Friday, October 16, 2015

Cà phê ngọt

Thứ Ba, ngày 26 tháng 11 năm 2013

shared http://vuisongmoingay.blogspot.com.au/2013/11/ca-phe-ngot.html

Nhị Tường

Một ngày của tôi bắt đầu bằng ly cà phê. Tôi cứ tưởng chừng như thiếu nó thế giới này sẽ ngừng lại. Những khi rảnh rỗi một chút là nghe những bạn đồng nghiệp bảo nhau: “Đi uống cà phê cái đã” hoặc là, “ra quán cà phê nói chuyện đi”. “Gặp nhau ở quán cà phê X đi nghen”…
Khi tôi bắt đầu nhận thức được thế giới xung quanh, cũng là lúc tôi biết uống cà phê, thứ cà phê nước sái mẹ tôi pha cho tôi từ khi tôi còn rất nhỏ, vì tôi nhất định không chịu uống sữa trắng. Mỗi sáng mẹ tôi để dành cho tôi một ly sữa lớn có cà phê. Sau khi thức dậy, việc đầu tiên là tôi tìm đến  ly cà phê của mình và nốc một hơi. Đó là một thói quen mà tôi có được từ tình thương yêu của mẹ. Ngay cả sau này, khi tôi đã lớn, đi học xa nhà, quay trở về nhà mệt mỏi sau một đêm trên tàu, tôi lại tìm thấy ly cà phê mang đầy hương vị thương yêu của tuổi thơ trên bàn học.
Buổi sáng sớm, mẹ tôi thức dậy sớm, nhóm một bếp than hồng và nấu nước pha cà phê cho ba và tôi. Mẹ không uống cà phê, nhưng mẹ luôn làm việc đó suốt ba mươi năm chung sống với ba và những năm sau này với chúng tôi. Bên ly cà phê, tôi không biết là bố mẹ đã nói với nhau những gì, chuyện tình yêu, chuyện làm ăn, hay chuyện con cái, thỉnh thoảng lại có cãi nhau nữa. Đôi khi tôi bị thức giấc vì những lần bố mẹ cãi nhau lúc sáng sớm như thế. Nhưng sáng hôm sau, tôi lại thấy mẹ lúi húi bên bếp lửa cùng với bố bên ly cà phê…
Khi tôi biết yêu lần đầu, người yêu tôi đã đưa tôi đi đến một quán cà phê. Vì ít tiền nên chúng tôi chỉ uống cà phê đen. Những giọt cà phê màu nâu rơi chậm rãi xuống ly, rơi rất chậm, nhưng sao chúng tôi thấy thời gian ngồi gần bên nhau trôi nhanh thế. Khi anh rót cà phê đã khuấy tan đường  vào trong ly đá, anh cũng rót rất chậm. Nhìn những giọt nâu len lỏi vào trong những viên đá nhọn, tôi có cảm giác con đường của chúng tôi đi rồi cũng vất vả và cheo leo như thế. Ly cà phê sao mà đắng, đắng hơn ly cà phê của mẹ. Tôi  vụng về làm rơi vài giọt trên áo, mãi sau này vẫn không tẩy ra được cũng hệt như mối tình đầu khó quên. Ngày chia tay mối tình đầu đời, mẹ pha cho tôi một ly cà phê thật đắng và bảo: “Uống đi con, uống thật đắng để thấy đời bớt đắng”. Tôi uống ly cà phê sánh đặc đó, không ngủ được. Ngồi tự vấn, chiêm nghiệm, ngẫm tình đời, tình người… và thế là tôi lại đứng vững. Mười năm sau khi lập gia đình, gặp lại anh, ghé vào quán kem, tôi yêu cầu một ly cà phê, người ta mang ra một ly cà phê sữa đá nhạt phèo, không đắng, không ngọt, có ống hút. Tôi ngẩn ngơ, những câu chuyện của anh cũng nhạt phèo như thế. Anh hỏi cảm tưởng của tôi khi gặp lại anh. Tôi đáp: “Cà phê nhạt quá”
Ở công ty, mỗi khi có khách đến, nếu là buổi sáng thì không ai muốn bàn chuyện tại văn phòng. Họ đều rủ nhau sang quán cà phê. Có lẽ ở đó nói chuyện dễ hơn, với hương vị ngọt ngào trong cổ họng, mọi người đều cảm thấy gần gũi nhau và tự tin hơn. Nếu có muốn cá độ bóng đá hay phim ảnh gì đó thì cà phê là một thứ đánh cược rẻ tiền và hiệu quả nhất. Không ai từ chối chuyện cá cược khi chỉ mất có vài ngàn để trả tiền cà phê. Mỗi khi thấy tôi đăm chiêu bên chồng tài liệu chứng từ, thì hình như sẽ có ai đó đến bên cạnh, “gọi cà phê chị nhé!”. Đôi lúc muốn rời bỏ công ty, tôi lại nghĩ đến những đồng nghiệp thân thương ấy, và thế là tôi ở lại để rồi gắn bó với họ hơn chục năm trời.
Không biết bây giờ tôi có phạm sai lầm gì không, khi tôi lại tập cho con gái tôi uống cà phê buổi sáng. Cũng như mẹ tôi, buổi sáng tôi thức giấc thật sớm, nấu nước và pha cà phê cho chồng con. Đó là một công việc hiếm hoi duy nhất mà tôi có thể làm được cho họ, vì ngày nào tôi cũng phải đi làm từ bảy giờ sáng đến 5 giờ chiều mới về. Thế nhưng, tôi chỉ có thể pha cho họ loại cà phê … công nghiệp, đóng gói sẵn. Loại cà phê đó ngọt ngào và không đắng, tôi đâu còn thì giờ để chờ đợi những giọt cà phê.
Và cứ như thế, mỗi khi gặp chuyện gì bất như ý trong cuộc đời, tôi lại muốn uống một ly cà phê; Cà phê tuy đắng nhưng nó làm cho cuộc đời thêm ngọt ngào, vì một lẽ: Không ai muốn uống cà phê một mình.
28/3/2003

No comments:

Post a Comment