http://metintrongphatgiao.blogspot.com.au/2010/10/nhung-kinh-sach-me-tin.html
Hỏi†: Kính bạch Thầy, con người ai rồi cũng phải chất. Khi chết ở từng vùng họ được thân nhân đưa:
1- Hỏa táng 2- Địa táng 3- Thủy táng 4- Diểu táng
Hiện nay, một số người giàu có tiền muốn báo hiếu cho thân nhân của mình đến các chùa có diện tích đất rộng bỏ tiền ra mua một đám đất để xây một cái mồ rồi đưa xác thân nhân về chôn cất ở đó hoặc gửi tro vào tháp hài cốt trong chùa. Nhà chùa gặp cơ may này làm giàu, tính giá ít nhất là từ 5.000.000 đ cho đến 10.000.000 đ và có thể còn hơn nữa, nhờ đó nhà chùa mới làm lễ cầu siêu độ cho vong... Các người này họ rất vinh dự được đưa thân nhân về chùa ‚nằm trong đất chùa, được nghe kinh, được theo Phật v.v...‛. Kính thưa Thầy, với việc làm này người chôn trong đất chùa có lợi ích gì? Người con báo hiếu đưa xác hay hài cốt người thân về chùa có lợi ích gì? Quý thầy trong chùa nhận hài cốt và an táng trong đất chùa có lợi ích gì? Chúng con xin Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Đáp: Theo phong tục mê tín của dân tộc Việt Nam xuất phát từ trong các chùa cho rằng người chết được chôn trong đất chùa hoặc gửi nắm tro tàn trong tháp hài cốt hằng ngày linh hồn sẽ được nghe kinh, nhờ đó được siêu thoát lên cõi Cực Lạc, Thiên Đàng... Do lòng thương yêu và sự hiếu hạnh khiến cho người ta không còn sáng suốt, nên nghe quý thầy, quý cô trong chùa bảo sao làm vậy chứ không có tư duy, suy nghĩ chín chắn, vì thế sự tin tưởng thiếu thực tế, mơ hồ, không trí tuệ của một số phật tử đã làm giàu cho các chùa và biến các chùa trở thành nhà mồ, trở thành một nơi sinh hoạt mê tín chứ không còn là nơi tu hành của tăng ni và cư sĩ nữa.
Ở thành phố đất hẹp người đông, vì thế chùa muốn kinh doanh làm tiền phật tử bằng sự lừa đảo mê tín như chúng tôi đã nói ở trên. Chùa nào hiện giờ cũng xây tháp hài cốt, khi có thân nhân chết, người ta đem thiêu xác gửi vào chùa và khi gửi nắm tro tàn như vậy thì phải tốn bao nhiêu tiền đóng vào và còn phải cúng dường tiền cho chùa rất nhiều hằng năm.
Nếu thân nhân không cúng dường tiền thì hũ hài cốt ấy sẽ bị dẹp vào chỗ khuất lấp, còn ai cúng dường tiền nhiều thì hũ hài cốt sẽ được để trên chỗ sang trọng trong tháp. Trong chùa các Thầy thường bảo nhau: Tháp hài cốt là núi tiền, là những mẫu ruộng mầu mỡ xài hoài không hết. Đúng vậy, nhà chùa hiện giờ lấy hài cốt của những thân nhân phật tử làm con tin để làm tiền một cách phi nhân nghĩa, phi đạo đức.
Ví dụ: Nhà chùa muốn làm một việc gì thì nhắm vào những phật tử có gửi hài cốt hoặc chôn những thân nhân trong đất chùa, họ kêu gọi đóng góp làm từ thiện hoặc xây cất chùa và bất cứ một việc gì trong chùa v.v... đều kêu gọi.
Nghe kinh được siêu thoát về Cực lạc, Thiên đàng đâu không thấy mà chỉ thấy những người còn sống phải gánh một gánh nặng của tôn giáo mê tín. Cho nên chùa nào có đất rộng làm nghĩa địa hoặc xây tháp hài cốt là chùa đó giàu to, giàu không mất sức lao động chút nào cả.
Chúng ta thấy tệ nạn lừa đảo phật tử hiện giờ trong các chùa rất lộ liễu. Bây giờ Thầy sẽ hỏi quý phật tử, quý vị cứ vui lòng nói thẳng có sao nói vậy đừng tự dối mình: - Hiện giờ quý phật tử thường đến chùa không những nghe thuyết pháp mà còn ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, lạy hồng danh sám hối v.v... thế mà quý vị có thấy ai đã được lên Thiên Đàng, Cực Lạc chưa? Có thấy hết khổ chưa? Có ai làm chủ sanh, già, bệnh, chết chưa? Có thấy sự giải thoát chưa? Quý vị cứ thành thật trả lời xem.
Trong lúc quý vị còn sống mà còn chưa biết được Cực Lạc, Thiên Đàng ở đâu? Có hay không có? Huống là người chết, họ còn nghe thấy được những gì. Nếu quả chăng nghe kinh được sanh về Cực Lạc Thiên Đàng thì người ta tu làm gì cho cực khổ phải không quý vị?
Đó là những mánh khóe lừa đảo của kinh sách phát triển chúng ta nên cảnh giác. Với tinh thần tình cảm đạo nghĩa của cuộc sống dân tộc Việt Nam ‘Sống cái nhà, thác cái mồ‛, người sống dù nghèo hay giàu đều phải có một ngôi nhà, dù là nhà tranh vách lá, chòi, lều... cho đến nhà lầu, vila, biệt thự... cũng vẫn là một cái nhà mà thôi.
Vì đạo nghĩa làm người nên khi chết còn lại nắm xương hoặc nắm tro tàn người ta xây một ngôi mộ nho nhỏ đủ để vùi lấp nắm xương và nắm tro trong lòng đất mẹ quê hương, để đánh dấu ghi khắc một kỷ niệm thăng trầm của một đời người.
Ngôi mộ là nơi để ghi nhớ lại cho con cháu, cho người sau một ân nghĩa khó quên, chứ người chết còn gì nữa, chết là mất đi một kiếp người. Ngôi mộ là nơi để cho con cháu tập hợp nhắc lại những thành tích của Tổ tiên ông bà cha mẹ. Ngôi mộ là nơi để cho con cháu đừng quên nắm xương tàn của những người thân thương. Mỗi năm chỉ có một lần về thăm mồ mả tổ tiên ông bà cha mẹ là chúng tôi cảm thấy có một điều gì thương nhớ bùi ngùi trong tâm hồn của chúng tôi.
Bởi vậy, đối với người Việt Nam có một tình nghĩa sâu sắc khó quên, những nấm mồ của Tổ tiên ông bà cha mẹ còn đó là tình cảm con người không bao giờ phai nhòa. Có những dân tộc khi chết đi, họ đem thiêu đốt và lấy tro đem đổ xuống biển, bảo rằng đem tro đổ xuống biển cho mát mẻ, khi thiêu xác sao không bảo rằng nóng? Việc an táng này có lợi nhưng có hại. Lợi là con cháu khỏi quét mả (tảo mộ), hại là lòng người ân nghĩa dễ quên, con cháu sau này không còn chỗ để nhớ tưởng Tổ tiên ông bà cha mẹ vì đã ném tro xuống biển làm ô nhiễm môi trường sống.
Như chúng ta đã biết trên hành tinh này con người có nhiều kiểu an táng tùy theo bản năng, tình cảm và lâu rồi nó trở thành dòng văn hoá mai táng của mỗi dân tộc. Hiện nay được chia ra làm bốn cách an táng: 1- Địa táng. 2- Hỏa táng. 3- Thủy táng. 4- Điểu táng.
Những dân tộc có tình cảm sâu xa như dân tộc Việt Nam , Trung Hoa thì địa táng xây mồ mả giữ gìn nơi an nghỉ cuối cùng của những người thân thương của mình. Những dân tộc ít tình cảm hơn như dân tộc Cam-pu-chia thì hỏa táng lấy tro đựng trong một cái ghè để dưới gốc cây lâm vồ cây lâm vồ giống như cây đa ở nước chúng ta. Người Campuchia để tro hài cốt của ông bà cha mẹ như vậy rất thiếu vệ sinh gây ra môi trường ô nhiễm khiến cho con người dễ bịnh đau.
Những dân tộc ít tình cảm hơn nữa như dân tộc Tây Tạng thì họ điểu táng, khi người chết họ đem vào rừng cắt ra từng miếng thịt nhỏ quăng ném khắp nơi để cho loài chim bay đến ăn thịt. Cách thức điểu táng gây ra môi trường ô nhiễm ghê gớm mùi tanh, hôi, thối bốc ra khắp cả một vùng rừng núi khiến cho không ai dám đến nơi đó.
Tục lệ điểu táng là một việc làm thiếu vệ sinh gây ô nhiễm khiến mọi người dễ sanh bệnh tật khổ đau. Thủy táng là những người dân sống trên sông nước, họ không có địa táng, hỏa táng hoặc điểu táng, khi có người chết họ an táng bằng cách neo vào quan tài một tảng đá to dùng thuyền chở ra giữa dòng sông họ dứt dây quan tài từ từ chìm xuống đáy sông.
Lại có một số người sống ven biển như dân tộc Đại Hàn, người chết đem thiêu xác rồi lấy tro đổ xuống biển đó cũng là loại thủy táng, thủy táng bằng tro. Loại thủy táng nào cũng thiếu vệ sinh gây ra môi trường ô nhiễm cho cuộc sống của con người.
Trong bốn loại an táng thì loại địa táng là tình cảm thiêng liêng nhất của loài người vì không thấy thi thể của người thân của mình bị hủy hoại một cách tàn nhẫn. Vả lại địa táng còn lưu lại dấu tích sau cùng để con cháu tưởng nhớ khó quên Tổ tiên dòng giống, duy trì và truyền thống một nền đạo đức ân nghĩa sâu dày. Địa táng là một sự giữ gìn vệ sinh môi trường sống rất tốt, nhưng nó không được trọn vẹn vệ sinh bằng hỏa táng cộng địa táng, nhưng hỏa táng tình cảm thiêng liêng của con người, không cho phép chúng ta và chúng ta không thể không đau lòng được trước cảnh thiêu xác người thân.
Nếu hỏa táng đem tro hài cốt người thân vào chùa, điều này: 1- Mê tín (nghe kinh và siêu thoát). 2- Thiếu vệ sinh môi trường vì nắm tro tàn vẫn còn bốc mùi hôi khét khó chịu và để khơi khơi trên bàn thờ tỏa ra mùi uế trược bất tịnh ghê gớm. 3- Tốn hao tiền bạc phải cúng tế trong nhà chùa, nhà chùa lợi dụng tro hài cốt kêu gọi đóng góp mọi thứ khi chùa cần xây dựng, làm từ thiện, hoặc tổ chức cúng tế, lễ lộc v.v... 4- Nắm tro tàn hài cốt của người thân là con tin của nhà chùa để họ làm tiền phật tử, nếu Phật tử nào không có tiền cúng chùa thì tro hài cốt ấy được đẩy lui vào hốc tháp, có khi bị dẹp bỏ, nếu con cháu không cúng dường tiền cho chùa. 5- Nấm mồ trong đất chùa cũng vậy, cũng chỉ là con tin để chùa làm tiền mà thôi. Vì thế chùa có mả mồ nhiều có tháp tro hài cốt to thì chùa ấy giàu quý phật tử có thấy điều này không?
Quý vị có thân nhân được chôn trong đất chùa, quý vị đừng lấy làm vinh hạnh, nhà chùa họ kinh doanh lừa đảo quý Phật tử đó, bán đất chôn thì quá đắt (tấc đất tấc vàng) chứ họ chẳng cho quý vị đồng nào cả, họ cắt cổ quý vị tới chết chưa thôi mà còn cắt cổ con cháu của quý vị nữa, được đem tro hài cốt vào chùa thì phải có một số tiền mặt và từ đó về sau nhà chùa ăn không tiêu, tiểu tiện không thông thì họ đều kêu quý phật tử đó.
Quý vị đừng tưởng rằng: thân nhân được chôn trong đất chùa hoặc nắm tro tàn hài cốt được đặt vào ngôi tháp xinh đẹp của chùa là linh hồn được nghe kinh, được siêu thoát về cõi Cực Lạc, Thiên Đàng, Niết Bàn v.v... không chắc đâu quý vị ạ! Điều này các con đã bị lừa đảo lọt vào mê tín. Một đời tu hành của chúng tôi hết sức giới luật nghiêm túc, thực hiện pháp ly dục lý bất thiện pháp không lúc nào nghỉ ngơi, thế mà chúng tôi đi tìm cái Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn... cũng chẳng thấy ở đâu mà có, chỉ có là ở chỗ trạng thái tâm bất động trước các pháp lúc chúng tôi còn đang sống, còn người chết rồi thì còn chi nữa nghe kinh, siêu thoát.
Chết rồi chỉ còn nghiệp lực tái sanh luân hồi vào thân nghiệp khác còn chi nữa, nắm xương tàn trong lòng đất và nắm tro tàn trong tháp còn có nghĩa lý gì trong cuộc sống này nữa, thôi hết rồi nếu lúc sống không tu đến khi chết rồi còn gì nghe kinh siêu thoát được.
Chúng tôi xin góp ý với quý phật tử, chúng ta là dân Việt Nam với tinh thần đạo đức ân nghĩa sâu dày và tình cảm khó quên với truyền thống ‚cây có cội nước có nguồn‛ hay ‚ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn‛ Dân tộc Việt Nam có cái nhìn sự sống và chết không khác ‚sống cái nhà, thác cái mồ‛. Với tinh thần truyền thống đạo lý này cụ Nguyễn Du nói: ‚Tiết thanh minh trong lúc tháng ba, Chị em ta rủ nhau đi tảo mộ‛.
Đó là một tục lệ truyền thống tốt đẹp của con người hằng năm đến ngày này mọi người đều về thăm và quét dọn sạch sẽ mồ mả của Tổ tiên, ông bà, cha mẹ... đó là một hành động tình nghĩa đạo đức làm người, làm người không thể không có được đạo nghĩa này, nếu không có đạo nghĩa này thì không xứng đáng làm người, nhưng chúng ta đã thiêu xác cha mẹ đã gửi vô tháp nhà chùa, muốn vào thăm thì quý vị cũng phải có lễ lộc cúng bái... chứ không lẽ đi không xem sao được. Và thăm như vậy thì đâu còn có nghĩa là đi tảo mộ.
Đi vào chùa thăm tro hài cốt của cha mẹ không còn ý nghĩa như đi tảo mộ ngày xưa nữa, nó chỉ có nghĩa là đi cúng Phật lễ bái mà thôi. Ngày tảo mộ là ngày con cháu tụ họp về đông đủ, nói lên tinh thần đạo đức ân nghĩa, khiến cho dòng họ không còn xa lạ, con cháu gần gũi với nhau hơn, do đó gia tộc có một tinh thần đoàn kết chặt chẽ. Ngày nay đất hẹp người đông, nên người ta thiêu xác lấy tro bỏ vào hũ, đem gửi vào chùa làm mất ý nghĩa truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và biến nhà chùa thành nhà mồ, không còn ý nghĩa nhà chùa là nơi tu hành của tăng ni và cư sĩ.
Theo chúng tôi thiết nghĩ nhà chùa là nơi thanh tịnh trang nghiêm để tu hành chứ không phải nghĩa địa nhà mồ mà người tín đồ có thể đem sự bất tịnh vào đó làm cho ô uế môi trường sống chung chỗ tu hành.
Thành phố hiện giờ có rất nhiều chùa, mỗi chùa đều có nơi để tro hài cốt người chết mùi hôi của chất tro này bốc lên và lan rộng khắp cùng trong thành phố làm cho bầu không khí ở đây rất ô nhiễm, khiến cho người dân thành phố dễ bệnh hơn dân chúng ở nông thôn. Ở thành phố chỉ có nhà chùa thì được lợi mà dân thành phố thì chịu thiệt thòi.
Theo sự suy nghĩ của chúng tôi, một nhà chùa nên tổ chức một nghĩa địa cách xa thành phố do phật tử tại chùa hùn nhau mua một khu đất rồi tất cả thân nhân của các phật tử chùa đó chết đều được đem về chôn cất, nhưng nhà chùa không được bán không được lấy tiền dù ít dù nhiều của một người nào cả, vì đó là khu đất chung của phật tử, của chùa đó, cũng giống như bên đạo Công giáo, nơi nhà thờ nào họ cũng tổ chức một nghĩa địa tất cả những tín đồ chết đều được đem vào đó chôn cất một tập thể mồ mả của tín đồ Thiên Chúa.
Nhà chùa chúng ta cũng nên tổ chức như vậy nhưng không được bán lấy tiền như trên chúng tôi đã nói, bán lấy tiến làm mất ý nghĩa đạo lý của tôn giáo. Các nhà chùa ở miền Bắc đã làm sai không đúng tinh thần đạo đức làm người, đến người chết, chúng ta không dành cho họ một tấc đất để gửi nắm xương tàn hay sao? Vậy mà các chùa sao nỡ nhẫn tâm làm tiền người chết - cha mẹ hay người thân của phật tử sao đành? Để xác định điều này người chôn trong đất chùa cũng như gửi tro hài cốt vào tháp trong chùa thì chẳng có ích lợi gì về mặt tôn giáo, mà còn có hại là con cháu phải tốn tiền bạc đủ mọi thứ, nếu nhà chùa kêu đóng góp, thì chắc quý vị phật tử không thể nào từ chối được.
Theo Phật giáo Nguyên Thủy sống không tu tập ngăn ác diệt ác pháp đến khi chết chôn trong đất chùa cũng như chôn trong các nghĩa địa khác. Chôn và gửi tro hài cốt trong đất chùa là làm con tin cho nhà chùa. Người con hiếu chôn hay gửi tro hài cốt cha mẹ vào chùa để được theo Phật nghe kinh, siêu thoát là điều mê tín.
Nhà chùa nhận chôn và tro hài cốt vào đất chùa là một lợi ích rất lớn, đó là kinh doanh hài cốt con người đễ làm giàu bất chánh, đây là cái sai thứ nhất. Nhà chùa đã biến nơi tu hành thành nơi nhà mồ nghĩa địa, nơi thực hiện sự mê tín của dân gian, đây là cái sai thứ hai.
Tóm lại vì lợi ích vệ sinh trong môi trường sống chung và đạo nghĩa làm người trong tinh thần dân tộc Việt Nam ‚sống cái nhà thác cái mồ‛ thì mỗi nhà chùa đều có một nghĩa địa riêng cách xa nơi sinh hoạt tu học của tăng ni và cư sĩ. Nơi đó tất cả tín đồ Phật giáo khi chết đều được an táng, mỗi tín đồ không phải tốn hao một đồng một xu nào cả. Đó là thể hiện tình người tương thân tương ái, giúp nhau trong lúc hữu sự (Trích Đường Về Xứ Phật tập X)
BA NĂM CẢI TÁNG*
Hỏi: Kính thưa Thầy, ngoài Bắc có tục lệ, người chết chôn ba năm lại đào lên bốc xương đem chôn nơi khác thật là mất vệ sinh làm ô nhiễm môi trường sống và chật đất, chúng con mong Thầy dạy bảo để chúng con và mọi người thấu hiểu sự thật cái nào đúng cái nào sai để chúng con và mọi người sửa lại cho tốt đẹp và phù hợp hơn.
Đáp: Việc ba năm cải táng là một việc làm vừa hao tốn tiền của, vừa làm mất vệ sinh môi trường sống chung. Ngoài Bắc đã thành một tục lệ, tục lệ này xuất phát từ đâu? Từ những ông thầy địa lý. Trong lúc Đinh Bộ Lĩnh còn là một chú bé chăn trâu, có một thầy địa lý bên Trung Hoa sang Việt Nam đi tìm hàm rồng để cải táng nắm xương tàn của người cha vào huyệt đế vương để con cháu sau này làm nên danh phận. Khi tìm được huyệt đế vương dưới đáy hồ, ông bèn đến nhờ Đinh Bộ Lĩnh đem gói xương này bỏ xuống đáy hồ nơi có các gộp đá. Đinh Bộ Lĩnh nhận làm việc này, nhưng ông về cải táng mộ cha mình lấy nắm xương của cha bỏ vào những gộp đá trong đáy hồ, còn nắm xương cha của ông thầy địa lý kia được ném vào chỗ khác, nhờ đó sau này Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua nước ta.
Nếu chúng tôi xác định không lầm thì tục lệ ba năm cải táng là do các ông thầy địa lý bịa đặt ra để lừa đảo mọi người, làm tiền một cách bất chánh. Cải táng là để chôn vào huyệt đế vương, con cháu sau này làm ăn phát đạt sang giàu, làm quan hoặc làm vua, nhưng mãi sau này thành một tục lệ khó bỏ.
Người miền Bắc bị phong tục này nên ba năm phải cải táng, nếu không cải táng thì thấy như mình còn thiếu sót một việc gì và bị mọi người lên án là bất hiếu. Cũng như bây giờ nhà nào có người chết mà không rước thầy chùa tụng kinh thì coi như thiếu sót một việc gì và cũng bị mọi người lên án là bất hiếu, vì thế người ta quá sợ hãi những dư luận, cho nên ít ai dám đi trên dư luận để đả phá đi những phong tục mê tín lạc hậu.
Hiện giờ người ta không dám đả phá những phong tục mê tín lạc hậu, mà lại còn ca ngợi tán thán cho đó là văn hóa dân tộc thật là đáng trách.
Người ta đâu biết rằng sự giàu nghèo và làm quan, vua chúa đều do nhân quả. Nếu không gieo nhân làm vua, làm quan thì không bao giờ làm vua, làm quan được, nếu không gieo nhân giàu có thì không bao giờ giàu có được.
Tất cả đều do nhân quả thiện ác mà có những điều trên chứ không phải đi tìm huyệt đế vương là con cháu làm vua làm quan; chứ không phải đi tìm huyệt giàu sang mà con cháu sẽ giàu sang, những điều này là những điều mê tín lạc hậu, còn những loại sách địa lý là những loại sách phi đạo đức, muốn ăn không ngồi chơi mà làm giàu, muốn không đánh giặc mà làm vua, muốn không học tập mà làm quan thì thật là một điều bất công.
Đứng trên đạo đức làm người ba năm cải táng là một việc làm vô đạo đức: 1- Điều vô đạo đức thứ nhất: ông cha đã chết đi được chôn cất yên mồ ấm mả, bây giờ con cháu xúm lại móc lên, phải chi móc lên mà được sống lại thì cũng nên, móc lên để làm đám ma một lần nữa, giết hại sanh linh, tạo thêm tội ác không những cho những người còn sống mà người đã chết cũng thêm tội, chỉ có ăn uống nhậu nhẹt say sưa chứ chẳng có ích lợi gì.
2- Điều vô đạo đức thứ hai là điều bất hiếu với người đã chết rồi, ba năm để nấm mồ đất lạnh, đó là tội thứ nhất. Nấm xương tàn cuối cùng cũng chẳng yên đó là tội bất hiếu thứ hai. Giết hại sanh linh làm đám gây tạo tội cho người chết đó là tội bất hiếu thứ ba.
3- Điều vô đạo đức thứ ba là làm mất vệ sinh, gây nên môi trường sống ô nhiễm, khiến cho những người còn sống phải chịu những bệnh tật khổ đau tức là thiếu đạo đức làm người làm khổ mình khổ người. Môi trường sống của chúng ta hôm nay tràn đầy sự ô nhiễm do vô tình mà chúng ta đã thải ra trong không gian biết bao nhiêu những loại khí độc, để rồi chúng ta phải thọ chịu lấy những hậu quả của những chất khí độc đó.
Tóm lại, khi trong nhà có người chết thì chúng ta nên chôn cất một lần, xây mồ mả cho yên ấm ngay liền, đó là một việc làm tốt đẹp nhất, trong sạch nhất và đạo đức nhất của con người. “Sống cái nhà thác cái mồ”.
Thầy tin rằng mọi người khi hiểu được sự lợi ích này thì những phong tục tập quán kia sẽ được dẹp bỏ và phật tử các con là những người tiên phong đi trước để xứng đáng là những người con của Phật, sống đầy đủ đạo đức làm người, không làm khổ mình khổ người, luôn luôn phá dẹp những phong tục mê tín lạc hậu khiến cho mọi người không hao tiền tốn của một cách vô lý, khiến cho mọi người không bị những kẻ lừa đảo để rồi ‚tiền mất tật mang‛, khiến cho mọi người không còn bị các tôn giáo lừa đảo bằng sự cúng bái tụng, niệm, ngồi thiền, thần thông, bùa chú v.v... làm những việc phi đạo đức. (Trích Đường Về Xứ Phật tập X)
NGƯỜI CHẾT RỒI CÒN ĐAU ĐỚN NỮA KHÔNG*?
Hỏi: Kính thưa Thầy, Người chết rồi còn đau đớn nữa không? Trong quyển ‚Sống Và Chết‛ con đã được đọc, trong đó nói rằng: ‚Người chết từ lúc tắt thở phải được để yên không được đụng vào người chết từ 8 đến 12 giờ, nếu đụng vào người ta đau đớn lắm nhưng người ta không nói ra được nữa‛. Có phải thế không thưa Thầy ?
Đáp: Trong sách “Sống và Chết” này người ta dựa vào đâu mà dám bảo rằng người đã tắt thở từ 8 giờ đến 12 giờ mà còn cảm giác đau đớn. Trong bệnh viện về khoa giải phẩu bác sĩ gây mê cho bệnh nhân thế mà khi mổ bệnh nhân còn không thấy đau đớn huống là một người đã chết, toàn bộ thần kinh không còn hoạt động nữa thì làm sao người ta còn có cảm giác đau đớn được?
Thật ra người viết cuốn sách này sống toàn trong tưởng, vậy mà các con tin được sao? Một sự chết của một người là một sự vô thường của một giai đoạn nhân quả trả vay vay trả và tiếp tục những thân khác nữa để nối tiếp ngọn đuốc nhân quả mãi mãi.
Chết là toàn bộ thân ngũ uẩn tan rã không còn một uẩn nào cả thì cái gì còn cảm giác biết đau? Sách này nói đi ngược lại lờiđức Phật dạy. Năm xưa đức Phật dạy rằng: ‚nếu người chết còn lại một chút xíu thức dù như đất trong móng tay Ta thì Đạo Ta cũng không ra đời‛
Lời nói này rất chân thật đức Phật dám lấy tôn giáo của mình ra xác chứng rằng không có linh hồn, thần thức như kinh sách ngoại đạo thường tuyên bố. Không có thần thức, linh hồn thì cái gì còn biết đau, thật ra những người viết kinh sách không có kinh nghiệm tu hành cứ theo lối mòn của người xưa mà lập lại y khuôn, khiến cho con người lầm lạc lại còn lầm lạc hơn, khiến cho con người bị lừa đảo lại còn bị lừa đảo hơn, cho nên mọi người tiền mất tật mang là phải.
Bởi vậy đức Phật dạy chúng ta 10 điều chớ có tin, và chỉ dạy cho chúng ta tin khi nào điều đó đem lại lợi ích cho mình cho người.
Thân tứ đại này là cát bụi, chết thì trả về cát bụi. Cái cảm thọ đau đớn kia của thân tứ đại này đã tan rã theo nó còn đâu đau đớn nữa mà còn bảo rằng người chết còn đau đớn. Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe, không biết mà viết kinh sách như vậy là lừa đảo người thật đáng hổ thẹn. Thật đáng chê trách.
(Trích Đường Về Xứ Phật tập X)
CÚNG DƯỜNG ĐÚNG CHÁNH PHÁP
Hỏi: Kính thưa Thầy! Những Phật tử đã biết các tu sĩ tu hành không có đạo hạnh, phá giới luật, ăn uống phi thời, sống phóng dật, chạy theo dục lạc thế gian, mà cứ cúng dường cho họ, thì cúng như vậy có phước báo gì không?
Hay tạo thêm nghiệp cho những tu sĩ ấy. Xin Thầy chỉ dạy cho con rõ.
Đáp: Một hôm vua Ba Tư Nặc hỏi Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, chúng con là hàng cư sĩ cúng dường bố thí thế nào cho đúng chánh pháp?”.
Đức Phật đáp: “Cúng dường bố thí cho cá nhân hay tập thể, thì cá nhân hay tập thể đó phải thanh tịnh”.
Chữ “thanh tịnh” ở đây Đức Phật dùng để chỉ cho những người hiền lành, có đạo đức, không gian xảo, không lừa đảo v.v........ Còn tập thể thì chỉ cho những tu sĩ (các vị Tỳ Kheo) nghiêm trì giới luật, có đạo hạnh thì mới cúng dường bố thí.
Đức Phật dạy tiếp: “Nếu cúng dường bố thí không đúng cách thì cũng giống như đem hạt giống tốt gieo trồng trên đất chai, khô cằn thì hạt giống sẽ bị hư thối”. Chữ “hư, thối” ở đây có nghĩa là không được phước mà còn tổn phước.
Biết một vị tu sĩ phá giới luật, phạm giới không có đạo hạnh, ăn uống phi thời, sống phóng dật, mà cứ cúng dường cho những tu sĩ này, để họ tiếp tục phá Đạo Phật thì có tội rất lớn. Cũng như biết kẻ trộm cướp giết người mà che dấu, chứa nuôi trong nhà, thì đồng tội với kẻ trộm cướp giết người đó (tội rất nặng).
Nếu tất cả tín đồ Phật Giáo ý thức biết điều này, tức là biết những tu sĩ phá giới, phạm giới luật Phật, thì chẳng ai cúng dường, bố thí, trai Tăng thì những người tu danh, tu lợi làm sao sống được, mà phá Phật Giáo.
Biết họ tu sai, mà cứ luôn nuôi dưỡng họ. Họ bày ra những điều mê tín thì lại tin theo, làm theo khiến cho giáo pháp của Phật càng ngày càng sai lệch. Bây giờ nhìn lại giáo pháp của Phật không còn thực tế, cụ thể nữa, toàn là thứ giáo pháp trừu tượng, mơ hồ, mê tín, dị đoan, lạc hậu v.v...
Cho nên, cúng dường không đúng đối tượng khiến cho Phật pháp suy đồi, tà pháp hưng thịnh, đạo đức con người chẳng còn. Tuy rằng, thời đại của chúng ta là thời đại văn minh khoa học cơ giới, điện tử, tin học đã phục vụ đời sống con người rất tiện nghi, nhưng lại khổ đau về tinh thần, khiếm khuyết về đạo đức quá lớn. Nên khắp trên thế giới, không lúc nào ngơi nghỉ ngơi chiến tranh, không phút nào con người ngưng chà đạp lên con người.
Sự lầm lạc phục vụ cho tà giáo ngoại đạo Đại Thừa, đã gây bao thế hệ trầm luân đau khổ. Mà đến giờ này, con người chưa thức tỉnh, luôn luôn nối giáo cho giặc cướp nước, cướp nhà.
Người Phật tử phải sáng suốt cúng dường, bố thí cho đúng chánh pháp. Đừng nghĩ rằng, ai làm tội nấy chịu, mà phải thấy mình có trọng trách với mình, với mọi người, với tôn giáo mình đang theo, nó tốt hay xấu đều do chính mình. Mình theo tôn giáo đó, mà không làm đúng lời dạy của tôn giáo đó, lại làm theo tôn giáo khác, tức là mình phỉ báng tôn giáo mình đang theo.
Tôn giáo đưa ra những giáo lý, giúp con người có đạo đức, làm những hành động thiện, chứ không có tôn giáo nào dạy làm những điều ác. Mà chính người theo tôn giáo lợi dụng tôn giáo, biến giáo pháp sai lệch theo ý đồ của mình, biến dần tôn giáo thành tà giáo, ác pháp.
Bởi vậy, tôn giáo ra đời cũng do con người, làm sai cũng do con người, làm đúng cũng do con người. Biết những Thầy tu phạm giới, phá giới sống không đúng phạm hạnh, phi đạo đức mà cứ cúng dường cho họ sống. Sự cúng dường là giúp cho bọn Ma vương phá Đạo Phật, thì không có phước báo mà còn tiếp tay cho Ma vương phá Phật pháp. Tội phá Phật pháp là tội rất lớn, do những hành động cúng dường không đúng chánh pháp, nên con người hiện giờ được xem như gần mất đi chánh pháp của Phật. Chỉ còn lại tà pháp của Ma vương, nên người tu thời nay dở chết, dở sống. “đạo chẳng ra đạo, đời chẳng ra đời”.
Quý Phật tử là đệ tử của Phật, phải chấm dứt ngay hành động cúng dường phi pháp, để Phật Giáo còn có một chút hơi tàn, một chút ánh sáng.
Nói về tạo nghiệp cho ông Thầy thì không phải vì ông Thầy là Ma vương, mà đã Ma vương thì nó là ác pháp, lúc nào nó cũng muốn diệt chánh pháp. Chỉ có chúng ta lầm lạc Phật và Ma vương mà thôi. Nhưng quý Phật tử sẽ không lầm lạc Ma vương và Phật. Vì Phật thì giới luật nghiêm chỉnh, còn Ma vương thì phá giới.
Biết Ma vương mà lại cúng dường cho Ma vương, đó là đang sống trong nhà của Ma vương thì đừng than khổ: “Tại sao chúng ta lại sanh làm người? Làm người khổ quá vậy ?”.
Theo Ma Vương không những làm khổ mình, khổ người mà còn làm cho tất cả chúng sanh đều khổ. Phật pháp càng ngày càng suy đồi, chánh pháp càng ngày càng biến mất.
Ma Vương đội lốt tu sĩ Phật Giáo nơi nơi, đâu đâu cũng thấy, cũng có những hình ảnh chướng tai, gai mắt phạm giới, phá giới đầy dẫy, không đâu là không thấy trong các chùa.
(Trích Đường Về Xứ Phật tập VII)
PHƯƠNG PHÁP TU TẬP CHO NGƯỜI GIÀ
Câu hỏi của Liễu Thiện
Hỏi: Kính thưa Thầy, ở ngoài này có bác Hạnh Nghĩa, rất nỗ lực tu học, nhưng chưa biết cách thức tu học cho phù hợp với bản thân và gia cảnh. Bác có hỏi con nhưng con không biết trả lời ra sao, mà chỉ góp ý với bác hãy sống đúng giới hạnh của người cư sĩ đó là nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng. Kính xin Thầy từ bi chỉ dạy cho Bác (Bác năm nay gần 70 tuổi, Nhưng vẫn khỏe mạnh và bình thường).
Đáp: Con nên chỉ dạy cho bác cách tu tập giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
Dạy cho bác câu pháp hướng tâm: “Tâm như đất, lìa tham, sân, si là hết khổ”, để hằng ngày bác huân tập câu pháp này sẽ có hiệu quả giải thoát trong những ngày cuối cùng của đời bác.
Lúc bệnh tật khổ đau cũng như lúc gặp các ác pháp thì con nên dạy bác nhắc tâm: “Tâm phải bất động trước các ác pháp, không được sợ hãi, hãy bình tỉnh hãy gan dạ, tất cả đều là do nhân quả”
Cuối cùng con nên dạy bác mỗi tháng nên Thọ Bát Quan Trai một ngày. Ngày ấy là ngày tập làm Phật.
(Đường Về Xứ Phật tập III)
TẠO CẬN TỬ NGHIỆP THIỆN LÀ MỘT HÀNH ĐỘNG DỐI TRÁ*
Hỏi: Kính thưa Thầy, đối với người già, nhất là người sắp chết, pháp môn niệm Phật dễ học tập và hành trì với ba tư lương: ‚TÍN, HẠNH, NGUYỆN‛ Một pháp sư giảng: người niệm Phật lại được trợ niệm, có thể giúp cho CẬN TỬ NGHIỆP có được sanh thú tốt hơn, ví như dù con bò yếu (niệm thiện) nhưng được đứng gần cửa chuồng sẽ được ra trước (?). Vậy nếu không dùng Pháp niệm Phật thì đối với người già, người sắp chết chúng ta giúp đỡ cho họ như thế nào để có ý nghĩa tích cực nhất?
Đáp: Cái mà gọi là “CẬN TỬ NGHIỆP” đây cũng là một trò lừa đảo của Tịnh Độ Tông, một việc làm hết sức phi đạo đức, che mắt thiên hạ. Một đời làm ác, chỉ đợi giờ phút cuối cùng dùng câu niệm Phật để tạo cận tử nghiệp tốt, để được tái sanh cảnh giới thiện (Cực Lạc), tạo cận tử nghiệp thiện như vậy có đúng không?
Trong thời đức Phật còn tại thế, có một người tên là Vô Não, tu hành theo tà pháp của ngoại đạo. Ngoại đạo dạy ông giết người cắt lóng tay xâu làm chuỗi đúng 1.000 lóng tay sẽ chứng đạo. Nghe lời dạy ấy ông giết 999 người và còn người cuối cùng ông dự định giết đó là mẹ ông. Biết được tâm niệm bất hiếu tội lỗi này đức Phật đến đó giải cứu mẹ ông và khiến ông thức tỉnh. Từ đó ông năng nổ tu hành theo giáo pháp của đức Phật, ông thường ngăn ác và diệt ác trong tâm ông.
Một hôm ông đi khất thực người ta biết được ông là người tàn ác thường hay giết người nên người ta đã không cho cơm ăn mà còn lấy đá ném và gậy gộc đánh ông u đầu chảy máu, ông nhẫn nhục chạy đi và không thù oán kẻ đánh mình, ông nghĩ quán như lời Phật dạy: ‚nhân quả‛ Do sự quán xét này ông đã cứu mình thoát khổ và chẳng bao lâu ông chứng đạo quả A La Hán. Sự chứng đạo giải thoát này không phải nhờ ai hộ niệm cho ông mà phải chính ông năng nổ chuyên cần tu tập ngăn ác diệt ác pháp với một tâm nhiệt huyết nồng nàn. Con đường tu hành giải thoát của đạo Phật không thể có sự hộ niệm được mà phải chính bản thân của người đó tinh tấn siêng năng tu tập vì thế đức Phật dạy: ‚Chẳng phải tôi, cũng chẳng phải người nào khác có thể đi con đường ấy cho anh. Chính anh, anh phải đi cho anh‛.
Như vậy rõ ràng khi còn sống mạnh khỏe không tu tập đến khi chết còn gì tu tập cho kịp nữa. Suốt một đời tu tập xả tâm ly dục ly ác pháp hết sức năng nổ còn sợ chưa làm xong, huống là sắp chết đến nơi rồi thì hộ niệm còn sức đâu đủ bình tĩnh, còn sức đâu đủ gan dạ chịu đựng những cơn nghiệp khổ đau tận cùng lúc sắp lâm chung như ai xé ruột xé gan.
Hộ niệm chỉ là một hình thức suông mà các nhà phát triển tưởng giải ra để lừa đảo mọi người làm sai lệch ý nghĩa tự lực của đạo Phật. Một đời làm ác chỉ một phút giây tỉnh giác quay đầu trở lại là giải thoát ‚Tu nhất kiếp ngộ nhất thời‛. Lời này dạy không đúng, đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn phải sáu năm khổ hạnh, bốn mươi chín ngày tu tập hết sức mới chứng được đạo quả.
Hiểu biết Phật pháp cho đúng nghĩa cũng không phải dễ huống là tu tập còn khó gấp trăm ngàn lần, vì phải trải qua một thời gian dài sống và tu tập uốn nắn tâm mình cho đến khi thuần thục đâu phải là một việc dễ làm, một sớm một chiều làm xong được. Bởi vậy chúng ta tu tập thì hãy tu tập cho đúng lời dạy của đức Phật chứ đừng nghe theo những lời dạy của các Tổ, do đó đức Phật cảnh giác chúng ta: ‚Đừng tin Thầy Tổ... đừng tin kinh sách v.v... và đừng tin v.v..‛.
Trong kinh sách Nguyên Thủy không có dạy hộ niệm, chỉ dạy cho người còn đang sống mạnh khỏe, còn người đau bệnh đức Phật đã xác định: ‚người có bệnh tu tập rất khó‛. Đó là một điều khó tu trong năm điều khó. Trong kinh Bồ Đề Vương Tử thuộc kinh Trung Bộ: ‚Có năm điều khó tu tập:
1- Không có lòng tin
2- Bệnh tật.
3- Gian trá, không thật
4- Không tinh tấn bỏ các ác pháp.
5- Không có trí tuệ về sự sanh diệt.‛
Trong đời sống hằng ngày, nếu muốn tu theo đạo Phật, có năm điều khó này khiến không tinh cần còn không giải thoát huống là giờ phút sắp chết, còn gì nữa đâu hộ niệm. Hộ niệm là một sự cầu tha lực, ngược lại con đường tu hành của đạo Phật là phải tự lực, hộ niệm là một phương pháp tạo cận tử nghiệp thiện, đó là một sự dối trá. Dối trá là một điều vi phạm trong năm điều khó tu của đạo Phật.
Tóm lại, muốn hộ niệm cho người sắp chết, tốt nhất khi họ còn mạnh khỏe khuyên họ nên sống trong thiện pháp, nhờ sống trong thiện pháp, huân thành nghiệp thiện đến khi chết nghiệp thiện tiếp tục tái sanh được sanh vào cõi thiện, đó là một việc làm chắc chắn còn hộ niệm bất cứ một việc làm gì đều là giả dối cả.
Hộ niệm mang bản chất giả dối, chúng ta là những người tu theo đạo Phật không bao giờ chấp nhận sự giả dối đó. Chúng ta hoàn toàn chấp nhận bố thí pháp để giúp cho mọi người biết chánh pháp, biết đạo đức làm người để họ sống đúng một đời sống đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình khổ người. Sống không làm khổ mình khổ người thì hạnh phúc biết bao! Đến khi chết bất cứ sanh vào cõi nào chúng ta cũng đều không làm khổ mình khổ người, thì nơi đó là Thiên đàng, Cực lạc. Vì vậy chúng ta không cầu vãng sanh, không cần hộ niệm chúng ta vẫn được giải thoát. Con nên suy ngẫm lời Thầy dạy có đúng thì tin bằng không đúng thì đừng tin. (Trích Đường Về Xứ Phật tập X)
TỰ TỬ*
Hỏi: Kính bạch Hòa Thượng! Nếu như có một người già ốm bệnh hoạn sống dở chết dở, muốn tự mình hoặc nhờ người giúp đỡ chấm dứt cuộc sống của mình để không khổ mình và phiền khổ mọi người, Vậy người này có phạm tội tự sát không? Có phải là trốn nghiệp không? Và nếu có người giúp đỡ có bị tội không?
Đáp†: Người tự tử là người có tội giết người mặc dù mình tự sát vẫn có tội như giết người khác, tội giết mình còn nặng hơn tội giết người khác, cũng như tội làm khổ mình còn nặng tội hơn tội làm khổ người. Vì chính mình, mình còn làm khổ cho mình thì có ai mà mình từ bỏ. Tội tự giết mình còn mang thêm một cái tội nữa là tội trốn tù. Người giúp cho người tự tử là người có tội tòng phạm giết người.
Người già ốm bệnh hoạn sống dở chết dở, nên tự mình hoặc nhờ người khác để chấm dứt cuộc đời. Đối với luật nhân quả thì người đó tránh né trốn tội và như vậy tội còn nặng hơn.
Luật nhân quả rất công bằng khi một người làm ác thì phải trả quả khổ. Già, ốm, bệnh hoạn sống dở chết dở là đang trả những quả mà trước kia mình đã gieo nhân ác. Sao bây giờ vội tự sát để tránh quả khổ này ư? Nếu tránh được quả khổ thì làm sao còn có luật công lý và công bằng được? Đừng nghĩ rằng chết là hết khổ, chết là một sự tiếp nối trong đau khổ hơn. Nếu tự sát chết cho hết khổ, điều này không bao giờ có được.
Luật nhân quả không phải lấy cái chết là hết tội được, đối với luật pháp thế gian chết là hết tội, nhưng với luật pháp của nhân quả thì chết sẽ tiếp tục trả quả khổ kế tiếp và tội còn nặng hơn. Tại sao vậy? Tại vì khi tự sát, mình mắc tội giết người và còn thêm một cái tội nữa là tội trốn tù. Cho nên kẻ tự sát là kẻ trốn nghiệp, những người tự sát như vậy là những người hèn nhát trước cái khổ mà trốn tránh, không dám nhìn thẳng cái khổ, không dám lấy cái khổ làm niềm vui cho mình, không dám lấy cái khổ để trả nghiệp, không biết chuyển khổ làm vui, chuyển họa làm phước, xưa đức Phật dạy:‚Đứng lại thì chìm xuống Tiến tới thì trôi dạt Chỉ có vượt qua‛. Kẻ gặp khổ mà đứng lại là kẻ hèn nhát chỉ biết kêu khóc, rên la, than thân, trách phận, oán trời trách người, làm như vậy có lợi ích gì?
Hoặc vào chùa cúng bái, tế lễ, cầu xin thì cũng chẳng bao giờ giải quyết được gì? Hoặc trốn bỏ đi tu vào chùa thì những người này có tìm sự giải thoát chỗ nào được, đó là hạng người tránh né. Kẻ gặp khổ cầm dao tự sát, hay uống thuốc độc hoặc thắt cổ, nhảy sông trầm mình tự tử, đó là những người trôi dạt, những người hèn nhát, những người này bị nhân quả xỏ mũi, những người này nô lệ cho nhân quả, những người này vô đạo đức thiếu ý chí làm người.
Người ta cứ nghĩ rằng khi chết là hết khổ, sự thật không phải thế, khổ là do nhân quả, ăn ở chẳng lành khiến cho bao nhiêu người khác khổ, vì thế mà phải thọ quả khổ để đền trả những điều mình đã làm ác và như vậy không phải là đạo lý. Tại sao làm cho kẻ khác khổ bây giờ lại trốn tránh.
Một đời dám ăn thịt chúng sanh, biết bao nhiêu xương máu và sự đau khổ của loài vật khác đã đem vào cuộc sống của mình mà bây giờ không dám nhìn thẳng sự khổ ấy? Không dám vui nhận sự khổ ấy? Cớ sao lại phải tự tử.
Tự tử đâu có nghĩa là thoát khổ mà còn phải thọ khổ gấp trăm ngàn lần. Tại sao vậy? Vì tự tử tội ác chồng lên tội ác, các phật tử đừng nghĩ rằng mình tự giết mình là vô tội. Đối với luật nhân quả không có thời gian và không gian, nó chỉ biết có thiện và ác mà thôi, vì không có không gian nên nó trừng phạt quý vị chịu khổ đau trong nhiều thân và nhiều kiếp; vì không có thời gian nên sự thưởng phạt của nó liên tục không gián đoạn, nên quý vị bỏ thân này thì lại tiếp tục thân kia để chịu khổ đau và cái khổ đau này lại chồng lên cái khổ đau khác nữa.
Người tự tử đối với luật nhân quả được xem là tội giết người, phải xử phạt tội như xử phạt kẻ cố sát, còn thêm một tội nữa là tội trốn pháp luật (luật định của nhân quả).
Người giúp đỡ cho người tự tử cũng là có tội tòng phạm giết người. Một lời nói khiến cho người ta chết là tội giết người. Rầy mắng con cái khiến con cái tự tử là tội giết người. Vợ chồng rầy rà cãi vã khiến chồng hoặc vợ tự tử đều là tội giết người.
Tóm lại, người tử tự là người trốn luật nhân quả, là con người không thể nào trốn luật nhân quả được, dù trốn bất cứ nơi đâu cũng không thể thoát khỏi, trốn luật nhân quả càng trốn luật nhân quả là bị luật nhân quả chi phối nặng thêm tức là thọ khổ nhiều hơn nữa, chỉ có điều duy nhất là tâm bất động trước luật nhân quả là đã chuyển được nhân quả.
Hỡi các phật tử! Tất cả những sự đau khổ tận cùng của sinh mạng con người, nếu ai không dao động tâm, thì thân tâm người ấy sẽ mát lạnh, chính người ấy đã chuyển được nhân quả của người ấy, người ấy thoát khổ. Bởi vậy người tự tử là người ngu si tự mình làm khổ thêm cho mình, tạo thêm tội ác cho mình, Đức Phật dạy: “thọ là vô thường” có gì mà chúng ta phải sợ, vì thọ có khi có, có khi không, có gì mà chúng ta lo sợ, mà tự tử phải không quý vị.
(Trích Đường Về Xứ Phật tập X)
CÚNG DƯỜNG TIỀN CÓ PHƯỚC BÁO KHÔNG?
Câu hỏi của Chơn Thành
Hỏi: Kính thưa Thầy, có một sĩ quan quân đội hỏi con, vào chùa lễ Phật, một người cúng dường 1000đ và một người cúng dường 100.000đ thì người nào có phước đức hơn?
Đáp: Trong giới luật Phật, cấm các tu sĩ không được cất giữ tiền bạc. Người cất giữ tiền bạc thì bị tội xả đọa (Ni tát kỳ ba dật đề).
Phật tử vào chùa lạy Phật, cúng tiền bạc dù một đồng cho đến hằng tỷ đồng đã không có phước báo mà còn phi công đức như:
1- Khiến cho chư tăng ham mê tiền bạc mà quên giữ gìn Thánh hạnh của mình, đó là phi công đức thứ nhất.
2- Có tiền khiến cho chư tăng sa ngã chạy theo dục lạc thế gian, sống hưởng thụ, không giữ gìn giới luật, khiến cho người đời khinh chê Phật pháp và cũng vì vậy, khiến cho Phật pháp suy đồi, đó là phi công đức thứ hai.
3- Có tiền, khiến chư tăng chạy theo danh lợi, quên hạnh thiểu dục tri túc, phòng hộ sáu căn, đó là phi công đức thứ ba.
4- Có tiền, khiến cho chư Tăng xây dựng chùa to Phật lớn, làm cho dính mắc vật chất, tâm không xả ly dục và ác pháp, đó là điều phi công đức thứ tư.
5- Có tiền cúng dường của đàn na, thí chủ đem về nuôi giòng họ anh em con cháu và xây mồ mả tổ tiên, cất nhà cao cửa rộng cho cha mẹ ở, đó là điều phi công đức thứ năm.
6- Cúng dường tiền bạc cho bọn đầu trộm đuôi cướp gian xảo lợi dụng chiếc áo cà sa đi xin (khất thực) tiền bạc bất chánh, đó là điều phi công đức thứ sáu.
Do sáu điều phi công đức trên đây, người Phật tử cúng dường tiền bạc đã không được phước báo mà lại còn thêm sáu tội rất nặng, đó là tội diệt Phật pháp.
Xưa, đức Phật và chư Thánh Tăng đi khất thực tứ sự vừa đủ cho cuộc sống tu hành và thực phẩm, ngày ăn một bữa, không để dành và cũng không có xin tiền bạc. Ngày nay, gặp tu sĩ đi xin tiền bạc thì đó là những tu sĩ giả mạo, chứ không phải là người tu chơn chánh.
Người Phật tử nào cúng dường tiền bạc là người Phật tử đã bị kinh sách phát triển và Thiền Tông lừa đảo lường gạt “phước báo”để lấy tiền làm giàu riêng cho cá nhân, ngồi mát hưởng bát vàng.
Do sự cúng dường tiền bạc của Phật tử thiếu trách nhiệm và bổn phận đối với Phật giáo, nên có một số người lợi dụng kẽ hở đó chui vào Phật giáo, kinh doanh buôn Phật bán Pháp lẫn trong chiếc áo cà sa làm việc tồi tệ, khiến cho người đời không kính trọng Phật giáo.
Tóm lại, cúng dường chư Phật và chư thánh tăng, dù một đồng hay một tỷ đồng thì cũng không được phước báo một chút gì cả mà lại còn thêm tội. Phải nói người cúng một đồng ít tội hơn người cúng một tỷ đồng, vì cúng dường nhiều, khiến cho chư Tăng dễ sa ngã chạy theo vật chất, quên đường tu hành nên phải tội nhiều hơn. Khi cúng dường tiền bạc thì nên giao cho một người cư sĩ nguyện trọn đời mình lo cho đời sống chư Tăng thì được phước, vì đó là cúng dường đúng chánh pháp.
(Trích Đường Về Xứ Phật tập VIII)
MỜI NGƯỜI CHẾT VỀ ĂN TẾT
Hỏi: Kính thưa Thầy, như Thầy đã dạy cho chúng con biết, người chết khi tắt thở là tiếp tục tái sanh luân hồi (chết đây sanh kia) tức là chết là bắt đầu cho sự sống. Hàng năm cứ đến ngày giỗ và đến ngày Tết lại ra mồ mả ông bà cha mẹ đã chết hàng 50 năm mời về ăn tết với con cháu. Như vậy có đúng không thưa Thầy?
Đáp: Đây cũng là một tục lệ mê tín dân gian, nhưng nói lên được tình nghĩa của con người (người sống đối với người chết). Bởi vì người ta không rõ người chết là mất hết, tan rã sạch chỉ còn lại những hành động nhân quả nghiệp thiện ác tiếp tục tương ưng với nhân quả thiện ác mà tái sanh luân hồi (có thân mới).
Người ta tưởng rằng, người chết là xác thân chết, còn linh hồn, tức là tâm bất diệt mãi luôn luôn sống dưới mồ “Sống cái nhà, thác cái mồ”. Người chết linh hồn sống dưới mồ.
Ngôi mồ chỉ là một đống đất chẳng có ai ở trong đó cả. Di tích đời người cuối cùng là ngôi mộ, là một nắm đất hôi thối tàn tạ và khô cằn mà người sống dành cho người chết để gửi nắm xương tàn bất tịnh.
“Sống cái nhà thác cái mồ” câu tục ngữ này nói lên tình nghĩa người nhớ ơn người, nhất là tinh thần dân tộc Việt Nam: “Chim có tổ người có tông”. Đạo thờ phụng ông bà Tổ tiên cũng từ tình cảm con người mà ra. Vì thế đến ngày tư ngày Tết, ngày giỗ những người còn sống nhớ công ơn ông bà Tổ tiên, cha mẹ, đến mộ mời những người thân ấy về ăn Tết, như lúc họ còn đang sống với con cháu cho vui.
Tin tưởng như thế cũng chẳng có hại gì cho ai, miễn là không có gây phiền hà cho người khác, và toàn gia đình họp mặt vui vẻ, nhắc lại công hạnh, phước đức của ông bà, cha mẹ lúc còn sống, để con cháu nghe mà bắt chước.
Còn nếu tin rằng, có linh hồn ông bà, cha mẹ đã chết về ăn Tết với con cháu thì điều đó không đúng, điều đó là một điều mê tín cần phải bỏ. Là Phật tử các con phải sáng suốt, cái gì đáng tin, là cái đó phải đúng sự thật, phải thấy bằng mắt, phải hiểu bằng ý thức, đừng để tưởng thức xen vào mơ hồ, trừu tượng. Cái gì không đúng sự thật, mơ hồ, trừu tượng, thì nhất định không tin, cái gì có lợi ích cho mình, cho người, không trừu tượng, mơ hồ thì mình tin, còn không lợi ích cho mình, cho người thì không tin.
vvvvv
(Trích Đường Về Xứ Phật tập VII)
ĐÀN CẮT GIẢI OAN KẾT
* Hỏi: Kính thưa Thầy, đàn cắt giải oan kết là gì ? Thưa Thầy, ở các chùa miền Bắc thường hay lập ra đàn cắt giải oan kết cho gia tiên tiền tổ rất là tốn kém. Cuối tháng 11 âm lịch năm nay, có một gia đình lập một đàn cắt giải oan kết cho các cụ, gồm có cỗ mặn, cỗ chay tụng kinh lễ bái ba ngày đêm tốn hao trên 30 triệu đồng, còn như nhà nghèo không có tiền chắc các cụ phải chịu oan kết mãi phải thế không thưa Thầy ? Theo thiển nghĩ của con thấy là quá lãng phí và tốn kém rất nhiều mà không có ích lợi gì, nếu cả đời con nằm mơ cũng chưa bao giờ có số tiền đó. Con cúi mong Thầy dạy rõ cho mọi người khỏi bị lừa gạt bởi những sự mê tín này, giúp cho mọi người sau này đỡ tốn kém và không mắc nợ vào thân.
Đáp: Trước khi muốn hiểu điều này thì chúng ta phải hiểu cho rõ ràng. Đàn cắt giải oan kết là gì? Đàn có nghĩa là lập đàn tràng nói rõ hơn để dễ hiểu là tổ chức một cuộc tế lễ cúng bái với một hình tức mê tín.
Cắt giải oan kết có nghĩa là làm cho đoạn dứt những điều oan ức của những người đã chết. Những người chết tức, chết tối, chết oan, chết không đi đầu thai được, như những người tự tử, những người lính chết trận, những người chết bị tai nạn giao thông, chết bị cướp đâm, giặc giết v.v...
Vua Đường Lý Thế Dân đánh Đông dẹp Bắc, chinh Nam , phạt Tây. Sau khi bình định được quê hương xứ sở thì những người chết oan vì chiến tranh vô số kể, vì thế vua Đường Lý Thế Dân cho người qua Thiên Trúc thỉnh kinh về lập đàn kỳ siêu giải oan kết. Tổ tiên, ông bà, cha mẹ của chúng ta có làm gì oan kết với ai, có chết đường, chết sá, chết tức, chết tối đâu mà phải lập đàn cắt giải oan kết.
Kinh sách phát triển bày ra nhiều điều mê tín lừa đảo người làm hao tốn tiền của phật tử mà chẳng có ích lợi thiết thực gì. Luật nhân quả rất công bằng, trên đời này không có ai chết oan ức, nếu mọi người lái xe cẩn thận đúng luật lệ giao thông thì làm sao có tai nạn chết người thình lình, làm sao có sự chết tức chết tối. Nếu con người không có lòng tham lam không vì quyền lợi thì làm sao có chiến tranh, không có chiến tranh thì làm sao có người chết.
Bởi con người chết vì chiến tranh, chết vì thiên tai hỏa hoạn, chết vì giặc cướp, chết vì buồn khổ thất tình, thất vọng hoặc tức giận tự tử, chết vì tai nạn giao thông đều do nhân quả tự mình làm ra rồi tự mình phải gánh chịu hậu quả đó chứ không phải ngẫu nhiên mà chết.
Đối với luật nhân quả thì không có ai là người chết oan cả. Người chết thế này, kẻ chết thế khác đều do nhân quả. Người chết yểu không có nghĩa là chết oan. Người đó vô ý tứ dậm đạp lên chúng sanh khiến vô số loài côn trùng và loài kiến bị chết. Người ấy đã vô tình gieo nhân ác nên gặp người lái xe thiếu cẩn thận cũng vô tình gây tai nạn chết người, khiến cho người kia chết không toàn thây, đó cũng là trả quả, như vậy đâu có phải là chết oan. Một đứa bé chơi bóng, chạy đuổi theo quả bóng ra đường bị xe cán chết, chết như vậy đâu có nghĩa là chết oan, mà chết theo luật nhân quả.
Một người phụ nữ mang thai do sự nông nổi không làm chủ được mình nên sợ tai tiếng, do đó phá thai, thai nhi bị chết và chết như vậy không có nghĩa là chết oan, mà chết theo luật nhân quả. Tất cả những sự sống chết khổ đau của con người đều nằm trong môi trường nhân quả cả, không một ai thoát ra khỏi định luật của nhân quả vì nhân quả chính là mình làm ra nhân, đến khi hái quả thì quả xử phạt lại chính mình, do đó làm sao có sự oan kết được.
Vì thế lập đàn cắt giải oan kết là một việc lừa đảo của kinh sách phát triển mà người phật tử cần phải suy tư chín chắn đừng để kẻ khác lừa gạt mình, hao tài tốn của vô ích. Là đệ tử của Phật các con đừng tin theo những tà sư ngoại đạo này mà hãy dẹp bỏ những điều phi đạo đức, không phải là của Phật dạy.
(Trích Đường Về Xứ Phật tập X)
LÀM CHÙA, TÔ TƯỢNG, ĐÚC CHUÔNG
Câu hỏi của Liễu Hương.
Hỏi: Kính thưa Thầy! Người đời truyền thuyết cho nhau làm thiện có ba việc, làm chùa, tô tượng, đúc chuông, ba việc này làm được thì công đức thật là vô biên vô lượng. Thưa Thầy có đúng không?
Đáp: Đây không phải là truyền thuyết của người đời mà là kinh sách nhân quả của Đại Thừa do Thượng tọa Thiền Tâm đã dịch ra Việt ngữ. Ca ngợi ba việc làm có công đức và phước báo lớn, đó là làm chùa, tô tượng, đúc chuông.
Nói về làm chùa, tô tượng, đúc chuông, thì ngay thời Đức Phật còn tại thế. Tịnh Xá Trúc Lâm không phải là một nhà vua xây cất cúng dường Đức Phật sao? Thế mà ông chết đói trong ngục, đó là vua Bình Sa Vương.
Vua Lương Võ Đế cất 72 kiểu chùa tô tượng, đúc chuông đầy đủ, thế mà ông bị giặc Hầu Nhân Bảo giết. Trên là một nhà vua Ấn Độ và dưới là một nhà vua Trung Hoa. Còn ở Việt Nam thì Nhà Lý đã xây dựng bao nhiêu chùa, tạc bao nhiêu tượng, đúc bao nhiêu chuông, thế mà dòng tôn thất nhà Lý bị chôn sống. Thời nhà Trần là thời vàng son nhất của Phật Giáo Việt Nam dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử cũng xuất phát từ đó. Thế mà, nhà vua cuối cùng phải tự tử một cách đau thương và thê thảm. Như vậy kinh sách Đại Thừa đã từng kêu gọi mọi người làm chùa, tô tượng, đúc chuông thì sẽ được công đức vô lượng vô biên. Lịch sử từ Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam đã chứng minh sự lừa đảo của các nhà Đại Thừa quá rõ ràng.
Nên trong kinh Nguyên Thủy Phật dạy, cúng dường bố thí cho đúng đối tượng thì mới có lợi ích, còn bố thí cúng dường sai thì cũng giống như đem hạt giống tốt trồng trên đất xấu (đất cằn cỗi) thì hạt giống hư mà chẳng lợi ích gì. nhiều khi còn phi đạo đức tạo duyên cho kẻ khác làm ác.
Đức Phật còn dạy cúng dường tứ sự cho bậc chân tu giới đức nghiêm chỉnh, thiền định sâu mầu được nhiều công đức và phước báo nhưng không bằng giữ gìn năm giới.
Rõ ràng Phật đã dạy như vậy là không lừa đảo gạt người, chỉ có phước báo lớn là ta phải tự làm thiện, sống thiện, ăn ở thiện thì phước báo vô lượng vô biên, tức là tạo nhân quả tốt thì hưởng phước báo, chứ không phải xây chùa, tô tượng, đúc chuông là phước báo lớn, đó là ta bị kẻ kinh doanh Phật Giáo lừa gạt.
Ta cúng dường bậc chân tu giới đức nghiêm chỉnh là để duy trì Phật Giáo mãi mãi trên thế gian này. Vì Phật Giáo có duy trì thì có những hình ảnh bậc chân tu làm gương hạnh thiện pháp để ta noi theo sống và làm việc thiện, tạo nên một xã hội không có con người làm khổ cho nhau (giải thoát).
Đế Thiên, Đế Thích là một ngôi chùa được liệt vào một kỳ quan trong bảy kỳ quan thế giới. Hiện giờ, người ta thấy kiến trúc đẹp đẽ của nó, chứ người ta đâu có nghĩ rằng bao nhiêu tiền của và mồ hôi xương máu của toàn dân nước Cămpuchia đã đổ vào bằng một sự cưỡng bức, ép buộc của nhà vua độc tài sùng đạo.
Lẽ ra việc làm chùa, tô tượng, đúc chuông như nhà vua và dân chúng nước Cămpuchia thì công đức sẽ vô lượng vô biên. Có đâu dân tộc này lại diệt chủng gần hết và nghèo nàn, lạc hậu, hung ác như thế này.
Thời gian sẽ xác chứng được lời nói của Thầy về các pháp môn lừa đảo của các tông phái Đại Thừa hay không lừa đảo. Chúng ta cũng sẽ thấy rõ ràng. Hãy tin tưởng và chờ đợi, nếu bây giờ chúng ta chưa đủ điều kiện để tin lời Thầy đã nói.
(Trích Đường Về Xứ Phật tập VII)
No comments:
Post a Comment