Tuesday, January 26, 2016

VÕ HÒANG YÊN.

Lương y Võ Hoàng Yên - một tài năng đất Việt
" Sự kết hợp hài hòa giữa nhiều liệu pháp y học, võ thuật cùng với tình thương vô điều kiện và lòng từ bi - sự hài hòa giữa y đạo, võ đạo và tâm đạo".
Thầy Yên đạt được nhiều thành quả trong việc điều trị bệnh nhân bị bại liệt, thoái hóa cột sống, câm, điếc và mù … do hậu quả của một tai nạn hoặc do bẩm sinh. Thầy cũng đã điều trị thành công người có khối u, đau đầu mãn tính và đau nửa đầu. Thầy Yên cũng đã điều trị khá thành công các bệnh và tật liên quan đến cột sống, đau thần kinh tọa và bệnh gút (gout) qua liệu pháp phục hồi chức năng của mình và một số bệnh nhân mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển cũng đã có những tiến triển rõ rệt...
Ngoài việc vật lộn với cuộc sống đa đoan, bệnh tật là mối quan tâm lớn của nhiều người. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân qua sự đau đớn và mất sinh thú trong cuộc sống mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến những người thân thiết và gia đình.
Chữa trị bệnh tật xuất hiện trong suốt chiều dài của lịch sử thế giới. Khởi thủy, vì không có kiến thức và sự hiểu biết về cơ thể con người, người ta thờ cúng “thần linh” với hy vọng được những vị này bảo vệ, che chở. Khi trình độ con người tiến bộ cao hơn, nhiều ngành y học khác nhau ra đời và được truyền bá khắp nơi. Tuy nhiên, ngay từ đầu, người ta cũng đã thấy sự khác biệt khá lớn trong phương thức giải quyết bệnh tật ở Đông và Tây phương.
Trong khi ở Đông phương đã từng ghi nhận về những vị Thầy chữa bệnh kiệt xuất nhưng vì không có những tài liệu ghi chép đầy đủ hay bị thất tán, các phương pháp, kỹ thuật và kinh nghiệm của họ bị mai một dần qua nhiều thế hệ. Ngược lại, y học phương Tây tiếp tục phát triển và ngày hôm nay, được sự tin tưởng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, với chi phí chữa trị của Tây y ngày càng cao cùng với không ít các vấn nạn khác, nhiều người đang chuyển sang các ngành y học thay thế và bổ sung (alternative & complemenraty medicines), đặc biệt là những ngành thoát thai từ Đông y.
I. SỰ TRỖI DẬY CỦA ĐÔNG Y:
Phải thừa nhận rằng sự tiến bộ của Tây y đã giúp hướng dẫn con người có lối sống lành mạnh và tuổi thọ trung bình gia tăng đáng kể - rất nhiều người sống đến trăm tuổi, chuyện khó thấy trong nhiều thế kỷ trước.
Tuy nhiên, người ta ngày càng quan ngại về số lượng lớn hóa chất và các loại thuốc tổng hợp được cho phép bán và tiêu thụ. Điều này khiến nhiều người phải cân nhắc lại hiệu quả của các ngành y học bổ sung qua đó việc trị bệnh dựa vào thuốc không hóa chất và phương pháp điều trị dựa trên sự vận hành tự nhiên của cơ thể (ví dụ như thuốc và cách trị bệnh theo Đông y). Ngoài ra, với sự phát triển trong các nghiên cứu nhằm xác định các nguyên nhân gốc rễ của bệnh, người ta có thể dễ dàng tìm ra phương pháp điều trị nhằm giải quyết các bất thường cơ bản gây ra bệnh (nguồn gốc của bệnh), chứ không phải chỉ điều trị các triệu chứng của bệnh.
Một trong những trở ngại lớn nhất của Tây y là khả năng tiếp cận của người bệnh - tức chi phí điều trị. Trong nhiều trường hợp, chẩn đoán đòi hỏi phải có các thử nghiệm quan trọng mà thường phải sử dụng các máy móc đắt tiền và cần phải theo dõi lâu dài. Ở nhiều nơi trên thế giới, các loại thuốc và phương pháp chữa trị của Tây y là một thứ xa xỉ khó có thể rớ tới.
Trong khi thuốc và cách chữa trị của các ngành y học bổ sung không lệ thuộc vào các chẩn đoán bằng máy móc đắt tiền và giá cả quá cao của các loại hóa chất tổng hợp, có nhiều quan điểm cho rằng các ngành y học bổ sung dễ dàng tiếp cận hơn đối với nhiều trường hợp bệnh tật hoặc bị các loại bệnh mãn tính.
II. LIỆU PHÁP PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CỦA THẦY VÕ HOÀNG YÊN:
Thầy Võ Hoàng Yên tương đối trẻ so với những người hành y khác có cùng trình độ kỹ năng và kinh nghiệm. Ông sinh năm 1975, quê quán huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, hiện cư ngụ tại xã Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Từ nhỏ, Thầy Yên sống trong các chùa thuộc Tịnh độ tông rồi Thiền tông nên các giá trị cá nhân và cung cách sống của Thầy Yên ảnh hưởng tinh thần từ bi bác ái phục vụ nhân sinh, tình người cao cả từ những lời Phật dạy. Trong khi không phải là một tu sĩ xuất gia (chỉ là một cư sĩ Phật giáo), Thầy Yên giữ lối sống và phẩm hạnh không khác gì một tu sĩ Phật giáo.
Từ 15 tuổi, khi sống trong một ngôi chùa Tịnh Độ tông (Tiểu thừa - Thevarada), Thầy Yên học nguyên tắc chẩn và chữa bệnh của Đông y (thuốc Nam, hệ phái Tịnh độ Cư sĩ Việt Nam). Sau đó, Thầy chuyển đến một ngôi chùa của Thiền tông (Đại thừa - Dhyana hay Mahayana), nơi Thầy học võ thuật và châm cứu. Trong võ thuật, Thầy học nghề của hai phái Thiếu Lâm và Vovinam nhưng Thầy chú trọng nhiều hơn về các phương pháp điều trị của võ thuật.
Sau khi rời trường đại học, Thầy Yên bắt đầu hành nghề y (y học cổ truyền), chuyên về thuốc Nam và châm cứu miễn phí. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hành, Thầy nhận thấy rằng bấm huyệt có hiệu quả nhiều hơn và nhanh hơn là dùng kim châm cứu trong trường hợp phục hồi chức năng.
Liên tục trau dồi kiến thức và kinh nghiệm trong nhiều phương pháp chữa bệnh khác nhau cùng với tinh thần từ bi của Phật giáo, Thầy Yên dồn hết tâm huyết vào việc giúp đỡ những người khuyết tật (theo điều tra dân số năm 2009, Việt Nam có khoảng 6,1 triệu người - tương đương 7,8 % dân số - từ 5 tuổi trở lên, gặp khó khăn trong việc thực hiện ít nhất một trong bốn chức năng: nhìn, nghe, di chuyển và tập trung hoặc ghi nhớ - số lượng lớn nhất của các nước trong khu vực).
Qua kinh nghiệm và nghiên cứu, Thầy Yên thấy rõ rằng mỗi ngành y học đều có những phương pháp điều trị hiệu quả đặc biệt cho một số loại bệnh tật nào đó. Trên thực tế, có người bị cùng lúc nhiều bệnh tật khác nhau, Thầy Yên cân nhắc khả năng phối hợp các phương pháp điều trị khác nhau mà Thầy đã thực hành nhằm đạt đến hiệu quả tốt và nhanh hơn cho các bệnh nhân của mình.
Kết quả là Thầy Yên cho ra đời một liệu pháp phục hồi chức năng trong đó kết hợp hai phương pháp của y đạo và võ đạo cùng với việc chữa bệnh (healing) mô tả trong giáo lý Phật giáo.
Thầy Yên đạt được nhiều thành quả trong việc điều trị bệnh nhân bị bại liệt, thoái hóa cột sống, câm, điếc và mù … do hậu quả của một tai nạn hoặc do bẩm sinh. Thầy cũng đã điều trị thành công người có khối u, đau đầu mãn tính và đau nửa đầu. Thầy Yên cũng đã điều trị khá thành công các bệnh và tật liên quan đến cột sống, đau thần kinh tọa và bệnh gút (gout) qua liệu pháp phục hồi chức năng của mình và một số bệnh nhân mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển cũng đã có những tiến triển rõ rệt.
Dưới đây là vài nét chính về các phương pháp điều trị được Thầy Yên phối hợp trong liệu pháp phục hồi chức năng của mình.
1. Kích hoạt điểm trị liệu (trigger points therapy):
Theo nghiên cứu của hai Bác sĩ Janet Travell và David Simons, tác giả của “Cẩm Nang Kích Hoạt Điểm”, “điểm kích hoạt” (trigger point) là nguyên nhân chính của sự đau nhức (ít nhất 75 % trường hợp) và là một yếu tố trong hầu hết các trường hợp gây ra các cơn đau. Kích hoạt điểm, được xem như là vùng kích hoạt (trigger site), một loại cơ bị cứng, là kết quả của một “nút thắt (knot) nhỏ hình thành trong cơ và mô khi một vùng nào đó của cơ thể bị thương hoặc làm việc quá sức. Những điểm kích hoạt thường gửi các tín hiệu đau đến một số nơi khác trong cơ thể và do đó các phương pháp điều trị thông thường để giảm đau thường không thành công vì người ta tập trung vào khu vực đau chứ không phải là điểm thực sự gây ra cơn đau.
Điểm kích hoạt có thể xảy ra hay hình thành từ hậu quả của chấn thương cơ bắp (do tai nạn xe, té ngã, chấn thương thể thao và loại công việc làm… ), cơ bị căng do các động tác lập đi lập lại vì công việc hay thể thao, tư thế căng thẳng do đứng hoặc ngồi không đúng cách trong thời gian dài, căng thẳng tinh thần, lo lắng, dị ứng, suy dinh dưỡng, viêm và các chất độc trong môi trường.
Theo bản năng, cơ thể chúng ta sẽ phản ứng để tự bảo vệ mình khỏi sự đau đớn bằng cách thay đổi động tác cử động, thế ngồi hoặc đứng trong đó tạo sự căng thẳng bất thường trên các cơ, gân, dây chằng và khớp. Điều này có thể dẫn đến sự mất cân bằng trong sức mạnh và tính linh hoạt của các cơ cũng như làm rối loạn tư thế của toàn bộ cơ thể.
Phản ứng tự vệ này có thể hạn chế lưu lượng máu và do đó cả hai hệ thống thần kinh ngoại biên và thần kinh trung ương sẽ bắt đầu gửi tín hiệu đau đến một số nơi khác làm cho việc chẩn đoán phức tạp hơn, gây thêm khó khăn trong việc điều trị. Một số chuyên viên y khoa xem điểm kích hoạt là nguyên nhân của bệnh đau do xơ cơ.
Lấy một ví dụ phổ biến để hiểu rõ về cách một điểm kích hoạt cơ có thể gây ra đau lưng, đau thần kinh tọa hay thoát vị đĩa đệm. Nơi phổ biến nhất cho một điểm kích hoạt là cơ bắp của vùng thắt lưng gọi là Quadratus Lumborum (hình vuông trong vùng thắt lưng) nằm ngay phía trên hông (hips - xương chậu). Bất kể nguyên nhân nào khiến điểm kích hoạt được hình thành, chức năng của vùng vuông thắt lưng (quaratus lumborum) sẽ ngày càng trở nên rối loạn khiến cho vị trí của xương chậu bị thay đổi. Khi xương chậu không hoạt động bình thường, cột sống sẽ thành một đường cong bất thường gây áp lực không đều lên đĩa cột sống. Theo thời gian, đĩa có thể bắt đầu phồng lên, mòn ở một bên và có thể ép các dây thần kinh gây đau đớn dữ dội.
Trong quyển "Tại sao chúng ta bị tổn thương: Hướng dẫn đầy đủ về thể chất và tâm linh để chữa bệnh đau mãn tính của bạn" (Why we hurt: A complete Physical & Spiritual Guide to healing your chronic pain), tiến sĩ Greg Fors giải thích là tại sao có rất nhiều bệnh tật khác nhau được bắt nguồn từ điểm kích hoạt. Theo tiến sĩ Fors, việc cọ xát bên ngoài mặt của điểm kích hoạt với dầu xoa bóp, dùng máy đấm bóp hoặc làm nóng (hơ nóng, xoa dầu nóng…) sẽ không thay đổi các mô của một điểm kích hoạt mà cần phải có một áp lực đủ lâu, mạnh và sâu vào vùng của “tụ điểm” (knotted area).
Liệu pháp phục hồi chức năng của Thầy Yên đòi hỏi phải tìm ra vị trí và điều trị các điểm kích hoạt (tức là gốc của sự đau đớn) để khôi phục lại chức năng bình thường của cơ thể. Trong một số trường hợp, Thầy Yên sử dụng thêm phương pháp điều trị chỉnh hình của võ đạo để đưa các phần xương bị lệch trở về vị trí nguyên thủy.
Trong đa số trường hợp, bệnh nhân của Thầy Yên phục hồi từ 50% đến 70% sau lần điều trị đầu tiên. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cần phải điều trị nhiều lần và đôi khi phải cần đến vật lý trị liệu để phục hồi đầy đủ chức năng của cơ thể.
2. Bấm huyệt (Acupressure):
Châm cứu đã được sử dụng trong các nước châu Á từ nhiều ngàn năm. Nguyên lý của châm cứu là dùng kim châm vào các huyệt đạo để khai thông sự luân lưu của Khí ("chi" hay “Qi”) để chữa bệnh. Bấm huyệt áp dụng nguyên tắc tương tự nhưng bằng cách sử dụng áp lực (day, ấn, xoa, nắn), thay vì chích, đâm, trên các huyệt đạo liên hệ.
Theo Thầy Yên, liệu pháp bấm huyệt đòi hỏi không chỉ kiến thức về các huyệt châm cứu mà còn phải biết xác định độ sâu cần thiết của các điểm châm cứu (thường cũng là điểm kích hoạt) và áp dụng áp lực thích hợp. Qua kinh nghiệm, Thầy Yên thấy rằng liệu pháp bấm huyệt trị các loại đau mãn tính hiệu quả hơn các liệu pháp bổ sung khác.
Điều đáng ghi nhận là Thầy Yên đã thấy được kết quả tuyệt vời khi sử dụng liệu pháp bấm huyệt với những bệnh nhân không có khả năng nói chuyện và những người bị đau cột sống - cả hai loại bệnh tật này là những thách thức lớn cho bất kỳ y bác sĩ nào vì chính bản chất phức tạp của bệnh.
Liệu pháp phục hồi chức năng có thể phải dùng lực khá mạnh và trong nhiều trường hợp để lại dấu bầm, đỏ trên cơ thể của bệnh nhân. Tuy nhiên, khi máu huyết lưu thông dễ dàng qua các huyệt đạo, bệnh nhân cho biết các cơn đau giảm nhiều cũng như sức khỏe tổng quát được phục hồi đáng kể.
3. Chiropractic Therapy (chỉnh hình):
Chỉnh hình là phương thức chẩn đoán và chữa bệnh thông qua việc thao tác trên hệ thống cơ xương của bệnh nhân, đặc biệt là cột sống. Liệu pháp này dựa trên quan điểm cho rằng cột sống ảnh hưởng đến chức năng tổng thể của cơ thể, nguyên nhân chính của sự đau đớn. Trong liệu pháp này, chuyên viên chỉnh hình tìm cách điều chỉnh lại cột sống, tức là xoa, nắn để đưa cột sống trở lại trạng thái ban đầu của nó. Hiện nay, liệu pháp này kết hợp các kỹ thuật y tế thông dụng, chẳng hạn như tập thể dục, xoa bóp (massage) trị liệu và khá phổ biến ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Liệu pháp phục hồi chức năng của Thầy Yên cũng kết hợp các nguyên tắc của liệu pháp chỉnh hình khi điều trị cho bệnh nhân.
4. Võ thuật trị liệu (Martial Art Therapy):
Nhiều môn phái võ đạo dạy cho môn sinh các kỹ thuật để điều trị bong gân, trật khớp và nội thương. Trong trường hợp bị sai khớp lâu ngày, Thầy Yên sử dụng bí mật kỹ thuật của võ thuật trị liệu để đưa các khớp trở lại vị trí ban đầu của nó và sau đó kết hợp các liệu pháp khác như bấm huyệt, thao tác điểm kích hoạt, điều trị chỉnh hình để giúp bệnh nhân chóng hồi phục.
5. Vật lý trị liệu (physiotherapy):
Vật lý trị liệu sử dụng các liệu pháp thao tác bằng tay, các chương trình tập thể dục và kỹ thuật chạy điện để điều trị bệnh về cơ, xương, khớp (như viêm khớp, chấn thương thể thao hoặc đau lưng), các bệnh liên quan đến thần kinh (như đột quỵ, bệnh đa xơ cứng và tổn thương tủy sống) và các bệnh về tim mạch (chẳng hạn như khí phế thũng, hen suyễn, viêm phế quản mãn tính).
Như là một phần của điều trị của mình, Thầy Yên thường đề nghị bệnh nhân nặng tập thể dục đều đặn, đặc biệt là tập những bài tập nhằm hỗ trợ cho tư thế đúng và điều chỉnh xương cho thẳng nhằm củng cố sự điều chỉnh và chữa trị mà Thầy Yên vừa giúp. Liệu pháp phục hồi chức năng của Thầy Yên nhấn mạnh tầm quan trọng của vật lý trị liệu như là một phần của việc phục hồi chức năng luôn được khuyến cáo cho hầu hết các bệnh nhân của Thầy.
6. Từ bi tâm của Phật giáo (Buddhist’s commpassion):
Trong quyển “Vô niệm Viên thông Yếu quyết”, Hòa thượng Thích Minh Thiền ghi chú rằng sau vài tháng thiền định thường xuyên, thiền sinh sẽ có được một khả năng truyền tải năng lượng của mình cho bệnh nhân để chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên, theo Hòa thượng Thích Minh Thiền, khả năng này không được khuyến khích sử dụng hoặc phát triển vì mục đích chính của đạo Phật là giác ngộ chứ không phải để chữa bệnh thể chất.
Trong khi điều trị cho bệnh nhân, Thầy Yên thường xuyên nhắc nhở môn sinh của mình là khi giúp đỡ người khác (chữa bệnh) đòi hỏi sự bình tĩnh và trạng thái "tâm không" - tức là tâm phải thoát ra khỏi những suy nghĩ về lợi ích, tiền bạc, cảm xúc cũng như các tạp niệm khác. Điều cần thiết trong lúc chữa bệnh là một trái tim thuần khiết, tâm thanh tịnh, tập trung vào lòng từ bi và một ao ước mạnh mẽ là muốn giúp người bệnh hết bệnh.
7. Thảo dược (herbal medicines):
Mặc dù các loại thảo dược Trung Hoa rất phổ biến tại Việt Nam trong một thời gian dài, thường được gọi là “thuốc Bắc", nhưng theo thời gian, thảo dược với tên là “thuốc Nam” đã ngày càng phổ biến trong Đông y học ở Việt Nam. Trong khi các phương pháp chẩn đoán giữa Trung Hoa và Việt Nam chỉ khác biệt chút ít, các dược thảo hoàn toàn khác nhau. Sự khác biệt chính giữa hai loại thuốc này là giá cả - giá thuốc Nam rẽ hơn thuốc Bắc rất nhiều vì thuốc Bắc phải nhập cảng của Trung Quốc, Đài Loan hay Hàn Quốc.
Trong lúc sống trong chùa thuộc Tịnh Độ tông, Thầy Yên học và thực hành phương pháp điều trị bằng cách sử dụng các loại thuốc Nam cho người bệnh miễn phí kể từ khi ông còn rất trẻ. Ông tin rằng, khi kết hợp với liệu pháp phục hồi chức năng của mình, các loại thuốc Nam góp phần điều trị nhanh và hiệu quả các bệnh mãn tính.
Điều quan trọng là Thầy Yên luôn tìm cách để cho các bệnh nhân nghèo được chữa trị bệnh tật của mình một cách hiệu quả. Để thực hiện điều này, Thầy Yên đã phát nguyện thiết lập và tài trợ cho 10 trung tâm chữa bệnh và cung cấp thuốc Nam miễn phí. Cho đến nay, một trung tâm đã được thành lập trên địa bàn xã Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, và đang nỗ lực để thiết lập các trung tâm khác trong tương lai không xa.
Liệu pháp phục hồi chức năng không phải là một khám phá mới. Thật ra, nó là sự kết hợp hài hòa của nhiều phương pháp y học bổ sung mà hiệu quả đã được chứng minh. Những phương pháp điều trị khác nhau hỗ trợ lẫn nhau và đã giúp cho bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, vượt xa điều mong đợi.
Trước khi được phép chữa bệnh miễn phí, Thầy Yên đã phải trải qua 5 lần khảo nghiệm lâm sàng trước một Hội đồng Giám định gồm các chuyên gia danh tiếng trong ngành y. Năm 2011, liệu pháp Phục hồi Chức năng của Thầy Yên được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước tổ chức hội thảo và công nhận. Sau đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ thành lập xây dựng một trung tâm phục hồi chức năng tại Hà Tĩnh và Thầy Yên làm giám đốc của trung tâm.
Trong thời gian này, một cuộc hội thảo thử nghiệm ở Hà Nội gồm những nhà khoa học tên tuổi đầu ngành như GS.VS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH & KT Việt Nam, GS Hoàng Bảo Châu, Thầy thuốc nhân dân Trần Trọng Hải, Phó Chủ tịch Hội phục hồi chức năng Việt Nam, bác sỹ Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam đã đánh giá cao và cho rằng, những gì ông Võ Hoàng Yên biểu diễn trong hội thảo là “khoa học, hợp lý và tuyệt diệu” theo phương pháp y học dân tộc cổ truyền Việt Nam. Thầy Yên cũng đã truyền dạy lại cho nhiều môn sinh của mình, nhờ đó, phương pháp của Thầy Yên có thể phổ biến rộng rãi để giúp đời.
Tại Việt Nam, nhiều chục ngàn bệnh nhân đã được Thầy Yên chữa trị miễn phí. Trong những năm 2011, 2012, 2013, 2014 Thầy Yên đã chữa trị cho nhiều ngàn bệnh nhân ở Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia, bốn tiểu bang của Úc (nơi tập trung nhiều người gốc Việt) và vài trăm người Úc bản địa. Thầy Yên cũng đi đến Tân Tây Lan (New Zealand), Thụy Điển (Sweden) và Đan Mạch (Denmark) trong thời gian này.
Là một cư sĩ Phật giáo, Thầy Yên mong muốn thực hiện đức hạnh từ bi bác ái của giáo lý Đức Phật. Vì vậy, Thầy chưa bao giờ và sẽ không bao giờ nhận thù lao cho việc chữa bệnh của mình. Tuy vậy, trong thời gian qua, nhiều nhà tài trợ, nhiều người hão tâm từng được Thầy Yên chữa lành bệnh đã giúp đỡ, hỗ trợ Thầy Yên xây dựng một phòng thuốc Nam phước thiện cũng như chi phí điều hành.
Liệu pháp y học nào cũng như nhau - có nhiều trường hợp hiệu quả vượt quá mong đợi của bệnh nhân, trong khi một số khác không đạt được kết quả tương tự như vậy. Liệu pháp phục hồi chức năng này không chữa trị được tất cả các bệnh tật. Mỗi bệnh nhân, mỗi bệnh, mỗi tật đều khác biệt về tính chất và nguyên nhân cũng như thời gian mang bệnh tật. Thầy Yên thường nhắc nhở bệnh nhân trước khi chữa trị là bệnh nhân không nên đặt kỳ vọng của mình quá xa thực tế.
Tuy nhiên, bao lâu mà Thầy có thể giúp được cho bất kỳ ai cần giúp đỡ, Thầy nguyện sẽ hết lòng chữa trị. Hầu hết những ai đã từng được Thầy Yên điều trị đều thừa nhận là Liệu pháp Phục hồi Chức năng của Thầy Yên là sự kết hợp hài hòa giữa nhiều liệu pháp y học, võ thuật cùng với tình thương vô điều kiện và lòng từ bi - sự hài hòa giữa y đạo, võ đạo và tâm đạo.
Bài viết của Luật Sư Nguyễn Tấn Sĩ, Úc Châu. Cám ơn Luật Sư đã gửi bài

No comments:

Post a Comment