Thờ đa thần, vị thần quan trọng nhất đối với người Chăm H’roi là thần mặt trăng và thần mặt trời. Trước đây, người Chăm H’roi thường tổ chức lễ tế thần mặt trăng, mặt trời. Bởi, bà con quan niệm: “Biết cúng quải, Trời thương; biết làm, Trời cho”.
Theo ông Nguyễn Xuân Nhân, Hội trưởng Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Bình Định, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn - Đại học Quy Nhơn, lễ tế thần mặt trời, mặt trăng khác với các lễ cúng khác cả về lễ vật và hình thức cúng, bởi "Lễ hội rất cổ là lễ hội tế thần mặt trời, mặt trăng. Lễ hội cúng Hòn Ông hàng năm, lễ hội tế thần mặt trời và mặt trăng là lễ hội cổ nhất của họ". Hàng năm, lễ cúng thần mặt trời, mặt trăng được thực hiện phổ biến ở các làng Chăm H’roi. Nhưng bẵng đi mấy chục năm rồi, gần đây mới được khôi phục.
Lễ cúng được tổ chức tại sân làng. Trước ngày cúng, trong khi các gia đình lo chuẩn bị lễ vật thì những thanh niên khỏe mạnh, khéo tay tập trung tại sân làng làm giàn tế thần mặt trăng, mặt trời. Chiều dài của giàn phụ thuộc vào số hộ trong làng. Mỗi hộ sẽ được chia một góc giàn để dọn đồ lễ của gia đình mình lên đó. Lễ tế thần mặt trời, mặt trăng chỉ diễn ra trong 1 ngày đêm, nhưng phải chuẩn bị trước cả tuần trời.
Một lễ hội của người Chăm H'Roi ở Bình Định. Ảnh minh họa: Baobinhdinh.com.vn
-Người Chăm H’roi ở Đất Cày, Vân Canh cứ vào ngày 15/4 âm lịch là tổ chức lễ hội mặt trời, mặt trăng. Ban ngày thì tế mặt trời, ban đêm thì tế mặt trăng. Cúng mặt trời, tất cả vật hiến tế là lấy trên mặt đất. Lễ vật tế mặt trăng là phải lấy dưới nước. Hoa quả phải lấy ven bờ sông, bờ suối. Âm và dương mà - ông Nhân giải thích.
Khi đồ lễ đã bày biện trên giàn cúng, các già làng đứng vào vị trí cúng lễ chung, còn các chủ hộ đứng ở vị trí gia đình mình. Mặt trời vừa lên khỏi đỉnh núi, già làng bắt đầu khấn, các gia đình đọc theo:
“Chào ông mặt trời đã lên khỏi đỉnh núi khỏe mạnh.
Người Chăm H’roi chúng tôi rất vui mừng thấy ông khỏe.
Hôm nay là ngày rằm tháng Tư, là ngày cúng hội ông.
Mời ông xuống vui với con cháu và chứng kiến ngày hội...”.
Cúng lễ xong, dân làng mời nhau ăn đồ lễ, uống rượu ghè. Mọi người ăn uống vui vẻ, hát ca, đánh cồng chiêng… chờ đến buổi đêm cúng thần Mặt Trăng.
Khi mặt trăng vừa ló lên khỏi đỉnh núi, tròn trịa và sáng sủa, già làng cùng các gia đình khấn:
"Bà Mặt Trăng lên rồi!
Mời bà xuống dự các cháu cúng, mừng ngày hội của bà.
Mời bà cùng ăn uống vui vẻ với người Chăm H’roi...".
Sau lễ cúng, dân làng lại tiếp tục ăn uống, đánh cồng chiêng. Nửa đêm, khi trăng sáng nhất, hai lễ hội nhập làm một thì dân làng tổ chức ăn uống và vui chơi tại 2 nơi. Thanh niên tiếp tục ở lại nhà làng, vui chơi, ca hát. Người già, người có tuổi bàn chuyện làng chuyện bản bên ghè rượu.
Thanh Nga/VOV4
http://vov4.vov.vn/TV/sac-mau-van-hoa/le-te-than-mat-trang-mat-troi-c1202-35074.aspx
No comments:
Post a Comment