Friday, July 17, 2015

Cà phê vợt cổ giữa Biên Hòa.

Gần nửa thế kỷ qua, quán cà phê của bà Võ Thị Đức (70 tuổi, ngụ phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) đã trở thành nơi lui tới thân quen của những vị khách có sở thích uống cà phê pha bằng vợt. Quán được bày biện đơn giản, không biển hiệu, không tiếng nhạc, chỉ có vài bộ bàn ghế nhựa đơn sơ nhưng lúc nào cũng đông khách ghé thăm.
Ở TP.Biên Hòa, hiện còn rất ít quán giữ phương thức pha chế cà phê bằng vợt vải thay cho phin nhôm như quán của gia đình bà Võ Thị Đức.
Quán cà phê gần nửa thế kỷ
Quán cà phê của bà Đức diện tích nhỏ gọn, nằm yên tĩnh cạnh Văn phòng KP.1, phường Hòa Bình, bên hông là lối rẽ vào chợ Biên Hòa và trước mặt Công viên bờ sông Nguyễn Văn Trị. Phần lớn không gian quán dành trọn cho khách ngồi chuyện trò, nhâm nhi ly cà phê, còn góc bếp khá hẹp, chỉ đủ cho một người đứng pha chế. Bộ ly tách chất cao, xếp thành chồng được chủ quán để gần với vị trí khách ngồi tạo không gian gần gũi mà người uống cũng có dịp tận mắt chứng kiến các công đoạn pha chế cà phê.
Khách đến quán uống cà phê chủ yếu là khách quen, phần lớn là những người lớn tuổi.
Từ khi gắn bó với công việc bán cà phê cho đến nay, gia đình bà Đức vẫn giữ thói quen pha cà phê bằng chiếc vợt vải thay cho cách dùng phin. Tay vợt là 2 cọng kẽm xoắn lại, cà phê được múc vào vợt theo lượng vừa phải rồi đem đặt trong một ca nhôm lớn. Tiếp theo, người pha chế cẩn thận rót nước sôi vào rồi lấy đũa khuấy đều vài lần, để khoảng 5-10 phút, sau đó lấy nước đầu châm ngược trở lại vợt và cho thêm một ít nước sôi. Người pha cà phê cứ làm như vậy cho đến khi bột cà phê đủ độ chín, dậy mùi và khói nóng bốc lên tỏa hương thơm ra xung quanh.
Theo bà Đức, mấy chục năm trước, người ta chủ yếu pha cà phê bằng vợt vải, chỉ những quán sang trọng mới dùng phin nhôm. Hồi ấy, đến các quán cà phê rất dễ dàng bắt gặp khách ngồi nhâm nhi ly cà phê pha bằng vợt. Hầu hết quán nằm cạnh đường lớn, diện tích không cần quá lớn nên được gọi cà phê cóc. Ngoài sự tiện lợi, ai cũng có thể ghé quán bất cứ lúc nào, giá cả thưởng thức cà phê vợt cũng khá bình dân, khi một ly cà phê được tính bằng hào. Theo thời gian, giá một ly cà phê tăng lên tới vài trăm đồng và bây giờ khoảng 15 ngàn đồng (tùy loại).
Giờ đây, cách thức kinh doanh kiểu này không còn mấy ai mặn mà, lâu dần mất hút theo thói quen của khách hàng thích sự tiện lợi, nhanh chóng mà không phải chờ lâu. Ở TP.Biên Hòa hiện còn rất ít quán cà phê còn giữ phương thức pha chế bằng vợt như quán của gia đình bà Đức. Những thao tác pha chế hoàn toàn thủ công, nhìn tưởng chừng đơn giản, nhưng được bà Đức làm nhuần nhuyễn, liên hoàn không ngơi tay.
“Cuối những năm 1960, gia đình tôi chuyển nhà đến chợ Biên Hòa lập nghiệp. Vợ chồng tôi thuê tiệm nhỏ mở quán bán cà phê cho các tiểu thương trong chợ và khách vãng lai. Vài lần chuyển địa điểm, vị trí quán thay đổi, nhưng cách pha cà phê vẫn được giữ nguyên” - bà Đức tâm sự.
Cà phê ở quán được chế biến từ hạt cà phê loại ngon, tự tay bà Đức rang, xay và không cho thêm bất kỳ chất phụ gia nào. Ly cà phê đậm đà nên khi uống vị còn vương nơi cổ họng khiến nhiều người khách thích thú. Các loại cà phê sử dụng ở đây cũng giống như bao quán khác, nhưng nhiều người đánh giá muốn thưởng thức trọn vị ngon, đặc trưng của cà phê vợt phải uống “nguyên chất”. Cà phê được rót vào chiếc ly thủy tinh nhỏ, người uống cho thêm chút đường, quậy tan là có thể uống ngay khi còn nóng hổi.
Không gian bình dân…
Quán cà phê vợt của gia đình bà Đức bày biện đơn giản, không biển hiệu, không tiếng nhạc, chỉ có vài bộ bàn ghế nhựa đơn sơ, hộp đựng bột cà phê cũ rích... nhưng gần nửa thế kỷ qua quán cà phê vợt của gia đình bà Đức vẫn tiếp đón hàng chục lượt khách ghé thăm mỗi ngày. Khách đến đây không chỉ thưởng thức hương vị khác lạ của loại thức uống được chế biến theo bí quyết riêng, mà còn ngồi chuyện trò, lắng nghe hơi thở cuộc sống.
Khách đến quán uống cà phê chủ yếu là khách quen, phần lớn là những người lớn tuổi.
“Ngày trước, chỉ có vợ chồng tôi làm; người pha chế, người bưng chạy khắp mọi quầy hàng trong chợ. Bây giờ, ngoài tôi ra, còn có em gái phụ pha cà phê; quán cũng đông người phục vụ hơn, nhưng phong cách phục vụ vừa bưng vừa chạy cho các tiểu thương chợ Biên Hòa, khách hàng xung quanh vẫn còn. Mấy chục năm gắn bó với nghề nên tôi rút ra được kinh nghiệm, hễ khách ngồi uống lâu thường là trung niên hay các ông già. Khách trẻ đi xe máy, chỉ dừng xe khoảng vài phút đã có cà phê bỏ ly nhựa mang về” - bà Đức chậm rãi cho hay.
Những vị khách của quán cà phê vợt thân quen đến mức mỗi lần ghé vào chủ quán đã biết họ sẽ thưởng thức cà phê loại nào. Không ít người từ trước đến nay chỉ chọn uống cà phê được pha ở đây. Do đó, nếu chủ quán thay cà phê vợt sang pha phin, khách “ruột” quen thưởng thức theo gu này sẽ không ưng ý. Dịp cuối tuần, khách đến quán lúc nào cũng đông đúc.
Chậm rãi hớp từng ngụm cà phê đắng, ông Đào Minh Tài (61 tuổi, ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho hay, nếu không phải khách quen thì chẳng ai biết ở Biên Hòa có quán cà phê tồn tại gần 50 năm. Cà phê ở đây không nhiều bọt như những quán khác, uống rất đậm đà, có mùi vị riêng. Không gian quán vừa gần gũi, hương vị lại độc đáo và quy trình pha chế thủ công đó khiến ông chỉ thích uống mỗi loại cà phê vợt này.
Quán phục vụ khách quen, chủ yếu là người dân lao động, tiểu thương, các bác lái xe ôm…, những người vốn khoái uống cà phê vợt từ nhiều năm qua. Gần 15 năm lui tới quán thường xuyên mỗi khi rảnh rỗi, các câu chuyện tán dóc của ông Tài với nhóm bạn có cùng sở thích uống cà phê vợt khiến ông ghiền lúc nào không hay. “Bao năm qua, hương cà phê ở đây vẫn vậy. Đi xa đến mấy, hễ về tới Biên Hòa là tôi phải vô quán này nhấp ngụm cà phê vợt cho bằng được” - ông Tài thủ thỉ nói.
Thanh Hải/báo Đồng Nai

No comments:

Post a Comment