Những người quen biết cha tôi, có thể nghĩ rằng cha tôi rất phản đối Phật giáo vì mọi người thường nghe cha tôi chê Phật giáo là không tốt. Nhưng tôi rất hiểu rõ điều mà ông trách cứ chỉ là những vấn đề mà người ta nêu lên hoàn toàn không phải ý nghĩa và giáo pháp của Đức Phật. Ông dùng sự phản đối và phê bình rất kịch liệt để gây cho tôi cái ấn tượng và sự giáo huấn sâu sắc. Đó là khi dạy tôi điều gì thì ông phải đặc biệt chú ý.
Làm một người đệ tử Phật mà hành vi không tốt thì khiến người ta phỉ báng Tam Bảo, làm dứt tín tâm và thiện căn của người ta. Nhân vì ông phê bình và phản đối kịch liệt cho nên ông đã đưa toàn bộ gia đình chúng tôi vào cửa Phật. Sự việc này có vẻ rất kì quái, những điều mà ông chê bai lại là những điều mà chúng tôi đều ghi nhớ kĩ trong lòng, làm thành khuôn mẫu để chúng tôi cải tiến. Có lẽ ông đã sớm hiểu con ông, nên ông phải nói với nó: “Nếu chày sắt nổi được thì con nổi được”. Nghe câu nói ấy đứa con mới phát tâm, phải học để biết bơi lội cho bằng được. Nói thật ra nếu không có sự kích thích của cha tôi có thể phải ba ngày tôi mới nổi được trên nước, cũng có thể suốt đời không học được như thế . Nhưng vì cha tôi đã kích thích tôi thì tôi phải học ngay liền cho biết. Chính vì ông cực lực phê bình phản đối cho nên tất cả chúng tôi học Phật đều có quyết tâm “không học tốt thì không được”. Cha tôi, vị Bồ Tát Quan Thế Âm cầm búa vàng là người rất khả ái và rất hữu hiệu!
Người bạn học đàn anh của tôi, anh Tăng Kính Hữu bảo với tôi rằng quá trình học Phật của anh thật quá khó khăn, lại không có người khích lệ nên càng khó khăn. Nói thật ra tôi từ nhỏ học Phật, trong mười năm đầu không có ai khuyến khích, tất cả đều phản đối, cười nhạo. Nhưng sự phản đối và cười nhạo ấy chỉ giúp cho tôi hiểu rõ rằng rốt cục lí do phản đối và cười nhạo ấy là gì, chỗ mà họ không hiểu rõ là gì. Tôi phải cải tiến chỗ này thì mới khiến cho người ta không phản đối việc học Phật. Tôi nhận thấy như thế là họ đã giúp khá nhiều cho việc học Phật của tôi, cho nên có thể nói họ đều là ma la na la , Quán Thế Âm cầm búa vàng. Người được người ta khích lệ mới học Phật là người rất có phước báo, được học Phật trong hoàn cảnh thuận lợi. Nhưng hoàn cảnh này có khi cũng nguy hiểm, vì giả như không có người liên tục để khích lệ bạn thì liệu bạn có tiếp tục học không? Có khi tôi nhận thấy do bị phản đối mạnh mẽ mà học Phật lại càng có phước báo nhiều hơn, thứ nhất là vì có thể kiên định tín tâm của chính mình, thứ hai là có thể hiểu được nguyên nhân phản đối của mọi người.
Cha tôi thường nói: “Không nên lấy tình thân mà trói buộc nhau” cho nên ông cũng không đòi hỏi chúng tôi thường xuyên đến thăm ông. Vài ngày trước khi ông qua đời, ông ôn tồn nói về những đồ vật mà trước kia ông thích: “những thứ ấy nên bỏ đi”. Ông và em trai của tôi cùng sinh một ngày, đã nhiều năm hai người đều gửi thiệp sinh nhật cho nhau, nhưng năm nay khi em trai tôi đang ở bên Mỹ, nhận được tấm thiệp mừng sinh nhật bỗng giật mình, vì không như trước, cha tôi không viết một chữ nào trên tấm thiệp, ông đã gửi một tấm thiệp trống không. Về phần ông, ông cũng không nhận được tấm thiệp của em trai tôi, ông đã mất hai ngày trước ngày sinh của ông. Tấm thiệp trống không mà cha tôi đã gửi có thể là “những gì ta cần dạy các con ta đã dạy rồi, những gì cần nói ra đều đã nói, cần triển khai ta đều đã triển khai. Còn việc vận dụng những thứ ấy như thế nào đó là việc của các con”.
“Trống không” là sự triển khai vô hạn, trống không là vô thanh thắng vượt hữu thanh vậy ...
Lúc chúng tôi còn trẻ thơ, cha tôi thường hát khúc ru cho chúng tôi nghe. Không những ông hát nhiều bài đồng dao khác nhau của nhiều tác giả, thậm chí ông còn tự mình sáng tác lấy. Giọng ca của cha tôi rất hay và mạnh. Tại các lễ đường , ông hát mà không cần dùng mi- crô. Có lúc ông lấy lời ca cải đổi thành tên chúng tôi, hoặc cải đổi nội dung cho thích hợp với chúng tôi. Cho nên trong lúc cha tôi qua đời thanh thản nằm đấy, anh chị em chúng tôi niệm Phật cho ông, đồng thời nghĩ đến hình ảnh chúng tôi hồi còn nhỏ nằm trên giường, cha tôi thường hát ru cho chúng tôi nghe. Về sau chúng tôi cùng dùng một bài hát ru của Brahmo để niệm A Di Đà Phật cho ông. Vì cha tôi luôn thích các bài nhạc cổ điển nổi danh của thế giới, ông không hề quen các vần điệu niệm Phật ở chùa, cho nên chúng tôi dùng loại âm nhạc mà ông ưa thích để niệm Phật cho ông. Và chúng tôi tin rằng như thế lại càng thân thiết, lại càng có thể đẩy đưa âm thanh tham gia của ông mà niệm Phật.
Lúc sắp liệm cha tôi, chúng tôi phát hiện thân thể ông còn mềm mại. Khi bọc bàn chân ông, chúng tôi phát hiện vết thẹo khá lớn ở bàn chân ông. Đó là hồi ông còn nhỏ, vào một đêm nọ anh của ông bị sốt. Bấy giờ ông chỉ là một đứa trẻ nhỏ, tự mình ông đang đêm phải vượt con đường rất xa để lấy thuốc cho anh mình. Vì trời tối, mà đường cũng tối không thấy được một đoạn rãnh nước không có nắp đậy nên ông bị té xuống rãnh. Khi bị té ông không để ý gì đến việc bị thương và chảy máu của mình, chỉ một lòng giơ cao bình thuốc nước sợ bình vỡ. Sau khi bò ra khỏi rãnh nước, mang bình thuốc về nhà thì ông mới phát hiện mình bị một vết thương rất nặng và máu chảy rất nhiều. Nhưng bấy giờ ông chỉ lo cho bình thuốc của ông anh, mà không cảm thấy đau đớn. Hồi còn nhỏ được nghe ông kể lại chuyện ấy, tôi cảm động mà phát khóc.
Trong lúc nhập liệm nhìn bàn chân ông lần cuối cùng, tôi hy vọng ông dùng đôi chân đã từng quên mình vì người mà lên thế giới Cực Lạc ở Tây Phương, tham gia đại hội Liên Trì, thành Phật, độ chúng sinh.
Mong sao lúc kết thúc phần sinh mạng này của cha tôi cũng là lúc khởi đầu của Hải Hội liên Trì an lạc. Bốn anh chị em chúng tôi lấy bài “Tống biệt” của Đại sư Hoàng Nhất mà tiễn biệt cha tôi, nhưng hai câu cuối cải biến thành niềm hy vọng trong lòng chúng tôi.
“Cất tiếng niệm Phật rất chân thành, ngay liền tới bờ kia.
Hải hội Liên Trì sắp đến kỳ, đi đi chớ chần chờ”.
Hải hội Liên Trì sắp đến kỳ, đi đi chớ chần chờ”.
“A Di Đà Phật Đại Từ phụ, Nam Mô A Di Đà Phật...”, đó là lời xướng “Từ Phụ Y Vương” của bốn đứa trẻ xướng lên cho cha mình. Đức Phật A Di Đà là bậc cha lành vĩ đại, vị vua vĩ đại của chúng tôi, hy vọng cha tôi, bậc từ phụ có thể về đến thế giới an lạc của bậc cha lành vĩ đại, là Đức phật A Di Đà. “Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ, Hoan Hỉ Quang, Thanh Tĩnh Quang, Trí Tuệ Quang, Giải Thoát Quang, An Ổn Quang” trong lời ca là biệt danh của Đức Phật A Di Đà, cũng là ánh sáng rực rỡ của A Di Đà. Hy vọng tất cả chúng ta xướng lên được Phật Quang trong lòng!!!
No comments:
Post a Comment