Tuesday, December 8, 2015

Niệm Phật trong giấc mộng

shared http://www.ducquanam.com/bai_viet/NiemPhatTrongGiacMong.htm

Thương mẹ lắm, nhớ mẹ nhiều nhưng con nào có ngờ mẹ qua đời sớm như vậy! Đó là nỗi đau mất mát lớn nhất trong đời con. Lòng con cảm giác đau tê tái và chợt tỉnh chợt mơ giữa ban ngày. Con đã nhắm nghiền đôi mắt nén nỗi đau vào lòng. Con niệm Phật A Di Đà đưa mẹ ra đi vĩnh viễn. Kể từ nay, con đã vắng bóng mẹ rồi, vũ trụ mênh mông mẹ đã về đâu? Con mong thấy mẹ, khó như mò kim đáy biển. Gặp mẹ trong mơ là hạnh phúc lắm rồi, niệm Phật cho mẹ là điều an ủi suốt quãng đời con.

Description: Child-Monk,-Mother-w-1000.jpg

Đêm thứ hai khi mẹ tôi qua đời, nhang đèn đang thắp sáng trên bàn Phật và bàn thờ di ảnh mẹ. Trời đã về khuya, mọi người thân tìm chỗ nghỉ lưng để ngày mai lo tang lễ. Tôi lặng lẽ lên gác nghỉ ngơi một mình. Căn phòng này sao mà im lặng quá. Giấc ngủ đến tự lúc nào không hay. Tôi đã đi vào trong giấc mộng hay giấc mộng đi vào tôi? Tôi cảm thấy mình lọt vào một không gian lạnh lùng khó tả. Một cơn gió lạnh thổi đến lung lay không gian nhỏ bé này. Cảnh màn đêm trầm lạnh làm tôi như vừa tỉnh, vừa mê... Mẹ tôi trở về với bộ bà ba quen thuộc. Bà ngồi xếp bằng và hai đầu gối gác lên ống chân tôi. Mẹ tôi ngồi trong im lặng như thế.

Cảm giác sợ hãi chen vào tâm thức. Như một thói quen tôi nhiếp tâm niệm thần chú Đại bi. Lý trí tôi lúc này chưa can thiệp sâu vào giấc mộng. Cho nên, tôi niệm chú để vượt qua cảm xúc sợ hãi chứ không phải vì cho mẹ sự bình an. Từ mộng qua tỉnh sao không có ranh giới rõ rệt. Hình ảnh mẹ tôi biến mất. Căn phòng đó bớt dần khí lạnh. Tôi không nhớ niệm bao nhiêu lần bài chú này. Nhưng kết thúc biến sau cùng là tôi tỉnh táo như mình chưa ngủ bao giờ.  Đây là điều mới lạ, tôi phân vân về cảnh tượng vừa xảy ra. Tôi ngồi dậy, và bước xuống cầu thang trong nhà.

Tôi đến bên quan tài mẹ đốt thêm cây nhang. Đêm khuya, hai em gái ngồi dậy bên dưới quan tài. Thấy tôi, hai em mừng lắm. Tôi hỏi, sao không nằm nghỉ một chút? Cô Út trả lời, tự nhiên em sợ quá ngủ không được. Tôi hỏi sợ gì? Em nói rằng, vừa mới chợp mắt, em thấy mẹ về. Tay mẹ cầm cái ly uống nước từ trong phòng ngủ đi ngang qua đây. Sau đó mẹ đi lên gác, nơi tôi vừa tỉnh mộng.

Tôi giật mình tự hỏi sao có sự trùng lặp kỳ lạ vậy? Tại sao vừa rồi cả tôi và cô em đều thấy mẹ. Thầm nghĩ vậy, tôi không dám bàn tán gì nữa. Tôi ngại là em sợ thêm, vì trời đang còn canh khuya. Thường ngày em nhát lắm. Nhưng vì thương quý mẹ nhiều, em tôi quên hết mà nằm ngủ bên quan tài.

Riêng tôi, sau hai giấc mộng thấy mẹ của tôi và cô em xảy ra cùng thời gian. Tôi suy tư nhiều lắm. Tôi tự hỏi mẹ có biết mình đã chết chưa? Sao mẹ còn đi lại và đến ngồi bên tôi. Tôi nghĩ mẹ tôi đang ở quanh đây. Chắc mẹ biết gia đình đang làm đám tang cho bà. Như vậy, mẹ tôi chưa siêu thoát? Lòng tôi phân vân khó tả.

Tôi càng buồn và hối hận về thái độ gặp mẹ trong mộng. Phải chăng chuyến ra đi cuối cùng của đời người, bà lưu luyến đến với các con và gia đình nên về trong mộng? Tại sao mình không hỏi thăm mẹ đang ở đâu? Tại sao mình niệm chú mong thoát qua sợ hãi. Lý trí đi đâu mà quên cầu nguyện cho mẹ. Nghĩ vậy, tôi tự trách mình và buồn nhiều lắm. Tôi nguyện rằng, từ nay cho đến 49 ngày, nếu gặp mẹ lại, tôi sẽ bình tĩnh thăm hỏi và an ủi mẹ.

Tuần thất thứ năm cúng mẹ tôi tại chùa. Tối về, sau giờ đọc sách tôi đi ngủ. Mẹ tôi lại về với tôi trong giấc mộng. Tôi mừng trong sự đau xót. Nhưng với hình ảnh không giống lúc trước. Bà về với bộ áo quần tả tơi. Dáng người buồn nhìn tôi mà như khóc thầm và mong đợi. Cơ hội mong đợi có được đây rồi. Tôi ôm chầm lấy mẹ. Không hiểu sao lúc đó tôi ôm mẹ trong thế ngồi xếp bằng. Tay trái tôi đỡ sau lưng gần vai mẹ. Tay phải tôi đỡ dưới chân ngang tầm đầu gối mẹ. Còn phần giữa lưng mẹ tôi được đặt trên hai bàn chân trong thế ngồi xếp bằng đó. Tôi nhìn rõ, mặt mẹ tôi đang buồn khổ lắm. Tôi xúc động vô cùng... Vì tôi thấy, hình như gương mặt và bờ vai mẹ tôi có chút gì màu đỏ như vết máu. Bộ áo quần bà đang mặc thì ẩm ướt như người đi trong đêm sương mới về.

Nhờ Phật lực gia hộ, tôi ôm chặt mẹ và niệm Nam-mô A DiĐà Phật chí thành chí kính. Niệm với tâm tưởng cho mẹ tôi hết đau khổ. Niệm mà không mong đợi điều gì nhiều khác. Tâm tôi như chỉ có Phật mà thôi. Niệm với lòng tha thiết như thế. Tâm thức tôi biết rằng, dịp may duy nhất gặp mẹ. Tôi phải giữ lấy mẹ cho chắc, niệm Phật cầu nguyện cho bà. Cứ thế mà niệm, tôi không hỏi mẹ chuyện gì khác nữa. Hình ảnh tang thương của mẹ khiến tôi nhất tâm niệm Phật trong mộng.

Lúc đầu, tay tôi có cảm giác nặng như bồng mẹ tôi thật. Nhưng mà thương mẹ quá tôi quên hết. Tự nhiên, một lúc sau, tôi thấy đôi tay mình nhẹ dần. Một trạng thái tâm niệm Phật sâu lắng và dịu dàng đến với tôi. Trong đời thực, tôi chưa bao giờ có sự thể nghiệm này. Giờ phút thiêng liêng đó, lý trí tôi đã can thiệp vào giấc mộng. Tức là kinh nghiệm tu học bấy lâu giúp tôi nhận rõ mình đang niệm Phật. Tâm tôi chuyển qua quán tưởng rằng: “Tâm vô ngã, cảnh vô ngã, khổ đau đâu có mặt”. Bỗng chốc, xung quanh tôi là ánh sáng mát dịu. Đôi tay tôi như không có gì nữa. Ôi, mẹ tôi đâu rồi?

Tôi mở mắt ngước nhìn lên. Và thấy mẹ tôi ngồi xếp bằng trước mặt. Kỳ lạ thay, tôi cũng không hiểu nữa. Người phụ nữ trước mặt là một hình dáng khác. Khác hoàn toàn trước đây. Sao mẹ tôi không còn bộ áo quần bà ba đen? Không còn gương mặt sầu khổ tang thương. Không còn mái tóc như đẫm ướt sương đêm. Mẹ rời khỏi tầm tay tôi. Bà đã đổi thế ngồi. Đó là một phụ nữ khoác tấm y trắng tinh. Tôi mừng và hết nghi ngờ là ai khác. Đôi mắt mẹ tôi, biểu hiện cho tôi niềm tin chắc thật là mẹ mình. Đôi mắt bà sáng lắm, nhìn vào tôi mà nói rằng: “Niệm Phật là phải làm thế này nè”. Tôi thấy bà nâng đôi tay lên, tay bắt ấn kiết tường như bàn tay ở tượng Phật A Di Đà. Rồi bà bay đi mất.

Tôi ngồi dậy sau trạng thái mà tôi cho là mộng. Tôi không dám khẳng định là mộng. Vì như hôm trước, mộng và tỉnh không có ranh giới rõ rệt. Tôi bật chiếc đèn nhỏ ở bàn học trên đầu giường, lúc đó là 12 giờ đêm. Đây là một trong những giấc mộng ấn tượng trong đời tôi.

Sắp đến 49 ngày tôi lại về nhà dự lễ trai đàn siêu độ cho mẹ. Về tới nhà, tôi đốt nhang xong, ra thăm em gái. Điều ngạc nhiên lại đến với tôi nữa. Em tôi pha nước mời tôi uống, mặt mày vui vẻ nói rằng, em mơ thấy mẹ về. Tôi hỏi thấy thế nào? Em bảo: Em thấy nhà mình đông người qua lại, có một mâm đồ chay trên bàn. Mẹ mang tấm y trắng bay về và nói rằng: “Đói bụng quá, có gì cho mẹ ăn với”. Rồi bà đến bên mâm cơm chay, ngửi một lúc rồi bay đi. Tôi hỏi lại, mơ thấy lúc nào? Em tôi đáp: Tối cúng thất thứ năm. Ngày có quý thầy về cúng tại nhà mình.

Tôi nghe xong trong lòng trầm tư nhiều hơn. Nhân duyên gì mà hai giấc mộng đều có sự trùng lặp. Về thời gian thì giấc mộng tôi và em tôi giống nhau. Đó là giấc mộng xảy ra vào tối thứ hai sau ngày mẹ tôi mất và giấc mộng xảy ra tối cúng thất lần thứ năm. Về hình ảnh trong giấc mộng thì cũng giống nhau. Tôi nghĩ, đây là biểu hiện sự mong đợi của mẹ tôi, cũng như bao người đã qua đời mong đợi người thân tu phước hồi hướng cho họ bớt khổ.

Viết câu chuyện về Phật và về mẹ, tôi không thêu dệt làm gì. Vì khi nói về giấc mộng của cá nhân khó ai mà tin được. Đó là điều bí ẩn, trừu tượng, chính bản thân tôi cũng không hiểu hết. Nhưng tôi tin rằng, Phật lực A Di Đà đem lại sự bình yên cho tôi và hương linh mẹ tôi trong giấc mộng ấy. Mộng và tỉnh cũng là một tâm thức hướng về Phật. Dù đêm hay ngày Phật cũng hằng hộ niệm chúng sinh.
Thích Đức Trí

(Trích Đi tìm Phật)
          

Gởi Ðề Tài Mới  Trả lời 
 
Ðiều Chỉnh Xếp Bài 
  #1  
Old 25-09-2015, 10:55 PM
GIÁC NGỘ's Avatar
Điều Hành Chính
 

Tên Thật: dt
Tham gia ngày: Feb 2009
Tuổi: 28
Bài gởi: 2,217
Thanks: 410
Thanked 1,176 Times in 746 Posts
Say 'Thank You!' for this post. = 0 For This Post / 2 tổng số
Ma Quỷ Muốn Gì?



MA QUỶ MUỐN GÌ

Thích Đức Trí
Kinh Phật thường gọi những linh hồn chưa siêu thoát đang chịu đói khổ là quỷ. Với sức thần thông của các bậc giác ngộ thì tiếp xúc với các loài ma quỷ dễ dàng. Các ngài thường đối thoại và giảng đạo lý cho họ. Nhưng thực tế trong đời, có trường hợp thấy ma quỷ qua giao cảm tâm thức lúc ngủ và lúc mơ. Người ta lúc mơ, ý thức của mình vẫn hoạt động, như phân biệt và sinh cảm giác sợ hay là vui buồn. Trường hợp gặp ma quỷ trong mộng và ý thức xuất hiện đánh thức mình dậy khi chấm dứt một giấc mơ. Ý thức về nội dung giấc mơ và có thái độ trong mơ rõ rệt. Đó là hiện tượng của sự sinh hoạt của chúng ta và các sự sống khác đang hiện hữu. Ma quỷ cũng cần tình thương và hiểu biết để chuyển hóa thân phận khổ đau đang bức bách. Đó là điều mong muốn của chúng hữu tình nói chung. Nếu không hiểu chúng ta mất tự chủ và đôi lúc chìm đắm trong thế giới huyền bí đó cũng là điều đáng tiếc.

Tôi gặp trường hợp như sau, hồi đó núi Thị Vải có mộ cái hang bằng đá, quý thầy và bà con về núi tu thường ở đó, nên nó được gọi là chùa Hang. Công việc thường ngày của tôi là tụng kinh và làm việc quanh núi. Như đắp đá sửa đường lên núi, trồng đậu phụng, đi hái măng và hái nấm tràm dưới chân núi. Vì đó là thức ăn chính của chúng tôi và những ai về núi ở tu. Quý thầy và bà con về tu, đến rồi đi theo từng đợt. Còn tôi ở chùa thường xuyên giữ chùa. Nơi chùa Hang này, ít ai ở lại một mình lắm, vì nó nằm bên sườn núi xung quanh không có một bóng người, ngày cũng như đêm. Lâu lâu, các người lính truyền tin, khi lên núi họ thường đi từng nhóm. Mấy tuần trước đó, có một vị sư trẻ, chừng hơn hai mươi tuổi xin phép về ở chùa Hang để tịnh tu. Sư ở một đêm thôi, các đêm sau sư xuống núi ngủ tạm ngoài chòi của mấy người làm rẫy. Sau khi mọi người hỏi: Sao sư bỏ chùa mà đi ngủ chổ khác, sư trả lời một câu vỏn vẹn: “Ma đầy Hang luôn”.

Sau đó đến phiên tôi về giữ chùa Hang. Ngày ngày tụng kinh niệm Phật, tôi rất tự tin chính mình. Tôi không sợ hãi khi nghe chuyện ma. Đó là bàn tán lúc ban ngày, nhưng khi sống một mình với bóng đêm rừng núi thì là chuyện khác nữa. Một khi lâm vào cảnh tượng sợ hãi nào đó thì người ta không muốn gặp lại lần thứ hai. Tôi cũng như vậy thôi, nhưng tôi phải đối diện với sợ hãi vài lần như thế. Và tôi chưa bao giờ nghĩ rằng ma quỷ muốn gì?
Trời về khuya, tôi đã ngủ, tự nhiên cảm giác lạnh khắp người tôi.Tâm thức tôi mơ màng và khởi đầu chen lẫn cảm giác lạ trong mơ. Một khung cảnh thương tâm và rờn rợn bao quanh tôi. Đó là những người lính tàn tật, rách rưới, mặt mày đau khổ đang la lết và quỳ bên nhau. Thực ra tôi thấy họ, chứ họ chẳng có ý làm hại tôi. Tôi không đếm bao nhiêu nạn nhân đang đau khổ như thế, đông chật cả phần sau cái Hang mà tôi đang ở. Chỉ trừ không gian trước mà thôi, nơi chúng tôi có thờ một tượng Phật nhỏ.

Tôi thấy một người phụ nữ khoác y màu trắng, như là cái bóng thấp thoáng, đang phát cho từng người lính cái gì đó. Mỗi người nhận một cái rồi thoát ra khỏi Hang. Hình ảnh đó diễn ra như tôi đang xem một đoạn phim. Đột nhiên câu nói của vị sư lại hiện trong tâm trí của tôi: “Ma đầy hang luôn”. lúc đó tôi mới biết rõ mình đang thấy ma. Cơn sợ bắt đầu len lõi trong tôi. Có lẽ lúc ấy, ý niệm sợ hãi khá ấn tượng tôi quên khám phá các chi tiết cụ thể đang hiện ra. Tôi không nhận diện người nữ bận áo trắng kia là ai? Hơn nữa, bóng dáng người đó bị bao vây bởi số đông người thảm thương kia nên chỉ lướt qua trong tâm thức tôi.
Những người khốn khổ đó hoàn toàn không tỏ thái độ đòi hỏi hay uy hiếp tôi. Chỉ là sự sợ hãi đã xuất phát từ trong tâm tôi. Tôi ngồi dậy, vặn to cây đèn bỏng ở bàn Phật phía trước và thắp thêm cây đèn hột vịt gần giường ngủ. Tôi đốt nhang cầu Phật gia hộ cho tôi bình tỉnh hơn. Rồi ngồi xếp bằng mà niệm Phật. Thoáng qua khoảng ba đến năm phút, tâm tôi nhẹ nhàng trở lại. Tôi tiếp tục niệm với lòng thành khẩn. Tâm thức tôi đã an định, ý niệm lo sợ biến mất. Khoảng sau một giờ đồng hồ, tôi duỗi chân và giữ chánh niệm nằm nghiêng hông về phía phải để ngủ. Tiếp tục niệm Phật. Tôi rán giữ cho tâm đừng nghĩ đến cảnh tượng vừa rồi. Giấc ngủ đi vào êm đềm. Khi mở mắt tỉnh dậy, thấy mặt trời rọi qua khung cửa. Tôi thở phào nhẹ nhàng, và suy tư về một đêm đã qua.
Đêm kế tiếp vẫn một mình tôi với cái Hang này. Chiều đó, tôi xuống suối tắm và gánh nước. Tắm xong, tôi gánh hai cái bon nước suối về Hang, mỗi bon mười lít nước. Mười lít để nấu cơm. Năm lít đổ vào chum riêng để cúng Phật. Năm lít còn lại đổ vào cái chum ngoài hiên để rửa mặt mỗi sáng. Ngày nào cũng như vậy, trừ khi mùa mưa. Chiều kế tiếp tôi có kinh nghiệm hơn, tôi tụng kinh xong là đi niệm Phật và trước khi vào ngủ tôi thắp thêm đèn dầu cho sáng. Đốt nhang và đi ngủ.

Đang ngủ, tôi lại vào mơ màng và cảm giác bất an lại đến. Hai bóng đen cao lớn lại đứng bên cạnh tôi. Họ đang cầm cái mâm màu đen, đưa ra giữa không trung hướng về phía trên giường tôi nằm. Tôi nghĩ họ xin mình cái gì hả? Lý trí tôi đã biết phán đoán rồi. Lúc ấy, không phải là còn mê man nữa. Vì tôi đang muốn biết họ là ai? Tôi chú ý ở khuôn mặt đen và hóc hác lắm, tóc thì dài bù xù. Tất cả đen thui từ đầu đến chân nên khó nhìn rõ đường nét lắm. Tự nhiên tôi lại nhớ rằng, người ta bảo ma quỷ không có chân. Đó là sự truyền miệng trong đời, chứ tôi chưa đọc tài liệu sách vở nào nói như vậy. Lúc đó, tôi chú ý phần chân. Quả thực tôi thấy hình như hai bóng đen này đứng giữ hỏng mặt đất. Tâm thức tôi xác nhận đây là quỷ. Đến lúc này tôi chưa hiểu là có phải quỷ ma nào cũng không có chân hay sao? Hay là người chết cụt chân hiện lên như thế.
Rồi tôi nhìn vào họ mà trong tâm niệm Phật. Vì tôi sợ nhắm mắt không biết đối phó làm sao. Vì họ cách tôi chưa đầy một cánh tay. Tiếp tục niệm Phật thì họ biến mất. Họ biến mất rồi thì tôi còn sợ, và khi sợ sẽ làm tôi khó đi vào giấc ngủ hơn. Hơn nữa, họ đang ở đâu đây. Lần này tôi không bước xuống giường, ngồi xếp bằng mà niệm Phật. Rồi sự bình an đến, sợ hãi lại ra đi. Hồi đó tôi ngây thơ quá, chẳng biết tìm ai lên ở với mình một thời gian. Trong tôi chỉ mong nhớ niệm Phật mỗi đêm như thế.
Sáng hôm sau có người đi núi, họ đi chặt cây tre núi. Ông ghé vào xin nước, rồi buột miệng nói rằng: Chú ở đây một mình, gan thiệt! Hồi trước chiến tranh họ chết ở đây nhiều lắm. Chú tụng kinh và cúng cháo cho họ ăn đi. Tôi sực nhớ, ở nhà mẹ tôi hay làm mâm cơm cúng cô bác ngoài cổng nhà vào ngày Tết và ngày rằm. Lần đầu tiên tôi nấu mâm cơm cúng cô bác khuất mặt. Tôi lấy thùng giấy làm bàn kê trước hang đá, dọn thức ăn, gạo muối và cháo lên cái mâm đan bằng tre. Đặt mâm cơm lên bàn đó và đốt nhang cúng. Nói là cúng nhưng chẳng thực hiện nghi lễ nào hết. Tôi nguyện như mẹ tôi thường làm ở nhà mà thôi. Tôi chí thành mong cho người đã chết đang đói khổ không nương tựa được no đủ. Nguyện cho họ được sớm siêu sanh về cỏi Phật. Mong họ phò hộ cho tôi bình an tu hành. Từ bữa đó, tôi nằm ngủ không thấy gì nữa. Cho nên tôi cũng tin tưởng người âm có nhu cầu về ẩm thực. Cảnh tượng đám người rách rưới và thương tích tội nghiệp đêm thứ nhất và hai bóng đen tay cầm cái mâm xuất hiện đêm thứ hai đó làm tôi suy luận họ đang đói và muốn mình cúng cho họ ăn.

Tôi suy nghĩ rằng, hình ảnh người nữ xuất hiện giữa đám người đói khổ ấy phải chăng là Bồ Tát Quan Thế Âm đang đến cứu giúp họ? Kinh dạy, các Bồ tát thường ứng thân vào trong các loài chúng sanh để giáo hóa. Nghi thức cúng cô hồn thường có thỉnh Phật và Bồ tát chứng minh, sau đó thỉnh các chơn linh, vong linh và cô hồn về thọ nhận vật chúng ta cúng là như vậy. Cho nên, cúng bái cho người đã khuất là thể hiện tình thương giúp họ bớt khổ. Cầu Phật dẫn dắt họ sanh về cỏi an lành là biểu hiện tinh thần từ bi của mọi người. Trên trần gian có đủ hạng người, thì cỏi âm cũng thế. Họ có đói khổ đến với chúng ta trong giấc mộng hay biểu hiện qua hình thái nào đó thì chẳng có gì đáng sợ cả. Trừ trường hợp oan gia trái chủ nhiều đời thì người sống hay người chết mới có ý làm hại chúng ta mà thôi. Nếu như vậy, thì sám hối và cầu nguyện bằng tâm từ bi để giải hóa.

Niệm Phật không phải chỉ là giúp mình hết sợ mà để điều phục tâm mình. Đem tình thương của Phật để chia sẽ cho muôn loài. Chúng ta tin Phật, thờ Phật mà chạy trốn cảnh khổ đau xung quanh thì trái với bản nguyện của đạo Phật. Những người đã khuất hay người đang còn sống họ có duyên mới tiếp cận với chúng ta. Có thể là người thân của mình trong hiện kiếp và các kiếp trước. Đó là điều chắc thật mà Đức Phật từng dạy trong kinh Vu Lan Báo Hiếu, Kinh Địa Tạng và nhiều Kinh điển khác. Giáo lý Đại thừa hay Nguyên thủy đều nhắc đến hình thái các loài ngạ quỷ đói khổ cần sự cứu độ. Trong Tiểu Bộ Kinh ghi lại nhiều câu chuyện Phật và các Thánh đệ tử vì muốn giải thoát cho loài quỷ đói đã khuyên người sống làm pháp cúng dường Tam Bảo, và hồi hướng cho họ sanh về cỏi lành. Như bài Kinh: “Chuyện Mẹ Của Trưởng Lão Sàriputta” hay chuyện: “Nữ Ngạ Quỷ Serinì”. Đó là những bài Kinh nhắc nhở chúng ta làm phước siêu độ thân nhân, được Phật dạy trong Tiểu Bộ Kinh[1]. Trong thời Phật tại thế, những người tạo nghiệp xấu, biết chắc sẽ sinh vào cỏi dữ. Phật và chư Tăng tìm đến khất thực và thuyết pháp, khiến người kia hoan hỉ cúng dường để có phước lành. Khi mãn kiếp người, họ được sanh về cỏi an lạc. Đó là sự thực.

Vấn đề tu học là sự nhận biết con người và thế giới. Điều căn bản là biết đối nhân, xử thế mới có sự lợi ích chung. Sống với tấm lòng ân nghĩa đối với mọi người trên đời. Bên cạnh đó cần phải biết thờ cúng và siêu độ tiên linh cũng như các loài cô hồn không nơi nương tựa đúng theo chánh Pháp. Dù cỏi âm hay cỏi dương cũng biểu hiện sự sống và mong muốn thoát khổ và tìm vui. Tất cả chúng ta không ngoài thông lệ ấy. Chúng ta làm phước thiện và nguyện cầu âm siêu dương thái là điều đáng quan tâm trong đời./.

(Trích “Đi tìm Phật”,Thích Đức Trí
http://phatgiaovnn.com/upload1/bz/showthread.php?t=10270

Phật Pháp và Cuộc Sống
Quét rác chớ đừng Quét đất

Cha mẹ đem con đến chùa làm chú tiểu, tức là từ nay con phải ở chùa. Thầy dạy bảo thì con vâng lời, chắp tay búp sen trước ngực và đáp rằng “ Mô Phật”.

Đó là bài học đầu tiên quyết định cho một lộ trình theo thầy học đạo mà chú tiểu phải thực tập. Một hôm thầy gọi chú tiểu lại mà bảo rằng: Từ nay con ở đây với thầy, thầy sẽ lo cho con. Và thầy dạy tiếp, mỗi ngày con ra sân mà quét rác, theo mấy chú tiểu khác mà tụng kinh. còn nhiều công việc khác nữa, con cứ theo quý thầy quý chú mà làm. Chú tiểu chắp tay “Mô Phật”. Sáng nào chú tiểu cũng cầm chổi ra sân quét rác. Có lần thầy đi ngang qua dạy rằng: “Quét rác chớ đừng quét đất”, chú tiểu lại “mô Phật”. Do sân chùa hồi đó là sân đất đỏ, không phải là sân xi măng, lá cây rơi mỗi ngày rất nhiều. Nếu ai quét không khéo tay bụi đỏ sẽ bay lên lan tràn. Sáng hôm sau, trong lúc quét rác, thầy ngang qua lại bảo lại dạy rằng: “Quét rác chớ đừng quét đất”. Chú tiểu lại một lần nữa “Mô Phật”.

Một hôm đang quét rác chú nghĩ vu vơ rằng, ngày nào mình cũng Mô Phật mà chẳng biết Phật chổ mô (ở đâu), chỉ thấy tượng Phật trong chùa thôi. Nếu có ai hỏi mình Phật ở mô? Lúc đó cứ trả lời quấy quá rằng: Phật trong tâm, là coi như đạo lý cao siêu lắm rồi. Còn họ hỏi tiếp tâm ở chổ mô thì bảo họ đọc kinh sách đi mà hiểu, nếu không hiểu đi hỏi các thầy lớn trong chùa. Tiểu nghĩ đơn giản rằng, mình còn nhỏ ai mà hỏi đạo, ai bắt mình thuyết pháp đâu mà lo. Làm tiểu còn làm nhiều việc, việc thầy giao phó, tức là Phật giao phó thì phải làm thôi, hơi đâu mà lý luận xa vời. Nếu bổn đạo tới chùa, chỉ cần mở cửa chùa cho họ lễ Phật là xong việc, mình lo quét rác, học bài. Thế là chú hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc rồi.

Thời gian trôi qua, chú tiểu cũng đã đúng lúc vào các trường Phật học để học. Một hôm thầy gọi vào mà bảo rằng: “Bửa nay xã hội văn minh, trường Phật học mở nhiều, con về trường mà học, có thầy có bạn học mau giỏi hơn”. Chú tiểu lại “Mô Phật”. Đi học thì chú rất thích, đến trường nhiều chúng bạn vui hơn. Nhưng mà ai quét rác đây? Chú tự nghĩ và thưa rằng: Bạch thầy ai quét rác giúp thầy. Thầy cười một cách hiền hậu và trả lời : “Ngày ngày thầy đều quét rác, con nhớ là quét rác chớ đừng quét đất”, câu nói này đối với tiểu như là một pháp ngữ thâm sâu mà thiệt là quá giản dị. Tự nhiên chú nhớ mấy ngày đầu vào chùa này quét rác. Chú quét sạch sẽ gọn gàng ai cũng khen, sao thầy cứ lặp lại câu: “Quét rác chớ đừng quét đất”.

Xa thầy đi học, xa mái chùa bình yên ngày ngày chú thường quét rác, tụng kinh và học cách thức làm chú tiểu. Ở trường Phật học Việt Nam hồi đó có dạy chữ Nho cho Tăng và Ni. Đêm hôm khuya khoắt chú loay hoay tập viết chữ Nho, chữ Hán. Ráng mà học để hiểu bốn bộ luật dạy cách làm chú sa di và sau đó làm thầy Tỳ Kheo. Chú tiểu ngày ấy có duyên theo học được vài khóa Phật pháp. Sau đó, chú tiếp tục hăng hái đi đây đó học tiếng Tàu, tiếng Mỹ. Chú cũng ráng học để thêm kiến thức sau này thuận lợi cho việc tu học. Cái gần nhất là tìm câu trả lời Mô Phật, và Phật ở chổ mô. Năm tháng qua mau trên một phận người, vị thầy khả kính dạy tiểu quét rác giờ đây đã viên tịch.

Buồn vui và thăng trầm trên con đường học đạo ít ai mà tránh khỏi. Chú tiểu ngày xưa bây giờ đã lớn. Chú sống trong một ngôi chùa tiện nghi hơn ngày xưa nhiều. Chùa có sân mà không có rác nhiều vì toàn là sân xi măng. Vườn cỏ trong chùa bổn đạo dùng máy để cắt. Lâu lâu đến ngày lễ lớn, sân chùa có rác thì đem máy thổi ra thổi một cái là sạch tưng liền. Nhưng chú tiểu ngày xưa và hôm nay vẫn là một, nay gọi là chú tiểu lâu năm. Chú ngày ngày vẫn làm công việc quét rác như trước đây vị thầy khả kính đã dạy.

Ngày ấy, thầy bảo quét rác chớ đừng quét đất. Chú tiểu ngây thơ cứ miệt mài quét, quét nhẹ nhàng, đừng quét nặng tay mà bụi đất đỏ sân chùa bay khắp cả chùa. Hôm nay làm việc quét rác cũng khó hơn nữa. Chú tự hiểu rằng, nó cùng một công việc nhưng tác dụng khác trước nhiều. Vì quét rác phiền não trong tâm thì khó hơn quét bụi rác sân chùa. Thấp thoáng đó đây bụi tham sân si vẫn còn tồn động. Chúng nó chỉ giả vờ ngũ gục trong tâm khảm sâu xa. Nó đang nễ mặt thái độ tự tin và sức mạnh tri thức lý luận mà chú học được nên tạm thời nằm yên đó. Nếu không nhờ cái chổi Thần Tú thì ngày ngày bụi phiền não vẫn còn vấn vương tơ lòng.

Suy cho cùng, hì hà hì hục bao năm, tu phước hành thiện, đó là cơ duyên nhiều đời để lại. Nhưng công phu suy lượng trong từng pháp môn chú đã được học, tất cả là phương tiện. Các môn duy thức và kinh luận Phật giáo chỉ giúp chú biết rõ hành trạng của Tâm mà thôi. Một kiếp này thôi, chú ngồi chiêm nghiệm, nhìn mình và nhìn đời với biết bao nhiêu phiền não trái ngang. Tâm ấy đã từng dẫn chú đi như con ngựa hoang. Có khi ngồi lại mà thấy mệt mỏi và chán chường. Bao nhiêu câu kinh bài kệ chú đã được học, nó như cái thứ trang sức quí giá cất kín trong nhà mà bị chủ lãng quên. Chú đã từng là đứa con hoang dại bỏ cha ra đi. Chú như hình ảnh gả cùng tử trong kinh diệu pháp Liên Hoa mà chú từng đọc tụng bao nhiêu năm trời.

Chú suy nghĩ một mình, tất cả kiến thức mà ta được học có trong lời dạy của thầy. Trong câu pháp ngữ thân quen đầy ấn tượng: “Quét rác chớ đừng quét đất”. Chú nghiệm ra rằng:

Cái chổi để quét là ví như tất cả vốn tri thức cuộc sống và đạo lý.

Rác trên mặt đất là làn sóng phiền não đang nhấp nhô trong biển tâm thức mênh mang.

Mặt đất đó là ví như cả cả căn nhà tâm thức đã từng dẫn dắt sinh mệnh con người và thế giới qua từng sát na, từng giây và từng phút.

Người khéo quét rác ví như người khéo dụng giáo lý mà tu tập để đạt sự tự do và an lạc.

Có ngày, chú tiểu tự suy nghĩ miên man về cuộc sống mình và người. Ai ai cũng cần có cái chổi trong tay để quét rác bẩn trong lòng. Vì mất chánh niệm, không làm chủ hành động của thân, miệng và tâm ý nên buồn vui sầu khổ hành hạ thân tâm. Trò đùa tâm thức đang dẫn dắt con người đi trong mọi lĩnh vực đời sống. Một khi chung sống bên nhau mà không khéo lắng nghe và quán chiếu thì sẽ đánh mất năng lực yêu thương và hiểu biết. Từ đó, độc tố si mê và nóng giận kết thành ung nhọt trong tâm mọi người. Bao nhiêu giận hờn, ghét bỏ và nghi ngờ như giòng nước mạnh chảy tràn khắp mình và cả người thân. Hậu quả đáng tiếc đó làm cha mẹ, vợ chồng, con cái phải gánh lấy tất cả. Sự đổ nát, sự chia ly và thành kiến, làm mọi người tự hành hạ nhau cũng từ cái tâm nóng bức và bệnh hoạn đó. Tâm điên đảo đó dẫn tới hành động tham lam và thù hận trong đời sống nhân loại thì sao gọi là Phật tại tâm!

Chú tiểu tự nhận thấy công việc quét rác của mình và bao công mọi người không khác. Con người và cộng đồng đều có mối liên hệ mật thiết. Những gì xảy ra, buồn vui trong lòng chú và mọi người đều từ một cái tâm. Cái tâm nào làm lợi mình, lợi người một cách chân thực mới là cao quý. Nhưng làm sao có được cái tâm đó, thì phải khéo cầm cây chổi quét vườn tâm cho sạch sẽ trước.

Tiếp tục công việc quét rác, rác phiền não trong lòng chú vẫn còn. Chú hằng ngày miệt mà quét mảnh đất tâm, cái mà ngày xưa chú đã tự trả lời rằng Phật ở trong tâm. Vậy mà sao, bao năm tháng qua chú ngồi nghiệm lại, buồn vui, hoang vu vô bờ bến nó vẫn hiện hữu trong mình. Có lúc chú cũng ngẫm đọc câu kinh Kim Cang để trấn an: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kì tâm”, chú tự biện luận rằng: Tâm không trú trên một đối tượng nào, thì buồn vui phiền não chổ nào mà gá nương?. Nhưng rồi, thiệt tình tâm thức như biển cả mênh mong ngày đêm tuôn chảy. Suốt bao năm trời, chú cứ lang thang trong vùng tư duy và ngôn ngữ vay mượn. Loay quay việc này việc nọ, ngày này nối tiếp ngày kia như thế. Công việc quét rác từ trước đến nay chú vẫn chưa làm thành thục.

Một buổi sáng sớm trời tươi mát, không gian ở chùa yên tỉnh và dịu dàng. Chú tiểu lên chùa đốt nhang lễ Phật và ngồi im lặng để xem tâm mình. Tâm thức chú từng niệm đang khởi lên như hành trạng chính nó. Chú nhủ thầm lấy tinh thần Vô Phật Vô Niệm trong giáo lý niệm Phật Tam muội; Lấy tinh thần vô trú trong Kinh Kim Cang nhìn tâm. Ngồi một lúc chú thấy hơi thở mình đang vào ra nhỏ nhẹ, lại nhớ tới phép quán niệm trong bài kinh Tứ Niệm Xứ. Chú nhận ra rằng vô niệm là chánh niệm, chánh niệm là vô trụ trong các niệm khởi của tâm. Ôi thiền và tịnh lâu nay là phương tiện để quán tâm. Niệm Phật và định tâm rất cần thiết, định tâm giống như dầu trong cây đèn, Tuệ quán như ánh sáng của một ngọn đèn. Thiền tịnh đều lộ trình phát triển Giới Định Tuệ. Có tuệ mới soi sáng ba lĩnh vực giáo pháp của Phật. Đó là Khổ, Vô Thường và Vô Ngã.

Chú lại tự nhớ thầm lời thầy, hãy quét rác chớ đừng quét đất. Đừng nỗ lực mà dập vọng niệm. Vì các niệm ấy là tâm. Đừng mê lầm theo vọng niệm khởi là người quét rác khéo tay. Rác phiền não đi, nhưng cái chổi và đất vẫn còn đó. Rác phiền não đi thì chổi và đất thành tác dụng một thể. Không còn chổi và đất bụi bay là như không còn chủ thể và đối tượng. Giai đoạn quán tâm bắt đầu để biết dấu tích Phật đang ở đâu mà tìm. Chú vui mừng với lòng thanh thản, nhớ hình bóng từ mẫn của thầy. Bao năm tháng lang thang đây đó để học Phật pháp, giờ này mới đủ duyên thẩm thấu câu pháp ngữ giản dị thầy đã dạy từ khi mới vô chùa.

(Trích từ tác phẩm “Đi tìm Phật”, Thích Đức Trí )
TK Thích Đức Trí
NGUỒN ĐỌC THÊM: http://phatgiaovnn.com/upload1/bz/showthread.php?t=10270#ixzz3tnsP88Ne

No comments:

Post a Comment