Tuesday, May 3, 2016

Bác Sĩ Quách Huệ Trân

Hồi tôi còn học lớp một, lớp hai bậc tiểu học, có một lần thầy giáo bảo vẽ một bức tranh. Tôi không biết vẽ nên không vẽ được. Mẹ tôi bảo cha tôi hướng dẫn tôi. Cha tôi lại nói: “ngay cả cái này mà con cũng không vẽ được à?”. Ông lại cứ hỏi như thế hai ba lần. Tôi phát khóc lên, vì vẽ tranh đối với tôi là một việc rất khó khăn, mẹ tôi không biết nhiều về hội họa nên cũng hiểu được khó khăn của tôi, nhờ cha tôi chỉ bảo cho tôi.
Cha tôi không biết trình độ thực sự của tôi nên mới nóng nảy nói với tôi: “một tờ giấy vẽ mà con vẽ bậy trên đó tự con xem con cũng không biết nó phải ném vào đâu, kết quả là khiến cho người ta cho nó là đồ rác mà vứt bỏ đi. Nếu như con dụng tâm để vẽ thì một tờ giấy vẽ đáng giá hai hào có thể biến thành vô giá. Con thấy đấy nhiều bức danh họa của thế giới biến thành báu vật của quốc gia. Dù con có trả tiền nhiều bao nhiêu người ta cũng không bán. Những bức họa của thế giới cũng do người ta dụng tâm mà vẽ nên. Vẽ tranh cũng là khéo dụng tâm mà thôi”.
Ông nói xong liền vẽ vài nét cho tôi xem. Tôi thấy ông họa rất đơn giản, vài nét bút đã trở thành một bình hoa, vài nét bút là một đóa hoa. Từ sau lần nhìn thấy cha tôi vẽ tranh ấy, tôi không còn thấy vẽ tranh là một sự việc rất khó khăn nhức đầu nữa. Ông lại dạy tôi một ý nghĩa rất trọng yếu khiến tôi suốt đời thọ dụng không hết.
Ông nói: “Mỗi người là một dạng sinh mạng, giống như một tờ giấy vẽ, nếu đáng giá hai hào nhưng phải vẽ như thế nào thì mỗi người lại khác nhau rất nhiều. Sinh mạng của con được vẽ thành một bức chẳng ra gì hay thành một bức vô giá chính là do dụng tâm của con”. Do lời dạy này của cha tôi, tôi quyết định dùng tờ giấy để vẽ Đức Phật, sẽ dùng sinh mạng này để tu hành để thành Phật.
Bất luận tu thành hay không thành, tôi cũng quyết định sẽ làm vậy.
Tôi vốn có tánh nóng vội, vẽ tranh cũng nóng vội, mới vẽ một chút đã gọi là xong, vội trình bức vẽ. Một hôm cha tôi thấy tôi vẽ vội vàng như thế liền bảo tôi: “Con đã vẽ vội vàng một bức tranh, giả như trong nửa giờ, nhưng con lại không chịu khó bỏ ra nửa giờ để xem lại giá trị của nó. Giá như con có thể chịu khó treo nó lên, tự mình nhìn kĩ nó, xem chỗ nào cần sửa lại thì sửa. Nếu con chịu khó sửa trong nửa năm thì bức tranh này ít ra cũng được nhìn kĩ trong nửa năm. Con biết không? Bức họa danh tiếng nhất thế giới “Nụ cười của Mona Lisa” được vẽ rất lâu mới xong, trong đó phải nhọc tâm rất nhiều! Vẽ tranh hoàn toàn không nhất định là cứ việc vẽ suông, vẽ tranh là nhằm luyện tập lòng nhẫn nại của chúng ta nữa”. Nhiều lúc tôi quả thực cảm thấy mình vô cùng may mắn, Đức Phật A Di Đà đã an bài vị thân phụ này cho tôi. Rõ ràng đó là sự tuyển chọn người tốt nhất để giúp tôi đến Tây Phương.
Có những sự việc mà hai mươi năm trước tôi hoàn toàn không phát hiện ra mình đã có lỗi làm gì. Hai mươi năm sau, càng suy nghĩ tôi lại càng hổ thẹn, càng sám hối. Một hôm cha tôi rất cực nhọc vì phải khám bệnh nhiều bệnh nhân , bỗng nhiên ông rất bực bội nói với chúng tôi: “Tại sao ngày nào cũng không có ai nói với tôi một câu vui vẻ?”. Bấy giờ tôi tưởng rằng trong lòng cha tôi không vui nên có phần nóng giận, do đó, tôi chỉ biết im lặng không dám nói gì. Cha tôi thấy chúng tôi không phản ứng gì nên ông tự lắng dịu lại. Sau này chính tôi làm bác sĩ mới hiểu được cái mùi vị của sự việc ngày đêm cứ phải nghe người ta kêu oán khổ. Quả thực, có thể nói trên đời không có ai vui vẻ khỏe mạnh lại đi tới bác sĩ để nói với ông một lời hoan hỉ. Cha tôi đã trải qua mấy mươi năm tâm khổ để nói ra tiếng lòng mình, nhưng khi tôi hiểu được ông thì đã quá muộn. Hồi tôi còn học tiểu học, nghe thầy giảng nhị thập tứ hiếu, có ông Lão Lai tuy đã già rồi mà mỗi ngày vẫn làm trò cười cho cha mẹ vui. Tuy tôi đã nghe được câu chuyện đời xưa và ý nghĩa ấy, tôi vẫn không chịu thực hành. Hèn chi cha tôi bảo tôi là chẳng ra gì! Tự tôi, tôi không quan sát, không hiểu được sự sinh hoạt hàng ngày của cha tôi, cũng không tự mình chủ động phát tâm khiến cho ông vui vẻ. Đó là sự bất hiếu tầng thứ nhất của tôi.
Khi cha tôi đã nói ra tiếng lòng của ông , tôi nghe xong chỉ nghĩ là ông đang nóng giận chứ chưa từng cố ý để tìm hiểu sự buồn khổ khiến ông kích động, cũng chưa từng biểu lộ những gì để an ủi ông. Đây là sự bất hiếu tầng thứ hai, càng nghiêm trọng hơn. Sau đó rất lâu rồi cũng chưa từng phát hiện mình có sai quấy gì không hay biết rằng cần phải sám hối cãi lỗi. Thật là quá ngu si! Nên biết rằng người ta khi lòng không vui thì không chịu phát tâm làm cho người khác vui, đó là không từ bi. Trong lúc người khác đang đau khổ không biết làm sao để giúp đỡ họ, thậm chí một câu nói thông cảm cũng không biết nói, đó là không trí tuệ. Học Phật mà không có từ bi lại không có trí tuệ!
Quả thực là không biết học cái gì, một chút công năng cũng chẳng có! Phật là đấng vạn đức, vạn năng; tôi học mà vô năng, vô đức, thậm chí một câu nói thân thiết thích đáng để cúng dường cha tôi mà mà cũng không nói được thì tôi quả là một đứa chẳng ra gì trong đạo hiếu. Trước kia tôi nghĩ rằng đối với người nhà, người quen có lẽ không cần phải nói lời thân thiết quan hoài, vui vẻ khen ngợi, kì thực đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm.
Giới Bồ Tát có qui định rằng: mỗi ngày ít nhất cũng nên dùng một lời kệ để tán thán công đức Tam Bảo; nếu có hôm nào không tán thán tức là phạm giới. Đây không phải là Tam Bảo rất muốn được khen thưởng mà chính là chúng ta học tập đạo Bồ Tát thì phải luôn đề tỉnh, luôn luyện tập để khéo làm cho thân khẩu ý của chúng ta ứng hợp với Phật tính. Đi giúp đỡ chúng sinh tu công đức thì đương nhiên phải luyện tập ngôn ngữ mà làm công đức, nếu không thì té ra miệng của chúng ta chỉ biết có ăn cơm và nói những lời vô bổ sao? Có người đang cần lời an ủi, chúng ta lại nói tôi không biết, tôi không có “công năng ấy” sao? Thực ra không biết thì phải luyện tập cho biết chứ ! Nếu không thì cũng như câu nói của cha tôi:
“Ngay cả một chút công năng bố thí hoan hỉ mà con cũng không có thì làm sao mà tu hành đạo Bồ Tát được?”. Sự bất hiếu trong quá khứ đã không có cách gì bù đắp được, chỉ có cách là hiện tại mong sám hối cải tiến thật lòng mà thực hành.

No comments:

Post a Comment