Gần đây, một thiếu nữ 16 tuổi người Thái Lan tên Langgalamu đã gây xôn xao ở Trung Quốc, cư dân mạng ai nấy đều kinh ngạc:“Không lẽ cô là Đặng Lệ Quân chuyển kiếp?”
Mấy ngày trước, thiếu nữ 16 tuổi người Thái Lan là Langgalamu đã lưu diễn ở Trung Quốc và hát bài “Thiên ngôn vạn ngữ” của Đặng Lệ Quân khiến mọi người ai cũng kinh ngạc! Langgalamu ngoài tài năng âm nhạc lay động lòng người thì tướng mạo cũng giống Đặng Lệ Quân như đúc, điều này không khỏi khiến người ta băn khoăn: “Không lẽ là Đặng Lệ Quân chuyển kiếp?
Thiếu nữ 16 tuổi người Thái Lan có liên hệ gì với danh ca một thời Đặng Lệ Quân?
Mọi người có lẽ ai cũng biết, vào ngày 8/5/1995, Đặng Lệ Quân đã qua đời tại Chiang Mai – Thái Lan, hưởng thọ 42 tuổi, cảnh sát cho biết Đặng Lệ Quân bị đột tử vì bệnh suyễn!
Còn Langgalamu sinh năm 1999 tại Thái Lan. Vào năm 7 tuổi lần đầu tiên cô nghe được giọng ca của Đặng Lệ Quân, dù không nói được một câu tiếng Trung nhưng rất nhanh, Langgalamu đã hát được bài hát kinh điển “Mật ngọt” (甜蜜蜜) của Đặng Lệ Quân cùng hơn 20 bài khác, thậm chí còn kể lại một số câu chuyện về Đặng Lệ Quân khiến cha mẹ và người thân ai nấy kinh hoảng! Hơn nữa, các ca khúc của Đặng Lệ Quân, Langgalamu chỉ nghe hai, ba lần là hát theo được.
Từ đó, cô bé người Thái Lan luôn cảm thấy mình và Đặng Lệ Quân có liên hệ gì đó. Vì muốn tìm hiểu ngọn nguồn chuyện này, cô đã nói với cha mẹ rằng muốn đi Trung Quốc học tiếng Trung, muốn tìm về ký ức của Đặng Lệ Quân, muốn biết mình đang hát gì.
Đến Trung Quốc học, ngoài thời gian học chính khóa thì vào tối thứ 7 hàng tuần Langgalamu đều đến hát tại nhà hàng âm nhạc Đặng Lệ Quân ở đường Đài Loan, khu Cảnh Sơn, Bắc Kinh. Trên sân khấu nhỏ ở đây, trong số tất cả các ca sĩ bắt chước theo Đặng Lệ Quân thì Langgalamu là người nước ngoài duy nhất, cũng là người nhỏ tuổi nhất.
Không may do một biến cố gia đình, cha cô bé qua đời, giấc mơ của Langgalamu tạm thời phải gác lại, mãi đến vào một kỳ nghỉ đông năm 14 tuổi mong ước của Langgalamu được như ý nguyện, cô bé đi đến nơi Đặng Lệ Quân từng thích nhất là thành phố Chiang Mai, Thái Lan, rồi được vào trong gian phòng tại khách sạn nơi Đặng Lệ Quân qua đời, Langgalamu đã không cầm được nước mắt.
Có hai sự việc trùng hợp kỳ lạ: Một là khi Chu Kiệt Luân hỏi ngoài hát ca khúc của Đặng Lệ Quân còn nghe ca khúc của ai không, Langgalamu trả lời: Còn có bài “Thiên lý chi ngoại” (xa ngàn dặm) của anh, câu trả lời khiến Chu Kiệt Luân ngạc nhiên rồi nhớ lại, thì ra mình trước đây cũng từng hợp ca với Đặng Lệ Quân một bài hát, đó chính là bài “Thiên lý chi ngoại”.
Hai là, chỉ cần là ca khúc của Đặng Lệ Quân, cho dù hát ngôn ngữ nào (tiếng Quảng Đông, tiếng Hán, tiếng Nhật, tiếng Anh), chỉ cần nghe qua ba lần là Langgalamu nhớ ngay. Điều kinh ngạc nhất là ngày sinh của Langgalamu là ngày 8/5/1999, trùng với ngày mất của Đặng Lệ Quân vào ngày 8/5/1995. Thật là chuyện kỳ lạ, khác thường!
Có người sau khi xem xong video trên mạng đã bình phẩm: “Tôi tin vào chuyện luân hồi, được trông thấy cô Đặng Lệ Quân thứ hai bé nhỏ này tôi vô cùng xúc động…”
Cũng có người chia sẻ: “Nếu cô bé này không phải do nhớ lại tiền kiếp thì tại sao tự nhiên có thể quen thuộc được tiếng Trung như thế? Nếu không phải do Đặng Lệ Quân đầu thai, tại sao cứ ca khúc của Đặng Lệ Quân, cô bé chỉ nghe qua ba lần là thuộc, cứ như ca khúc của chính cô vậy?”
Video so sánh 2 giọng hát:
Theo secretchina
Ở Trung Quốc có một ngôi làng nổi tiếng tên là Bình Dương, nằm ở huyện Dong Giang, tỉnh Quý Châu. Còn được gọi là “làng tái sinh”, ngôi làng có khoảng 7.800 nhân khẩu nhưng có đến hơn 110 người dân có khả năng nhớ lại kiếp sống của mình trong quá khứ. Họ vẫn thường kể về những sự kiện, gia đình, và người thân trong kiếp sống trước đây.
Mặc dù nằm ở vị trí khá hẻo lánh, nhưng “làng tái sinh” Bình Dương đã thu hút không ít người đến tìm hiểu thực hư. Thậm chí, một chương trình thực tế bằng tiếng Hoa đã được thực hiện để làm sáng tỏ các câu chuyện luân hồi mà không ít người vẫn đang ngờ vực. Theo chỉ dẫn của người dân trong làng, một phóng viên đã đến Bình Dương để gặp gỡ các nhân chứng sống và kể về câu chuyện của họ trong kiếp sống trước.
Dưới đây là 5 trong số rất nhiều trường hợp tái sinh đã được biết đến ở Bình Dương:
Trường hợp 1:
Ngô Hiểu là cậu bé 8 tuổi hiện đang sinh sống tại thôn Mã Điền thuộc Bình Dương. Năm lên 3, khi gặp một người đàn ông lớn tuổi trong làng, cậu bé liền cởi chiếc giày của mình và đánh liên hồi vào người đàn ông nọ. “Ta phải đánh ngươi đến chết, thằng con rể xấu xa, thằng con rể xấu xa!” Sau đó, Ngô Hiểu kể lại rằng trong kiếp sống trước, cậu tên là Ngô Tố Đức. Ông Ngô quá cố từng có hai người con trai và hai con gái, và người đàn ông bị Ngô Hiểu đánh chính là chồng của một trong hai người con gái của ông.
Trường hợp 2:
Một trong những người dân tộc Động thiểu số ở Bình Dương kể rằng cô là người Hán trong kiếp sống trước đây. Khi còn nhỏ, mặc dù sinh ra và lớn lên giữa những người Động, nhưng cô lại thường ở một mình trên gác trong khi những đứa trẻ khác vui đùa bên dưới. Cô cho biết cô có thể hiểu ngôn ngữ của người Động, nhưng lại không thể nói được thứ tiếng này. Thay vào đó, cô chỉ nói tiếng Quan Thoại, vốn là ngôn ngữ cô thường dùng khi còn là một người Hán.
Năm lên 2 tuổi, cô kể với mẹ mình trong kiếp sống hiện tại về nơi cô đã sinh ra trước kia, về hai đứa con trai và con gái mà cô đã sinh hạ, và rằng cô đã qua đời từ năm 1962…
Khi đến thăm một ngôi trường trong làng, cô nghe thấy giáo viên gọi tên một học sinh nam và nữ. Ngay lập tức, cô liền nói rằng: “Chúng là con trai và con gái của tôi đó. Tôi biết tên chúng, tôi đã đặt hai cái tên này trong đời trước mà”.
Trường hợp 3:
Tại Bình Dương có một cậu bé tên là Ngô. Khi mới 3 tuổi, Ngô kể rằng trước kia mình từng là một con lợn trắng. Khi người bán thịt tìm cách giết mổ con lợn này, nó bèn vùng thoát và chạy lên những ngọn đồi gần đó. Nhưng không may, nó lại bị người ta bắt và đem trở lại làng, rồi bị mổ lấy thịt. Khi đã đầu thai thành bé trai trong kiếp sống này, Ngô vẫn nhớ lại cảm giác kinh hoàng ngày xưa. Vì vậy, mỗi lần gặp người bán thịt nọ, cậu lại khóc thét lên rồi vùng chạy đi mất.
Trường hợp 4:
Cũng tại thôn Mã Điền ở Bình Dương, một cô gái tên là Ngô Xuân Lệ tổ chức đám cưới trong tháng 11/2008. Hôm đó, một thanh niên kém cô 8 tháng tuổi là Ngô Vu Hoành đã đến dự hôn lễ với tư cách là… cha của cô.
Trong cuộc đời trước kia, Ngô Vu Hoành (khi đó tên là Ngô Kim Tuệ) qua đời do bệnh tật khi mới 27 tuổi, để lại đứa con gái mới 8 tháng tuổi phải sống côi cút cùng bà nội. Sau đó, Ngô Vu Hoành đầu thai vào một gia đình trong cùng làng như hiện tại.
Năm lên 4 tuổi, Ngô Vu Hoành đến thăm nhà của “con gái” Ngô Xuân Lệ. Cậu bé cũng kể về món nợ tiền kiếp đã theo mình suốt cả cuộc đời:“Khi chuẩn bị kết hôn, tôi có vay 20 nhân dân tệ từ một người đàn ông tên Ngô, và tôi vẫn chưa hề trả món nợ này”. Sau đó, Vu Hoành vẫn liên tục nhắc đến món nợ ngày xưa: “Tôi thật sự xin lỗi vì đã không trả nợ… Tôi rất tiếc”.
Cha của Vu Hoành bèn đến gia đình của Ngô Xuân Lệ và được bà nội cô gái xác nhận về món nợ của cậu con trai quá cố. Ông đã phải thay mặt Hoành trả 20 tệ cho người đàn ông tên Ngô, chỉ sau đó, Hoành mới thôi không nhắc đến món nợ này nữa.
Trường hợp 5:
Một người đàn ông 48 tuổi tên là Ngô Di Nhẫm kể rằng, khi mới 3 tuổi, ông đã nhớ về kiếp sống trước của mình là một người phụ nữ mang tên Diêu Minh Nhiên.
Cô gái Diêu Minh Nhiên từng kết hôn với một người họ Dương và sinh hạ hai cô con gái. Khi mang thai đứa con thứ ba, cô đã bị sẩy thai rồi qua đời. Cho đến nay, dù đã chuyển sinh thành nam giới mang tên Ngô Di Nhẫm của hiện tại, nhưng ông vẫn có thể hồi tưởng lại nỗi đau khi bị sẩy thai.
Khi Diêu Minh Nhiên hấp hối nằm trên giường, mẹ cô nói rằng: Những người phụ nữ phải chịu đựng quá lớn khi sinh, thì trong đời kế tiếp, họ sẽ được đầu thai thành nam giới. Sau đó, Diêu Minh Nhiên qua đời và chuyển sinh thành một con côn trùng giống đực. Rồi từ con côn trùng ấy, sau khi chết, lại thác sinh thành cậu bé trai trong gia đình họ Ngô, và đó chính là Ngô Di Nhẫm ngày nay.
Khi Di Nhẫm còn trẻ, cậu có thể nhận ra những người thân quen của Diêu Minh Nhiên xưa kia. Ngay cả hai cô con gái của Minh Nhiên cũng nhận ra cậu chính là người mẹ đã quá cố của chúng.
Những câu chuyện được liệt kê trên đây chỉ là một con số rất nhỏ của hơn 110 người dân hiện đang sinh sống tại Bình Dương. Người dân trong vùng vẫn thường truyền tai nhau về cuộc đời trong tiền kiếp của họ, và gọi nhóm người này là những “người tái sinh”. Ngày nay, nếu đến Bình Dương, khu vực nằm trong vùng giao giới của ba tỉnh Quý Châu, Quảng Tây, và Hồ Nam, bạn vẫn sẽ được gặp những con người đặc biệt ấy. Cho dù bạn có tin hay không vào “chuyển sinh” và “luân hồi”, thì hãy lắng nghe tâm sự của họ, để rồi trân trọng hơn cuộc sống hiện tại ngày hôm nay – bởi mỗi kiếp người chỉ có 100 năm…
Hồng Liên tổng hợp
No comments:
Post a Comment