Wednesday, July 8, 2015

ĐỊNH KHÓA*NGHE KINH*VẬN ĐỘNG*GIẢI ĐỘC*DƯỠNG SINH*CẢM ÂN

TÔI BẮT ĐẦU LẬP ĐỊNH KHÓA.
Hai thời tu niệm sáng tối là thuốc an tâm rất tốt đối với người niệm Phật. Tôi rất tán đồng chủ trương định khóa tu hành của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Nhờ có thời khóa nhất định, tôi một mình tu tập mới không đến đỗi như diều đứt dây. Cả ngày bận rộn, về đến nhà, mở đèn lên, việc trước hết là lên phòng thờ Phật thắp hương lễ Phật, thì sẽ không đến nỗi chạy theo vọng niệm. Tâm do đó cũng rất yên. Ngoài ra còn khéo dùng thời gian nhàn rỗi niệm Phật. Hoàng cư sĩ dùng xâu chuỗi liên hoa rất dễ ký số. Chuỗi không rời tay, cũng giúp Phật không rời miệng, Phật không rời tâm.
NGHE KINH
Băng giảng của các vị thiện tri thức là thuốc hay trong khi tôi bệnh, luôn luôn nhắc nhở, luôn luôn dạy dỗ, tăng trưởng tín nguyện, chỉ ra đường chánh, như đèn sáng giữa đêm đen. Có lúc, chỉ cần một hai câu là đủ quét sạch tất cả phiền não. Lúc bận rộn làm việc, rất ít khi có thời giờ cung kính lắng nghe. Trên đường lái xe đi làm và ra về, là thời gian tôi nghe băng giảng kinh. Khi rảnh việc nhà, tôi cũng lập tức lặng yên nghe kinh, không ngừng tắm mình trong dòng nước pháp, không ngừng dùng tri kiến Phật để sửa đổi lại tri kiến phàm phu của mình.
VẬN ĐỘNG
Muốn hồi phục sức khỏe phải đưa vận động vào sinh hoạt hàng ngày của mình. Lúc mới vận động sẽ rất mệt, rất cực khổ. Nhưng khi cảm được lợi ích của vận động, như máu huyết tuần hoàn tốt, toàn thân thư thới, thể lực ngày một tăng, sắc mặt ngày một tươi, thì có thể vận động được đều đặn và lâu dài. Tôi thử qua rất nhiều cách vận động như đi bộ, chạy chậm, thể dục, thư giãn, leo núi, thái cực quyền,… Tóm lại, phải tìm ra loại vận động nào thích hợp với mình nhất. Riêng đối với tôi, lạy Phật là loại vận động mà tôi chọn lựa thực tập không gián đoạn. Tôi rất thích đại lễ bái của Mật giáo. Nhưng vì mới mổ, tay phải không thể chịu lực quá nặng, nên nếu lạy nhiều sẽ cảm thấy khó chịu như bị trật khớp xương. Gần đây, theo phương pháp lạy Phật của Pháp sư Đạo Chứng giảng, cảm thấy hoan hỉ, thư thới chưa từng có.
GIẢI ĐỘC
Sống mấy mươi năm, tự nhiên có rất nhiều phế vật tích trữ trong cơ thể. Giải độc chính là làm thay đổi thể chất. Cho nên, phương pháp trị liệu tự nhiên và y học Đông phương rất chú trọng đến việc giải độc. Phương pháp trị liệu tự nhiên trước hết là phải ăn chay, dùng rau cải, ngũ cốc, các loại hạt và trái cây thiên nhiên không có thuốc trừ sâu là tốt nhất. Sau khi tôi bệnh, trước hết theo phương pháp trị liệu tự nhiên uống nước cỏ tiểu mạch xay ra (cần chú ý lượng dùng), ăn sống, tuy ăn cơm ngũ cốc càng lúc càng nhiều, từ chén nhỏ đổi ra chén lớn, người cũng cảm thấy nhẹ nhàng, thư thới, nhưng trọng lượng thân thể càng lúc càng xuống đến mức chỉ còn bốn mươi chín ký.
Bác sĩ Lý Phong cũng vì ăn sống mà chỉ còn ba mươi bảy ký. Khi bác sĩ ngưng không ăn sống nữa, tôi vẫn còn do dự. Mãi đến một hôm, khi đi đường bất chợt gặp một luồng gió nhẹ, tôi cũng cảm thấy như một trở lực đối với thân thể. Lúc đó tôi mới ngưng ăn sống và thể nghiệm rằng ăn sống, cần phải tùy theo điều kiện thể chất của mỗi người mà điều chỉnh. Nó giống như uống thuốc, cần căn cứ theo tình trạng bệnh mà gia giảm, điều chỉnh. Đây là việc xảy ra sau khi tôi đã ăn sống được một năm rưỡi.
Sau đó, tôi theo phương pháp giải độc Đông y, vừa có thể dùng thuốc Bắc giải độc, vừa uống thuốc bổ khiến không tổn nguyên khí. Như vậy là ổn đáng hơn nhiều. Trọng lượng thân thể tôi lần lần lên trở lại. Ngoài ra, còn một điểm hết sức quan trọng:
“Muốn giải độc, thì mỗi ngày ăn uống đừng dùng những thức ăn có độc, cho đến trong lòng cũng phải giải trừ những tâm niệm tham, sân, si, mạn, nghi, những thứ sinh ra độc tố.
DƯỠNG SINH, BẢO VỆ SỨC KHỎE
Tôi có một chút tâm đắc với lý luận dưỡng sinh, bảo vệ sức khỏe của Đông y: Cố gắng sống tự nhiên, không sử dụng máy móc để tạo ra hoàn cảnh sống không tự nhiên. Ví dụ như không dùng máy lạnh, máy quạt. Lúc nóng để thân thể tự nhiên xuất hạn, sau khi xuất hạn, thân tâm đều rất thư thới, cũng không còn nóng nữa. Trời tối rồi phải đi ngủ sớm, không nên dùng đèn điện tạo ra hoàn cảnh không tự nhiên để thức khuya.
Cho dù là rất nóng, cũng không uống nước lạnh và nước đá, cố gắng ăn uống những thức có nhiệt độ gần với nhiệt độ cơ thể mình. Ăn những thức ăn tự nhiên trong mùa, không nên ăn những thức ăn trái mùa được tạo ra bởi kỹ thuật tân tiến. Nếu bất đắc dĩ, phải sống trong hoàn cảnh mà máy móc tạo ra cũng không cần phải áo não, có tâm bài xích, hay lo lắng mình bị tổn hại. Chỉ cần an tâm trước mọi cảnh ngộ, hoan hỉ trước mọi nhân duyên, cảm ân niệm Phật, giữ tâm thanh tịnh là phương pháp bảo vệ sức khỏe tốt nhất. Vì những tâm niệm thanh tịnh tốt đẹp chính là những làn sóng điện sinh ra vật chất tốt đẹp, hướng dẫn tế bào toàn thân phát huy công năng mạnh nhất.
CẢM ÂN VÀ LẠI CẢM ÂN
Tôi từ khi bệnh đến lúc bình phục trong ngoài đều thuận lợi. Do đó tôi hết sức cảm kích sự âm thầm gia hộ của đức Phật A Di Đà, mười phương chư Phật, chư Bồ tát và các đời tổ sư. Tôi cũng tri ân lòng từ bi chăm sóc của các vị xuất gia ở chùa Phố Lý. Ân đức này thực đời đời khó quên. Những ngày tôi sống ở chùa như trở về nhà mẹ mình, sống rất thoải mái, hồn nhiên, nét cười luôn rạng rỡ trên mặt. Điều này có ích lợi rất lớn cho việc phục hồi sức khỏe. Tôi cũng cảm ơn con gái mình đã dũng cảm gánh vác, vui vẻ phối hợp. Con gái tôi lúc đó là sinh viên Đại học năm thứ ba, đột nhiên gặp phải biến cố lớn này. Lúc tôi ở Phố Lý chín tháng, con gái cũng học được cách tự lo liệu cho mình.
Nhớ lại năm đó, con gái tôi đích thân làm bữa cơm cuối năm. Từ đó tôi phát hiện, thì ra con gái mình giỏi hơn và cũng cứng rắn hơn mình nhiều. Đây là điều an ủi lớn đối với tôi. Cũng xin tri ân các bạn đồng tu, các bạn đồng nghiệp trong khoa, các bạn bè thân hữu, cho đến các bác sĩ giúp tôi bình phục. Nguyện đem tất cả công đức hồi hướng cho tất cả các bạn có bệnh ung thư. Nguyện mọi người đều có thể phát tâm bồ đề, chuyên lòng niệm Phật A Di Đà, lìa khổ được vui, đồng sinh Cực Lạc.
“Khéo đem tâm niệm này

Chuyển Ta bà đau khổ
Thành Tịnh độ an vui
Mình người không thoái lui.
Khéo đem tâm niệm này
Thẳng tu đến thành Phật
Trải thân cầu giác ngộ
Mình người đều đắc độ”

(Lời của Phó Giáo sư Tiến sĩ Tạ Thanh Giai, viện trưởng Viện Nghiên Cứu kiêm khoa trưởng khoa Quản Trị Thông Tin trường Đại Học Quốc Gia Đài Loan)
Like · Comment · 
MUỐN SỐNG CÓ PHẨM CHẤT HAY MUỐN SỐNG LÂU?
Người bệnh ung thư không những phải cô khổ, sợ hãi đối diện trước cái chết, mà khi vết mổ chưa lành, còn phải ngần ngừ lo lắng trước quyết định có nên trị liệu bằng hóa chất hay không. Nhớ lại, lúc đó tôi đang ngồi lần chuỗi niệm Phật trong gian phòng có ánh đèn sáng trước cửa cầu thang điện, vừa ngước lên nhìn thì thấy bác sĩ chủ trị bước vào. Ông bảo: “Đợi một chút nữa sẽ chính thuốc, trị liệu bằng hóa chất”.
Tôi lặng cả người, liền nhớ đến đoạn đối đáp giữa bác sĩ Lý Phong và tôi.
Buổi trưa hôm trước ngày mổ, tôi lên phòng thờ Phật của bệnh viện Đài Bắc lễ Phật. Tôi đã gặp bác sĩ Lý Phong. Lúc đó, có người bạn đồng học của tôi là chủ nhiệm phòng hồ sơ bệnh lý họ Phạm đi cùng. Người bạn này giới thiệu tôi làm quen với bác sĩ Lý Phong. Sau khi phẫu thuật xong, tôi đến phòng nghiên cứu của bác sĩ.
Bác sĩ hỏi tôi: “Có học Phật không?”
“Có.” Tôi trả lời.
Lại hỏi: “Có phải tu pháp môn Tịnh Độ không?”
“Phải.”(Có lẽ bác sĩ thấy xâu chuỗi tôi đang đeo trên tay.)
Lại hỏi: “Có sợ chết không?”
“Không.” Tôi đáp.
Lại hỏi tiếp: “Muốn sống có phẩm chất, hay muốn sống lâu?”
“Muốn sống có phẩm chất.”
Bác sĩ bảo: “Vậy nếu tôi như chị, tôi không trị liệu bằng hóa chất hay bằng điện.”
Tôi giật mình: “Hả?!”
Cho nên, khi bác sĩ chủ trị muốn trị liệu bằng hóa chất, tôi thoái thác bảo đợi có báocáo bệnh lý rồi hãy tính. Bác sĩ chủ trị bảo: “Khối u của chị lớn như vậy (7cm × 3cm), không cần phải xem báo cáo cũng phải trị liệu bằng hóa chất.” Tôi cũng vẫn thoái thác. Bác sĩ đành phải bỏ qua. Sau đó, có kết quả báo cáo bệnh lý, thực là lạ, tuy khối u lấy ra rất lớn, nhưng bên ngoài không phải là tế bào ung thư, mà là màng tế bào liên kết với nhau rất cứng bao chặt lấy phần tế bào ung thư.
Tuyến hạch trên ngực cũng không có dời đổi. Cho nên, bác sĩ chủ trị cũng đồng ý cho tôi an tâm rất nhiều, tự tin vào hệ thống miễn dịch của mình, đồng thời cũng tin vào phương pháp trị liệu tự nhiên.
Trước khi giải phẫu, tôi đã ăn chay trường ít nhất được ba bốn năm. Nghe nói ăn chay có thể tăng cường khả năng miễn dịch. Có lẽ sự may mắn của tôi đến từ việc ăn chay!
TOA THUỐC THÚ VỊ
Sau đó, tôi quyết định trị liệu theo phương pháp tự nhiên, không dùng phương pháp trị liệu bằng điện hay bằng thuốc (dùng hormone để cưỡng chế dứt kinh) như lời bác sĩ đề nghị. Thay vào đó, bác sĩ Lý Phong cho tôi toa thuốc như sau:
- Rời khỏi thành phố Đài Bắc một năm. (Tôi sau đó tập tu ở chùa nơi Phố Lý chín tháng.)
- Mỗi ngày đi bộ bốn tiếng. (Tôi sau đó chỉ đi được mỗi ngày không tới hai tiếng.)
- Mỗi ngày tọa thiền ba tiếng. (Việc này tôi làm khá tốt.)
- Mỗi ngày phải cười. (Tập mãi mà vẫn chưa thực sự thành công.)
- Phàm việc gì cũng phải nghĩ đến khía cạnh tốt của nó. (Cũng không thành công lắm.)
- Phải theo phương pháp trị liệu tự nhiên.(Cố gắng làm hết sức mình.)
Từ khi giải phẫu đến nay đã năm năm bảy tháng rồi. Tuy tôi có gầy hơn khi trước (cao 1m60, nặng 53 ký so với 56 ký lúc trước), nhưng thể lực trái lại khỏe hơn trước nhiều.
Hiện nay tôi leo núi bốn tiếng mà vẫn không cảm thấy nhọc mệt lắm, lại rất ít khi mất ngủ, ăn uống bình, tóc ít bạc, và không cần phải mang kính lão. Tôi còn hay cười hơn trước, đương nhiên là cười không được đủ lắm. Cách nghĩ tương đối lạc quan. Nói chung, sau khi giải phẫu, Phật pháp, liệu pháp tự nhiên (gồm ăn uống và vận động) cũng như thuốc bắc giúp tôi vượt qua ung thư. Con đường trải qua này rất thông thuận, dường như không có chút gì đau khổ.
Sau đây, tôi xin tổng kết một số điểm quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe qua kinh nghiệm bản thân để mọi người cùng tham khảo.
SÁM HỐI
Sau khi mắc bệnh, chúng ta nhất định phải xét lại mình, ăn năn sửa đổi lỗi lầm, làm lại cuộc sống và con người mới. Tuyệt đối không được nghĩ: “Mình siêng năng, thành tâm học Phật, vì sao vẫn phải mắc quả báo như vậy?”. Người suy nghĩ như vậy, thực ra không hiểu rõ đạo lý nhân quả trong ba đời. Cái “nghi” này, chính là phỉ báng chánh pháp vô cùng nghiêm trọng.
Phương pháp sám hối có rất nhiều, tôi chủ yếu dựa vào quyển Bảo Vương Tam Muội Sám của cư sĩ Hạ Liên Cư để bái sám. Tôi luôn thấy sự phản tỉnh của mình chưa đủ, tâm Bồ đề chưa vững, tùy thuận chúng sinh còn kém, ba nghiệp thân miệng ý luôn ràng buộc với ngã chấp, cần phải nỗ lực thêm, phản tỉnh, sám hối triệt để. Phải một phen chết đi tâm phàm tục, mới tái sinh được một đời sống mới.
NHÌN LẠI TÂM MÌNH, HỔ THẸN CẦU NGUYỆN
Theo thống kê, người mắc bệnh ung thư bên ngực phải, phần nhiều là có mối bất hòa với chồng. Ung thư của tôi chính bên ngực phải.
Xét lại tôi thấy, mình mắc bệnh ung thư có liên quan rất lớn đến cá tính ương bướng không chịu nhận lỗi, tự cho mình là đúng, rất cố chấp mà cũng rất hay hờn giận của mình. Nhất là đối với chồng, tôi cứ một mực theo quan điểm mình nghĩ, luôn bất mãn và bài xích anh ấy, chưa bao giờ nghĩ đến hoàn cảnh và tâm trạng anh ấy ra sao.
Ai quen biết với vợ chồng tôi đều cảm thấy đây là một đôi vợ chồng rất lạ, vì chúng tôi dường như không có một chút gì giống nhau. Anh ấy cao to anh tuấn, rất có khí chất trí thức, ca hát hay nhảy đầm đều số một; người lại thông minh giỏi giắn, cá tính cứng rắn, chính trực vô tư, hết sức coi trọng lý tính.
Còn tôi từ trước đến giờ không trang điểm, ăn mặc rất tùy tiện, tướng mạo và tính tình hơi giống nhân vật Anne dưới ngòi bút của Lucy Mongomery, một cô bé nhà quê, thích một mình đọc sách, nghe âm nhạc cổ điển, làm việc rất tùy hứng, lại không chút lý tính.
Nhớ lại, lúc còn học ở lớp 1, cô giáo chọn tôi vào ban múa của trường. Tôi nghe vậy sợ đến phát khóc, về nhà đòi bà ngoại đến gặp cô giáo nói: “Đứa nhỏ nhà tôi không có múa.”
Cá tính và hứng thú của hai vợ chồng tôi đều khác nhau. Được cái đều là thành phần trí thức, ở chung một nhà vẫn có thể kính nhau như khách. Chẳng qua, anh ấy thường bảo: “Nhà mình có hai người đàn ông và một bà giúp việc, mà không có người vợ.” Nỗi lòng anh ấy khi nói câu đó rất là đau khổ, chỉ có điều tôi không biết suy gẫm để nghiệm ra.
Tuy lúc tôi mười tuổi, cả nhà cùng quy y Tam Bảo với hòa thượng Nam Đình, nhưng mãi đến năm bốn mươi, tôi mới được nghe hòa thượng Tịnh Không giảng Di Đà Yếu Giải và Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Tôi cảm thấy chấn động và hoan hỉ chưa từng có. Từ đó, tôi nhận ra trước đây mình sống rất nhỏ nhoi, thì ra nhân sinh còn có một vùng trời đất bao la!
Nhưng nhân duyên anh ấy còn chưa thành thục, chưa có cơ hội thâm nhập diệu lý Phật pháp. Cho nên, anh rất không sao chịu được việc người có bằng cấp cao về khoa học như tôi lại “mê tín” như vậy. Sau nhiều lần xung đột, tôi không còn ý định thuyết phục anh cảm thông nữa, mà dấu anh việc học Phật của mình.
Đây là tình hình trước khi tôi giải phẫu. Lúc đó tôi chỉ cảm thấy việc anh phản đối tôi học Phật là một chướng ngại, mà chưa từng thông cảm hoàn cảnh của anh. Một người có vợ khác xa tư tưởng mình, thì cũng phải sống qua những ngày tháng không dễ chịu chút nào. Tôi không biết đem tinh thần của Phật A Di Đà ra bao dung, để anh cũng có duyên cảm nhận được tâm từ bi nhu hòa của Phật. Tôi cũng không dùng lòng nhẫn nại của Phật A Di Đà giúp anh có cơ hội thể nhận trí tuệ sâu rộng của Phật pháp.
Sau khi giải phẫu, vì tôi tin Phật A Di Đà nên tâm lý rất an ổn, lại thêm cá tính hướng nội, không thích tỏ ra ngoài tình cảm bên trong của mình, nên chưa từng rơi một giọt nước mắt. Trái lại, chồng tôi mỗi ngày ngồi bên giường bệnh, hơi một chút là lau nước mắt, hai mắt đỏ như mắt thỏ, rất muốn giúp tôi làm mọi việc, như dìu tôi xuống giường, giúp cho tôi ăn. Nhưng tôi hồi phục rất nhanh, việc gì cũng tự mình làm, cũng không có nhõng nhẽo, giả bộ muốn người khác chăm sóc.
Trong vòng hai mươi bốn giờ đồng hồ sau khi giải phẫu là lúc tôi cần được chăm sóc nhất. Thời gian này, người chị kết nghĩa là y tá chuyên nghiệp chăm sóc cho tôi.
Những bạn đồng tu mỗi sáng sớm đều đến bệnh viện cùng niệm Phật với tôi, lại còn mang đến một ít súp. Họ ở đó đến tối khuya mới về. Tôi rất tri ân sự chăm sóc của họ và rất thích chia sẻ thời giờ với bạn đồng tu.
Hiện nay nhớ lại, thay vì nói lời tri ân với chồng tôi, chi bằng tự mình sám hối. Bởi vì, khi tôi một chút cũng không cảm thông hoàn cảnh và tâm trạng của anh, bỏ mặc anh một mình, nhìn anh suốt ngày mắt đỏ hoe, trong lòng tôi lại còn càm ràm: “Đàn ông gì mà hay khóc như vậy?”. Nhất là gần đây đọc được sách của Pháp sư Đạo Chứng, thấy bài văn phát nguyện của Pháp sư trên núi Linh Thứu: “Xin giúp cho con cảm nhận được sự đau khổ của chúng sinh, như chính mình đau khổ.”
Dòng nước mắt ăn năn sám hối của tôi chợt chảy tràn. Tôi sống với chồng nhiều năm như vậy, mà chỉ biết oán trách anh ấy là bá đạo, chỉ biết làm theo ý mình, mà chưa từng nghĩ đến nỗi khổ của anh, đừng nói chi là cảm nhận nỗi khổ của anh như nỗi khổ của mình. Sau này, vào thời gian cuối còn nằm ở bệnh viện Đài Bắc, tôi thấy anh mắt cứ đỏ hoe, mới khuyên anh đi gặp bác sĩ Lý Phong.
Sau khi gặp bác sĩ trở về, anh đã thay đổi như biến thành một con người khác. Thì ra bác sĩ Lý Phong cho anh biết ung thư không phải là tuyệt chứng, còn có con đường khác có thể đi. Do đó anh ép tôi phải đi gặp bác sĩ. Theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, tôi đã đi qua một lộ trình trị liệu hết sức đặc biệt, như phần trước tôi đã giới thiệu qua.
Lúc tôi xuất viện, bác sĩ Lý Phong đưa cho tôi mười mấy quyển sách có liên quan đến việc sử dụng phương pháp trị liệu tự nhiên để khắc phục ung thư. Về đến nhà, tôi chỉ lo niệm Phật, lười đọc sách. Nhưng anh ấy vì tôi nên đã đọc kỹ qua từng cuốn, sau đó bảo tôi phải chú ý đến việc ăn uống như thế nào, cho đến một số đạo lý cơ bản của phương pháp trị liệu tự nhiên. Anh cũng bắt đầu cùng ăn chay với tôi.
Anh là người rất có lý tính, chỉ cần đối với sức khỏe có ích, anh không bao giờ chê những món rau sống và rau luộc không có muối có dầu. Điểm này thực vô cùng đáng quý, tôi cảm ơn anh vô cùng.
Ngoài ra, là người nặng về lý trí, anh ủng hộ phương pháp trị liệu tự nhiên. Cho nên đối với việc tôi có chịu trị liệu bằng hóa chất hay bằng điện, cho đến sau này có chịu làm kiểm tra theo dõi hay không, anh đều tôn trọng ý tôi, hoàn toàn không gây cho tôi chút áp lực nào.
Anh cũng đồng ý cho tôi nghỉ phép chín tháng đi đến Phố Lý sống tĩnh tu trong tu viện nơi đây một thời gian. Nhớ lại lúc đó mới giải phẫu xong, chỉ hơi hồi phục còn chưa cắt chỉ vết mổ, tôi đã lập tức đòi đi Phố Lý; lại còn khăng khăng đòi lái xe đi ngay vào buổi chiều ngày tái khám! Anh cũng chìu, lái xe đưa đi lên núi Phố Lý.
Ngày hôm sau anh lại lái xe đi vào thị trấn Phố Lý để tìm cỏ tiểu mạch. Không ngờ anh không những tìm được cỏ tiểu mạch, mà còn tìm được người biết trồng để thỉnh giáo cách trồng giống cỏ này. Những sự chăm sóc từ bi này lẽ ra tôi phải hết lòng cảm kích. Nhưng lúc đó, tôi không có lòng lễ kính, hằng thuận và tri ân sâu xa.
Pháp sư dạy chúng ta phải học biết ơn, nhớ ơn, và đền ơn để phát tâm Bồ đề. Việc tu tập lòng từ bi phải bắt đầu từ những người gần gũi xung quanh. Tôi thực sự cảm ơn chồng mình. Anh ấy như một tấm gương, tùy lúc, tùy nơi phản chiếu rõ ràng một người đệ tử Phật kém cỏi như tôi. Lâu nay tôi học Phật, thực ra chỉ gia công ở trên “ngã chấp”, tham, sân, si ngã mạn đều không giảm, nhất là thiếu đi một tấm lòng từ bi chân chính, hoàn toàn trái với tâm từ bi của đức Bổn sư. Nhưng đức Bổn sư vẫn từ bi bình đẳng nhiếp thọ, tôi chỉ biết hổ thẹn phát nguyện:
“Đức Phật A Di Đà, xin giúp cho con sinh được tâm chí thành sám hối đối với tất cả chúng sanh mà con từng làm tổn hại. Xin cho con có lòng từ bi chân chính, đối xử tốt với tất cả chúng sanh mà con từng làm tổn hại. Xin cho con sinh khởi tâm vô tư, bình đẳng, không để cho tâm niệm riêng của mình dù vô tình hay cố ý làm hại đến một chúng sinh. A Di Đà Phật.”

Cư Sĩ Hạ Liên CưPDFInE-mail
Đăng bởi Tuệ Minh   
Cư Sĩ Hạ Liên Cư (1884 - 1965)
Lão cư sĩ Hạ Kế Tuyền, tự Phổ Trai, hiệu Cừ Viên; khi tỵ nạn tại Nhật Bản, lấy tên là Hạ Tuyền, khi về nước đổi thành Liên Cư, biệt hiệu là Nhất Ông. Hạ lão cư sĩ là người Vận Thành, tỉnh Sơn Ðông, là con trưởng của quan đề đốc hai tỉnh Vân Nam – Quý Châu triều Thanh là cụ Hạ Tân Dậu, thụy hiệu Tráng Vũ Công. Hạ lão cư sĩ sanh ngày 20 tháng Ba năm 1884 (tức ngày 23 tháng Hai năm Giáp Thân) tại Vu Ðiền, Tân Cương. Về già, cụ sống tại Bắc Kinh; đến ngày 14 tháng 12 năm 1965 (tức ngày 22 tháng 11 năm Ất Tỵ), cụ không bịnh mà mất, trụ thế 82 năm.
Sinh bình, cụ Hạ từng giữ các chức vụ tri châu tỉnh Trực Lệ, tri huyện Tịnh Hải, tri phủ Giang Tô, đoàn luyện phó đại thần tỉnh Sơn Ðông. Sau cách mạng Tân Hợi (1911), cụ Hạ được cử giữ chức hội trưởng hội Liên Hiệp Các Giới tỉnh Sơn Ðông để tuyên cáo tỉnh Sơn Ðông độc lập. Khi chế độ Dân Quốc được thành lập, cụ được mời giữ chức cố vấn tối cao cho phủ Ðề Ðốc tỉnh Sơn Ðông, kiêm nhiệm các chứ bí thư trưởng, tham mưu trưởng v.v… Năm 1916, cụ được mời giữ chức bí thư trưởng phủ Tổng Thống. Năm 1918, được bầu làm nghị viên Quốc Hội, đảm nhiệm chức giám đốc viện bảo tàng Tề Lỗ Kim Thạch Họa Thư Quán, đồng thời làm lâm trưởng của Sơn Ðông Phật Giáo Cư Sĩ Lâm. Năm 1920, cụ giữ chức Giám Vận Sứ tỉnh Sơn Ðông, tận lực bài trừ những tệ đoan lâu đời trong việc đánh thuế muối, được dân chúng khen ngợi khôn cùng. Năm 1921, cụ từ chức để trù bị kế hoạch lập đại học Ðiền Phụ và đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng trường Ðông Lỗ.
Năm Ất Sửu (1925), đề đốc Trương Tông Xương, lãnh tụ quân phiệt ở Sơn Ðông, vu khống cụ Hạ tội tuyên truyền tư tưởng Cộng Sản rồi ra lệnh tập nã nên cụ phải lánh qua qua Nhật. Trong thời gian ở Nhật, cụ giao du thân thiết với các nhân sĩ thuộc giới nghệ thuật, văn hóa hay tôn giáo như các ông Ðằng Hổ (người tỉnh Hồ Nam), Thủ Dã Hỷ Trực v.v… Lại còn có các ông Cát Xuyên Hạnh Thứ Lang, Thương Thạch Vũ Tứ Lang và ông Kim Cửu Kinh người Triều Tiên đến cầu học với cụ Hạ. Hai năm sau, cụ Hạ trở về nước, dưỡng bệnh ở vùng Thiên Tân - Ðại Cô. Năm 1932, chuyển đến sống ở Bắc Kinh, chuyên tâm nghiên cứu, hoằng dương Phật pháp. Trong thời gian này, ông Hà Tư Nguyên, cũng là người tỉnh Sơn Ðông, được cử làm thị trưởng Bắc Bình, thường đến thảo luận, nghiên cứu Phật pháp với cụ Hạ. Các vị như Hoàng Niệm Tổ (chuyên viên thâu phát sóng thuộc cục phát thanh trung ương Bắc Bình – Thiên Tân, kiêm trưởng đài phát thanh Bắc Bình), Tề Xướng Ðỉnh (phó trưởng đài) v.v… đều đến học Phật với cụ.
Năm 1939, cùng với Hiện Minh trưởng lão, phương trượng chùa Quảng Tế ở Bắc Kinh, cư sĩ Cận Dực Thanh (Vân Bằng) sáng lập Tịnh Tông Học Hội, lấy ngày khánh đản Ðại Thế Chí Bồ Tát làm ngày kỷ niệm sáng lập hội, với tông chỉ: “Nghiên cứu kinh điển Ðại Thừa, phát dương tinh thần Phật giáo. Lấy tín nguyện trì danh để nhập Di Ðà Nguyện Hải”. Tổ chức này không có một cơ cấu quản trị trung ương mà chỉ hoạt động dựa trên tinh thần tự giác cộng tu của các đoàn viên, lấy việc hoằng dương Tịnh Ðộ làm sự nghiệp chính. Hiện thời cố vấn giáo đạo là Hòa Thượng Tịnh Không.
Thoạt đầu, Tịnh Tông Học Hội chỉ tổ chức các khóa Phật thất mỗi năm vài lượt tại các chùa Quảng Tế, Hiền Lương, Niêm Hoa, Cực Lạc Am và trường tiểu học Từ Ðức cũng như cung thỉnh các vị cao tăng đại đức, cư sĩ hữu danh luân phiên diễn giảng. Năm 1945, cụ Hạ cùng các nhân sĩ thuộc Bắc Hải Ðoàn tổ chức pháp hội tiêu tai cầu nguyện hòa bình vào đúng ngày thánh đản Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, kéo dài suốt bảy ngày, quy tụ cả vạn người tham dự.
Sau khi Trung Hoa rơi vào tay Mao Trạch Ðông, các tự miếu bị đàn áp, kiểm soát nặng nề, nhưng Tịnh Tông Học Hội vẫn kiên trì duy trì những pháp hội “bỏ túi” dù không còn có cơ hội tổ chức các Phật thất cộng tu như trước năm 1949 nữa. Chính nhờ sự hoằng pháp liên tục âm thầm của Tịnh Tông Học Hội tại Hoa Lục, Phật giáo Trung Hoa vẫn bảo tồn được nguyên khí và có dịp phục hưng sau khi cơn đại hoạn Cách Mạng Văn Hóa chấm dứt.
Cụ Hạ là người rất ham học, tính tình nghiêm cẩn, thông duệ hơn người, thường hay quên ăn bỏ ngủ đọc sách. Có những lúc dù chính sự bề bộn, cụ vẫn không hề xao nhãng việc học. Lúc trẻ, cụ chú trọng từ chương, thông đạt các học thuyết Tống Nho, Lão Trang, nhưng càng lớn tuổi, cụ càng chuyên tâm nghiên cứu nội điển nhà Phật. Do vậy, sự hiểu biết của cụ về thế học lẫn Phật học rất quảng bác. Trước tác của cụ gồm đủ thể loại, các bài thơ của cụ được các văn đàn khen ngợi nồng nhiệt. Nhà xuất bản Nhân Dân từng dự định ấn hành di cảo Cừ Viên Ngoại Biên Thập Chủng của cụ, nhưng Cách Mạng Văn Hóa nổ ra khiến cho dự án này bị bỏ phế. Cụ Hạ cũng là một nhà nghiên cứu có tiếng về văn hóa, nhất là thư họa, cổ vật, khả năng giám định các cổ vật của cụ được giới nghiên cứu đánh giá rất cao.
Về mặt Phật học, cụ Hạ được đại chúng khâm ngưỡng sâu xa vì trình độ Phật học uyên thâm, đức hạnh nghiêm cẩn, điềm đạm, chuyên chí hoằng dương Phật pháp thật mạnh mẽ, sâu rộng. Phật giáo đồ Hoa Lục thường lưu truyền câu: “Nam Mai, Bắc Hạ”; nghĩa là: trong giới cư sĩ hoằng truyền Phật pháp nổi tiếng nhất thì ở miền Nam là cụ Mai Quang Hy (cậu của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ), miền Bắc là cụ Hạ Liên Cư. Sau khi quy y thọ giới nơi Huệ Minh Pháp Sư ở An Khánh, cụ Hạ không những cầu học với Huệ Minh Trưởng Lão, tự học nội điển, mà còn tham học rộng rãi với các bậc kỳ túc thạc đức trong các tông phái, kể cả những bậc thạc đức Phật giáo Nhật Bản. Cụ Hạ thông hiểu thông suốt ba tông Thiền, Tịnh, Mật, nhưng vẫn quy hướng Tịnh Ðộ, lấy việc hoằng dương Tịnh Tông làm lẽ sống. Dù từng bao lượt thăng pháp tòa dạy pháp cho cả Tăng lẫn tục, bao Tăng Ni nhờ Hạ lão cư sĩ khai ngộ bỏ tục xuất gia, suốt đời cụ Hạ luôn khiêm cung, giữ lễ đệ tử tục gia đối với các bậc tôn túc trong Phật Môn. Những người theo học với cụ thường suốt đời kính mộ, coi cụ Hạ như một bậc Ðại Sĩ tại gia Bồ Tát. Ðề tài diễn giảng của cụ rất rộng, bao gồm phần lớn những kinh luận chủ yếu của Phật Giáo Ðại Thừa, nhưng mỗi bài diễn giảng đều quy dẫn về Tịnh Nghiệp. Rất tiếc, phần lớn những biên thuật, trứ tác của Hạ lão cư sĩ bị hủy mất dưới tay những Hồng Vệ Binh điên cuồng hô hào “bài trừ văn hóa phản động, triệt để đập tan những tư tưởng xét lại, phong kiến, bợ đỡ Tây Phương” trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa tại Hoa Lục.
Cụ Hạ được biết Phật giáo đồ Trung Hoa ở hải ngoại biết đến nhiều nhất nhờ công trình hội tập kinh Vô Lượng Thọ. Trong thời gian yểm quan tuyệt khách tại Thiên Tân khi từ Nhật Bản trở về nước, cụ Hạ chuyên tâm hội tập năm bản dịch Vô Lượng Thọ của các đời Ngô, Ngụy, Hán, Ðường, Tống, trong suốt ba năm chẳng nghỉ, thiên châm vạn chước, soạn thành bản hội tập hoàn chỉnh của kinh Vô Lượng Thọ mang tên Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác Kinh, được tứ chúng hải nội, hải ngoại tán dương là bản hội tập công phu xuất sắc nhất. Hiện thời, đa phần các hành giả Tịnh Ðộ Trung Hoa dùng bản hội tập này làm khóa tụng. Tịnh Tông Học Hội của pháp sư Tịnh Không chỉ dùng bản này để tụng niệm mỗi khi cung tụng Vô Lượng Thọ kinh.
Ngoài việc hội tập kinh Vô Lượng Thọ, cụ cũng hội tập hai bản Phật thuyết A Di Ðà Kinh (bản Tần dịch của ngài Cưu Ma La Thập) và kinh Phật Thuyết Xưng Tán Tịnh Ðộ Phật Nhiếp Thọ (bản Ðường dịch của ngài Huyền Trang) với tựa đề A Di Ðà Kinh. Ngoài bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ, những tác phẩm Tịnh Tu Tiệp Yếu và Bảo Vương Tam Muội Sám của cụ Hạ cũng được ấn hành, lưu thông rất rộng rãi trong và ngoài nước, được tứ chúng hoan hỷ thọ trì, đánh giá rất cao.
Sau khi hội tập Ðại Kinh xong, theo lời thỉnh của Hiện Minh trưởng lão, phuơng trượng chùa Quảng Tế ở Bắc Kinh, cụ Hạ chuyên giảng kinh Di Ðà. Mỗi buổi giảng, Hiện Minh trưởng lão cùng phương trượng các chùa tại Bắc Kinh thường đến dự thính để làm ảnh hưởng chúng cho pháp tòa. Trong suốt mấy mươi năm ở Bắc Kinh, cụ Hạ tích cực hoằng dương Tịnh Tông, đào tạo được nhiều học trò lỗi lạc về hoằng pháp lẫn biên thuật. Người nổi tiếng nhất trong số này là cụ Hoàng Niệm Tổ. Các vị tôn túc pháp sư đương đại như Ðế Nhàn, Huệ Minh, Tỉnh Minh cũng đều hâm mộ, tán thán nồng nhiệt công hạnh hoằng dương Tịnh Nghiệp, hoằng pháp độ sanh của Hạ đại sĩ.
Công hạnh, kiến giải của cụ Hạ Liên Cư quảng bác, hoằng thâm đến nỗi pháp vương Cống Cát Hoạt Phật của Hồng Bạch Giáo Tây Tạng phải thốt lên: “Người xứng đáng làm kim cang a xà lê trong thế gian này chỉ có cụ Hạ mà thôi!” Ngay đến bậc Thái Sơn Bắc Ðẩu của nhà Thiền là Hư Vân Ðại Lão Hòa Thượng cũng ngậm ngùi bảo: “Chẳng biết bao giờ ta mới có dịp gặp được vị đại thiện tri thức ở phương Bắc này!” Tiếc thay vô thường chợt đến, duyên thị hiện hóa độ của bậc Ðại Sĩ đã tận. Một ngày mùa Ðông năm 1965, cụ Hạ chợt cảm thấy không khỏe. Ngay trong đêm ấy, cụ an tường quy Tây giữa tiếng niệm Phật, trụ thế 82 năm, để lại sự thương tiếc muôn đời cho các môn nhân.
Sau khi Hạ lão cư sĩ quy Tây, Tịnh Tông Học Hội do cụ Hạ đồng sáng lập được đệ tử tâm đắc là cụ Hoàng Niệm Tổ tích cực duy trì, củng cố nên phát dương rộng rãi. Tiếc là sau khi cụ Hoàng quy Tây, ảnh hưởng và hoạt động của học hội này tại Hoa Lục yếu hẳn đi; chỉ còn mạnh mẽ tại Ðài Loan. Nay được hỗ trợ của Tịnh Tông Học Hội Ðài Loan, Tịnh Tông Học Hội Hoa Lục đang có triển vọng phục hưng. Ðiểm lại sự nghiệp của cụ Hạ, ta có thể thấy là sau khi tổ Ấn Quang viên tịch, công cuộc duy trì, hoằng dương Tịnh Ðộ cũng như giữ cho pháp âm của Phật vẫn còn được vang vọng tại Hoa Lục luôn có sự đóng góp rất lớn lao của cụ Hạ Liên Cư. Tuy thị hiện thân tục gia cư sĩ, cụ Hạ đã góp phần đào tạo nên những bậc cư sĩ hữu danh, hữu đức có khả năng biên thuật, diễn giảng lưu loát, góp phần huấn dưỡng đại chúng sống theo chánh tín, tin tưởng sâu xa vào chánh pháp của Phật dưới bao hoàn cảnh khắc nghiệt của xã hội. Những thành viên Tịnh Tông Học Hội tại Ðài Loan đã đem kế thừa chí hướng của cụ, nhân rộng mô thức tổ chức tu tập này trong khắp các cộng đồng người Hoa tại hải ngoại. Nhờ đó, những Phật tử Việt Nam tại hải ngoại cũng có cơ duyên được ân triêm pháp nhũ của các bậc cao tăng, thạc đức trong Tịnh Tông Học Hội như Hòa Thượng Tịnh Không, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ… Ngưỡng mong Hạ Ðại Sĩ lại hồi nhập Sa Bà, phân thân tiếp độ tứ chúng cùng viên nhập Di Ðà Nguyện Hải.
Theo: Tịnh Tông Học Hội Lục Thập Chu Niên Kỷ Niệm ấn hành năm 1999 (Liên Hải kính ghi)


No comments:

Post a Comment