Tuesday, October 20, 2015

Những ngôi chùa đặc biệt

Những ngôi chùa đặc biệton: 
          

THƯA QUÝ BẠN, như quý bạn đã biết, vấn đề sư sãi và chùa chiền ở trong nước hiện nay có nhiều phức tạp. Nào là sư giả, sư hổ mang, xấu xa, căn bã, nào là chùa bán trẻ mồ côi..vv.. Nhưng con sâu làm rầu nồi canh, một nhà sư hay một ngôi chùa xấu thì có hàng chục ngôi chùa tốt, chúng tôi xin giới thiệu một vài nhà sư và một vài ngôi chùa tiêu biểu đó với quý bạn. Đây, xin mời quý bạn xem xét…

I. Ngôi chùa “Ba không“ ở Bắc Ninh

            Đi theo con đường Hà Nội – Bắc Ninh, đến ki-lô-mét 20, nhìn về phía bên trái, thấy có quả núi đất mọc lên giữa đồng lúa mênh mông. Tại lưng chừng núi, giữa rừng cây sum suê, thấp thoáng mái chùa cổ kính. Đó là chùa Tiêu Sơn, tên chữ là Thiên Tâm tự, thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Chùa này đã từng được nhà văn Khái Hưng dùng làm bối cảnh để viết truyện “Tiêu Sơn tráng sĩ“ nổi tiếng.


  Đây là ngôi chùa thiêng hơn 1.000  năm tuổi, nay được mệnh danh là chùa “Ba không”: Không đặt hòm công đức quyên tiền của khách thập phương. Không cho phép đốt vàng mã, giấy tiền. Không cúng đồ chay hay đồ mặn. Ai tới đây đều được sư bà trụ trì căn dặn: “Đi chùa thì phải tịnh tâm, không mê tín dị đoan, việc đốt vàng mã và rải giấy tiền không có trong đạo Phật”.
ddu 2592Chùa “Ba không”
Khi các phóng viên tới, sư bà trụ trì pháp danh Thích nữ Đàm Chính, 84 tuổi, lưng còng, vui vẻ mời vào.
Theo lời kể của sư bà, cách đây gần 50 năm, tức khi ấy sư bà 34 tuổi, mới về trụ trì tại chùa. Lúc đó chùa rất hoang vu, đổ nát bởi sự tàn phá trong chiến tranh Việt-Pháp mặc dầu chùa rất rộng lớn, đã có từ hơn ngàn năm và được biết đến là nơi tu thiền của các bậc chân tu đời xưa.
Nói tới chùa Tiêu Sơn là nói đến thiền sư Vạn Hạnh, vị đại thiền sư đã có công nuôi dưỡng và dạy dỗ cậu bé “con hoang” Lý Công Uẩn, sau này trở thành vua Lý Thái Tổ, vị vua anh minh đã đánh thắng giặc Tàu, khai sáng cơ nghiệp nhà Lý kéo dài hơn 200 năm (thường gọi là nhà Hậu Lý để phân biệt với nhà Tiền Lý của Nam Đế Lý Bôn).
Điều đặc biệt hơn nữa là chùa Tiêu Sơn hiện nay đang bảo quản và thờ phụng nhục thân tức pho tượng bằng xương bằng thịt thiền sư Như Trí với dáng ngồi “kiết già” (ngồi thẳng lưng, hai chân xếp bằng tròn, mắt hơi nhắm, hai tay bắt quyết để trên đầu gối hoặc chắp lại trong lòng giống như một động tác trong Yoga ngày nay chúng ta thường gọi là “ngồi thiền” .- ĐD).
Theo sách vở cho biết, cách đây gần 300 năm, khi thiền sư Như Trí viên tịch, nhục thân của ngài được ướp và xử lý theo dáng ngồi thiền, rồi được các đệ tử thời ấy đặt vào một trong số 14 ngôi tháp rải rác trong khu “rừng Từ Sơn” thuộc khuôn viên nhà chùa.
Gần 300 năm kể từ khi nhục thân ngài được rước vào tháp, năm 1946, khi chiến tranh xảy ra, chùa bị đổ nát nhưng các tháp vẫn còn nguyên vẹn với những bậc đá dẫn lên tháp khá cao.
Dân chúng trong những năm ấy sợ “pho tượng” nhục thân thiền sư bị xâm hại nên xây bít tháp lại. Nay, sau gần 70 năm trôi qua, các bô lão còn sống chợt nhớ, bèn bàn tính với dân chúng rồi phá cửa tháp, rước nhục thân vị thiền sư ra. Như vậy, gần 300 năm từ ngày thiền sư viên tịch cộng với non 70 năm từ ngày tháp được xây bít, song nhục thân của vị thiền sư chỉ bị hư hại rất ít, ví dụ hai cẳng tay ngài bị gẫy và mắt bên trái có một lỗ hổng. Đặc biệt, xương ở cẳng tay chỗ gẫy vẫn trắng như xương bình thường và da thịt khô đét, cứng như gỗ nhưng vẫn giữ được màu nâu chứ không biến thành màu đen như các xác ướp trong Kim Tự Tháp Ai Cập. Điều này chứng tỏ nghệ thuật ướp xác của tiền nhân ta thời xưa rất cao, nếu không nói là hơn thì cũng không kém người Ai Cập với những xác ướp của họ.
(H.3: Ngôi tháp trong vườn)
Tượng nhục thân thiền sư Như Trí đã được dân chúng mời GS Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường và ê-kíp khảo cổ của ông đưa về Hà Nội phục chế lại hoàn bị, nay đang được thờ trong lồng kính tại Nhà thờ Tổ của chùa Tiêu Sơn.
Tại chùa Đậu thuộc huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây (Hà Đông và Sơn Tây hợp lại, nay là Hà Nội) cũng có hai pho tượng nhục thân của hai vị thiền tăng Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh từ thế kỷ thứ 17, tức cách đây khoảng hơn 300 năm, cũng đã được ê-kíp GS Nguyễn Lân Cường phục chế hoàn hảo. Theo GS Cường, nhục thân của các vị thiền tăng và thiền sư xa xưa không hiểu được xử lý cách nào mà vẫn còn tốt, cứng như xá lợi (xương nhỏ của các vị sư tổ sau khi thiêu còn sót lại), đốt không cháy, ngâm nước không tan.
Ngoài sự độc đáo về nguồn gốc và là bối cảnh cho tác phẩm Tiêu Sơn tráng sĩ nổi tiếng của nhà văn Khái Hưng, hiện nay chùa Tiêu Sơn còn được biết đến là ngôi chùa có một không hai do… không có hòm công đức. Nếu ở các đình, chùa, đền, miếu tại các địa phương khác, hòm công đức được bày la liệt thì ở đây tuyệt nhiên không có một hòm nào cả. Bởi vậy nên không có cảnh chen lấn lễ bái, bỏ tiền vào hòm sô bồ như thường thấy tại các di tích khác.
Ngoài ra, chùa cũng không nhận lễ vật, không cho phép đốt vàng mã, tiền giấy hoặc rải tiền thật cho người ta nhặt. Nhà chùa cũng khuyến cáo các tăng ni, phật tử, trên mỗi bát hương chỉ nên cắm một nén nhang và khi dâng lễ Phật thì chỉ cúng bằng hoa quả tinh khiết, không cúng đồ chay hoặc đồ mặn.
Hoan hỉ phát tâm khi cần tu bổ chùa
Khi biết chùa Tiêu Sơn không đặt hòm công đức, nhiều người cho rằng sư bà trụ trì “gàn dở”, không nhạy bén với kinh tế. Trước sự chê trách đó, sư bà cười móm mém nói với các phóng viên: “Gần 50 năm trước, khi về đây trụ trì tôi đã nguyện không lập hòm công đức. Cuộc sống tu hành đâu cần nhiều vật chất. Tôi ở một mình, nếu có hòm công đức lại phải trông coi, nơm nớp lo lắng, đêm ngủ không yên. Biết tôi không có tiền, trộm nào muốn quấy quả nữa”.
Sư bà Thích nữ Đàm Chính cũng cho rằng chuyện đốt vàng mã, rải tiền giấy hay tiền thật ở cửa Phật để cầu xin phước đức là chuyện hoàn toàn không có trong đạo Phật. Nếu đến chùa dâng tiền, cầu xin tài lộc mà Phật ban cho thì chẳng hóa Phật nhận hối lộ hay sao? Hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng hễ có lễ thì Phật phù hộ độ trì. Đến với đạo Phật là để học phương pháp sống an lành, hạnh phúc cho mình, cho gia đình mình và cho xã hội chứ không phải để cầu xin với những tham vọng tầm thường.
Sư bà nói: “Điều đáng buồn là hiện nay vấn đề hòm công đức đã trở nên quá phổ biến, rất nặng nề. Chung quanh chuyện hòm công đức, chuyện ái, ố, hỉ, nộ được bàn tán khắp nơi hay trên báo chí. Ban quản lý các chùa chiền, danh lam thắng cảnh cũng tranh thủ tận thu tiền bạc của khách thập phương. Ở nhiều nơi, khách vừa lo lễ bái vừa lo lấy tiền bỏ vào hòm công đức. Mỗi lần rút ví là một cơ hội cho kẻ cắp lợi dụng, do đó chốn linh thiêng bị vẩn đục ngoài ý muốn” – sư bà giải thích như vậy.
Trước sự khang trang rộng lớn của ngôi chùa với những bậc thang lát đá chắc chắn, sang trọng, nhiều khách thập phương tò mò tự hòi, không có hòm công đức thì chùa lấy đâu ra tiền mỗi khi tu bổ, xây dựng?
Sư bà cho biết: “Chùa không có hòm công đức nên chẳng có tiền. Khi cần tu bổ, xây dựng chỗ nọ chỗ kia, tôi nhờ người tính toán dự trù kinh phí rồi bàn với ban quản tự, ban quản tự kêu gọi khách thập phương giúp đỡ. Khi đã nhận đủ tiền rồi thì ban quản tự ngưng lại, không quyên góp thêm nữa. Số tiền ấy được thể hiện minh bạch qua sổ sách và các chứng từ”.
Được biết, có một đại gia kinh doanh thủy sản ở tận Cà Mau, khi biết chuyện nhà chùa đang quyên góp để tu bổ và xây dựng thêm những bậc thang bằng đá, vị đại gia này đã bay ra Hà Nội rồi tới chùa xin đóng góp 500 triệu đồng. Nhưng điều bất ngờ là ban quản tự từ chối vì… chùa đã nhận đủ tiền nên không nhận thêm nữa. Sư ba nhẹ nhàng nói với với vị đại gia: “Con số 500 triệu đồng rất lớn, nếu con đem giúp các trại mồ côi hay các viện dưỡng lão thì lại càng quý hơn nữa”. Vị đại gia đã làm theo lời sư bà trước khi trở  về Cà Mau.
ddu 2594

II. Nhà sư chùa Viễn Quang, Cần Thơ

Đến cuối ngày, khi vừa đói vừa mệt rã rời, cậu học sinh tên Lê Chí Bình bỗng nhìn thấy trước mặt là ngôi chùa Viễn Quang (Pitu Khôsa Răngsây) ở Ninh Kiều, Cần Thơ. Một vị sư ra hỏi chuyện, khi biết cậu là học sinh nghèo đi dự thi vào Đại học Cần Thơ, vị sư đã lo chỗ ăn ở cho cậu…


Cưu mang hàng trăm sinh viên nghèo
Từ nhiều năm nay, chùa Pitu Khôsa Răngsây, tên tiếng Việt là chùa Viễn Quang, ở số 27/18 đường Mạc Đĩnh Chi, phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, do Thượng tọa Hoàng Kim trụ trì, rất nổi tiếng về việc giúp đỡ học sinh – sinh viên nghèo ăn ở miễn phí.
Các phóng viên đến thăm chùa Viễn Quang trong những ngày học sinh cả nước đang chuẩn bị tham dự kỳ thi vào đại học đầy căng thẳng. Kỳ thi năm nay nhà chùa lo chỗ ăn ở cho vài trăm HS tới Cần Thơ dự thi. Và cũng như thường lệ, sau khi đã có kết quả trúng tuyển, Thượng tọa Hoàng Kim sẽ tiếp nhận khoảng 50 em có hoàn cảnh khó khăn nhất cho ở tại chùa, ăn ở hoàn toàn miễn phí suốt mấy năm trời cho tới khi tốt nghiệp.
Theo Thượng tọa Hoàng Kim, tính từ năm 2004 tức năm đầu tiên giúp đỡ sinh viên ăn học tại chùa đến nay, nhà chùa đã nuôi khoảng 600 em – tất cả đều là nam – từ khi bắt đầu nhập học cho đến khi ra trường. Tổng kinh phí nhà chùa đã lo cho số học sinh, sinh viên nghèo đó ước tính khoảng 15 tỉ đồng.
Tại ngôi chùa này, các phóng viên gặp lại Lê Chí Bình, tức cậu học sinh nghèo của 7 năm trước từ quê lên Cần Thơ thi vào đại học và đã được nhà chùa giúp đỡ.
Bình sinh năm 1987, quê quán tại thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang (tức hai tỉnh Vị Thanh và Chương Thiện ngày trước hợp lại, tỉnh lỵ hiện nay là thành phố Vị Thanh). Nhà Bình vốn rất nghèo, lại có tới 9 anh chị em. Năm 2008, cậu từ quê lên Cần Thơ thi đại học mà trong túi chỉ vỏn vẹn còn có 38 ngàn đồng sau khi đã trả tiền xe và các loại lệ phí dự thi. Với 38 ngàn đồng đó, Bình không biết ăn ở tại đâu trong những ngày thi đại học, mà về cũng kẹt vì không đủ tiền xe và về như vậy coi như bỏ cuộc thi. Bởi vậy cậu cứ đi lang thang tại khu vực gần Viện Đại học Cần Thơ, chưa biết phải tính toán ra sao trong khi bụng đói mèm mà không dám đụng tới số tiền nhỏ nhoi còn lại.
Đến cuối ngày, khi đã mệt mỏi rã rời thì Bình chợt trông thấy trước mặt có ngôi chùa mang tấm bảng viết những dòng tiếng Miên ngoằn ngoèo nhưng có phiên âm tiếng Việt “Pitu Khôsa Răngsây” và bên dưới có tên hoàn toàn bằng tiếng Việt là chùa Viễn Quang.
Hai cánh cổng chùa mở rộng. Phía trước sân chùa có hàng ghế đá. Bình cởi chiếc ba lô học sinh, vào ngồi nhờ trên ghế đá nghỉ chân.
Một vị sư người Việt gốc Miên đã lớn tuổi với tấm áo cà sa màu nâu choàng qua bên nách (sư chưa vào hàng đại đức hay thượng tọa thì chưa được mặc áo cà sa để hở bên nách, còn khi làm lễ hoặc đi đâu ra khỏi chùa các ngài mới mặc áo màu vàng) đang tưới cây kiểng ở phía đằng sau. Khi ngài xách chiếc bình tưới đi ngang qua sân, Bình đứng dậy chào, ngài dừng lại hỏi han vài câu. Giọng ngài hơi lơ lớ theo kiểu người Miên nói tiếng Việt nhưng rất thông hiểu tiếng Việt. Bình vẫn đứng, lễ phép cho biết hoàn cảnh của mình, từ quê lên Cần Thơ dự thi đại học nhưng không có tiền mướn chỗ ở, mệt quá nên vào ngồi  nhờ. Nhà sư nói không sao, un(cậu) là học sinh nghèo thì cứ đến đây, chùa sẽ lo cho chỗ ăn chỗ ở miễn phí, không phải trả tiền gì cả. Bình mừng quá, nói mình không có ai quen ở Cần Thơ mà trời lại sắp tối, xin cho cho tá túc rồi cậu sẽ ra ngoài kiếm miếng bánh mì ăn lót bụng. Nhà sư mỉm cười tỏ ý hiểu: “Un chưa ăn cơm?”. “Dạ chưa”. “Vậy thì đi theo bon (ta)”. Ngài dẫn Bình vào phía trong. Thì ra ở khu nhà ở đã có hàng trăm học sinh nghèo đi dự thi không có chỗ ở đến xin ở nhò. Họ đang ăn cơm trong nhà ăn, đông quá không có đủ ghế nên đứng hai bên những dãy bàn dài. Thức ăn không có gì nhiều ngoài ba món canh, xào, mặn đựng trong các nồi, còn cơm thì đầy ắp trong các chậu nhựa lớn để trên bàn bên cạnh những nồi thức ăn. “Un tự động đến ăn cơm đi. Ăn xong lát theo các bạn lên lầu kiếm chỗ ngủ. Muốn học thì xuống phòng học”.  Bình khẽ dạ. Nhà sư đứng chờ trông coi cho Bình lấy chén đũa cũng đã xếp sẵn từng chồng trên bàn, xúc cơm đứng ăn với các bạn rồi ngài đi. Nhà sư đó chính là Thượng tọa Hoàng Kim, vị sư trưởng thủ tọa tức bậc trụ trì đứng đầu trong chùa.
Không phụ lòng cưu mang của Thượng tọa Hoàng Kim, Bình thi đậu vào ngành Du lịch của Đại học Cần Thơ. Suốt 4 năm sau đó Bình vẫn được nhà chùa cho ăn ở miễn phí cùng nhiều sinh viên nghèo khác. Năm 2013, Bình tốt nghiệp rồi được một công ty du lịch lớn ở Cần Thơ nhận vào làm việc. Mặc dầu đã đi làm nhưng Bình vẫn ở lại trong chùa để phụ giúp các công việc những khi không phải đi theo tour trong công ty, như trông coi sổ sách, sắp xếp chỗ ăn ở của các sinh viên mới ..vv.. Hiện nay Bình là “cố vấn” đắc lực của Thượng tọa Hoàng Kim, đồng thời chùa cũng đã có ký túc xá dành riêng cho sinh viên–học sinh và mọi người vẫn được ăn ở miễn phí như trước.
May sao bữa đó hướng dẫn viên Du lịch Lê Chí Bình được nghỉ, bèn dẫn các phóng viên đi thăm một vòng quanh chùa. Họ gặp một cậu sinh viên, Bình giới thiệu tên là Kiên Na Riêng, quê ở Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng, đang lúi húi quét lá rụng trước sân ký túc xá. Theo Bình cho biết, Kiên Na Riêng hiện là sinh viên năm thứ 3 Đại học Y dược Cần Thơ. Khác với “đàn anh” Lê Chí Bình, cách đây mấy năm Kiên Na Riêng đã chủ động nhờ cha mẹ dẫn đến chùa Pitu Khôsa Răngsây xin Thượng tọa Hoàng Kim cho tá túc.
Na Riêng chia sẻ: “Nhà em ở Vĩnh Châu nghèo lắm. Hồi em thi đậu vô Đại học Cần Thơ, tía má em rất lo lắng vì không biết kiếm đâu ra tiền cho em trọ học.  Nhưng may mắn qua một số bạn bè, em được biết ở Cần Thơ có chùa Pitu Khôsa Răngsây, vị sư  trụ trì  chùa này là Thượng tọa Hoàng Kim, ngài là người Việt gốc Khơ-me nhưng hết sức cưu mang các sinh viên-học sinh nghèo cả Miên lẫn Việt. Bởi vậy em nói với tía má em dẫn em đến chùa nhờ sư thầy giúp đỡ. Sư thầy bảo em về xin ủy ban xã cái giấy chứng nhận là học sinh nghèo, rồi thầy vui vẻ nhận lời, cho em được ăn ở trong ký túc xá của nhà chùa suốt mấy năm nay cùng với khoảng 50 bạn khác. “Các em có được các sư trong chùa dạy giáo lý nhà Phật không?”. “Dạ có, các sư “à cha” dạy mỗi tuần một buổi vào tối Thứ Bảy, nhưng thỉnh thoảng sư thầy Hoàng Kim cũng vô dạy về cách ăn ở sao cho có đạo đức, lễ nghĩa và lòng bao dung, từ bi bác ái theo sách nhà Phật”. “Cậu thích ở đây hay ở bên ngoài?”. Na Riêng cười: “Tất nhiên em thích ở đây chứ ở bên ngoài, nhà em nghèo lắm em đâu có tiền”. Nói xong cậu lại cười: “Nói vậy thôi chứ ở đây đầy đủ lăm, sư thầy lo cho mọi thứ, bên ngoài không bằng được đâu ”. “Chùa không nhận nữ sinh viên?”. “Dạ không, sư thầy nói chùa toàn đàn ông, chỉ có mấy bà nấu bếp đến làm từ thiện, lo việc chợ búa, cơm nước xong chiều các bà về nên nhận nam sinh viên thì dễ hơn, các  nữ sinh viên không ai trông coi khó lắm”.
Bình và Na Riêng dẫn phóng viên đi thăm các phòng ngủ và sinh hoạt của sinh viên trong ký túc xá. Cứ 10 người ở trong một phòng khá rộng, diện tích khoảng 25m2. Hai bên sát tường kê hai dãy giường hai tầng. Đồ đạc được bố trí ngăn nắp trong các ngăn tủ cá nhân, đáp ứng đủ điều kiện cho việc sinh hoạt và học tập của 10 sinh viên trong căn phòng đó.
Nhà sư rất trọng việc học
Thượng tọa Hoàng Kim tên thật là Lý Hùng, sinh năm 1967 (48 tuổi) trong một gia đình nghèo ở Cần Thơ. Hồi còn nhỏ cậu bé Lý Hùng thường phải theo mẹ đi khắp nơi kiếm sống, không được học hành đến nơi đến chốn. Năm 1982, 15 tuổi, cậu xin vào chùa Sanvor Pôthinhen (ở Ô Môn, Cần Thơ) xuất gia đầu Phật và được sư trụ trì đặt pháp danh là Hoàng Kim. Từ ngày xuất gia, chú tiểu Hoàng Kim mới bắt đầu được đi học dưới sự nuôi dạy của nhà chùa và sự giúp đỡ của các phật tử.
Năm 1996 (29 tuổi), Đại dức Hoàng Kim được về trụ trì tại chùa Pitu Khôsa Răngsây. Từ ngày về chùa, Đại đức đã dành nhiều thời gian để trùng tu và tôn tạo lại ngôi chùa có được dáng vẻ to đẹp như ngày nay. Năm 2004 (37 tuổi), trở thành Thượng tọa, ngài bắt đầu giúp đỡ các học sinh nghèo không có chỗ trọ trong khi đi thi vào đại học tại Cần Thơ và sau đó đồng ý cho những người đã trúng tuyển nghèo nhất được ăn ở tại chùa hoàn toàn miễn phí suốt các năm học cho tới khi tốt nghiệp. Năm 2011 ngài bắt đầu xây dựng ký túc xá cho sinh viên trong khuôn viên phía sau chùa cho được rộng rãi hơn.
Thượng tọa Hoàng Kim tâm sự với các phóng viên: “Bản thân tôi vốn sinh ra trong nghèo khó, phải xin vào chùa tu học, được sự cưu mang của các sư thầy mới được nên người. Do đó khi thấy các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng hiếu học tôi rất thông cảm và muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ với ước mong các cháu sẽ trở thành những người có ích cho xã hội sau này”.
Bản thân Thượng tọa Hoàng Kim cũng không ngừng học tập để nâng cao kiến thức của mình. Sau khi đậu xong Cử nhân văn chương tại Đại học Cần Thơ, ngài tiếp tục học lên thạc sĩ và cách đây ít lâu đã bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ Tôn giáo học tại Học viện Thích Quảng Đức, Sài Gòn. Sắp tới, ngài sẽ làm nghiên cứu sinh tiến sĩ với đề tài “Vai trò của sư sãi trongđời sống xã hội của đồng bào Khmer miền Tây Nam bộ”.
Tháng trước, Thượng tọa vừa cho khởi công xây thêm khu ký túc xá một trệt hai lầu với diện tích 500m2 để lấy chỗ cho các chư tăng và sinh viên nghèo các tỉnh miền Tây về Cần Thơ ăn học chứ không giới hạn trong con số 50 em như hiện nay. Thượng tọa cũng cho biết mình còn có các dự định khác, ví dụ   xây một khu ký túc xá dành cho nữ sinh viên, do các sư sãi cai quản chứ nếu chỉ lo cho nam sinh viên như hiện nay thì hơi … thiếu công bằng. Ngài nói: “Dưới chân Đức Phật, dù nam hay nữ cũng được coi trọng như nhau”.
Với việc cưu mang các thế hệ sinh viên nghèo tại chùa, Thượng tọa Hoàng Kim được dân chúng miền Tây gọi là “Nhà sư nhân đạo” và gọi chùa Pitu Khôsa Răngsây là “ Ngôi chùa coi trọng việc học”.
III. Chùa A Di Đà ở Củ Chi
Thưa quý bạn, nói đến Củ Chi và Bến Tre mọi người hơi ớn, bởi vì từ xưa đến nay Củ Chi vẫn được bộ máy tuyên truyền nhà nước mệnh danh là “Thành đồng, đất thép”, còn Bến Tre là nơi “Quê hương đồng khởi, chiến đấu chống  giặc Mỹ xâm lược”. ( “Đồng khởi” có nghĩa đồng loạt đứng lên đầu tiên tại miền Nam) và cả hai nơi đều là cái nôi của “cách mạng”.
Đã là “cái nôi cách mạng”, vô thần vô thánh thì đâu có thờ cúng gì. Cách đây khoảng 10 – 11 năm, tức cỡ năm 1904 – 1905, tôi quên không hiểu lý do tại sao một số độc giả ở bên Mỹ, Úc và  Canada lại biết mà gửi tiền về, “ra lệnh” cho tôi đem xuống nhà thờ Ba Vát thuộc huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre trao cho Cha Phanxicô Trần Thanh Xuân để Cha xây dựng lại nhà thờ.
Lạy Chúa tôi, khi tui xuống thì thấy nhà thờ chẳng giống nhà thờ một tí nào cả, mà đó chỉ là một căn nhà tôn cũ kỹ, rách nát, ở phía bên trái của một khu đất rậm rạp um tùm, còn Cha Trần Thanh Xuân nghe nói mới ngoài 30 tuổi nhưng trông Cha đen quẵm, xấc bấc xang bang hết sức tội nghiệp.
Có lẽ “tài sản” duy nhất của Cha chỉ là một chiếc xe Honda màu đen cũ kỹ. Cha chở tôi đi thăm ngôi nhà thờ thứ hai mà bề trên giao cho Cha cai quản là nhà thờ Giồng Keo, cũng thuộc địa phận Mỏ Cày nhưng cách nhà thờ Ba Vát khoảng 7 cây số.
Vừa đi lọc cà lạch cọc Cha vừa kể cho tôi nghe, khi mới đến đây, cha đứng phía trước “khu rừng” rậm rạp Ba Vát mà khóc. Bởi vì căn nhà tôn  bỏ hoang từ lâu, trống tuềnh trống toàng, tất nhiên điện đóm không có, cỏ mọc đầy cả ở bên trong, vào sợ rắn rết. Cuối cùng, Cha đành mắc chiếc võng vải mang theo lên hai thân cây, bên trên che bằng một tấm ny-lông, ăn tạm gói mì ăn liền cho đỡ đói bụng, uống chai nước suối, nằm võng mà ngủ.
Ôi chao, khi đến nhà thờ Giồng Keo thì thấy lại càng thảm hại hơn nữa. Nhà thờ gì đâu mà chỉ có mấy bức tường cháy đen và vài cây cột xi-măng cũng cháy đen, gẫy trơ cả sắt. Cả tường lẫn cột đều mục, nhiều chỗ đã đổ nhưng không còn viên gạch hoặc tảng xi-măng nào cả vì dân chúng đã lấy hết, đem về làm lối đi cho đỡ lầy lội.
Tôi nhớ, lúc ấy tôi hỏi: “Thưa Cha, tình hình giáo dân ở hai họ đạo này ra sao, con có đem theo tiền của độc giả nước ngoài gửi về, Cha xem các gia đình nào khó khăn nhất thì dẫn con tới giúp đỡ họ”. Cha nói: “Thiếu gì gia đình khó khăn. Thầy thấy cả vùng này toàn những nhà lá giống như cái chòi chứ có căn nhà gạch hay nhà tôn nào đâu. Nhưng đây là “cái nôi cách mạng”, “quê hương đồng khởi”, họ không biết tới tôn giáo. Tôi đã đến nhiều nhà khuyên họ trở lại với Chúa nhưng họ không thèm tiếp. Họ nghèo thì nghèo, không có miếng ăn nhưng thầy đưa tiền họ cũng không thèm nhận”.
Thưa quý bạn, mới 10 hay 11 năm, thời gian qua mau như gió thoảng; nhờ sự giúp đỡ của Tòa Tổng giám mục Sài Gòn, tòa Giám mục Vĩnh Long, của quý vị độc giả trong và ngoài nước, nhất là do sự khéo léo cũng như lòng tận tụy hy sinh “tất cả vì Chúa và vì giáo dân” của Cha Trần Thanh Xuân, ngày nay hai ngôi nhà thờ Ba Vát và Giồng Keo đã được xây dựng hết sức khang trang, đồng thời giáo dân của hai họ đạo Ba Vát và Giồng Keo rất năng đến nhà thờ, đông vui, tấp nập. Mới đây Cha lại vừa xây thêm ở phía bên phải của nhà thờ Giồng Keo một cô nhi viện hai tầng rất lớn để nuôi các cháu mồ côi và ở bên trái nhà thờ một viện dưỡng lão do các sơ trông nom. Nhiều lúc xuống chơi thăm Cha, tôi thường nói đùa: “Nếu  con như Tòa thánh Vatican thì con sẽ … phong thánh cho Cha ngay từ bây giờ chứ không chờ đến sau khi Cha mất”. Câu này tôi chỉ nói đùa với hai vị là sơ Mai Thị Mậu – Mẹ Bề trên của hai trại cùi người dân tộc ở Di Linh, Đà lạt – và Cha Trần Thanh Xuân mà thôi, cả hai vị đều nói: “Chết chết, đâu dám!”.
Trở lại vấn đề chính của câu chuyện “Những ngôi chùa đặc biệt” là ngôi chùa A Di Đà ở Củ Chi, do sư cô Thích nữ Nguyên Chủng năm nay chắc chỉ ngoài 30 tuổi, vừa là người bỏ tiền ra mua đất xây dựng, vừa là trụ trì.
ddu 2596
Sư cô Nguyên Chủng thuộc một gia đình khá giả ở quận 11 Sài Gòn, tức khu Phú Thọ, Đầm Sen, thuộc quận 5 đã tách ra. Lạ lùng là sư cô có căn tu nên xin cha mẹ cho đi tu tại một ngôi chùa ở quận 11 từ nhỏ. Cách đây mấy năm, khi cha mẹ về già, chia gia tài, sư cô tuy là người tu hành nhưng cũng được hưởng như các anh chị em khác. Sư cô đem số của cải đó xuống Củ Chi mua một khu đất rộng 7.000 mét vuông, định xây một ngôi chùa làm nơi tu hành. Mọi người hỏi đang ở Sài Gòn sao lại xuống Củ Chi là nơi “thành đồng, đất thép”, “cái nôi cách mạng”, người ta bị tuyên truyền từ bao lâu nay không có tín ngưỡng gì cả mà xây chùa? Sư cô nói, chính vì người ta bị tuyên truyền, không có tín ngưỡng từ bao nhiêu năm nên mình mới phải xuống dưới đó lập chùa để đem dân chúng về với đạo Phật chứ xây chùa ở trên này thì quá dễ.
Làm đơn xin phép xây chùa, bị chính quyền sở tại làm khó dễ không cho xây, sư cô bèn xin giấy phép … xây một ngôi nhà để ở, nhưng sự thực là một ngôi nhà khá lớn, giống như biệt thự, có nhiều phòng để các ni sư và khách thập phương nếu đến thì ở,  còn gian chính giữa dùng làm nơi thờ Phật. Đến nay, tình hình mỗi ngày một sáng sửa hơn, sư cô lại mới mua thêm phần đất bên cạnh để đến khi nào được phép xây chùa thì quang cảnh nhà chùa sẽ rộng rãi hơn.
Đúng như sư cô dự đoán, do áp lực của Mỹ, nhà nước CSVN đã phải cởi mở hơn, chính quyền địa phương cho phép xây chùa nhưng sư cô thì… cạn tiền, chỉ  lập được ngôi chánh điện là một căn nhà sườn sắt, lợp tôn, chưa có trần, chung quanh còn trống, chưa có tường gì cả.
Sư cô cho biết, khi sư cô mới xuống đây, dân chúng ở vùng “thành đồng, đất thép Củ Chi” này không biết đến chùa chiền, lễ bái, thờ cúng gì cả . Thậm chí khi trong nhà có người qua đời, họ chỉ làm lễ tưởng niệm bằng cách đứng thành hàng dọc, mỗi người cầm một cây nhang, cúi đầu mặc niệm đồng loạt một phút rồi chuẩn bị đem chôn, vậy là xong, từ đấy không cúng giỗ gì hết.
Nhưng từ khi sư cô lập ngôi chùa A Di Đà và tổ chức những cuộc thuyết pháp do chính sư cô chủ trì hay mời các tăng ni từ Sài Gòn xuống, dần dần dân chúng đã biết đến chùa, cứ ngày rằm, mồng một hay khi có lễ Phật giáo là các già tới tụng kinh niệm Phật rất đông. Có nhiều gia đình gửi con đến chùa tu học do sư cô dạy. Hiện chùa đang nuôi 6 cháu ăn ở hoàn toàn do chùa đài thọ. Sư cô hy vọng nếu có sự tiếp tay của quý vị độc giả trong và ngoài nước cũng như các phật tử xa gần, sư cô sẽ tu bổ ngôi chánh điện được khang trang hơn và xây dựng một cô nhi viện ngay trên miếng đất bên cạnh chùa thì ý nghĩa các việc làm của sư cô càng có tác dụng hơn.
ddu 2598
Mọi sự tiếp tay với sư cô xin liên lạc với: Thích nữ Nguyên Chủng, chùa A Di Đà, ấp Xóm Mới, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi,TP.HCM. ĐT: 84949801716<

No comments:

Post a Comment