shared http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/249421/21-cach-day-con-khong-can-keu-gao-quat-mang.html
10/07/2015 01:00 GMT+7
Bất chấp những lời khuyên đăng tải đầy trên báo về việc "dạy con không nước mắt", nhưng thú nhận đi, sẽ có những lúc bạn giận đến điên người và quên phắt mọi lý thuyết khoa học. Bạn gào lên, quát tháo. Tại sao con bạn lại không chịu nghe lời? Dù chỉ một lần?
Khi cơn giận qua đi, bạn lại muốn ôm chúng vào lòng và tự thề với lòng mình rằng sẽ thay đổi. Mình không thể mãi là một bà mẹ cáu kỉnh, liên tục quát mắng. Điều đó không hề dễ dàng chút nào. Sẽ có những lúc bạn yếu đuối nhưng chỉ cần quyết tâm, mọi chuyện sẽ đỡ hơn. Bạn sẽ không còn quát mắng nhiều như trước đây nữa. Bạn lắng nghe trẻ nhiều hơn, ôm ấp trẻ nhiều hơn trước khi mọi chuyện trở nên tệ hại, thay vì ôm chúng vào lòng sau khi chuyện đã rồi và cảm thấy mình có lỗi.
Câu hỏi đặt ra là bạn thay đổi bằng cách nào? Cần tới 21 ngày để bạn hình thành một thói quen, do đó, danh sách dưới đây bao gồm 21 cách để ngừng la mắng con.
1. Nhờ trợ giúp: Hãy trò chuyện với trẻ và chồng của bạn về kế hoạch này của bạn. Hãy nhờ bọn họ nhắc nhở bạn không được la hét khi bạn chuẩn bị có dấu hiệu mất kiểm soát.
2. Thở thật sâu và đếm nhịp thở: Nghe có vẻ đơn giản nhưng nó sẽ giúp bạn tạm dừng cơn giận và nhận thức được chuyện gì sắp xảy ra.
3. Nhắm mắt lại: Trong tâm trí, bạn có thể gào thét mọi điều mình muốn gào thét, thậm chí là ném đồ lung tung - tóm lại là làm bất cứ điều gì giúp bạn giải tỏa cơn bực trong tình huống đó, hoặc là bạn ước mình có thể làm. Sau khi đã tưởng tượng đủ, hãy mở mắt ra và xử lý tình huống. Tuyệt đối KHÔNG LA MẮNG!
4. Bỏ qua chuyện nhỏ: Bọn trẻ xới tung cả nhà lên và để lại một đống lộn xộn khổng lồ? Hãy xua trẻ sang phòng khác và làm việc khác, như xem TV, chuẩn bị bữa trưa chẳng hạn. Làm gì cũng được, trừ thu dọn đống lộn xộn đó. Hãy xua tâm trí của bạn khỏi cơn giận ban đầu để chuyển sang điều gì đó dễ chịu hơn. Một khi đã thư thái trở lại, bạn có thể gọi trẻ quay lại và cùng chúng dọn dẹp.
5. Nấu nướng gì đó - Với những bà mẹ ưa nấu nướng, đấy là cách giải tỏa cực tốt khi cáu giận, vì bạn sẽ tập trung tâm trí vào việc mình yêu thích.
6. Chế tác thứ gì đó - bạn có thể nặn đất sét hoặc làm một món đồ thủ công nào đó, một mình hoặc cùng với trẻ.
7. Tô màu - Cho trẻ ít giấy và màu để chúng giết thời gian đâu đó.
8. Đọc sách - Hãy thả mình vào một thế giới khác. Thay vì la mắng, hãy ra chỗ khác và đọc một/hai chương sách yêu thích.
9. Đi vào phòng tắm, khóa cửa lại. Phớt lờ những bàn tay đập cửa đòi vào của trẻ. Hãy đợi cho bình tĩnh lại rồi mới mở cửa và thò đầu ra.
10. Hét vào một cái gối - Lao thẳng vào phòng ngủ, hét vào cái gối to hết mức có thể.
11. Hãy hỏi thật nhiều - Thay vì la mắng, hãy hỏi trẻ chuyện gì đang xảy ra. Con có muốn mẹ chơi cùng con không? Con có bị đau không? Mệt không? Con có muốn ăn snack không? Hãy tiếp cận tận gốc vấn đề.
12. Đặt mình vào vị trí của con - Nếu như có người la mắng bạn, bạn sẽ cảm thấy như thế nào?
13. Ra khỏi nhà - Sắp xếp hành lý cho trẻ rồi cả nhà đi đâu đó, đâu cũng được. Việc thay đổi khung cảnh sẽ giúp mọi người cải thiện tâm trạng.
14. Chơi cùng trẻ - Rất nhiều lúc trẻ cảm thấy chán chường khi mẹ không chú ý đến chúng do còn mải làm việc nhà hay ngồi laptop. Bạn có thể khắc phục điều này bằng cách chiều theo yêu cầu của trẻ.
15. Gọi cho một người bạn - Tâm sự với ai đó sẽ giúp vợi bớt bức xúc.
16. Hãy giả vờ như bạn vừa bị sa thải - Hãy tạm coi lũ trẻ là sếp của bạn. Nếu như bạn phản ứng bằng cách hét vào mặt hoặc la hét sếp, kết quả sẽ ra sao?
17. Giả vờ như mình có khán giả - Nếu như có nhiều người đang quan sát phản ứng của bạn với trẻ, bạn sẽ làm thế nào? Các khán giả sẽ đánh giá sao về bạn?
18. Hãy nhẩy lên: Cách này có lợi nhiều bề: Nó vừa giúp bạn phân tán năng lượng thông qua vận động cơ thể thay vì hò hét, vừa khiến bọn trẻ trố mắt ra và bật cười rũ rượi. Sự căng thẳng sẽ được giảm bớt phần nào.
19. Viết ra giấy cơn giận - Hãy viết ra giấy cảm nhận của bạn lúc đó, vì sao bạn lại cảm thấy như vậy. Nó sẽ khiến bạn có thời gian để suy nghĩ về mọi chuyện. Không cần viết dài, đến cuối ngày, bạn có thể đọc lại những gì khiến mình bức xúc và tính toán để lần sau cư xử tốt hơn.
20. Tiệc khiêu vũ - Thay vì la hét, hãy khai màn ngay một bữa tiệc khiêu vũ. Hãy bật ca khúc yêu thích rồi nhảy theo.
21. Ôm trẻ vào lòng: Kéo trẻ lại gần và cho chúng thấy tình yêu của bạn dành cho chúng.
Nên nhớ rằng sự thay đổi sẽ không diễn ra chỉ sau một đêm. Sẽ có những lúc bạn cảm thấy rất nản, nhưng chỉ cần cố gắng, tôi tin chắc bạn sẽ thấy mãn nguyện với kết quả đạt được, nhất là trong việc cải thiện quan hệ giữa mình với trẻ.
Thiên Ý
No comments:
Post a Comment