Cuộc sống ở làng chài cuối cùng trên sông Sài Gòn
Gần 40 năm qua, bên cầu Bình Lợi, một xóm chài nghèo yên bình nằm ẩn mình giữa Sài Gòn náo nhiệt. Công việc và cuộc sống của họ cũng bập bềnh theo con nước của dòng sông nơi này.
Trên sông Sài Gòn, đoạn thuộc phường 13, quận Bình Thạnh, hiện tồn tại một làng chài nghèo lọt thỏm giữa phố xá nhộn nhịp, cao ốc hiện đại. Xóm chài ngụ cự nằm lọt thỏm bên cầu Bình Lợi cũ và mới, neo đậu những chiếc ghe gỗ chắp vá, phủ những tấm bạt, mái tôn phía trên. |
Theo cụ Ngô Thị Liêm, 82 tuổi, cư dân nhiều tuổi nhất, xóm chài hình thành cách đây 38 năm. Trước đó, cụ và một số người từ Vĩnh Phú vào miền Nam năm 1954, miền đất mới đưa họ đến xóm Mới (nay là đoạn thuộc sông Vàm Thuật, phường An Phú Đông, quận 12) hành nghề “đâm hà bá”. Sau giải phóng năm 1975, họ bắt đầu chuyển về tại khu vực bên cầu Bình Lợi để neo đậu và làm nghề đánh cá cho tới nay. Được biết, ngày trước xóm chài khá đông đúc nhưng giờ nhiều hộ có điều kiện đã lên bờ thuê nhà trọ sống. Xóm chài chỉ còn lại 3 hộ gia đình, vỏn vẹn chỉ 8 người. Điều đặc biệt là họ cùng quê, có họ hàng thân thiết với nhau. Trong ảnh: Chiếc ghe gia đình bà Liêm dùng để ở và đánh cá mấy chục năm trước bị hư hỏng, đã nhiều lần sửa chữa và bị chìm nên gia đình bà đành bỏ lại nằm trơ xương trên bãi bồi. |
Cuộc sống mưu sinh của những cư dân xóm chài là đánh cá trên sông Sài Gòn và những nhánh sông của nó. Bất cứ ngày, đêm, theo con nước lên xuống, họ chèo thuyền dọc con sông, có khi xa hàng chục km để thả lưới, quăng chài. Công việc hằng ngày của họ gắn liền với những tấm lưới chài. Nỗi lo toan cơm áo, gạo tiền, thuốc thang nhờ cả vào nó. Trong ảnh là anh Nguyễn Ngọc Ái, 47 tuổi, một ngư dân của xóm đang quăng chài bắt cá vào giữa buổi trưa, trước khi nước dâng. |
Theo những ngư dân ở đây, họ vẫn giữ cách thức đánh cá thuần ngư từ xưa, đó là dùng chài, lưới tuyệt đối không chích điện. "Những lúc nước cạn là lúc nhiều cá nhất, việc đi chài vì vậy cũng theo con nước". Trung bình mỗi ngày một ngư dân kiếm được khoảng 100.000 đồng tiền bán cá, may mắn nếu trúng có thể được 200.000 đồng. "Bây giờ nước sông ô nhiễm nên cá cũng ít theo, cuộc sống vì vậy mà khó khăn hơn nhiều", ngư dân Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1962, chia sẻ. |
Anh Minh trong lúc nhàn hạ ngồi uống trà trên khoang thuyền tâm sự: "Công việc đánh cá trên sông của những ngư dân xóm chài nơi đây đều xuất phát từ nghề cha truyền con nối, chúng tôi theo bố mẹ rong ruổi khắp sông để thả lưới, sông nước đã ngấm vào máu thịt anh em chúng tôi từ lâu. Tuy thu nhập từ nghề này bấp bênh, cuộc sống còn khó khăn nhưng được cái không bon chen, giành giật với ai cả. Dòng sông đôi khi cuộn sóng lớn, bên ngoài ồn ào náo nhiệt nhưng công việc và cuộc sống của chúng tôi lại rất yên bình”. |
Xóm chài nằm bên bờ sông có nhiều cây tỏa bóng rất dịu mát, người trong xóm và khách tới thăm có thể ngồi trên thuyền san sát mặt nước hàn huyên.Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Chúc, sinh năm 1957 cũng cho biết, dòng sông đôi khi cũng hung dữ lắm. Với những con thuyền nhỏ chắp vá này, chúng tôi sợ nhất là những lúc mưa lớn, giông gió giật mạnh, nhiều lúc phải bỏ thuyền chạy lên bờ ở nhờ nhà dân gần đó. |
Cuộc sống xóm chài còn thiếu thốn rất nhiều thứ. Ở đây, người dân phải xài ké điện, nước ở trên bờ. Duy nhất chỉ có nhà ông Chúc là có tivi để xem. “Nhà tôi bắt điện cách đây 4 năm rồi, nhưng cũng chỉ dùng bóng đèn thắp ban đêm. Hồi chưa có điện, buổi tối buồn và hiu hắt lắm", anh Nguyễn Văn Chứng (sinh năm 1964), chia sẻ. |
Khi con nước xuống cũng là lúc những ngư dân nơi đây lại tất bật đi chèo thuyền mang lưới, chài vươn ra sông để mưu sinh. Những lúc nước lớn họ nghỉ ngơi trong sự bình yên, tranh thủ vá lại chài, lưới. Anh Nguyễn Văn Chứng tranh thủ vá lại chiếc chài bị rách trong khi chờ nước xuống. |
Cụ Liêm, cư dân nhiều tuổi nhất của xóm chài, vẫn bám trụ với sông nước nơi đây cùng vợ chồng người con trai. Cụ là bác họ của ông Chức, anh Minh, anh Chứng. Cụ làm việc cặm cụi suốt ngày không ngừng tay chân như đi chợ bán cá, nấu ăn, giặt giũ, sửa lưới.... Cụ Liêm mong muốn gia đình con cháu cùng lên đất liền sống nhưng không đủ tiền để thuê trọ. Được biết, cụ được bên từ thiện nhận phụng dưỡng nhưng vì thương con cháu nên cụ không nỡ lên bờ một mình. |
Ông Nguyễn Văn Chúc là một ngư dân khá nổi tiếng ở Sài Gòn. Ngoài công việc đánh cá, ông còn gắn luôn với nghiệp vớt xác cứu người. Gần 40 năm qua, vợ chồng ông đã cứu, vớt gần 300 người bị tai nạn và tự tử trên sông. Người dân ở đây gọi ông Chúc là “con rái cá cứu hộ”. Vợ ông Chúc, bà Nguyễn Thị Hinh tự hào về chồng, nói: “Cứ có ai nhảy cầu tự tử là người dân gọi vì ổng bơi giỏi lắm". Ảnh: Ông Chúc trên chiếc thuyền do một cơ quan báo chí trao tặng năm 2013 để ông sử dụng và để cứu người. |
Em Nguyễn Tiến Đạt, 14 tuổi là cư dân nhỏ tuổi nhất ở xóm chài. Đạt học hết lớp 2 rồi nghỉ, hàng ngày theo bố là anh Nguyễn Ngọc Ái lặn ngụp trên sông Sài Gòn đánh cá. Đạt là một cần thủ cừ khôi, khi rảnh rỗi, em thường quăng câu gần xóm kiếm thêm giúp bố. |
Anh Minh và anh Chứng là em ruột của ông Chúc. Hai anh em anh Minh ở trên chiếc bè rách nát, hàng ngày cùng đi đánh cá rồi mang lên chợ Bình Lợi bán lấy tiền. "Ba anh em chúng tôi theo nghiệp cha từ nhỏ. Bao nhiêu năm làm nghề hạ bạc mà cũng vẫn chỉ chiếc thuyền rách". Cả hai không dám lấy vợ vì khổ quá. " Mình nghèo kiết xác lấy vợ về nếu không hòa thuận thì khổ lắm", anh Minh tâm sự. |
Kể về cuộc đời chài lưới, nuôi con trên sông Sài Gòn, bà Nguyễn Thị Hinh, vợ ông Chúc cho biết, vợ chồng bà đã gắn bó với xóm chài, làm bạn với sông Sài Gòn gần 40 năm rồi. Chính con sông này đã nuôi sống hai vợ chồng và 5 đứa con gái của ông bà. Giờ đây các con ông bà đã lên bờ ở, đã trưởng thành và có gia đình. Đó là điều an ủi lớn nhất mà 2 vợ chồng bà sau mấy chụp năm gắn bó với dòng sông. |
Cả xóm ngụ cư với 3 gia đình gồm 8 người này ai cũng muốn được lên bờ để an cư. Nhưng cái nghèo luôn đeo bám không chịu buông. "Ngay cả thuê trọ ở chúng tôi cũng không thể vì nghèo quá. Nhà cụ Liêm ở đây 3 đời rồi nhưng chưa lên nổi đất liền", anh Minh than. |
Tuy cuộc sống của những cư dân xóm chài nơi đây còn khó khăn đủ bề, nhưng họ lại gắn bó với nhau, san sẻ cho nhau từng chén cơm, ly nước. Bản chất thật thà, chất phác, tự do của dân chài luôn hiện diện nơi đây, họ không làm mất lòng ai, được nhiều người yêu mến và chia sẻ. Trong ảnh: Cụ Liêm nhận bao gạo, là quà của một tổ chức từ thiện phát cho những cư dân nghèo bên sông Sài Gòn. |
No comments:
Post a Comment