Thứ Năm
Ngày: 31Tháng: 1 Năm: 1935 |
Thứ Năm
27/12/1934Ngày: Đinh Mùi Tháng: Đinh Sửu Năm: Giáp Tuất |
Sự nghiệp văn chương:
Trường phái: Chủ nghĩa hiện sinh
Oe Kenzaburo là một trong những cây đại thụ của văn học Nhật Bản đương đại. Những cuốn truyện đầu tiên đưa ông đến văn chương là Cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finnvà Chuyến đi kỳ lạ của Nils Holgersson. Năm 18 tuổi, ông tới Tokyo và học khoa Văn học Pháp tại Đại học Tokyo. Oe bắt đầu sự nghiệp sáng tác năm 1957 với thể loại truyện ngắn. Loạt truyện đầu tay của Oe tập trung khắc hoạ hình tượng người thanh niên bị tước đoạt những giá trị tinh thần, bị phản bội, bị sỉ nhục. Đó cũng là tâm trạng mà Oe đã trải qua ở tuổi lên mười tại làng quê của ông khi Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Tác phẩm xuất sắc nhất trong loạt truyện đó xuất bản năm 1958 được giải thưởng Akutagawa có tiêu đề Kho chiến lợi phẩm (Shiiku). Ông có vị trí như người phát ngôn cho thế hệ sau chiến tranh với những cuốn tiểu thuyết mô tả cuộc đấu tranh giữ vững phẩm giá của người thanh niên Nhật trong một xã hội đầy bạo lực. Những cuộc chiến thầm lặng ấy diễn ra trong vô vọng và thường kết thúc trong sự chấp nhận phục tùng “kuppuku”- một từ mà Oe hay dùng trong thời kỳ này. Dù thấm đẫm tư tưởng bi quan nhưng qua những sáng tác này, Oe kí thác ước mơ của ông về một miền đất huyền thoại tồn tại bên ngoài không gian, thời gian hiện thực, nơi còn đọng lại sự trong sáng và niềm vui. Loạt tác phẩm Oe sáng tác trong thập niên 60 là những sáng tạo không mệt mỏi và không có kết thúc về một chủ đề tiến dần trên tuyến thẳng của nó: đề tài quan hệ người cha và đứa con tật nguyền, từ đó toát lên chủ đề phê phán chiến tranh, khắc hoạ vẻ đẹp trong tính cách Nhật Bản.
Giải thưởng: Giải Akutagawa năm 1958; Giải Nobel Văn học năm 1994.
Các sáng tác
- Hái hoa, truy lùng bọn trẻ (1958)
- Bud- Nipping, Lamb-Shooting (1958)
- Một nỗi đau riêng (A Personal Matter, 1964)
- Hiroshima Notes (1965)
- Aghwee, con quái vật trên trời (1964)
- The Silent Cry (1967)
- Hãy dạy chúng tôi thoát khỏi sự điên rồ của mình (Teach Us to Outgrow our Madness,1969)
- My Deluged Soul (1973)
- Hãy vươn lên, ôi những chàng trai trẻ của thời đại mới (Rouse Up, O, Young Men of the New Age!, 1983)
- Những con cừu người
- Letters to My Sweet Bygone Years (1987)
- Contemporary Games
- M/T and the Wonders of the Forest (1986)
- The Flaming Green Tree
- Until the 'Savior' Gets Socked (1993)
- Vacillating (1994)
- On The Great Day (1995)
Một tác phẩm
Những con cừu người
Sương đêm chạm nhẹ vào má và dái tai, tựa như những hạt phấn cứng, nhưng tôi đứng trên con đường tráng nhựa vào một đêm khuya đầu mùa đông. Đút cuốn sách văn phạm Pháp ngữ sơ đẳng dành để đi kèm trẻ vào túi áo choàng, tôi còng lưng trong cái lạnh, chờ xe buýt cuối đêm đi ngoại ô đong đưa tiến dần đến giống như con tàu trong sương mù.
Cô phụ xe có ở sau gáy chắc nịch một mụt nhọt ra vẻ con gái, có màu hồng xinh xinh trông giống như bộ phận sinh dục của con thỏ. Cô ta chỉ một ghế trống ở góc sau xe cho tôi ngồi. Trên đường đi đến đó, tôi loạng choạng đạp phải vạt áo mưa lòng thòng của một người đàn ông trẻ tuổi có dáng như một ông giáo, đang lật trên đùi một chồng giấy đáp án của học sinh tiểu học. Tôi mệt nhoài, lại buồn ngủ nên khó giữ thăng bằng cho cơ thể. Tôi rụt rè cúi đầu, đi đến hàng ghế phía sau, ngồi xuống một chỗ trống hẹp giữa một bọn lính ngoại quốc say rượu trên đường về trại ở ngoại ô. Đùi tôi hay chạm vào cái đít mập cứng của một thằng lính ngoại quốc. Khi làn da mặt của tôi được dịu ra trong bầu không khí ấm áp đầy hơi nước trong xe buýt, một cảm giác thư giãn nhè nhẹ, mệt nhọc lẫn vào người tôi. Tôi ngáp nhẹ, nước mắt chảy trắng ra giống như mồ hôi của bọ dừa.
Bọn lính ngoại quốc say rượu, ồn ào vui vẻ, ép tôi vào trong góc ghế. Bọn nó còn trẻ, hầu hết đều có trán thấp, mắt to ướt át giống như mắt bò. Một tên lính có cái cổ to béo đỏ lòm, thắt ngang cổ mình một cái áo màu vàng nâu, để một người đàn bà nhỏ, mặt to, ngồi trên đùi mình. Vì bị bọn lính còn lại reo hò thôi thúc nên y đã cố sức thì thào vào cái lỗ tai sần sùi giống như đầu cây bị cắt của người đàn bà.
Người đàn bà cũng đang say có vẻ như muốn tránh cái môi mọng nước của tên lính, nên cứ chùng vai, đưa đầu tránh qua né lại. Thấy vậy, bọn lính cười ầm lên như nổi máu điên. Khách người Nhật trên xe, ngồi trên băng ghế dài dọc theo hai bên cửa sổ, đưa mắt sang hướng khác như chẳng để ý gì đến sự ồn ào của bọn lính. Người đàn bà ngồi trên đùi tên lính ngoại quốc hình như đã cãi lộn với hắn ta từ trước. Tôi dựa lưng vào băng ghế cứng, gục đầu xuống để tránh không đụng vào cái cửa sổ lộng kính. Khi xe buýt bắt đầu chạy, cái lạnh lại lẳng lặng thấm vào không khí trong xe. Tôi chậm rãi khép mình trong thế giới của mình.
Bỗng có tiếng cười chói tai vang lên, người đàn bà rời khỏi đùi tên lính, đứng dậy chửi xối xả vào mặt bọn lính, ả ngã mình dựa vào vai tôi. Ả ép cái thân mềm nhão lên người tôi, rồi gào lên bằng tiếng Nhật.
- Tao người Á Đông đó nghe, coi chừng nghen, mầy muốn gì, hả. Buông tao ra. Đừng dở giọng coi thường tao.
Tên lính ngoại quốc để người đàn bà ngồi trên đùi khi nãy, dang hai cái đùi dài bây giờ đã trở thành trống không, ra hai bên như con khỉ, phải nói rằng anh ta bối rối ra mặt và chỉ biết nhìn tôi với người đàn bà.
- Đồ trâu bò. Mầy giở trò gì với tao ở trước mặt mọi người đây hả?
Người đàn bà nhướng cổ, tức khí la ó lên vì bọn lính ngoại quốc cứ im miệng.
- Làm cái gì ở cổ người ta vậy. Dơ dáy quá chừng.
Cô phụ xe chỉ phùng má đưa mắt sang hướng khác.
Người đàn bà không dứt kêu la ầm ĩ.
- Thân thể của bọn mầy lông lá xồm xoàm tới lưng, thấy mà ghê. Tao chỉ muốn ngủ với cậu bé nầy đây nè.
Những hành khách người Nhật ngồi ở phía trước, như anh thanh niên mặc áo khoác ngoài bằng da, người đàn ông tráng niên dáng phu cầu đường, những người nhân viên đi làm về đưa mắt nhìn tôi và người đàn bà. Tôi co người lại, cố gởi nụ cười nhè nhẹ yếu đuối, nụ cười của một nạn nhân, đến ông giáo mặc áo mưa có cổ áo dựng đứng. Thế nhưng ông giáo nhìn trả lại tôi bằng cặp mắt đầy trách móc. Tôi lại còn để ý thấy bọn lính ngoại quốc cũng bắt đầu tập trung chú ý đến tôi, chứ không phải đến người đàn bà. Thân tôi nóng lên vì lúng túng và mắc cỡ.
- Nè, tao muốn ngủ với cậu bé nầy đây nè.
Tôi định đứng dậy để tránh thân thể của người đàn bà, nhưng cánh tay lạnh lẽo, khô khan của ả cứ bám vào vai tôi không chịu buông ra. Đã vậy ả còn nhăn cái hàm răng vàng khè của mình ra vừa la làng vừa làm văng những bọt nước dãi nhỏ hôi mùi rượu lên đầy mặt tôi.
- Tụi bây, có muốn thì cứ ôm đít bò mà làm đi, tao chỉ muốn làm với cậu nầy thôi. Coi đây nè.
Tôi nhấc người lên, khi tôi vung tay để thoát khỏi cánh tay người đàn bà, chiếc xe buýt nghiêng mạnh qua một bên, làm tôi chỉ có đủ thời gian đưa tay nắm lấy cái thanh ngang ở cửa sổ lộng kính để giữ cho thân mình khỏi ngã. Vì thế, với tư thế vịn vào vai tôi, người đàn bà đã bị quay ngang, ả hét lên rồi té ngửa xuống sàn, hai cái chân ốm, ngắn dãy dụa trên không. Tôi thấy ở trên vòng thắt vớ, cái đùi phồng lên một cách lạ thường đã nổi da gà và đổi màu thành xám đen vì lạnh, nhưng tôi không làm gì được. Đúng là giống như một con gà trụi lông ướt át, bất chợt nằm quằn quại trên cái bàn bằng gạch bông trong tiệm thịt.
Một tên lính ngoại quốc nhanh nhẹn đứng lên đỡ ả dậy. Tên lính ấy vừa đưa tay đỡ vai ả vừa lườm mắt nhìn tôi. Mặt mày ả bỗng trở nên xanh lét, ả thở hổn hển, môi mím chặt, cứng nhắc trong hơi lạnh. Tôi muốn ngỏ lời xin lỗi nhưng vì bị bọn lính ngoại quốc nhìn lườm lườm nên tiếng xin lỗi dán dính trong cổ họng không ra được. Tôi lắc đầu, cố đặt mình lên ghế. Cánh tay gân guốc của tên lính ngoại quốc chụp lấy vai tôi, kéo tôi lên. Tôi ưỡn ngửa người ra thì thấy con mắt màu nâu của tên lính, vì giận dữ và say rượu, bùng lên những tia sáng lấp lánh như một cụm pháo bông nhỏ.
Tên lính la lên gì đó. Nhưng tôi không thể nào hiểu được những tiếng quát tháo ầm ĩ xen đầy tiếng nghiến răng nầy. Tên lính im miệng trong chốc lát. Hắn liếc mắt nhìn tôi rồi lại quát lên với vẻ hung hãn hơn trước.
Tôi hết sức kinh hoảng, mắt tôi cứ chăm chăm nhìn vào lớp da đột ngột phồng lên trên cổ họng và cái cổ gân guốc đưa tới đưa lui của tên lính. Lời hắn nói, tôi không hiểu được một chữ.
…
Người dịch: Lê Ngọc Thảo
No comments:
Post a Comment