Wednesday, July 29, 2015

CHỦ ĐỘNG CÁI CHẾT ĐỂ TÁI SINH TỐT ĐẸP HƠN.


adviceondying-cover2

SỐNG TUỔI GIÀ KHỔ ĐAU NHIỀU HƠN 

 Sự khổ trong lúc tuổi già. Con người khi già yếu, mắt mờ, tai điếc, gối mỏi lưng còng, chân tay run rẫy, ăn không có cảm giác ngon miệng, ngủ không ngon giấc, trí nhớ giảm sút đáng kể, làn da khô nhăn, răng thường đau nhức, rụng bớt. Dù cho thanh niên cường tráng, hay thiếu nữ khỏe mạnh, theo thời gian rồi cũng phải đối đầu với cái tuổi già yếu này. Người tuổi già thường hay lú lẫn, đây là nỗi khổ niềm đau của người già. Chúng ta hồi tưởng lại cuộc đời của đức Phật, có một lần đi ra khỏi cổng thành, thái tử thấy một người già ốm o gầy mòn, dung nhan tiều tụy, đi phải dùng gậy chống đỡ, vừa đi vừa thở hỗn hễn rất là đau khổ. Thái tử thấy cảnh người già như thế mới quán xét và chiêm nghiệm, rồi đây mình sẽ già nua, yếu ớt và cũng tàn tạ như vậy. Càng chiêm nghiệm, càng thấm thía sâu sắc, cảnh người già khốn khổ thái tử nghĩ ngay rồi mình cũng sẽ già khổ nên cảm thương họ nhiều hơn. Chúng ta bây giờ thấy người già mà không biết soi xét lại chính mình để có sự cảm thông và thương tâm những người già nhiều hơn. Thấy người khác già thì chúng ta cũng sẽ già, từ đó ta có sự tôn trọng, kính mến, quan tâm giúp đỡ những người già nhiều hơn. Đồng thời chúng ta quyết tâm sống và tu tập, biết cách làm chủ bản thân để thoát khỏi sự chi phối khổ sở của tuổi già. Phật dạy: sinh già bệnh chết khổ đó là một sự thật của kiếp người. Già là khổ. Vì sao già lại khổ? Hiểu biết nhận thức giảm sút, mắt mờ tai điếc, đi đứng lọng cọng, gối mõi lưng còng, ăn uống khó khăn…. già như vậy quả thật là khổ. Rồi sao nữa bệnh là khổ, quý vị nào có vào bệnh viện sẽ thấy từ em bé sơ sinh cho đến người già bệnh mà không đủ chỗ nằm thậm chí phải nằm ngoài hành lang. Người già lại thường chậm chạp, luống cuống trong mọi sinh hoạt hằng ngày khi ăn uống, lúc đi đại tiểu tiện… và thường làm nhớp nhơ. Con cháu dù thân thương đến đâu cũng sanh nhàm chán, bực bội, xa lánh, sao nhãng bổn phận. Chính những hành động, thái độ thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm của con cháu đã khiến người tuổi già chịu nhiều đau khổ. Chỉ có những người con chí hiếu, thì dù ở vào hoàn cảnh nào cũng thương yêu, kính quí, chăm sóc chu toàn cho ông bà, cha mẹ. Quả thật tuổi già thật đáng buồn tủi, khổ sầu nếu không biết tu sửa. Thời thanh niên cường tráng đã qua, thời già nua suy yếu đến, mạng sống con người cứ rút ngắn theo thời gian và cuối cùng thể xác đi dần đến hư hoại. Có những người lớn tuổi già yếu rồi, nhưng khi ngồi với nhau nói toàn những chuyện quá khứ hào hùng của mình thuở trước như để khoe hay, khoe giỏi cho nên khi con cháu không đáp ứng nhu cầu cần thiết thì cau có, giận dỗi buồn phiền. Nhiều người bây giờ đã già mà vẫn không chịu biết mình đang già, nếu khéo nhìn lại, thấy mình đã già yếu. Bây giờ chỉ dốc tâm tu tập, kiếm chút ít tư lương, tích tạo phước đức để ngày ra đi được an ổn, nhẹ nhàng. Chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật là đã biết cách học theo hạnh giác ngộ của đức Phật. Lúc còn trai tráng, thái tử đang là một người có đầy đủ tất cả quyền uy, thế lực, văn võ song toàn. Vậy mà khi thấy người già thì liền biết mình rồi cũng sẽ già nua và yếu ốm như người kia. Thấy rõ cuộc đời không có gì đáng để gọi là vui cho nên Ngài quyết chí xuất trần. Nhìn nhận, chiêm nghiệm và thấu tột được như vậy là chúng ta đã biết học theo cái nhìn của bậc giác ngộ. Trong thực tế khi con người khi già rồi, các căn đều suy yếu, mắt mờ, tai lãng, lưng mỏi, chân run, ăn thấy kém ngon, ngủ không an giấc, trí nhớ chẳng còn minh mẫn, làn da khô nhăn, răng lần lần đau nhức chuyển rụng. Lắm kẻ tuổi già lờ lẫn, khi ăn mặc, lúc đại tiểu đều nhớp nhơ, con cháu dù thương tiếc giúp đỡ, nhưng lâu ngày rồi cũng sanh nhàm chán muốn bỏ bê. Xét ra cái già thật không có gì là vui thú nếu chúng ta không biết tu tập chuyển hóa thì càng già, càng khổ hơn. 

 BỆNH HOẠN LÀM THÂN THỂ ĐAU NHỨC KHỔ 
 Là sự khổ đau trong cơn đau bệnh. Có thân là có bịnh, từ những loại bệnh nhẹ thuộc ngoại cảm, đến các chứng bịnh nặng thuộc nội thương. Trong cuộc thế, có rất nhiều người vướng phải những bệnh nan y như: ung thư, lao, cùi, tiểu đường, tai biến... Vướng vào những bệnh nan y, tự thân cảm thấy đau đớn, lại tốn kém, hoặc không có tiền chạy chữa lại càng khổ hơn. Sự khổ lụy không chỉ riêng mình, mà còn khiến cho gia đình người thân bị ảnh hưởng theo. Bệnh khổ có 2 loại: Thân bệnh: Thân bệnh là tất cả những chứng bệnh con người mắc phải, gánh chịu. những chứng bệnh này đều do tứ đại không điều hòa mà phát sanh, như địa đại không điều hòa, thì thân thể nặng nề; phong đại không điều hòa, thì thân thể bị tê cứng; thủy đại không điều hòa, thì thân thể bị phù thũng; hỏa đại không điều hòa, thì thân thể bị nóng bức.. Tâm bệnh: Trong lòng luôn ôm ấp những tâm lý khổ não, buồn thảm, bi ai, lo lắng bất an, sợ hãi, cô đơn trong tuyệt vọng... Rồi một lần khác thấy một người bệnh đang rên đau, thái tử nghĩ, hóa ra con người ta cũng có khi phải bệnh đau như vậy! Cùng là thân người như nhau, nhưng người kia đang bị bệnh thì có lúc mình cũng phải bị bệnh như mọi người. Đã bệnh thì phải đớn đau, khổ sở trăm bề không có gì là vui hết. Từ đó thái tử thấy được sự tạm bợ của thân người và sự sống này không có gì bền chắc, ý chí xuất trần trong thái tử được nung nấu mạnh mẽ hơn. Chúng ta thấy được như vậy thì không còn nhầm tưởng thấy mình khỏe mạnh mãi để sanh tâm ngã mạn, xem thường người khác. Đồng thời chúng ta sẽ cảm thông, thương yêu người bệnh và tìm cách để vượt lên, không bị bệnh hoạn khổ đau chi phối. Từ đó chúng ta sẽ có tâm đồng cảm, thông cảm, thương yêu bệnh nhân, tôn trọng mọi người, không thờ ơ hay xem thường một ai. Chúng ta thấy người khác bệnh thì liền biết rồi mình cũng sẽ bệnh như mọi người. Người đó bệnh đau, lo sợ, hoang mang thì đến lúc chúng ta bệnh, cũng có những nỗi đau và tâm trạng giống như họ vậy thôi. Thấy người khác bệnh, biết mình rồi cũng sẽ bệnh. Từ đó thấy rõ thân này mong manh, giả tạm, không chắc thật, nên ta không bám víu dính mắc. Khi chúng ta không bám víu thân này, cảnh sống này thì các mê lầm, khổ não, rắc rối khác sẽ không có ra. Đồng thời, chúng ta sẽ cảm thông, thương yêu, tôn trọng người bệnh, từ đó thiện căn được tăng trưởng và giảm sự chấp ngã về thân này. 

 CHẾT LÀ NỖI KHỔ LỚN LAO NÊN AI CŨNG SỢ 
 Thứ tư là chết khổ. Như chúng ta thấy người thân khi sắp lâm chung đau đớn quằn quại rất thống khổ. Đó là chưa kể thần thức hôn mê, người sắp chết thấy những cảnh giới gì đó hiện ra, lòng họ hoảng sợ, kêu gào than khóc, thật là thảm thương. Ai cũng tham sống sợ chết muốn sống dai, sống già, sống thọ cho nên nhiều người tìm cách để luyện trường sanh bất tử nhưng cuối cùng rồi ai cũng phải chết. Và chết là một sự thật không tha bất cứ một ai, dù là đức Phật cũng phải xả thọ mạng này khi hết duyên đời. Mình muốn sống hoài mà không được, cho nên nếu ai không biết tu gần chết rất khổ sở vì không biết mình sẽ đi về đâu. Mọi người đều muốn sống an vui, chết nhẹ nhàng, nhưng việc ấy rất khó toại nguyện, mà phần nhiều thân thể con người luôn bị bịnh khổ hành hạ đau đớn cho đến khi chết. Thân đã bị bệnh khổ như thế, tâm lại càng hãi hùng, lo sợ, tham tiếc tài sản của cải mình tạo ra, luyến tiếc vợ con trước khi nhắm mắt lìa đời nên lại càng khốn khổ hơn. Chết, quả thật là rất khổ nên ai cũng sợ. Chết khổ có 2 loại: Cơn bệnh kéo lâu dài, mạng sống hết phải chết. Chết do duyên bên ngoài đưa đến bất đắc kỳ tử: Gặp chuyện không may bị người giết hại hoặc bị tai nạn mà chết, bị chết nước, lửa thiêu... vì chiến tranh loạn lạc mà chết. Khi đi ra bốn cửa thành, thái tử thấy một người chết. Thấy vậy, thái tử liền nhìn lại và nhận ra rằng, người ấy chết rồi đến lúc mình cũng sẽ chết. Càng thấy rõ sự tạm bợ của kiếp người, chí xuất trần của thái tử càng nung nấu mãnh liệt hơn. Mới ngày nào đây còn liệt liệt, oanh oanh, sao bây giờ chỉ còn lại một tấm thân tàn ma dại, nằm bất động, ai làm gì cũng không biết. Chúng ta bây giờ tận mắt chứng kiến cảnh người chết, chúng ta mới thấy tấm thân này quá mỏng manh, kiếp người quá ngắn ngủi, cõi đời thật phù du, giả tạm. Nếu chúng ta thấy rõ được sự mong manh của kiếp sống con người, thấy được khoảng thời gian sống và chết kề cận một bên thì chúng ta sẽ tỉnh giác mạnh hơn, không bao giờ có sự tranh cãi nhau nữa. Tranh cãi, giận dữ là do người kia không tự làm chủ được chính họ. Chính khi đang giận dữ họ cũng rất khổ sở chứ không sung sướng gì. Mình là người tỉnh táo làm chủ được mới thấy rõ nên thông cảm và thương họ, tội nghiệp cho người ta. Thấy được như vậy thì chúng ta sẽ thương được người hại mình, không tạo nghiệp khổ đau. Phật nói thân hiện tại của chúng ta đây, mang tính chất đau khổ từ lúc mới sinh, cho đến khi trưởng thành rồi già, bệnh, chết đều phải trải qua nhiều thống khổ. Đó là một lẽ thật. Mới nghe người ta thấy đạo Phật như bi quan, nhưng thực tế đạo Phật rất lạc quan và yêu đời. Tại vì đạo Phật nói rõ lẽ thật của cuộc đời, để cho mọi người không lầm lẫn, biết cách làm chủ bản thân trên những khổ vui đó. Như một ai đó, đang gánh một gánh nặng suốt một chặng đường dài lâu quá cảm thấy mỏi mệt, đuối sức nếu lúc đó để gánh nặng xuống vui hay khổ? Chắc chắn là vui. Còn gánh nặng trên vai thì khổ, để xuống hết nặng là vui. Sau khi biết khổ rồi mới thấy vui, chớ cái vui ấy không ngoài sự khổ. Cũng chính vì thế, đạo Phật nói rõ nguyên nhân của sự khổ đau để chúng ta biết cách chuyển hóa tiêu trừ, khi đó khổ hết thì vui đến. 0909.935.128
***
CHUYỆN TÁI SINH CỦA JENNY 
Tâm Diệu (thuật theo tài liệu của chương trình 20/20 ABC 
American BroadcastingCorporation phát hình vào lúc 10 giờ đêm 
thứ sáu 10 tháng 6 năm 1994)

Vào mùa xuân năm 1993, một bà mẹ người Anh 40 tuổi đang sinh sống với chồng và hai con ở thành phố Northamptonshire Anh quốc đã đoàn tụ với năm người con của bà ở đời sống trước tại Malahide, một thị trấn nhỏ ở miền bắc nước Aí Nhĩ Lan. Mùa xuân năm nay 1994, Bob Brown và nhóm phóng viên truyền hình của chương trình 20/20 ABC Hoa Kỳ đã đến tận nơi đây làm phóng sự về sự tái sinh của bà mẹ này cùng hội họp với những người con của kiếp sống trước của bà. Đây là câu chuyện tái sinh có thực đã xảy ra vào cuối thế kỷ thứ hai mươi này. Một câu chuyện đầy thương tâm và nước mắt, một câu chuyện đi tìm con vượt biên cương và trải dài qua nhiều kiếp người của một bà mẹ. 
Bà tên là Jenny và lúc nào cũng biết và nhớ là mình đã có một đời sống ở kiếp trước nơi một ngôi làng nhỏ bên bờ biển xứ Ái Nhĩ Lan với tên là Mary. Mary, một người đàn bà trẻ, tầm vóc trung bình đã từ trần 21 năm trước khi Jenny được sinh ra ở Anh Cát Lợi. 
Một trong những giấc mơ và luôn luôn hiển hiện trong trí nhớ của Jenny là giây phút lìa đời của Mary trong nỗi đơn độc đau khổ của mình và lo âu về tương lai đầy bơ vơ của các con bà mà thằng lớn nhất mới có 13 tuổi. Nỗi lo âu và đau khổ này đã ám ảnh bà, đã hiển hiện thường trực trong tâm trí nàng từ lúc còn nhỏ. Nàng nghĩ rằng mình đã có lỗi khi phải từ bỏ các con bơ vơ nơi cõi trần và nàng quyết định phải đi tìm con cho bằng được.
Ngay từ lúc còn rất nhỏ, khi mới bắt đầu cầm được viết, Jenny đã vẽ bản đồ làng với những con đường dẫn đến một căn nhà mái tranh nơi Mary ở, đến nhà thờ, ga xe lửa, các cửa hàng bách hóa... và sau này so sánh với bản đồ Ái Nhĩ Lan ở trường học, Jenny đã khám phá ra rằng bản đồ mà nàng đã vẽ từ trong trí nhớ, và trong những giấc mơ tiền kiếp đã thật giống với bản đồ một làng nhỏ nằm ở phía bắc thành phố Dublin Ái Nhĩ Lan, có tên gọi là Malahide. 
Theo năm tháng, Jenny lớn dần cùng với hình ảnh căn nhà mái tranh, với từng căn phòng, góc bếp, với hình ảnh nhà thờ quán chợ nơi thị trấn hiền hòa Malahide. Trong tâm tưởng, nàng vẫn cảm thấy có lỗi với các con khi bỏ chúng lại bơ vơ nơi cõi trần nên nàng quyết định đi tìm con. 
Jenny sắp đặt kế hoạch nhưng lại không đủ khả năng tài chánh cho chuyến đi qua xứ Ái Nhĩ Lan nên đành hoãn lại và tình nguyện làm một người thôi miên cho một thôi miên gia chuyên môn tìm hiểu quá khứ. Ông này đã giúp Jenny nhớ lại thật nhiều hình ảnh chi tiết của Mary và ngôi làng của cô ở vào năm 1919, cách thức ăn mặc, đi đứng nằm ngồi và nấu nướng của Mary hồi ấy. Qua thôi miên Jenny đã mô tả chi tiết căn nhà, từng bức hình treo trên tường, kể cả một tấm hình của Mary. Jenny cũng mô tả và vẽ ra hình nhà thờ. Tuy nhiên có một điều thất vọng là Jenny vẫn chưa nhớ ra được tên họ tức last name của Mary là gì, điều này đã gây ra rất nhiều trở ngại cho việc kiếm tìm các con của nàng sau này. 
Cuối cùng Jenny đã để dành đủ tiền để thực hiện một chuyến du hành qua Ái Nhĩ Lan đi tìm những dấu tích của căn nhà mái tranh, của những con đường xưa lối cũ. Đến nơi đó, nàng đã đứng lặng trước một căn nhà mà bên kia là ngã ba đường dẫn về thành phố. Nàng thấy sao hình ảnh này quen thuộc quá, giống như trong trí tưởng, giống như bản đồ nàng đã vẽ. Nàng nhủ thầm rằng Malahide đây chính là chìa khóa mở cửa vén lên bức màn về sự thật của kiếp sống trước của nàng, là bước chân khởi đầu trên con đường tìm con. 
Sau chuyến đi, Jenny trở về Anh quốc và bắt đầu thực hiện kế hoạch tìm con. Nàng viết thư cho tất cả các báo ở Ái Nhĩ Lan, các tổ chức sử học, các văn phòng hộ tịch, các chủ phố, và dân làng Malahide để yêu cầu giúp đỡ về tin tức của một người đàn bà tên Mary chết vào năm 1930 cùng với những người con của bà này. 
Một thời gian lâu sau đó, Jenny nhận được thư của một chủ đất ở Malahide cho biết ở đó có một gia đình mà người mẹ tên là Mary đã chết sau một thời gian ngắn khi sanh đẻ đ‘ể lại sáu đứa con còn sống. Last name của người đàn bà bất hạnh đó là Sutton và sau khi bà Sutton qua đời, các đứa con đã được gửi vào các cô nhi viện. 
Đúng như trong trí tưởng và trong các giấc mơ về nỗi lo âu của Mary khi lìa đời, các con của bà đã thực sự bơ vơ đi vào các trại mồ côi. Jenny cảm thấy nỗi đau khổ trùng trùng. Nàng biên thư cho tất cả các viện mồ côi ở Ái Nhĩ Lan để dò hỏi tin tức và sung sướng thay, Jenny được tin tức từ một vị giáo sĩ ở một nhà thờ thành phố Dublin. Sau khi thư từ qua lại với các sở họ đạo và cả với bộ giáo dục Ái Nhĩ Lan, vị giáo sĩ này cho tên của tất cả sáu người con của bà và nói rằng sáu đứa trẻ này đã trở thành Ki Tô hữu tại nhà thờ Thiên Chúa Giáo Saint Syvester ở Malahide. Lá thư của vị giáo sĩ không dài lắm nhưng đã mang lại niềm tin và hy vọng lớn lao cho Jenny. 
Sau đó, qua niên giám điện thoại Jenny đã gửi thư đến tất cả những ai mang họ Sutton tại Aí Nhĩ Lan. Nàng cũng nhận được một bản sao giấy khai tử của Mary và hai bản sao giấy khai sinh của hai người con, nhưng vẫn không tìm ra tung tích. Một lần nữa Jenny lại gửi thư cho tất cả các báo ở Dublin và thư cho giáo sư Tiến sĩ Stevenson một chuyên gia nghiên cứu về các hiện tượng ở đời sống quá khứ để nhờ giúp đỡ. Stevenson giới thiệu Jenny với Gitti Coast một nhà nghiên cứu thuộc cơ quan truyền thông Anh quốc BBC. 
Một thời gian khá lâu sau đó, Jenny nhận được điện thoại từ người con thứ hai ở Ái Nhĩ Lan. Cuộc nói chuyện hết sức khó khăn với nhiều tình cảm lẫn lộn nhưng nói chung có những dấu hiệu tốt đẹp. Jenny hứa sẽ gửi toàn bộ hồ sơ lưu trữ từ nhiều năm qua. Tư tưởng của nàng lúc này cũng lộn xộn. Mặc dầu biết là các con của Mary bây giờ đều đã ở vào lứa tuổi 50 và 60 nhưng Jenny vẫn có cảm giác mạnh mẽ về tình mẫu tử đối với các con của nàng, vẫn có cảm giác mạnh là mẹ của họ.
Mary và các con của nàng hay là các con của Jenny ở kiếp sống trước đang dần dần trở nên một thực thể, tâm tư của nàng bây giờ thật xáo trộn: Nàng thuộc về đâu? thuộc về đời sống hiện tại hay thuộc về đời sống quá khứ với các con nàng tìm ra? Có lẽ không trông mong một điều gì là tốt hơn cả. Nàng nhủ thầm như vậy và hãy để thời gian trả lời. 
Jenny đang bước vào giai đoạn cuối cùng của công cuộc tìm kiếm, nàng thông báo đầy đủ diễn tiến mới cho Gitti Coast của đài BBC. Đài BBC muốn dự án tìm con của Jenny trở thành một tài liệu sống của sở nghiên cứu của đài nên đã thương lượng với Jenny. Phần Jenny, nàng chỉ yêu cầu có một điều duy nhất là đặt sự phúc lợi và niềm an bình hạnh phúc của gia đình lên trên hết. 
Chờ mãi không thấy sự hồi âm của đứa con thứ hai mà Jenny đã nói chuyện qua điện thoại. Nàng quyết định liên lạc với Sonny, hiện đang ở thành phố Leeds Anh quốc. Sonny là người con đầu của Mary Sutton, khi Mary qua đời cậu mới 13 tuổi và bây giờ vào ngày thứ ba 15 tháng 5 năm 1990 Sonny đã 71 tuổi. Qua cuộc điện đàm Jenny mô tả cho Sonny biết về quá khứ của cậu, về hình ảnh căn nhà mái tranh, về tính nết của cậu, về những lời nói hay câu mắng của Mary với cậu hồi đó. Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và khó có thể ngờ được người đầu dây bên kia lại chính là mẹ mình. Sonny ngỏ ý muốn được gặp Jenny ngay. 
Như đã thỏa hiệp với đài BBC, Jenny thông báo những biến chuyển mới. Đài BBC muốn phỏng vấn Sonny trước và trong thời gian này hai người không được liên lạc với nhau. Họ muốn nghiên cứu tường tận về Sonny rồi phân tích và so sánh với những dữ kiện mà họ đã có về Jenny. Cũng trong thời gian này họ đã phỏng vấn thêm Jenny về những điểm chưa sáng tỏ. 
Cuộc điều tra của đài BBC kéo dài 4 tháng và cuối cùng Jenny đã đích thân lái xe đưa cả gia đình của nàng đến thành phố Leeds hội ngộ cùng Sonny. Cuộc đoàn tụ đã diễn ra thật cảm động; Giấc mơ đi tìm con của Jenny đã trở thành sự thực, hai mẹ con, mẹ trẻ con già đã ôm nhau với những giòng nước mắt tuôn trào. Sonny cũng như Jenny đều đã nhận được bảng phân tích và so sánh dữ kiện của đài BBC trước đó. Các chuyên gia đài BBC đều không thể ngờ được một khái niệm về trí tưởng lại có thể đúng một cách chính xác với thực tế như vậy. Họ cũng không ngờ rằng có một đời sống sau khi chết đang hiển hiện rõ ràng. 
Với sự giúp đỡ của Sonny, công cuộc kiếm tìm các con của Mary được tiếp tục suốt những năm tháng dài sau đó và cuối cùng vào năm 1993 Jenny đã hội ngộ đoàn tụ với tất cả 5 người con còn sống. Hơn 60 năm từ khi mẹ chúng qua đời anh em mới được đoàn tụ với nhau và đặc biệt hơn cả là đoàn tụ với người mẹ trẻ đã tái sinh ra trong kiếp này để đi tìm chúng. 
Năm nay 1994 Bob Brown và nhóm phóng viên truyền hình chương trình 20/20 ABC Hoa Kỳ đã một lần nữa mang Jenny và 5 người con trở về thị trấn Malahide đoàn tụ với nhau nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 75 của Sonny. Trong dịp này Jenny đã được cậu con cả, nay đã 75 tuổi dẫn đến thăm mộ phần của nàng kiếp trước. Nàng đã nói trước ống kính thu hình và trước phần mộ nàng rằng: "mộ phần này không có gì cả, không có ai ở đây bây giờ. Có thể còn trong đó là những nắm xương khô. Thực sự không có gì cả, phần năng lực tinh thần hiện đang ở trong tôi." 
Quả vậy, kiếp sống con người trùng trùng duyên khởi, không có bắt đầu và cũng không có kết thúc. Chúng ta đã bao nhiêu lần sanh ra và chết đi, đã bao nhiêu lần lặn ngụp trong biển sinh tử luân hồi, đã theo nghiệp sinh nơi này nơi khác. Trong giòng đời vô tận ấy, chúng ta đã liên hệ với biết bao nhiêu người, giầu nghèo sang hèn xấu đẹp và biết đâu họ chẳng là cha mẹ, là ông bà, là anh em, là những người thân của của chúng ta và ngày nay nhờ có những máy điện toán tối tân, các nhà toán học và nhân chủng học đã cho chúng ta biết rằng mỗi chúng ta có tới 68 tỷ cha mẹ ông bà từ quá khứ đến hiện tại và tất cả nhân loại đều là anh em họ hàng của chúng ta. Nhận được sự liên hệ ấy, chúng ta cảm thấy dễ thương, dễ hiền hòa và dễ tha thứ trong sự giao thiệp hàng ngày với mọi người. 
Tâm Diệu (thuật theo tài liệu của chương trình 20/20 ABC ( American BroadcastingCorporation ) phát hình vào lúc 10 giờ đêm thứ sáu 10 tháng 6 năm 1994

No comments:

Post a Comment