Khi anh chàng Vũ Xuân Tiến chạy theo chiếc xe bus của đội Arsenal, anh được cả làng thể thao, cư dân mạng và cả giới truyền thông săn đón. Có lẽ anh chàng 20 tuổi đó may mắn hơn những đứa trẻ vị thành niên đã khóc trong đêm hội Music Bank khi nhìn thấy thần tượng của mình.
Cùng chia sẻ thông tin về thần tượng - Ảnh: Độc Lập
|
Ai là fan cuồng?
Không chỉ có fan của Arsenal ca ngợi Xuân Tiến, mà cả giới truyền thông, người viết, hay trong câu chuyện của những ông bà già coi TV, anh Tiến là một người hâm mộ thật hấp dẫn và đáng nể phục.
Cũng tương tự, khi nhìn những cô bé gục đầu nức nở vì hạnh phúc khi gặp sao Hàn, khán giả đều thốt lên giận dữ: “Cái lũ trẻ con ăn no rửng mỡ!”. Khi ấy, những người phán xét đã quên mất rằng mình cũng từng có một tuổi trẻ.
Trong cái tuổi trẻ ấy, không biết bao nhiêu người đã đội nắng, đội mưa ngồi nghe ông Trịnh Công Sơn hát trong công viên, đắm đuối nhìn ông như một fan cuồng chính hiệu.
Ở tuổi trẻ đã mờ nhạt, những người phán xét cũng quên mất mình đã từng mặc quần ống loe, để tóc dài, để “bát” ở mang tai, cho giống “The Beatles” yêu quý của mình, nghêu ngao hát “The Beatles” ở mọi nơi, hát khi phản chiến, hát khi rong chơi, hát trong đêm cắm trại.
Thời tuổi trẻ hiếm hoi giải trí ấy, có những cô gái nguyện sống theo truyện Quỳnh Dao, nguyện yêu theo nhân vật nữ mình si mê, thần tượng. Những chàng trai có thời nguyện mình sẽ chinh phục mây gió như Hemingway, Jack Kerouac. Có những người, ở tuổi 60, khi khoảng cách Mỹ và Việt Nam gần hơn, phải quyết đi cho bằng được con đường nước Mỹ mà nhà văn thần tượng Jack Kerouac của mình đã đi qua. Đó có phải là “theo dấu chân thần tượng” không?
Náo nức chờ đón thần tượng - Ảnh: Độc Lập
|
Không ai có thể quên được, có những người đã chuyền tay nhau những câu chuyện như “Paven - Thép đã tôi thế đấy !”, làm theo Paven bất kể đúng sai, quyết tâm bỏ bạn gái, quyết tâm chịu cực, quyết tâm... giống thần tượng. Thậm chí có anh còn thường xuyên trích dẫn mấy câu nói của Paven để tỏ ra mình sẽ quyết sống như anh chàng ấy đến cùng.
Năm 2015, những đứa trẻ cố gắng ăn mặc giống Park Chorong, Yoon Bomi, hay các anh chàng Chanyeol, Suho... lại bị coi là một lũ “cuồng”, “dở hơi”, “rửng mỡ” hay bằng mọi ngôn từ ác ý mà người lớn có thể dành cho chúng.
Ai mới là người có giá trị?
Không có một ngôn từ tốt đẹp nào được giành cho những đứa trẻ vị thành niên ấy. Chúng bị xem như là phát cuồng, lệch chuẩn, nhầm giá trị. Những anh chàng ca sĩ, ngôi sao điện ảnh của đám trẻ được người lớn gọi là “thằng”, là “con” là “lũ vớ vẩn”. Người lớn - hay đại diện của quyền lực - có đủ các kênh để thể hiện. Họ là nhà tâm lý, là thầy giáo tâm lý, là nhà văn, là nhà báo. Fan cuồng mới 15 tuổi, chúng chưa có một kênh nào để thể hiện quan điểm. Thậm chí, giới truyền thông còn đưa lên trang nhất những bài viết kiểu như “Viết thư chửi mẹ vì không xin được 5 triệu đi xem Music Bank”. Thái độ của những người hâm mộ âm nhạc và thần tượng thuần túy đã bị đẩy đến cực đoan: Xung đột giá trị.
Phấn khích tột độ khi được gặp thần tượng của mình - Ảnh: Độc Lập
|
Với người hâm mộ, được gặp thần tượng là 7 nhóm nhạc nổi tiếng thật là sự kiện chưa từng có. Quá xúc động, họ khóc. Ngay lập tức, họ bị dán nhãn là bọn cuồng.
Không có người phán xét nào biết đám trẻ rồ dại kia đang xây dựng những diễn đàn hâm mộ chỉn chu đến bất ngờ. Chúng học tiếng Hàn, dịch lời nhạc Hàn, viết thành phụ đề tiếng Việt, gắn vào clip âm nhạc cho mọi người xem. Chúng đọc và viết những tóm tắt phim, lời dẫn, dịch cả phụ đề cho phim. Chúng làm mọi thứ để chia sẻ một niềm đam mê âm nhạc hay phim ảnh - bởi đó là thần tượng của chúng. Cũng giống như ngày xưa có anh chàng nào đó học thuộc từng lời thoại của anh chàng Paven, cắt tóc y hệt The Beatles... Có khác gì không - khi ai cũng có một tuổi trẻ để si mê điều gì đó?
Giá trị của người lớn chẳng lẽ đã không còn đối thoại được với giá trị của người trẻ?
- Người lớn thấy “một thằng ca sĩ mắt xanh, mỏ đỏ hát lải nhải gì đó” thật chẳng có gì đáng để thần tượng. Đám trẻ thấy anh ấy thật đẹp trai, phong độ, nhạc của anh hay, anh hát và nhảy đẹp. Họ hâm mộ. Người lớn thấy những đứa trẻ con tràn ra sân bay, hò hét tên thần tượng, và so sánh: “Đến cha mẹ chúng nó còn chả gọi tên nồng nhiệt như thế!”
- Với fan nhạc Hàn, họ làm gì có nhiều cơ hội để gặp thần tượng qua Việt Nam diễn, tại sao họ không thể hò hét phấn khích. Với người lớn: “Nghe có hiểu gì không mà hâm mộ?” , vậy chắc họ đã quên một thời có cả một lớp người nghe nhạc Mỹ không hiểu gì mà vẫn si mê nên ông Phạm Duy phải đi viết lời Việt cho nhạc Mỹ để họ nghêu ngao hát.
Chúng ta đã đi quá xa khỏi cái thời đói rách ngột ngạt, giải trí không có gì ngoài những đĩa nhạc cũ mèm hay buộc phải nghe những ca sĩ hát dở lải nhải tối ngày trên truyền hình. Chúng ta đã rời xa quá lâu khỏi cuộc sống kiêng khem tiết chế kiểu anh hùng đói khổ. Những đứa con của chúng ta có điện thoại, được học hành, có internet, có quần áo đẹp, có sân khấu âm nhạc, có phim ảnh. Tại sao những bậc bố mẹ đã tiêu phí cả đời để con mình được sung túc, lại cuồng lên phẫn nộ chỉ vì con cái mình có một thú vui giải trí khác với sự kiêng khem đói khổ của mình?
... và khóc - Ảnh: Độc Lập
|
Tại sao, ai cũng có một tuổi trẻ để làm mấy trò si mê dễ thương, một chút tụ tập bạn bè vui vẻ, tự dưng thú vui ấy của lũ trẻ năm 2015 bị “làm quá” lên và bị chửi tơi bời?
Nhìn thông cảm hơn, mục đích cuối cùng khi giận dữ với Sao Hàn chính là nỗi lo lắng kiểu “phụ huynh”. Người lớn, cha mẹ lo đám trẻ mất đi giá trị thực, lo sự cuồng si hóa thành hành động sai lạc, sợ họ tự tử vì thần tượng, tiêu phí sạch tiền để đi xem nhạc, ăn cắp tiền gia đình để đi theo thần tượng. Cha mẹ lo sợ những người trẻ trở nên lầm lạc trong đam mê cháy bỏng vô hướng của mình.
Nhưng người lớn đã quên mất rằng, nếu biết tôn trọng những người trẻ hâm mộ kia, họ có thể hướng dẫn con cái mình chừng mực hơn trong hành xử và thể hiện tình yêu với thần tượng. Từ sự thấu hiểu, họ có thể tháo gỡ nhiều nguy cơ đang rình rập bên ngoài cuộc sống cũng như ẩn trong niềm đam mê của người trẻ. Qua đó, đám trẻ sẽ tôn trọng lại những người lớn đang đối thoại với mình, và lắng nghe rằng sự lo lắng đó là vì muốn tốt cho mình. Nhưng giờ đây không phải vậy, các cô bé, cậu bé bị đẩy vào thế của một “đối thủ đơn côi” đang xù lông lên để chống lại cả thế giới gọi tên mình là fan cuồng, fan điên, bị đem ra làm trò đùa cợt, chế giễu.
Để trở thành người lớn có ý kiến đáng được tôn trọng, bạn có thể bắt đầu bằng việc tôn trọng những người trẻ si mê thần tượng, giống hệt như tuổi 20 ngày xưa của mình vậy. Đừng nghiêm trọng, đừng chia chiến tuyến.
Rồi chúng ta đều già đi, sao phải sống một thời tuổi trẻ kiêng khem, vật lộn và đau khổ? - Sao không vui tươi và dễ chịu như những đứa trẻ đang biểu diễn niềm vui của họ trước mắt mình?
Thật, mê Sao Hàn thì có sao đâu?
Khải Đơn (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người viết tự do đang sống và làm việc tại TP.HCM
No comments:
Post a Comment