Thơ ngoài ngàn năm Trần Tử Ngang
11/01/2012@20h45, 1289 lượt xem, viết bởi: hoangkim
Chuyên mục: Đọc lại và suy ngẫm, Hoàng Kim
Chuyên mục: Đọc lại và suy ngẫm, Hoàng Kim
http://dayvahoc.blogtiengviet.net/2012/01/11/thai_ngoani_ngann_na_m_traosn_tars_ngang
THUNG DUNG Hoàng Kim "Tôi biết Bài ca lên đài U Châu của Trần Tử Ngang: Ngưòi trước chẳng thấy ai / Người sau thì chưa thấy / Gẫm trời đất thật vô cùng / Riêng lòng đau mà lệ chảy (Tương Như dịch) lúc 17 tuổi , khi tôi may mắn được nghe bác Xuân Thủy bình bài thơ này trên đỉnh đèo Ngang (Mời đọc Lên đỉnh đèo Ngang ngắm biển; Thăm đèo Ngang gặp bác Xuân Thủy; Qua đèo chợt gặp mai đầu suối; Đèo Ngang và những tuyệt phẩm thơ cổ). Nơi cổng Trời "Hoành sơn cổ lũy" đèo Ngang gánh hai đầu đất nước, ngoài câu chuyện về thơ Bác Hồ, tôi đã may mắn được nghe bình thơ ngoài ngàn năm của Mãn Giác thiền sư và Trần Tử Ngang. Lạ thay, 38 năm sau, thơ Trần Tử Ngang cũng lại được bạn Cao Nguyên nhắc đến gợi mở cho tôi viết trang phác thảo này “Thơ Trần Tử Ngang nửa đời đọc lại”.
TRẦN TỬ NGANG CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
Trần Tử Ngang( 661 - 702) là nhà thơ có địa vị trọng yếu trên thi đàn thời Sơ Đường. Ảnh hưởng của ông rất lớn đối với thi ca thời Thịnh Ðường cũng như phong trào vận động cổ văn thời Trung Ðường. Ông có tên tự là Bá Ngọc, người đất Xạ Hồng, phủ Từ Châu (hiện là tỉnh Tứ Xuyên ). Ông đậu tiến sĩ lúc 24 tuổi năm 684 (đời Đường Trung Tông) làm đại quan trong triều Võ Tắc Thiên với chức Lan đài chính tự sau đó đổi làm chức Tả thập di.
Phong cách thơ của ông xuất chúng, ngụ ý sâu xa. Trần Tử Ngang thời niên thiếu gia đình tương đối giàu có, coi nhẹ tiền bạc, khẳng khái. Sau khi trưởng thành, ông quyết tâm học, giỏi viết văn; đồng thời quan tâm quốc sự , quyết lập công tích về chính trị. Ông thường dâng sớ điều trần về đại kế quốc gia nhưng không được Vũ hậu nghe theo. Vũ hậu là người mưu lược, cương nghị, quyền biến, tâm cơ. Bà không từ một thủ đoạn nào để mua chuộc, lôi kéo hoặc thẳng tay triệt hạ những người tài giỏi thuộc vây cánh của đối phương nhằm thâu tóm quyền lực, Dưới thời của bà những người tài không thuộc bè phái thường bị nguy hiểm.
Trần Tử Ngang khẳng khái, không sợ bức hại, nhiều lần trình tấu, khuyên can. Võ Tắc Thiên lập kế hoạch mở con đường Thục Sơn Kinh Nha Châu công kích dân tộc Sinh Khương, ông đã trình tấu phản đối, chủ trương an cư lạc nghiệp. Nhân việc Vũ Du Nghi phụng mệnh đi đánh Khiết Ðan, ông xin ra làm tham mưu. Vũ Du Nghi không nghe kế ông nên bị bại trận. Ông từ quan trở về quê cũ nhưng vẫn bị bọn tiểu nhân vu tội bắt giam và chết trong ngục.
GIAI THOẠI ĐẬP ĐÀN CỦA TRẦN TỬ NGANG
Trần Tử Ngang có giai thoại nổi tiếng về việc đập đàn. Lần đầu tiên đến Trường An, ông không được một ai biết đến. Ông liền bỏ ra một ngàn quan tiền, mua một cây đàn hồ cầm rất quí, rồi mời mọi người đến dự tiệc, nghe nhạc.
Khi moi người tề tựu đông đủ và háo hức chờ nghe nhạc. Ông đứng lên nói: Tôi là Trần Tử Ngang người đất Thục, có trăm quyển văn, rong ruổi kinh sư, mà địa vị vẫn tầm thường giữa nơi bụi bậm, không ai biết đến. Nhạc này là của kẻ thợ hèn đâu đáng lưu tâm?
Nói đoạn ông đập tan cây đàn trước sự sững sờ, kinh ngạc của nhiều người. Kế đó, ông đem các cuốn văn ra tặng cho cử tọa. Trong một ngày danh tiếng của ông chấn động khắp kinh thành, mọi người ai cũng biết tiếng.
Năm 24 tuổi, Trần Tử Ngang với văn tài xuất chúng đã thi đậu tiến sĩ và được Võ hậu nể phục tài năng. Luận về thơ,ông nói: "Làm thơ là để gởi tấm lòng vào thiên cổ chứ đâu phải để lưu danh nhất thời".
Quả nhiên, những tuyệt phẩm thơ của Trần Tủ Ngang mười ba thế kỷ sau, đến nay vẫn còn tốn hao giấy mực của nhiều người. Trung Quốc hiện có nhiều địa chỉ web về Trần Tử Ngang , bạn có thể tìm trên Google tại từ khóa 陳子昂 (Trần Tử Ngang).
BÀI CA LÊN ĐÀI U CHÂU CỦA TRẦN TỬ NGANG
“ Ngưòi trước chẳng thấy ai / Người sau thì chưa thấy / Gẫm trời đất thật vô cùng / Riêng lòng đau mà lệ chảy ”. Tương Như dịch
Đăng U Châu Đài Ca.
Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Ðộc sảng nhiên nhi thế hạ.
Trần Tử Ngang
* U châu: nay là Bắc Kinh
Dịch nghĩa :
Bài ca lên đài U Châu.
Trông lại trước không thấy người xưa ; nhìn về sau, không thấy kẽ mới đến. Nghĩ nổi trời đất lâu dài man mác, một mình bùi ngùi rơi lệ.
Bài ca lên đài U Châu
Ngoảnh lại trước, người xưa vắng vẻ
Trông về sau, quạnh quẽ người sau
Ngẫm hay trời đất dài lâu
Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan.
Trần Trọng San dịch
Trước chẳng thấy người xưa,
Sau chẳng thấy ai cả.
Ngẫm trời đất thăm thẳm sao!
Riêng xót xa lệ lã chã.
Trần Trọng Kim dịch
Trước không gặp được người xưa
Sau không gặp được kẻ chưa ra đời
Mênh mang ngẫm lẽ đất trời
Một mình để giọt lệ rơi bùi ngùi
Cao Nguyên dịch
SUY NGẪM VỀ THƠ NGOÀI NGHÌN NĂM CỦA TRẦN TỬ NGANG
Lên núi cao ngắm biển trời để thấu hiểu sự mênh mang vô cùng của trời đất, lẽ huyền vi của tạo hóa, sự thịnh suy được mất của các triều đại, sự biến dịch của nhân quả, sự ngắn ngủi hữu hạn của kiếp người. Điều đó đã được nhiều người trãi nghiệm…
Chúng ta đọc thêm hai bài thơ nữa của Trần Tử Ngang để hiểu rõ hơn về ông:
Kế khâu lãm cổ
Nam đăng Kệ Thạch quán,
Dao vọng Hoàng Kim đài.
Khâu lăng tận kiều mộc
Chiêu Vương an tại tai
Bá đồ trướng dĩ hĩ,
Khu mã phục quy lai.
Gò Kế xem cảnh năm xưa
Trèo lên Kệ Thạch quán nam,
Xa xa trông ngóng Hoàng Kim có đài.
Cây cao phủ hết quanh đồi.
Vua Chiêu ngày trước nay thời nơi nao?
Cơ đồ bá chủ còn đâu!
Nhớ ai đánh ngựa ta âu lại về.
Tản Đà dịch
Nhị cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ lưu
Tri âm bất tương thức
Quy ngọa cố sơn thu
(Trần Tử Ngang)
Ba năm làm được hai câu
Ngâm lên một bận dòng châu tuôn trào
Tri âm chẳng hiểu lòng nhau
Xin về núi cũ nằm khào nhớ thu
(Vũ Đức Sao Biển dịch)
Hai câu thơ ba năm làm mới được
Ngâm lên rồi bất giác lệ tuôn rơi
Hỡi tri âm, lòng nhau sao không hiểu
Chốn non xưa đành về ngắm mây trời...
(gamai dịch lại)
Trong văn chương Việt, khi đọc bài kệ “Cáo tật thị chúng” của thiền sư Mãn Giác, bài “Mài kiếm dưới trăng”của tráng sĩ Đặng Dung và đọc thơ Nguyễn Du, ta đều cảm nhận thấy sự ung dung, an nhiên tự tại, thấu suốt lẽ sinh tử… và đều có nỗi buồn man mác. Đấy có thể là điều để hiểu thơ Trần Tử Ngang chăng?
Hoàng Kim
Nguồn: Thơ Trần Tử Ngang nửa đời đọc lại
1-2. Phản hồi từ: lathuy [Blogger] 15.01.12@12:24
No comments:
Post a Comment