Tuesday, September 29, 2015

"75750" Marceline Loridan

shared http://tintuc.hoasen.edu.vn/vi/462/danh-cho-bao-chi/gioi-thieu-sach-cuoc-doi-balagan-cua-toi
Ngày tròn bảy mươi tám tuổi, Marceline Loridan-Ivens, ngắm những vật dụng trong nhà, chúng gợi nhớ những mảng đời đầy sự hỗn độn, phản kháng, khiêu khích và những cuộc dấn thân bên lề thế giới…bắt đầu từ năm bà mười lăm tuổi, năm bà bị đày đến trại tập trung Auschwitz-Birkenau.
Lẽ ra hồi ký này sẽ tràn ngập những tiếng thét, như chính tác giả đã muốn thét lên ngay từ đầu câu chuyện của mình: “Tôi là số fünf und siebzig tausend sieben hundert fünfzig (tiếng Đức: 75750, số tù của Marceline Loridan do bọn SS xăm lên tay bà khi bà đến nhà tù Birkenau). Tôi vẫn còn sống.” Nhưng kỳ lạ là không như thế. Bà đã để cho tâm hồn mình chìm đắm vào những chiêm nghiệm cuộc sống và hạnh phúc.
Năm mươi năm sau, khi lần đầu tiên trở lại Birkenau, tôi trông thấy những hàng bạch dương tươi tốt, đẹp tuyệt vời, khu rừng nơi từng xảy ra bao nhiêu chuyện hãi hùng nay ngập tràn tiếng chim hót…Trên vùng đất chôn vùi biết bao xác người, cỏ mọc tươi hơn và xanh hơn. Thật đau lòng khi nhìn thấy thiên nhiên sống lại mạnh mẽ như vậy.” Ta cũng sẽ ngạc nhiên đến đau lòng như thế khi đọc sách, thấy khu rừng ngôn từ và suy tưởng mọc lên xanh thẳm từ bao nhiêu đau thương tan nát của đời bà.
Nhưng tính cách phi thường  của người phụ nữ “mạng hỏa” (nguyên văn: sous le signe du feu) gốc Do Thái cao chưa tới 1m50 này không chỉ thể hiện trong văn chương, mà còn nhiều hơn nữa trong chính cuộc đời bà. Từ sau khi vượt qua địa ngục cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đời bà là sự tiếp nối của những cuộc chinh phục: Cuộc sống, Tình yêu, Nghệ thuật, Chính trị, Xã hội, Du lịch (vâng, bà đi rất nhiều đến mức cảm thấy: “vali luôn là nỗi ám ảnh của tôi”.)
Năm 1945, Marceline trở về từ Auschwitz, nơi bà đã bị hủy hoại hoàn toàn. Bà lao vào sống như thể không còn gì để mất. Hàng đêm, bà lang thang từ hầm rượu này sang hầm rượu khác của khu Saint-Germain-des-Prés. Sau đó bà gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, vận chuyển tiền cho Mặt trận Giải phóng Quốc gia Angiêri, đấu tranh cho quyền tự do phá thai… Bà có mặt trên tất cả các trận tuyến. Rồi bà gặp nhà đạo diễn lừng danh Joris Ivens; xuất hiện cùng ông dưới làn bom đạn ở Việt Nam, từng gặp chủ tịch Hồ Chí Minh, có mặt ở Bắc Kinh trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa…
Simone Veil, người bạn tri kỷ của Marceline ở Auschwitz, nói: “Ngay cả trong những tình cảnh tuyệt vọng nhất, cô ấy vẫn làm cho chúng tôi cười được.” Với bà đó là biện pháp để vượt qua những trải nghiệm của ngày hôm qua luôn hiện hữu và làm bà không thể chịu đựng được. Vì thế mà tác giả trích dẫn Imre Kertész - nhà văn Hungary gốc Do Thái đoạt giải Nobel 2002, từng bị bắt vào trại tập trung Auschwitz - trong một chương sâu xa nhất (Simone): “Ở đấy, nằm cạnh những ống khói, vào những lúc âm thầm đớn đau, lại có điều gì đó giống như hạnh phúc.
Câu chuyện bi tráng của Marceline Loridan-Ivens được tái hiện trên nền những ký ức khi rõ khi không và một sức sống mãnh liệt có khả năng truyền cho người khác.
Bạo lực của bọn Đức quốc xã đã không tiêu diệt nổi sức sống đó.
MAI SƠN
Marceline Loridan-Ivens là đạo diễn và nhà làm phim tư liệu. Năm 1962, bà đồng thực hiện phim Angiêri, năm 0. Sau đó bà cùng Joris Ivens thành lập xưởng phim Capi Films của riêng bà. Họ cùng thực hiện Vĩ tuyến 17, Ngu Công dời núi như thế nào?, và Câu chuyện về gió, một phim dài mang tính chất thần thoại. Sau khi Joris Ivens qua đời, bà thực hiện Cánh đồng bạch dương nhỏ, với Anouk Aimée trong vai  chính.
Elizabeth D. Inandiak, người đã cùng Marceline viết quyển sách này, là một phóng viên nổi tiếng. Bà là tác giả của nhiều chuyện cổ tích và tiểu thuyết (Quyển sách của Centhini đã đoạt giải Francophonie Asie năm 2003), bà còn là nhà biên kịch. Bà sống ở Yogiakarta (Indonesia) từ năm 1991, nơi bà là cộng tác viên của báo Courrier International.
Balagan là một kiểu vô trật tự, một kiểu hỗn độn, là trật tự trong sự vô trật tự. Mỗi người chúng ta đều có trật tự của riêng mình nhưng đối với người khác, có thể đó lại là vô trật tự, là balagan. Trật tự của người này là balagan đối với người khác. Từ này được sử dụng trong tiếng Hê-brơ và tiếng Đức cổ của người Do Thái nhưng hình như nó có nguồn gốc từ tiếng Nga.”
Cuộc đời Balagan của tôi, tác giả: Marceline Loridan-Ivens, người dịch: Lương Thị Mai Trâm, Đại học Hoa Sen và NXB Văn hóa - Văn nghệ, 10.2011.
***

Cuộc Đời Balagan Của Tôi – Marceline Loridan-Ivens

 | 13.02.2011 |
shared http://bookaholic.vn/cuoc-doi-balagan-cua-toi-marceline-loridan-ivens.html
“Balagan là một kiểu vô trật tự, một kiểu hỗn độn, là trật tự trong sự vô trật tự. Mỗi người chúng ta đền có trật tự của riêng mình nhưng đối với người khác, có thể đó lại là vô trật tự, là balagan. Trật tự của người này là balagan đối với người khác. Từ này được sử dụng trong tiếng Hê-brơ và tiếng I-dít nhưng hình như nó có nguồn gốc từ tiếng Nga.” – David Zrihan
“Ngay cả trong những tình cảnh tuyệt vọng nhất, cô ấy vẫn làm cho chúng tôi cười được.” – Simone Veil

No comments:

Post a Comment