Saturday, March 7, 2015

Kinh Phật Thuyết A Di Đà giảng thuật.


phần 15 (tiếp theo)

Tác giảThích Huyền Châu
1 điểm2 điểm3 điểm4 điểm5 điểm
Thầy Thích Huyền Châu, ảnh HN
Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhơn, văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhứt nhựt, nhược nhị nhựt, nhược tam nhựt, nhược tứ nhựt, nhược ngũ nhựt, nhược lục nhựt, nhược thất nhựt, nhứt tâm bất loạn. Kỳ nhơn lâm mạng chung thời, A Di Đà Phật dữ chư thánh chúng, hiện tại kỳ tiền, thị nhơn chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A Di Đà Phật Cực lạc quốc độ.
Xá Lợi Phất! Ngã kiến thị lợi, cố thuyết thử ngôn, nhược hữu chúng sanh văn thị thuyết giả, ưng đương phát nguyện, sanh bỉ quốc độ.

Dịch nghĩa:

Này Xá Lợi Phất! Nếu có hàng thiện nam thiện nữ nào nghe nói về Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu ngài, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn. Người ấy khi lâm chung thấy Phật A Di Đà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mặt. Khi chết, người ấy tâm không điên đảo, liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà.
Xá Lợi Phất! Ta thấy những điều lợi ấy nên nói như vậy, nếu có chúng sanh nào nghe lời nói đây, phải nên phát nguyện sanh về nước kia.

Giảng:
Kinh văn này đức Phật nói về điều kiện cần và đủ để một chúng sinh vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Chúng ta chia làm ba câu để dễ phân tích.

Câu thứ nhất: “Này Xá Lợi Phất! Nếu có hàng thiện nam thiện nữ nào nghe nói về Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu ngài, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn”. Chúng ta hiểu câu này thế nào?
Hàng thiện nam thiện nữ ở đây không nhất thiết phải là người Phật tử mà ấy là những con người lương thiện. Dù thiếu thời lỡ tạo ác nghiệp, nhưng biết sám hối cũng có thể gọi là người thiện. Anh đồ tể buông đao lập chí tu hành cũng là người phục thiện. Người lương thiện không làm những điều ác hãm hại chúng sinh, ngược lại còn biết làm việc lành giúp đỡ mọi người và biết giữ tâm hồn mình trong sạch nữa.

Những người như vậy khi nghe nói về sức chuyển hóa mầu nhiệm, sức diệu dụng thần kỳ của hồng danh Nam mô A Di Đà Phật mà phát tâm chấp trì danh hiệu Phật. “Chấp” tức là chấp thọ, “trì” tức là giữ gìn. “Chấp trì danh hiệu” tức là chấp thọ chắc chắn và nhớ niệm giữ gìn danh hiệu Phật ở mãi trong tâm. Khi đi đứng, lúc nằm ngồi không quên mất danh hiệu Phật. Chấp trì như thế hoặc là một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày cho đến bảy ngày, tức là không nhất thiết phải đủ bảy ngày. Chỉ cần một ngày rồi một ngày nữa cũng được, nhưng người ấy cứ niệm niệm như thế sao cho đến chỗ nhất tâm bất loạn. Niệm Phật đến chỗ nhất tâm bất loạn là một việc rất khó làm. Trong suốt thời gian ít nhất là một ngày, có thể ngồi bất động, có thể làm nhiều việc khác, nhưng tâm chúng ta niệm niệm không rời câuNammô A Di Đà Phật ấy gọi là nhất tâm. Bất loạn, tức là trong lúc niệm như thế hoàn toàn không có một vọng tưởng nổi lên xen vào, trong tâm cũng không có nghĩ ngợi bất cứ chuyện gì hết. Một dòngNammô A Di Đà Phật chảy mãi trong tâm không đứt đoạn, ấy gọi là nhất tâm bất loạn. Đây là cảnh giới niệm Phật tam muội.
Có người trong lúc đang nói chuyện, đang làm việc, tự nhiên nghe trong tâm mình niệm Phật. Ấy chính là biểu hiện của nhất tâm.

Câu thứ hai: “Người ấy khi lâm chung thấy Phật A Di Đà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mặt. Khi chết, người ấy tâm không điên đảo, liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà”.

Khi lâm chung, trong tâm chúng ta có ba biểu hiện cần phải ghi nhớ. Vì đó là cơ hội để chúng ta giải thoát:

Thứ nhất, vào lúc hơi thở vừa dứt hẳn, khí dương trên đầu đi xuống, khí âm dưới chân đi lên. Hai luồng chân khí ấy hợp lại thành nguyên khí hội tụ ở tim. Lúc ấy, người chết thấy một đạo ánh sáng gọi là Thường tịch quang pháp thân hiện ra rực rỡ và kéo dài độ chừng ba phút. Liền khi đó, chúng ta theo ánh sáng Pháp thân mà đi thì được giải thoát. Nếu tâm chúng ta còn lưu luyến thế gian thì bỏ mất cơ hội giải thoát thứ nhất.
Thứ hai, sau khi ánh sáng Thường tịch quang pháp thân mất đi, người chết rơi vào bóng tối mờ mịt, thời gian kéo dài mất tám giờ đồng hồ đến khi thần thức rời khỏi thể xác. Ngay lúc thần thức rời khỏi thể xác thì ánh sáng Pháp thân lần thứ hai hiện ra. Đây là cơ hội giải thoát lần thứ hai, chúng ta phải theo ánh sáng đi nhanh, đừng tham sân luyến chấp chuyện gì nữa hết. Nếu không thì mất cơ hội giải thoát lần thứ hai.

Thứ ba, thân trung ấm có mười bốn ngày sống trong Trung ấm pháp tính, lúc ấy có chư Phật và Thánh chúng phóng hào quang tiếp dẫn và sáu nẻo luân hồi hiện ra. Bấy giờ thân trung ấm nhận thấy các cõi trời, cõi người, cõi a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh luân phiên hiện ra hết cảnh giới này đến cảnh giới khác. Trong quá trình ấy, hào quang của Phật A Di Đà và Thánh chúng cũng luôn phóng tới tiếp dẫn, nếu người ấy biết niệm mười niệm Nam mô A Di Đà Phật thì liền được vãng sanh. Đây là cơ hội vãng sanh cuối cùng, nhất định không nên để mất.

Lưu ý, mỗi lần ánh sáng xuất hiện thì tội nghiệp trừ khử bớt đi, nếu không kịp thời nắm lấy cơ hội giải thoát này thì người chết lạc vào Trung giới, hóa thành hương linh mang thân trung ấm. Thân này có tuổi thọ chỉ có bảy ngày. Mỗi lần chết là mỗi lần thay đổi hành nghiệp. Sống chết bảy lần như thế là đến kỳ định nghiệp thọ sinh. Cho nên việc cầu siêu thất thất trai tuần trong bốn mươi chín ngày rất hữu ích. Thân này hoạt động nhanh chóng như tư tưởng, di chuyển tự do ra vào tất cả các nơi, chỉ trừ tử cung và tòa kim cang Phật. Tức là thân trung ấm khi lỡ chui vào tử cung thì bị tù hãm trong đó, muốn đi ra cũng không được nữa. Hoặc khi di chuyển may phước chạm vào tòa kim cang của Phật thì liền được giải thoát.

Do đó, thân bằng quyến thuộc hãy giúp người sắp mạng chung bằng cách hộ niệm. Từ lúc người thân sắp tắt thở cho đến tám giờ đồng hồ sau, nhất định chúng ta không nên làm gì cả ngoài việc tập trung quanh người ấy mà niệm Phật. Hàng thân quyến bấy giờ hãy nên kềm nén cơn đau buồn và lo chuyên tâm niệm Phật, chứ đừng khóc than vô ích. Vì làm như thế chỉ tăng thêm sự luyến chấp, người sắp chết ra đi không đành, ở lại không xong, chẳng có lợi ích chi cả. Lúc này chúng ta nên thỉnh một vị tăng chủ trì hộ niệm là tốt nhất.
Sau mười bốn ngày thì hương linh bắt đầu rơi vào Trung ấm tái sinh. Hương linh có thân cao ba trượng, sống trong cảnh tối tăm muôn phần khổ não lo toan như kẻ không nhà cửa, lang thang cơ nhỡ, lòng lúc nào cũng hướng về người thân mong họ làm chút ít việc thiện hồi hướng công đức.

Khi cha mẹ làm việc giao phối, có một ánh sáng nhỏ như đầu cây kim lóe lên, bấy giờ hương linh thấy thế khởi lòng dục chạy đến nhập thai. Luyến ái người mẹ sinh làm thân nam, yêu thích người cha sinh làm người nữ. Trước khi nhập thai, nếu là cõi trời thì thân trung ấm từ từ chuyển thành hình dạng thiên chúng rồi đầu thai. Cũng vậy, nếu có duyên với con người thì thân trung ấm cũng chuyển thành thân người trước khi nhập thai. Các cõi a tu la, địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh cũng tương tự như vậy.

Nói đến đây tôi nhớ đến một điều rất quan trọng đối với người trước phút lâm chung. Đức Phật A Di Đà lúc còn tu hành có phát bốn mươi tám lời nguyện. Trong ấy nguyện thứ mười tám có nội dung thế này: Khi tôi thành Phật, mười phương chúng sanh chí tâm tín ngưỡng, muốn sanh về cõi nước tôi, cho đến trong 10 niệm (lúc lâm chung), nếu chẳng được sanh về (trừ khi họ phạm tội ngũ nghịch, hủy báng Chánh pháp), tôi thề không chứng quả Chánh Giác”.  Căn cứ theo lời nguyện này thì trong lúc lâm chung, chúng ta chỉ cần ráng niệm đủ mười niệm Nam mô A Di Đà Phật sẽ được vãng sanh, trừ những người mắc phải tội giết cha, giết mẹ, giết bậc A la hán, làm cho thân Phật chảy máu, phá hoại sự hòa hợp của tăng chúng và hủy báng Tam bảo.

Trở lại kinh văn, người niệm Phật khi sắp lâm chung sẽ thấy Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí và chư Thánh chúng hiện ra trước mặt. Chúng ta đừng lo rằng ma có thể giả Phật. Vì hào quang, hình ảnh Phật A Di Đà và chư Thánh chúng không ma vương nào có thể giả được. Khi Phật hiện trước mặt, phóng quang tiếp dẫn, tâm chúng ta sẵn có nguyện tha thiết cầu sinh về Cực Lạc, lòng không đảo điên chuyện đời phù phiếm, nhất tâm niệm Phật thì liền được vãng sanh về thế giới của Phật A Di Đà, hóa thân một trong tám mươi mốt phẩm hoa sen, sống đời chân hạnh phúc.

Câu thứ ba: “Xá Lợi Phất! Ta thấy những điều lợi ấy nên nói như vậy, nếu có chúng sanh nào nghe lời nói đây, phải nên phát nguyện sanh về nước kia”.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một bậc nhất thiết trí có trí tuệ vô biên, sự hiểu biết của Phật hàng phàm phu chúng ta không thể nào hình dung được. Hôm nay đức Phật thấy những lợi ích không thể nghĩ bàn trong việc vãng sanh về thế giới của Phật A Di Đà, cho nên khuyên chúng ta phải nên phát nguyện cầu sinh Tịnh độ. Muốn vãng sanh thì phải hội đủ ba yếu tố: tín, nguyện và hạnh như đã trình bày trong phần Minh tông ở chương I.

Kinh văn:

Xá Lợi Phất! Như ngã kim giả, tán thán A Di Đà Phật, bất khả tư nghì công đức chi lợi.
Đông phương diệc hữu A Súc Bệ Phật, Tu Di Tướng Phật, Đại Tu Di Phật, Tu Di Quang Phật, Diệu Âm Phật, như thị đẳng hằng hà sa số chư Phật, các ư kỳ quốc, xuất quảng trường thiệt tướng, biến phú tam thiên đại thiên thế giới, thuyết thành thiệt ngôn: “Nhữ đẳng chúng sanh, đương tín thị xưng tán bất khả tư nghị công đức, nhứt thiết chư Phật sở hộ niệm kinh”.

Dịch nghĩa:

Xá lợi Phất! Như ta hôm nay ngợi khen công đức không thể nghĩ bàn của Phật A Di Đà. Ở phương Đông cũng có Phật A Súc Bệ, Phật Tu Di Tướng, Phật Đại Tu Di, Phật tu Di Quang, Phật Diệu Âm; giống như vậy, hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy: “Chúng sinh các ngươi phải nên tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn và kinh được tất cả chư Phật hộ niệm này”.

Giảng:

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo với Trưởng lão Xá Lợi Phất rằng như hôm nay Ngài khen ngợi, tán thán công đức không thể nghĩ bàn của Phật A Di Đà thì ngay lúc này đây mười phương chư Phật cũng đồng nói lời khen ngợi như Ngài vậy. Sự khen ngợi công đức này, ở phương Đông điển hình có năm vị Phật:

Đức Phật A Súc Bệ: Đây là đức Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật, cũng gọi là Bất Động Phật, nghĩa là Pháp thân thường trú bất động. Đại ý tôn hiệu Phật này nói về trí Phật như như bất động, nhưng chiếu khắp thế gian. Ai niệm danh hiệu và cúng dường đức Phật này thì có nhiều sức khỏe và thân tướng đẹp đẽ.

Đức Phật Tu Di Tướng: Nghĩa là tướng Phật vi diệu như núi Tu Di. Núi Tu Di tiếng Trung Hoa dịch là núi Diệu Cao, là hòn núi lớn giữa biển, được làm bằng bốn báu. Cõi chúng ta sống ở bên hướngNam chân núi này nên gọi là Nam Thiện Bộ Châu.

Đức Phật Đại Tu Di: Ý nói công đức của Phật cao lớn vời vợi như núi Đại Tu Di.

Đức Phật Tu Di Quang: Nghĩa là ánh sáng trí tuệ của Phật chiếu khắp vô biên cõi nước, rộng lớn như núi Tu Di vậy.

Đức Phật Diệu Âm: Âm thanh của đức Phật vô cùng vi diệu, hùng dũng như tiếng hải triều, mạnh mẽ như tiếng sư tử hống.

“Giống như vậy, hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài”. Tướng lưỡi rộng dài ở đây chúng ta nên hiểu là tướng của âm thanh, của lời nói. Tướng lưỡi rộng dài của con người được biểu hiện dưới dạng sóng vô tuyến. Nhấc máy điện thoại lên nói một câu, bên kia đại dương cũng nghe được, thậm chí trên mặt trăng cũng nhận được tín hiệu. Ai có tướng lưỡi rộng dài là được một trong ba mươi hai tướng tốt. Lưỡi của Phật le ra có thể chấm đến chân tóc trên trán. Điều này do nhân nói lời ngay thật, nói lời lời thanh tịnh nên hình thành quả như vậy. Ở đây, tướng lưỡi rộng dài của chư Phật là một dạng thần thông không thể nghĩ bàn, là tướng âm thanh vi diệu “trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới”.

Vô lượng chư Phật ở phương Đông hiện tướng lưỡi rộng dài cùng nói lời chân thật như nhau: “Chúng sinh các ngươi phải nên tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn”. Câu nói ấy như là một lời ấn chứng rằng nếu có chúng sinh nào tu niệm tinh tấn thì đến lúc lâm chung được chư Phật hộ niệm và chắc chắn đức Phật A Di Đà sẽ tiếp dẫn về thế giới Cực Lạc. Cho nên chúng ta hãy tin vào giáo nghĩa “kinh được tất cả chư Phật hộ niệm này”, y theo đó mà hành trì tất sẽ được lợi ích. Ở đây, Kinh Được Tất Cả Chư Phật Hộ Niệm cũng là tên gọi khác của Kinh Phật Thuyết A Di Đà. Đọc tên kinh thôi, chúng ta cũng đủ thấy giá trị nhiệm mầu của bản kinh này.


- See more at: http://bodephatquoc.com/kinh-phat-thuyet-a-di-da-giang-thuat-phan-15-tiep-theo.html#sthash.T9mKBztx.dpuf

No comments:

Post a Comment