Wednesday, May 18, 2016

KHA?O

Có người đến chùa miếu yêu cầu sư phụ đánh hương bản để tiêu trừ nghiệp chướng. Ân sư tôi bèn nói, nếu chính mình yêu cầu người khác đánh hương bản thì trong lòng đã có chuẩn bị, đương nhiên khi bị đánh, trong lòng không sinh phiền não. Nếu không có chuẩn bị mà bất ngờ bị người ta đánh một cách vô lý thì đây mới là sự khảo nghiệm, mới có thể hiểu rõ được trình độ và sự phiền não của chính mình. Cho nên ân sư tôi mới quì xuống khẩn cầu Lão Hòa Thượng từ bi, giúp bà phá bỏ cái phiền não “ngã tướng”. Lão Hòa Thượng nghe xong liền nói “Tốt, tốt, tốt!”, nhưng ân sư tôi cũng chẳng hề phải biết phải làm sao. Mỗi ngày bà đều quì khẩn cầu Lão Hòa Thượng, Lão Hòa Thượng vẫn cứ nói: “Tốt, tốt, tốt”, nhưng chẳng có động tịnh gì. Ngày tháng trôi qua, ân sư tôi lại bận nhiều việc nên dần dần quên đi.
Một hôm, rất nhiều quan viên chính phủ, giáo sư đại học Đài Loan, nữ giáo viên Bắc Nhất đến chùa Thừa Thiên bái kiến Lão Hòa Thượng. Lão Hòa Thượng bèn gọi ân sư tôi đến phiên dịch. Khi ân sư tôi bước vào, theo thường lệ cùng mọi người niệm A Di Đà Phật, khi chắp tay chào hỏi, bỗng nhiên Lão Hòa Thượng dùng động tác rất khoa trương cổ quái, và chắp tay nói: A Di Đà Phật! Ân sư tôi chợt thấy hôm nay khác mọi khi, vội vàng chạy tới quì trước Lão Hòa Thượng. Lão Hòa Thượng nói: “ Ở đây có đông đảo tại gia cư sĩ, cô quì như thế và muốn làm mất phước của người ta à?”.
Ân sư tôi không dám quì nữa, liền vội vàng đứng lên.
Lão Hòa thượng lại nói: “Cô gan quá! Dám đứng cao hơn thầy ư!”
Đến nước này, quì cũng không được, đứng cũng không được, muốn đứng ngang thầy, ngồi ngang thầy lại càng không được, thật là khiến người ta không biết phải làm sao cho đúng. Hôm ấy, có rất nhiều người đến xin qui y. theo lệ thường, các chứng điệp qui y đều do ân sư tôi đảm trách, hoặc do các vị khác thay Lão Hòa Thượng điền tả chọn pháp danh. Nhưng hôm ấy, Hòa Thượng lại nói với mọi người: “Các vị xem kìa! Cô ta tự đứng ra chủ trương, các chứng điệp qui y đều do cô ta viết, chẳng kể gì tới ai, trong lòng có chút gì tôn trọng sư trưởng đâu. Các vị muốn thỉnh tôi tác chứng qui y hay là muốn thỉnh cô ta?”.
Ân sư tôi nghe xong không dám tiếp tục viết nữa, vội vàng lấy các chứng điệp qui y sửa lại, rồi đưa đến trước mặt Lão Hòa Thượng. Lão Hòa Thượng lại nói: “Hả? Ta mới nói có hai câu mà đã sinh phiền não, không chịu ghi chép nữa! Lại một mực đòi ta phải ghi chép!?
Cả chồng lớn thế này làm sao ta viết nổi, làm sao ta chọn pháp danh cho được! Hay chọn pháp danh là Truyền Viên (tròn)? Truyền Biển (dẹp)? Truyền Hàn (mặn)? Truyền cam (ngọt)? Đột (lồi)? Truyền Ao (lõm)?”. Nói ra cũng thật là thú vị, Lão Hòa Thượng quả là có công phu tu hành. Mọi người được Ngài đặt pháp danh là Truyền Hàm, Truyền Cam..ai cũng rất vui mừng.
Bấy giờ ân sư tôi không biết phải làm sao. Thế này cũng không được, thế kia cũng không được, bà chịu không được, nước mắt tuôn trào.
Lão Hòa Thượng lại nói với mọi người: “Quí vị xem kia! Nói với cô ta hai câu mà cô ta đã trào nước mắt, chắc là muốn làm cho mọi người thương hại đó!” trào nước mắt cũng không được, ân sư chỉ còn cách nhắm mắt lại, hít vào một hơi dài, niệm Phật, bắt đầu tư duy quán tưởng – không có một “người” đang mắng trách ta, cũng không có một cái “ta” đang bị người mắng trách. Cũng không có “Câu mắng trách của người” Tam luân thể không).
Lão Hòa Thượng lại nói: “Các vị xem! Cô ta đang ở đó, mắt quán mũi, mũi quán tâm, làm bộ như có tu dữ lắm!”. Mọi người đang có mặt tại đó đều chưng hửng, tất cả đều đổ vào nhìn bà. Ân sư tôi kể, lúc đó bà muốn tìm một cái hang để chui vào, và cũng muốn chạy trốn cho xong.
Nhưng Lão Hòa Thượng lại nói:“Chạy đi đâu? Đứng lại nào!”.
Quả là khởi tâm tức là sai, động niệm tức là bậy, không biết phải làm sao cho đúng, cũng phải chịu đựng thôi. Nhưng đến khi thời tiếp khách đã qua, Lão Hòa thượng lại điềm nhiên như không có chuyện gì, bình tĩnh cười hì hì, mang sữa đến cho ân sư tôi và nói: “Cho cô uống đó”.
Đến giờ tiếp khách chiều, thì Lão Hòa Thượng lại làm như hồi sáng, mở đầu thế này cũng không đúng, chê thế này, chê thế nọ, chê đến nỗi người ta phải làm sao cho đúng. Nhưng đến khi xong thời tiếp khách thì Ngài lại coi như không có chuyện gì.
Ân sư tôi còn nhớ: “Suốt cả ngày hôm nay, quả thực không biết mình đã phạm lỗi gì mà cái gì cũng bị Lão Hòa Thượng quở mắng?”. Trong lòng ân sư tôi khởi ý: “Ta phải đi hỏi xem, xem rốt lại có cái gì không đúng!”. Bà nghĩ như thế bèn đi đến phòng phương trượng gõ cửa và bước vào. Lão Hòa Thượng thấy bà đến, làm bộ như giật mình, lấy tay vỗ vào ngực mà nói: “Ai đó, hãy xóa bỏ cái phiền não “ngã tướng” cho cô ta đi. Vừa mới nói với cô ta có hai câu, cô ta đã đòi đi hỏi xem sao! Nếu đánh cô ta bằng hương bản há cô ta không đi gọi cảnh sát sao!?”. Mới vừa khởi lên một niệm tâm bất mãn, muốn “hỏi xem sao!” đã bị Lão Hòa Thượng thu mất làn sóng điện, chư Phật mười phương, chúng ta có niệm tâm nào che mắt được Thánh hiền chăng?
Ân sư tôi nghe Lão Hòa Thượng nói thế thì trong lòng liền hiểu rõ. Thì ra Lão Hòa Thượng từ bi đáp ứng lời thỉnh cầu của mình mà đưa ra khảo đề!
Nghĩ thế ân sư tôi bèn quì xuống sám hối, cảm ơn. Lão Hòa Thượng lại nói: “Ta hỏi cô! Pháp danh của cô có phải do ta chọn chăng? Ta đặt pháp danh của cô là Truyền Tịnh, thì cô chính là Truyền Tịnh. Ta gọi cô là Truyền Duyên thì chính cô là Truyền Duyên. Nếu một hôm nào cô chết đi, ta gọi cô là Truyền Tịnh, cô hồi đáp được chăng? Lớp da trên mặt này nếu bị lột đi, thì phần dưới là cái gì chứ? Cái mặt dễ thương như thế này! Cái gì là ngã? Cái gì là mặt mày?”.
Chúng ta thường phân biệt rõ “mặt mũi” là cái gì , “ngã” là cái gì, mà cứ mãi bảo vệ, một mực nắm giữ. Khi bình tĩnh tự hỏi mình “ngã” là cái gì thì lại không biết rõ chân tướng. Suốt cả đời làm việc hồ đồ không phải vì chân lý mà chỉ vì mặt mũi, chẳng biết suy nghĩ được cái gì?
Chúng ta thường đọc kinh Kim Cương “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng” (không có tướng về tôi, không có tướng về người, không có tướng về chúng sanh, không có tướng về người thọ mạng), và “nếu Bồ Tát mà có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, thì đó không phải là Bồ Tát”. Đọc kinh là đọc như thế, nghe kinh là nghe như thế. Khi nghe thì giống như là giải thoát tự tại, nhưng khi khảo
đề được đưa ra, có người ghét chúng ta, y trách mắng chúng ta, thì chúng ta liền bảo vệ ý nghĩ của mình, thậm chí rất bực bội. Trong lòng có cái quan niệm về “ngã”, cảm thấy cái “ngã” bị người ta trách mắng, đó chính là ngã tướng, nhân tướng đều biểu lộ ra. Ngoài việc chứng minh chính mình là kẻ phàm phu đáng thương, chẳng hề là Bồ Tát, thật là vô ích vậy.
Đâu đâu người ta cũng bảo vệ một cái “ngã”. Ta mới bị người ta hiềm ghét đã cảm thấy không còn mặt mũi nào, không thoải mái, hy vọng người khác quan tâm ta, tôn trọng ta, công nhận ta tốt. Như thế là bồi dưỡng ngã tướng và ngã chấp. Đức Phật dạy chúng ta phải phá bỏ những thứ ấy, mà hàng ngày chúng ta phải bồi dưỡng chúng, lại cho rằng mình đang học phật. Kỳ thực hằng ngày chúng ta xướng ngược điệu, cãi lại với Phật; có điều chúng ta rất ít khi tự mình phát hiện được điều này, mà chỉ nghĩ đến mặt mũi của chính mình. Điều này chẳng cần ai dạy bảo, ngay đứa trẻ con cũng biết.
Chúng ta có thể hiểu rằng, nếu cha mẹ chúng ta la mắng anh em chúng ta mà không phải là la mắng chính chúng ta, thì chúng ta không cảm thấy bực bội lắm. Giả như đó là la mắng chính chúng ta thì chúng ta lại bực bội. Nếu sáng nay ông chủ của bạn la mắng các đồng sự của bạn mà không la mắng bạn thì nghe xong bạn cảm thấy mất mặt. Như thế đủ biết khi la mắng đến cái “ngã” của ta thì vấn đề “ngã” không phải là vấn đề của nội dung của sự la mắng.
Lão Hòa Thượng dùng phương pháp thiện xảo đưa “bệnh” ra, để chúng ta cảnh giác mà sửa đổi.
Nếu chúng ta không tự phát hiện ra chính mình đang chấp trước một cái “ngã”, không phát hiện ra bệnh của chính mình thì không có cách gì để trừ loại nó. Lòng từ bi, sự khéo léo và việc dạy dỗ của Lão Hòa thượng chính là nêu rõ ra cái bệnh của chúng ta, khiến chúng ta đối mặt với cái bệnh chấp trước của chính mình để chúng ta cải tiến và phá trừ nó.
Người ta mắng riêng chúng ta, chúng ta còn cảm thấy bực bội thay, huống chi Lão Hòa thượng lại chọn nơi rộng rãi, có đông người lại có cả quan chức, học giả thì mới cố ý trách mắng này nọ, trách mắng để cho bạn hiểu ra rằng, khởi tâm là sai, động niệm là bậy, ngay đó thì ngoài việc niệm Phật, không phân biệt, không chấp trước, không ngã tướng, không nhân tướng, quả thực không còn cách gì khác. Người “hiểu” thì ngay đó liền xả bỏ vọng, Qui về chân thông đạt đạo lớn, bỏ ta bà, chứng Cực Lạc. Người “không hiểu” thì ngay nơi cái giả tướng hư vọng lại tăng thêm cái phân biệt hư vọng, kết quả là một cơn ác mộng hư vọng. Như thế thì ngoài cái lao khổ vì sinh tử, chẳng biết được cái gì thêm!

No comments:

Post a Comment