Bí quyết dạy con của bố, các mẹ hãy học hỏi nhé!
Một gia đình có bé học cấp một, mỗi sáng bé đều không muốn dậy sớm. Người mẹ phải dậy sớm, rửa mặt xong mới gọi con dậy, nhưng gọi mấy tiếng bé vẫn không phản ứng, rồi người mẹ lại bận đi làm bữa sáng.
Đến 10 phút sau quay lại vẫn không thấy con dậy, mẹ quát: “Mau dậy đi, không dậy sẽ muộn đấy!” Khi nhìn đồng hồ thấy muộn người mẹ liền kéo con dậy vội mặc đồ cho con, vừa mặc vừa lải nhải: “Nói ngủ sớm một chút không nghe, giờ thì muộn rồi, nói bao nhiêu lần vẫn thế thôi”.
Trong một gia đình khác cũng có một đứa trẻ như thế, bé cũng không muốn dậy sớm. Người cha hàng ngày dậy sớm giải quyết mọi việc gọn gàng nhanh chóng, sau khi xong việc mới đánh động con: “Bé ngoan, chào buổi sáng…” Có khi bé không mở mắt được, chỉ nói mơ hồ “chào ba buổi sáng” rồi lại ngủ tiếp. Người cha nói thầm vào bên tai con: “Ba có bí mật nói cho con nghe, khoảng 10 phút nữa con phải dậy, con chỉ được ngủ thêm 10 phút….” Rồi người cha đi chuẩn bị đồ ăn sáng. Sau 10 phút người cha đến giường chủ động bế bé dậy, lại để đồ của bé bên giường, nói: “Hy vọng trong 15 phút con mặc đồ và rửa mặt xúc miệng xong, sau đó đi ăn sáng”. Thế rồi cuối cùng bé cũng ngồi xuống bàn bắt đầu dùng bữa sáng.
Hàng ngày bé đều không muốn làm bài tập. Người mẹ thì quá bận, bé vừa về nhà liền bắt làm bài tập, gọi xong lại bận với công việc của mình. Người mẹ vừa làm việc nhà, thỉnh thoảng lại quát bé“làm xong chưa?”. Ban đầu bé có thể trả lời “lát nữa con làm”, nhưng cứ như thế vài lần, bé bắt đầu không muốn trả lời, cố ý như không nghe thấy và cứ tiếp tục chơi trò chơi mà bé thích. Thế rồi người mẹ lại càng bực, vừa quát vừa bắt bé phải lấy bài ra làm ngay. Nhưng thường thì bé sẽ không muốn làm vì đầu óc chỉ nghĩ đến trò chơi mà bé thích. Thái độ của bé làm người mẹ càng giận: “Hôm nay không làm, ngày mai thầy giáo kiểm tra xem con giải quyết thế nào!”. Nói xong liền bỏ đi, nửa tiếng sau quay lại mọi việc vẫn như cũ.
Cũng trường hợp như thế trong một gia đình khác, người cha cũng bận rộn, nhưng sau khi con về nhà người cha không để con lập tức làm bài mà nhẹ nhàng nói: “Con đi chơi 20 phút rồi về làm bài”. Đứa trẻ phấn khởi chạy đi chơi. Sau 10 phút người cha nhắc nhở con: “Con yêu, con còn 10 phút để chơi nữa thôi, sau đó phải đi làm bài tập”. Sau 10 phút, người cha thấy bé vẫn mải chơi thì nói: “Lại đây, chúng ta làm bài nào”. Người cha cũng tạm thời ngưng công việc của mình. Đứa bé nói: “Ba chờ con xếp xong cái hình này được không?” Sau khi chờ bé xếp xong hình người cha mới dắt con thoát khỏi đống đồ chơi, đến bàn học rồi hỏi: “Con muốn làm văn hay toán trước, con tự chọn”.
Trong hai kiểu thái độ dạy trẻ thường thấy này, chắc chắn cách làm như người cha có ưu điểm hơn nhiều, sau này đứa bé sẽ biết chủ động tự giác hoàn thành công việc của mình, chỉ là vấn đề sớm muộn mà thôi. Còn nếu làm như người mẹ, đứa bé sẽ khó khăn phát triển hơn. Bé sẽ vẫn cứ ham chơi và nghĩ cách thoái thác, thoát khỏi sự răn dạy và la mắng của mẹ…
Dĩ nhiên ở đây chỉ nói về bậc tiểu học. Còn cứ tiếp diễn như vậy, đến trung học, bé sẽ không còn sợ hãi mẹ nữa, có thể nó sẽ cãi lại, có hành động phản kháng, thậm chí quá khích… Với kiểu tâm lý hình thành từ nhỏ như vậy, sau này thành người lớn, bé sẽ cư xử với con cái và người thương yêu của mình thế nào? Bé sẽ cảm giác thế nào về cuộc sống và hạnh phúc của những người xung quanh bé? Không cần nói, có lẽ mọi người đều hiểu được. Cách dạy như người cha, cho phép con chơi 20 phút, cho con một khoảng thời gian để chơi chính là tôn trọng quy luật trưởng thành của trẻ. Người cha nhắc con trước 10 phút để con có chuẩn bị tâm lý trước, giảm bớt áp lực đột xuất dẫn đến xung đột với việc mà trẻ không muốn làm. Khi thời gian đến, người cha vẫn đồng ý để con hoàn thành công việc mà bé đang chơi, đó là tôn trọng thành quả lao động của con. Cuối cùng người cha dắt con đến bàn, cho con lựa chọn môn học, không ép con phải làm gì, không cảnh cáo con phải làm cho thật tốt, đây là cho con cơ hội lựa chọn, và không tạo áp lực để con sợ hãi. Cách quản lý có thời gian chuẩn bị, có cơ hội lựa chọn, có thái độ tôn trọng, có khoan dung, không làm con khiếp sợ, chắc chắn đây là cách hay.
Dạy con là trò chuyện, thương lượng với con, bạn không nên khống chế bé hay đe dọa bé, bạn chỉ nên có nghĩa vụ giúp đỡ bé làm tốt nhất công việc của bé có thể làm, lấy thái độ của một con người nên có để cư xử với bé.
Theo NTDTV
“Bí quyết vàng” của những mẹ có con đứng đầu lớp
Không nhất thiết cha mẹ phải là người có học thức tầm “siêu cao thủ” mới có thể dạy con học giỏi. Điều quan trọng là phương pháp giáo dục con cần theo đúng cách.
Dạy con học giỏi là mong muốn của mọi bậc phụ huynh. Không nhất thiết bố mẹ phải là người có trình độ học vấn “siêu đẳng” mới có thể nuôi dưỡng được những thiên tài mà điều quan trọng nhất là tạo lập những thói quen và môi trường, điều kiện học tập tốt nhất cho con. Mời các bố mẹ tham khảo những kinh nghiệm quý báu từ các bà mẹ biết cách dạy con học hiệu quả, tiếp thu tốt.
1. Không làm hộ bài tập cho con
Nuôi dạy con là cả một quá trình gian khổ, cha mẹ phải chấp nhận mất hàng giờ đồng hồ chỉ để gợi ý và hướng dẫn cách giải bài tập cho trẻ chứ không phải đưa lời giải “ăn sẵn”. Trẻ sẽ không học được gì cả nếu không tự suy nghĩ, tự mắc sai lầm và giải quyết sai lầm của chính mình.
Thời gian con loay hoay tính mãi không xong một bài toán đơn giản hay viết mãi không nổi một câu có thể kéo dài rất lâu, có thể làm lỡ mất buổi tối đắp mặt nạ dưỡng da của mẹ hoặc trận bóng đá yêu thích của bố nhưng cha mẹ đừng vì sốt ruột mà làm hộ bài cho con. Đây là cách “giết chết” tư duy sáng tạo và ý thức tự lập của con nhanh nhất.
Cha mẹ phải chấp nhận mất hàng giờ đồng hồ chỉ để gợi ý và hướng dẫn cách giải bài tập cho trẻ chứ không phải đưa lời giải “ăn sẵn”. (Ảnh minh họa)
2. Tạo góc học tập thoải mái, phù hợp
Góc học tập tại nhà đóng một vai trò cực kì quan trọng đến hiệu quả học tập của bé. Hãy tạo cho con một không gian ngăn nắp, sạch sẽ, yên tĩnh, đủ ánh sáng và dụng cụ học tập, phòng học nên sơn màu con yêu thích để con có cảm hứng học hành hơn.
Tránh để những vật dụng mang tính giải trí như truyện tranh, tivi, laptop ở khu vực con học bài, dễ gây xao nhãng, mất tập trung. Ngay cả người lớn khi có những đồ vật giải trí bên cạnh cũng khó lòng cưỡng lại được sức hấp dẫn của chúng để chuyên tâm làm việc.
3. Duy trì lịch học tại nhà cố định hàng ngày
Bố mẹ nên rèn cho bé thói quen ngồi vào bàn học theo khung giờ cố định, đều đặn hàng ngày. (Ảnh minh họa)
Một số bé học hiệu quả nhất vào buổi chiều, giữa buổi có giải lao kèm ăn đồ ăn vặt và vui chơi bên ngoài. Một số bé có thể thích học sau khi ăn tối xong. Dù bé học chọn học vào buổi nào thì bố mẹ cũng nên rèn cho bé học cố định, đều đặn vào buổi đó hàng ngày. Bé sẽ hình thành được thói quen vào học đúng giờ và ý thức tự giác ngồi vào bàn học.
4. Làm gương cho con
Nếu trong lúc bé đang học mà bố mẹ hào hứng hò hét ngồi xem chương trình truyền hình yêu thích ở phòng bên thì khó có bé nào tập trung được vào bài học. Các vị phụ huynh hãy chịu khó “hy sinh” một chút. Khi con đang học bài thì bố mẹ cũng nên ngồi nghiêm túc đọc sách hoặc giữ mọi hoạt động ở trạng thái yên lặng, tránh để ảnh hưởng tới con.
5. Liên lạc với thầy cô
Cần chủ động liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để biết chuyện gì đang diễn ra ở trường, ở lớp của con. Bố mẹ và thầy cô nên trao đổi với nhau về những điểm mạnh, điểm yếu, vấn đề ở bé mà hai bên phát hiện ra để kịp thời sửa đổi tình trạng của bé cho phù hợp. Đây là phương thức hiệu quả giúp con học tập thành công.
Theo khamph
5 “câu thần chú” giúp trẻ ngoan ngoãn nghe lời
Bé còn ương bướng, khó bảo, không vâng lời… có thể là do bố mẹ chưa biết dùng những “chiêu” sau đây.
Dưới đây là những câu nói của cha mẹ mà bất cứ đứa trẻ nào, dù ngoan cố, bướng bỉnh nhất cũng sẽ cảm thấy “lọt tai” và dễ bị thuyết phục theo:
1. Con có thể chọn, hoặc là… hoặc là…
Trao cho bé quyền lựa chọn cũng sẽ làm bé hào hứng hơn với yêu cầu của bố mẹ hơn. Có thể cùng một yêu cầu sai bé đi làm việc nhà, nhưng nếu mẹ cho bé chọn lựa giữa tưới cây và quét sân, bé được đích thân lựa chọn chứ không có cảm giác bị bắt buộc, việc chọn cái này chứ không phải cái kia cũng mang lại cảm giác bé đã chọn được thứ tốt nhất cho mình.
2. Bố/mẹ cảm ơn/xin lỗi con
Đừng tự cho mình có quyền được bỏ qua những lễ nghĩa thông thường chỉ vì mình là người lớn. Khi bố mẹ tự nhận lỗi với trẻ bằng việc xin lỗi hoặc công nhận hành động của con qua việc cám ơn, trẻ sẽ cảm thấy mình và bố mẹ có quyền bình đẳng ngang nhau, ai sai người ấy chịu, ai đúng người ấy được khen. Bố mẹ là tấm gương mẫu mực thì lời nói thuyết phục con cái mới có sức nặng.
Lời xin lỗi/cảm ơn con rất cần thiết nhưng không phải bố mẹ nào cũng thường xuyên nhớ đến. (Ảnh minh họa)
3. Mẹ biết là con thích… nhưng…
“Mẹ biết con thích trò cầu trượt này lắm, nhưng mình phải về rồi không tối mất” – vế đầu tiên của câu nói sẽ cho thấy bạn có quan tâm đến cảm xúc của trẻ, trẻ sẽ tiếp nhận rằng: “À, bố mẹ có hiểu ý mình muốn.” Nhờ đó, tâm lí muốn phản kháng của trẻ sẽ dịu đi nhiều sau khi nghe vế “nhưng…” đằng sau. Nếu bố mẹ không thể hiện sự đồng cảm ngay từ đầu mà bắt ép trẻ làm theo ý mình luôn thì việc trẻ bực bội, phản đối là điều dễ hiểu.
4. Con có cảm thấy buồn không?
Trẻ nhỏ có thể chưa nhận thức được cảm xúc hiện tại của mình chính xác là gì. Cha mẹ cần giúp con điều khiển cảm xúc bằng cách giúp con “gọi tên” cảm xúc. Khi con đang buồn, giận, khó chịu,.. hãy hỏi tâm trạng hiện tại của bé là gì, vì sao lại thế và cùng bé xử lí điều đó.
5. Con nói đi, bố/mẹ nghe này
Đôi khi, điều bố mẹ cần làm không phải là nói gì hết mà chính là lắng nghe con trẻ bày tỏ. Đừng vì bận rộn mà bỏ quên mất khoảng thời gian bên con, lắng nghe tâm sự của con. Nhờ đó, bé cảm thấy mình được quan tâm, tôn trọng và nuôi dưỡng lòng tự tin.
Theo khampha
Có thể mẹ chưa biết: hãy dạy con ngồi xuống khi bị lạc đường
Khi bị lạc, trẻ sẽ rất sợ hãi và hoảng loạn, hãy dạy con dừng lại và ngồi xuống ngay lập tức, đó là một hành động giúp trẻ tự trấn an tinh thần hiệu quả để nhớ được mình sẽ phải làm gì tiếp theo.
Dưới đây là 4 kĩ năng sinh tồn bé dưới 5 tuổi nhất định phải biết với những hướng dẫn cụ thể dành cho bố mẹ khi dạy con về các kĩ năng sinh tồn này.
Làm thế nào khi bị đi lạc?
Nếu chẳng may bị lạc đường trẻ sẽ rất sợ hãi. Theo bản năng, điều đầu tiên chúng làm là sẽ cố gắng đi tìm bố mẹ. Trang bị trước cho con những kĩ năng sinh tồn cần thiết khi lỡ bị lạc đường sẽ giúp ích cho chúng rất nhiều.
Hãy dặn con phải dừng lại ngay lập tức và ngồi xuống khi phát hiện mình đi lạc, không khóc lóc quá nhiều. (Việc dặn con ngồi xuống là trấn an con rằng con đừng quá lo sợ, bố mẹ chắc chắn đang đi tìm con. Nếu con đi lại nhiều thì bố mẹ sẽ khó tìm thấy con hơn.
Bạn có thể cân nhắc việc trang bị cho con một chiếc điện thoại rẻ tiền khi đi ra ngoài, hay một vài thứ phòng thân trong ba lô hoặc túi xách của con như một cái còi, một chiếc khăn tay sặc sỡ để ra hiệu cho bố mẹ trong đám đông, một chai nước, vài chiếc kẹo cho con trong lúc chờ đợi, một tờ giấy ghi thông tin, số liên lạc của bố và mẹ trong ba-lô của bé cũng sẽ giúp ích trong tình huống này.
Trả lời thế nào khi có người lạ gõ cửa lúc bố mẹ vắng nhà?
Cách tốt nhất là không nên trả lời. Người gõ cửa có thể là một tên trộm đang cố gắng thăm dò nhà bạn. Nếu mở cửa thì tên trộm sẽ dễ dàng xâm nhập vào nhà và trấn áp đứa trẻ. Hãy dạy con cách đảm bảo an toàn khi ở nhà như: đóng cửa chính và cửa sổ, kéo rèm lại. Nên bật đài hoặc ti vi to. Những người có ý định xấu thường sẽ phải cân nhắc nếu trong nhà có tiếng ồn khi cửa đã đóng và không có ai trả lời.
Trả lời người lạ như thế nào khi không có bố mẹ ở nhà cũng là một kĩ năng sinh tồn quan trọng cần trang bị cho con. Ảnh minh họa.
Làm thế nào trong trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp?
Từ nhỏ hãy “huấn luyện” con thuộc lòng số điện thoại khẩn cấp và biết bấm số, thông báo trong trường hợp cần thiết. Số điện thoại khẩn cấp cũng có thể là số của một người thân trong gia đình (bạn có thể dùng cách lưu sẵn một số nhanh trên điện thoại cho con nếu con đã dùng điện thoại). Bố mẹ nên tạo điều kiện để thực hành cùng con.
Hãy dành thời gian cùng con tập gọi điện, hãy dạy con cách thông báo tình hình cho người thân, tuân theo sự hướng dẫn và giữ nguyên đường dây liên lạc cho đến khi có người đến giúp.
Mùa hè có thể là thời điểm lý tưởng để bạn cho con học những khóa học về tự bảo vệ bản thân và hô hấp nhân tạo. Những lớp học này thích hợp cho những bé đã được 9 tuổi hoặc lớn hơn.
Phát triển kỹ năng nhận biết các tình huống
Hãy giúp con nhận biết về con người và những sự kiện xung quanh. Đây có thể như một trò chơi, bài tập thú vị và không hề làm trẻ sợ hãi.
Kỹ năng này có thể giúp trẻ tránh được nhiều tình huống nguy hiểm. Khái niệm thế nào là tình huống nguy hiểm bạn chỉ có thể giúp con nhận biết thông qua con người và những sự kiện xung quanh. Bố mẹ có thể giúp trẻ trở nên cảnh giác hơn và nhận thức rõ ràng về các sự kiện xung quanh mình thông qua các trò chơi, bài tập thú vị.
Ví dụ khi lái xe trên đường, hãy bảo con miêu tả về một tòa nhà hay phương tiện mà bạn và con vừa đi qua. Bạn có thể nói con nhắm mắt lại và đố con những người xung quanh đang mặc đồ như thế nào.
Dạy con chú ý quan sát đường về nhà bằng cách hỏi con đường đi và nhắc lại nhiều lần.
Nhận thức được môi trường xung quanh sẽ giúp trẻ tránh được những kẻ có ý định xấu và những tình huống nguy hiểm. Hãy làm cho việc thực hành những kỹ năng an toàn trở nên đơn giản, thú vị và vui vẻ với trẻ!
Theo Tri Thức Trẻ
23 kỹ năng sống bố mẹ có thể tự dạy con càng sớm càng tốt
Những kỹ năng sống bố mẹ có thể dạy con từ sớm dưới đây có thể khiến bạn giật mình vì chúng quá… đơn giản, nhưng đó lại là những kĩ năng sinh tồn quan trọng nhất!
Kỹ năng sống rất quan trọng đối với một đứa trẻ. Trẻ cần phải biết tự lo cho bản thân trong trường hợp không may bị thương, hay cần biết làm gì khi không có người lớn ở bên cạnh, đó là những kĩ năng sinh tồn đơn giản và quan trọng nhất nhưng không phải bố mẹ nào cũng ý thức được để dạy con.
Dạy con kĩ năng sinh tồn không phải là những điều cao siêu mà nó ở gần ngay bên bạn và con của bạn, trong cuộc sống mà bạn và con đang trải qua hàng ngày. Quan trọng là cha mẹ muốn con mình lớn lên trở thành người như thế nào, bản thân cha mẹ cần cái gì, thiếu gì, cần dựa vào cái gì để sống, để thành công thì hãy dạy con những điều như thế.
Khởi động loạt bài về dạy con kĩ năng sinh tồn, Mẹ&Bé chia sẻ cùng bố mẹ những kĩ năng sống đơn giản nhất mà chính bố mẹ có thể tự dạy con ngay từ khi còn nhỏ và cần dạy con càng sớm, càng tốt.
1. Học cách gieo hạt và trồng cây.
2. Biết được nhu cầu ăn uống của bản thân và cách để đáp ứng khi có nhu cầu đó. (Cụ thể là biết thế nào là đói, thế nào là no và cách xử lý khi gặp phải tình huống đó).
3. Học cách châm lửa và hiểu rõ các nguyên tắc an toàn về cháy nổ.
4. Nấu ăn.
5. Cách giật nắp mở một lon nước, hoặc lon thực phẩm.
6. Nhận biết được thức ăn hỏng, đồ ăn không còn ăn được nữa.
7. Học cách sử dụng dao an toàn.
8. Tìm nước và có khả năng xác định xem nước đó có an toàn để uống không.
9. Đun sôi nước để uống.
10. Những kỹ năng sơ cứu cơ bản.
11. Những thao tác vệ sinh cơ bản.
12. Tìm hoặc tự tạo ra một nơi trú ẩn an toàn ở nơi hoang dã, trong thiên nhiên.
13. Biết cách giữ ấm, làm mát hoặc khô cơ thể trong các điều kiện khác nhau.
14. Hiểu được lúc nào, tại sao và như thế nào thì cần phải đi trốn, ẩn nấp.
15. Biết cách tự vệ và phòng thủ.
Trẻ cần tò mò khám phá và biết được các kỹ năng giải quyết vấn đề. Ảnh minh họa.
16. Biết trèo cây.
17. Học cách sử dụng bản đồ và la bàn.
18. Nhìn bầu trời, dự đoán được thời gian và thời tiết.
19. Biết được gia đình mình và bạn bè đang sống ở đâu để tìm đến khi cần thiết.
20. Học cách khâu vá để có thể sửa quần áo, thậm chí là may những đồ handmade nhỏ nhắn như túi…
21. Trao đổi và thương lượng khi mua bán (trẻ con rất thích công việc này khi chơi đồ hàng).
22. Tò mò khám phá thiên nhiên và các kỹ năng giải quyết vấn đề tốt.
23. Chăm chỉ, là người biết giúp đỡ các thành viên khác trong gia đình mà không kêu ca, phàn nàn.
Việc xây dựng kỹ năng sống cho trẻ không gì hơn là cho trẻ cơ hội để trải nghiệm, thích nghi và hướng dẫn cho trẻ cách tự thể hiện mình. Những việc tưởng chừng đơn giản nhất nhưng nó chính là những kỹ năng giúp trẻ sinh tồn.
Theo An Khánh / Trí Thức Trẻ
No comments:
Post a Comment