Friday, March 25, 2016

‘A Mi Ta Ba’.

Tôi rất thích kể một câu chuyện xảy ra trong chuyến hành hương Ấn Ðộ của chúng tôi, tuy đã kể nhiều lần nhưng cũng cứ quên [bài học trong đó], ở đây không sợ phiền hà, xin kể lại thêm lần nữa. Lúc chúng tôi đi hành hương có một vị sư phụ kể một câu chuyện: vào nhiều đời của thầy ổng về trước có hai vị đến Ngũ Ðài Sơn để chiêm bái Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Hai người này rất nghèo, nghèo đến nỗi hai người chỉ có 3 cái quần, hôm nay người này thay quần thì người kia không thay, đến hôm sau thì đổi ngược trở lại, cứ như thế họ luân phiên nhau mặc. Khi đến Ngũ Ðài sơn họ gặp một cụ già còn nghèo hơn, cụ xin họ cái quần; họ cứ suy đi, nghĩ lại. ‘Không được!’, đối với họ cái quần này thật sự quá quan trọng, nếu cho cái quần này thì cả đời họ sẽ không có quần để thay nữa! Suy đi nghĩ lại đến cuối cùng họ quyết định không cho.
Ông cụ bèn nói: ‘Các ông đừng để mất cơ hội nghe!’. Họ vẫn quyết định không cho, sau đó ông cụ biến mất ngay trước mặt hai người. Ðến lúc đó họ mới hết hồn và biết mình lên núi Ngũ Ðài gặp được Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát mà không biết, đã bỏ mất cơ hội [quý báu]! Nhận không ra, kỳ khảo nghiệm này thi rớt rồi. Trong chuyến đi hành hương Ấn Ðộ vị sư phụ này kể lại câu chuyện, nhắc chúng tôi phải chú ý.
Sau đó khi đến Bodhi Gaya, chỗ đức Phật thành đạo, một hôm tôi đi khám bịnh cho một người Tây Tạng, lúc trở về thấy vị sư phụ kể trên và một vị Lạt ma Tây Tạng đang đứng trước cửa quơ tay quơ chân để ‘nói chuyện’. Tôi không biết họ nói gì, đến hỏi mới biết vị Lạt ma muốn hoá duyên với vị sư phụ này, vị Lạt ma muốn hoá duyên cái nón, quần áo, bình nước, cà sa, …, mọi vật từ đầu đến chân ông đều muốn hết, cả xâu chuỗi của ổng luôn. Vị sư phụ hỏi: ‘Ông đã có một xâu chuỗi tại sao còn muốn xin xâu này của tôi nữa? Ðâu được! tôi chỉ có một chiếc cà sa’. Ổng ở đó quơ tay quơ chân, hai người cứ quơ mãi vẫn chưa xong, tôi nhìn thấy bỗng nhiên sực nhớ lại câu chuyện sư phụ kể lúc trước, nên tôi nói:
‘Sư phụ, cho ổng đi!’.
Ổng nói: ‘Ồ!’, ổng cũng sực nhớ lại câu chuyện.
Sau đó chúng tôi trở về chỗ trú trong ‘chùa Thái’, đi lấy hành lý ra, lấy tất cả mũ, áo lót, vớ đan bằng len,.., mọi thứ đều đem cho ông Lạt ma. Ông Lạt ma này cũng rất thú vị, lúc chúng tôi cùng đi về chùa Thái vừa lúc mặt trời đang lặn về Tây, ông Lạt ma lấy tay chỉ mặt trời, chỉ mình ổng rồi nói một tràng [tiếng Tây Tạng] với tôi. Vì ngôn ngữ bất đồng chúng tôi không hiểu lẫn nhau nên ông nói: ‘A Mi Ta Ba’, ‘A Mi Ta Ba’ (tiếng Tây Tạng), bây giờ tôi còn nhớ rõ giọng nói của ông. Ông dạy tôi niệm câu ‘A Mi Ta Ba’, lúc đó tôi cảm thấy trên mặt của ông thuần tuý có một mùi vị [rất là thần bí] đầy ‘du hí thần thông’! Tại sao lại xin nhiều quần áo như vậy? Tôi nhìn thấy bộ áo của ông mặc đã lâu rồi, và hình như ông không cảm thấy lạnh. Lúc đó trong tâm tôi cảm thấy rất thú vị, đợi đến lúc vị sư phụ lấy tất cả đồ đạc đem cho ông, ông Lạt ma này mới cười hì hì và đi mất! Ông vừa đi vừa niệm: ‘A Mi Ta Ba’, ‘A Mi Ta Ba’.
Nhưng sau đó không lâu ông quay trở lại! Trở lại làm gì? Ổng quay trở lại hoá duyên tiếp, ông xin một cái túi. Khi chúng tôi đến Ấn Ðộ có một số người Tây Tạng tặng một cái túi cho chúng tôi kết duyên, cái túi [này là đồ] thủ công nghệ của người Tây Tạng. Vị sư phụ nghĩ túi này là đồ người ta tặng ổng để kết duyên nên không đem ra cho, chuyện kỳ lạ [đáng nói] là ông Lạt ma này biết vị sư phụ còn giữ một cái túi nên ông đặc biệt quay lại xin cái túi đó [ không ai nói làm sao ổng biết được!]. Vị sư phụ này bất đắc dĩ phải lấy cái túi đưa cho ông, sau đó ông lão Lạt ma tiếp tục niệm ‘A Mi Ta Ba, A Mi Ta Ba’ rồi đi mất. Chúng tôi sợ hết hồn, ai cũng nói:
‘Úi chao! sư phụ à! chuyến hành hương này thầy gặp đức Phật A Di Ðà rồi.’.
‘Úi chao! Chuyện này thật không dễ đâu! Gặp mặt rồi mà không nhận ra, thiệt là quá nguy hiểm!’
Nghĩ tới nghĩ lui thiệt là quá nguy hiểm! Mỗi ngày chúng ta có thể đã gặp đức Phật nhưng chỉ đi phớt qua mà không nhận ra ngài là đức Phật A Di Ðà, chuyện này hỏng hết. Ðặc biệt những người học Y như chúng tôi còn nguy hiểm gấp bội, mỗi ngày không biết vị nào đến phòng khám bịnh của chúng tôi [là đức Phật]? Những người đi vào thật là kỳ quặc, hạng người nào cũng có, đi cà nhắc, bị ung thư, tròng mắt bị móc mất cũng có, …, ‘kiểu nào’ cũng có, không biết người nào mới là đức Phật A Di Ðà biến hóa ra, thiệt là quá nguy hiểm! Duy chỉ có cách an toàn nhất là phải rất cẩn thận và xem ai cũng là đức Phật A Di Ðà hết. Cho nên trong bịnh viện ai gặp tôi [lần đầu tiên chắc sẽ] cảm thấy rất kỳ cục, thấy tôi gặp ai cũng chắp tay niệm ‘A Di Ðà Phật’, ‘A Di Ðà Phật’.
Có lần nửa đêm cô y tá gọi điện thoại kêu tôi đi khám bịnh, vừa nhắc điện thoại lên liền nghe ‘A Di Ðà Phật’, nửa đêm nghe được câu này cô sợ hết hồn! Không thể tưởng tượng được tại sao nửa đêm nửa hôm nhắc điện thoại lên lại nghe ‘A Di Ðà Phật’. Nói thiệt ra, đối với tôi sự nhắc nhở niệm Phật còn quan trọng hơn bất cứ chuyện gì khác! Ðối với tôi, tốt nhất là lúc tôi vừa nhìn thấy bạn liền nghĩ đến đức Phật A Di Ðà. Có người trách tôi ‘Tại sao mỗi ngày từ sáng đến chiều cô cứ niệm A Di Ðà Phật hoài vậy?’. Tôi cười, nói với người đó: ‘Ồ! Bạn thiệt là trang nghiêm giống y như đức Phật vậy! Làm cho tôi vừa nhìn thấy bạn liền nghĩ đến đức Phật A Di Ðà’. Tôi trả lời như vậy nên người đó cảm thấy rất hài lòng.

No comments:

Post a Comment