Monday, March 23, 2015

Nỗi khổ của kẻ nhạy cảm .


    Năm phút trước khi tầu chạy tôi tìm được khoang của mình trên toa nằm. May cho tôi, chỉ một giường có người, không kể giường của tôi, cho nên tôi mới bụng bảo dạ, đêm nay rồi mình sẽ được ngủ ngon đây. Một gã hành khách đang nằm trên chiếc giường thứ hai, gã đắp chăn tới sát cằm, cái mũi nhọn hoắt và nhợt nhạt của gã trồi hẳn lên.
    Một lát sau tôi chẳng thèm để mắt tới gã nữa, bởi khi tôi nói: “Xin chào” thì chả thấy gã trả lời chi cả - càng hay, thế có nghĩa là gã đã ngủ rồi, tôi khỏi phải làm nghĩa vụ của một bạn đồng hành - tôi ngồi xuống chiếc giường dưới, đoạn thay quần áo.
    - Anh có hút thuốc không đấy? - tôi nghe giọng nói từ giường trên.
    - Cám ơn, không.
    - Tôi không chịu được khói thuốc đâu.
    - Ông có thể yên tâm, tôi không hút thuốc.
    - Anh mà hút thì tôi không tài nào chịu nổi đâu. Phổi tôi nhậy cảm lắm.
    - Tôi thông cảm, nhưng ông khỏi lo.
    - Hay là anh vẫn hút, anh chỉ cai lúc này thôi. Nửa đêm phát thèm thì anh không nhịn được nữa.
    - Không thể có chuyện đó, vì chưa bao giờ tôi hút thuốc.
    Gã im bặt. Tôi cởi tất.
    - Hay là anh bắt đầu.
    - Cái gì cơ?
    - Hút thuốc. Có ối người mãi tận về già mới bắt đầu hút thuốc cơ đấy.
    - Tôi không có ý định như vậy.
    - Nói một đường, nhưng sau đó có khi lại làm một nẻo cũng nên. Tôi là tôi không có chịu được như thế đâu nhá.
    - Vả lại tôi làm gì có thuốc lá trong người hả ông.
    - Thì anh đi xin của nhân viên kiểm tra vé tầu.
    - Tôi làm sao mà biết được, ông ta có hút thuốc hay không.
    - Thế ông ấy mà hút thì sao nào?
    - Thì lúc đó tôi sẽ ra ngoài hành lang, không được hút thuốc trong khoang tầu cơ mà.
    - Lúc đó cửa ra hành lang mà bị kẹt thì sao?
    - Chẳng sao cả, vì tôi đang không hút thuốc, chưa bao giờ hút thuốc và không có ý định bắt đầu hút thuốc. Chúc ông ngủ ngon.
    Tôi nói “chúc ông ngủ ngon” khí sớm, vì còn chiếc áo sơ mi và quần đông xuân tôi chưa thay. Có điều tôi muốn cắt phăng câu chuyện.
    Tôi đạt được ý đồ của mình, phải cái chẳng được bao lâu. Tôi vừa mới kịp cởi xong chiếc áo sơ mi thì gã kia lại lên tiếng.
    - Anh không tắt đèn hả?
    - Tôi khắc tắt, nhưng phải thay xong quần áo cái đã.
    - Có một số người thích đọc sách trước lúc đi ngủ, còn tôi thì lúc đó không ngủ được. Tôi nhậy cảm với ánh sáng ghê lắm.
    - Tôi mù chữ, thưa ông.
    - Thì anh có thể xem tranh.
    - Làm gì có hoạ báo mà xem.
    - Vậy còn ảnh thì sao? Làm gì anh chẳng có ảnh vợ trong người, anh không ngắm ảnh vợ mình trước khi đi ngủ đấy chắc?
    - Tôi ly hôn rồi.
    - Thì còn các con.
    - Tôi không có con.
    - Ai mà chả có bà con ruột rà.
    - Không, tôi không hề có một tấm ảnh nào cả. Ông có muốn kiểm tra người tôi không nào?
    - Một khi không có ảnh thì nhất định anh sẽ đi soi gương để xem mụn mọc trên mặt mình, hoặc là... Còn tôi không chịu nổi...
    Gã không kịp nói hết câu, vì tôi tắt đèn. Gã thở dài, khoang tầu im lặng, nhưng tôi vừa vào giấc chiêm bao thì một câu hỏi đập vào tai tôi:
    - Anh không ngáy hay sao?
    - Không.
    - Vì sao?
    - Vốn dĩ là vậy.
    - Lạ thật, nhìn chung con người ta ai mà chẳng ngáy, mà ngáy là làm phiền tôi. Tai tôi cực kỳ nhậy cảm.
    - Rất tiếc, tôi chẳng thể chiều tai ông.
    - Anh có dám chắc là anh không ngáy hay không nào?
    - Chắc hơn cả đinh đóng cột là đằng khác. Có điều bây giờ thì xin ông hãy cho phép tôi chợp mắt, tôi mệt rũ người rồi.
    Gã thuận ý. Thình lình ánh đèn chói mắt và tay người giật giật vai tôi làm tôi tỉnh giấc.
    - Anh bạn ơi, anh bạn ơi!
    Tôi nhìn thấy cái mũi nhọn hoắt của gã gí sát mặt tôi. Từ giường trên gã nhoài người xuống phía dưới, gã kéo cánh tay áo ngủ của tôi.
    - Anh bạn ơi, anh mà không hút thuốc, không ngáy và không để đèn sáng thì đích thực anh làm cái gì nào?
    - Ông muốn biết hả?
    - Vâng! Đường nào thì anh cũng phải làm cái gì đó chứ, chỉ tội tôi chưa biết đó là cái gì thôi. Điều này khiến tôi trằn trọc, không ngủ được.
    - Tôi bóp cổ!
    - Cái gì cơ?
    - Tôi bóp cổ. Bằng tay không, hoặc dùng dây. Ông không nghe người ta nói về “tên bóp cổ người trên tầu tốc hành đêm” khét tiếng hay sao? Hắn thường hoạt động trên tuyến đường này. Hắn mua vé toa nằm như mọi hành khách vô tội, đến nửa đêm thì hắn đi bóp cổ người.
    Đương nhiên hắn thích bóp cổ vào lúc trong khoang tầu ngoài hắn và nạn nhân ra không có một ai. Đó là tên hung đồ, và tên hung đồ này chính là tôi.
    Tôi được yên thân cho tới sáng. Lúc rạng đông, tôi ra ngoài đi vệ sinh, tôi bắt gặp gã ngoài hành lang, mặc áo khoác, mang theo va li.
    Suốt đêm qua gã ngồi lì trên chiếc va li của mình. Nom thấy tôi gã đứng dậy, lôi chiếc va li theo sau, lảng sang đầu bên kia hành lang toa tầu.
    Tôi thấy mủi lòng. Cuộc sống của những kẻ nhạy cảm thật chẳng dễ dàng chi.
 Slawomir Mrozek.


VanVN.Net - Slawomir Mrozek sinh ngày 26 tháng 6 năm 1930 tại làng Borzecin, Ba Lan. Ông là nhà văn, kịch tác gia và hoạ sĩ biếm hoạ nổi tiếng của Ba Lan. Trong số các tiểu thuyết và hàng chục tập truyện ngắn của ông phải kể đến: Những chiếc áo giáp tiện dụng (1953), Mùa hè bé bỏng (tiểu thuyết, 1955), Con voi (1957), Đám cưới ở Atomice (1959), Nhà tiến bộ (1960), Mưa, Cuộc chạy trốn về phuơng Nam (tiểu thuyết, 1961), Hai lá thư (1974), Tuyển tập truyện ngắn (tập 1,2,3 – 1999), Nhật kí trở về (1996).

http://vanvn.net/news/24/2444-chum-truyen-ngan-cua-slawomir-mrozek.html

No comments:

Post a Comment