Tuesday, January 26, 2016

Lu Hsun, 1881-1936.

Chuyện vợ chồng

shared http://rangdongatlanta.com/chuyen-vo-chong-2/

Đoàn Dự ghi chép
Thưa quý bạn, Lâm Ngữ Đường (viết theo tiếng Anh: Lin Yutang, 1895-1976) sinh tại Trịnh Châu tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, con của một vị mục sư đạo Tin lành. Sau khi đậu cử nhân văn chương tại Thượng Hải, ông được học bổng sang học tại Đại học Harvard bên Mỹ, nhưng lại đậu tiến sĩ ngôn ngữ học tại Đại học Jena, Leipzig, Đức. Sau khi từ bên Đức trở về nước – lúc ấy Trung Quốc đang nằm dưới quyền cả về quân sự lẫn chính trị của Tổng tài Trung Hoa Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch, Lâm Ngữ Đường xin phép xuất bản tờ Dân báo và nghĩ ra cách viết mà ông gọi là “tiểu phẩm”. Theo Lâm Ngữ Đường, tiểu phẩm là những câu chuyện có thật hoặc không có thật, “nhỏ thì nhỏ như con ruồi nhưng lớn thì lớn như vũ trụ”.
Thật ra, “tiểu phẩm” đã từng được sử dụng cách đấy hàng ngàn năm, từ thời Chiến quốc và đời nhà Tần. Ví dụ truyện “Con cá sắp chết khô” của Mặc Tử (tức Mặc Địch, 478-392 trước Công nguyên). Truyện thế này: “Mặc Tử đi việc quan, quân hầu đầy tớ, tiền hô hậu ủng, cờ quạt ầm ĩ. (Sự thật Mặc Tử là một nhà hiền triết, chủ trương thuyết Kiêm ái, lấy đơn giản và yêu thương con người làm chính, chỉ đi ngao du giảng giải học thuyết của mình, không hề làm quan bao giờ cả). Trời nắng chang chang, gặp một con cá sắp chết khô trong vũng nước cạn. Con cá cầu khẩn: “Ông Mặc ơi, tôi sắp chết, xin ông cho tôi một bát nước để cứu sống tôi”. Mặc Tử nói: “Được được, mi cứ nằm đấy, đợi ta đi công việc xong, khi về ta sẽ cho mi cả một thùng nước mát rượi lấy từ biển Đông”. Con cá nói: “Bây giờ tôi cần một bát nước thì ông không cho, bao giờ ông về, cho cả thùng nước thì ông đến tìm tôi treo trên móc ở tiệm cá khô”.
Cũng như truyện “Khắc chu cầu kiếm” (khắc vào mạn thuyền để tìm thanh kiếm) trong Lã thị xuân thu do các môn khách được lệnh của Lã Bất Vi (292-235 trước Công nguyên) biên soạn dưới đời Tần Thủy Hoàng: “Có anh chàng kia đi thuyền, ban đêm vô tình đánh rơi thanh kiếm của mình xuống sông. Đêm tối không tiện bảo thuyền dừng lại để mò được, anh ta bèn khắc lên mạn thuyền đánh dấu chỗ kiếm rơi rồi yên tâm đi ngủ. Sáng hôm sau, anh ta cứ theo chỗ đã khắc, thuê người lặn xuống mò nhưng không thấy kiếm đâu cả. Ai cũng cười anh ta là người ngốc nghếch”.
Như vậy, thể loại truyện này đã có từ lâu nhưng không ai gọi nó là tiểu phẩm và Lâm Ngữ Đường chỉ có cái công đặt tên tiểu phẩm cho nó mà thôi. Ngoài ra, họ Lâm cũng là người đầu tiên dùng hai tiếng “u mua”. “U mua”, Lâm Ngữ Đường lấy từ tiếng Anh: humour (hju:mơ), nghĩa là sự hài hước, sự hóm hỉnh, sự đùa nghịch, ví dụ: I have no sense of humour (Tôi không có khiếu hài hước). Nhưng vì lối viết chữ Hán của người Hoa không dùng mẫu tự La-tinh, không thể viết được chữ “humour” theo tiếng Anh nên ông viết theo âm tiếng Tàu là “u mua”, rồi ông giải thích: “u mua” là sự dí dỏm, sự trào phúng, sự đùa nghịch, và ông nhờ Lỗ Tấn – một nhà văn rất nổi tiếng trong thời đó – giữ giùm mục “Tiểu phẩm” do ông đặt ra trên tờ Dân báo cộng thêm cách viết dí dỏm, châm biếm nhẹ nhàng mà ông gọi là “u mua”. (Chúng ta còn nhớ mục “Ao thả vịt” của Kha Trấn Ác, tức nhà văn Chu Tử trên báo Sống, và mục “Hí trường Đại Cồ Việt” của Gã Kéo Màn, tức nhà báo Hồ Ông trên tờ Tự Do trong khoảng thập niên 1960 cũng dùng hình thức như vậy). Với tài năng của mình, Lỗ Tấn viết mục “Tiểu phẩm” hết sức thành công, rất được độc giả hâm mộ và họ muốn tìm hiểu về đời sống riêng tư của ông.
Lỗ Tấn (tiếng Anh: Lu Hsun, 1881-1936), tên thật là Chu Thụ Nhân, sinh tại Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang (cùng quê với Chu Ân Lai; khi ông mất, Chu đến điếu tang và nhận là người cùng quê). Cha mất sớm, ông rất thương mẹ là bà Lỗ Thụy, họ Lỗ, nên khi viết văn ông lấy bút hiệu họ Lỗ. Còn tên “Tấn” là do hồi nhỏ đi học, cậu bé thường chậm chạp, đi muộn, bị mẹ rầy nên cậu dùng dao tự ý khắc lên bàn học hai chữ “tấn hành” nghĩa là đi nhanh lên, vì vậy trong bút hiệu ông cũng dùng chữ “tấn” này để nhớ kỷ niệm hồi nhỏ.
Khởi đầu, Lỗ Tấn thi đậu vào ngành kỹ sư Mỏ địa chất. Được ít lâu, thấy không phù hợp, ông dùng số tiền học bổng ít oi đã dành dụm được, mua vé tàu thủy sang Nhật, tự mình kiếm sống để học về y khoa ở Đại học Tiên Đài bên Nhật. Học được mấy năm, ông thấy làm nghề thầy thuốc không gây được ảnh hưởng lớn bằng cây bút nên bỏ ngành y, chuyển sang nghiên cứu về văn học và sáng tác rồi tham gia Quang Phục Hội – một tổ chức yêu nước của người Trung Quốc – và bắt đầu viết văn, dịch các tác phẩm Tây phương, dần dần trở thành nổi tiếng.
Năm 1909, đang hoạt động văn hóa rất mạnh ở Nhật, nhận được điện tín: “Mẹ ốm nặng, về ngay”, ông thu xếp gấp về nước. Thật ra, mẹ ông không ốm mà gọi ông về để… cưới vợ. Lỗ Tấn còn nhiều công việc, chưa muốn lấy vợ nhưng không muốn làm mẹ mất lòng nên cũng chấp nhận.
Sau này, khi Lỗ Tấn đã trở thành một nhà văn lớn có công đặt nền móng cho nền văn học hiện đại của Trung Quốc, người ta không nói đến những bí mật về đời tư của ông trong cuộc hôn nhân. Tuy nhiên, bài này nhắm trình bấy hầu quý bạn về những trường hợp kỳ lạ hoàn toàn có thật về chuyện vợ chồng, nên chúng ta thử xem một nhà văn lớn, một bậc trí thức đã từng giảng day tại trường Đại học Bắc Kinh, trường Cao đẳng Nữ Sư phạm Bắc Kinh và Đại học Sư phạm Bắc Kinh, đã cư xử với vợ như thế nào. Sau đó, nhân cùng đề tài nói về chuyện vợ chồng, chúng tôi sẽ kể hầu quý bạn một vài trường hợp ở trong nước hiện nay thuộc giới bình dân, người vợ đối xử với chồng ra sao, xin mời quý bạn coi qua cho biết.
I. Bí mật đêm tân hôn kỳ lạ của Lỗ Tấn
Được mệnh danh là người đặt nền móng cho nền văn học hiện đại Trung Quốc và là bậc thầy của thể loại truyện ngắn, nhưng cuộc sống riêng tư của nhà văn Lỗ Tấn không được suôn sẻ như sự nghiệp của ông. Phải cưới người vợ không yêu thương, hơn nữa lại là người xấu gái và mù chữ, đêm tân hôn cũng như cuộc sống vợ chồng sau này của hai con người chênh lệch nhau về mọi phương diện đã trở thành một bi kịch…
Đêm động phòng mới biết mặt cô dâu
Là một người yêu thương mẹ rất mực, khi cha qua đời, chàng thanh niên 16 tuổi Chu Thụ Nhân tức sau này là Lỗ Tấn đã thay cha chăm lo gia đình gồm mẹ và hai em trai. Năm 25 tuổi (1906), mới sang Nhật du học được 4 năm, Lỗ Tấn nhận được điện tín: “Mẹ ốm nặng, về ngay”. Trước đó, trong suốt thời gian du học tại Nhật, nhà văn tương lai đã từng nói với bạn bè rằng: “Tôi chưa từng biết tình yêu là gì”, đồng thời ông cũng phản đối việc ép buộc hôn nhân trong xã hội Trung Quốc thời đó. Mặc dầu là người dẫn đầu trào lưu chống lại các hủ tục của xã hội phong kiến, nhưng sau này chính ông lại buộc phải tuân theo các hủ tục đó.
Khi Lỗ Tấn vừa bước chân về tới nhà, ông đã hiểu sự trở về lần này của mình không phải chỉ để thăm mẹ mà từ cổng vào cho tới mọi ngóc ngách trong sân đều chăng đèn kết hoa lộng lẫy – báo hiệu có một đám cưới đang được chuẩn bị. Điều không ngờ nhất chính là việc Lỗ Tấn sẽ phải trở thành chú rể mặc dầu không hề biết mặt cô dâu. Và bà mẹ, người mong con trai cả sớm thành gia thất đã nói với Lỗ Tấn: “Đã đến lúc con phải lấy vợ để có người trông nom săn sóc mẹ lúc tuổi già sức yếu”.
Không thể cãi lại lời mẹ khi mọi việc đã rồi, cái mà Lỗ Tấn băn khoăn nhất chính là người vợ – một người mà ông chưa hề biết mặt biết tên. Để chiều lòng mẹ và biết rằng có phản đối cũng vô ích, ông đành chấp nhận tất cả.
Một đám cưới rình rang theo đúng lễ nghi được diễn ra một cách trọn vẹn và đêm động phòng chú rể lần đầu tiên mới biết mặt cô dâu.
Không giống như những câu chuyện dân gian mà mẹ hay kể từ khi chàng còn bé, cũng không giống như trí tưởng tượng của chàng trai trẻ, khi vén tấm vải đỏ che mặt tân nương lên, Lỗ Tấn tá hỏa tam tinh vì nhan sắc… dưới mức trung bình của vợ mình. Chu An – người vợ – là một cô gái rất thường, không những có dáng người gầy guộc, thấp bé, gò má cao, trán hơi dô, lại bó chân nữa. (Chú thích: Phong tục bó chân có từ đời vua Hàm Phong nhà Thanh cách đấy mấy đời. Con gái các gia đình khá giả không phải lao động, hai chân được bó chặt lại bằng vải từ lúc mới sinh, vì vậy chúng nhỏ và rất yếu, đi đứng phải có người đỡ. Ở Chợ Lớn trước đây cũng có các bà già bó chân nhưng nay thì hết rồi, không còn thấy nữa. -ĐD). Đã vậy cô gái lại không lanh lợi, hoạt bát như mọi cô gái bình thường khác. Một điều mà Lỗ Tấn cảm thấy không ưng nổi chính là việc Chu An mù chữ và lớn hơn ông 3 tuổi. Mặc dầu là do mẹ quyết định nhưng mọi người trong gia đình đều hiểu rằng Chu An hoàn toàn không xứng đôi với Lỗ Tấn, một thanh niên tân học đang tiếp nhận văn minh của Nhật và Tây phương.
Bị ép lấy người mình không yêu, Lỗ Tấn dứt khoát không chịu coi Chu An là vợ. Đêm tân hôn, chú rể không ngủ với cô dâu. Bốn hôm sau, ông lên đường trở lại Nhật, đem theo em là Chu Tác Nhân vừa thi đậu, được học bổng du học Nhật.
Về sau, hễ bạn bè hỏi về chuyện vợ chồng, Lỗ Tấn đều nói: Đó là mẹ tôi cưới con dâu chứ không phải chuyện của tôi. Quả thật, bà Lỗ Thụy đã chọn được một người con dâu tuy xấu gái và không biết chữ nhưng hết sức nết na, nhẫn nại, đã chăm nom săn sóc bà tận tình và chu đáo mặc dầu gần như suốt đời sống trong sự ghẻ lạnh của chồng.
Lạnh lẽo đêm tân hôn
Nếu nói về một cuộc hôn nhân kỳ lạ nhất trong lịch sử văn học hiện đại Trung Quốc, có lẽ cuộc hôn nhân của Lỗ Tấn được coi là… độc nhất vô nhị. Trong mười mấy năm sống với danh nghĩa vợ chồng, Lỗ Tấn chưa khi nào động vào người vợ, đến cả lời nói với vợ ông cũng rất hạn chế. Sau này, Chu An kể lại rằng: “Mẹ chồng tôi cứ trách tôi không có con, nhưng suốt năm ông ấy không nói với tôi câu nào thì sao mà có con được”.
Theo lời kể của người giúp việc trong gia đình, đêm động phòng của thiếu gia nhà họ Lỗ đã diễn ra vô cùng đặc biệt. Vương Hồng – tên người giúp việc khi đó mới 13 tuổi – đã nhớ lại: “Thiếu gia hôm đó trông như một khúc gỗ, ai bảo làm gì cũng làm theo mà không hề phản ứng lại. Đến khi động phòng, tôi có nhiệm vụ đứng ngoài để nghe ngóng tình hình. Thiếu gia nói rất ít và tôi thấy căn phòng im ắng suốt cho tới gần sáng. Tôi nhìn trộm qua khe cửa thấy thiếu gia chong đèn đọc sách suốt đêm, mặc cho thiếu phu nhân ngồi mãi ở trên giường. Hôm sau tôi thấy chiếc gối dành cho tân lang và tân nương ướt sũng nước mắt. Đó có thể là nước mắt của thiếu phu nhân”.
Buổi sáng sau đêm tân hôn, vẻ mặt của Lỗ Tấn rất mệt mỏi và u uất, tuy ông không nói điều gì. Bà mẹ có hỏi về sức khỏe của tân lang, tân nương, Lỗ Tấn chỉ ậm ừ cho qua. Vương Hồng kể tiếp: “Khi chúng tôi vào dọn giường cho thiếu gia, mọi thứ hầu như vẫn nguyên vẹn. Chỉ có chiếc gối là phải thay vì nó ướt đẫm nước mắt, còn chiếc chăn thì vẫn chưa được gỡ ra”.
Sau đêm tân hôn này, ba đêm tiếp theo, Lỗ Tấn đã mang đồ đạc của mình sang phòng mẹ ở. Mặc cho bà mẹ liên tục hối thúc ông trở về phòng tân hôn – nơi có tân nương đang chờ đợi – nhưng Lỗ Tấn nhất quyết không nghe theo. Thậm chí, trước khi viết thư cho mẹ để quay về Nhật hoàn thành chương trình học tập, Lỗ Tấn vẫn không hề nói thêm một lời nào với người vợ mới cưới của mình.
Trong những ngày tháng sau này khi trở về nước, Lỗ Tấn vẫn luôn sống gần như ly thân với vợ. Mẹ ông kể rằng suốt ngày hai vợ chồng Lỗ Tấn chỉ nói với nhau ba từ. Buổi sáng, vợ gọi chồng dậy, chồng đáp “Ờ”. Đến bữa ăn, vợ gọi, chồng cũng đáp “Ờ”. Buổi tối, vợ đi nằm sớm nên hỏi có khóa cổng không, chồng đáp “Có” hoặc “Không”. Chỉ khi nào vợ xin tiền thì chồng mới nói thêm vài tiếng như “Cần bao nhiêu?” hoặc bảo nên mua thứ này thứ nọ, nhưng những câu nói dài như vậy mỗi tháng cũng chỉ xảy ra một hai lần.
Đối với cuộc hôn nhân không tình yêu của ông, có người đã khuyên Lỗ Tấn nên ly dị nhưng ông không nghe. Quê hương Thiệu Hưng của Lỗ Tấn thời ấy coi phụ nữ bị chồng ly dị là loại người bỏ đi, họ không dám về nhà bố mẹ đẻ vì sợ bị khinh bỉ; có người quẫn trí tự tử. Lỗ Tấn đã cân nhắc kỹ việc này, ông đành chịu sống độc thân chứ không muốn để vợ rơi vào cảnh khốn cùng ấy.
Nỗi tủi phận của một “trinh nữ”
Mặc dầu cả cuộc đời phải sống trong sự lạnh lùng của chồng và được tin Lỗ Tấn lấy một phụ nữ khác nhưng người vợ đáng thương Chu An vẫn luôn hoàn thành bổn phận của người con dâu đối với mẹ chồng cho đến khi bà xuôi tay nhắm mắt. Vào những ngày tháng cuối đời, Chu An mới ứa nước mắt thốt lên: “Tôi giống như con ốc sên dành cả cuộc đời dò dẫm trèo lên một bức tường cao. Nhưng một ngày tôi bỗng nhận ra là mình đã ở trong một góc tường không có lối ra”.

Lỗ Tấn kết hôn với Hứa Quảng Bình, một cô giáo dạy học tại Bắc Kinh trước đây là học trò của ông khi cô còn học tại trường Cao đẳng Nữ Sư phạm Bắc Kinh. Cô thầm yêu thầy mặc dầu nhỏ tuổi hơn thầy rất nhiều. Hai người làm đám cưới rất đơn giản tại Thượng Hải, sống với nhau được 8 năm (1928-1936) cho đến khi Lỗ Tấn qua đời. Họ sinh được một bé trai đặt tên là Chu Hải Anh. Bà Hứa Quảng Bình ở vậy nuôi con. Cậu bé sau này đậu tiến sĩ, làm giáo sư giảng dạy môn Vật Lý tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.
Khi nghe tin chồng kết hôn với một người phụ nữ hơn mình về mọi mặt, bà Chu An đã chua xót nói: “Trước đây tôi muốn hầu hạ ông ấy thật chu đáo, mọi việc nhất nhất theo lời ông ấy vì tin rằng như vậy chắc mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nhưng dù tôi có tốt đến mấy thì cũng hoài công”. Trong những tháng ngày này, Lỗ Tấn vẫn thường xuyên gửi tiền về cho vợ để nuôi mẹ .
Sau khi mẹ chồng mất và Lỗ Tấn đã lấy vợ khác, mọi sinh hoạt của Chu An đều phụ thuộc vào người em trai của Lỗ Tấn là Chu Tác Nhân. Với số tiền kiếm được hằng tháng ít ỏi của mình, Chu Tác Nhân cũng chỉ gửi được cho chị dâu trung bình là 150 Nhân dân tệ/ tháng (tức khoảng 600.000 đồng VN, tương đương với hơn 30 Mỹ kim. -ĐD). Với số tiền này, cuộc sống của Chu An gặp muôn vàn khó khăn.
Sau khi Lỗ Tấn mất, nghe theo lời em chồng Chu Tác Nhân, Chu An quyết định bán số bản thảo chưa xuất bản của chồng cho một nhà xuất bản lớn tại Bắc Kinh. Khi thông tin đó được đăng trên báo chí, lập tức bà Hứa Quảng Bình – người vợ thứ hai của Lỗ Tấn – viết thư gửi đến Chu An với nội dung: “Mong chị đừng bán những bản thảo đó của anh Lỗ Tấn. Hãy giữ lại nó để làm kỷ niệm cho chúng ta. Đó cũng là trách nhiệm của chúng ta đối với người chồng đã khuất. Nếu cuộc sống của chị quá khó khăn, tôi có thể giúp đỡ chị. Hãy cho phép tôi chăm sóc chị”.
dd 513
Nhận được thư của Hứa Quảng Bình, bà Chu rơi lệ và nói rằng: “Cả đời tôi đã phải sống trong sự ghẻ lạnh của chồng. Đến khi ông ấy mất, vì cuộc sống quá khó khăn nên tôi mới phải nghĩ đến việc bán những bản thảo chưa từng xuất bản của ông ấy. Nhưng nếu cô Bình nói vậy thì tôi không dám bán nữa”.
Từ đấy cho đến cuối đời, người phụ nữ bạc mệnh này luôn nhận được tiền trợ cấp hằng tháng từ người vợ thứ hai của Lỗ Tấn. Bà Chu An mất năm 1947, cô đơn lạnh lẽo trong căn nhà của gia đình Lỗ Tấn tại Phú Thành Môn, huyện Thiệu Hưng, tỉnh chiết Giang. Khi bà mất, nhiều người nói rằng bà vẫn còn là một trinh nữ.
(Theo Zhongwang)
Đòan Dự ghi chép.

No comments:

Post a Comment