Ca sĩ Ngọc Yến:
'Tôi quyết định giữ thai chứ không giữ sân khấu'
PN - Ngay khi đứa con trai út lọt lòng mẹ, các bác sĩ trong phòng sinh đã nắm chân thằng bé đưa lên cho mẹ nó xem rồi phán: “Nếu cô không phải là ca sĩ (CS) chuyên nghiệp sẽ không sinh được thằng nhóc này”. “Tôi không nghĩ con mình tới... bốn ký. Khi đứa bé lọt lòng, tôi không tin nổi vào mắt mình…”. Ngọc Yến - CS chủ lực của nhóm Bách Việt đình đám trong những thập niên 70 - 80 nhớ lại.
Đó là năm 1996. Đứa bé bốn ký ngày ấy, giờ là chàng thanh niên mười tám tuổi, khỏe mạnh, thông minh đang du học ở Mỹ. Và cũng ngần ấy năm, CS của hai bài hit một thời, gắn liền với cái tên Ngọc Yến: Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý) và Quê Hương (Giáp Văn Thạch - Đỗ Trung Quân) đã lặng lẽ giã từ sân khấu ca nhạc mà không ai rõ lý do.
Ca sĩ Ngọc Yến (trái) và ca sĩ Hồng Vân thời trẻ
Sau năm 1975, khi phong trào “Ca khúc chính trị” xuất hiện, cùng với các nhóm nhạc Da Vàng, Đen Trắng, Rạng Đông, Singer, 30/4... nhóm Bách Việt (gồm các CS Ngọc Yến, Ngọc Điệp, Diệu Đức, Bạch Lý, Văn Thảo, Ngọc Thảo, Trần Bộ, Đình Văn, Nhất Sinh, Hữu Luân) cũng đình đám với dòng nhạc mang âm hưởng dân ca, bằng tuyên ngôn “dân tộc mà hiện đại”.
Tốt nghiệp Khoa Cải lương Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn năm 1973, CS Ngọc Yến từng tham gia nhóm nhạc Bách Việt. Bách Việt vốn là nhóm nhạc hát dân ca chuyên sử dụng nhạc cụ cổ truyền như đàn cò, đàn tranh, đàn kìm... Nhóm nhạc này quy tụ bạn bè thân hữu ngành y (dược sĩ, nha sĩ, điều dưỡng...) có cùng đam mê ca hát, do bác sĩ Đào Duy Anh làm trưởng nhóm... CS Ngọc Yến, khi ấy mới mười lăm tuổi, là thành viên “ngoại đạo” duy nhất xuất thân từ Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn - tiền thân của nhạc viện TP.HCM ngày nay.
Sau ngày đất nước thống nhất, Ngọc Yến gầy dựng lại nhóm Bách Việt, chị đã có những sáng tạo để đưa âm nhạc dân tộc gần lại với người nghe mà các CS cũng thoải mái khi biểu diễn. Chị đề xuất cải tiến cây đàn đáy thay cho guitar bass, đàn tranh được cắm điện và gác lên chân chống để người đánh đàn có thể đứng và cùng tham gia hát khi cần... “Đó là thời điểm hạnh phúc nhất trong đời CS của mình. Một đêm nhóm diễn hơn mười điểm mà không mệt. Đang còn diễn trên Thủ Đức, mà khán giả ở Nhà văn hóa Thanh niên đã ngồi chờ nghẹt cứng”, chị nói.
Giờ đây, khi nhắc đến nhóm Bách Việt, người ta nhớ ngay đến những ca khúc rộn ràng sôi nổi từ sau năm 1975 của dân ca ba miền được chỉnh lý cải biên như Tát nước đầu đình, Lý quạ kêu, Lý ngựa ô Huế, Lý bốn mùa, Thằng Bờm, Con gà rừng, Yăng buôc ê mê (dân ca dân tộc Ê đê)...
Người ta cũng không quên tên tuổi các CS của nhóm gắn liền với từng bài hát cụ thể: Bạch Lý với Cô đi nuôi dạy trẻ; Đình Văn với Hãy yên lòng mẹ ơi; Nhất Sinh với Hát về cây lúa hôm nay, Trên những tuyến đường quan họ, Ngọc Điệp với Mùa chim én bay... và đương nhiên cái tên không thể quên là Ngọc Yến, CS trụ cột của Bách Việt với hai bài hát ghi dấu trong lòng khán giả cho đến bây giờ: Dáng đứng Bến Tre và Quê hương.
Ngọc Yến gắn bó với nhiều bài hát âm hưởng dân ca
Trong chương trình Bài ca đi cùng năm tháng, ngoài ca khúc Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre cũng là một trong những ca khúc ghi dấu một thời của nhạc sĩ hàng đầu về tình ca - Nguyễn Văn Tý. Công bằng mà nói, từ năm 1981, bài Dáng đứng Bến Tre được Thu Nở, cô nhân viên ngành ngân hàng, trình bày rất thành công (đoạt huy chương vàng - đơn ca) trong Liên hoan ca múa các tỉnh phía Nam ở TP.HCM.
Tiếng hát Thu Nở đã đưa giai điệu mượt mà của Dáng đứng Bến Tre vào lòng Ngọc Yến. Và, khi nhóm Bách Việt biểu diễn ở Điện Biên Phủ, ngoài các ca khúc quen thuộc của nhóm, CS Ngọc Yến đã quyết định chọn thêm bài Dáng đứng Bến Tre hát solo. Để tạo dấu ấn riêng, cô đã xin phép tác giả bài hát để thêm hai câu hò Đồng Tháp vào đầu bài như một đoạn dẫn nhập (intro) bằng lời: Hò ơ hớ ơ ơ... tóc dài ai bỏ ngang vai/ phải người con gái Mỏ Cày, Bến Tre... Ai đứng như bóng dừa... chỉ cần nghe đến đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã vỗ đùi, thốt lên: Hay quá, cô tìm đâu ra hai câu hò tuyệt vời như vậy? Câu hỏi của nhạc sĩ thay cho sự chấp nhận.
Ca khúc Quê hương cũng được Ngọc Yến dẫn nhập bằng hình thức tương tự. Nhưng lần này không phải hò mà là ngâm. Chị ngâm bốn câu thơ trong bài ngày đầu tiên đi học của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Bài hát nhanh chóng được khán giả đón nhận như tấm lòng hiếu thảo người con đối với mẹ.
Ca khúc Quê hương đến với chị cũng thật tình cờ. Trong một lần được mời đến sân khấu trên tầng thượng của khách sạn Rex xem chương trình hội thi văn nghệ nội bộ của một đơn vị kinh tế, chị nghe một thí sinh hát bài Quê hương. Kỹ thuật không chuyên nghiệp, nhưng thí sinh hát bằng tấm lòng, giọng hát rất mộc mạc khiến chị không kiềm được nước mắt. Cuối buổi chị tìm gặp cô thí sinh và nhờ cô ấy hát lại. Chị thuộc lời, thuộc giai điệu và bằng cảm âm của mình, chị ký âm lại bài hát chính xác so với nguyên tác đến 99%.
Ca khúc Quê hương sau đó không chỉ được đón nhận trong nước mà khán giả ở hải ngoại cũng nhiều lần yêu cầu được nghe chính CS Ngọc Yến trình bày ở nước ngoài.
Thời vàng son
Ít ai biết, Ngọc Yến từng là cô giáo dạy nhạc ở trường Sương Nguyệt Anh (Q.10), từng làm việc cho tờ báo Tin Sáng bộ mới (1975 - 1981) trước khi trở thành CS chuyên nghiệp. Ngọc Yến bây giờ đã là bà mẹ bốn con theo “format” con anh, con em và con chúng ta; đã là bà ngoại của hai cháu và sắp lên thêm chức bà nội. Vóc dáng của một phụ nữ đang bước qua tuổi lục tuần có thể khiến chị cũng không bằng lòng với chính mình, nhưng ở chị lại toát lên sự thanh thản về tinh thần và hạnh phúc.
Chị hài lòng hay đang yên phận với hào quang cũ? Không ai biết được. Nhưng, trong căn biệt thự khang trang, láng giềng với CS Lệ Quyên, hàng xóm với DV Tăng Thanh Hà, chị bảo chị không còn chút nuối tiếc nào về thời vàng son của mình xưa kia. Tuy nhiên, người ta vẫn nhận ra ở chị một ánh mắt sáng rực cùng giọng nói tràn đầy hưng phấn khi nhắc lại chuyện xưa.
Giải thích sự mất hút của mình gần hai mươi năm trước, ngoài những điều không thống nhất được với chủ quán Bách Tùng Diệp, sự cảnh báo “nguy cơ sút cuống nhau nếu tiếp tục đi hát" của bác sĩ, khiến chị thanh thản quyết định giữ thai chứ không giữ sân khấu.
Sau sinh, cũng có nhiều lời mời đi hát lại, nhưng "mỗi đêm đi hát về, nhìn thấy con nhỏ còn thức chờ mẹ, tôi không đành lòng. Giờ đây, nếu còn một chút tiếc nuối, ân hận, có lẽ đó là việc tôi không được gặp mặt nhạc sĩ Giáp Văn Thạch - tác giả phổ nhạc bài hát Quê hương, ca khúc nhiều kỷ niệm mà tôi được thu hình trong dịp 10 năm giải phóng Sài Gòn” .
NGUYỄN THIỆN
Và nhân ngày giỗ 13/06 AL cũng xin mượn tạm làn hơi mượt mà của ca sỹ NY để
tưởng niệm một người bạn xứ Dừa NM.
Thất Bảy rồi đây 49 ngày
Ngân nga tụng niệm nghe mê say
Đổi trao tâm tửơng qua lời kệ
Thẩm thấu câu kinh chớ phí hòai
Lưu lạc trần gian đời sạch nợ
Đòan viên cõi Lạc gót sen đài
Siêu sanh liễu tử không quay lại
Xuất thế tiêu dao giấc mộng dài.
Bài thơ đã viết ngày 17/09/2012
Quang Minh Temple Nhân thất thứ bảy.
No comments:
Post a Comment