Vì ông nội là thầy thuốc dân tộc, cho nên thuở nhỏ cha luôn muốn phụ giúp vào việc bào chế thuốc. Chân ông thì đạp vào bánh xe đá để nghiền thuốc, tay thì xắt thuốc, mắt thì xem sách của mình, miệng lại luyện tập ca hát. Ông bảo, có thể nói ông rất bận rộn trong việc phụ giúp vào nghề của gia đình, lại còn theo học tại viện y học Đài Loan. Vả lại, bấy giờ bà nội lại muốn ông trở về giúp việc gia đình, không muốn để cho ông học tại viện y học, một bức thư cũng bảo ông thôi học, hai bức thư cũng bảo ông thôi học. Ông chẳng có cách nào khác, chỉ còn cách là nhận học bổng vừa học, vừa làm, thậm chí còn đến ca hát ở đài phát thanh. Có thể nói là ông rất cực khổ mới hoàn thành việc học. Nghe cha tôi nói về việc cầu học của ông, quả thật tôi thấy việc học của mình thật quá dễ dàng. Vì cha mẹ tôi đã tạo cho chúng tôi hoàn cảnh học tập rất tốt, cho nên nếu tôi chỉ chuyên đọc một vài cuốn sách mà đọc không xong thì quá sơ suất, quá đáng hổ thẹn.
“Ngay cả việc này mà cũng không làm được, thì con còn có thể làm được việc gì chứ?”.
Cha tôi vẫn thường có một câu nói, anh em chúng tôi thường cười mà bảo đây là câu nói đầu tiên của cha tôi, đó là: “Ngay cả việc này mà con cũng không thể làm được thì con còn có thể làm được việc gì chứ?”. Nếu chúng tôi làm không tốt một việc gì, thì ông bèn hỏi: “ngay cả việc này mà con cũng không làm được thì con còn có thể làm được việc gì chứ?”.
Ông cứ hỏi mãi như thế lâu ngày chúng tôi biết cách tự hỏi, không dám nói việc gì là khó mà không làm được.
Có một lần vào buổi trưa, trên đường tan học về nhà, đi đường mồ hôi nhễ nhãi, bước vào cửa tôi nói trời nóng quá, cha tôi liền bảo: “Nắng có một chút mà không chịu đựng nổi thì con còn làm gì được?”. Cha tôi là người vào mùa đông vẫn tắm nước lạnh, nếu chúng tôi bảo trời lạnh thì ông nói: “trời lạnh thì sợ lạnh, trời nóng thì sợ nóng, một chút nóng lạnh cũng không chịu được, con còn có thể làm được việc gì chứ?”.
Một số bậc cha mẹ, phần lớn khi trời lạnh thì vội vàng bảo các con mặc quần áo để khỏi bị lạnh, còn cha tôi thì không hề nói như thế, ông bảo cần phải tôi luyện mới có thể có sức chịu đựng và sức đề kháng. Ví như nói: Ngày mai nhà trường sắp có kì thi, lúc này miếu thần gần nhà có diễn tuồng đánh chiêng, đánh trống, nếu như tôi bực mình vì ồn ào quá không học được, thì ông nói: “ngay như vậy mà con không thể chuyên tâm thì con còn làm gì được?”. Ông lại bảo tôi đến chổ ồn ào hơn để luyện tập, tập trung tinh thần, không vì ngoại giới ảnh hưởng mà không chuyên tâm. Câu nói ấy của cha tôi rất có ích. Khi tôi gặp những trở ngại trong công việc thì câu nói này lại vang bên tai, khiến tôi khắc phục được khó khăn, khiến tôi phát triển được năng lực mà từ trước tôi không có.
Từ nhỏ tôi vốn không thích xem truyền hình, nhưng cha tôi buộc tôi phải xem hát dân gian, “Lục hợp tam hiệp”, mặt khác còn bảo tôi học tiếng Đài Loan, vì nhà trường qui định giảng dạy bằng quốc ngữ, mà tôi lại không thông thạo tiếng Đài Loan. Lại nữa, ông nói trong tuồng dân gian có triết học nhân sinh nên bảo tôi nhất định phải xem. Một hôm tôi xem xong, ông hỏi tôi: “Trong tuồng Lục hợp tam hiệp, Sử Diễn Văn là người tốt nhưng gặp vận lao đao, bị kẻ xấu hãm hại, bị truy sát, té xuống vực sâu vạn trượng, Tăng Kính Nhân cùng mấy tên xấu lại nhảy múa dương oai. Nếu như làm người tốt mà gặp vận xấu thì con có muốn làm người tốt không?”.
Những vấn đề mà cha tôi nêu lên đều khiến người ta phải suy gẫm. Bấy giờ tôi cũng không trả lời ngay được mà phải suy nghĩ rất lâu, thậm chí trong đời sống sau này tôi thường gặp những vấn đề như thế mới hiểu ra rằng làm người rất khó, thường phải rơi vào vực sâu vạn trượng! Nhưng cái kết quả mà tôi nghĩ: Rơi vào vực sâu vạn trượng chẳng hề là người bất hạnh, nhân vì “xin xem hồi sau sẽ rõ” thì có thể biết, rơi xuống vực sâu vạn trượng là thời cơ tốt cho sự chuyển biến của nhân duyên, cũng chính là lúc võ công của Sử Chính Văn phải tiến bộ lên nhiều! Một người tốt nếu không phải rơi vào hang sâu vạn trượng thì cũng không thể chứng tỏ được cái tốt của người ấy. Cần nói thêm nếu người tốt bị rơi vào vực sâu vạn trượng thì người ấy cũng phải tự kiểm thảo “Vì sao mà bị rơi xuống?”. Rốt lại là bước chân ấy đạp không vững mới bị té xuống chăng? Phải thừa nhận rằng cái sức quán chiếu tự mình có điều thiếu sót thì mới bị rơi. Cho nên về sau tôi có được lời giải đáp, đó là: “Rốt lại không phải là không thể làm được người tốt”. Điều căn bản là không cần phải lo lắng bị rơi vào vực sâu vạn trượng là nơi thuận tiện để luyện võ công, bồi dưỡng khinh công. Cứ mỗi hòn đá vướng cản chân đều có thể dùng làm hòn đá kê chân, để cho chúng tôi trèo lên cao hơn, thấy được xa hơn. Trên thế giới cũng không ai qui định là bị người ta đẩy xuống vực sâu vạn trượng là phải chết!
Trong phẩm Phổ Môn, Quán Thế Âm Bồ Tát há chẳng bảo chúng ta rằng: “Khi bị kẻ ác truy đuổi mà bị rơi xuống núi Kim Cương, mà nghĩ đến sức mạnh từ bi vĩ đại của Quán Thế Âm Bồ Tát thì ngay cả một sợi lông cũng không bị thương tổn”. Thực ra nếu lòng chúng ta tràn sự đại từ đại bi của Bồ Tát Quán Thế Âm, ngay cả quan niệm “Tự ngã” cũng không có thì một sợi lông há có thể bị thương tổn ư? Thật ra nếu rốt ráo là người tốt thì Phật đạo đã viên mãn, nên ngay cả một sợi lông cũng không hề bị tổn thất. Chỉ e rằng không làm người tốt một cách rốt ráo, nên cứ thương tiếc mình, đấu tranh cho mình. Hồi cha tôi còn tại thế, tôi chưa có dịp để thảo luận về điểm này với ông, nhưng tôi nghĩ hẳn ông cũng đồng ý!
Anh chị em chúng tôi bàn đến một chuyện mà mỉm cười với nhau. Các bậc cha mẹ thường mỗi khi nguy biến thì ôm chặt lấy con cái, còn cha tôi lại khác. Hồi tôi còn nhỏ, cha chúng tôi dẫn chúng tôi băng qua ngã tư đường, tại chỗ đèn xanh, đèn đỏ xe cộ qua lại nhiều, ông thường đột xuất buông tay để chúng tôi tự qua. Lần thứ nhất gặp tình huống như vậy thật là phải giật mình hoảng sợ! Thế mà cha tôi vẫn không quay đầu nhìn chúng tôi, chúng tôi chỉ có cách là phải tự mình hết sức cẩn thận đi qua mà theo kịp ông. Ấn tượng này thật sâu đậm. Bấy giờ cha tôi chẳng giải thích gì cả, sau đó rất lâu ông mới nói: “Cha đâu có thể dẫn dắt các con suốt đời được, các con phải tự mình vượt qua bất cứ con đường nào!”.
Thật thế, đường đời rất gian khổ, cha tôi đã vượt qua đèn xanh, đèn đỏ rất phức tạp, đã vãng sanh tại Tây phương để lại chúng tôi một mình phải cẩn thận đến bờ bên kia. Cho dù không có người dẫn dắt cũng phải tự mình đi cho vững, luôn luôn phải nêu cao giác tính, tiến đến bàn tay Đức Phật A Di Đà! Cha tôi rất thanh thoát, ông vẫn thường nói: “Cha tự lo liệu được không phải làm phiền các con, các con tự lo liệu được không phải làm phiền cha. Thân tình không nên ràng buộc nhau!”. Lời nói này mới nghe qua tưởng như vô tình, thật ra đây là mối thân tình rất trí tuệ có sức dẫn dắt lại không chút ngăn ngại. Mối thân tình không ràng buộc này qua bao ngày tháng lại càng thấy nó có ý vị. Xem ra vô tình mà lại có từ bi, ích lợi thâm sâu, thật là một tình cảm sâu đậm nhất.
No comments:
Post a Comment