Sư Cô Như Thủy Giảng Đề Tài: TÂY DU KÝ
Gởi các đạo hữu một bài nói về Tây du Ký của HOÀNG TRỌNG ANH ( XIN XEM theo thứ tự phần A , rồi B v.v.
:
Theo Duy Thức người ta có đến 8 thức: Nhãn , nhĩ , tỷ , thiệt và thân là 5 thức thuộc về cảm giác rồi đến ý thức tương đương với lý trí của tây phương nhưng phải hiểu theo tinh thần vô nhị nghĩa là nó không phải ở trong đầu óc mà thôi . Sở trường của nó là thích phân chia giới hạn hay phạm trù hóa thế giới ra từng phần riêng biệt. Trong Tây du ký nó được tượng trưng bằng những dòng sông như Lưu Sa, hắc Hà , Thông thiên và bến Lăng vân .
Những nhân vật như SaTăng, Bát Giới là những yêu quái trên con đường hồi hướng qui y nhưng chuyên sống dưới nước nên rất tài ba thủy chiến và thích đấu tranh lý luận. Đại Thánh tuy có thể lặn được nhưng kém hơn vì y không thích lý trí với ý thức. Sa tăng là nhân vật được chọn để tượng trưng ý thức cho nên y đã nằm trong lòng sông Lưu Sa để chờ thầy dẫn độ. Lý trí chủ trương đấu tranh cho nên phải làm chết người thành thử Sa Tăng đi đâu cũng đeo chín cái sọ để tượng trưng khí thế: có lý trí tức có chiến tranh
Chức vụ của đương sự xưa kia là Quyện Liêm tướng công nghĩa là buông rèm và cuốn rèm cho Ngọc Hoàng: lý trí là trùng phức nghĩa là lo chứng minh cho những gì mà mình đã chấp nhận ngay từ phút ban đầu, không thoát vòng luẩn quẩn. 80 ngàn danh từ trong tự điển lui tới dùng nhau để giải nghĩa cho nhau, gây biết bao nhiêu ngộ nhận để sinh oán thù. Khí giới của Sa Tăng là Bửu trượng có thể muốn nhỏ muốn to tùy ý và biến ngắn cũng được, cho nên ngôn ngữ là khí giới của thế trí muốn nói sao cũng xong.
Trong thế giới nhị nguyên, lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Muốn chứng minh cho trúng, người ta cứ việc đổi nguyên lý đầu tiên và vì cái đầu tiên thì có cái đầu tiên nào mà chịu nhường cái đầu tiên nào để thành cái thứ nhì đâu. Chiến tranh là vì vậy
Bát Giới cũng vậy xuất thân ở sông Ngân Hà làm đến chức Thiên Hà nguyên soái nên cũng lý sự không kém Sa Tăng , tuy nhiên y được chọn để tượng trưng cho Ngũ Câu ý thức vì thân xác con heo hay thích trò cảm giác
Phần B :
Tề Thiên Đại Thánh xuất thân cũng ở động Thủy Liêm mà y đi vào bằng cách nhắm mắt nhảy liều xuống suối. Nhưng nước ở đây không phải là nước thật cho nên nước suối không sâu không cạn nhưng phi thường: Đại Thánh tượng trưng cho thức thứ bảy, một thứ thức không phải thức. Tổ sư đặt tên cho đại thánh là Ngộ Không là vì vậy , trong khi Bát Giới được Tam Tạng đặt tên là Ngộ Năng và Sa Tăng là Ngộ Tịnh
Năng và Tịnh là đang còn trong vòng ý thức nhị nguyên, đang còn trong vòng ham mê hơn thiệt với dòng sông. Thức thứ 7 trong danh từ Phạn không có chữ vijinana (thức) ở đàng sau như các ý thức khác mà chỉ gồm vỏn vẹn chữ Manas= ý (Mạt Na) . Ý có thể hiểu theo chữ Ideen của Schopenhauer là khoảng giữa nằm ngang thế giới biểu tượng với thế giới ý chí , giữa chân đế và tục đế , Niết bàn và địa ngục .
Nằm ngang là một cách để nói chứ chính thức nó lại liên kết Chân với Giả vô phân biệt một cách tài tình. Tánh chất song nhiệm giải thoát và tù đày của Mạt Na khó lòng mà đến với chúng ta nếu thiếu tính chất vô nhị trong tâm hồn. Tánh chất tù đày của mạt Na Thức được kinh Nhiếp đại thừa luận diễn tả một cách hãi hùng và được tượng trưng bằng năm ngọn Ngũ Hành chôn chặt con khỉ đá Ngộ Không trong vòng Ngũ uẩn
Tánh chất giải thoát của Mạt Na được tượng trưng bằng phép Cân Đẩu Vân thâu đường xa trong chớp mắt. Cân đấu Vân của Tôn ngộ không khác phép Đằng vân của SaTăng, Bát giới ở chỗ không bay từ từ mà lại thâu từng đoạn nhanh như điện: các thức khác sống trong liên thời (thời gian liên tục) còn Mạt Na sống trong Gián Thời (thời gian sấm chẻ , hiểu theo Krishnamurti)
Mạt Na hướng về giải thoát là nhờ nương vào thức thứ tám hay TẠNG THỨC, còn nếu hướng về tù đày thì nương vào ý thức
Cũng vì vậy Đại Thánh không ham nhảy xuống sông lý trí như Bát Giới và Sa Tăng.
Thức thứ tám là Tam Tạng và chính Đường Tăng đã cứu Đại Thánh thoát khỏi Ngũ Hành.
Hai thầy trò không thích sông nhất là thân xác Tam Tạng quá nặng bay qua sông không nổi cho nên mỗi khi gặp sông là cả hai đều ngao ngán .
Tam tạng ngán dòng sông là vì Tạng Thức ở ngoài thế trí biện thông . Tạng thức là thực tại phi thời gian, phi không gian, sự sự vô ngại và lý sự viên dung, không phân biệt chân giả cho nên thường bị yêu ma lường gạt.
Sự bị lừa gạt này tuy vậy không chận được bước tiến của những vị chân tu mà lại còn giúp cho họ giảm nghiệp là đằng khác. Biết bao nhiêu là yêu quái đội lốt nhà sư, giả đò đàn bà con nít, lạy lục cúc bái để gạt Tam Tạng làm ơn mắc oán . Và Tam Tạng phải mắc mưu để trả nghiệp tiền kiếp của mình, phải lấy ơn đền oán dầu bị lừa và triệt để đừng đem thế trí biện thông ra mà đối địch.
Tạng thức vô lậu, vô thủy, vô chung , vô trú , vô kỳ , vô thưởng, vô phạt cho nên Tam Tạng an nhiên như trẻ thơ . Nếu Mạt- na có tính chất nghệ sĩ nhiều thì Tạng Thức có tính chất hồn nhiên. Thế giới tuổi trẻ và thế giới nghệ sĩ bao giờ cũng hòa thuận nếu không là quyến luyến nhau. Đại thánh và Tam tạng không thể rời nhau nếu muốn đi vào giải thoát và nghệ sĩ chân chính phải học bài với trẻ con, Đại Thánh phải tôn Tam Tạng làm sư là vì vậy
PHẦN D
DÒNG SÔNG CỦA CÂU CHUYỆN
Trong sổ đoạn trường Tây du của Tam Tạng, Đường tăng phải chịu 81 tai nạn cho đúng với số 81 tòa sen của Phật đài. Đó là cái nghiệp mà nhà tu hành phải trả nợ tiền kiếp. Tu không phải là cầu an nhưng nguyền giải nghiệp đúng theo câu hát của Đào Tấn:
Lao xao sóng vỗ ngọn tùng
Gian nan là nợ anh hùng phải mang
Hai tai nạn cuối cùng của Tam Tạng đặt biệt cũng xẩy ra trên dòng sông , một cái tại bến Lăng Vân , một cái trên đường về với Thông Thiên Hà .
Trước khi đến chùa Lôi Âm để gặp Phật thỉnh kinh, thầy trò Tam Tạng phải vượt qua con sông cuối cùng của Lý Trí. Đó là một con sông cách chân núi Linh Sơn sáu dặm KHÔNG CÓ TÊN GỌI . Cái lý nột tâm với dòng thời gian không có hình tướng, không có tên gọi nên đành phải vô danh. Tuy không tên nhưng sông lại có bến, đó là bến đò Lăng Vân. Bến Lăng vân không có đò ngang đưa khách nhưng lại có một cái cầu độc mộc khó lòng đi qua. Cái chướng ngại nội tại không thể nào nhờ ai giúp cho nên bến không đò mà lại có cầu: Muốn sang bên kia bờ giải thoát phải tự mình bước qua cầu. Và chướng ngại là do mình, cho nên ở đây không còn yêu tinh quấy rối. Kim Đăng đại tiên trước khi bái biệt có dặn dò Đường tăng: “quý vị đều thấy cảnh vật rồi đường đi tới đó không còn yêu tinh ngăn chận nữa “
Chướng ngại do con sông Vô Danh tạo ra chiếc cầu độc mộc tượng trưng cho chướng ngại do nội tâm mình tạo ra . Tại đây ngoài Sở tri chướng của Lưu Sa hà, Hắc Hà, Thông thiên hà còn thêm phiền não chướng của Lăng Vân Độ .
Do đó Tam Tạng thất kinh không dám qua cầu; qua cầu được là thành Phật vì mình đã chiến thắng xong với bản ngã. Sự kiện này khó khăn vô cùng vì không thể dùng phương tiện của lý trí. Đại Thánh ngăn cản vì con sông nội tâm khôn thể vượt qua bằng pháp thuật ngoại tại. Đại thánh cũng không dùng cân đẩu vân để lăng vân, nhưng lại bước qua cầu bằng đi bộ (Lăng ba vi bộ)
Chính y là độc mộc cầu cho nên ngang nhiên qua lại dễ dàng, trong khi Sa Tăng ,Bát Giới đành bó chân không đằng vân được.
Lý trí và ý thức không làm sao đưa chúng ta qua bờ bên kia , chỉ có Mạt- Na - hình ảnh của nghệ thuật - mới có thể đi vào bờ sông giải thoát, bằng những bước chân hồn nhiên thơ ấu
Tam Tạng leo lên cầu không nổi vì nghiệp còn nặng thân xác chưa thoát xong thành thử tất cả thầy trò ở lại chờ Đức Bửu Quang Tràng vương Phật biến thành ông lái đò chèo thuyền Bát Nhã đến cứu độ.
Tuy nhiên dầu có Phật cứu, bước xuống thuyền vẫn không phải chuyện dễ vì thuyền Bát Nhã không có đáy. Đại trí không có căn nguyên cho nên nguồn gốc của tư tưởng là hố thẳm không đáy.
Muốn xuống thuyền,Tam Tạng phải liều nhắm mắt nhảy đại và nhờ đại thánh xô thêm . Đại Thánh hay nghệ thuật trí của Mạt -Na là phương tiện duy nhất để giúp nghệ sĩ siêu thoát thành Phật vượt ra dòng thời gian của lý trí.
Căn nguyên của lý trí chính là bước nhảy của lý trí hay bước nhảy căn bản của Schopenhagen mà Heiderger đã đề cập trong bộ sách quan trọng bậc nhất của ông (Dtaz vomo Grund 1957) . Tuyệt đỉnh tư tưởng tây phương gặp đoạn chót Tây Du tại bến đò Lăng vân trên dòng sông Lãng Quên không tên gọi
Đứng trên thuyền Bát Nhã, Tam Tạng thấy xác mình trôi sông và ông hỏi của ai: Lý trí Đường tăng chết theo dòng thòi gian cho nên đương sự hết phân biệt và hết sợ hãi từ đây
PHẦN E :
Tam Tạng ra đi với Đại Bi, sang đò lăng vân thêm được Đại Trí ( vô phân biệt trí ) và nhất là Đại Hùng ( thấy mình chết mà không quan tâm ) . Thiếu Bi không làm sao có trí và thiếu trí thì cái hùng biến thành tai hại cho sự giải thoát vì nó tạo thêm oan nghiệt .
Với Vô phân biệt trí, oan nghiệt không còn tác dụng cho nên khi thuyền qua bên kia bờ Tam Tạng thấy thân mình nhẹ như bông.
Tuy nhẹ như bông nhưng trên đường về Tam Tạng vẫn còn vương phải một tai nạn chót tại Thông Thiên hà. Cái tai nạn này rất quan trọng vì nó dính líu với mấy bộ kinh then chốt, mục đich tối thượng của hành trình.
Vì đinh ninh rằng thầy trò Tam Tạng đã thành Phật cho nên A Nan và Ca Diếp mở kho lấy kinh Vô TỰ - không có chữ nghĩa gì hết , toàn giấy trắng tinh mà phát cho . Kinh này theo điệp khúc “ Bất thuyết nhất ngữ ” mà Phật dùng để kết luận các buổi thuyết pháp , không thể truyền bá cho đại chúng được cho nên Phật Nhiên Đăng thấy thương hại và bảo phải vào đổi lại thành kinh hữu tự .
Phật Nhiên Đăng là Phật của kiếp trước , không rõ trào lưu hiện tại là thích danh từ , chữ nghĩa , ham mê bằng cấp , thích đọc báo chí , thèm quay roneo phân phát lung tung , cho nên mới tưởng ai cũng có tinh thần “ ly danh tự “ như mình, đọc kinh không chấp kinh . Kinh hữu tự dễ bị xuyên tạc, thêm bớt, cắt xén cho hợp quyền lợi riêng tư rất nguy hiểm vì gây chiến tranh tôn giáo. Phật căn dặn kỹ càng Tam Tạng trước khi đổi kinh: KINH VÔ TỰ QUÝ HƠN KINH HỮU TỰ. .
Cũng chính vì cái chuyện kinh hữu tự này mà Tam Tạng vương phải một tai nạn chót khi cỡi rùa vượt sông Thông Thiên trên bước đường về .
KHi ngồi trên lưng rùa Thủy Nguyên vì quên hỏi Phật nguyên thủy kiếp rùa nên bị rùa giận hất nhào xuống sông. Mặc dầu không chết vì đã Thành Phật nhưng cái nghiệp mang kinh hữu tự cũng đủ làm cho ngài ướt hết áo quần và bộ kinh cũng ướt luôn. Nhưng cũng nhờ ướt kinh, phải phơi kinh nên trang chót dính vào đá bóc không ra và bộ kinh thiếu phần kết.
Thiếu phần kết thành ra tuy hữu tự mà cũng như vô tự cho nên cái nghiệp chấp danh được giải quyết xong và thầy trò Tam tạng không gặp nạn gì nữa.
Sau đó tám vị Kim Cang nổi gió đưa phái đoàn đến Tràng An nhẹ nhàng, bay qua khoảnh khắc mấy dòng sông của câu chuyện
Phần giải thích thêm
Theo Duy THức người ta có đến 8 thức : cái biết của mắt ( nhãn thức) , của tai ( nhĩ thức ) , của mũi ( tỷ thức ) của miệng ( thiệt thức ) của thân thể ( thân thức ) .
5 thức này khi đạt đến địa vị vô lậu thì biến thành “thành sở tác trí “
Thức thứ sáu là ý thức tức là cái biết của ý – trong lúc 5 giác quan không tiếp xúc với trần cảnh - mà ta vẫn khởi ý như nhớ chuyện đã qua, biết chuyện tương lai như biết bán cái này sẽ lời v.v. là do thức thứ 6 này .
Cái ý thức này nếu nghĩ làm việc tu hành thì thành Phật, nếu suy nghĩ lợi hại làm điều xấu thì tội cũng vô cùng, nên trong duy thức nói “công vi thủ tội vi khôi “ ( nếu lập công thì nó đứng đầu , nếu tạo tội thì nó cũng đứng đầu )
THức thứ 6 khi đạt đến địa vị vô lậu biến thành “diệu quán sát trí “
6 cái biết nói trên khi ngủ mê hay bất tỉnh thì ta không biết gì hết tức là nó bị gián đoạn .
Nhưng sau đó khi tỉnh lại thì ý thức tức là thức thứ sáu lại khởi lên phân biệt như thường vậy trong lúc nó bị gián đoạn nó phải nương vào một nơi mà Duy Thức học gọi là ý căn ( tức là gốc của ý ) , tiếng Phạn gọi là Mạt Na thức , đây là thức thứ 7 .
Công năng của thức thứ bảy là thường chấp ta khác với người
Thức thứ bảy này lại có công năng đem các pháp hiện hành chứa vào một cái kho vô tận gọi là Tàng thức. Rồi từ cái kho này, đưa chủng tử các pháp ra, khởi hiện hành. Nếu không chứa vào tàng thức thì chúng ta không nhớ gì hết.
Thức thứ bảy này có thể ví như đội xe vận tải, tải vào cất , rồi tải ra nên gọi là : “truyền tống thức “. KHi chứng được quả vô lậu thì thức này đổi thành “Bình đẳng tánh trí “, nhận thức các pháp là đúng với tánh bình đẳng vô ngã của nó
Tàng thức nghĩa là cái thức chứa vì nó chứa căn thân , khí giới và chủng tử các pháp , tiếng Phạn , gọi là A-lại -da thức , có công năng gìn giữ nghiệp lực sanh tử
Khi chứng được quả vô lậu thì thức này đổi tên là Bạch tịnh thức hay Đại viên cảnh trí.
Cổ nhân làm một bài kệ để dễ nhớ tác dụng của 8 thức như sau:
Anh em 8 chú một người si (thức thứ 7)
Một mình ý thức rất tinh ranh (thức thứ 6)
Năm chàng ngoài cửa lo buôn bán (5 thức đầu)
Làm chủ trong nhà thức Lại –da (thức thứ 8)
5 chàng ngoài cửa lo tiếp rước khách hàng (tiếp xúc với trần cảnh)
Thức thứ sáu và thứ bảy lợi hại hơn hết. Nếu thức thứ 7 si mê lo chấp ngã làm những việc tội ác thì chúng ta muôn kiếp trầm luân, không bao giờ thoát khỏi sinh tử luân hồi được. vì thế người tu Phật lúc nào cũng dùng thức thứ 6 và 7 để quán nhơn vô ngã -phá trừ si mê chấp ngã , dứt phiền não chướng ; rồi quán pháp vô ngã - để phá trừ pháp chấp , dứt sở tri chướng
Khi ngã chấp (bám vào ngã cho rằng ngã là thật có) và pháp chấp ( bám vào pháp) hết rồi, tức là phiền não chướng và sở tri chưóng đã dứt thì chứng được 2 quả thù thắng là Bồ Đề và Niết Bàn.
Vì 5 thức trước như người làm công, không có quyền, thức thứ 8 chỉ có tài chứa đựng , duy có thức thứ 6 và 7 nếu có công thì nó đứng đầu , nếu có tội thì nó cũng đứng đầu . Người học Phật đối với 2 thức này, lúc nào cũng cẩn thận và sữa đổi, như thế gọi là “tu tâm”
Vô lậu : lậu là rơi rớt lại . Vô lậu là không còn rơi vào luân hồi nữa . Trái lại là hữu lậu .
Trí tuệ ( wisdom) = trí huệ = huệ giác trong đạo phật có 2 loại :
• Trí tuệ phàm phu hay trí tuệ hữu lậu
• Trí tuệ Phật còn gọi là trí tuệ Bát Nhã
Trí tuệ bát nhã còn gọi là vô sư trí: tự nó sẵn có nhưng do phiền não (defilements = kilesa) che ngăn nên không hiện lộ ra ngoài được – đây là Phật Quả vậy
Bát Nhã dịch từ chữ Prajna: the profound comprehension of the essence of all things – the flashing insight –wisdom of enlightenment
Thế trí biện thông: là trí do tích lũy kinh nghiệm mà có, do học hỏi huân tập mà có, do vay muợn bên ngoài đưa vào mà có, còn gọi là hữu sư trí hay thế trí (trí của thế gian)
là qua ngã. Như mình thương những người tốt, người cùng phe với mình chứ không thương kẻ địch, kẻ tội phạm, kẻ nói xấu mình v.v.