Tuesday, March 1, 2016

Ăn gạo lứt & "NGŨ QUẢ TRẦM THỦY".

Đâu đâu cũng nghe nói đến thuật dưỡng sinh, trên báo chí, sách vở và ngay trong nhà nữa.
Bà chị tôi bèn đi mua ngay 1 cuốn “Phương pháp tân dưỡng sinh” về. Cả nhà xúm vào đọc. Mấy em tôi gầy nhom gầy nhách thấy nói ăn gạo lứt muối mè thì mập nên cũng muốn ăn, mấy bà chị tôi muốn chữa bệnh nào là đau bụng, ốm yếu, mệt mỏi nên cũng muốn ăn thử, tôi thì muốn chữa “bách bệnh” nên cũng muốn sơi luôn.
Phần mẹ tôi thì khỏi nói, trong thời buổi kiệm ước song hành này mà bỗng dưng tiết kiệm được biết bao nhiêu tiền : nào là đỡ được tiền thịt cá mắm muối (ý quên muối cần chứ, để làm muối mè ấy mà) và đỡ được cái khoản quà trưa, quà chiều quà tối nữa, nên chịu liền. Trưa hôm sau, đi học về, chúng tôi bỗng thấy bàn ăn quá vắng vẻ có độc nhất một đĩa muối mè! Tụi tôi nhìn nhau… cùng thông cảm vậy!
Lát sau, ngồi trước bát cơm gạo lứt Nàng Hương thơm dịu, chị tôi nói:
- Muốn cho có kết quả nhanh chóng và hiệu nghiệm, chúng ta phải nhai trung bình 70 lần 1 muỗng cà phê cơm.
Lũ em tôi hăm hở:
- Dễ ợt, để em nhai cho mà xem. Này (nó nhóp nhép) vừa mau chóng, vừa kỹ càng.
Bọn tôi cũng làm theo, nhưng đến hơn nửa bát cơm thì thằng bé la lên:
- Ối giời ơi! Mỏi mồm quá đi mất.
Không riêng gì nó mà cả bọn tôi đều bị vậy, nhưng còn giữ thế sợ hồi đầu thì hăng hái mà chưa chi đã la, nên sau câu than van ấy, cả bọn nhao nhao:
- Mỏi mồm thật đấy mẹ ạ!
Mẹ tôi nhìn thấy tương lai là 1 bao gạo lứt Nàng Hương đắt giá đang nằm chễm chệ cho đến khi mốc, lại mấy chục ký mè sẽ mọt đi, nên trấn an:
- Lúc đầu chưa quen nó phải mỏi chứ, này, xem mẹ này, mẹ chả than gì hết nên gần hết bát cơm rồi này. Có mỏi đâu nào!
- Mẹ khác ời ơi!
- Ai bảo chúng mày nhai nhanh làm gì, nhai chậm thôi sẽ bớt mỏi ngay.
Lũ con nghe lời mẹ lại tiếp tục ăn, có đứa cảm thấy nhai lâu quá phí thì giờ nên đem sách ra vừa nhai vừa đọc. Rổi bỗng chốc, cả bàn ăn nhốn nháo mất trật tự vì đứa thì đọc sách, đứa dích hình, đứa búng thung, đứa may áo cho búp bê… cứ loạn cả lên khiến mẹ la:
- Này này, cất đi hết : ăn xong hãy làm!
- Nhưng lâu quá mẹ ơi!
Nếu không làm thì cơn mỏi mồm lại đến mẹ ơi!
- Nhưng mẹ bảo là phải nghe, cất ngay!
Lũ em chán nản:
- Vâng ạ!
Rồi bữa ăn chấm dứt. Theo thói quen, tôi mở tủ lạnh định lấy chuối, thì:
- Ủa, mẹ không mua chuối hả mẹ?
Mẹ cười:
- Chúng mày mau quên thật, muốn thực trị thì phải kiêng tất cả kia mà.
- Ừ nhỉ! Con quên mất.
Nhưng em tôi phản đối, nó nói:
- Nhưng con còn nhỏ nè mẹ, con khỏi kiêng nhe mẹ?
- Ừ thì khỏi kiêng nhưng mẹ đâu có mua chuối!
Thằng em lớn của tôi đứng lên:
- Người quân tử ăn chẳng cầu no
Ngày ba bữa vỗ bụng ơ, bụng gạo lứt bình bịch!
Mẹ cười xòa:
- Thôi, các con đi nghỉ đi rồi còn đi học.
Bọn tôi kéo nhau đi, chị tôi nói:
- Đỡ cho tao ghê đi, rửa bát sướng ghê chả có mỡ màng gì hết trọi lại đỡ được một lô tô, đĩa nữa chứ.
Chị kế tôi:
- Còn em thì đỡ lau bàn ăn nè.
Thằng út phụng phịu:
- Em thì lỗ mất 1 quả chuối!
Xế trưa chả còn bánh cam, khoai lang, chè ; tối chả còn chè sen, sâm bảo lượng ; sáng thì bánh mì không! Cứ như thế, cho đến bữa thứ ba:
- Ba bữa nay, mẹ dư được 3 ngàn đồng đây, chúng mày có muốn sắm gì không?
- 3.000 đồng! Không đủ may cái quần xì gà mí cái áo thung mẹ ơi!
- Không đủ may 1 cái áo dài với cái quần đen xì gà.
- Vừa đủ tiền 1 đôi giầy mẹ ạ.
- Dư để mua 1 khẩu súng bắn pháo mẹ ơi.
- Nhưng, con ngán cơm gạo lứt muối mè rồi.
- Con cũng rứa!
- Con cũng vậy!
- Ngày mai ăn cơm trắng như thường đi mẹ.
- Đúng rồi, ăn như thường đi mẹ!
- Con sót ruột quá rồi.
- Con thì uống nước nhiều quá đó mẹ.
- Con hả? Ngay bây giờ mà con còn cảm thấy cái mùi thơm khó chịu của gạo lứt đây, nó cứ đưa lên cổ đấy mẹ ạ.
Mẹ kêu lên:
- Thôi đủ rồi, để rồi ta sẽ liệu bồi!
Chị tôi lên giọng đạo đức:
- Chúng mày làm mẹ ế cả cơm lẫn muối mè!
- Thì chị ăn cho mẹ đi.
- Ờ, chị ăn đi, chị vẫn tỏ ra dẻo dai lắm kia mà!
Có lẽ cảm thấy tương lai nặng chịch, vàng vọt như bao gạo lứt còn đầy nên bà ta nói:
- Quân tử lúc cùng thêm sợ gạo
Anh hùng khi gấp cũng xin thôi!
LÂN TINH .

***
shared
HÔM NAY KIM ĂN GÌ ?
Bình thường Kim ăn tất cả những thứ có thể ăn được, nhưng dạo này thời tiết đổi mùa, cổ họng khô khan, nên hạn chế các món dầu mỡ béo bở. Vì vậy, thực đơn hôm nay sẽ là "NGŨ QUẢ TRẦM THỦY" - tức là rau củ luộc ấy mà, hihi.
Bàn về món ăn ngoài lề một chút, theo Kim, nấu ăn phải có đầy đủ Sắc - Thanh - Hương - Vị - Xúc - Pháp mới tạo nên một món ăn ngon.
Thế nào là Sắc - Thanh - Hương - Vị - Xúc - Pháp?
SẮC:
Ấy là món ăn phải có màu sắc bắt mắt, vừa nhìn là muốn ăn ngay. Cho nên nguyên vật liệu sử dụng phải có ít nhất 2 màu trở lên để tạo ấn tượng sinh động trên bàn ăn.
THANH:
Là tiếng xèo xèo của tỏi phi, hành phi, đồ chiên, đồ nướng... là tiếng ùng ục của đồ luộc, của canh rau... là tiếng của mẹ, của thầy hay la lên mỗi khi nấu ăn: "Xong chưa? Làm gì mò lâu như gùa vậy?!!"...
HƯƠNG:
Là khi nguyên vật liệu vừa tiếp xúc với độ nóng của lửa, liền dậy lên mùi thơm đặc trưng của thực phẩm. Mùi này bay vô lỗ mũi rồi chạy ngay xuống bụng làm bao tử cồn cào kêu lên 3 tiếng "Rột.. rột.. rột" mà hỏi bác Google, bác dịch là "đói bụng òi..."
VỊ:
Là cảm giác đầu tiên xúc chạm giữa thức ăn vừa nấu xong với đầu lưỡi của đầu bếp. Cảm giác đó hân hoan lạ thường và tinh túy hơn tất cả cảm giác của thực khách, nhất là khi người đầu bếp đang đói bụng. Cảm giác ấy như tình yêu vụng trộm, vừa thèm muốn ăn thêm nhưng vì giữ gìn giá trị đạo đức nên phải dằn lòng dừng lại. Nếu không, mình sẽ bị phạt úp mặt vô chảo, í lộn, úp mặt vô tường, vì tội ăn vụng mà ham ăn hết phần anh chị em, hic.
XÚC:
Là sự tiếp xúc của đôi tay người đầu bếp với nguyên vật liệu, biết bốc thứ nào trước, thứ nào sau... để canh đúng độ chín tới cho thực phẩm, và món nào được bày ra dĩa theo thứ tự.
PHÁP:
Là phần tưởng như nhỏ nhặt nhất, có cũng không sao, nhưng lại mang ảnh hưởng lớn nhất, biết mà không hay, như trong tiếng Anh có cụm từ "Lác bớt nói liếc", tức là người bị lác thì nên bớt nói và bớt liếc để tránh bị lây nhiễm thành lác mồm, lác mắt... Ủa, chết mồ, í lộn... à, dạ, ý em là "last but not least" ấy ạ !
Trở lại chủ đề, Pháp ở đây chính là tâm pháp, tức những cách thức nấu ăn mà đầu bếp đã học, đã biết, cộng với tâm ý của người nấu, muốn làm ra những món ăn thơm ngon, bổ dưỡng cho người thân, bè bạn cùng thưởng thức.
Sư Phụ mỗi lần nấu ăn cho chúng đệ tử, đều niệm Phật, cầu nguyện cho người ăn được hoan hỷ, khỏe mạnh, phiền não bớt, nghiệp chướng tiêu, trí huệ tăng trưởng. Mẹ nấu cho con thì mong con có sức, có tài, học giỏi, lớn khôn, nên người. Vợ nấu cho chồng thì mong anh chồng luôn về nhà đúng giờ ăn bữa cơm gia đình đầm ấm, có anh có em, hủ hỉ bên nhau.
Bởi vậy, Sư Phụ nấu món gì, cũng mang hương vị thanh thoát, dọn ra là sạch dĩa, dù là rau luộc chấm tương chao. Ăn trong tiếng cười, trong tình thầy trò, huynh đệ, là "pháp thực sung mãn" rồi (chứ ở nhà một mình, ăn rau luộc chấm nước tương, sức mấy nuốt trôi !!). Món ăn của Mẹ, được nấu bằng tất cả tình thương, bằng sự kì vọng, cho nên có vị mặn của nước mắt, của mồ hôi mẹ, có ngũ vị hương của một đời bôn ba khó nhọc vì con, đậm đà thẩm thấu vào đầu lưỡi. Có cả sợi tóc bạc vô tình rụng vào dĩa đồ ăn con... Còn món ăn của vợ thì ngòn ngọt, đôi lúc vợ giận thì có vị cay cay hay chua lè như lẩu Thái, còn vợ bỏ ra ngoài thì món ăn cực kì lạt lẽo như trụng mì gói bỏ vô nước sôi mà húp rồn rột cho lẹ để chạy đi năn nỉ vợ về, rồi tìm đủ lời ba hoa nói đại loại như: dù cơm chan nước miếng cũng đậm đà tình nghĩa phu thê... blah blah blah...
Dẫu sao thì cơm nhà thế nào vẫn là thân thuộc nhất, còn hơn ra ngoài ăn phở hoài, người ta bỏ gì vô cho ăn hông biết. Ham bột ngọt mà chê muối mè là mốt bệnh tè le ráng chịu nhe, he he...


No comments:

Post a Comment