shared http://www.yeutretho.vn/con-qua-nghien-ipad-iphone-me-phai-lam-sao-211541.html
Viện Nghiên cứu Y khoa trẻ em Mỹ và Hội Y khoa Canada cảnh báo, dùng nhiều các thiết bị cầm tay như điện thoại di động, iPad, sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ em.
1. Rối loạn về khả năng chú ý, nhận thức: Trẻ em từ 0 đến 2 tuổi, sự kích thích sớm đối với phát triển của não bộ xuất phát từ việc không kiểm soát các thiết bị công nghệ (điện thoại di động, internet, iPad, TV), và được cho là có liên quan những rối loạn về khả năng chú ý, nhận thức, học hỏi, gia tăng sự bốc đồng và suy giảm khả năng tự điều chỉnh.
2. Chậm phát triển: Dùng các thiết bị công nghệ nhiều khiến cho quá trình phát triển của trẻ chậm lại. Trẻ em dưới 12 tuổi sử dụng thiết bị công nghệ với cường độ quá nhiều sẽ không có lợi cho phát triển cơ thể và khả năng học tập.
3. Bệnh béo phì: Do thiếu sự vận động nên những trẻ chơi điện tử hoặc xem TV quá nhiều có thể dẫn tới tình trạng béo phì.
4. Mất ngủ: 60% phụ huynh không giám sát việc sử dụng thiết bị điện tử của con, và 75% trẻ được cho phép chơi thiết bị điện tử trong phòng ngủ (báo cáo Kaiser Foundation 2010 tại Mỹ).
5. Các chứng bệnh về tinh thần: Việc dùng quá nhiều thiết bị công nghệ có thể làm gia tăng số trẻ bị trầm cảm, lo lắng, giảm khả năng chú ý, bị tâm thần, rối loại lưỡng cực và các vấn đề về thần kinh khác
6. Gây hấn: Các nội dung bạo lực trên phương tiện truyền thông có thể khiến trẻ có xu hướng gây hấn nhiều hơn. Không những thế, chúng còn tiếp xúc nhiều nội dung về bạo lực tình dục và bạo lực thể chất trên TV hoặc thông qua các trò chơi trên thiết bị cầm tay.
7. Chứng mất trí nhớ kỹ thuật số: Những nội dung trên các phương tiện truyền thông được phát với cường độ cao, có thể làm giảm khả năng tập trung và trí nhớ do não bộ điều bớt nơron thần kinh ra ngoài vỏ não. Trẻ em không tập trung, đương nhiên sẽ không thể học tập tốt.
8. Nghiện kỹ thuật số: Nếu các bậc phụ huynh cũng sử dụng thiết bị kỹ thuật số thường xuyên, họ dễ có xu hướng lơ là con cái. Khi đó, trẻ thiếu sự quan tâm của phụ huynh, sẽ có thêm cơ hội gắn bó các thiết bị điện tử.
9. Bức xạ: Tháng 5/2011, Tổ chức sức khỏe Thế giới đã xếp điện thoại di động (và các thiết bị không dây khác) vào danh mục những thứ có khả năng tạo bức xạ ảnh hưởng tới sức khỏe.
10. Thiếu bền vững: Cách thức giáo dục và nuôi dạy trẻ bằng các thiết bị điện tử xem ra không mang tính bền vững. Trẻ em chính là tương lai nhưng tương lai đó sẽ rất bất định với những trẻ lạm dụng và sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử dẫn tới tình trạng nghiện ngập (nghiện kỹ thuật số) và hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn khác.
Ở Việt Nam, một số Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em ghi nhận, có nhiều em bé gặp vấn đề tâm lý và phát triển do sử dụng iPad, iPhone quá sớm. Hậu quả là có trẻ dùng các thiết bị điện tử rất thành thạo nhưng các việc cần đôi tay khéo léo như cầm bút tô vẽ, xếp đồ... không được như các bạn cùng lứa tuổi. Có bé chậm nói, 4 tuổi vẫn chưa biết đặt câu hỏi chỉ vì "nghiện" iPad.
Ban đầu, phụ huynh thường cho con chơi để trẻ ngồi ngoan, ăn ngoan và mình có thời gian rảnh. Sau, trẻ thích thú với các đồ công nghệ, trong khi bố mẹ sau một ngày làm việc thường mệt mỏi, dễ cáu bẳn, ngại khởi xướng các trò để cùng chơi với con... và việc này lặp đi lặp lại, khiến trẻ ngày càng chìm đắm vào thế giới ảo.
Điều nguy hiểm nhất là thường bố mẹ nhận ra tình trạng này rất muộn, khi con đã có những biểu hiện bệnh lý. Vậy làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?
Dưới đây một số bí quyết giúp trẻ “cai nghiện” iPad, iPhone để các bậc cha mẹ tham khảo:
Khuyến cáo:
Không nên cho trẻ từ 0 đến 2 tuổi tiếp xúc với thiết bị điện tử dưới bất cứ hình thức nào.
Hạn chế 1 tiếng/ngày với trẻ từ 3 - 5 tuổi; và chỉ nên cho tiếp xúc ở mức 2 tiếng mỗi ngày với trẻ 6 - 18 tuổi.
Cai “nghiện” iPad, iPhone
Kiểm soát thời gian: Cha mẹ nên lên thời gian cụ thể cho con dùng iPad, iPhone hàng ngày hay tuần và yêu cầu trẻ thực hiện theo. Chẳng hạn như cho bé xem 10, 20, 30 phút/ngày tùy thuộc độ tuổi hoặc cuối tuần cho con 1 giờ để chơi game, xem tivi. Cha mẹ có thể cài đặt chương trình tự động tắt máy đối với tivi hay iphone, ipad có chế độ cài đặt.
Thu hút trẻ bằng những trò chơi hấp dẫn khác: Các bậc phụ huynh muốn tách bé khỏi sự hấp dẫn của các sản phẩm điện tử thì hãy thu hút bé bằng những trò chơi bổ ích. Chẳng hạn như trò chơi mô hình, lắp ghép tranh, lắp ghép đoàn tàu, lắp ráp xe ô tô, chơi nấu ăn, xây nhà… Khi cảm thấy thích thú với những trò chơi này, bé sẽ dần dần quên đi iPad, iPhone.
Các hoạt động ngoại khóa: Cha mẹ nên cố gắng tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa bên ngoài như tham quan, vẽ tranh, trồng cây, làm từ thiện… Những hoạt động này không chỉ giúp bé ít chơi game mà còn trở nên năng động, trang bị kỹ năng xã hội, làm quen nhiều bạn bè, giao tiếp tốt, khỏe mạnh hơn.
Đừng quên cho bé vận động: Thay vì để trẻ ngồi ở nhà chơi iPad, cha mẹ hãy cho con tham gia các lớp học năng khiếu như học bơi, múa, võ thuật, vẽ… Hay đơn giản là buổi chiều đưa con ra công viên để bé đạp xe đạp, đá banh, chơi cùng các bé khác… Ngoài ra, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ làm những công việc phù hợp với bé như quét nhà, tưới cây, chăm sóc vật nuôi, gấp quần áo…
Dành thời gian cho con: Một trong những nguyên nhân làm trẻ mê chơi game là do cha mẹ bỏ bê, để con chơi một mình. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian vui chơi cùng con hơn, điều này vừa giúp cha mẹ hiểu con hơn, gắn kết tình cảm gia đình đồng thời giúp các bậc phụ huynh quản lý trẻ tốt hơn.
Lam Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin
No comments:
Post a Comment