Thương Ương Gia Thố (hay Tsangyang Gyatso, phiên âm tiếng Tạng: tshang-dbyangs rgya-mtsho) (1683-1706) là vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 6 của Tây Tạng, tác giả của không ít những bài thơ tình ưu mỹ động lòng người.
Ông là người tộc Monpa, sinh năm Khang Hi thứ 22 trong một gia đình nông dân dưới chân dãy Narayan, vùng Môn Ngung, quận Đạt Vượng, Nam Tây Tạng*. Gia đình nhiều đời là tín đồ Ninh-mã phái thuộc Phật giáo Tây Tạng. Cha là Trát Hỉ Đan Tăng, mẹ là Tài Vượng Lạp Mạt. Mười bốn tuổi quy y, tiến nhập cung điện Potala trở thành Đạt Lai Lạt Ma, người đứng đầu Cách-lỗ phái. 10 năm sau vì cuộc đấu tranh chính giáo ở Tây Tạng, bị triều Thanh phế truất, áp giải đi phương Bắc, nửa đêm bỏ trốn, không rõ kết cục.
Gia đình Thương Ương Gia Thố có truyền thống theo Ninh-mã phái (Hồng giáo) của Phật giáo. Giáo quy của giáo phái này không cấm các thầy tu cưới vợ, sinh con. Mà Cách-lỗ phái (Hoàng giáo) của Đạt Lai Lạt Ma thì nghiêm cấm tăng lữ kết hôn lập gia đình, gần gũi nữ giới. Đối với những quy tắc thanh quy này Thương Ương Gia Thố khó có thể tiếp nhận được. Cuộc sống 14 năm ở nông thôn khiến cho ông vừa có vô số trải nghiệm trong cuộc sống trần tục, cũng khiến cho ông hướng về tình yêu một cách tự nhiên, kích thích cảm hứng thơ ca trong ông. Ông không những không trói buộc những tư tưởng, tình cảm, hành động của mình bằng giáo quy mà còn dựa vào tư tưởng độc lập của bản thân viết nên rất nhiều bản “Tình ca” du dương, uyển chuyển.
Tương truyền trước khi được chọn làm Đạt Lai Lạt Ma ông từng có một ý trung nhân thông minh xinh đẹp ở quê. Hai người cả ngày bầu bạn cùng nhau, trồng trọt chăn nuôi, thanh mai trúc mã, tình cảm vô cùng sâu đậm. Sau khi Thương Ương Gia Thố tiến nhập cung điện Potala, ông chán ghét cuộc sống nhàm chán cứng nhắc của người đứng đầu Hoàng giáo trong thâm cung, luôn tưởng nhớ những sinh hoạt phong phú trong dân gian, vương vấn ý trung nhân xinh đẹp. Vào ban đêm ông thường cải trang xuất cung, gặp gỡ tình nhân, theo đuổi cuộc sống tình yêu lãng mạn. Vào một ngày tuyết lớn, Thiết Bổng Lạt Ma buổi sáng ngủ dậy, thấy có dấu chân người trên tuyết, bèn lần tìm theo dấu chân, cuối cùng thấy dấu chân biến mất trong tẩm cung của Thương Ương Gia Thố. Sau đó Thiết Bổng Lạt Ma trừng phạt nghiêm khắc người Lạt ma hầu cận bên cạnh Thương Ương Gia Thố, còn cho người xử tử ý trung nhân của ông, giam lỏng Thương Ương Gia Thố. Những câu chuyện lãng mạn tương tự như thế được truyền lại rất nhiều, nhưng đều kết thúc trong bi kịch.
Một vị cao tăng Phật giáo Tây tạng đã đánh giá: “Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 dùng pháp thế gian giúp người đời được chiêm ngưỡng thế giới tinh thần bao la trong pháp xuất thế. Những bài thơ và bài hát của ông đã làm thanh lọc cả một thời đại và cả những tâm hồn con người trong thời đại đó. Ông dùng lòng từ bi chân thành giúp người đời cảm thụ được Phật pháp không phải là cao siêu không thể với tới, hành vi riêng biệt độc đáo của ông đã giúp chúng ta lĩnh hội được thế nào mới là giáo lí chân chính”.
(Đạt Lai Lạt Ma là người lãnh đạo chính trị và tinh thần của Tây Tạng, là danh hiệu của phương trượng trường phái Cách-lỗ (Gelugpa hay Hoàng giáo, một trong 4 tông phái lớn của Phật giáo Tây Tạng). Người Tây Tạng xem Đạt Lai Lạt Ma là hiện thân của Quan Thế Âm. Mỗi một Đạt Lai Lạt Ma được xem là tái sinh của vị trước)
Thương Ương Gia Thố trở thành người kế thừa của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 là hệ quả đấu tranh chính trị do Tang Kết Gia Thố một tay tạo nên. Khi còn sống, ông phải tồn tại dưới bóng ma của Tang Kết Gia Thố, cuộc đời ngắn ngủi của ông lưu lại rất nhiều bài thơ tình xúc động sâu sắc, cùng với rất nhiều những truyền thuyết lãng mạn đầy tình cảm, nhưng đa số đều kết thúc trong bi kịch.
BIẾN CỐ CUỘC ĐỜI
Ngày 25 tháng 2 năm 1682, Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 La Tang Gia Thố sau khi xây lại xong cung điện Potala thì từ trần. Đệ tử thân tín của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 là Tang Kết Gia Thố, dựa theo tâm nguyện của La Tang Gia Thố và cục diện hiện thời của Tây Tạng, bí mật làm đám tang, che giấu đông đảo giới tăng lữ cùng hoàng đế Khang Hi, người nắm quyền đương thời, trong tận đến 15 năm.
Năm 1696, hoàng đế Khang Hi dẹp yên cuộc nổi loạn của Cát Nhĩ, vô tình biết được Đạt Lai Lạt Ma đã qua đời từ nhiều năm trước, vô cùng phẫn nộ, gửi thư chất vấn nghiêm khắc Tang Kết Gia Thố. Tang Kết Gia Thố một mặt thú nhận sai lầm với Khang Hi, một mặt đưa ra chuyển thế linh đồng đã tìm được từ nhiều năm trước mà bị giấu đi. Đứa bé này chính là thi nhân lãng mạn nổi tiếng trong lịch sử Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 Thương Ương Gia Thố.
Năm 1697, Thương Ương Gia Thố được chọn làm chuyển thế linh đồng của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, bái Ban Thiền Lạt ma thứ 5 La Tang Ích Hỉ làm sư phụ, cạo đầu chịu giới luật sa di, lấy pháp danh là La Tang Nhân Khâm Thương Ương Gia Thố. Ngày 25 tháng 10 cùng năm, tại cung điện Potala ở Lhasa, cử hành lễ tọa sàng, trở thành Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 6. Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 mặc dù là người đứng đầu chính giáo của Tây Tạng, nhưng lại không đủ năng lực để nắm giữ được quyền lực của chính giáo.
Lúc này ở Tây Tạng, cục diện chính trị rối ren. Năm 1701 (năm kim xà lịch Tây Tạng) chắt trai của Cố Thủy Hãn (Gushri Khan) là Lạp Tằng Hãn (Lha-bzang Khan) kế vị, mâu thuẫn với Tang Kết Gia Thố càng ngày càng gay gắt. Tang Kết Gia Thố mua chuộc người hầu trong Hãn phủ, hạ độc trong thức ăn của Lạp Tằng Hãn, bị Lạp Tằng Hãn phát hiện, hai bên bùng nổ chiến tranh, quân Tây Tạng bại trận, Tang Kết Gia Thố bị xử tử. Sau khi biến cố phát sinh, Lạp Tằng Hãn bẩm báo cho hoàng đế Khang Hi chuyện “mưu phản” của Tang Kết Gia Thố, cũng bẩm tấu Đạt Lai Lạt Ma thứ 6 Thương Ương Gia Thố không tuân thủ thanh quy, là Đạt Lai Lạt Ma giả mạo, xin được phế bỏ. Khang Hi chuẩn tấu, quyết định áp giải Thương Ương Gia Thố đi Bắc Kinh. Năm 1706, trên đường áp giải, đến gần bên hồ Thanh Hải thì Thương Ương Gia Thố mất tích, về tung tích của ông thì có vô số lời đồn đãi. Có lời đồn rằng, ông vứt bỏ danh vị, quyết tâm chạy trốn, chu du Mông Cổ, Tây Tạng, Nepal, Ấn Độ rồi qua đời ở Alashan (phía Tây khu tự trị nội Mông Cổ – Trung Quốc), hưởng thọ 64 tuổi.
THƠ CA
Thương Ương Gia Thố là một trong những thi nhân nổi tiếng nhất Tây Tạng, những bài thơ ông viết nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, không chỉ chiếm vị trí quan trọng trong nền văn học Tây Tạng, ảnh hưởng sâu rộng đến bao thế hệ người Tây Tạng mà còn là một đóa hoa hiếm thấy nổi bật trên thi đàn thế giới, gợi hứng thú nghiên cứu cho không ít học giả.
Ông có khoảng 66 bài thơ, các bài thơ của ông ngoại trừ thơ ca tụng ra thì phần lớn là miêu tả tình yêu nam nữ chân thành, hạnh phúc, gặp cản trở thì buồn bã xót thương, đó là lý do vì sao các bài thơ đều được dịch phổ biến thành “Tình ca”. Bản gốc bằng tiếng Tây Tạng được lưu truyền rộng rãi, có bản được chép tay, có bản được khắc gỗ, có bản được truyền miệng, đủ thấy niềm yêu mến sâu sắc của nhân dân Tây Tạng đối với thơ của ông. Bản dịch tiếng Trung thì có ít nhất 10 bản, tiếng nước ngoài thì có tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Nhật. Những cống hiến to lớn của Thương Ương Gia Thố đối với nền thơ ca Tây Tạng là không thể phủ nhận, vĩnh viễn xứng đáng được ghi nhớ và kính trọng. Thương Ương Gia Thố nếu không làm Phật, có lẽ ông sẽ trở thành một người phóng khoáng trên đời, là huyền thoại trong cuộc sống tĩnh lặng, nếu không phải một người có tuệ tâm thì sẽ không thể làm được như thế. Trong tất cả các Đạt Lai Lạt Ma trong lịch sử, ông là người phóng khoáng tự nhiên nhất.
Thơ của ông có rất nhiều phiên bản khác nhau. Không rõ phiên bản nào mới là bản chính xác. Rất nhiều các bài thơ được cho là của ông lưu truyền trên mạng hiện nay cũng không có bằng chứng xác thực có phải là của ông hay không.
“Tự tàm đa tình ô phạm hành,
nhập sơn* hựu khủng ngộ khuynh thành**.
Thế gian na đắc song toàn pháp,
bất phụ như lai bất phụ khanh?”
Dịch nghĩa:
Thật hổ thẹn đã để tấm lòng yêu làm dơ bẩn con đường tu hành
Vào cung rồi lại chỉ sợ sẽ lỡ mất người trong mộng
Thế gian này sao có được biện pháp trọn đôi đường
Không phụ Như Lai, cũng chẳng phụ nàng
(* Nhập sơn: Mình nghĩ đây chỉ việc tiến nhập cung điện Potala của ông. Cung điện Potala từng là nơi ở của các đời Đạt Lai Lạt Ma, được xưng tụng là “thánh địa của Phật”. Đây là một kỳ quan cung điện đồ sộ tọa lạc trên một ngọn núi, là di tích quan trọng bậc nhất của Tây Tạng.
** Khuynh thành: Từ thường được dùng để chỉ người con gái đẹp. Thương Ương Gia Thố có lẽ muốn nhắc đến ý trung nhân của mình)
Hơn ba trăm năm trước, vị Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi đa tình này đã khẽ khàng thốt ra những câu thơ đầy mâu thuẫn từ tận đáy lòng như thế. Hạnh phúc và khổ đau của ông, đều tương quan chặt chẽ đến thứ mà ông phải chọn lựa. Nhưng dù cho ông có nghiêng về phía bên kia, số phận của ông đã được định sẵn là không thể nào toàn vẹn. Dù có là một Đạt Lai Lạt Ma cao quý, Thương Ương Gia Thố vẫn phải trả giá vì sự lựa chọn và mâu thuẫn của mình.
Giống như câu cảm thán trong một bài viết: Địa vị dù cao quý đến thế cũng chẳng đổi được một mối tình giản đơn
Nguồn: Baike.baidu.com
NA NHẤT DẠ (phiên bản thứ hai)
“Na nhất khắc, ngã thăng khởi phong mã, bất vi khất phúc, chích vi thủ hậu nhĩ đích đáo lai;
Na nhất thiên, bế mục tại kinh điện đích hương vụ trung, mạch nhiên thính kiến nhĩ tụng kinh đích chân ngôn;
Na nhất nguyệt, ngã chuyển động sở hữu đích kinh đồng, bất vi siêu độ, chích vi xúc mạc nhĩ đích chỉ tiêm;
Na nhất niên, ngã khái trường đầu bồ bặc tại sơn lộ, bất vi cận kiến, chích vi thiếp trứ nhĩ đích ôn noãn;
Na nhất thế, ngã chuyển sơn chuyển thủy chuyển phật tháp nha, bất vi tu lai thế, chích vi đồ trung dữ nhĩ tương kiến.
Thiên không trung khiết bạch đích tiên hạc, thỉnh tương nhĩ đích song sí tá ngã
Ngã bất vãng viễn xử khứ phi, chích đáo lý đường tựu hồi
Chích thị, tại na nhất dạ
Ngã vong khước liễu sở hữu, phao khước liễu tín ngưỡng, xá khí liễu luân hồi
Chích vi, na tằng tại phật tiền khốc khấp đích mân côi, tảo kỷ thất khứ cựu nhật đích quang trạch”
Dịch thơ:
Một đêm đó (phiên bản 2)
Khoảnh khắc đó, ta giương cao cờ phong mã [1], không vì cầu phúc, chỉ vì ngóng đợi người xuất hiện
Một ngày đó, ta nhắm mắt đắm chìm trong làn khói điện thờ, bất chợt nghe thấy tiếng tụng kinh của người
Một tháng đó, ta xoay chuyển tất cả bánh xe cầu nguyện [2], không vì siêu thoát, chỉ vì chạm được ngón tay người
Một năm đó, ta dập đầu quỳ rạp trên đường núi, không vì gặp mặt, chỉ vì kề cận hơi ấm của người
Một đời đó, ta qua sông qua núi qua tháp Phật, không vì tu luyện cho kiếp sau, chỉ vì giữa đường gặp lại người
Hỡi cánh hạc tinh khôi trên bầu trời, hãy cho ta mượn đôi cánh của ngươi
Không để bay đến những miền xa lạ, chỉ để trở lại từ Litang [3]
Nhưng trong đêm đó
Ta bỏ quên hết thảy, vứt bỏ tín ngưỡng, không cần cả luân hồi
Bởi lẽ đóa hồng nỉ non trước Phật kia đã sớm mất đi vầng hào quang trong dĩ vãng
[1] Cờ phong mã (cờ ngựa gió, cờ Lung ta): Là một trong hai loại cờ cầu nguyện của người Tây Tạng: loại ngang được gọi là Lungta và loại dọc được gọi là Darchor.
Lungta hay ngựa gió là linh vật thần thoại của người Tây Tạng từ thời tiền Phật giáo, mang trong mình tốc độ của ngọn gió và sức mạnh của con ngựa để chở những lời cầu nguyện từ mặt đất lên thiên đàng.
Ngựa gió đại diện cho những ý nghĩa tích cực như sự sống, sự may mắn, xua tan bóng tối và thắp lên ánh sáng. Trong Phật giáo Tây Tạng, ý thức được coi là phụ thuộc vào một yếu tố siêu nhiên, vào ngọn gió tâm linh (inner air) trong cơ thể. Yếu tố siêu nhiên này được gọi là “ngựa gió” hay lungta trong tiếng Tạng. Ngựa gió mạnh khỏe hay yếu ớt quyết định yếu tố chi phối trong ý thức của bạn là tiêu cực hay tích cực.
Trên cờ cầu nguyện ngựa gió thường có một con ngựa gió ở chính giữa, bốn phía xung quanh là một con hổ, một con thụy sư (sư tử tuyết), một con đại bàng kim sí điểu (garuda – một loài chim thần thoại trong đạo Hồi và đạo Phật) và một con rồng. Bốn con thú xung quanh là những linh thú cổ biểu tượng cho những phẩm chất của ngựa gió, đó là lòng can đảm và sự dẻo dai. Ở mức độ sâu hơn thì 5 linh thú đại diện cho 5 yếu tố hình thành nên vạn vật. Ngựa gió biểu trưng cho không gian, hổ biểu trưng cho gió, thụy sư là đất, garuda là lửa và rồng là nước.
Những người hành hương treo những lá cờ cầu nguyện tại những nơi thiêng liêng như là một biểu tượng của sự may mắn. Người Tây Tạng tin rằng các lời nguyện cầu và thần chú sẽ được thổi tới các cung trời như là những phẩm vật cúng dường tới các hộ thần của họ và đem lại thật nhiều lợi lạc cho những ai treo cờ, cho hàng xóm của họ, và cho tất cả chúng sinh, thậm chí là các loài chim bay trên trời.
Tuy nhiên, nếu cờ được treo sai ngày, chúng sẽ  chỉ đem lại những kết quả tiêu cực. Và càng được treo lâu bao nhiêu, thì chướng ngại được sinh ra sẽ lớn hơn. Cờ cũ được thay bởi cờ mới thường niên vào Tết của Tây Tạng.
Đây là hình ảnh một lá cờ cầu nguyện điển hình:
 
[2] Bánh xe cầu nguyện (bánh xe Mani, Kinh Luân, Bảo Luân): là một pháp khí trong Phật giáo Tây Tạng. Bên trên hoặc bên trong Kinh Luân thường được khắc rất nhiều câu thần chú, kinh Phật (có khi từ 10.000 – 100.000 câu). Khi tụng chú đồng thời tay quay Kinh Luân thì tương đương như đã niệm câu chú đó 10.000 – 100.000 lần (số câu chú khắc trên Kinh Luân) vậy. Phật giáo Tây Tạng tin rằng, chư Phật và Bồ Tát hiển lộ trong những bánh xe cầu nguyện để tịnh hóa mọi nghiệp tiêu cực và những che chướng của chúng ta, đưa chúng ta đến con đường giác ngộ. Có những vùng ở Tây Tạng mà quay bánh xe cầu nguyện mỗi ngày đã trở thành một thói quen trong cuộc sống sinh hoạt của người dân. Bánh xe cầu nguyện có nhiều kích cỡ, tùy theo đó mà số câu chú được khắc lên là khác nhau, có cái chỉ nhỏ có thể cầm tay, có cái to bằng cả thân người:
Đây là loại cầm tay
Đây là loại to
[3] Litang: là một hạt nằm ở phía Tây Nam của châu tự trị dân tộc Tạng Garzê, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Câu thơ này được xem như lời tiên đoán của Thương Ương Gia Thố về sự tái sinh của mình. Bởi vì vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 7 (vốn được coi là chuyển thế của Đạt Lai Lạt Ma thứ 6), Cách Tang Gia Thố, được sinh ra tại Litang.
* Vùng Nam Tây Tạng được nhắc đến ở đầu bài viết chính là bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Đây là vùng giáp ranh tại biên giới Trung Quốc và Ấn Độ và đang là khu vực tranh chấp giữa 2 nước. Trước kia vùng này thuộc Tây Tạng nhưng hiện nay nó chính thức thuộc chủ quyền của Ấn Độ, tuy nhiên Trung Quốc không công nhận chủ quyền này và không công nhận đường biên giới McMahon ký trong hiệp ước năm 1914. Trên bản đồ của Trung Quốc thì vùng này được coi như thuộc lãnh thổ Trung Quốc bị Ấn Độ chiếm đóng. Các bạn Tàu vẫn gọi nó là Tạng Nam hay Nam Tây Tạng. Theo quan niệm bên Trung Quốc, quận Đạt Vượng (Tawang) nơi sinh ra Thương Ương Gia Thố thuộc huyện Thác Na (Cona County), vùng Sơn Nam (Shannan Prefecture), khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc.
Đây là bản đồ vùng tranh chấp 2 nước. Phần màu xanh chấm đỏ là Arunachal Pradesh hay Nam Tây Tạng. Quê hương của Thương Ương Gia Thố (Tawang) là phần nhỏ nhỏ nhô ra phía rìa trái của bang Arunachal Pradesh, phần nằm giữa Bhutan và Tây Tạng ấy.
Một phiên bản của bài thơ “Một đêm đó” của Thương Ương Gia Thố đã từng xuất hiện trong truyện “Một đêm, một ngày, một năm, cả đời”. Từ hồi đọc truyện đã thấy rất hứng thú với nhà thơ kiêm Đạt Lai Lạt Ma “sinh vì Phật, sống vì tình” này cả về con người của ông, số phận của ông cũng như thơ của ông, nhưng thông tin bằng tiếng Việt của nhà thơ này quá ít, kiếm mỏi mắt mà chỉ thấy vài mẩu, lại lười đọc từ bản tiếng Trung nên thôi. Dạo trước đọc được một truyện rất hay tựa là “Bất phụ Như Lai, bất phụ khanh” của Tiểu Xuân cũng lấy tiêu đề và tinh thần của cốt truyện dựa trên một câu thơ của Thương Ương Gia Thố. Hứng thú bị dìm đã lâu lại được dịp nổi lên =.=  Thậm chí còn ham hố edit mấy chap đầu của truyện định để khi nào xong cả thì post kèm luôn cả bài tiểu sử của Thương Ương Gia Thố. Dưng mà hôm trước mới té ngửa là truyện vừa được xuất bản với tên là “Đức Phật và nàng”. Truyện hay, ý nghĩa, hợp lý, cảm động, nhiệt liệt đề cử mọi người mua về đọc ^^ Mình sẽ post phần văn án của truyện để mọi người tham khảo hoặc mọi người có thể lên google search phần review bên tàng thư viện để đọc với tựa là “không phụ Như Lai không phụ khanh”