NSND Lệ Thủy năm nay 68 tuổi. Khác xa với những hình dung về một “bà trùm” xuân buồn thu thương, trong đời thực, người phụ nữ chuyên lấy nước mắt của khán giả có vô vàn cách tạo niềm vui cho mình. Vui mới khỏe được. Khỏe mới hát tiếp được. Lý thuyết của cô là thế!
Đi diễn để bản thân không ì trệ
Chúng tôi đến nhà Lệ Thủy khi cô vừa “phượt” Thái Lan về. Câu đầu tiên, NSND vận động: Mấy đứa phải đi Thái đi, mua sắm vui cực kỳ! Xong bắt một đám nghiện shopping đoán: Cái áo này mấy tiền, bình hoa kia mấy bath? Khi cái giá dự báo hơi xa với giá thực tế thì vui sướng cười ha ha: Trật lấc rồi! chỉ có nhiêu đây thôi!
Lệ Thủy gần như là nghệ sĩ hiếm hoi của Sài thành nói không với hàng hiệu. Đồ đi diễn, quần áo mặc hàng ngày của cô đều là hàng phổ thông. Cùng một cái áo như vậy, cái nón như vậy, thay vì bỏ ra hai triệu, cô chỉ chi hai trăm, triệu tám còn lại dùng để làm từ thiện có ích hơn!
Mấy năm nay, bệnh khớp định kỳ hỏi thăm “bà già cải lương”. Nhưng cô vẫn cứ đi. Để không hối tiếc. Đi xong về phải uống thuốc cũng không sao. Sáu tám tuổi nhưng gần như hàng tuần, “cô đào ngoại hạng” của sân khấu cải lương đều có tour diễn xa. Những show diễn ở tận Đồng Tháp, phải di chuyển mấy trăm cây số, hát hai mươi phút, cát-xê ba bốn triệu đồng, cô vẫn nhận. Đi diễn, không chỉ đơn giản là say nghề, nó còn là một cách cô ép buộc bản thân không được ì trệ. Đi, hát, giao lưu, cho và nhận niềm vui là một thứ dopping để Lệ Thủy chống lại tuổi tác.
Con của Lệ Thủy sống tại Úc kể: Những người già bên đó kể từ khi về hưu thì mọi phản ứng đều chậm lại. Ngay cả nói cũng chậm. Các giác quan không còn sắc bén. Họ lâm vào tình trạng ì trệ, nhớ nhớ quên quên. Lệ Thủy lấy đó làm bài học, luôn nhắc mình vào bất cứ thời điểm nào cũng không được rảnh rỗi.
Tôi cát-xê cho cô 100.000 đồng để cô làm từ thiện
Fan của Lệ Thủy đông và rất trung thành. Có em bé bảy tám chín tuổi. Có người “con hơn má hai tuổi”
Lệ Thủy thường kết hợp những lần biểu diễn ở vùng sâu vùng xa với hoạt động từ thiện. Việc “tặng quà có tổ chức” được kết hợp chặt chẽ với một nhóm bạn “nhiệt tình y như nhau”. Có lần, sau khi trao quà cho một xã nghèo ở Cao Lãnh, cô phát hiện một bé trai gầy gò, môi thâm tím. Hỏi mọi người ở xã, sao không trao quà cho thằng bé thì họ trả lời, vì nó ở xã khác. Ngay lúc đó, nhóm bạn của Lệ Thủy tự bỏ thêm tiền túi tặng hai bà cháu cậu bé bị bệnh tim một phong bì nhỏ. Về thành phố, họ vận động anh em bạn bè được mấy chục triệu, giúp đỡ cậu mổ tim. Vài năm sau, về Cao Lãnh diễn, một thanh niên cao to ra “chào cô Lệ Thủy”. Lúc đó, người bà chạy đến mới giải thích: Nó là thằng bé mổ tim hồi nào, tôi là bà nó, còn lên nhà cô ở nhờ để chăm nó nằm viện... Lúc đó mới ngỡ ngàng à, ừ, nó lớn thế này cơ!
Mỗi trung thu, bạn của Lệ Thủy ở Hà Nội đều nhận được bánh cô tự làm theo đường chuyển phát nhanh. Bánh đấy, do cô cùng anh em quyên tiền, tự lựa nguyên liệu, tự nướng, để phân phát cho trẻ em nghèo
Chính phủ có chủ trương cấp lương cho các NSND trên bảy mươi tuổi. Lệ Thủy nghe xong hỏi: Vậy được bao nhiêu? Khi biết con số là 3 triệu, cô bảo: Tốt quá, để cóp làm từ thiện. Bạn Lệ Thủy bảo: Cứ có bất cứ một món tiền nhàn rỗi nào, cô sẽ nghĩ ngay đến việc đem cho những người khó khăn hơn mình. “Tật” này nổi tiếng đến mức, cô đi hát ở tỉnh, khán giả (là nông dân) nghe xong bảo: Tôi cát-xê cho cô 100.000 đồng để cô làm từ thiện!
Cô bảo, làm từ thiện rất vui. Đi diễn mệt thế nào, chỉ cần đi từ thiện tăng hai là khỏe lại liền. Cho người khác một niềm vui be bé, mình nhận lại một nụ cười to to, một câu cảm ơn nhè nhẹ, thế là mọi mệt mỏi, stress gì đó đều theo gió bay đi.
Giữ cuộc sống bình thường
Lệ Thủy không có phong cách sang chảnh hoặc ngôi sao. Cô giống một bà má miền Nam vui vẻ, hồn hậu. Thỉnh thoảng, Lệ Thủy hay đùa: Đố mấy đứa tìm được scandal tình ái của cô!
Sống cùng một người chồng làm nghề kế toán, bình yên đi qua mấy chục năm. Cùng nhau nuôi dạy ba con “đều theo con đường học hành”. Người con trai thứ hai của nghệ sĩ Lệ Thủy, sau khi tốt nghiệp đại học ở Úc đã trở về Việt Nam nối nghiệp mẹ làm ca sĩ, lấy nghệ danh là Dương Đình Trí. Anh cũng là tác giả của hơn 60 bài ca cổ, tân cổ giao duyên mà nữ nghệ sĩ Lệ Thủy đã có dịp trình bày trong các chương trình Vầng trăng cổ nhạc như Mẹ tôi, Tha hương, Giấc ngủ đầu nôi, Ngợi ca quê hương em, Lòng của biển.... Năm 2009, Dương Đình Trí tổ chức liveshow Bước chân hai thế hệ nhân dịp sinh nhật lần thứ 61 của mẹ mình và cũng chính thức khẳng định con đường đi hát chuyên nghiệp của mình.
Trong nhà Lệ Thủy, ngay phòng khách, treo tấm ảnh hai vợ chồng đứng trước cổng Khải Hoàn Môn, bên dưới cô bày một đôi chim công. Có lẽ đây là tinh thần cải lương duy nhất trong nhà Lệ Thủy: “Trên trời nguyện làm chim liền cánh, dưới đất nguyện làm cây liền cành”.
Lệ Thủy nấu ăn rất ngon. Thích những món dân dã. Tự nấu ăn cũng là một cách để cô tăng cường vận động tay chân. Khi chúng tôi đến chơi, ngoài sân nhà Lệ Thủy phơi một mẹt cá khô. Cô giải thích: Cá này mua ngoài chợ về, làm sạch, phơi một nắng rồi rim ăn rất ngon!
Nghệ sĩ cải lương sống trong một căn nhà rộng đầy hoa ở quận 7. Ngay sân sau có cây mít tố nữ lúc lỉu quả. Cô thích trưng hoa trong nhà. Fan đến rủ ngay: Chụp ảnh kỷ niệm bên bình bông này đi, cô vừa tha tận bên Thái về!
Nói chuyện với Lệ Thủy không nghĩ cô là nghệ sĩ cải lương, thấy giống diễn viên hài hơn. Chuyện gì cũng cười được, mà thích cười to, sảng khoái. “Phải nghĩ mọi cách để tạo niềm vui cho mình chứ con. Mình buồn ngày trôi qua, mình vui ngày cũng qua. Thế thì buồn chi cho mệt?”.
Lúc về, một fan lần đầu gặp Lệ Thủy kết luận: Cô trên sân khấu với cô ngoài đời thực khác nhau quá. Ai mà tưởng tượng được “TÔ ÁNH NGUYỆT” sáu tám tuổi rồi thế nhưng lại thích tạo dáng xì tin để chụp ảnh, thích đeo vòng Pandora. Chắc có lẽ vì thế mà đến giờ cô vẫn hát được!
An An- Báo SKĐS
No comments:
Post a Comment