Mạnh Tử nói: “Những người quân tử ngày xưa, sai lầm của họ hệt như nhật thực nguyệt thực, từng người dân đều nhìn thấy rõ. Khi họ sửa chữa rồi, ai nấy đều ngẩng đầu ngưỡng mộ”. (Cổ chi quân tử, kỳ quá dã, như nhật nguyệt chi thực, dân giai kiến chi. Cập kỳ cánh dã, dân giai ngưỡng chi). Nhật thực và nguyệt thực vốn là hiện tượng thiên nhiên. Tuy nhiên, người xưa coi chúng là điềm gỡ và tranh nhau đi cầu thần bói quẻ. Khi mặt trời mặt trăng khôi phục ánh sáng, kẻ trên người dưới cùng thở phào nhẹ nhõm, ca hát nhảy múa chúc mừng. Ánh sáng của mặt trời mặt trăng ví như người quân tử có đạo đức, từng lời nói từng hành động của họ đều khiến người ngưỡng mộ. Nhật thực hay nguyệt thực ví như đức hạnh của người quân tử có vết nhơ. Tuy nhiên, người quân tử không cố che giấu mà nỗ lực sửa lỗi để bản thân lại tỏa sáng như xưa.
Khi ánh sáng của mặt trời mặt trăng xuất hiện trở lại, mọi người vui mừng biết ơn. Còn khi người quân tử sửa lỗi, họ ngưỡng mộ bội phục. Thật ra: “Con người nào phải Thánh Hiền, ai chẳng lầm lỗi?” (Nhân phi Thánh Hiền, thục năng vô quá?). Tuy nhiên, chúng ta không nên vin vào câu nói này để bào chữa cho hành động cẩu thả. Điều quan trọng phải nhớ là: “Có lỗi chớ ngại sửa đổi” (quá tắc vật đan cải). Tại sao một người lại sợ sửa lỗi? Bởi vì khi lỗi lầm của họ bị lộ ra, danh tiếng của họ bị hủy hoại, người khác có lẽ sẽ cười chê hoặc nhục mạ họ. Quá trình sửa lỗi có thể có nhiều chướng nạn với cả thân lẫn tâm. Nếu có thể không sợ hãi, nỗ lực khắc phục chướng ngại trong nội tâm thì đó mới thật là đại dũng. Vì thế mới nói: “Có lỗi biết sửa, còn gì tốt lành hơn được nữa” (quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên). Vậy nếu có lỗi mà không chịu sửa thì sao? Thì đó là không còn gì bất lành bằng!
No comments:
Post a Comment