Sunday, August 2, 2015

Xuanzang - Ngài Huyền Trang (c602-664)


Ngài Huyền Trang
Hòa Thượng Thích Thiện Siêu
  
Ngài Huyền Trang theo truyện Tây Du không gọi là Huyền Trang mà kêu là Tam tạng thỉnh kinh hay Đường Tăng. Trong sách nói đủ là Tam tạng Pháp sư Huyền Trang.
Đường Tăng tức là một vị Tăng đời Đường. Đời nhà Đường thì có nhiều vị Tăng đi cầu kinh nhưng chỉ có ngài là đặc biệt nhất, nổi nhất, cho nên nhiều khi họ nói Đường Tăng đó là chỉ cho ngài Huyền Trang. Còn Tam tạng Pháp sư là gồm Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Vì ngài là vị thông hiểu cả Tang tạng kinh, Luật, Luận nên gọi là Tam tạng Pháp sư.
Tiểu sử của ngài có nhiều người viết khắp nơi trên thế giới. Riêng Việt Nam có 4, 5 người viết như Hòa thượng Thích Minh Châu 1 bản, đạo hữu Võ Đình Cường 1 bản, Trần Hà cũng có 1 bài, ông Nguyễn Hiến Lê cũng có 1 bài... Trong tiểu sử đầy đủ nói về ngài thì có tập của Hòa thượng Thích Minh Châu hay là của đạo hữu Võ Đình Cường. Nhưng nói tóm tắt thì có bài của Trần Hà và của nhà học giả Nguyễn Hiến Lê. Trong số này theo tôi thì bài của Nguyễn Hiến Lê là súc tích nhất và có nhiều ý, nhiều cảm tưởng thâm thúy với ngài - một lịch sử rất đặc biệt. Ông Nguyễn Hiến Lê là một học giả nổi tiếng của miền Nam trước đây.
Trong bài này tôi dựa vào bản của Nguyễn Hiến Lê để tóm tắt. Ông Nguyễn Hiến Lê trong bài viết ông đặt đề: "Huyền Trang và công cuộc thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu của nhân loại".
Với phụ đề như vậy chúng ta biết Huyền Trang là người như thế nào và vĩ đại ra sao rồi? Một cuộc thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu của nhân loại - của nhân loại chứ không phải của riêng nước Trung Hoa - mà cuộc thỉnh kinh ấy vô tiền khoáng hậu, tức trước không hề có và sau ngài cũng không hề có được, không ai làm một cuộc thỉnh kinh như ngài đã làm. Trước và sau không ai làm được như vậy nên gọi là vô tiền khoáng hậu. Nội câu phụ đề của ông Nguyễn Hiến Lê đặt vào đó, chúng ta thấy cái vĩ đại cao thượng như thế nào của ngài Huyền Trang rồi:
"Huyền Trang (tiếng Pháp là Hiuan-tsang) không phải là một triết nhân, chẳng phát huy được thêm cái gì cho đạo, ông cũng không phải là một văn hào hay một nhà khoa học, lại càng không phải là một nhà thám hiểm như Christophe Colomb, Magellan, ông chỉ là một Pháp sư đi hành hương ở đất Phật; vậy mà sự nghiệp của ông đối với đạo Phật quan trọng hơn sự nghiệp của Chu Hi đối với đạo Khổng, ông lại tặng dân tộc Trung Hoa bảy mươi lăm bộ sách, gồm trên ngàn quyển, làm giàu cho Hoa ngữ được trên vạn tiếng; và lưu lại cho nhân loại vô số tài liệu rất quí về phong tục, khí hậu, sông núi, cỏ cây, di tích của những miền hoang vu, huyền bí ở Trung bộ Á Châu, nhất là Ấn Độ, những tài liệu mà các nhà thám hiểm phương Tây tới sau ông đều phải khen là rất đích xác, rất quí báu. Thử hỏi, trong lịch sử nhân loại có vị danh nhân thứ hai nào như ông không? Nội một việc dân tộc Trung Hoa thần kỳ hóa cuộc đi thỉnh Kinh của ông, truyền miệng cho nhau sao chép lại thành một bộ tiểu thuyết tức bộ Tây Du Ký - cũng là một cái vinh dự mà từ xưa đến nay chưa ai được nhận nữa! Nhất là đọc xong tiểu sử của ông ta mới thấy tấm gương của ông để lại cho ta soi không có một chút vết. Các vĩ nhân khác, trừ vài vị Thánh, còn có thể có chỗ cho ta không phục, còn ông thì suốt đời thanh đạm, can đảm, cần cù, hiếu học, lễ độ, khiêm tốn, trong sạch và hy sinh. Tôi muốn có một bức chân dung của ông quá!"
Câu mở đầu của nhà học giả Nguyễn Hiến Lê ca ngợi ngài Huyền Trang như vậy, chúng ta thấy và tưởng tượng cái tiểu sử của ngài làm sao nói cho hết được. Một nhà học giả người ngoại đạo chứ không phải trong đạo, lẽ tất nhiên câu nói của họ ở đây có một nhận xét rất khách quan, chứ không vì tín ngưỡng người trong Đạo nói với người trong Đạo. Nội chữ ông dùng trên đủ thấy ông kính phục và ca ngợi ngài hết lời. "Đọc xong tiểu sử của ông ta mới thấy tấm gương của ông để lại cho chúng ta soi không có một chút vết. Các vĩ nhân khác, trừ vài vị Thánh còn có chỗ cho ta không phục. Còn ông thì suốt đời thanh đạm, can đảm, cần cù, hiếu học, lễ độ, khiêm tốn, trong sạch và hy sinh".
Bao nhiêu chuyện hay, bao nhiêu từ ngữ tốt đẹp đều gồm trong lời ca ngợi trên hết - có đủ nơi ngài hết. Christophe Colomb là nhà thám hiểm tìm ra Châu Mỹ, Magellan là người đi chu du khắp thế giới. Ông nêu lên hai người ấy để so sánh qua việc của ngài, không phải là nhà thám hiểm, không phải là nhà văn hào, không phải là nhà khoa học cũng không phải là triết nhân. Thế nhưng, công lao của ngài đối với đạo Phật, đối với Trung Hoa, và đối với nhân loại cũng lớn lao lắm.
"Ông sinh năm 602 sau công nguyên, năm thứ 14 đời Tỳ Văn Đế [*] tại huyện Câu Thị (Lộ Châu: hiện là huyện Yêm Sa, tỉnh Hà Nam), trong một gia đình vọng tộc. Tằng tổ là Trần Khâm được phong tước Khai quốc quân công đời Bắc Ngụy; tổ phụ là Trần hương làm Quốc sử bác sĩ đời Bắc Tề, thân phụ là Trần Tuệ làm chức quan huyện ở Giang Lăng đời Tỳ, sau thấy Tùy Dạng Đế là một hôn quân, chán nản, từ quan về nhà dạy học. Ông tên thật là Trần Vỹ, đứng hàng con út. Người anh thứ hai, Trần Tố, làm Hòa thượng chùa Tịnh Độ (Lạc Dương). Như vậy gia đình ông là một gia đình nhà Nho, phát ở thời Nam Bắc Triều, mà thời đó là một thời rất thịnh của đạo Phật ở Trung Quốc.
[*] Ông Trần Hà trong bài Trần Huyền Trang và chuyến thỉnh kinh lịch sử (Bách khoa số 57) – ngày 15-5-59 nơi Huyền Trang sinh năm 596 (năm thứ 16 đời Tỳ Văn Đế). Tôi theo René Groussel trong cuốn Surles traces de Bouddha (Plon-1948), tr. 22 Từ Hải không cho biết năm sinh và năm tịch của Huyền Trang nhưng có nói năm Trinh Quán thứ nhất (Trinh Quán là niên hiệu của Đường Thái Tông), tức 627 Tây lịch, Huyền Trang 26 tuổi (tuổi tính theo phương Đông), vậy hợp với thuyết của Groussel: Huyền Trang sinh năm 602. Vả lại, Nếu Huyền Trang sinh năm đó là năm thứ 8 của đời Tý Văn Đế, chứ không phải là năm thứ 16.
Đạo Phật bắt đầu vào Trung Quốc có lẽ từ đời Tần, đến đời Hán ảnh hưởng còn ít; qua đời Đông Tấn và Nam Bắc Triều, nhân xã hội Trung Hoa hủ bại, loạn lạc liên miên, dân chúng khổ sở, không tìm được nỗi an ủi ở đạo Phật mới có ở đạo Nho, nên quay về đạo Lão, nhất là đạo Phật, mà đạo Phật mới có cơ sở phát triển mạnh mẽ. Sử chép đời Bắc Triều đã có non 900 chùa Phật và tại Lạc Dương, Tăng ni ở các nước họp nhau lại có trên 3.000 người. Từ vua quan đến dân chúng, ai cũng sùng bái đạo Phật. Tăng ni được hưởng nhiều quyền lợi: khỏi phải đi lính, được miễn thuế, sưu dịch; cho nên càng loạn lạc, càng nghèo khổ, dân chúng lại càng chạy vào ẩn náu dưới cửa Phật. Người có của cũng xin đầu Phật, để đất đai khỏi phải đóng thuế, thành thử đạo Phật bành trướng rất mau; đến đời Bắc Ngụy, nhà chùa chiếm được một phần ba tổng số diện tích đất đai trong nước.
Cuối đời Nam Bắc Triều, nhà Châu thấy nguy cơ cho triều đình, chủ trương diệt đạo Phật, bắt 3 triệu tăng ni hồi tục và ra lệnh phá rất nhiều chùa chiền. Nhưng đến cuối thế kỷ thứ 6, đạo Phật lại phục hưng, rồi nhân chính sách bạo tàn của Tùy Dạng Đế làm cho dân chúng lầm than, điêu đứng (ba lần chiến tranh với Cao Ly, động viên đến hơn một triệu tráng đinh nhưng thua; một lần xuống Giang Nam ngắm quỳnh hoa nở, mà bắt hơn một triệu dân để đào kinh từ Lạc Dương đến Giang Đô), chùa chiền lại mọc lên rất nhiều, mở rộng cửa đón những kẻ chán ngán thời cuộc hoặc trốn xâu lậu thuế.
Thân phụ Huyền Trang là một trong những người chán ngán đó. Ông không quy y, vẫn giữ đạo Nho, nhưng ham đọc kinh của đạo Lão và đạo Phật".
Lúc 8 tuổi ngài thích nghi lễ, rất nghiêm cẩn, có lễ độ, tính tình ngay thẳng, không thích nhảy nhót, không ngơ ngác y như các em bé khác. Lúc cha ngài đem Hiếu kinh giảng cho ngài nghe, đến đoạn ông Tăng Tử khi nghe giảng bèn đứng dậy nghe thầy giảng kinh. Thấy ông Tăng Tử như vậy, khi ngài đang ngồi nghe cha giảng kinh, ngài cũng đứng dậy sửa áo. Cha ngài ngạc nhiên hỏi tại sao đang ngồi nghe như vậy mà đứng dậy là nghĩa làm sao? Ngài thưa: Tăng Tử nghe thầy giảng mà còn đứng nghiêm trang thay huống chi con nghe cha dạy mà con không đứng dậy là vô lễ. Thế cho biết lúc 8 tuổi ngài đã như vậy rồi. Từ đó chúng ta biết tinh thần của ngài ra sao rồi.
"Huyền Trang, hồi tám tuổi đã thích lễ nghi, tính tình nghiêm cẩn. Ít năm sau, một người anh là Tố quy y, Huyền Trang được nghe anh thỉnh thoảng giảng đạo Phật cho nghe, ham mê cũng muốn theo anh. Năm 13 tuổi, ông lại chùa Tịnh Độ ở Lạc Dương xin quy y. Mới đầu, nhà chùa còn do dự, chê ông nhỏ tuổi quá, sau thấy ông thành tâm và thông minh lạ thường, nên chấp thuận." [*]
[*] Theo Nguyễn Huy Khánh, tác giả cuốn khảo luận tiểu thuyết Trung Hoa thì lần đó chùa Tịnh Độ được lệnh triều đình chọn 27 vị Hòa thượng. Muốn là Hòa thượng phải qua một kỳ sát hạch về trình độ học vấn và tư cách đạo đức (quy chế đó có từ đời Tý hết đời Minh mới bãi bỏ). Số người ứng thi có đến mấy trăm. Huyền Trang cũng ghi tên, nhưng vì nhỏ tuổi không được phép dự. Tuy vậy, cậu bé thông minh ấy vẫn không nản lòng, cứ núp gần công môn mà nghe lỏm. Một bữa Trịnh Thiện Quả – người triều đình phái tới – thấy cậu bé đứng rình nghe biết là người có chí, lại thấy hình dung tuấn tú thêm đối đáp như lưu, hỏi: "Người muốn xuất gia để làm gì?" – Thưa: "ý muốn, xa nối Phật Như Lai, gần sáng như Pháp". Thiện Quả bèn đặc cách cho làm Tăng (khảo luận tiểu thuyết Trung Hoa tr. 149, Khai Trí – 1950).
Lúc bấy giờ ở ngôi chùa Tịnh Độ được phép của nhà vua tuyển chọn thêm 27 vị tăng. Trong khi đó người xin vô làm Tăng có cả 100. Người đại diện Triều đình đến tuyển chọn tên là Trịnh Thiện Quả. Ngài Huyền Trang tuổi nhỏ nên không được đưa vào danh sách tuyển chọn. Nhưng Ngài cứ đứng lấp ló ngoài cửa lắng nghe. Trịnh Thiện Quả thấy vậy liền hỏi về tuổi tác, quê quán, sở thích... Đặc biệt khi hỏi vì sao ngài muốn đi xuất gia? Ngài trả lời: Tôi xin xuất gia là xa thì nối Phật, Như Lai, gần thì làm sáng như Pháp (Viên thiệu Như Lai, cận quan như pháp). Câu này có ý nói: Tôi xuất gia ý nhìn về xa, về trước, về đức Phật, tôi muốn nối dõi giòng giống của Phật. Nhìn về gần trong hiện tại tôi muốn làm sáng giáo pháp đang di truyền của ngài vậy. Xuất gia là vì mục đích đó. Trong khi tuổi đang còn nhỏ, chỗ Triều đình tuyển Tăng, vì tuổi nhỏ không được tuyển, cũng không chịu về nhà cứ đứng thơ thẩn lấp ló để mà nghe ngóng, ham thích cái chuyện xuất gia đó, cho nên khi trả lời câu nói đó thì ông Trịnh Thiện Quả đặc cách cho ngài được vào làm Tăng".
"Ông học hết các kinh của Tiểu thừa, Đại thừa rồi đến kinh Niết-bàn, giáo lý rất cao siêu; học đến quên ăn quên ngủ".
Kinh Niết-bàn là kinh cao nhất: Phật nói lên câu: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Các Kinh khác có Kinh nói có Kinh không. Tất cả chúng sanh đều có Phật tính, trong Kinh Niết-bàn chú trọng đưa lên cái đạo lý ai cũng có Phật tính. Đó là một đạo lý cao siêu nhất. Bây giờ chúng ta nghe lâu ngày quá quen rồi nên coi thường, chứ người mới nghe, nghe đó lạ tai lắm, lạ vô cùng, vì họ lý luận: Phật là Phật, chúng sanh là chúng sanh. Phật là cao thượng, là siêu việt, còn chúng sanh là thấp hèn, là ô uế, là mê muội, chớ sao chúng sanh lại có Phật tính. Câu đó chỉ trong đạo Phật mới có chứ các đạo giáo khác không làm sao mà có. Câu đó được nói ra, được nhấn mạnh ở trong Kinh Đại bát Niết-bàn. Cho nên Kinh Đại bát Niết-bàn có ý nghĩa cao sâu là vậy. Trước khi đi Tây vực, chính ngài đã học nhiều kinh sách rồi, bởi trước ngài, ngài sinh năm 1602, trước ngài ở Trung quốc năm 1607 đã có ngài Ma-đằng đến Trung Quốc dịch kinh Tứ thập nhị chương. Từ đó trở về sau trải qua 4, 5 thế kỷ có nhiều vị tăng ở Ấn Độ và các nước khác đến dịch kinh cũng nhiều rồi nên ngài cũng đã học các kinh dịch đó, cả Tiểu thừa, Đại thừa ở Trung Quốc.
"Hồi đó là cuối đời Tỳ, đầu đời Đường, trong nước loạn lạc. Khi đô thành một ổ đạo tặc, mà miền Hồ nam thành cái hang mãnh thú, đường phố Lạc Dương đầy thây người.
Phải lánh đi nơi khác, Huyền Trang bàn với anh qua Thành Đô (Tứ Xuyên), ngụ chùa Không Túc trong 2, 3 năm, tiếp tục học hết kinh của các giáo phái.
Năm 20 tuổi, nội loạn đã chấm dứt, ông về Trường An, kinh đô nhà Đường. Trường An là đất Phật đầu tiên ở Trung Hoa. Từ 5 thế kỷ trước, những vị tu hành ở Ấn Độ qua cất chùa tại đó và dịch những kinh tiểu thừa, Đại thừa từ Phạn ngữ qua Hoa ngữ. Công việc dịch thuật đó có thể chia làm hai thời kỳ:
- Từ Đông Hán đến Tây Tấn (khoảng 230 năm) dịch chưa có hệ thống gì cả.
- Từ Đông Tấn đến đầu đời Đường (khoảng 270 năm) đã thấy những dịch phẩm có giá trị như bộ Pháp Hoa, bộ Đại phẩm..., tuy có thú vị về văn chương, nhưng chưa thật sát nghĩa. Dịch giả đại biểu cho thời ấy là một người Tây vực tên là Cưu-ma-la-thập.
Ở Trường An, Huyền Trang ráng đọc hết những kinh đã dịch, tìm những Hòa thượng có danh tiếng để học đạo, nhưng ông nhận thấy rằng họ cũng thờ đức Thích Ca Mâu Ni mà giáo thuyết của họ khác nhau xa quá, có khi phản nhau nữa. Có bao nhiêu tôn phái là có bấy nhiêu chủ trương, làm cho ông hoang mang, không nhận được đâu là đạo chính truyền".
Bởi vì khi đạo Phật truyền qua Trung Hoa rồi thì có ngài cũng nghiên cứu và trong quá trình nghiên cứu cũng có sự hiểu biết riêng của mình. Chính vì thế nên nhận định cũng khác nhau, nên mới lập ra các tông phái, hệ phái như Tịnh Độ tông, Luật tông, Pháp tướng tông, Chân ngôn tông, Cu xá, Duy thức... mỗi tông phái đều có kiến giải riêng. Vị này hiểu câu Kinh Phật như thế này nên chủ xướng ra như thế này, vị khác hiểu như thế kia nên xướng ra như thế kia, cho nên khi đọc, ngài thấy như vị này nói vầy, vị khác nói khác, có vẻ hoang mang không biết đâu là chánh đạo.
"Bất mãn, ông xin phép anh đi học đạo ở khắp miền Bắc tại các vùng Xuyên Đông (đông đô tỉnh Tứ Xuyên), qua Hồ Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Hà Bắc. Càng tìm hiểu, ông càng nảy ra nhiều nghi vấn, đã không tin được các vị Hòa thượng mà ngay trong những bản dịch kinh Phật ông cũng thấy nhiều chỗ lờ mờ mâu thuẫn, hoặc dịch sai. Vậy muốn hiểu rõ đạo thì chỉ còn một cách là đến nơi phát tích của đạo Phật, tức Ấn Độ, để học tiếng Phạn rồi nghiên cứu tại chỗ những kinh điển cổ nhất. Ý "Tây du" của ông phát sinh từ đó."
Từ đó chúng ta biết rằng, ngài cố tìm cách đi tìm học đạo ở Ấn Độ. Trước khi qua Ấn Độ, ngài đã cố công đi tìm các vị Hòa thượng, trưởng lão về các bộ kinh còn lại. Nhưng các Hòa thượng đôi khi trả lời không đồng nhất, thậm chí có khi mâu thuẫn nhau. Trong các kinh được dịch có nhiều chỗ tối nghĩa, có đoạn dịch sai nên Ngài quyết chí phải tìm đến tận gốc - nơi sản sinh Phật giáo để tìm hiểu cho tận ngọn ngành. Ngài tin rằng đó là sự cầu học một cách chắc chắn từ nơi gốc thì mới bảo đảm hơn. Từ tấm gương cầu học tận gốc của Ngài, thiết nghĩ chúng ta cũng nên học tập như Ngài vậy.
Ngày nay, các Phật tử khi đọc các kinh sách của các Thiền sư, thức giả trước tác dịch thuật bằng tiếng Việt, đó là điều quí. Nhưng quí hơn là phải đi vào các văn bản gốc của các kinh đã được in ấn, để từ đó chúng ta đối chiếu các bản dịch hay trước tác ấy đúng tới mức nào. Khi đọc kinh sách Phật giáo, các Phật tử cũng phải có nhận thức vững vàng về giáo lý, điều nào sai chưa đúng lắm thì có thể tìm hiểu nơi các vị đã hiểu biết để tránh sự thắc mắc, hoặc giả là nên cầu học nơi các vị đã có trình độ Phật học vững vàng thì chắc chắn các Phật tử sẽ nhận ra được chỗ đúng sai trong các kinh sách Phật học đã được trước tác in ấn trước đó. Các Phật tử nên trầm tĩnh suy tư về giáo lý của đức Phật, đừng vội phê phán. Dĩ nhiên, phải thận trọng trong khi đọc là tốt nhất, đừng tưởng rằng sách nào viết về Phật cũng đúng và tin theo hết.
Đó là thái độ cẩn trọng, trọng Pháp, nên ngài Huyền Trang mới có tinh thần đi tìm học từ bản gốc ở Ấn Độ là vậy. Đó cũng là cách giải đáp những nghi vấn, thắc mắc mà bấy lâu nay ngài đang phân vân không biết đâu là đúng đâu là sai, và nếu đúng thì đúng tới mức nào, nên Ngài quyết chí đi cầu pháp ở Tây phương là vậy.
"Năm Trinh Quán nguyên niên, năm đầu triều vua Đường Thái Tôn (62 sau Công nguyên)."
Có nhiều thuyết nói năm Trinh quán nguyên niên, có năm Trinh quán nhị niên, có năm Trinh quán tam niên, xê xích trong một hai năm.
"Huyền Trang cùng với vài vị Hòa thượng nữa dâng biểu lên nhà vua xin phép qua Ấn du học. Truyện Tây Du Ký chép rằng Đường Thái Tôn sai Tam Tạng [*] đi thỉnh kinh, lại cho làm ngự đệ, cho lấy họ nhà Đường, có lẽ để nịnh triều đình mà quy công cho nhà vua, chứ sự thật thì khác hẳn; vua Thái Tôn không cho phép, vì nước mới được bình trị, vương quyền chưa được vững, mà sự ngoại giao với các dân tộc ở phía Tây, tại Trung bộ Á Châu lại chưa được tốt đẹp".
[*] Xem lại trang Tam Tạng vốn có nghĩa là ba kho kinh Phật: Kinh tạng, Luật lạng, Luận tạng; đây chỉ pháp danh Huyền Trang.
Theo truyền thuyết, có nhiều người nói như trong truyện Tây Du, Ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh là do lịnh của vua Đường Thái Tông. Nếu nói như vậy thì sai lầm, không những không sai đi mà cấm không cho đi nữa là khác. Bởi vì lúc đó vua Đường mới dành được ngôi nơi triều nhà Tùy, cho nên việc bình địch trong nước chưa yên. Sự giao dịch với bên ngoài vua đều cấm hết. Nội bất xuất ngoại bất nhập. Ngài Huyền Trang tự tìm trốn đi chứ không phải vua sai đi.
"Đợi mãi không được phép, các vị Hòa thượng cùng dâng biểu với ông ngã lòng bỏ đi. Ông kiên nhẫn ở lại Trường An, học hết tiếng Ấn Độ. Đêm ngày ông cầu nguyện các vị Bồ-tát cho ông đủ sáng suốt và nghị lực thực hành nổi chương trình tây du của ông, mà ông biết là rất khó khăn, phải qua nhiều nơi hiểm trở, hoang vu, trộm cướp."
Đơn phát 627 mà đến 629 cũng chưa có.
"Một đêm năm 629, ông nằm mộng thấy một ngọn linh sơn ở giữa biển, bèn nhảy xuống nước để lội qua thì vừa lúc đó, một bông sen xuất hiện, đỡ ông, đưa ông tới chân núi. Núi dựng đứng, leo không được, ông chưa biết tính sao thì một ngọn cuồng phong bí mật nâng bổng ông lên tới ngọn núi. Đứng trên núi nhìn chung quanh thấy cảnh bao la, rực rỡ. Ông thích quá, tỉnh dậy."
Vì sự thành tâm cầu nguyện rất chí thành cao độ và rất chính đáng, cho nên có sự cảm ứng là ngài nằm mộng thấy một ngọn linh sơn ở giữa biển. Sướng quá ngài nhảy ào xuống chứ không biết có lội được hay không! Trong khi nhảy như vậy có một bông sen đỡ lên đưa đến chân núi thì núi quá cao không biết làm sao mà leo. Khi ấy có một ngọn gió cuồng phong nâng lên chóp núi. Khi đứng trên chóp núi nhìn tứ bề chung quanh mênh mông bát ngát không có gì. Ngài rất sung sướng và tưởng tượng rằng việc đi thỉnh Kinh của mình đã có cảm ứng.
"Từ đó ông càng quyết tin rằng thế nào cũng thành công và chính lòng quyết tín, mộ đạo đó đã giúp ông thắng mọi gian nan sau này. Ít bữa sau, nhân miền chung quanh Trường An bị nạn mưa đá mất mùa, triều đình xuống chiếu cho phép dân ở kinh đô được đi nơi khác làm ăn, ông theo nhóm người di cư, tiến về phương Tây, mở đầu cuộc du hành vạn lý.
Năm đó (629), ông 28 tuổi (tính theo phương Đông), đến năm 44 tuổi mới trở về, tính ra xa quê luôn trong 16 năm.
Tuổi đó là tuổi hăng hái, tin tưởng, mà bẩm tính ông lại nghiêm cẩn, ôn hòa, nên ông rất được nhiều người mến trọng. "Nước da hơi sạm, mắt sáng. Vẻ mặt uy nghiêm, nét mặt tươi sáng rực rỡ. Giọng nói trong trẻo, rõ ràng, ngôn ngữ cao nhã, hoa mỹ, du dương, ai nghe cũng mê..." Nhìn ông, người ta nhận ngay thấy sự dung hòa của đạo Phật và đạo Khổng - lòng từ bi, đại độ của đạo Phật, đức lễ độ, sáng suốt của đạo Khổng. Ông vừa thương người, vừa cương quyết, trang nghiêm như đại giang, mà lại bình tĩnh, rực rỡ như bông sen nổi trên mặt nước".
Ngài không những thông minh mà rất đẹp. Tánh tình rất nghiêm cẩn mà lại hòa nhã, khiêm tốn. Đó là điều rất hiếm. Thường thường người thông minh thì hay kiêu ngạo, kiêu căng khó khiêm tốn, nhu hòa. Người thông minh thì hay cãi. Nhưng ở ngài không có chuyện đó, đó là đức tính của một con người toàn diện đạo đức, thông minh, cần cù, nghiêm cẩn, nhu hòa, nhẫn nhục... đều có nơi Ngài.
"Ta sẽ chia cuộc hành trình của ông làm 4 giai đoạn:
- Từ Trường An tới Ngọc Môn Quan, hết địa phận Trung Quốc.
- Từ Ngọc Môn Quan tới Kapica biên giới địa phận Ấn Độ, qua những nước nhỏ ở Trung bộ Châu Á.
- Giai đoạn ở Ấn Độ.
- Giai đoạn trên đường về; như độc giả sẽ thấy, do một tình cờ mà lúc về, ông theo một đường khác với lúc đi, thành thử ghi chép thêm được nhiều nhận xét về một miền lúc đó còn bí mật.
Từ Trường An ông tới Tân Châu (coi trên bản đồ), Lan Châu, rồi Lương Châu (hiện là huyện Vũ Uy, Tỉnh Cam Túc) - tức Hà Tây, cửa ngõ của huyện Vũ Uy, Trương Dịch, Đôn Hoàng, Tửu Tuyền).
Chắc độc giả đã quen với tên đó. Vương Chi Hoán, một thi sĩ thời Thịnh Đường, được người đương thời tặng cho tên Thi Thiên Tử nhờ bài Lương Châu từ tả cảnh rừng núi hoang vu ở miền biên ải đó:
"... Hoàng Hà viễn thượng bạch vân gian,
Nhất phiến cỏ thành vạn nhẫn san..."
Tạm dịch:
Hoàng Hà treo ngọn giữa mây xanh,
Vạn bậc non cao, một mãnh thành
Ngay từ đời Đường, mà có lẽ từ trước nữa, Lương Châu đã là ngã ba của các con đường mòn đưa những đoàn thương nhân từ phương Tây hoặc từ Mông Cổ tiến vào Trung Hoa. Các thương nhân đó gồm rất nhiều giống người, ngôn ngữ, phong tục khác nhau, họp chợ ở Lương Châu để trao đổi hàng hóa, tin tức và chắc chắn cũng để do thám cho sự canh phòng rất nghiêm mật. Đô đốc Lý Đại Lượng được lệnh phong tỏa, không cho người ngoài vô Trung Quốc và người Trung Quốc lọt ra ngoài. Huyền Trang phải nấn ná chờ cơ hội, nhân dịp đó ông thuyết pháp cho các thương nhân, người ta tạ ơn ông vật gì thì ông đem cúng vào chùa hết."
Nhân lúc tụ tập Ngài thuyết pháp cho các thương nhân, khi được cúng dường, Ngài lại cúng cho chùa hết.
"Hơn một tháng sau nhân lúc lính canh trễ nải, ông trốn thoát, Lý Đại Lượng sai vệ binh đuổi bắt; nhờ Pháp sư Tuệ Uy phái hai môn đệ là Tuệ Lâm và Đạo Chỉnh đi theo bảo hộ. Huyền Trang mới thoát được. Họ đêm đi, ngày trốn, lần mò đến Qua Châu (hiện là huyện Tây An, tỉnh Cam Túc).
Thứ sử Qua Châu là Độc Cô Khai theo đạo Phật, tuy biết lệnh của triều đình, nhưng làm lơ cho ông, lại chỉ dẫn đường đi cho ông nữa. Từ Qua Châu, tiến lên phía Bắc ít chục dặm tới Ngọc Môn Quan (lúc Đường sơ, thì Ngọc Môn Quan tương đương như huyện Yên Tây ngày nay), một cửa ải nằm trên biên giới và ở bờ sông Hồ Lô (nay là sông Sớ Lặc), nước chảy xiết, gió lộng suốt ngày đêm vì lòng sông rất lạ lùng: Trên hẹp, dưới rộng.
Cảnh ở đây thật là rợn tóc du khách. Một thế kỷ sau, nhà Đường đã bình phục những dân tộc ở phía Tây, vậy mà các thi sĩ triều Minh Hoàng, chỉ nghĩ tới miền biên tái hoang vu, hiểm trở này cũng nổi lên những giọng ai oán, mà thương cho những chinh phu phải đi thú ở nơi đó, và cho những người vợ trẻ của họ ở nhà đăm đăm trông chồng:
QUAN SƠN NGUYỆT - Lý Bạch
Minh nguyệt xuất Thiên San,
Thương mang vân hải gian,
Trường phong kỷ vạn lý,
Xuy độ Ngọc Môn Quan,
Hán há Bạch đăng đạo,
Hồ khuy Thanh hải loan,
Do lai chinh chiến địa,
Bất kiến hữu nhân hoàn.
Thú khách vọng biên sắc,
Tư quy đa khổ nhan,
Cao lâu đương thử dạ,
Thán tức vị ưng nhàn.
Tản Đà dịch:
Vừng trăng ra núi Thiên San [1]
Mênh mang nước bể mây ngàn đang soi
Gió đâu muôn dặm chạy dài,
Thổi đưa trăng sáng ra ngoài Ngọc Môn [2]
Bạch - đăng quân Hán đóng đồn,
Vùng kia Thanh hải dòm luôn mắt Hồ.
Từ xưa bao kẻ chinh phu,
Đã ra đất chiến, về ru mấy người?
Buồn trông cảnh sắc bên trời,
Giục lòng khách thú nhớ nơi quê nhà,
Lầu cao, đêm vắng, ai mà,
Đến nay than thở ắt là chưa nguôi.
[1] Cũng có tên là Tuyết San, ở Tân Cương, nơi đó tháng năm mà vẫn còn tuyết phủ tuyệt nhiên không có hoa cỏ: Ngũ nguyệt Thiên sơn tuyết, vô hoa chỉ hữu hàn. (Tái hạ khúc – Lý Bạch)
[2] Tức Ngọc Môn Quan
"Qua sông Hồ Lô, ra khỏi Ngọc Môn Quan rồi, lại phải tránh 5 tòa phong hỏa đài báo hiệu bằng cách đốt lửa lên khi có giặc tới để cho người canh ngọn đài kế đó trông thấy cũng đốt lửa lên, như vậy truyền tin lần lần cho Ngọc Môn Quan."
Ngoài Trung Quốc ra còn đặt 5 phong hỏa đài. Lúc đó họ báo tin bằng cách đốt lửa lên, đài thứ 2, 3, 4 đốt lửa lên tức tin tới Ngọc Môn Quan. Tới nơi cửa ải sẽ đề phòng.
"Mỗi đài cách nhau khoảng trăm dặm (mỗi dặm khoảng 600 thước tây) và đều có lính canh, đài xây giữa một vùng hoang vu, thành thử ai muốn kiếm thức ăn, nước uống phải đến chân phong hỏa đài, mà sẽ bị giam cầm, tra hỏi."
Đài canh như vậy mà chỉ có tới chân đài mới có nước mà thôi. Tới phong hỏa dài thì bị chận lại.
"Thấy đường đi khó khăn, Huyền Trang lo lắng. Ngựa ông bị bịnh, mới chết. Hai người mà pháp sư Tuệ Uy cho theo ông thì một người sợ lệnh triều đình truy nã, đòi lộn về; còn một người ốm yếu quá, không sao chịu nỗi gian lao trên đường, ông cũng cho về nốt, thế là ông lại cô độc. Ông mua một con ngựa khác, sửa soạn lên đường thì một người trong miền, tên là Thạch Bàn Đà xin theo làm đồ đệ".
Thạch-bàn-đà là một người Hồ (người Trung Á) xin quy y thọ giới với ngài. Ông này biết đường nên xin dẫn đường đi.
"Đêm đó hai thầy trò khởi hành, gặp một ông già. Nghe Huyền Trang kể mục đích thỉnh kinh, ông già thán phục, nhưng khuyên: "Thầy nên trở về đi, không tới nơi được đâu vì đường về phương Tây nguy hiểm lắm; nếu gặp những đám cát di động hoặc những cơn gió lửa thì không thể nào thoát được. Đã nhiều đoàn thương nhân bỏ mạng trên đường rồi".
Ông không nghe, cứ tiến, đốn cây ngô đồng bắc cầu qua sông Hồ Lô. Qua bờ bên kia sông, mệt quá ông chợp mắt được một lúc thì thấy người đưa đường tên Tiếu Hồ nằm cách xa ông khoảng trăm bước, rút kiếm ra, rón rén tiến lại khi cách ông độ mươi bước thì ngừng lại, ra vẻ do dự một chút rồi trở lui".
Ông già Hồ đi thì đêm đó ông dắt ra một Tiếu Hồ khác giới thiệu với ngài. Ngài Huyền Trang cho ông trở lui. Khi qua một chỗ rộng mệt quá chợp mắt thì thấy Tiếu Hồ đứng dậy cầm gươm đi rón rén lần đến bên ngài rồi do dự rút lui.
"Gần sáng, tỉnh dậy, ông không nhắc gì đến việc ban đêm cả, lẳng lặng bảo hắn đi lấy nước. Hắn miễn cưỡng vâng lời, nhưng một lát sau thưa: "Con đường này dài và nguy hiểm. Ở chân phong hỏa đài thứ năm mới có nước, muốn kiếm nước thì phải lẻn tới ban đêm, bị chúng bắn chết mất. Thầy trò mình trở về thôi". Ông vẫn không nghe cứ tiến tới. Thình lình hắn rút gươm ra, bắt ông đi trước. Ông không chịu, thấy ông can đảm, bình tĩnh lạ thường, hắn không dám hạ thủ, bỏ ông trốn mất".
Mới 1 bước đầu mà thấy nguy hiểm như vậy. Vì sao hắn làm dữ như vậy? là hắn khuyên ông trở lại không được thì phản làm sao? Để đi một mình thì lộ ra, nếu bị bắt thì khai báo ra thì hắn sẽ bị tai họa lây, cho nên hắn cố làm là khuyên ông trở về, thứ hai phải giết ông đi. Cả hai đều không được cho nên phải bỏ trốn.
"Ông lại thui thủi một mình trên sa mạc. Gần tới phong hỏa đài thứ nhất, ông nấp trong lòng một con kinh khô, đợi đến tối mới mò ra, kiếm nước uống. Đúng lúc ông múc nước, hai mũi tên bay vèo bên tai ông, ông la lên: "Tôi là Hòa thượng ở Trường An đây, đừng bắn nữa", rồi ông lại nạp mình cho lính. Người chỉ huy đài đó là hiệu úy Vương Tường, một tín đồ đạo Phật".
Điều đó chứng tỏ rằng lúc đó đạo Phật đang lan truyền rộng ở Trung Hoa cho nên ông Hiệu Úy ở đây cũng theo đạo Phật. Vương Tường khuyên ông đừng đi nữa, ông cũng không nghe, nói: "Bần tăng đau lòng thấy rằng kinh Phật thiếu sót mà mỗi người hiểu một lối không biết đâu là đạo chân truyền, nên đã nguyện qua Ấn Độ học đạo. Nếu hiệu úy ngăn cản bần tăng thì giết bần tăng đi, chứ nhất định bần tăng không chịu trở gót đâu".
Thấy lòng cương quyết đó, Vương Tường đành để ông đi, sau khi tặng ông ít vật thực và viết thư giới thiệu với người chỉ huy đài thứ nhì. Riêng đài thứ năm thì họ Vương khuyên ông nên tránh, vì viên chỉ huy không theo đạo Phật, mà tính tình hung bạo.
Ông nghe lời, qua khỏi đài thứ tư rồi đi về hướng Tây, tiến vào sa mạc Hạ Diên Tích (tức sa mạc Qua-Bích, Gobi) và từ đây ông rời xứ sở của tổ tiên, không biết bao giờ mới trở lại nữa.
Nhìn lại một lần cuối cùng phong hỏa đài thứ tư, ông bùi ngùi, rồi buông cương cho ngựa bước tới.
Đường qua sa mạc dài 800 dặm, tức non 500 cây số, có tên là Sa Hà (con sông cát). Người xưa đã tả sa mạc đó như vầy: "Không có loài cầm, không có loài thú, chẳng có nước mà cũng chẳng có cỏ. Muốn tìm phương hướng thì các bộ hành phải nhận bóng của mình và tụng kinh Phật".
Huyền Trang chắc đã làm đúng theo câu đó. Các nhà thám hiểm như Christophe Colomb, Magellan vượt đại dương, tuy gặp những cảnh giông tố, hoặc đói khát nhưng còn có bầu bạn, thủy thủ. Ngay như Alain Gerbault, tuy một mình lênh đênh trên một chiếc thuyền buồm đi vòng quanh thế giới, nhưng cũng không đến nỗi cô độc vì còn tin tưởng thế giới theo dõi hành trình của mình mà tới hải cảng nào cũng có người chờ đón để hoan hô. Còn Huyền Trang thì thui thủi trong sa mạc mênh mông, ngày chỉ có ánh nắng gay gắt của mặt trời, đêm chỉ có ánh sáng mờ mờ của các vì sao, cảnh cô độc thật ghê gớm mà đức mạo hiểm của ông cổ kim chưa ai bì kịp".
Sa mạc Gobi này rộng mênh mông, khoảng 800 dặm Anh. Năm trước có chuyến đi Mông Cổ tôi đã có dịp tới nơi đó. Họ làm một số nhà cho khách du lịch đến đó ở lại đôi ba ngày để nhìn cảnh sa mạc và tận hưởng không khí trong lành ở đây. Tôi đến đó được hai đêm. Hôm đó họ đưa chúng tôi đến thăm một trại nuôi lạc đà. Ngồi trên xe hơi anh lái xe tìm con đường đi mau nhất để tới nơi sở nuôi lạc đà, nhưng anh cũng bị lạc. Khi tìm được đường anh trở lại chỗ xuất phát cũng mất cả hàng giờ. Giữa sa mạc Gobi nhìn ra toàn là cỏ lúp xúp, núi đá và chân trời mà thôi.
Mênh mông quá, đi một mình giữa sa mạc, khiếp quá! Ông Nguyễn Hiến Lê có cái hay là đem so sánh ngài Huyền Trang với các nhà thám hiểm khác. Các nhà thám hiểm khác mặc dù đi trên biển mênh mông một mình nhưng mà hai bên bờ có người chầu chực họ, theo dõi họ, tiếp tế nước cho họ khi họ đến nơi. Chứ Ngài Huyền Trang đi không ai đưa, đến không ai đón, đi thì đi lén, may mắn lắm trên đường đi nếu gặp bạn bè họ giúp cho một đoạn đường mà thôi. Trước mắt không biết ai là người đón vì ai biết ngài là Huyền Trang đâu? Khi so sánh như vậy, Nguyễn Hiến Lê đã cho thấy sự kỳ vĩ của ngài Huyền Trang hơn các nhà thám hiểm trước trên thế gian.
"Ông tìm suối nước mà không thấy, chỉ thấy những đội binh mã nhung phục bằng nỉ và da thú, cưỡi lạc đà, giáo mác sáng ngời ẩn rồi hiện, tới rồi lui, biến đổi kỳ dị ở chân trời. Ông thúc ngựa lại gần thì mọi vật biến đâu mất hết. Thì ra đó chỉ là ảo ảnh trong sa mạc."
Ảo ảnh thật khiếp, thấy một đội binh trước mắt, nếu không cương quyết thì ngài đã đi lui rồi. Nếu cương quyết đi tới thì toàn là ảo ảnh.
"Khát quá ông lấy bầu nước ra, nhưng tay ông lóng cóng mà bầu nặng, rớt xuống cát nước chảy ra hết. Chán nản ông quay trở về phía Trung Hoa".
Khát như vậy, mệt như vậy mà còn một chút nước, đến khi cầm bầu nước ra thì nước cũng giọt rơi ra ngoài mất. Trong cách nói, trong bầu chỉ còn 1 giọt nước hy vọng nước từ giọt ra vào trong miệng mình thì gió nó bay tạt đi mất. Lúc đó là lúc ngài chán nản nhất muốn trở về Trung Hoa.
"Chỉ có lúc đó là ông nghi ngờ. Nhưng sau khi đi được 10 cây số ông lại nghĩ: "Hồi đầu ta đã thề là không tới Tây Trúc thì không khi nào trở về quê hương. Thà đi về phương Tây mà chết còn hơn là trở về hướng Đông mà sống". Rồi ông thúc ngựa, hướng về Tây Bắc mà đi.
Cát bụi mù mịt, chạm vào da thịt chỗ nào thì muốn cháy chỗ đó. Ông khát quá, lưỡi sưng, môi nứt, mắt mờ, sức kiệt không tiến được nữa. Đã năm ngày và bốn đêm rồi không có một giọt nước thấm môi. Ông té xỉu trên cát, nhưng chưa đến nỗi mê man, còn hăng hái tụng kinh niệm Phật, tới nửa đêm thứ năm thì một cơn gió mát thổi qua, cơ thể tỉnh táo lại như mới được tắm xong. Ông vỗ về con ngựa, nó đứng dậy, hí hí mấy tiếng nhỏ rồi đi. Được khoảng sáu cây số thì tự nhiên nó đổi hướng, không làm sao bắt nó theo hướng cũ được nữa. Ông ngạc nhiên nhưng nghĩ nên để cho nó theo bản năng của nó, vì chắc có gì lạ đây. Quả nhiên, đi được một quảng đường nữa thì ông mừng quýnh: một đám cỏ xanh hiện ra ở trước mặt. Vậy ngựa đã biết đánh hơi cỏ từ xa. Bên đám cỏ là một đầm nước trong sáng như gương. Nghỉ ngơi cho hết mệt ông cắt cỏ cho ngựa và múc đầy bầu nước rồi tiếp tục hành trình.
Hai hôm sau ông tới nước I Ngô (nay ở phía nam Cáp Mật tỉnh Tân Cương). Ông đã vượt quảng đường khó khăn nhất, tính ra mất 8, 9 ngày mới qua được sa mạc.
I Ngô là một ốc đảo, xưa có quân đội Trung Hoa đóng, nhưng lúc đó thành một thuộc địa của Thổ. Huyền Trang ngừng bước trong một ngôi chùa và gặp ba vị Hòa thượng Trung Hoa. Họ mừng mừng tủi tủi chạy ra tiếp đón ông, ôm ông mà khóc, không ngờ tha phương còn gặp được người cố quận.
Vua nước Cao Xương (nay thành Nhã Nhĩ phụ cận hồ Nhã Nhị ở phía Tây Thố lỗ phồn tỉnh Tân Cương) ở phía Tây I Ngô, nghe tin ông tới, sai sứ lại đón. Ông nhận lời đương đêm tới nơi thì vua Cao Xương là Khúc văn Thái sai đốt đuốc rồi thân hành ra khỏi hoàng cung để nghinh tiếp, còn Vương Phi và đại thần thì quỳ lạy. Khúc văn Thái rất mộ đạo nhưng tính tình vẫn là tính tình hung hãn của một dân tộc kém thông minh. Ông ta tiếp Huyền Trang rất long trọng, tôn kính như trò tôn kính thầy, nhưng nhất định năn nỉ Huyền Trang ở lại làm chức giáo chủ trong nước, năn nỉ không được thì dọa nạt. Huyền Trang dùng lời tha thiết để chối từ mà không được, phải cương quyết:
- Bần tăng đến đây không vì danh vọng mà chỉ vì muốn qua Tây Trúc nghiên cứu kinh điển tại chỗ để hiểu rõ đạo Phật rồi về nước giảng lại cho mọi người. Bệ hạ không nên ngăn cản bần tăng. Mà ngăn cản cũng không được. Bệ hạ chỉ có thể giữ một nắm xương tàn ở lại đây thôi, còn ý chí cùng tinh thần của bần tăng thì không thể giữ được.
Khúc Văn Thái cũng không nghe, lại càng chìu chuộng hơn trước, đích thân dọn cơm đứng hầu. Huyền Trang phải dùng đến chính sách tuyệt thực, ngồi ngay ngắn, không nhúc nhích luôn ba ngày, không uống một giọt nước. Qua ngày thứ tư, Khúc văn Thái thấy hơi thở của ông suy rồi, vừa tủi vừa sợ, quì xuống xin lỗi ông, thề trước tượng Phật là không dám ngăn cản ông nữa, nhưng xin ông ở lại Cao Xương thêm một tháng nữa để giảng đạo cho thần dân. Ông nhận lời ăn uống trở lại.
Khúc Văn Thái sai dựng một cái lều rộng mênh mông che được 300 người. Mỗi ngày, hoàng gia, các vị Hòa thượng và các quan trong triều tới lều nghe Huyền Trang giảng kinh.
Khi Huyền Trang lên đường, Khúc tặng ông đủ các đồ ngự hàn cùng vật dụng, vàng bạc, gấm vóc, cùng với 30 con ngựa và 25 người tùy tùng, đưa ông 24 bức thư giới thiệu với các quốc vương ở trung bộ Á Châu, lại sai một viên tướng đưa đường ông nữa.
Để đáp ơn vua Cao Xương, ông dâng lên một bức khải:
(...) Nép thấy Đại vương bẫm thụ cái khí thuần hòa của nhị nghi trời đất; rủ áo làm vua, vỗ nuôi dân chúng, phía đông ví bằng phong đại quốc, phía tây yên vỗ tục bách nhung (...) Lại hay kính hiền yêu sĩ, hiếu thiện lưu từ, thương xót kẻ xa xôi đi lại, ân cần cho tiếp đãi đến nơi, đã được vào hầu, nhuần ơn càng hậu tiếp đãi chuyện trò, phát dương pháp nghĩa. Lại được nhờ ngài giáng kết làm nghĩa anh em, dốc một tấm lòng yêu thuận. Và lại được đưa thư cho hơn hai mươi phiên cõi Tây vực, với sức ân cần, sai bảo tiễn tống. Lại thương tôi Tây du vò võ, đường tuyết lạnh lùng; bèn xuống lời minh sắc, độ cho bốn chú tiểu Sa di để làm người hầu hạ. Nào là pháp nhục mũ bông, đệm cừu giầy miệt, hơn năm mươi thứ và lỉnh lụa vàng bạc tiền nong, để khiến cho sung cái phí vãng hoàn trong hai mươi năm. Nép trong thẹn thùng sợ hãi, không biết xử trí cách nào. Dẫu khơi dòng nước Giao Hà ví ơn kia chẳng ít kém; cân hòn non Thông Lĩnh, đọ nghĩa nọ còn nặng hơn.
"Sau này xin bái yết chúng sư, bẫm vâng chính pháp, đem về phiên dịch truyền bá những điều chưa từng nghe. Phá tan cái rừng rậm rạp của những kẻ tà kiến, tuyệt hẳn cái ý xuyên tạc của những mối dị đoan (...). May ra cái công nhỏ ấy, ngõ đáp lại cái ơn sâu kia. Nay tiền đồ còn xa, không thể lưu ở lâu được, ngày mai từ biệt, thảm thiết bùi ngùi; không xiết đội ơn, can dâng khải lên kính tạ". (Đông Châu dịch - Nam phong số 142, tháng 9, 1929).
Ngày khởi hành, cả triều đình, các tăng lữ và bá tánh đưa ông ra tới cửa thành Tây. Huyền Trang cảm tấm lòng của nhà vua, hứa trên đường về sẽ ghé Cao Xương ở lại ba năm, rồi bùi ngùi lên ngựa. Nhưng sau này ông không giữ được lời hứa vì lúc đó, bộ lạc Khúc Văn Thái đã bị diệt vong (bởi Đường Thái Tông).
Từ đây danh tiếng của ông được mọi người biết cuộc hành trình được dễ dàng hơn trước nhiều, tới đâu cũng được đón đưa long trọng. Khúc Văn Thái đã có công lớn trong chuyến thỉnh kinh của ông.
Qua một miền rừng núi hiểm trở nổi tiếng là có nhiều mỏ bạc, Huyền Trang tới A Ki Ni (này là Yên Chi tỉnh Tân Cương), một nơi nghỉ ngơi của các đoàn thương nhân tá túc một đêm rồi tới Khố Xa (tức nước Khất Chi, Tân Cương) rồi tới Bạc Lục Ca (tức Ôn Túc, Tân Cương). Miền này rất trù phú. Vì lúc đó tuyết phủ đầy dẫy Thiên Sơn không thể tiếp tục hành trình ngay được, Ông phải ở lại đó hai tháng và có dịp nhận xét, ghi chép phong tục cùng văn minh của Khố Xa, lưu lại những tài liệu rất quí cho các nhà khảo cổ sau này; Vương quốc đó rộng khoảng ngàn dặm từ Đông qua Tây và sáu trăm dặm từ Nam chí Bắc. Chu vi kinh đô được 17, 18 dặm. Đất trồng kê đỏ, lúa mạch, nho, lựu, lê, mận, đào. Có mỏ vàng, đồng, sắt, chì, thiết. Khí hậu ấm áp, dân thuần lương. Văn tự phỏng theo của Ấn Độ. Âm nhạc tiến xa hơn các nước láng giềng nhiều. Chính nhờ Khố Xa mà đạo Phật truyền qua Trung Hoa. Vì nằm trên đường chở lụa từ La Mã qua Trung Hoa, nên Khố Xa buôn bán rất thịnh, hạng phú gia bận những đồ gấm vóc rực rỡ.
Tại đó, ông gặp một nhà tu hành, học thức uyên bác, là Mộc Xoa Cúc Đa, đã qua Ấn Độ nghiên cứu kinh điển trên hai chục năm. Nhờ sự gặp gỡ đó, ông biết thêm được nhiều về đạo Phật và Ấn Độ, nhưng đôi khi cuộc thảo luận về Phật pháp có giọng hơi gay gắt vì Mộc Xoa Cúc Đa theo Tiểu thừa như hầu hết các Hòa thượng Trung bộ Á Châu, còn ông thì thiên về Đại thừa. Rốt cuộc, Mộc Xoa Cúc Đa phải nhận rằng ngay tại Ấn Độ cũng có rất ít học giả như ông.
Khi tuyết bắt đầu tan, ông lại tiếp tục hành trình, tới Ô Hắc Quốc rồi leo núi Thông Lãnh cao 7.200 thước trong dãy Thiên Sơn. Ông tả núi đó rất kĩ: "Nó rất nguy hiểm, ngọn đụng trời. Từ hồi khai thiên lập địa, tuyết phủ, đóng lại thành những đống băng quanh năm không tan. Băng trải thành từng lớp cứng và rực rỡ, liên tiếp tới chân trời, lẫn với mây. Nhìn vào chói mắt. (...). Leo trèo thực khó khăn, nguy hiểm. Lại thêm lúc nào cũng có thể có những cơn giông tuyết, thành thử dưới giầy có hai lớp da, dù mặc áo cừu cũng vẫn run lên cầm cập. Muốn ăn hoặc ngủ thì không có chỗ nào khô để nghỉ chân. Chỉ có cách là treo nồi lên chỗ nào đó mà nấu ăn và trải chiếu ra để nằm."
Cho nên sau này như Hướng đạo treo nồi lên cây mà nấu là bắt chước từ đây, vì không có chỗ nào khô hết, chỉ có treo nồi nơi cây, đó là cách thức mấy người đi cắm trại bắt chước. Chuyện đó phát nguyên từ ngài Huyền Trang.
"Leo núi đó, đoàn của Huyền Trang chết mất hơn chục người vì đói lạnh (không kể một số lớn bò và ngựa), chỉ còn lại lơ thơ ít người.
Xuống tới chân núi, ông theo một con sông rồi tới Nhiệt Hồ (cũng gọi là Hồ Tây Khắc). "Hồ này chu vi khoảng 1.000 dặm nằm dài từ Đông qua Tây, phía Nam rộng và phía Bắc hẹp. Bốn bề là núi; vô số sông chảy vào. Nước màu đen phơn phớt xanh, vị mặn và chát". Hồ không bao giờ đóng băng, khí hậu tương đối ấm áp, nên các vua chúa trong miền tới đó để trị hàn. Chính ở gần hồ tại Tô Điệp Thành (nay là tỉnh Phục Long là nước Cộng hòa Cát Nhĩ Cát Tư thuộc Nga. Xưa thuộc Tây Độc Quyết), mà Huyền Trang gặp Điệp Hộ Khắc Hàn của xứ Đột Quyết.
Khắc Hàn ở trong một cái lều thêu hoa bằng vàng rực rỡ chói mắt, tuy là man rợ mà có vẻ uy nghi đáng kính. Khắc Hàn vốn là bà con của Khúc Văn Thái nên tiếp đãi Huyền Trang long trọng, nghe ông giảng kinh xong, ngưỡng mộ ông lắm, muốn giữ lại "Bạch sư phụ, sư phụ đừng nên qua Tây Trúc. Xứ đó nóng lắm, đông cũng như hè. Tôi ngại rằng sư phụ mới qua đó thì mặt mũi sẽ chảy ra như sáp hết. Dân chúng thì đen thui, đa số lõa lồ, không biết lễ nghi gì cả, không đáng cho sư phụ tới thăm".
Sở dĩ ông này nói dân chúng Ấn Độ lõa lồ, không phải dân chúng hoàn toàn lõa lồ hết đâu, vì ở xa ông chỉ biết một phần mà thôi. Bởi ở Ấn Độ lúc đó có đạo Kỳ-na-giáo trong đó có phái tu Lõa thể (họ ở trần truồng). Ấn Độ bấy giờ cũng có số đó. Thỉnh thoảng họ cũng đi ra đường nhưng con số ấy rất ít. Chắc ông này nghe phái đó nên nói là dân Ấn Độ lõa lồ, chứ thật ra không phải ai cũng lõa lồ hết, chỉ có một số ít theo phái Lõa thể mà thôi.
"Ông không nghe, Khắc Hàn phải để ông đi. Ông tiến về phương Tây, tới nước Xá Thời, qua một bãi sa mạc rộng khoảng hai trăm rưỡi cây số, cát đỏ, rồi đến nước Phong Mạc Kiện, một nơi có thành lũy rất cổ, vì 9 thế kỷ trước Huyền Trang, A Lịch Sơn Đại Đế đã qua đó để vô Ấn Độ.
Nơi đó, một ngã ba trên đường chở lụa nên có vô số hàng hóa quí giá. Đất cát lại phì nhiêu, trồng loại cây gì cũng được. Dân tộc khác hẳn những miền ông đã qua. Đây bắt đầu là khu vực ảnh hưởng của Ba Tư, không chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa. Tuy còn vài ngôi chùa nhưng đều hoang tàn vì vua và dân không theo đạo Phật mà thờ Thần lửa.
Nhà vua tiếp Huyền Trang một cách khinh khỉnh, nhưng sau khi nghe ông thuyết pháp tỏ ý cảm động, che chở ông. Có lần dân chúng cầm bó đuốc đánh đuổi ông, nhà vua hay tin bắt họ, xử tội chặt chân, chặt tay, ông xin giảm tội cho, và sau đó dân chúng vừa kính vừa sợ, xin theo đạo Phật rất đông. Năm sau, nhà vua lại sai sứ qua Trung Hoa tỏ tinh thần phục Đường Thái Tông. Lúc đó Thái Tông mới biết công của ông đối với triều đình.
Từ Phong Mạc Kiện, Huyền Trang tiến về phía Nam, khoảng ba bốn trăm dặm, tới Thiết Môn Sơn, một nơi vô cùng hiểm trở, rất lợi cho sử dụng võ. "Nó là một con đường hẻm thuộc địa phận A Phú Hãn, ngoằn nghèo ở dưới chân hai rặng núi cao chót vót, dựng đứng lên như hai bức tường đen, màu sắt, vì núi có nhiều quặng sắt. Vô số ghềnh thác nằm ngang đường. Ở đầu đường là một cái cửa có hai cánh bằng sắt, trên cửa treo những chuông sắt. Những khi gió thổi vào, tiếng chuông vang động lên như sấm, hòa với tiếng thác đổ ào, mà trời lại u ám, thì thật là cảnh địa ngục. Chỉ mười tên quân giữ cửa ải đó là đủ ngăn cản thiên binh vạn mã. Người Thổ nắm được yếu điểm đó mà kiểm soát hết giao thông và thương mại giữa Ấn và Trung bộ Á Châu".
Qua khỏi Thiết Môn Quan, đoàn hộ tống Điệp Hồ Khắc Hàn từ giã trở về. Ông một mình tiến về phía đông nam, qua nhiều nước nhỏ rồi một hôm tình cờ gặp một vị Hòa thượng trẻ tuổi xứ Thổ Hỏa La tên là Tuệ Tánh tình nguyện làm đồ đệ, đưa ông sang Ấn Độ. Hai người vòng qua phía Tây Đại Tuyết Sơn, đi trên hai ngàn dặm nữa thì vị Hòa thượng được lệnh của vua Thổ Hòa La phải từ biệt mà trở về Đại Hạ".
Thế là ngài đi một mình. Lúc đó Phật giáo đã lan rộng nên tới chỗ nào cũng có người theo đạo Phật hết. Các xứ Trung Á phần nhiều theo đạo Phật.
"Miền đó là miền Bactriane hồi xưa, thời thượng cổ thuộc về Ba Tư, sau bị A Lịch Sơn Đại Đế chiếm, chịu ảnh hưởng Hy Lạp trong một thời gian, rồi chịu ảnh hưởng của đạo Phật, có những chùa Phật chứa 3.000 tăng đồ.
Đoạn đường vòng Đại Tuyết Sơn khó đi nhất. Mây như đặc lại, tuyết bay loạn suốt ngày, không bao giờ thấy mặt trời. Đường cheo leo không có chỗ nào phẳng mà rộng được ba thước. Có khi phải nằm rạp xuống bíu vào đá mà nhích đi từng chút, có khi phải qua những cầu kết bằng mây đong đưa ở trên không, chỉ vô ý một chút là té xuống vực thẳm thác đổ ào ào.
Từ khi Tuệ Tánh trở gót, Huyền Trang lại thui thủi một mình trong rừng rậm hoang vu, leo đèo Shibar cao 3.000 thước tới Kapica (thung lũng Kâbul), một miền phì nhiêu phong phú; Dài 60 cây số và rộng 20 cây số. Đó đã thuộc về Ấn, cho nên ông gặp ở Kapica nhiều nhà tu hành Ấn, theo thuyết khổ hạnh: ở trần truồng, ngồi cầu nguyện trong rừng, chịu cảnh đói lạnh.
Ông nghĩ ở đó hết mùa hè, rồi đến Lampaka, mà từ khí hậu cho đến người, vật và phong tục đều khác các miền trước. Dân thì vui vẻ, thích ca hát, nhảy múa, tuy nhỏ mà nhanh nhẹn, bận áo vải màu rực rỡ. Đúng là dân tộc Ấn Độ. Khí hậu hơi nóng, cây cối um tùm, và có nhiều khỉ. Ông qua sông Indus tới Taxila, viếng nơi mà theo truyền thuyết đức Phật trong một kiếp trước đã thấy một con cọp cái đói, không kiếm được mồi, để nuôi bảy cọp con, bèn động lòng từ bi, từ trên cao đâm đầu xuống gần cửa hang cọp tự hủy thân để nuôi cọp, vì vậy mà đất ở chung quanh đỏ như máu mà cây cối cũng có sắc đỏ."
Trong Phật giáo có một truyền thuyết đó là chuyện tiền thân đức Phật, có lần đã xả thân đi để nuôi cọp. Thấy bầy cọp con 7 con nằm la liệt, cọp mẹ không biết lấy gì cho con ăn cứ nằm đó mà run, nên Ngài động lòng thương leo lên cây nhảy xuống bên nó để thí thân cho nó, do truyền thuyết như vậy nên ở đó cây cối nó mọc lên sắc đỏ.
"Taxila thuộc về Kâcmir, một nước rất thuần đạo, có hàng trăm chùa và 5.000 sư. Chính nơi đó là đất pháp nguyên của phái đại thừa. Nhà vua nghe Huyền Trang cũng theo phái đó, nên rất kính trọng, thân hành ra biên giới và thỉnh lên ngồi một thớt tượng để cùng song song vô kinh đô. Vì gặp được một pháp sư bảy chục tuổi, Pháp sư Xứng Lão[*] làu thông tam tạng, lại tìm được rất nhiều kinh điển (cộng đến non một triệu rưỡi), Huyền Trang ở lại Kâcmir 2 năm (từ 631 - 633) để học đạo. Trò rất kính thầy, và thầy rất mến trò, tương đắc nhau lắm. Khi đã hiểu rõ kinh điển rồi, Huyền Trang mới từ biệt nhà vua và thầy học để đi thăm đất Phật. Tính ra, ông xa quê đã bốn năm, trải qua biết bao gian lao, nhưng đã gần tới đích.
[*] Tức Tăng Xứng, Ngài Huyền Trang học với ngài Tăng Xứng các luận Cu Xá, thuận Chánh lý, Nhơn minh, Thanh minh v.v...
Rời Kâcmir tới Cakala, rồi lại đi được ít ngày thì một hôm, qua một khu rừng rậm ông cùng đoàn tùy tùng bị cướp lột hết hành trang, phải trốn trong một cái hang. Nhờ có một đám nông dân hay tin lại cứu đưa tới một chùa Bà-la-môn ở đó. Ông chủ chùa này tin theo đạo Bà-la-môn mà cũng thích nghiên cứu đạo Phật. Huyền Trang xin ở lại một tháng để tìm hiểu thêm đạo Bà-la-môn, rồi mới đi tới Jâlandhars.
Từ đây cuộc du học của ông thích thú vô cùng, tới đâu ông cũng gặp những di tích của đạo Phật, tha hồ mà đọc kinh điển mà thảo luận với các pháp sư, và thỉnh giáo các vị tu hành uyên bác.
Ấn Độ nổi tiếng là một xứ huyền bí, một phần vì địa thế, một phần vì tôn giáo. Về địa thế, xứ đó gần như cách biệt hẳn với các xứ chung quanh; ba phía đông, tây và nam là biển, phía bắc thì có dãy Hy Mã Lạp Sơn cao vòi vọi, rất bất tiện cho sự giao thông; về tôn giáo thì mới bắt đầu có hai đạo chính, đạo Bà-la-môn và đạo Phật, và một đạo nữa là đạo Hồi, từ Ba Tư truyền vào; riêng hai đạo Bà-la-môn và Phật có rất nhiều giáo phái mà lý thuyết khác nhau xa. Đất đai rộng mênh mông như một lục địa nhỏ, chia ra hàng trăm nước, có nước nhỏ chỉ bằng một phần trăm nước khác. Vàng bạc châu báu rất nhiều, đền chùa chỗ nào cũng có. Dân rất mê tín mà chia làm nhiều giai cấp; bọn quí phái mơ mộng trong cung điện hết đi săn thì tưởng thanh sắc, bọn tu hành Bà-la-môn chẳng làm việc gì, chỉ tu hành và rất được trọng, hạng thương nhân nhờ giàu có mà cũng được nể, hạng nông dân bị khinh bỉ gần như hạng nô lệ; cuối cùng là hạng tiện dân bị các giai cấp khác khinh tởm hơn là ta khinh tởm người cùi, đến nỗi không ai dám lại gần họ và cái bóng của họ chiếu vào vật nào thì vật đó bị coi như dơ bẩn, phải nép đi chứ không ai chịu mó vào nữa.
Tóm lại, từ văn minh đến phong tục, khác hẳn Trung Hoa. Huyền Trang sống non 10 năm ở đấy, có dịp đi khắp các nơi, được trông thấy bao nhiêu điều lạ, rồi bẩm sinh có óc nhận xét tinh tế, ghi cả lại trong tập du ký, thành một mớ tài liệu rất quí giá chẳng những giúp người Trung Hoa thời đó mà còn giúp cả những học giả thời nay hiểu Ấn Độ nữa. Chính René Grosset, tác giả cuốn "Sur les traces de Bouddha" cũng phải thán phục tài nhận xét của ông, coi ông vào hàng chân chính nhất thời cổ".
Kâcmir thuộc Kế Tân, một nước rất thuần đạo, một nước lúc trước là cái bàn đạp, đạo Phật từ đó làm nơi xuất phát để truyền qua Trung Quốc. Khi đạo Phật truyền lên Tây bắc Ấn, Kâcmir là một nước hết sức thịnh hành về Phật giáo.
"Từ Jâlandhara, ông tiến xuống phía đông nam, tới Mâthura, rồi qua phương đông tới thượng lưu sông Gange (Hằng Hà). Ông tả con sông đó y như một nhà khoa học: "Gần nguồn, sông rộng ba dặm, mà gần cửa biển rộng 10 dặm. Nước bình thường thì trong xanh nhưng thường thay màu mà mặt nước mênh mông. Rất nhiều sinh vật kỳ dị sống trong sông, phần nhiều không làm hại người. Vị của nước ngọt và dễ chịu, cát mịn vô cùng. Người bản xứ coi sông đó là một vị thần, kẻ nào tắm nước sông thì gội hết được tội, nếu uống nước hay chỉ rửa miệng thôi cũng tiêu tan được những khổ não, nếu chết đuối trong sông thì được lên trời. Lúc nào trên bờ cũng có vô số người tụ họp đàn ông lẫn đàn bà". Ông cho như vậy là dị đoan."
Ở Ấn Độ có 4 lối hỏa táng, tức 4 lối chôn. Thủy táng: Chết rồi đem bỏ xuống sông Hằng, họ tin rằng hồn sẽ lên Thiên đàng, Thổ táng: Chôn cất như Việt Nam. Hỏa táng: Tức đem thiêu lấy cốt rải trên nước, núi, đồng ruộng, đất đai hay giữ lại trong hũ kỷ niệm. Và không táng: Là đem bỏ trên đồi vắng cho chim và súc vật ăn. Đó là 4 cách táng. Tuy nhiên ở Ấn Độ hiện nay có cách bỏ xuống nước sông Hằng là cách phổ thông nhất.
"Tới Kanauj, ông không được gặp vua Harsha (Giới Nhật), một người rất mộ Phật, mỗi năm thường họp tất cả các vị pháp sư Ấn Độ tại kinh đô để tranh biện về Đạo, lại mời vị nào đức độ cao nhất, học thức sâu nhất lên ngồi trên ngai vàng của mình mà thuyết pháp.
Khi ngồi thuyền xuôi sông Gange với hai chục người nữa để tới Prayâga, ông gặp một tai nạn kinh khủng. Thuyền qua một khúc sông hai bên là rừng rậm. Một bọn cướp bơi một chục chiếc thuyền ra chận, lôi cả hành khách lên bờ. Bọn họ thờ nữ thần Durgâ và mỗi năm phải kiếm một người đàn ông đẹp trai, lực lưỡng, giết để tế thần. Thấy Huyền Trang chúng mừng quá vì nước da ông trắng trẻo mà nét mặt tươi nhã, thông minh, bàn với nhau sẽ giết ông. Họ dắt ông tới sân đền, rút gươm ra định hạ thủ, thấy ông vẫn bình tĩnh, họ hơi ngạc nhiên. Ông xin được tụng kinh trước khi chết, chúng bằng lòng. Những người đồng hành khóc lóc thảm thiết; còn ông thì càng tụng kinh, mặt càng tươi tỉnh, sung sướng không biết gì ở chung quanh cả. Đột nhiên một cơn giông nổi lên, thuyền nhồi lên nhồi xuống rồi chìm, cây cối gãy răng rắc. Bọn cướp hoảng sợ, tưởng là ông có phép thần, quỳ xuống xin ông tha tội. Ông mở mắt ra hỏi chúng đã đến giờ chết chưa."
Cho biết rằng khi nhập tâm định tĩnh rồi thì như trong Kinh nói: Nếu một người phát tâm trở về nguồn thì 10 phương thế giới đều tan biến hết. Chính ngài trong giờ phút này, 10 phương thế giới đều tan biến, đối với ngài không có. Cảnh rùng rợn xung quanh đó đến khi nhập định thì không biết nên ngài mới hỏi: Đã đến giờ chết chưa?
"Khi hay chúng đã đổi ý ông cũng không lộ nét vui. Vừa lúc đó gió ngớt.
Sau Prayàga, ông lại thăm Kaucãmbi, rồi lên phương bắc xứ Népal để viếng các đất Thánh của đạo Phật.
Trước sau ông đã làm lễ những nơi:
1. Nước Gavastis (Xá Vệ) nơi mà xưa đức Thích Ca trú ngụ và truyền đạo lâu nhất.
2. Nước Kapilavastu (Ca-tỳ-la-vệ) nơi ngài chào đời (hiện là tỉnh Gorakhpur).
3. Nước Kusinagara (Câu-thi-ma-kiệt-la) gần Népal, nơi ngài tịch.
4. Thánh Bénares (Ba-nại-la nơi ngài Thành đạo).
5. Nước Vaisali (Vệ-xá-l? hiện là tỉnh Besarh, nơi mà ngài thích nghỉ chân trong mùa mưa.
6. Chùa Đề La Dà và gốc Bồ-đề.
Trong cuộc hành hương đó, lòng ông rung động, bồi hồi tưởng như lúc nào cũng được nghe những bản nhạc du dương. Đời hy sinh của đức Thích Ca hiện lên, hồi này tiếp hồi khác, rực rỡ, đủ từng chi tiết."
Khi tới thăm cảnh giáng sinh của các thánh tích của Phật thì Ngài tưởng tượng như ngài thấy Phật, thấy Phật từng giai đoạn một.
"Đây là chỗ mà một bà dì của Ngài, cũng là mẹ nuôi của Ngài nữa, xin Ngài cho phụ nữ được qui y, sau dựng lên một chùa Phật đầu tiên cho các ni cô ".
Tức di tích của bà Ma-ha Bà-xà-ba-đề, di mẫu của Phật xin đi xuất gia. Bà là người xin Phật đi xuất gia đầu tiên để làm một người nữ xuất gia, mà từ trước ở Ấn Độ chưa có đạo nào khác có và bà là người đầu tiên xuất gia trong giáo pháp của Ngài. Sự xuất gia của bà ban đầu xin Phật không chấp nhận. Vì Phật sợ người nữ vào hàng Tăng giới thì sẽ hỗn độn nên ban đầu Ngài không chấp nhận. Nhưng sau nhờ Tôn giả Anan xin đức Phật nhiều lần Ngài mới chấp nhận. Khi chấp nhận Ngài ra 8 điều kiện mà trong luật gọi là Bát Kính Pháp. Một người nữ xuất gia thọ giới rồi phải giữ Kính Pháp nữa, tức 8 pháp phải cung kính đối với Tăng. Đó là người nữ xuất gia trong giáo pháp của Ngài vậy.
"Đây là nơi chôn nhau cắt rốn của Ngài. Ôi cảnh vật tang thương. Cung điện xưa kia ở đâu mà nay chỉ còn một vùng cỏ úa dưới ánh tà dương! Kinh đô của vua cha đã bị tàn phá đến nỗi không còn nhận ra chu vi nữa. Cũng may di tích còn lưu lại ít nhiều. Thổ dân còn chỉ được chỗ mà Hoàng Tử đấu kiếm và thắng được đối thủ, chỗ mà lần đầu tiên Ngài thấy cảnh lão, bệnh, tử; con đường mà Ngài theo cái đêm bỏ cha mẹ vợ con, phú quý vinh hoa, rũ sạch bụi trần để đi tìm đạo. Nhớ lại những chuyện đó, Huyền Trang rưng rưng nước mắt mà thấy sự hy sinh của mình còn kém xa sự hy sinh của đức Phật. Người ta dắt ông lại thăm một cánh đồng, nơi mà Ngài sụt sùi thấy nông phu bừa đất, nhổ cỏ và giết những sâu và trứng sâu, đau lòng tưởng như người thân của mình bị hại vậy. Ôi! lòng nhân của Ngài mênh mông như vũ trụ! Và ngôi chùa ở mép khu rừng kia, phải là nơi Ngài cởi bỏ áo đẹp, lấy gươm cắt tóc, đưa cho Xa Nặc, bảo y trở về không? Kinh truyện còn chép Xa Nặc khóc ròng và con ngựa của Ngài cũng cảm động, liếm chân Ngài trước khi từ biệt.
Đây là chỗ Ngài tịch. Đã hơn 11 thế kỷ rồi. Ngôi nhà của người thợ rèn đã mời Ngài dùng bữa cơm cuối cùng còn đó. Mà chỗ kia là nơi Ngài nằm nghỉ, nơi người ta cất hỏa đàn để thiêu Ngài.
Ở Bénarès ông đi thăm Lộc viên, nơi Ngài thuyết pháp lần đầu cho năm đệ tử đầu tiên. Huyền Trang còn nghe văng vẳng lời Ngài dạy:
"Hỡi các Tỳ-kheo! Có hai thái cực mà ta phải tránh, một cái là đời hoan lạc, nó thấp hèn, phù phiếm; một là cái đời khổ hạnh, nó thê thảm, xấu xa và vô ích... Hỡi các Tỳ-kheo, đây là chân lý về đau khổ:sanh, lão, bệnh, tử, phải xa cách cái gì mình yêu, đó là khổ. Và đây là nguồn gốc của khổ: Lòng dục (...). Và đây là chân lý về phép diệt khổ: Diệt được lòng dục đó là diệt được khổ ".
Ông ngừng lại lâu ở gốc Bồ-đề. Đây mới là đất Thánh của đạo Phật, nơi đức Thích Ca nhập định và giáo đạo. Hiện nay gốc Bồ -đề cũ không còn, nhưng lúc ông tới thì nó vẫn tươi tốt: "Thân cây trắng vàng, lá xanh và láng, mùa hè cũng như mùa đông đều tươi tốt. Nhưng tới ngày lễ Niết-bàn thì rụng hết một lượt rồi hôm sau mọc ra mơn mởn. Ngày đó các vị vua chúa lại tưới sữa vào gốc cây, đốt đèn, trưng bông, lượm ít lá rồi về". Sau này người ta xây một bức tường gạch chung quanh và cất một ngôi chùa ở gần cổng bắc vòng thành.
Cạnh gốc cây có một tượng Phật. Người ta đồn có lời sấm rằng khi tượng đó bị đất lấp kín thì đạo Phật thất truyền ở Ấn Độ. Huyền Trang thấy tượng đã bị vùi tới ngực, đoán chỉ độ 200 năm sau thì bị vùi trọn. Lạ lùng thay, tới thế kỷ thứ 9, đạo Phật cực suy ở Ấn, trừ vài miền như Magadha và Bengale, không còn mấy người theo nữa.
Ông quỳ ở gốc cây, than thở, cầu nguyện rồi đi thăm cái hồ xưa của đức Thích Ca hay lại tắm, giặt, trước khi lại chùa Nâlandà (nước Magadha ) lưu học.
Ấn Độ có hàng vạn ngôi chùa mà Nâlandâ lớn nhất, đẹp nhất, cũng là trường đại học cổ nhất. Gần như một thành thị riêng biệt."
Trường đại học cổ nhất ở Ấn, trước cả các trường đại học Tây phương. Huyền Trang đến là đầu thế kỷ thứ 7, cuối thế kỷ thứ 6, khi ấy trên thế giới chưa có mấy Đại học hết. Nalanda có một trường Đại học là cao nhất, chứa cả 3.000 Tăng. Người nào muốn vào học phải qua một cuộc hạch hỏi mới vô học được, cho biết rằng Phật giáo thời đó rất thịnh hành. Chùa dựng lên 700 năm mà ngài Huyền Trang đến đó cuối thế kỷ 6, như vậy là dựng lên trước cuối thế kỷ 1 trước Tây lịch.
"Chung quanh là một bức tường gạch, ở trong có hàng chục ngôi chùa, vô số nhà ở và phòng hội họp, phòng tụng kinh. Đứng ở các hành lang nhìn ra: Nóc nhà như "bay lên trên khói", "phong vân nói ở chung quanh" mà "sen xanh rực rỡ trên dòng nước trong". Giọng văn ông khi tả cảnh đó bóng bẩy như giọng thi sĩ Trường An.
Chùa có một thư viện rất cổ và đầy đủ: Kinh Đại thừa, Tiểu thừa, Phệ đà (trên 150 bộ ), rồi sách thuốc, thiên văn, địa lý, toán, kỹ thuật... luôn luôn lúc nào cũng có mười ngàn tăng lữ lại học thuyết Đại thừa. Kỷ luật rất nghiêm, từ khi chùa dựng lên tới lúc đó, trên 700 năm, chẳng những thường dân mà các vua chúa cũng kính trọng tinh thần của tăng lữ trong chùa, chu cấp cho rất nhiều: mỗi ngày 200 gia đình đem gạo, sữa, bơ, trái cây lại cúng.
Vị sư chủ trì là Giới Hiền pháp sư (Cilabhadra), một nhà học giả uyên bác nhất thời đó, năm ấy đã 106 tuổi mà óc vẫn sáng suốt. Hay tin Huyền Trang tới, pháp sư sai 200 tăng lữ và hàng ngàn tín đồ cầm cờ phướn, dù, đem hương hoa đi đón rước. Tới chùa, Huyền Trang lại chào pháp sư; theo tục trong miền, cũng quỳ gối, đập đầu vào sàn, lạy, xin nhận làm môn đệ. Giới Hiền pháp sư cảm động đến sa lệ: "Ít tháng trước, ta đau nặng, chỉ mong được mau giải thoát. Một đêm ta nằm mộng thấy ba vị ra lệnh cho ta phải sống để đợi một Hòa thượng Trung Hoa tới mà truyền đạo cho. Bây giờ con tới đây, hợp với mộng đó lắm."
Ngài Giới Hiền là Pháp chủ và 106 tuổi thọ. Thân tứ đại đang hành hạ và ngài muốn giải thoát nhưng đêm nằm mộng thấy 3 vị thần nhân bảo là phải đợi 1 vị sư Trung Hoa đến và truyền đạo cho họ rồi mới giải thoát, thì ngài Huyền Trang tới.
"Vì quá già, từ lâu Giới Hiền pháp sư không giảng kinh nữa, lần này mới ráng giảng cho Huyền Trang bộ luận trọng yếu nhất là bộ Du Già luận".
Du-dà là luận Duy thức học, 100 cuốn.
"Ngày khai giảng, tăng lữ và tín đồ các miền chung quanh họp lại đông như ngày hội. Huyền Trang học rất tiến tới, trong số vạn sư đồ ở chùa, may lắm được 10 người theo nổi ông.
Ông ở chùa 15 tháng (634 sau C.N) học hết bộ Du Già luận và học thêm triết Bà-la-môn và Phạn ngữ, soạn được một cuốn ngữ pháp tiếng Phạn giản lược mà rất đúng.
Ông xin phép Giới Hiền pháp sư đi chu du Ấn Độ để tìm hiểu thêm các giáo phái khác, nhất là tình hình Phật giáo ở mỗi nơi.
Ông thăm xứ Bengale, xuống hải cảng Tâmralipti, trên vịnh Bengale định đóng ghe ra đảo Tích Lan, (trung tâm của phái Tiểu thừa) nhưng có kẻ khuyên ông đừng đi đường biển, vì sóng gió, ông bèn theo đường bộ, men biển mà tiến xuống Tây Nam, tới ngang đảo Tích Lan rồi sẽ đón ghe, như vậy chỉ mất ba ngày biển.
Trên đường, ông thăm xứ Odradeca, Kalinge, Andhra, Pallava (ông tới đây năm 640).
Theo René Grousset, Huyền Trang không qua đảo Tích Lan vì trong đảo đương có nội loạn và nạn đói, nhưng theo ông Trần Hà trong bài Trần Huyền Trang và chuyến thỉnh kinh lịch sử (Bách Khoa số 57, 68 và 60) thì Huyền Trang có vượt biển qua Tích Lan, chưa rõ thuyết nào đúng.
Tới cực Nam Ấn, ông theo bờ biển phía Tây, mà lên tới gần ranh giới Ấn Độ - Ba Tư, qua những xứ Mahârâshtra, Nasik, Bharukacha. Nhận xét được điều gì ông cũng ghi chép kỹ lưỡng. Mà những nhận xét đó thường rất đúng, chẳng tính tình cũng giống Mahratte ở nước Mahârâshtra (Calukya), hồi ông đi qua ra sao, thì bây giờ cũng vậy; bình dị, ngay thẳng, nhưng tự ái và nóng tính, trọng nghĩa và khinh chết hy sinh để báo ân mà mạo hiểm để báo oán, và rất đàng hoàng, báo trước cho kẻ thù biết rồi mới ra tay.
Tướng của họ mà bị cầm tù thì thà chịu chết như không chịu cái nhục để kẻ thắng bắt mình phải bận quần áo đàn bà. Giống người đó là giống thượng võ nhất ở Ấn Độ.
Những ghi chép của ông về công việc dẫn thủy nhập điền và những tơ lụa của Ba Tư cũng rất đúng, mặc dù ông qua xứ đó mà chỉ nghe người ta kể lại.
Đến cực Tây Ấn Độ sau khi khảo sát phong tục, tôn giáo, kinh điển trong các chùa khắp nơi (có chỗ ông ở lại học đạo 1, 2 năm), ông băng qua trung bộ Ấn mà qua phía đông, tới xứ Magadha và trở lại chùa Nâlandâ. Lần này ông ôn lại tất cả những điều đã học được, rồi suy nghĩ để tìm chân lý.
Giới Hiền pháp sư vẫn còn sống sai ông chủ trì cuộc diễn giảng về Nhiếp đại thừa luận. Ông Trần Hà, trong bài đã dẫn, chép rằng:
"Bây giờ nhà sư Tử Quang, cũng được xem là đệ tử hữu danh của Giới Hiền pháp sư, không phục sự chủ trì của Huyền Trang..., nhưng khi Huyền Trang viết 3.000 câu tụng "Hội tông luận" thì cả chùa Tăng chúng đều phục cả, Giới Hiền pháp sư cũng khen nức nở. Tử Quang thấy sự học của mình còn non kém, xấu hổ bỏ chùa ra đi, hơn năm sau mới trở lại.
"Cũng lúc ấy, có một người Bà-la-môn viết 40 điều lý luận đem dán trước cửa chùa Na-lan-đà, thách rằng: - Nếu ai bác được điều của ta, ta sẽ tự cắt đầu tạ lỗi.
Mấy ngày sau, vẫn chưa ai dám biện bác. Huyền Trang bèn thỉnh Giới Hiền pháp sư đến chứng kiến để ông tranh luận với người Bà-la-môn ấy. Rốt cuộc, người Bà-la-môn đuối lý và yêu cầu được làm theo lời hứa. Huyền Trang đáp: - Hòa thượng không được sát sanh.
Những truyện đó không chắc đã đúng nhưng có thể tin được. Một người đã từng trải, học rộng, bẩm tính lại ôn hòa, nhã nhặn như ông tất không hiếu thắng; nhưng trong một xứ giáo phái lộn xộn như Ấn Độ, lại được mục kích những cuộc tranh biện rất thường giữa các giáo phái, thì thế nào ông cũng phải đưa ý kiến, có khi để hòa giải, cũng có khi để vạch chỗ sai lầm. Ta đã biết, ông cũng như đa số các Hòa thượng uyên bác của Trung Hoa, thiên về Đại thừa, ông đứng ra hòa giải các tiểu phái trong giới theo Đại thừa ở Ấn, bảo rằng cái hại là do người trước chú thích kinh điển theo ý riêng của mình, nhưng cái hại đó không lớn, chẳng qua chỉ là đại đồng tiểu dị, vậy ta nên bỏ tiểu dị mà theo đại đồng cho khỏi xung đột nhau.
Đối với Tiểu thừa, ông nghiêm khắc hơn. Ông chỉ trích mạnh nhất là đạo Bà-la-môn, và những giáo phái chủ trương khổ hạnh, theo những tục kỳ cục, dã man. Có bạn lấy tro cọ vào người tới khi da trắng bệch ra cho như vậy mới đắc đạo. Có kẻ không bận quần áo, tóc lông đều nhổ hết, trần như con nhộng. Có tinh thần Khổng học, có óc lương tri, ông không chịu được những xuẩn động đó. Ông bực mình thấy những "tu sĩ" đeo vào cổ một chuỗi mảnh sọ người, hoặc bận những quần áo dính đủ các thứ dơ, ăn những thịt thối để cho "tâm hồn được giải thoát".
Vua một nước láng giềng, nước Kamarùpa (vua Cưu-ma-la nước Ca-ma-lâu-bà, hiện này là tỉnh Assam) hâm mộ tài ông, mời ông tới kinh đô giảng kinh. Nhưng đồng thời vua Harsha (vua Giới Nhật), một vị quân chủ hùng cường nhất Ấn Độ thời đó, cai trị gần hết Bắc Bộ Ấn, lại có tài văn thơ rất sùng đạo Phật, cũng muốn rước ông lại kinh đô là Kanauj (Khúc Nữ thành). Vua Kamrùpa phải phục tùng vua Harsha, bỏ chương trình của mình, rồi cùng hai vạn thớt voi, ba vạn thuyền, dẫn cả binh lính hộ tống Huyền Trang tới Karughira, chỗ vua Harsha đương cắm trại. Huyền Trang tới vào lúc tối. Nóng lòng, vua Harsha không chịu đợi đến sáng hôm sau, sai đốt đuốc rồi cùng các tướng tá đi đón. Gặp Huyền Trang, nhà vua quỳ xuống đất, hôn chân ông, đeo hoa đầy người ông. Ít bữa sau nhà vua rước ông và vua Kamarùpa về kinh đô là Kanauj (năm 643). Quân đội của hai nước lần đó họp lại; thành một cuộc rước long trọng chưa từng thấy. Tiếng chuông, tiếng trống, tiếng đờn, tiếng sáo vang lừng trên sông. Tiểu vương các nước chư hầu cũng lại tiếp rước. Tính ra có 18 quốc vương trung bộ Ấn Độ, ba ngàn tăng lữ Đại thừa và Tiểu thừa, hai ngàn Bà-la-môn và một ngàn tăng lữ ở chùa Nâlandâ tụ họp tại Kanauj để nghe ông thuyết pháp.
Đàn dựng lên rồi, tượng Phật bằng vàng đã rước lại. Tượng Phật tới đâu thì vua Harsha cho rắc vàng bạc, châu báu tới đó. Rồi tiệc dọn cho mọi người; bảo vật tặng cho tăng lữ.
Huyền Trang ngồi ghế Luận chủ, giảng về phá ác kiến luận và nhiều nguyên lý Đại thừa khác. Vua Harsha lại cho chép bài giảng của ông, đem dán ở cửa để mọi người coi, dưới bài thêm rằng hễ ai vạch được một chỗ sai thì để đền ơn, nhà vua sẽ cho người đó được chặt đầu mình. Huyền Trang đâu có muốn như vậy! Khi chính trị xen vào tôn giáo thì chân lý phải lu mờ! Được 18 ngày mà vẫn không có ai dám lại biện luận với ông cả. Vua Harsha cả mừng, tuyên bố là phái Đại thừa đã toàn thắng và tặng Huyền Trang một vạn đồng tiền vàng, ba vạn đồng tiền bạc, một trăm bộ quần áo bằng vải tốt, một thớt voi, đỡ ông lên ngồi trên bành, dạo khắp kinh đô. Tăng lữ phái Tiểu thừa và Bà-la-môn oán lắm, nhưng không dám bạo động. Vua Harsha đem hết cả châu báu của cải trong kho phân phát cho dân chúng, chỉ giữ một bộ đồ vải thô. Nhưng 18 vua chư hầu của ông ta vội vàng thu nhặt của cải trong dân gian để mua lại những bảo vật mà vua Harsha đã phân phát rồi tặng lại nhà vua. Thế là châu lại về hợp phố mà vua Harsha được tiếng khen là theo đúng bài học từ bỏ phú quí của đức Thích Ca.
Huyền Trang không phục nhưng cũng không dám chỉ trích, xin phép về Trung Quốc. Nhà vua giữ lại, các tăng lữ chùa Nâlandâ cũng khuyên ở lại. Ông đáp:
"Trung Hoa ở xa Tây Trúc, đường đi lại hiểm trở cho nên đạo Phật truyền tới trễ mà ít người hiểu được kỹ lời dạy của đức Thích Ca. Chính vì vậy nên bần tăng mới lặn lội đến đây để cầu đạo, nay đã học xong, xin được về nước để chỉ lại cho những người không được may mắn lại đất Phật như bần tăng. Bần tăng đâu dám quên lời khuyên tự giác rồi giác tha của thầy".
Vua Harsha (Giới Nhật) nghe vậy không dám cản nữa, nhưng xin cho sứ giả đưa về đường biển để có dịp trình quốc thứ lên vua Thái Tông. Ông cũng từ chối vì đã hứa với vua Cao Xương là khi về ghé nước đó ở lại ít năm: Món nợ danh dự đó không thể không trả.
Vua Harsha tặng ông nhiều bảo vật, thớt voi, sai một đoàn hộ tống ông tới biên giới Ấn, lại viết nhiều thứ thư giới thiệu ông với các vua các miền ông đã qua. Còn kinh điển và tượng Phật thì sai người chở theo. Vua Kamarùpa (Assam) cũng tặng ông một chiếc áo ngự hàn, và cùng với vua Harsha đưa ông mấy chục dặm ra khỏi thành. Lúc từ biệt ai nấy đều sa lệ.
Lòng quyến luyến của hai quốc vương đó thực cảm động. Ba ngày sau, Huyền Trang ngạc nhiên thấy một đoàn k?binh đuổi theo đi đầu là hai vua, lại tiễn thêm một đoạn đường nữa, rồi lại bùi ngùi lúc chia tay. Lần này thì vĩnh biệt. Bốn năm sau vua Harsha bị giết và một đoạn sử rực rỡ của Ấn Độ kết thúc.
Huyền Trang nghỉ ở Bilsar (phía bắc Kansuj) hai tháng trong mùa mưa năm 643, rồi đi ngược con đường cũ, qua Jàlandhara Taxila. Miền đó đầy kẻ cướp nhưng ông được yên ổn vì họ hiểu công việc thỉnh kinh của ông.
Đầu năm 644, ông qua sông Indus. Tới giữa sông, sóng nổi lên dữ dội, một chiếc thuyền nghiêng ngả, người giữ kinh té xuống nước, cứu được, nhưng mất nhiều cuốn kinh chép tay và nhiều hạt giống.
Vua nước Kapica hay tin ông tới, lại đón ông ở bờ sông, thấy vậy sai người đi chép ngay những kinh đã mất. Nhiều vua khác cũng đi xa hàng chục dặm để tiễn biệt ông vì tới đâu dân chúng cũng tiếp rước ông long trọng. Tính ra ông ở Ấn Độ 10 năm."
Ở Ấn Độ 10 năm, đi về 7 năm.
"Coi trên bản đồ, độc giả thấy tới Badakhsan ông không theo con đường cũ đưa tới Thiết Môn Quan mà rẽ qua hướng đông.
Vua Kapica đã dự bị cho ông đủ vật thực, y phục, lại sai trăm người đưa ông qua Đại Tuyết Sơn vì biết rằng quãng đường leo núi đó khó khăn nhất. Ông leo lên mất 14 ngày. Cảnh vô cùng lạnh lẽo, hoang vu; không có một ngọn cây, chỉ toàn đá chồng chất lên nhau tới hút mắt. Núi cao và gió mạnh đến nỗi chim không dám bay qua.
Hết Đại Tuyết Sơn rồi đến Thông Lĩnh. Người trong miền vì lạnh quá, sống trong hang thú vật, kể chuyện có lần hàng ngàn thương nhân và lạc đà qua đó gặp cơn bão tuyết bị vùi trọn trong tuyết. Họ lại kể có hai vị Phật sống, ngồi tham thiền, không ăn uống, không cử động, trong một cái hang từ 700 năm rồi mà da thịt chỉ khô chứ không rã. Và còn nhiều truyện quái đản hơn nữa.
Ông tới Kashgar, Yarkand (Ka-Tan), Vu điền là một tiểu quốc phong phú nhờ đất tốt, trồng dâu được. Hồi xưa Trung Hoa giữ kín cách trồng dâu và nuôi tằm vì đó là nguồn lợi rất lớn. Chắc độc giả đã biết thời Trung Cổ lục Trung Hoa chở qua Châu Âu đắt tới nỗi cứ bắt lên cân mà đổi lấy vàng. Tương truyền vua Vu Điền cưới được một công chúa Trung Hoa và công chúa đã đem lén theo được một ít hột dâu và ít con tằm làm giàu cho nước của chồng mà bí mật của Trung Hoa từ đó bị tiết lộ, truyền qua Byznace rồi Châu Âu.
Vua Vu Điền lưu ông lại bảy tháng để giảng đạo cho dân chúng nghe. Ông nhờ một đoàn thương nhân bản xứ đem giúp một tờ biểu về Trường An để xin phép triều đình được nhập cảnh (vì trước ông lén đi).
Cuối tờ biểu có đoạn:
"... (Huyền Trang tôi) chu du lịch lãm đến mười bảy năm (tính theo Trung Hoa), nay đã từ nước Bát-la-gia-già qua cõi Già-tất-thí, vượt núi Thông Lĩnh qua sông Ba mê, đi về đến nước Vu Điền. Vì có đem theo con voi lớn đi, nó chết đuối mất, kinh bản đem về rất nhiều, chưa mướn được xe chở, vậy phải tạm đình ở lại. Chưa kịp ru ruổi về để sớm yết kiến chốn hiên bệ. Khôn xiết ngóng trông. Cần sai người tục nước Cao Xương tên là Mã Huyền Trí theo bọn thương lữ đi về trước dâng biểu tâu lên vua nghe" (Đông Châu dịch - Ông Đường Tăng Huyền Trang - Nam phong số 143, tháng 10/1929).
Trong thời gian đó, ông cũng sai người đi lấy những bản kinh mà vua Kapica sai chép lại cho ông.
Tới địa phận Trung Quốc, ông ngừng lại ở Sa Châu (huyện Đôn Hoàng) để đợi chiếu chỉ của vua Đường. Triều đình mới đầu cũng bất bình vì ông dám vi lệnh, nhưng trên 10 năm đã qua, danh tiếng của ông đã lên, công của ông lớn, làm vẻ vang cho nước nhà ở những nơi xa lạ, nên vua Thái Tông được thư ông rất vui, xá tội và bắt các quan địa phương phải tiếp đón, giúp đỡ ông trên đường về.
Một ngày đầu xuân năm 645, đường phố Trường An tưng bừng già trẻ, trai gái dắt dìu nhau đi đón, hoan hô ông nhiệt liệt. Cờ, phướn, võng lọng phất phới, tiếng chuông tiếng trống vang lừng, hương khói nghi ngút, cảnh náo nhiệt còn hơn ngày Thượng nguyên. Các hòa thượng ở kinh đô họp nhau lại khiêng kinh điển, tượng Phật về chùa Hoàng Phúc.
Ông đã xa quê mười sáu năm, đi gần ba vạn cây số qua 123 nước và đem về được:
150 Xá lợi tử.
7 tượng Phật bằng gỗ quý cao từ thước tới 3 thước 50.
Và 647 bộ kinh. Và dịch xong 75 bộ 1.335 cuốn.
Ít bữa sau, ông đến thành Lạc Dương yết kiến vua ở cung Phụng Lâu, vua Thái Tông hỏi sao ông đi Tây Trúc mà không tâu trước, ông đáp:
Kẻ hạ thần đã có tâu, nhưng việc nhỏ quá cho nên không được đệ lên. Rồi vì quá mộ đạo, nên phải lẻn đi, thực mang tội lớn."
Câu trả lời quá hay, quá khôn, cho nên chúng ta cũng phải bắt chước. Nội một chuyện vi lịnh vua là một tội rất lớn, đến khi Vua hỏi trả lời sao nói cho Vua tha tội đó đi. Ngài trả lời rất khéo. Ngài cho rằng: Kẻ hạ thần đã tâu trình nhưng vì việc quá nhỏ nên không đáng để ý, không đáng đệ lên. Nói như vậy Vua cũng vừa lòng vì nó nhỏ quá, nên cũng không chấp làm gì.
"Vua chỉ mỉm cười, hỏi thăm về những nước Huyền Trang đã qua. Vua lại khuyên ông làm quan, ông từ chối.
Các nhà thám hiểm Tây phương, mười nhà như một, hễ về tới nước rồi thì xin triều đình hoặc chính phủ được đi nữa, mà người ta cũng khuyến khích họ đi, vì lần thứ nhất chỉ là để dò đường, nhưng lần sau mới là để đặt cơ sở và mưu lợi. Huyền Trang rất có thể kể tình muốn giao hiếu với Trung Quốc của các vua Cao Xương, Harsha, Kapica..., và xin Đường Thái Tông cho mình trở lại các nước đó với một bọn thương nhân, rồi sau với một số quân đội để khuếch trương đế quốc Trung Hoa như chính sách của Bồ, Ý, Hòa, Anh, Pháp sau này".
Nhưng không. Lòng ông đâu ti tiểu như vậy!"
Các nhà thám hiểm kia không phải đi thám hiểm không đâu, họ lấy tiền của của nước họ, họ tới chỗ nào thì để ý và sau dẫn quân tới xâm chiếm nước đó. Ngài Huyền Trang thì không. Nếu là người khác thì có thể xúi Vua Trung Hoa tới giao hảo hòa hiếu sau đó đem quân xâm chiếm. Nhưng lòng ông không có ti tiện, ti tiện như những nhà thám hiểm phương Tây.
"Từ chối hết tất cả danh vọng, ông chỉ nghĩ đến việc dịch những kinh ông đã thỉnh ở Ấn Độ về phổ biến trong quần chúng. Ta quí ông ở chỗ đó, ông được ngồi riêng một chiếu trong hàng vĩ nhân thế giới cũng ở chỗ đó. Mà công việc dịch kinh của ông cũng vĩ đại như chuyến thỉnh kinh đã làm cho đạo Phật truyền bá rất mau, rất rộng trong cõi Đông Á, đã làm cho tiếng tăm đời Đường chói lọi trong lịch sử nhân loại.
Mới về nước được hơn một tháng, ông bắt đầu ngay công việc dịch kinh đại qui mô và mãi miết làm luôn 19 năm cho tới khi chết.
Ta đã phục óc khoa học của ông khi đọc những trang du ký, trong đó ông ghi chép rất đúng và rất tỉ mỉ từ địa thế, khí hậu tới dân tình, phong tục..., các miền ông đi qua; ta lại càng thán phục hơn nữa khi thấy ông tổ chức công cuộc dịch thuật rất có phương pháp, rất chu đáo, tưởng như ngày nay, trong thời đại khoa học này cũng chưa chắc có cơ quan văn hóa làm hơn được. Ông về chùa Hoàng Phúc ở Trường An, mời các vị cao tăng thông cả Hoa ngữ lẫn Phạn ngữ lại hợp tác với ông.
Bắt đầu là phiên âm những từ ngữ Phạn về triết lý ra tiếng Hán, ghi nghĩa từ ngữ, rồi tìm trong Hoa ngữ những từ ngữ để dịch cho đúng, nếu không có thì tạo ra.
Sau đó là chia nhau ra dịch, nếu ai gặp một chỗ nghi vấn thì hỏi những vị "dịch chủ", tức ai gặp một chỗ nghi chủ yếu, học thức uyên thâm.
Dịch xong cuốn nào thì một người đọc bản chữ Phạn, một người dò trong bản Hoa xem có chỗ nào dịch chưa sát không; nếu có thể thì bàn bạc lại với dịch chủ để sửa chữa.
Rồi còn lại một lần nữa về cách chia tiết, chương, đoạn và cách chấm câu xem có đúng không. Công việc này có thể làm ngay sau công việc dịch, trước công việc dò nghĩa.
Tiếp tới việc đẽo gọt lại câu văn.
Sau cùng lại so sánh cả hai bản nguyên văn và dịch văn lại một lần nữa, xem thật đúng và điêu luyện chưa.
Huyền Trang lãnh việc dịch những kinh khó nhất và chỉ huy công việc dịch những kinh khác. Trong ba năm đầu, ông dịch được chín loại kinh (trong số đó có hai bộ Đại Bồ tát Tạng kinh và Phật Địa kinh); năm 648, ông đem dâng vua Thái Tông ở Ngọc Hoa cung.
Nhà vua ngự chế bài tựa "Đại Đường Tam Tạng Thỉnh Giáo Tự", rồi sai một vị Hòa thượng dùng lối chữ Vương Hy Chi chép lại để khắc lên bia. Một nhà đại thư pháp Chữ Toại Lương cũng sao lại hai bản, một bản khắc lên Nhạn Tháp của chùa Từ Ân, một bản tại Đồng Châu, hiện hai bia đá có vẫn còn (theo Trần Hà).
Đây là một đoạn trong bài tự:
"Nay có thầy Huyền Trang pháp sư là kẻ lãnh tụ chốn pháp môn. Nhỏ đã linh mẫn, tâm tam không, sớm tỉnh ngộ từ xưa, lớn lên lại thần tình, hạnh tứ nhẫn trước bao hàm đủ cả (...), lưu tâm cõi Nội từng thương chính pháp suy tư, để ý cửa huyền, lại khái thâm văn sai huyễn. Nghĩa muốn chia điều tách lẽ, thêm rộng riền văn; diệt ngụy tục chân, khai cho hậu học. Vậy nên ngóng đất Tỉnh qua chơi cõi Tây, mạo hiểm xa đi, một mình vò võ (...). Chu du Tây vực, mười lẻ bảy năm, duyệt lịch nước người, hỏi tìm chánh giáo (...). Những nước kinh lịch đã qua, tóm thu được tam tạng kinh văn, phàm sáu trăm năm mươi bảy bộ, đem về dịch ra truyền bá nơi Trung Quốc, để tuyên dương thắng nghiệp. Thánh giáo khuyết mà lại tròn, thương sinh tội mà lại phúc. Tưới tắt ngọn lửa nồng Hỏa trạch, tót ra khỏi đường mê; lắng trong luồng sóng đục Ái-hà, cùng bước lên bờ giác. Thế mới biết ác nhân nghiệp trụy, thiện bởi duyên thăng, cái cớ thăng hay trụy đều bởi tại người cả (...). Những mong kinh này thì khắp, trải bao nhật nguyệt vô cùng phúc nợ nhuần xa, cùng với kiền khôn rộng khắp, ĐÔNG CHÂU dịch. (Tài liệu dẫn trên).
Tháng 10 năm đó, Hoàng thái tử cho xây chùa Từ Ân ở Trường An và một viện dịch kinh trong sân chùa, mới Huyền Trang dời ban phiên dịch về đó.
Năm sau ông dịch mười bộ nữa. Năm 660, ông bắt đầu dịch bộ kinh lớn nhất và khó nhất, bộ Đại bát nhã kinh. Môn đệ thấy sức ông đã yếu mà kinh lại dài, đề nghị dịch tóm lại, ông không chịu, cho như vậy là cẩu thả, làm hại đến nguyên ý. Ông quyết tâm dịch sát, không thêm bớt. Tốn công nhất là phải tham khảo trước khi dịch. Vì có ba bản Đại bát nhã kinh khác nhau, đều mang ở Ấn Độ về. Gặp mỗi chỗ đáng nghi ông suy nghĩ, so sánh rồi mới dám hạ bút. Tới cuối năm 663, ông đã dịch được sáu trăm quyển.
Ngoài ra ông có để lại cho hậu thế được ba công trình này nữa:
Bản dịch Đạo Đức kinh ra chữ Phạn để giới thiệu triết học Trung Quốc với Ấn Độ.
Viết bộ Đại Đường Tây Vực ký, gồm 12 quyển chép hết những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến thỉnh kinh qua 128 nước. Bộ này chứa những tài liệu rất quí cho các nhà khảo cổ Ấn Độ và Trung Á sau này, được dịch ra nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Nhật, Đức... và đã giúp các học giả Ấn Độ sửa lại nhiều điều sai lầm trong lịch sử của họ về thế kỷ thứ 7.
Đặc biệt nhất là bản dịch Đại thừa Khởi Tín luận từ Hoa ngữ ngược về Phạn ngữ. Nguyên bản chữ Phạn của Ấn Độ đã thất lạc từ lâu, nhưng ở Trung Hoa còn giữ được bản dịch ra chữ Hán; bây giờ ông dịch ngược lại để đền ơn những tôn sư và bạn thân Ấn đã niềm nở dạy bảo hoặc tiếp đón ông (theo Trần Hà).
Để thực hành sự nghiệp vĩ đại đó, ông tổ chức đời sống một cách nghiêm khắc. Mỗi buổi sáng ông lập chương trình phải dịch bao nhiêu tờ, nếu ngày làm không xong thì đêm phải thức để làm nốt, không được chậm trễ. Thường canh ba ông mới đi nghỉ, canh năm đã dậy, thuyết pháp cho trên 100 môn đệ, rồi lại dịch; ngày nào như ngày nấy, năm này qua năm khác, luôn 19 năm. Nghị lực cùng sức làm việc của ông thực kinh thiên.
Như tôi đã nói, trước Huyền Trang đã có vài người như Cưu-ma-la-thập dịch kinh Phật. Sau ông, Nghĩa Tịnh qua Ấn thỉnh thêm được bốn trăm bộ kinh nữa, nhưng dịch không được mấy. Ta có thể nói trước sau, hai phần ba công dịch kinh Phật là về ông.
Theo Lương Khải Siêu công việc đó chẳng những làm cho đạo Phật phát triển mạnh ở khắp Đông Á mà còn ảnh hưởng lớn đến ngôn ngữ và văn học Trung Hoa.
Từ ngữ Trung Hoa đã giàu thêm được ba vạn rưỡi tiếng, căn cứ vào bộ Phật giáo đại từ điển. Có những tiếng dịch ôm tiếng Phạn như Niết-bàn, Sát-na (một thời gian rất ngắn), phù hộ (chùa Phật); có tiếng dịch nghĩa tiếng Phạn như: Vô minh, chúng sinh, nhân duyên, chân như... Mà thêm được 35.000 tiếng là thêm được 35.000 ý niệm.
Văn bạch thoại phát đạt vì lẽ khi dịch người ta lựa những tiếng bình dị cho dễ hiểu, do đó, bỏ cổ văn, dùng bạch thoại.
Văn thể thay đổi. Phạn ngữ và Hoa ngữ khác nhau. Nhờ công việc dịch mà có sự tiếp xúc, dung hòa giữa hai ngôn ngữ. Chẳng hạn như kinh Phật, không dùng hư từ, đối ngẫu mà rất hay đổi trang..., đặc điểm đó ảnh hưởng một phần đến văn học đời Đường, nhất là về phương diện âm vận.
- Văn nhân Trung Hoa vốn ít tưởng tượng mà hay đọc thuyết lý, nhờ đọc những truyện tân kỳ trong kinh Phật mà bắt chước viết những tiểu thuyết thần quái. Như bộ Sưu Thần Ký, và những truyện Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng sau này đều chịu ảnh hưởng của các kinh Đại Trang Nghiêm, Niết-bàn.
Có văn nhân thi sĩ nào ở đời Đường và cả những đời sau mà ảnh hưởng lớn đến bực đó không?
Nhưng đã đến lúc Huyền Trang thấy sức suy lần, tự biết không còn sống được bao lâu nữa. Ông nhớ họ hàng, làng mạc. Các ông anh đã qui tiên cả, chỉ còn một bà em. Ông về quê, mừng mừng tủi tủi cùng với em đi tảo mộ tổ tiên. Vẫn còn cái tinh thần của một nhà nho, mặc dù đã trên bốn mươi năm hy sinh cho đạo Phật. Tâm hồn ấy đẹp quá.
Một hôm, ông dặn dò đệ tử: "Đời này sắp hết. Thầy nằm xuống thì đừng bày vẽ gì cả đấy nhé. Quấn thây trong một chiếc chiếu rồi chôn trong một thung lũng, chỗ nào vắng vẻ, tịch mịch nhé?". Trước khi tịch ông như bừng tỉnh, nói: "Ta thấy một bông sen lớn ở trước mắt, tươi đẹp lạ lùng!". Ba mươi lăm năm trước ông thấy một bông sen đưa ông từ biển cả đến ngọn núi Phật, bông sen lần này sẽ đưa ông lên cõi Phật.
Ông tịch ngày mùng 5 tháng 2 năm Lân Đức nguyên niên (644). Ngày 14 tháng 4, một triệu người ở Trường An và tứ xứ lại đưa linh cửu ông tới an táng ở Bạch Lộc Nguyên [*]. Vua Thái Tông lúc đó đã băng; Vua Cao Tông khóc ông và ra lệnh cho đám táng cử hành rất long trọng. Sau đó, ba vạn người đến cất nhà cư tang ở bên mộ. Trong lịch sử nhân loại, từ xưa đến nay, chưa ai được cái vinh dự ấy".
[*] Theo Roné Grosset thì ở chùa Từ Ân. Có sách nói là ở chùa tây Minh. Bạch Lộc Nguyên là một khu đất ở gần chùa Từ Ân chăng?
Trước khi chết, ngài Huyền Trang dặn, khi chết chỉ cuốn trong chiếu mà chôn. Đây là điều ta cần học. Mình đâu có vĩ nhân thông minh bằng ngài, đâu có khí tiết bằng ngài. Cái gì cũng thua hết. Thậm chí ngài còn dặn, đừng chôn gần, chôn ở chỗ vắng vẻ để khỏi ô uế.
Trước khi đi thỉnh Kinh cũng thấy bông sen. Bây giờ nhập diệt cũng thấy bông sen.

---o0o---
 Source: www.buddhismtoday.comTrình bày: Nhị Tường
Cập nhật ngày: 05-10-2001

Xuanzang

From Wikipedia, the free encyclopedia
This article is about the historical Buddhist monk. For the upcoming film, see Monk Xuanzang (film). For the fictional character inJourney to the West, see Xuanzang (character).
Xuanzang (Hieun Tsang)
Xuanzang w.jpg
A portrait of Xuanzang
Bornc. 602
China
Died664
OccupationScholar, traveler and translator
ReligionBuddhism
Xuanzang
Chinese name
Chinese玄奘
Chen Hui[1]
Traditional Chinese陳褘
Simplified Chinese陈袆
Chen Yi
Traditional Chinese陳禕
Simplified Chinese陈祎
Sanskrit name
Sanskritह्वेनसांग
Xuanzang (Chinese玄奘Wade–GilesHsüan-tsang; c. 602 – 664), born Chen Hui orChen Yi (Chen I), was a Chinese Buddhist monk, scholar, traveller, and translator who described the interaction between China and India in the early Tang dynasty. Born in what is now Henan province around 602, from boyhood he took to reading religious books, including the Chinese classics and the writings of ancient sages.
While residing in the city of Luoyang, Xuanzang was ordained as a śrāmaṇera (novice monk) at the age of thirteen. Due to the political and social unrest caused by the fall of the Sui dynasty, he went to Chengdu in Sichuan, where he was ordained as a bhikṣu (full monk) at the age of twenty. He later travelled throughout China in search of sacred books of Buddhism. At length, he came to Chang'an, then under the peaceful rule of Emperor Taizong of Tang, Xuanzang developed the desire to visit India. He knew about Faxian's visit to India and, like him, was concerned about the incomplete and misinterpreted nature of the Buddhist texts that had reached China.
He became famous for his seventeen-year overland journey to India, which is recorded in detail in the classic Chinese text Great Tang Records on the Western Regions, which in turn provided the inspiration for the novel Journey to the West written by Wu Cheng'en during theMing dynasty, around nine centuries after Xuanzang's death.[2]

Nomenclature, orthography and etymology[edit]

NamesXuanzangTang SanzangXuanzang SanzangXuanzang DashiTang Seng
Traditional
Chinese
玄奘唐三藏玄奘三藏玄奘大師唐僧
Simplified
Chinese
玄奘唐三藏玄奘三藏玄奘大师唐僧
PinyinXuánzàngTáng SānzàngXuánzàng SānzàngXuánzàng DàshīTáng Sēng
Wade–GilesHsüan-tsangT'ang San-tsangHsüan-tsang
San-tsang
Hsüan-tsang
Ta-shih
T'ang Tseng
Jyutping
(Cantonese)
Jyun4 Zong6Tong4 Saam1
Zong6
Jyun4 Zong6
Saam1 Zong6
Jyun4 Zong6
Daai6 Si1
Tong4 Zang1
VietnameseHuyền TrangĐường Tam
Tạng
Huyền Trang
Tam Tạng
Huyền Trang
Đại Sư
Đường Tăng
JapaneseGenjōTō-SanzōGenjō-sanzōGenjō-daishiTōsō
KoreanHyeon JangDang-samjangHyeonjang-samjangHyeonjang-daesaDangseung
MeaningTang Dynasty
Tripiṭaka Master
Tripiṭaka Master
Xuanzang
Great Master
Xuanzang
Tang Dynasty Monk
Less common romanizations of "Xuanzang" include Hhuen Kwan, Hiouen Thsang, Hiuen Tsang, Hiuen Tsiang, Hsien-tsang, Hsyan-tsang, Hsuan Chwang, Hsuan Tsiang, Hwen Thsang, Xuan Cang, Xuan Zang, Shuen Shang, Yuan Chang, Yuan Chwang, and Yuen Chwang.Hsüan, Hüan, Huan and Chuang are also found.
Tang Monk (Tang Seng) is also transliterated /Thang Seng/.[3]
Another of Xuanzang's standard aliases is Sanzang Fashi (simplified Chinese玄奘法师traditional Chinese玄奘法師pinyin:Sānzàngfǎshī; literally: "Sanzang Dharma (or Law) Teacher"):  being a Chinese translation for Sanskrit "Dharma" or Pali/PakritDhamma, the implied meaning being "Buddhism".
"Sanzang" is the Chinese term for the Buddhist canon, or Tripiṭaka, and in some English-language fiction and English translations ofJourney to the West, Xuanzang is addressed as "Tripitaka."[citation needed]

Early life[edit]

Xuanzang's former residence in Chenhe Village near LuoyangHenan.
Xuanzang was born Chen Hui (or Chen Yi) around 602 in Chenhe Village, Goushi Town (Chinese緱氏鎮), Luozhou (near present-dayLuoyangHenan) and died on 5 February 664[4]in Yuhua Palace (玉華宮, in present-dayTongchuanShaanxi). His family was noted for its erudition for generations, and Xuanzang was the youngest of four children. His ancestor wasChen Shi (陳寔, 104-186), a minister of theEastern Han dynasty. His great-grandfather Chen Qin (陳欽) served as the prefect of Shangdang (上黨; present-day ChangzhiShanxi) during the Eastern Wei; his grandfather Chen Kang (陳康) was a professor in the Taixue (Imperial Academy) during the Northern Qi. His father Chen Hui (陳惠) was a conservative Confucian who served as the magistrate of Jiangling County (江陵縣) during the Sui dynasty, but later gave up office and withdrew into seclusion to escape the political turmoil that gripped China towards the end of the Sui. According to traditional biographies, Xuanzang displayed a superb intelligence and earnestness, amazing his father by his careful observance of the Confucian rituals at the age of eight. Along with his brothers and sister, he received an early education from his father, who instructed him in classical works on filial piety and several other canonical treatises of orthodox Confucianism.
Although his household was essentially Confucian, at a young age, Xuanzang expressed interest in becoming a Buddhist monk like one of his elder brothers. After the death of his father in 611, he lived with his older brother Chén Sù (Chinese陳素) (later known as Zhǎng jiéChinese長捷) for five years at Jingtu Monastery (Chinese淨土寺) in Luoyang, supported by the Sui state. During this time he studiedMahayana as well as various early Buddhist schools, preferring the former.
In 618, the Sui Dynasty collapsed and Xuanzang and his brother fled to Chang'an, which had been proclaimed as the capital of the Tang dynasty, and thence southward to ChengduSichuan. Here the two brothers spent two or three years in further study in the monastery ofKong Hui, including the Abhidharma-kośa Śāstra. When Xuanzang requested to take Buddhist orders at the age of thirteen, the abbotZheng Shanguo made an exception in his case because of his precocious knowledge.
Xuanzang was fully ordained as a monk in 622, at the age of twenty. The myriad contradictions and discrepancies in the texts at that time prompted Xuanzang to decide to go to India and study in the cradle of Buddhism. He subsequently left his brother and returned to Chang'an to study foreign languages and to continue his study of Buddhism. He began his mastery of Sanskrit in 626, and probably also studied Tocharian. During this time, Xuanzang also became interested in the metaphysical Yogacara school of Buddhism.

Pilgrimage[edit]

An illustration of Xuanzang from Journey to the West, a fictional account of travels.
In 629, Xuanzang reportedly had a dream that convinced him to journey to India. Tang China and the Göktürks were at war at the time and Emperor Taizong of Tang had prohibited foreign travel. Xuanzang persuaded some Buddhist guards at Yumen Pass and slipped out of the empire through Liangzhou (Gansu) and Qinghai in 629.[5] He subsequently travelled across the Gobi Desert to Kumul (modern Hami City), thence following the Tian Shanwestward, arriving in Turpan in 630. Here he met the king of Turpan, a Buddhist who equipped him further for his travels with letters of introduction and valuables to serve as funds.
Moving further westward, Xuanzang escaped robbers to reach Karasahr, then toured the non-Mahayana monasteries of Kucha. Further west he passed Aksu before turning northwest to cross the Tian Shan's Bedel Pass into modern Kyrgyzstan. He skirted Issyk Kulbefore visiting Tokmak on its northwest, and met the great Khan of the Göktürks, whose relationship to the Tang emperor was friendly at the time. After a feast, Xuanzang continued west then southwest to Tashkent, capital of modern Uzbekistan. From here, he crossed the desert further west to Samarkand. In Samarkand, which was under Persian influence, the party came across some abandoned Buddhist temples and Xuanzang impressed the local king with his preaching. Setting out again to the south, Xuanzang crossed a spur of thePamirs and passed through the famous Iron Gates. Continuing southward, he reached theAmu Darya and Termez, where he encountered a community of more than a thousand Buddhist monks.
Further east he passed through Kunduz, where he stayed for some time to witness the funeral rites of Prince Tardu, who had been poisoned. Here he met the monk Dharmasimha, and on the advice of the late Tardu made the trip westward to Balkh (modernAfghanistan), to see the Buddhist sites and relics, especially the Nava Vihara, which he described as the westernmost vihara in the world. Here Xuanzang also found over 3,000 non-Mahayana monks, including Prajnakara (般若羯羅 or 慧性),[6] a monk with whom Xuanzang studied early Buddhist scriptures. He acquired the important text of the Mahāvibhāṣa (Chinese大毗婆沙論) here, which he later translated into Chinese.
Prajñakara then accompanied the party southward to Bamyan, where Xuanzang met the king and saw tens of non-Mahayana monasteries, in addition to the two large Buddhas of Bamiyan carved out of the rockface. The party then resumed their travel eastward, crossing the Shibar Pass and descending to the regional capital of Kapisi (about 60 kilometres (37 mi) north of modern Kabul), which sported over 100 monasteries and 6000 monks, mostly Mahayana. This was part of the fabled old land of Gandhara. Xuanzang took part in a religious debate here, and demonstrated his knowledge of many Buddhist schools. Here he also met the first Jains and Hindu of his journey. He pushed on to Adinapur[7] (later named Jalalabad) and Laghman, where he considered himself to have reached India. The year was 630.

India[edit]

Xuanzang Memorial Hall in Nalanda, Bihar, India.
Xuanzang left Adinapur, which had few Buddhist monks, but many stupas and monasteries. His travels included, passing through Hunza and the Khyber Pass to the east, reaching the former capital of GandharaPurushapura (Peshawar), on the other side. Peshawar was nothing compared to its former glory, and Buddhism was declining in the region. Xuanzang visited a number of stupas around Peshawar, notably the Kanishka Stupa. This stupa was built just southeast of Peshawar, by a former king of the city. In 1908, it was rediscovered byD.B. Spooner with the help of Xuanzang's account.
Xuanzang left Peshawar and travelled northeast to the Swat Valley (the location of Oḍḍiyāna is disputed between Swat valley and Odisha). Reaching Oḍḍiyāna, he found 1,400 old monasteries, that had previously supported 18,000 monks. The remnant monks were of theMahayana school. Xuanzang continued northward and into the Buner Valley, before doubling back via Shahbaz Garhi to cross the Indus river at Hund. Thereafter he headed to Taxila (呾叉始羅), a Mahayana Buddhist kingdom that was a vassal of Kashmir, which is precisely where he headed next. Here he found 5,000 more Buddhist monks in 100 monasteries. He went to Kashmir in 631, met a talented monk Samghayasas (僧伽耶舍), and studied there. Between 632 and early 633, he studied with various monks, including 14 months with Vinītaprabha (毘膩多缽臘婆 or 調伏光), 4 months with Candravarman (旃達羅伐摩 or 月胃), and "a winter and half a spring" with Jayagupta (闍耶毱多). During this time, Xuanzang writes about the Fourth Buddhist council that took place nearby, ca. 100 AD, under the order of King Kanishka of Kushana. He visited Chiniot and Lahore as well and provided the earliest writings available on the ancient cities. In 634, Xuanzang arrived in Matipura (秣底補羅), nowadays known as Mandawar.[6]
Travel route of Xuanzang in India
In 634, he went east to Jalandhar in eastern Punjab, before climbing up to visit predominantly non-Mahayana monasteries in the Kulu valley and turning southward again to Bairat and then Mathura, on the Yamuna river. Mathura had 2,000 monks of both major Buddhist branches, despite being Hindu-dominated. Xuanzang travelled up the river to Shrughna, also mentioned in the works ofUdyotakara, before crossing eastward to Matipura, where he arrived in 635, having crossed the river Ganges. At Matipura Monastery, Xuanzang studied under Mitrasena.[8] From here, he headed south to Sankasya (Kapitha), said to be where Buddha descended from heaven, then onward to Kannauj, the grand capital of the Empire of Harsha under the northern Indian emperorHarsha. It is believed he also visited Govishan present day Kashipur in the Harsha era, in 636, Xuanzang encountered 100 monasteries of 10,000 monks (both Mahayana and non-Mahayana), and was impressed by the king's patronage of both scholarship and Buddhism. Xuanzang spent time in the city studying early Buddhist scriptures, before setting off eastward again for Ayodhya(Saketa), homeland of the Yogacara school. Xuanzang now moved south to Kausambi (Kosam), where he had a copy made from an important local image of the Buddha.
Xuanzang now returned northward to Sravasti, travelled through Terai in the southern part of modern Nepal (here he found deserted Buddhist monasteries) and thence to Kapilavastu, his last stop before Lumbini, the birthplace of Buddha.
Xuan Zang, Dunhuang cave, 9th century
In 637, Xuanzang set out from Lumbini to Kusinagara, the site of Buddha's death, before heading southwest to the deer park at Sarnath where Buddha gave his first sermon, and where Xuanzang found 1,500 resident monks. Travelling eastward, at first via Varanasi, Xuanzang reached Vaisali,Pataliputra (Patna) and Bodh Gaya. He was then accompanied by local monks to Nalanda, the greatest Indian university of Indian state of Bihar, where he spent at least the next two years. He was in the company of several thousand scholar-monks, whom he praised. Xuanzang studiedlogicgrammarSanskrit, and the Yogacara school of Buddhism during his time at NalandaRené Grousset notes that it was at Nalanda (where an "azure pool winds around the monasteries, adorned with the full-blown cups of the blue lotus; the dazzling red flowers of the lovely kanaka hang here and there, and outside groves of mango trees offer the inhabitants their dense and protective shade") that Xuanzang met the venerable Silabhadra, the monastery's superior.[9]Silabhadra had dreamt of Xuanzang's arrival and that it would help spread far and wide the Holy Law.[10] Grousset writes: "The Chinese pilgrim had finally found the omniscient master, the incomparable metaphysician who was to make known to him the ultimate secrets of the idealist systems...The founders of Mahayana idealism, Asanga and Vasubandhu...Dignaga...Dharmapala had in turn trained Silabhadra. Silabhadra was thus in a position to make available to the Sino-Japanese world the entire heritage of Buddhist idealism, and the Siddhi Xuanzang's great philosophical treatise...is none other than the Summa of this doctrine, the fruit of seven centuries of Indian [Buddhist] thought."[11]
From Nalanda, Xuanzang travelled through several countries, including Pundranagara, to the capital of Pundravardhana, identified with modern Mahasthangarh, in Bangladesh. There Xuanzang found 20 monasteries with over 3,000 monks studying both the Hinayana and the Mahayana. One of them was the Vāśibhã Monastery (Po Shi Po), where he found over 700 Mahayana monks from all over East India.[12][13] He also visited Somapura Mahavihara at Paharpur in the district of Naogaon, Bangladesh.
After crossing the Karatoya, he went east to the ancient city of Pragjyotishpura in the kingdom of Kamarupa at the invitation of its Hindu king Kumar Bhaskar Varman and spent three months in the region. He gives detailed account about culture and people of Kamrup. Later, the king escorted Xuanzang back to the Kannauj at the request of king Harshavardhana, who was an ally of Kumar Bhaskar Varman, to attend a great Buddhist council there which was attended by both of the kings.
Xuanzang turned southward and travelled to Andhradesa to visit the Viharas at Amaravati and Nagarjunakonda. He stayed at Amaravati and studied 'Abhidhammapitakam'. He observed that there were many Viharas at Amaravati and some of them were deserted. He later proceeded to Kanchi, the imperial capital of Pallavas and a strong centre of Buddhism.
Traveling through the Khyber Pass of the Hindu Kush, Xuanzang passed through KashgarKhotan, and Dunhuang on his way back to China. He arrived in the capital, Chang'an, on the seventh day of the first month of 645, and a great procession celebrated his return.[14]

Return to China[edit]

On his return to China in AD 645, Xuanzang was greeted with much honor but he refused all high civil appointments offered by the still-reigning emperor, Emperor Taizong of Tang. Instead, he retired to a monastery and devoted his energy in translating Buddhist texts until his death in AD 664. According to his biography, he returned with, "over six hundred Mahayana and Hinayana texts, seven statues of the Buddha and more than a hundred sarira relics."[15]

Chinese Buddhism (influence)[edit]

Statue of Xuanzang at the Great Wild Goose Pagoda in Xi'an
During Xuanzang's travels, he studied with many famous Buddhist masters, especially at the famous center of Buddhist learning at Nālanda University. When he returned, he brought with him some 657 Sanskrit texts. With the emperor's support, he set up a large translation bureau in Chang'an (present-day Xi'an), drawing students and collaborators from all overEast Asia. He is credited with the translation of some 1,330 fascicles of scriptures into Chinese. His strongest personal interest in Buddhism was in the field of Yogācāra (瑜伽行派), or Consciousness-only (唯識).
The force of his own study, translation and commentary of the texts of these traditions initiated the development of the Faxiang school (法相宗) in East Asia. Although the school itself did not thrive for a long time, its theories regarding perceptionconsciousnessKarma,rebirth, etc. found their way into the doctrines of other more successful schools. Xuanzang's closest and most eminent student was Kuiji (窺基) who became recognized as the first patriarch of the Faxiang school. Xuanzang's logic, as described by Kuiji, was often misunderstood by scholars of Chinese Buddhism because they lack the necessary background in Indian logic.[16] Another important disciple was the Korean monk Woncheuk.
Xuanzang was known for his extensive but careful translations of Indian Buddhist texts to Chinese, which have enabled subsequent recoveries of lost Indian Buddhist texts from the translated Chinese copies. He is credited with writing or compiling the Cheng Weishi Lunas a commentary on these texts. His translation of the Heart Sutra became and remains the standard in all East Asian Buddhist sects. He also founded the short-lived but influential Faxiang school of Buddhism. Additionally, he was known for recording the events of the reign of the northern Indian emperor, Harsha.

The Perfection of Wisdom Sutra[edit]

Statue of Xuanzang. Great Wild Goose Pagoda, Xi'an.
Xuanzang returned to China with three copies of the Mahaprajnaparamita Sutra.[17] Xuanzang, with a team of disciple translators, commenced translating the voluminous work in 660 CE, using all three versions to ensure the integrity of the source documentation.[17] Xuanzang was being encouraged by a number of his disciple translators to render an abridged version. After a suite of dreams quickened his decision, Xuanzang determined to render an unabridged, complete volume, faithful to the original of 600 chapters.[18]

Autobiography and biography[edit]

In 646, under the Emperor's request, Xuanzang completed his book Great Tang Records on the Western Regions (大唐西域記), which has become one of the primary sources for the study ofmedieval Central Asia and India.[19] This book was first translated into French by the SinologistStanislas Julien in 1857.
There was also a biography of Xuanzang written by the monk Huili (慧立). Both books were first translated into English by Samuel Beal, in 1884 and 1911 respectively.[20][21] An English translation with copious notes by Thomas Watters was edited by T.W. Rhys Davids andS.W. Bushell, and published posthumously in London in 1905.

Legacy[edit]

Xuanzang Temple in Taiwan
Statue of Xuanzang at Longmen GrottoesLuoyang
Xuanzang's work, the Great Tang Records on the Western Regions, is the longest and most detailed account of the countries of Central and South Asia that has been bestowed upon posterity by a Chinese Buddhist pilgrim. While his main purpose was to obtain Buddhist books and to receive instruction on Buddhism while in India, he ended up doing much more. He has preserved the records of political and social aspects of the lands he visited.
His record of the places visited by him in Bengal — mainly Raktamrittika near Karnasuvarna,Pundranagara and its environs, Samatata and Tamralipti — have been very helpful in the recording of the archaeological history of Bengal. His account has also shed welcome light on the history of 7th century Bengal, especially the Gauda kingdom under Shashanka, although at times he can be quite partisan.
Xuanzang obtained and translated 657 Sanskrit Buddhist works. He received the best education on Buddhism he could find throughout India. Much of this activity is detailed in the companion volume to Xiyu Ji, the Biography of Xuanzang written by Huili, entitled the Life of Xuanzang.
His version of the Heart Sutra is the basis for all Chinese commentaries on the sutra, and recitations throughout China, Korea and Japan.[22] His style was, by Chinese standards, cumbersome and overly literal, and marked by scholarly innovations in terminology; usually, where another version by the earlier translator Kumārajīva exists, Kumārajīva's is more popular.[22]
Xuanzang's journey along the so-called Silk Road, and the legends that grew up around it, inspired the Ming novel Journey to the West, one of the great classics of Chinese literature. The Xuanzang of the novel is the reincarnation of the Golden Cicada, a disciple of Gautama Buddha, and is protected on his journey by three powerful disciples. One of them, the monkey, was a popular favorite and profoundly influenced Chinese culture and contemporary Japanese manga and anime (including the popular Dragon Ball and Saiyuki series), and became well known in the West byArthur Waley's translation and later the cult TV series Monkey.
In the Yuan Dynasty, there was also a play by Wu Changling (吳昌齡) about Xuanzang obtaining scriptures.

Relics[edit]

A skull relic purported to be that of Xuanzang was held in the Temple of Great CompassionTianjin until 1956 when it was taken toNalanda - allegedly by the Dalai Lama - and presented to India. The relic is now in the Patna Museum. The Wenshu Monastery inChengduSichuan province also claims to have part of Xuanzang's skull.
Part of Xuanzang's remains were taken from Nanjing by soldiers of the Imperial Japanese Army in 1942, and are now enshrined atYakushi-ji in Nara, Japan.[23]

Works[edit]

  • Watters, Thomas (1904). On Yuan Chwang's Travels in India, 629-645 A.D. Vol.1. Royal Asiatic Society, London. Volume 2. Reprint. Hesperides Press, 1996. ISBN 978-1-4067-1387-9.
  • Beal, Samuel (1884). Si-Yu-Ki: Buddhist Records of the Western World, by Hiuen Tsiang. 2 vols. Translated by Samuel Beal. London. 1884. Reprint: Delhi. Oriental Books Reprint Corporation. 1969. Vol. 1 (PDF 21.5 MB) Vol. 2 (PDF 16.9 MB)
  • Julien, Stanislas, (1857/1858). Mémoires sur les contrées occidentales, L'Imprimerie impériale, Paris. Vol.1 Vol.2
  • Li, Rongxi (translator) (1995). The Great Tang Dynasty Record of the Western Regions. Numata Center for Buddhist Translation and Research. Berkeley, California. ISBN 1-886439-02-8

No comments:

Post a Comment