Cuộc Chiến Đấu Của Tôi
-Nguyễn Minh Diễm
Nhà văn, nhà báo Lê Thiệp cư ngụ ở Virginia tuyên bố mình bị ung thư gan giai đọan cuối trong một buổi sinh hoạt cộng đồng hồi tháng
3/2013. Ông cho biết, đồng thời với chương trình chữa trị, ông sẽ biên soạn cuốn “Ung thư ơi chào mi,” để ghi lại những kinh nghiệm cá
nhân trong cuộc chiến chống ung thư. Ông cũng yêu cầu vài người “đồng bệnh tương lân” trình bày cuộc chiến của bản thân họ. Bài này là
phần trình bày của tôi, như một cách ủng hộ tinh thần lạc quan và vị tha của nhà văn Lê Thiệp. Rất mong những kinh nghiệm này có thể
giúp ích đôi chút cho những ai tình cờ một lần nào đó trong đời phải đối phó với một kẻ thù “thầm lặng nhưng không chừa một ai!”
- NMD
Một giờ sáng ngày thứ hai 7 tháng 5 năm 2007, Hồng Phạm-con
trai lớn, gọi điện thoại:
-“Trưa nay, Tèo ghé qua đây, rồi ba bố con đi uống cà phê.”
Tèo là tên gọi ở nhà của Hồng Cơ- con trai út, làm việc cách sở
của bố chừng 5 phút đi bộ. Đây là lần đầu tiên có một cuộc “hội
ngộ” vào buổi trưa như thế này. Có vẻ lạ, nhưng dẫu sao thì
cũng vui, mặc dù thì giờ để hàn huyên chắc không nhiều.
-“Bố có hẹn bác sĩ lúc 2 giờ chiều nay!”
-“Vậy mình sẽ ngồi ở quán nào gần đó, cũng liên quan đến cái
hẹn của bố thôi!”
-“OK.”
Một giờ trưa, ba bố con ngồi uống cà phê Starbucks ở gần khu
Eden, cách văn phòng bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa Tôn Thất
Hãn khoảng vài phút lái xe. Tuần trước, ông vừa làm nội soi
thực quản và bao tử cho hai vợ chồng tôi. Bà hay có cảm giác
cồn cào ở bụng lúc đói, nên bác sĩ gia đình đề nghị đi làm xét
nghiệm thực quản và bao tử. Thấy tên gọi là lạ, tôi hỏi tôi có thể
làm luôn được không, vì đàng nào thì tôi cũng đi cùng với nhà
tôi đến bệnh viện. Ông nói mặc dù không có triệu chứng gì,
nhưng đã trên 60 thì cũng nên thử nghiệm xem ra sao. Hôm nay
16
tôi sẽ gặp lại bác sĩ Hãn để “nói chuyện” thêm về kết quả xét
nghiệm.
-“Sao con nói chuyện đi uống cà phê của mấy bố con có liên
quan với cái hẹn bác sĩ Hãn?”
-“Thật ra,” Phạm chậm rãi, có vẻ như muốn chọn từng lời từng
chữ, “Tuần trước, sau khi làm nội soi cho bố mẹ xong, bác sĩ
Hãn gọi về nhà, nói là mẹ thì không có vấn đề gì nhiều, chỉ có
vài con pylori, uống một hai tuần trụ sinh là xong, nhưng bố thì
có phần chắc là bị ung thư bao tử. Ông đã làm sinh thiết để gửi
đi xét nghiệm, nhưng với kinh nghiệm của ông thì sự thể đúng là
như thế. Hôm nay, ông sẽ gặp bố để bàn về phương cách chữa
trị. Ông cũng nói rằng bệnh ung thư nay không còn là bất trị
nữa. Con muốn bố đừng lo ngại quá…”
Có cảm tưởng như bất ngờ bị đánh một cú vào ngực, tôi bỗng
thấy khó thở và miệng thật khô. Trái tim đập thật mạnh rồi như
trùng hẳn xuống. Tôi không nghe rõ những lời giải thích thêm
của Phạm, mà thấy thật nhanh, như được soi sáng bởi một làn
chớp, những chương trình và dự định còn đang thực hiện dở
dang…Gần như một bản án tử hình vừa được phán quyết!
Nhưng một tù nhân khi ra trước tòa để nhận bản án kết liễu đời
mình, thì hẳn cũng đoán biết trước phần nào kết quả. Còn tôi thì
không, hoàn tòan không. Bất ngờ quá! Mặc dù cố gắng tự kiềm
chế, tôi vẫn phải cay đắng tự hỏi “tại sao lại là mình?”
Tôi nói với hai con trai rằng bố đã sống một cuộc sống bận rộn
và không vô ích, rằng bố đã làm tất cả những gì có thể làm, và
đã tạm yên lòng vì các con đã trưởng thành, đã có thể tự đi
bằng đôi chân của chính mình, rằng bố biết rằng tất nhiên là có
đến thì có đi, còn đi sớm đi trễ một vài năm cũng chẳng có gì
đáng quan tâm cho lắm. Tôi nói như trăn trối. Tôi biết, và các
con tôi chắc cũng biết là tôi nói hơi quá. Nhưng có hề chi! Các
con tôi đều hứa mọi sự sẽ êm đẹp và sẽ như ý tôi mong mỏi, và
tôi cứ yên tâm dù có đi …hơi sớm!
Bác sĩ Tôn Thất Hãn gốc Huế, hơi đậm người, trắng trẻo và trẻ
như một sinh viên. Ông nói nhỏ và dịu dàng, làm như chuyện
ung thư bao tử là chuyện rất tầm thường, dễ chữa thôi. Ông cho
biết ung thư đã lan ra đến 16 nút hạch bạch huyết, tức giai
đoạn 4. Tôi sẽ phải giải phẫu để cắt bớt bao tử, tiếp sau là xạ
trị, rồi hóa trị để diệt tận gốc tế bào ung thư. Ông cũng nói là
việc chữa trị có nhiều hy vọng kéo dài thêm đời sống chừng vài
năm, nhưng chuyện chữa cho dứt hẳn thì lại khác. Ông giới
thiệu tôi đến bác sĩ chuyên khoa giải phẫu Kodama, người Nhật,
để bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt. Tôi hỏi tại sao tôi không
hề thấy một triệu chứng đau đớn hay khó chịu gì hết? Ông cười
mà nói rằng ung thư vốn là một tên giết người thầm lặng, mà
ung thư bao tử là tên kín tiếng nhất, nên chuyện nó “không lộ
diện” cho đến khi bị phát hiện, thường là trễ, thì…cũng phải
thôi!
Hai hôm sau, tôi đến gặp bác sĩ Kodama. Ông vẽ một sơ đồ bao
tử, chỉ rõ chỗ có thể cắt bỏ, phương thức giải quyết để “nối liền
những phần còn lại với nhau” cứ như là trẻ con vẽ hình chơi
trên cát. Ông yêu cầu tôi đi làm một số xét nghiệm “tiền giải
phẫu” và hẹn tuần sau gặp lại.
Ngày mổ được ấn định là 17 tháng 5 năm 2007. Trưa 15, trong
buổi họp thường lệ hàng tuần với toàn ban Việt ngữ đài Á Châu
Tự Do RFA, tôi thông báo với mọi người về bệnh tình và kế
hoạch chữa trị. Ai cũng ngỡ ngàng vì thấy tôi ăn uống phải phép
dinh dưỡng, uống rượu theo “tiêu chuẩn,” hút thuốc vừa phải và
có thể dục thường xuyên. Mấy nữ nhân viên đã vội rớm rớm
17
nước mắt, còn mấy vị nam giới thì tuyên bố từ nay sẽ “ăn thoải
mái, uống rượu thả dàn, hút thuốc như ống khói và quên chuyện
thể dục để … khỏi bị ung thư bao tử!”
Xế chiều ngày 17 tháng 5, khi được đẩy ra khỏi phòng mổ, bao
tử tôi chỉ còn gần một nửa. Lúc tỉnh dậy trong phòng hồi sức, tôi
cảm được một không khí nồng ấm chung quanh và chìm ngập
trong những ánh mắt thân thương của vợ con, bè bạn. Nét mặt
ai cũng vẫn còn đậm nét âu lo, vì bao lâu mắt tôi chưa mở, thì
bấy lâu vẫn chưa biết tôi sẽ ở hay đi. Tôi lưu lại bệnh viện
INOVA FAIRFAX năm ngày, với hàng chục dây và ống nối để
cung cấp sự sống cho cơ thể cũng như đo lường và kiểm soát
mọi hoạt động của nó. Chỉ có lúc ho thì đau chỗ mổ, còn ngoài
ra, ngay cả nhiều năm sau nữa, tôi chẳng bao giờ cảm thấy
“đau bao tử,” vì ung thư hay vì đã cắt một phần bao tử cả.
Ngày xuất viện, một bác sĩ chuyên khoa ung thư đã chờ sẵn để
nói chuyện. Ông cho biết bắt đầu từ tuần tới, tôi sẽ phải làm 20
lần xạ trị tuần năm lần, mỗi lần kéo dài khoảng hai phút ở bệnh
viện. Sau đó, sẽ bắt đầu chương trình hóa trị tại văn phòng một
tổ hợp bác sĩ chuyên khoa ung thư và huyết học. Thời gian xạ trị
không gây đau đớn và cũng không có tác dụng phụ nào đáng kể
(hay đáng nhớ!), nhưng khi bắt đầu làm hóa trị thì khác. Tôi đã
phải nhập viện bốn lần, trong đó hai lần phải cấp cứu và nằm
trong phòng săn sóc đặc biệt, mỗi lần cả tuần. Lần nào gia đình
cũng tưởng là sẽ đi…Nguyên nhân chính có lẽ là vì không biết
hết cách thức đối phó hiệu quả với những tác dụng phụ ấy ngay
khi chúng bắt đầu xuất hiện. Sẽ xin nói thêm về những tác dụng
phụ ấy cùng những kinh nghiệm đã đúc kết được.
Tế bào ung thư là những kẻ nội thù. Chúng đã xây hào đắp lũy
trong cơ thể của chúng ta để tiêu diệt chính chúng ta. Vì ta
không đủ sức chống lại chúng, cho nên chúng mới phát tác. Vậy
một khi chúng bắt đầu xuất đầu lộ diện để gây hại, thì ta phải
phát động một cuộc chiến toàn diện để chống lại. Cuộc chiến
ấy, theo tôi, gồm những mặt sau đây:
1. Thứ nhất là phúc đức, số mệnh, và sự hỗ trợ của các vị thần
thánh, ông bà tổ tiên. Nếu là nghiệp thì phải chịu theo quy luật
nhân quả, nhưng hình như vẫn có thể cầu xin sự hỗ trợ siêu
nhiên để được tăng viện. Cách thức ra sao thì tùy theo tôn giáo
và tín ngưỡng, nên xin không bàn đến.
2. Thứ hai là ngoại kích, tức là thuốc và các phương cách chữa
trị như giải phẫu, xạ trị hay hóa trị. Xin nói ngay là tôi hoàn toàn
tin tưởng ở khả năng của tây y, và coi đó là nỗ lực chính trong
cuộc chiến chống ung thư. Cũng phải nói là có khi bác sĩ chẩn
đoán lầm hay “không tới” và phải thay thuốc, thay cách điều trị.
Không ít bệnh nhân đã phải sớm “bỏ cuộc chiến” vì lý do đó!
3. Thứ ba, là tăng cường nội công. Quan trọng hàng đầu là một
tinh thần vững mạnh và hiểu biết. Vững mạnh để không sợ hãi.
Hiểu biết để tin rằng mình được chữa trị bằng những thứ thuốc
mạnh nhất, bằng các phương pháp hiệu quả nhất. Do đó, nếu
không thành công, thì phải chấp nhận, vì trình độ y khoa hiện
đại chỉ đến thế thôi! Vả lại, có đến thì có đi. Buồn cũng phải đi,
mà khóc cũng phải đi; vậy hãy vui mà đi, thoải mái mà đi (nếu
phải đi, tất nhiên)…
Một phần không nhỏ của tinh thần này được hình thành và phát
triển nhờ người thân như vợ con, bè bạn. Đó chính là cái nôi
nuôi dưỡng sức mạnh của ta. Hãy tận hưởng môi trường yêu
thương ấy và bạn sẽ thấy đó một một nguồn lực vô tận. Phải
nhấn mạnh là chưa bao giờ tôi thấy một bệnh nhân bi quan,
yếm thế, thất vọng và đau buồn vì “bản án tử hình ung thư”
18
thoát được cái định mệnh khắc nghiệt mà chính bản thân họ
không muốn thoát ra.
Yếu tố thứ nhì là các dược liệu hỗ trợ để tăng cường sức mạnh
cho hệ phòng vệ (immune system). Đừng tin tưởng hoàn toàn
vào các thông tin phổ biến trên internet vì chúng rất nhiều và
rất khó đánh giá, mặc dù chúng có thể được loan truyền bởi
những người đầy thiện chí muốn giúp đời. Bản thân tôi chỉ dùng
một số dược liệu từng được biết đến, trong đó có Nấm linh chi,
hồng sâm và Fucoidan chiết xuất từ rong biển nâu. Những dược
liệu này giúp giảm bớt tác dụng phụ và giúp thêm sức cho cơ
thể.
Về các tác dụng phụ, thì dù mức độ và thời gian có thể khác
nhau, nhưng nói chung, thì thuốc chống tế bào ung thư nào
cũng tác hại đến tóc (khiến rụng tóc), máu (thiếu hồng cầu thì
làm mệt, thiếu tiểu cầu thì dễ chảy máu, mà thiếu bạch cầu thì
cơ thể thiếu sức phòng vệ, dễ dàng nhiễm bệnh, nhiễm trùng),
ruột (khiến dễ táo bón hay đi cầu) và niêm mạc miệng (khiến dễ
bị lở miệng hay cuống họng). Tác dụng phụ nào cũng được ghi
trong các tập tài liệu đưa cho bệnh nhân khi bắt đầu trị liệu, và
tác dụng phụ nào thì cũng có cách trị cả. Vấn đề chỉ là phải
quan tâm theo dõi để khi nào chúng “manh nha” thì trị ngay,
trước khi chúng có thể gây đau đớn thôi.
Xin được nói về hai loại tác dụng phụ mà tôi thấy chữa trị bằng
“phương thuốc dân gian” rất có hiệu quả. Thứ nhất là lở miệng:
Uống lá dấp cá xay pha với mật ong. Sau khi để trong tủ lạnh
chừng một giờ, ly nước xay có mùi thơm như nước trái bơ, rất dễ
uống và uống rất hiệu quả. Thứ hai là táo bón: Nên ăn canh rau
mùng tơi nấu với mướp và đậu bắp đều đặn, thì chuyện “thông
thương” sẽ trở thành giản dị.
Sáu năm sau khi bắt đầu giải phẫu cắt bỏ một phần bao tử, vào
cuối năm 2012, tôi bị chẩn đoán ung thư phổi, cũng thời kỳ thứ
tư. Bác sĩ Edelman thuộc bệnh viện đại học y khoa Maryland
nói là chuyện một người có hai loại ung thư cũng chẳng có gì
hiếm hoi. Điều quan trọng là ung thư bao tử đã nằm yên, và nay
thì phải tập trung sức mạnh để chữa ung thư phổi thôi. Không
giải phẫu được, và cũng không xạ trị được, tôi bắt đầu chương
trình chữa bằng hóa trị kéo dài sáu kỳ, mỗi kỳ cách nhau 3
tuần. Cuộc chiến chống ung thư của tôi lại bắt đầu lại, lần này
với một kẻ thù tai quái hơn và mạnh hơn, nguy hiểm hơn. Cách
thức của tôi không thay đổi, nhưng lần này tôi có kinh nghiệm
nhiều hơn, và tinh thần tôi cũng thoải mái hơn, nghĩa là vững
mạnh hơn. Tôi sống trong môi trường yêu thương của vợ con bè
bạn và bắt đầu cuộc chiến đấu mới. Tôi tin là sẽ chiến thắng,
nhưng cũng sẵn sàng chấp nhận nếu thua. Kết quả sau sáu
tháng chữa trị: Hiện không có một tế bào ung thư nào đang hoạt
động ở bất cứ chỗ nào trong cơ thể. Đó là một phần thưởng, một
thành quả đạt được của tôi, với sự hỗ trợ của y khoa tân tiến,
của tình thương yêu của vợ con bè bạn và sự phù hộ của tổ tiên
ông bà. Tuy nhiên, về tương lai: Ai biết?
Xin được coi bài viết này như một lời cảm tạ chân thành đến tất
cả. Những lời cảm tạ mà trong đời sống không dễ dàng gì nói với
nhau. Cũng xin coi đó là lời chúc lành cho tất cả những ai đang
còn trong cuộc chiến với kẻ nội thù ung thư, mà “nhất định
không chịu buông tay khi tay còn có thể giơ lên.
No comments:
Post a Comment