Sunday, April 24, 2016

'..tâm bao hàm dung nạp cả hư không rộng lớn..'

Cứ bề ngoài mà xét, có vẻ cha tôi rất phản đối việc học Phật, thật ra ông chính là người dẫn đạo tôi học Phật. Có điều ông không trực tiếp chỉ dẫn khuyến khích, ông dùng cách giáo dục phản diện.
Vì ông rất bận bịu công việc, nên ông rất ít trò chuyện với chúng tôi, chỉ vào lúc dùng cơm ông mới có thể giảng vài điều. Khi tôi còn đi học, có lần tôi cùng cha tôi dùng cơm, ông bèn chỉ vào bàn tay cầm chén của tôi mà hỏi: “Bàn tay này có phải là của con chăng? Nếu như chặt bàn tay trái của con đi, con có còn là con nữa không?”. Câu hỏi này khiến tôi ngạc nhiên, quả là tôi chưa bao giờ nghĩ tới tình huống mình bị chặt mất bàn tay trái, cho nên tôi không dám gật đầu mà cũng không dám lắc đầu.Ông lại hỏi: “Nếu như chặt luôn bàn tay phải của con thì con có còn là con nữa không? Nếu như chặt luôn bàn chân con nữa thì sao?”. Ông tỏ ra rất nghiêm túc, tôi nghe như thế mà bàng hoàng. Ông lại hỏi: “Rốt lại phải chặt con đến chừng nào thì con mới không phải còn là con? Rốt cuộc con là cái gì?”. Hỏi như thế xong ông bèn đứng lên đi khám bệnh.
Bấy giờ tôi bị ông hỏi như thế, ngày nào cũng nghĩ đến những câu hỏi ấy, cứ suy nghĩ mãi mà vẫn không thông. Sau này xem kinh Phật tôi mới biết đây là vấn đề nghiên cứu trong Phật pháp. Chúng ta mỗi ngày mở miệng, ngậm miệng là nói “tôi”, đâu cũng đều vì cái “tôi” mà hành động, mà tranh chấp. Rốt cuộc cái gì là “tôi”, tự mình cũng không biết. Từ nhỏ đến lớn, thân thể và tư tưởng đều thay đổi, rốt cuộc cái nào là “tôi”? Sau khi chết rữa nát, bị thiêu đốt mất thì tôi còn ở chỗ nào? Chỉ vì cái quan niệm về một cái “tôi” vô cùng vi diệu mà phải chịu bao nhiêu luân hồi, bao nhiêu là khổ não, đồng thời cũng tạo bao nhiêu là nghiệp. Tôi rất cảm ơn những câu hỏi của cha tôi đã hướng dẫn tôi từ trong cái quan niệm bị ràng buộc về “tôi” (ngã) mà dần giải thoát, tìm đến con đường giải thoát của Phật giáo.
Cách thức giáo dục của cha tôi tuy thường là hỏi vặn, lại không trực tiếp cho lời giải đáp; nhưng ông cũng xem tình huống, trong trường hợp đứa trẻ không thể tự hiểu được, ông sẽ rất từ bi mà giảng giải. Tôi còn nhớ môn khoa học tự nhiên ở cấp lớp bốn bậc tiểu học, giảng giải đề tài thiên văn về các hành tinh. Vì tôi tự xem các đồ hình trong sách mà so sánh với các vì sao trên trời nhưng so sánh không được nên rất buồn phiền, lại không dám hỏi cha tôi, sợ ông hỏi vặn: “Cái này mà con cũng không hiểu ư?”. Nhưng lần này quả thật tôi không hiểu, cũng chỉ đánh liều mà nhờ ông chỉ dạy. Thật bất ngờ, lần ấy ông rất thân mật, mang ra rất nhiều sách thiên văn và những bút kỳ đồ họa về thiên văn do ông tự vẽ, tôi mới biết cha tôi đã từng bỏ nhiều công sức về môn thiên văn.
Tối hôm đó, bầu trời rất trong, cha tôi dẫn tôi đến đài Ngũ lâu để xem các vì sao. Ông chỉ vào một vì sao mà nói với tôi: “Vì sao này có quỹ đạo của trái đất quay quanh mặt trời, nó lớn như thế, nhưng chúng ta lại thấy nó nhỏ hơn cái bóng đèn, thế đủ biết con mắt chúng ta khi quan sát có vấn đề”. Cha tôi đã cho tôi những đề tỉnh rất tốt: Cái mà chúng ta thấy, không hẳn là đúng, lại còn khác với thực tế rất xa. Cha tôi tìm sao bắc cực, sao bắc đẩu mà chỉ cho tôi thấy, và nói với tôi: “Những vì sao mà con đang thấy đây hoàn toàn không phải là những vì sao của hiện tại mà là những ánh sáng của vì sao quá khứ. Ánh sáng xuất phát từ những vì sao hiện tại thì chúng ta không thấy được”. Mới đầu tôi nghe như không hiểu. Cha tôi nói: “Vì những vì sao này ở cách xa chúng ta quá, xa quá nên phải dùng “năm ánh sáng” làm đơn vị để tính toán.
Thế nào là “năm ánh sáng”? Đó là khoảng cách ánh sáng đi được trong một năm. Chúng ta biết rằng tốc độ của ánh sáng là rất nhanh, một giây có thể đi được 300 ngàn cây số, có thể đi quanh trái đất rất nhiều vòng. Với tốc độ nhanh như thế, phải đi trong vòng một năm mới đạt được một khoảng cách gọi là một năm ánh sáng. Những vì sao này ở cách xa chúng ta, xa đến nỗi ánh sáng xuất phát từ nó phải đi hàng chục năm, hàng trăm năm, thậm chí cả hàng trăm ngàn năm mới có thể đến được trái đất. Con đủ hiểu rằng vũ trụ lớn biết dường nào!”. Nghe lời giải đáp của cha tôi, tôi nhìn thẳng lên bầu trời thẳm. Tối hôm ấy cha tôi bỗng nhiên đem cái tâm của tôi mà kéo đến không gian xa thẳm. Thật ra chính ông là người dạy tôi về ý nghĩa Đức Phật A Di Đà: “Vô Lượng Quang Minh, Vô Lượng Thọ Mệnh”. Ông dạy tôi hiểu được không gian vô hạn, thời gian vô hạn. Ông khiến tôi nghĩ rằng: Chúng tôi không đi thưởng ngoạn cái vũ trụ rộng lớn như thế mà lại phóng tầm mắt vào một số chuyện nhỏ chẳng quan trọng chút nào, thật đáng nực cười. Nhưng nói đi nói lại, cái không gian rộng lớn như thế lại đi xuyên vào con ngươi để được nhìn thấy, cái thời gian lâu dài như thế mà có thể được cái tâm niệm trong một sát na nhận hiểu. Nói như thế thì tâm của chúng ta có phải lớn nhất chăng?
Kinh Hoa Nghiêm nói: Lớn và nhỏ có thể bao dung nhau, ý nghĩa này không phải là dễ hiểu. Ngày hôm ấy cha tôi dạy tôi nhìn các vì sao, chính là hướng dẫn cho tôi thể hội ý nghĩa của kinh Phật. Con người của chúng ta có thể thâu nạp cái hư không rộng lớn; một hiện tượng trong một sát na có thể bao hàm thời gian vạn cổ. Điều này thật là kì diệu mà cũng rất bình thường vậy. Trong những sự việc bình thường vốn vẫn có ý nghĩa kì diệu nhất. Nhiều người thường luôn miệng nói: “không hiểu nổi”, thực ra tâm chúng ta có thể bao hàm dung nạp được cả cái hư không rộng lớn như thế này, sao lại có gì mà không hiểu nổi chứ! Người thường nói “không hiểu nổi”, quả là người xem cái tâm của ta quá nhỏ. Nếu biết được sự vô cùng rộng lớn của tâm thì sẽ không cảm thấy không hiểu nổi.
LikeShow more reactions
Comment

No comments:

Post a Comment