược lại, điều xấu ác luôn làm, thì làm sao tránh khỏi quả báo khổ đau.
Có người vì quá tham lam, sân hận, gây ra thảm cảnh cướp của giết người. Có người vì nghiện ngập cờ bạc, rượu chè say sưa, hút xách, không kiềm chế được tánh xấu, nên đã gây ra nhiều tội phạm, bị pháp luật trừng trị hình phạt tương xứng theo nhân mà họ đã gây tạo, như bị đánh đập tra khảo tù đày v.v…
Như thế, thì làm sao chúng ta có thể cầu cho người đó siêu được? Không thể người nầy ăn, người khác lại no, hay người nầy học, người kia biết chữ. Làm gì có chuyện ngược đời như thế. Như vậy là phản với luật nhân quả. Cũng thế, khi một người tạo tội đã bị giam cầm hình phạt, thì ta không thể tối ngày cầu nguyện nói rằng: Xin cho người đó hết tội! xin cho người đó hết tội!
Thử hỏi cầu nguyện như thế người đó có hết tội hay không? Hay là chính do người đó phải cải hối ăn năn qua những hành động mình đã làm và phải thể hiện những hành động cụ thể cho người có trách nhiệm trông coi mình, biết mình có thật tâm cải thiện. Chừng đó, người ta mới xét đến mà ân xá hoặc tha cho.
Còn những lời cầu nguyện van xin kia, chỉ có tánh cách giúp cho tội nhân kia cảm động mà hồi tâm cải ác tùng thiện, cải tà quy chánh, chuyển đổi ở nơi tâm thức và hành động. Chớ nó không có một thần lực nào cứu vớt người đó khỏi tội được. Như vậy, việc cầu siêu chỉ là một trợ duyên thôi. Tất cả đều tùy thuộc vào đương sự. Khổ vui chính do người đó tự quyết định lấy.
Hiểu theo ý nghĩa cầu siêu như thế, thì người Phật tử không còn ỷ lại vào chư Tăng, Ni tụng kinh cầu siêu nữa. Bởi thực tế, thì chư Tăng Ni cũng phải cầu siêu cho chính họ. Và khi tụng thì tụng theo xưa bày nay làm, chớ thật sự không có một vị Tăng Ni nào dám quả quyết là siêu hay không siêu. Vì có thấy biết đâu mà dám nói càn. Thực tế là như thế.
Tóm lại, tự mỗi người phải lo tu, đừng bao giờ ỷ lại vào bất cứ ai kể cả Phật, Bồ tát, vì các Ngài cũng không thể cứu vớt chúng ta, bằng thần lực hay đưa tay cứu khổ. Các Ngài chỉ cứu khổ cho chúng sanh bằng cách chỉ dạy qua những lời được kết tập trong kinh điển. Nếu chúng ta y cứ vào đó mà hành trì, thì đó là chính ta tự cứu lấy ta vậy. Và như thế mới là thượng sách và mới đúng với ý nghĩa cầu siêu. Bằng ngược lại, thì chúng ta sẽ chuốc khổ dài dài đi mãi trong vòng luân hồi khổ đau bất tận. Kính mong mọi người nên tự xét lấy!

Hỏi: Tại sao khi cúng vong hoặc tiến linh cho các bậc Tôn Sư, lại đọc 2 bài chú : Biến Thực và Biến Thủy. Xin hỏi, điều nầy có ý nghĩa gì ?
Đáp: Biến thực chân ngôn hay biến thực chú, hoặc biến thực đà la ni, đây là thần chú biến hóa thức ăn để cúng thí cho chư thiên và ngạ quỷ. Về nguyên nhân có ra thần chú nầy, theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang quyển 1 trang 752 có ghi như sau: “Kinh Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni có nói: Phật thuyết pháp ở Tăng già lam ni câu luật na thành Ca tỳ la. Lúc bấy giờ, Tôn giả A Nan ngồi một mình nơi thanh vắng tu tập thiền định. Sau canh ba, chính Tôn giả A Nan thấy một ngạ quỷ Diệm Khẩu, thân hình xấu xí khô gầy, trong miệng lửa cháy, yết hầu nhỏ như đầu kim, tóc rối, răng móng dài nhọn rất đáng kinh sợ.
Ngạ quỷ ấy bảo A Nan rằng: Sau 3 ngày nữa A Nan sẽ chết và cũng đọa vào trong loài ngạ quỷ. A Nan sợ hãi liền hỏi phải làm cách nào để được thoát khổ? Ngạ quỷ Diệm Khẩu bèn chỉ rõ cho A Nan: Nếu cúng thí vật thực cho vô lượng ngạ quỷ cùng trăm ngàn Bà La Môn Tiên (là một loại tiên trong loài quỷ) và cúng dường Tam Bảo rồi hồi hướng công đức cho chúng để chúng được sanh lên cõi trời và người ấy được tăng thêm tuổi thọ. Tôn giả A Nan liền đến chỗ Phật, đem việc ấy bạch lên và cầu xin Phật chỉ dạy. Đức Phật vì ngạ quỷ Diệm Khẩu tuyên nói Đà la ni biến thực chân ngôn có vô lượng oai đức tự tại quang minh thù thắng diệu lực.
Theo Tiêu Thích Kim Cang Khoa Nghi Hội Yếu Chú Giải 2 thì hành giả niệm chân ngôn nầy được 3 biến, 7 biến hoặc 21 biến thì nhờ thần lực của chân ngôn, các vật cúng tự nhiên biến thành các món ăn ngon của chư thiên, món nào cũng đều rất nhiều như cả núi Tu Di. Thực hành phép biến thực nầy, trước dùng Tịnh pháp
giới chân ngôn chữ “Lam” và bắt ấn kiết tường gia trì 21 biến để làm cho thức ăn được thanh tịnh, kế đó niệm Biến thực chân ngôn rồi sau niệm Phổ cúng dường chân ngôn (Đại 92, 137 hạ) Án, nga nga nẳng, tam bà phạ, phiệt nhật ra hồng".
Ngoài ra, theo bộ Oánh Sơn Hòa Thượng Thanh Qui hạ của Nhật Bản thì có thêm chân ngôn rảy nước trì tụng trong hội cúng thí cho ngạ quỷ (Đại 82, 446 trung) là: Nam mô tát phạ đát tha nga đa, phạ lồ chỉ đế, án, tam bạt ra, tam bạt ra hồng.

No comments:

Post a Comment