Chốn ‘Nhân Gian Không Thể Hiểu’
Ngọc Lan/Người Việt – 22 Feb 2015 Little Saigon: Cuối năm, thăm mộ phần của những người nổi tiếng
WESTMINSTER, California – Người sống quanh Bolsa ai lại không biết Peek Family, nơi dừng chân cuối cùng của nhiều người, và có thể của chính chúng ta.
Ngày mới đến định cư nơi Little Saigon này, mỗi tuần không biết bao bận tôi ngược xuôi ngang đây, đưa con đến trường và tôi đi học.
Ngày mới đến định cư nơi Little Saigon này, mỗi tuần không biết bao bận tôi ngược xuôi ngang đây, đưa con đến trường và tôi đi học.
Peek Family vì thế trở nên… quen, như thể tôi quen với con đường Bolsa, quen với con đường Bushard, quen với Westminster với Beach, Brookhurst và Moran.
Thế nên, quả thực, chưa bao giờ tôi nhìn ra màu buồn thiu nơi nghĩa trang này. Cố tìm, từ ngoài nhìn vào, cũng chỉ thấy cỏ xanh, mây trắng, và những đóa hoa nhiều màu, những chiếc bong bóng sặc sỡ chen bên bia mộ. Hơn nữa, không lúc nào lại không thấy bóng người ra vào, viếng thăm. Tự hỏi, không biết nghĩa trang có… buồn không?
Hơn chín năm gắn bó đi về, qua lại quanh Trạm Dừng Chân Cuối của nhiều người, cũng không ít lần tôi lái xe vào bên trong cánh cổng ở đường Bolsa lẫn con đường Beach, dự tang lễ những người quen biết. Nhưng hôm nay, ngày Chủ Nhật cuối tuần, sau một ngày mưa nhiều, gió lạnh, tôi, mới lần đầu tiên, ôm trên tay một bó hồng cùng thiên nhang, lững thững bước vào nghĩa trang, trong tâm tình người đi viếng mộ.
Nói là đi viếng, nhưng thực tình tôi chưa có người thân nào yên nghỉ trên mảnh đất này. Tôi cũng chưa được ai dạy qua về cách đi viếng mộ. Tôi tự đi theo cách của mình – một người cầm bút, đi tìm thăm những văn nhân thi sĩ, những người từng dùng chữ mưu sinh, cả viết lách lẫn làm thơ, soạn nhạc.
Chủ Nhật gần cuối năm trong nghĩa trang ngập nắng. Nắng lên sau ngày mưa. Nắng rải đầy lối đi, phủ đầy bia mộ. Nắng rực rỡ.
Peek Family không có cái hun hút đến thảng thốt, rợn người như khi đặt chân đến những nghĩa trang người tị nạn ở Kuku, ở Air Raya, Indonesia. Peek Family không có cái bi ai, nức nở khi tiếng kinh của người Hồi Giáo trong chiều vắng vang lên, nguyện hồn người nơi viễn xứ.
Peek Family có hơi ấm, có bước chân, có tiếng thì thầm, có bàn tay ve vuốt, vỗ về, trò chuyện.
Ði trong Peek Family, giữa những thảm cỏ tươi xanh, giữa những đóa hoa nhiều màu ai đó cắm bên bia mộ, và giữa những người thuộc nhiều sắc dân khác nhau, đang ngồi bên người thân của họ, như chuyện trò, như kể nhau nghe những câu chuyện ngày nào hãy còn dang dở, tôi thấy một nỗi gì bình an đến lạ.Ngôi mộ người không quen tôi dừng lại đầu tiên là nơi an nghỉ của nhà văn Mai Thảo.
Mai Thảo được nhiều người biết đến lúc sinh thời và cả khi mất đi, mười mấy năm rồi, tên ông thoảng tôi vẫn còn nghe nhắc, trong bạn bè ông. Tuy nhiên, nhiều người biết, không có nghĩa là tôi cũng biết, hay làm ra vẻ biết. Tôi không biết gì về ông hết, tôi cũng chưa từng đọc qua một tác phẩm văn chương nào của ông. Nhưng nghe nói ngày ông mất, người ta phải xếp hàng dài lắm và lâu lắm mới đến viếng ông được, vậy là đủ để tôi ngưỡng mộ ông rồi.
Nơi ông nằm, hướng thẳng ra đường Bolsa. Tôi đứng nhìn hàng chữ được viết nơi ông đang ngủ:
“Anh, chị, em và các cháu, Các văn nghệ sĩ và bạn thân
Vô cùng thương tiếc nhà văn Mai Thảo – Nguyễn Ðăng Quý, pháp danh Minh Tâm (8.6.1927 – 10.1.1998)”
Vô cùng thương tiếc nhà văn Mai Thảo – Nguyễn Ðăng Quý, pháp danh Minh Tâm (8.6.1927 – 10.1.1998)”
Ông không có gia đình riêng, của chính ông?
Tôi ngồi xuống. Vài chiếc lá khô. Ít cọng cỏ vàng, vương vãi nơi mặt ông trên tấm bia. Tôi đưa tay phủi. Nhẹ nhẹ. Tôi cảm giác như tôi đang phủi bụi rơi trên mặt người; phủi nhẹ, kẻo đau!
Mặt mộ không sáng bóng, như dăm ba ngôi mộ gần đó. Tôi cũng không biết là cần phải mang theo chiếc khăn hay cuộn khăn giấy nhúng nước thì mới làm cho mặt nhà mồ sáng mới.
Thôi, đành cứ dùng bàn tay mà phủi đi ít nhiều dấu vết của sự quên lãng.
Mai Thảo là nhà văn, sau này ông làm thơ. Thế nên “ngôi nhà cuối cùng” của ông được chạm bài thơ:
“Thế giới có triệu điều không thể hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
Ðọc ở sao trời sẽ hiểu thôi”
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
Ðọc ở sao trời sẽ hiểu thôi”
Tôi đặt lên mộ ông vài cành hồng. Tôi thắp ba nén nhang. (Sau, tôi nghe người bạn nói, Mai Thảo không thích thắp nhang, ông chỉ muốn uống rượu và đốt thuốc mà thôi). Lần sau có trở lại, tôi sẽ mang kính ông ly rượu. Còn hôm nay, ngửi mùi nhang trầm, biết đâu ông cũng thấy dễ chịu, nhất là nhang được đốt từ một đứa chưa từng đọc văn chương ông, nhưng mà nó biết tên ông. Vậy là vui, và ấm lòng. “Ðọc ở sao trời sẽ hiểu thôi” là hiểu những điều giản dị như thế, ông nhỉ!
Tôi đặt thêm vài cành hoa, đốt thêm vài nén nhang cho những láng giềng của nhà văn Mai Thảo.
Tôi tiếp tục lang thang, tìm. “Gần gần nơi Mai Thảo là nơi ông Ðỗ Ngọc Yến nằm.” Một đồng nghiệp lớn tuổi nói với tôi qua phone.
Gần đấy có một gia đình nhiều thế hệ, hơn cả 15 người, đứng ngồi quây quần bên nấm mộ, như thể họ đang pinic. Không ồn ào, nhưng không vương nét sầu đau. Người đang ngủ dưới kia, nhìn thấy thân nhân mình như thế, âu cũng vui lây, trong sự ấm áp, sum vầy. Nơi góc kia, có ba người phụ nữ, ra vẻ như một bà mẹ và hai người con gái, cũng không là trẻ, đang lúi cúi chưng hoa, nhặt cỏ, lau chùi nấm mộ người thân. Một ông bác lớn tuổi người Việt cũng đang chăm sóc một nấm mồ hướng ra con đường Bolsa đang ngược xuôi xe qua lại.
Ði “gần gần” hoài chưa nhìn thấy mộ người sáng lập nhật báo Người Việt, tôi đi trở lại nơi mình đậu xe để cất bớt những thứ lỉnh kỉnh.
Thật lạ lùng, xe vừa đóng cửa, dợm bước đi lại chỗ cũ để tìm lần nữa thì lại nhìn thấy tấm bia ghi “Rêmi Ðỗ Ngọc Yến” ngay trước mặt mình. Tôi mỉm cười.
Vẫn bó hoa và nhang trên tay, tôi đứng yên nhìn nơi yên nghỉ của “bác Yến” – như cách gọi của các đồng nghiệp trẻ của tôi.
Mộ bác Yến là ngôi mộ ít chữ nhất trong số những ngôi mộ tôi ghé thăm.
“Rêmi Ðỗ Ngọc Yến
May 25, 1941 Sài Gòn Việt Nam – August 17, 2006 California USA”
May 25, 1941 Sài Gòn Việt Nam – August 17, 2006 California USA”
Bên dưới là hình một quyển sách mở ra, gối đầu lên một quyển đóng.
Chỉ vậy. Rất giản dị. Ðôi dòng chữ đó nằm lệch hết về bên trái, phần bên phải của tấm bia có lẽ được dành cho một người – người mà ông yêu nhất.
Nhiều hoa tươi được trồng, được cắm quanh mộ Rêmi Ðỗ Ngọc Yến. Ðưa tay phủi đi những chiếc lá rụng còn bám trên thành mộ sau ngày mưa gió, tôi lại đặt dăm cành hoa hồng cạnh chân dung ông. Tôi biết ông là người Công Giáo, nhưng tôi vẫn muốn thắp cho ông nén nhang để tỏ lòng với người đã khuất theo phong tục tôi được dạy.
Chụp hình nơi ông đang ngủ, tôi thấy bóng tôi in trên vách mộ. Nghiêng sang bên chụp lại. Một làn gió mạnh tự dưng tạt tới, khói nhang tỏa nhòa trước di ảnh người khai sinh ra tờ báo Người Việt.
Tôi đứng yên nhìn ông đang cười, qua tấm chân dung. Tôi nghe nhiều chuyện kể về ông lắm, chuyện kể với sự thán phục lẫn chuyện kể để bật cười thích thú với câu kết luận, “Ðó là Ðỗ Ngọc Yến.”
Tôi đọc tin ông mất khi tôi sang Mỹ được một năm, đang làm việc tại một trung tâm chăm sóc người già. Tôi nhớ tôi có đọc được những tranh cãi quanh chuyện có nên lấy tên ông đặt tên cho một con đường.
Một năm sau ngày ông mất, tôi trở thành người của Người Việt. Tôi không có cơ may để có bất cứ kỷ niệm nào với ông như nhiều đồng nghiệp tôi có. Nhưng tôi biết tôi cần cám ơn ông vì nhờ ông mà hôm nay tôi có chỗ để viết những điều mình muốn viết, gửi đến mọi người.
Ghé qua thăm láng giềng bác Yến, thật bất ngờ khi thấy “cách nhà bác Yến một căn” là nơi ở thiên thu của vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và ca sĩ Nguyễn Thúy Nga.
Cuộc đời dù không mong nhưng quả thật có nhiều điều ngẫu nhiên đến lạ lùng.
Bài hát không là “nhạc đỏ” mà tôi được nghe đầu tiên là “Ðường xưa lối cũ.” Tôi nhớ khi đó tôi còn nhỏ lắm, ngồi trên gác học bài khuya, nghe dưới nhà ba tôi mở bản nhạc này, thật nhỏ (vì không muốn bị bắt). Một âm điệu, một cảm xúc gì thật lạ, thật khác mỗi lần tôi lắng tai nghe
“Ðường xưa lối cũ, có em tôi tóc xanh bay mơ màng.
Ðường chiều dịu nắng, bóng em đi áo nâu in đường trăng.
Ðường xưa lối cũ, có mẹ tôi trông con trong hôn hoàng.
Lòng già thương nhớ, nhớ đến tôi, lom khom đi tìm con…”
Ðường chiều dịu nắng, bóng em đi áo nâu in đường trăng.
Ðường xưa lối cũ, có mẹ tôi trông con trong hôn hoàng.
Lòng già thương nhớ, nhớ đến tôi, lom khom đi tìm con…”
Cũng trong những lúc đêm xuống thật sâu như thế, tôi nghe văng vẳng từ chiếc radio của ba tôi những câu hát đưa lòng mình đến chốn nào đó thanh bình, nhẹ nhàng và êm ái mênh mông.
“Em gái vườn quê, cuộc đời trong trắng, dầm mưa dãi nắng mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm.
Anh biết mặt em, một chiều bên thềm, giọng hò êm đềm,và đôi mắt em lóng lánh sau rèm…”
Anh biết mặt em, một chiều bên thềm, giọng hò êm đềm,và đôi mắt em lóng lánh sau rèm…”
Lớn lên, khi Sài Gòn dễ thở hơn, tôi mới biết giọng hát từng quyến rũ tôi nhiều đêm đó là của Thanh Tuyền và “Ðường Xưa Lối Cũ,” “Duyên Quê” là của Hoàng Thi Thơ, người viết luôn “Tà Áo Cưới,” “Trăng Rụng Xuống Cầu,” “Gạo Trắng Trăng Thanh,” “Ðám Cưới Trên Ðường Quê,” “Tình Ta Với Mình”…
Biết là biết vậy, đâu ngờ, hôm nay, trong lần đầu tiên làm người đi viếng mộ, tôi lại đứng trước mặt ông, nhìn ông mỉm cười. Cũng hôm nay tôi mới biết mặt ông, người nhạc sĩ cùng với Phạm Duy, từng bị lệnh cấm trở về quê hương rất nhiều năm sau 1975, là một người có nụ cười rất tươi và ánh mắt rất vui.
Tôi tiếp tục đi bộ hướng vào bên trong như kiểu từ Bolsa rẽ về đường Hoover rồi sẽ đến Westminster rồi lại gặp đường Beach, để đi tìm thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên và Nguyên Sa, “hai ông nhà thơ đó nằm gần nhau” – người đồng nghiệp lớn tuổi hướng dẫn tôi như thế.
Lững thững đi, không có gì vội, vừa đi vừa nhìn vừa ngắm sự đa dạng trong Peek Family. Sự chăm chút sạch sẽ hay sự bạc màu cũ kỹ, sự sang trọng hay sự đơn sơ của từng ngôi mộ tôi qua cũng không khác gì lắm với nét muôn màu của những ngôi nhà trong thế giới người sống. Có khác chăng chỉ là sự tĩnh lặng hay ồn ào tiếng nói, tiếng cười, cả tiếng cãi vã.
Tôi dừng lại bên một “ngôi nhà” thật đẹp, thật sang, thật khác những nơi tôi vừa đi qua. Nơi đây như một mảnh vườn được chăm chút chu đáo, lá xanh rì tươi tốt chen cùng cúc vàng, cúc tím, lan trắng, cau kiểng, và nhiều cây tôi không biết tên.
Tôi nhìn thấy “Nhạc sĩ Nhật Ngân – Trần Nhật Ngân” trên nấm mộ dài bằng đá hoa cương trắng trước khi đọc dòng chữ “Nơi an nghỉ ngàn thu nhạc sĩ Nhật Ngân” trên tấm bia bằng đá hoa cương đen.
Bần thần một thoáng. Tôi nhớ hình ảnh ông ôm chiếc guitar say sưa hát, có cả nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang, có cả ca sĩ (Lê) Uyên Phương, có cả nhạc sĩ Trần Quang Lộc từ Việt Nam sang, trong một đêm nhạc tổ chức vào một tối cũng những ngày cuối năm, gần Tết. Ðó là đêm nhạc hay nhất tôi từng được xem, đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông, dù rằng không biết bao lần, những “Xuân Này Con Không Về,” “Qua Cơn Mê,” “Ðêm Nay Ai Ðưa Em Về,” “Tôi Ðưa Em Sang Sông,”… khiến tôi rơi nước mắt
“Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
nhưng nếu con về bạn bè thương mong
bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà”
nhưng nếu con về bạn bè thương mong
bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà”
Dẫu mộ ông nhiều hoa, tôi vẫn muốn đặt thêm lên những cành hồng tôi có, để từ hôm nay, mỗi lần nghêu ngao “Nếu tôi đừng đưa em, thì chắc đôi mình không quen/Ðừng bước chung một lối mòn, có đâu chiều nay tôi buồn,” tôi sẽ lại nhớ đến ông với nét cười rất duyên và đêm nhạc trong buổi tối lạnh mà dư âm của nó đến giờ vẫn chưa thể quên.
Sau khi tình cờ ghé đến căn nhà đẹp của Nhật Ngân, tôi ngồi bệt xuống trên bãi cỏ, cạnh tấm mộ chìm dưới đất, cũ màu. Tôi thấy dòng chữ “Thi nhân Nguyễn Tất Nhiên.”
Tác giả của lời nhạc “Thà Như Giọt Mưa” với những câu “người từ trăm năm, về phai tóc nhuộm / ta chạy mù đời, ta chạy tàn hơi /quỵ té trên đường rồi /sợi tóc vương chân người” hay “người từ trăm năm, về như dao nhọn /dao vết ngọt đâm, ta chết trầm ngâm /dòng máu chưa kịp tràn,” tự dứt bỏ cuộc đời khi mới bước qua tuổi 40 đôi ba tháng. Trẻ hơn tôi bây giờ.
Dòng chữ trên phần mộ:
“Vô cùng thương tiếc Thi Nhân Nguyễn Tất Nhiên
Anh chị em báo chí, văn nghệ sĩ, thân hữu, bố mẹ, và các em lập mộ 1992”
Anh chị em báo chí, văn nghệ sĩ, thân hữu, bố mẹ, và các em lập mộ 1992”
Lại đưa tôi đến những suy nghĩ vẩn vơ.
Phải mất đến 4 lần chỉ dẫn, nhà báo Hoàng Mai Ðạt mới giúp tôi tìm được “ngay gần nơi đài phun nước đó, có cây như cây bồ đề lớn lắm, Nguyễn Tất Nhiên nằm đó.”
Nguyễn Tất Nhiên chìm vào giấc ngủ say trong một ngôi chùa, và giờ đây, được nằm mãi dưới bóng cây bồ đề, mặt hướng ra con đường mang tên Biển…
“Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ
Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
Phải đau theo từng hớp rượu tàn
Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định!”
Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
Phải đau theo từng hớp rượu tàn
Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định!”
Những dòng thơ Nguyễn Tất Nhiên viết 20 năm trước ngày ông “khép mắt sớm hơn giờ thiên định” được ai đó chọn khắc trên mộ ông như lời giải mã cho cuộc đời vốn không êm đềm của người thi sĩ.
“Ðưa em về dưới mưa, chiếc xe lăn dốc già
Ðưa em về dưới mưa, áo em bùn lưa thưa
Ðưa em về dưới mưa, hỡi cô em bé nhỏ
ôi duyên tình đã qua, có bao giờ không xưa?”
Ðưa em về dưới mưa, áo em bùn lưa thưa
Ðưa em về dưới mưa, hỡi cô em bé nhỏ
ôi duyên tình đã qua, có bao giờ không xưa?”
Sẽ không xưa bao giờ, với những duyên tình đã qua, tôi muốn nói với Nguyễn Tất Nhiên như thế sau khi đặt xuống những cành hồng cuối cùng còn có trên tay.
“Từ chỗ Nguyễn Tất Nhiên, quay lưng về đường Beach, bước đi chừng mấy chục bước sẽ thấy Ðỗ Mộng Nam, kế bên là Nguyên Sa.” Hoàng Mai Ðạt tiếp tục chỉ cho tôi đường đi.
Cạnh mộ Nguyên Sa có chậu cúc vàng. “Bao giờ cũng có chậu cúc vàng bên mộ Nguyên Sa,” một người bạn nói cho tôi biết. “Ai đặt vậy?” – “Không biết. Chỉ biết từ câu thơ ngày xưa ‘Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc…’ mà giờ đây người ta luôn nhận ra có hoa cúc vàng bên mộ ông.”
“Nằm chơi ở góc rừng này
Chưa thiên thu cũng đã đầy cỏ hoang
Xin em một sợi tóc vàng
Làm hoa khởi sự cho ngàn kiếp sau
Biết đâu thảo mộc bớt đau
Biết đâu có bản kinh cầu dâng lên?”
Chưa thiên thu cũng đã đầy cỏ hoang
Xin em một sợi tóc vàng
Làm hoa khởi sự cho ngàn kiếp sau
Biết đâu thảo mộc bớt đau
Biết đâu có bản kinh cầu dâng lên?”
Bài thơ khắc bên dưới dòng chữ “Thi sĩ Nguyên Sa.”
Cỏ hoang không có trong Peek Family. Peek Family có nhịp sống, có hơi thở, có tiếng nói, giọng cười, có bước chân đi của hiện tại. Rõ ràng, “tóc vàng” từ hoa cúc vẫn là lời kinh dâng đến mỗi ngày cho người vẫn ngủ say.
Gần “nơi an nghỉ vĩnh cửu” của tác giả “Tháng Sáu Trời Mưa,” có một người phụ nữ đang xem bói cho một người đàn ông, cạnh một ngôi mộ họ vừa chăm sóc, rất thành tâm.
Ðời dương và đời âm dường như rất gần nhau nơi đây. Qua khỏi nơi yên bình này, tôi lại hòa vào dòng đời đang hối hả. Nắng rạng rỡ trên đầu, sau một ngày mưa lạnh.
–- https://giai01.wordpress.com/
No comments:
Post a Comment