Đoàn Dự ghi chép
Thưa quý bạn, theo tôi hiểu, tại miền Nam, các thập niên 1950, 1960 và phần đầu của thập niên 1970 trước năm 1975, là thời đại hoàng kim của ngành cải lương, trong đó các nghệ sĩ danh tiếng như bên nữ thì có Thanh Nga, Thanh Kim Huệ, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Diệu Hiền v.v…; bên nam thì có Út Trà Ôn, Hùng Cường, Thành Được, Út Hậu v.v… Lương bổng của họ rất cao, tiền bạc như nước. Nhưng có điều lạ là sau 1975 và khi đã về già, nhiều người trong số các nghệ sĩ đó nếu còn ở lại Việt Nam thì thường là họ rất nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Họ sống trong các căn nhà ổ chuột, trong Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ ở Quận 8, hoặc trong Chùa Nghệ Sĩ ở Hạnh Thông Tây phía Gò Vấp do Má Bảy Phùng Há và một số người có tâm huyết thiết lập khi má còn trẻ tuổi. Ngoài ra, về cuộc sống gia đình của nhiều người cũng không được ổn. Họ lấy nhau, rồi bỏ nhau, chẳng ra sao cả, nên khi về già họ cù bơ cù bất hết sức tội nghiệp. Sau đây xin mời quý bạn xem xét về chuyện đời tiêu biểu của hai “ngôi sao” sáng chói trong ngành cải lương của các thập niên 1950, 1960 và phần đầu thập niên 1970. Đó là hai nghệ sĩ Diệu Hiền và Út Hậu. Họ đã đi lên từ con số không – một người là cô bé nhà quê mới 14 tuổi, không biết chữ; một người là chú tiểu, đi tu trong chùa từ năm 7 tuổi – rồi khi về già họ trở lại với con số không mặc dầu họ đã từng sống trong vinh quang. Đây, xin mời quý bạn xem cho biết chuyện đời của họ…
I. Chuyện đời nghệ sĩ Diệu Hiền
Tiểu sử:
Diệu Hiền tên thật là Lâm Thị Hiền, sinh năm 1945 tại Bạc Liêu, sớm mồ côi cha, sống với mẹ và cha dượng. Cô bé bỏ nhà theo gánh hát năm 14 tuổi nhưng chỉ “may mắn” có được chân giữ em cho một nghệ sĩ múa trong gánh hát nhỏ Hoa Lan – Xuân Liễu ở Tận Định, Sài Gòn. Khi Hoa Lan – Xuân Liễu rã gánh, cô theo người nghệ sĩ múa đó sang đoàn Hoa Sen và vẫn làm đứa trẻ giữ em để có miếng ăn. Năm 16 tuổi, bất ngờ Diệu Hiền được đóng vai thay thế cô đào chính trong đoàn và do năng khiếu sẵn có, cô đã tạo được tiếng tăm và trở thành đào chính của đoàn Hoa Sen, rất được khán giả hâm mộ. Tuy nhiên, Hoa Sen là một gánh hát không lớn lắm nên tiền lương không cao, trong khi đó, các đoàn hát danh tiếng khác mời chào cô với những hợp đồng tiền lương hết sức hấp dẫn. Bắt buộc Diệu Hiền phải nghĩ đến chuyện ra đi. Cuối năm ấy, 1961, tuy mới 16 tuổi nhưng Diệu Hiền trở thành đào chính trong đoàn hát Thống Nhứt của ông bầu kiêm danh ca Út Trà Ôn. Vai nữ tướng Triệu Thị Trinh trong vở Nhụy Kiều Tướng quân và vai Bùi Thị Xuân trong vở Nữ tướng Cờ Đào đem đến cho Diệu Hiền danh hiệu “Đệ nhất đào võ cải lương” thời bấy giờ.
Cũng tại đoàn Thống Nhứt của Út Trà Ôn, cô gặp soạn giả Viễn Châu – vị soạn giả cực kỳ nổi tiếng, lúc ấy 37 tuổi, lớn hơn cô 21 tuổi – và cô thầm yêu ông nhưng không dám nói. Cuối cùng, cô đánh liều thú thật lòng mình, ông cười: “Chú có vợ rồi cháu ơi”, câu nói đó gây cho cô nhiều đau khổ gần như suốt cuộc đời.
Sau hết, cô kết hôn với nghệ sĩ Út Hậu, một “giọng ca vàng” cột trụ trong đoàn và lớn hơn cô 5 tuổi. Nhưng hai người chia tay sau một thời gian chung sống. Họ có với nhau được 5 người con, 2 trai, 3 gái. Trong 5 người con này, hai người con trai cũng là nghệ sĩ, chơi nhạc tại các quán bar và các nhà hàng để kiếm sống, còn 3 người con gái thì chỉ có hai người theo nghiệp cầm ca của mẹ nhưng không nhiều show; người thứ ba không hề biết đến ca hát.
Có thời gian, sau 1975, Diệu Hiền từng đi hát phòng trà, quán nhậu để kiếm tiền nuôi con và trị bệnh. Những năm gần đây, bệnh tật trở nặng do tai nạn bị hỏng một bên tay trái, không đi hát được nữa, bà sống nhờ vào khoản trợ cấp 150.000 đồng mỗi tháng của Hội Ái hữu Nghệ sĩ Sài Gòn và lòng hảo tâm của các đồng nghiệp và các học trò trước đây bà đã dạy nghề cho họ. Bà nói: “Tôi không đòi hỏi gì ở các con. Chúng tự nuôi được nhau là tốt lắm rồi”. Sau đây là lời tự thuật của bà do nhà báo Hồ Ngọc Giàu ghi lại.
Thời thơ ấu
Má kể, hồi nhỏ tui có tật khóc đêm. Cứ tầm gà chưa gáy người lớn đã cằn nhằn bởi tiếng tui ré lên lanh lảnh. Tại má con tui ở nhờ nhà người ta chớ phải chi còn ở dưới quê, má chỉ cần ẵm tui trên tay, đưa vài hơi “ầu ơ, ví dầu…” là tui đã ngủ.
Đúng vậy, phải chi còn ở quê, tiếng khóc của tui chắc cũng len qua được khe cửa sập, văng vẳng tan vô trong đêm tối. Nhưng giờ ở nhờ nhà người ta, má không dám ru hời. Nhà xây gì đâu kín mít, nên tiếng khóc cứ luẩn quẩn, loanh quanh, chạm vách tường này, đụng cánh cửa kia, thành thử nhói ran, khó chịu. Má kể, nhà ở quê bị giặc càn cháy rụi, mấy má con nụm nịu, đứng chơ vơ nhìn vài sợi khói ứa ra từ bãi tro trơ trụi, má khóc. Hổng khóc sao được khi cái chỗ này nè, mới hôm qua, hôm kia má còn chun ra chun vô, còn chống tay lên gốc cột, ra rả cự anh Hai: “Bây để mái nhà nát quá, sương uớt hết bàn thờ ba”. Rồi má ngưng nước mắt, thảng thốt kêu lên: “Cha, cái hình ba bây cũng cháy tiêu ở trỏng”.
Cháy hết, nên anh Hai, anh Ba, chị Tư má gởi bên nhà nội; em Sáu, em Bảy má gởi nhà ngoại. Phần tui, khóc đêm dữ quá nên má đem lên Sài Gòn khi má đi ở mướn cho người ta. Mà cũng tại khóc đêm dữ quá, nên được dăm bữa, nửa tháng, người ta nói khéo, khuyên má cho đi nhưng má không cho mà kiếm chỗ làm khác. Lay lắt vậy mà rồi hai má con cũng ở lại được Sài Gòn. Hồi đó Sài Gòn dễ sống lắm. Má dựng tạm cái nhà nhỏ xíu trong xóm gần cầu Rạch Bần. Một nửa nhà ở trên bờ, một nửa nhà nhoi ra sông. Trưa tui trốn ngủ, chạy loăng quăng trong xóm phá phách đủ thứ. Nhà nào có cây trái tui bứt trái, có gà tui lấy mấy cục đất, cục gạch chọi gà cho nó sợ chơi. Phá phách chán tui về ngồi chóc ngóc ở cửa sau nhà, ngó ra sông. Nghe lẹt bẹt ở phía đằng trước là biết má đang cầm roi đi kiếm đặng phạt cái tội phá quá bị người ta tới nhà mắng vốn. Chẳng khi nào má đánh được tui. Chỉ cần trông thấy bóng má là tui lao ùm xuống sông, bơi miết, đến xâm xẩm tối mới mò về.
Má tui mê cải lương có tiếng trong xóm. Nghe nói người ta cúng đình có hát bội ở tuốt Phú Nhuận, Tân Định má cũng đi bộ tới coi. Làm gì thì làm, hễ có đoàn cải lương về là má tranh thủ đi coi cho kỳ được. Hồi đó vé coi hát bội, hát cải lương cũng phân ra hạng nhứt, nhì, ba. Hạng “cá kèo” là bét nhứt, phải đứng. Má hay dành dụm tiền, mua vé “cá kèo” rồi dẫn tui đi coi. Tui nhỏ xíu, đâu có thấy gì. Má phải cõng. Cõng chán má chuyển sang cặp một bên hông, riết rồi tui cũng mê cải lương.
Mới 10 tuổi đầu, tui đã thỏ thẻ xin má cho đi theo đoàn hát. Má tưởng con nít nói chơi nên không thèm đếm xỉa. Sau, tui năn nỉ quá, má biết tui nói thiệt. Ngày nào má cũng rầy: “Sanh bây ra thà hồi đó tao đẻ hột gà, hột vịt ăn còn ngon hơn. Ai đời có chút xíu mà đòi bỏ nhà theo gánh hát”. Hễ có đoàn về hát là tui lại xin má cho theo. Đời nào má cho và lần nào má cũng rầy. La mắng vậy thôi chớ không có buổi hát nào là má không dẫn tui đi coi. Tui không có đi học, hổng biết chữ mà cũng sáng dạ, ai ca sao, tui thuộc hết rồi ca y như vậy. Nên mỗi lần đi coi cải lương, má hay biểu: “Con Hiền để ý cô đào đó nha, ráng thuộc rồi về nhà ca cho má nghe”. Vài buổi trưa hiếm hoi, tui không trốn nhà đi phá xóm, má hay cột võng nằm hứng gió sông nghe tui ca vọng cổ. Giọng ca của tui còn con nít, lanh lảnh, cao vút, rồi dập dìu vờn trên làn nước bên mé sông…
* * *
Đã 14 tuổi mà tui ốm nhách, đen thui, tóc tai dài rũ rượi, cái ý muốn theo gánh hát năm nào vẫn chưa nguội lạnh trong tui. Bữa đó, tui lại dấm dẳn xin theo đoàn hát. Má bực mình quá, bước xăm xăm vô nhà, lựa hai bộ đồ rách nhứt quăng ra, nói xẵng: “Đó, bây đi đâu thì đi đi. Nhớ là đã đi thì đừng có về nhà nữa nghe chưa…” Chẳng biết sao lúc đó tui mừng húm, cuốn hai bộ quần áo đi ngay, sợ chậm vài bước má sẽ chạy ra bắt lại. Mà phải chi chậm lại vài bước chắc tui đã thấy má khóc, nhìn theo tui. Mà phải chi ráng chậm vài bước chắc tui đã không bị ném vào đời, còn má thì gần 3 năm dài đăng đẵng không phải sống bằng sự ray rứt, ân hận khôn nguôi vì đã lỡ đuổi đứa con đi. Lúc ấy tui đi mà lòng mừng khấp khởi…
Bước chân vào đời
Tui đi bộ tới Tân Định, tạt vô cái đình chỗ đoàn Hoa Lan – Xuân Liễu hay tập tuồng. Mấy anh chị hát chay, không xiêm y lụa là, thỉnh thoảng ra bộ không có đạo cụ, trông rất mắc cười mà tui vẫn coi say mê. Đến trưa, chỉ còn ông bầu Xuân Liễu ngồi tính sổ sách, tui rón rén lại gần xin gia nhập đoàn. Ổng tròn con mắt nhìn tui một lượt, thấy cuộn quần áo chỏng chơ, ông bèn gập sổ, hỏi: “Mầy con cái nhà ai mà xin vô đoàn?”. Tui biết ông dụ khị tui khai ra nhà cửa để dẫn trả về nhà nên nín re, chỉ năn nỉ: “Chú cho con vô đoàn”. Nói thế nào ông cũng không chịu.
Buổi trưa, tui nằm chèo queo một mình trên sân tập trống trơn. Đói quá, tui lầm lũi ra phông-tên công cộng ngoài đầu ngõ hứng nước uống, xong lại về đình, đầu óc không hề có ý nghĩ sẽ trở về nhà, bởi 4 năm trời năn nỉ má, bây giờ mới có cơ hội được đi. Tui còn nhớ, lúc ôm gói đồ chạy dọc theo mé sông, trong lòng có lập lời thề, nếu hát hổng được thì thà chết ở đâu đó chớ nhứt quyết không về.
Hai mắt đang riu riu ngủ thì có tiếng ru con đang đi lại gần. Chị tên Cúc, có mái tóc rất dài, hai tay đong đưa đứa con đang khóc ré giữa trưa. Thấy tui nằm chèo queo, chị tới hỏi thăm. Tui trả lời, chị suy nghĩ giây lát rồi biểu tui: “Thôi, em về giữ em cho chị, chị nuôi cơm”. Từ đó, tui theo chị Cúc nhập đoàn Hoa Lan – Xuân Liễu.
Chị Cúc là nhân viên múa chính trong đội vũ của đoàn, có đứa con mới vài tháng tuổi, khóc liên miên. Chị cho tui theo để mỗi khi chị tập hay ra sân khấu thì đưa con cho tui ẵm. Dạo đó tui thường lén về nhà buổi trưa hay buổi tối. Nhớ má quá nên về mà hổng dám vô. Tui núp sau gốc cây trứng cá, nhờ con bạn cùng xóm: “Mầy vô coi má tao đang làm gì, có nhà không”. Rồi đứng đợi má bước ra phơi áo, rửa rau, thấy má xong rồi đi.
Được ít lâu sau thì đoàn Hoa Lan – Xuân Liễu rã gánh. Chị Cúc được vũ sư Minh Cao tuyển vào ban múa của đoàn Hoa Sen. Tui cũng đi theo chị. Đoàn đi tới đâu tui theo tới đó. Lúc nào không ẵm em cho chị Cúc thì tui lại đi loanh quanh, thấy gì phá nấy. Tại tui nhớ nhà, nhớ má quá nên kiếm chuyện phá cho vui vậy thôi. Mấy anh chị trong đoàn hay rầy: “Con gái gì mà quậy quá trời”. Sẵn tui đen đúa, tóc dài thoòng nên mấy anh chị kêu chết tên là “con Chà cái”. Hổng hiểu “Chà cái” là cái gì nhưng tui vẫn cười toe. Lâu lâu mấy anh chị thương, cho chút tiền, biểu chị Cúc ra chợ mua cho tui cái quần, cái kẹp tóc, chớ “con Chà cái” bận cái quần rách lòi cả da mà nó hổng biết quê”. Quê gì đâu hả trời, tui vẫn thường ở trần bơi đua với mấy thằng con trai lạ hoắc mà có sao đâu.
Trong đoàn có thầy dạy đờn Hoàng Nô là cha của ca sĩ Hoàng Lệ Nga. Tui thuật chuyện thì kêu bằng thầy cho bảnh chớ sự thiệt trong đoàn tui kêu thầy bằng “anh Hai”, xưng em vậy thôi, tại vì “anh Hai” cũng chưa lớn tuổi lắm. Anh dạy cho chị Cúc ca, tui ẵm em lẩm nhẩm ca theo. Chị Cúc không có năng khiếu ca nên tập hoài mà không được. Buổi trưa, anh Hoàng Nô thường ôm đàn gảy tửng từng tưng, ngó rất buồn.
Bữa đó, tui không chạy phá, thấy anh buồn hiu nên mới bước tới tính chọc anh chơi. Tui nói: “Anh Hai đờn cho em ca đi”. Anh cười: “Bây biết ca cái gì mà đòi ca”. Tui nói: “Anh Hai cứ giỡn chơi không hà, đờn thử em ca cho mà coi”. Anh Hoàng Nô đờn, tui đưa dăm ba câu vọng cổ ghẹo ảnh bị vợ bỏ, thất tình thui thủi một mình. Nào ngờ, cả đoàn đang ngủ trưa đều thức dậy, khen: “Con Chà cái coi vậy mà ca hay quá”. Từ đó anh Hoàng Nô dạy cho tui ca. Mỗi lần chiếc xe bò của đoàn đi quảng cáo tuồng sắp diễn, tui được chở đi theo, ngồi trên xe đọc thơ, rao bảng, ca xen kẽ.
Bữa đó, sắp tới giờ diễn, chị đào chánh bỗng đùng đùng dọn đồ bỏ đi. Chị giận chuyện lương bổng. Vậy là vở “Cánh chim bằng” thiếu mất vai nữ chúa. Mà lỡ rao bảng rồi, vé cũng bán rồi, giờ mà không diễn thì chắc chết với bà con quá. Ông bầu hết đứng lại ngồi, đi tới đi lui coi bộ suy nghĩ lung lắm mà hổng biết làm cách nào. Lúc ấy chú Khả Năng, người chuyên đóng vai hài, vỗ vai ông bầu: “Hay mình cho con Chà cái nó đóng thế?”. Ông bầu nhăn nhó: “Con Hiền giữ em hả? Có giỡn không cha nội, nó biết gì đâu”. Chú Khả Năng nói: “Nó ca hay thấy mồ mà lại khôn lanh lắm. Nghe tuồng nó thuộc hết trơn. Vở gì nó cũng thuộc, cứ cho nó đóng”.
Ông bầu đã hết cách, bèn viết thêm mấy câu vọng cổ đưa cho anh Hoàng Nô dạy cho tui thiệt gấp để kéo lại phần diễn chớ tui không biết chữ. Tui ca thì hay nhưng đã diễn bao giờ đâu. Vậy mà khi lên sân khấu, tui vừa diễn vừa ca rất mướt. Thầy đờn Hoàng Nô ngồi bên dưới vừa đờn vừa ngó lên, luôn luôn mỉm cười gật đầu khích lệ ra chiều vừa lóng lắm. Ôi cha, người ta cuốn tiền lại hay kẹp vô những chiếc quạt giấy, quăng lên sân khấu thưởng cho tui quá trời quá đất.
Sau cái lần tui được tô son điểm phấn lên sân khấu “cứu bồ” cho đoàn, anh Hoàng Nô bảo: “Ngó con Hiền coi cũng được quá chớ, đâu có xấu”. Rồi anh lấy tiền thưởng may cho tui mấy bộ đồ, sắm kẹp tóc, gương lược. Anh thương tui hổng khác nào con ruột của anh.
Cứ thế tui bám theo đoàn, đoàn bảo gì tui làm nấy. Học ca, học vũ, lúc rảnh chạy đi chọc phá người này người kia chút đỉnh cho đỡ nhớ nhà. Quay đi quay lại cũng đã 2 năm trôi qua, tui 16 tuổi, cao nhòng chớ hổng có thấp. Mới 16 tuổi mà tui xém chết hụt mấy lần. Và cũng mới 16 tuổi, tui bắt đầu có chút danh tiếng. Với cái tuổi đó, tui gặp soạn giả Viễn Châu, rồi tui thương ổng lúc nào không hay. “Chú có vợ rồi cháu ơi”. Ngỡ là vu vơ thôi, ai ngờ chút tình đó đeo đẳng suốt cả đời tui…
Tơ tình giăng giăng
Năm ấy tui bị bệnh đậu mùa tưởng chết. Nốt ban nổi đầy người, đau đớn không thể tưởng tượng nổi. Mọi người sợ lây bịnh không ai dám đến gần. Chỉ có một mình anh Hoàng Nô, anh chạy tới chạy lui, ngày mấy bận thuốc thang, cơm cháo cho tui. Có hôm anh đi đâu cả buổi, rồi xấp xải trở về, vai vác theo cái giường xếp và nói: “Con Hiền để anh bồng nằm lên đây chớ bây bị nổi đậu khắp người, nằm dưới đất cứng, đậu nó bể đau chịu đời sao thấu”.
Tui nghe anh nói mà nước mắt trào ra thương thân phận mình. Mỗi lần lên cơn sốt là tui lại nói mê về một vùng sông nước, có căn nhà nhỏ nhô ra sông, có những buổi chiều lặn ngụp đến rã rời, người ướt rượt, đu ở góc cột mé nhà, tần ngần nhìn ánh hoàng hôn loang loáng trên mặt sông. Anh Hoàng Nô thường ngồi buồn hiu và hỏi: “Quê mầy ở đâu anh đưa về?”. Tui thều thào: “Em sắp chết rồi phải không anh Hai?”. Anh thương tui nên im lặng.
Bệnh tui ngày càng trầm trọng, ban trên mặt đã dày hơn nhiều. Tui không còn sợ chết nữa mà chỉ sợ sống nhưng gương mặt bị tàn phá thì thà chết cho rồi. Ông bầu Hoa Sen nhắm tình hình không ổn, bèn tới nói thiệt với tui: “Hiền à, chẳng lẽ con không có bà con thân thích gì sao? Lỡ… lỡ có bề gì anh em còn đưa con về …” Lúc đi tui đã thề hễ không hát được thì chết cũng không về. Lời thề đó tui quên rồi, chỉ sợ má thấy tui thân tàn ma dại, sắp về với đất, má sẽ đau lòng. Bởi vậy nên tui lắc đầu, nước mắt trào ra: “Con chết ở đâu thì chú chôn con ở đó. Con cù bơ cù bất, không biết ba má con ở nơi nào…” Và cứ mỗi đêm, trong cơn mê sảng tui lại thấy nấm mồ cô quạnh của mình vất vưởng đâu đó trên những cánh đồng vắng ngắt, xa lạ. Tui đâu có sợ chết mà sao cái chết cứ ám ảnh ghê gớm trong các giấc mơ của tui…
Một hôm, anh Hoàng Nô mang về mấy thứ lá. Anh nhai rồi đắp lên các nốt ban trên mặt tui. Anh cười, nói: “Thuốc thánh, sẽ khỏi thôi, không chết được đâu, chỉ sợ để lại thẹo tùm lum thì khó làm đào chánh lắm…”.
Tui không chết và khỏe lại dần, thẹo trên mặt cũng không xuất hiện. Anh Hoàng Nô chọc ghẹo: “Tưởng nó chết không ngờ lột xác xinh đẹp ghê ta! Nó đẹp như vầy đâu còn ai dám kêu nó là con Chà cái nữa…” Mà nói cho cùng, tui đẹp thiệt. Nằm bệnh cả tháng trời, chỉ được ở trong tối, không được ra ánh sáng nên da tui trắng lên thấy rõ, tánh nết tui cũng dịu dàng hơn…
Khỏi bịnh, tui bắt đầu được giao những vai lớn trong các vở cải lương. Có lần, đi Đà Lạt lưu diễn, tui được vào vai Ni cô Diệu Hiền trong tuồng Hoa tàn trong am vắng. Tui ca đến đâu khán giả vỗ tay hoan hô đến đó. Tui đã đặt cho mình nghệ danh Minh Hiền mà mọi người cứ kêu chết cái tên Diệu Hiền như tên ni cô trong vở diễn. Thấy vậy, chú họa sĩ Mười Rạng bôi luôn chữ “Minh” trên bảng rao, sửa lại thành chữ “Diệu”, từ đó tui có nghệ danh “Diệu Hiền” một cách tức cười.
Cũng năm tui16 tuổi, đoàn rong ghe về Sài Gòn. Lúc này tui đã thành đào hát có danh. Ngồi trên chuyến ghe trở về mà hai chân tui ngứa ngáy, chỉ muốn nhảy ùm xuống sông, bơi một mạch về nhà, kêu má um sùm đặng hù má hết hồn chơi. Tui nhớ má quá, buổi nắng nầy chắc má đang bưng đồ ra hàng rào phơi, nắng xiên nheo mắt má; buổi chạng vạng nầy chắc má đang gom củi mục, um khói đuổi muỗi; khói lên cay xè; tui đã từng quẹt cùi tay dụi mắt, má gắt: “Khói quá thì chun ra đi, ngồi đó hửi khói làm gì”. “Nhưng khói thơm lắm má, dại gì con chun ra…” Vậy đó, khói đối với tui lại có mùi thơm.
Về tới Sài Gòn là tui kêu taxi về ngay thăm má, nhưng lại không dám vô. Đứa bạn thân ngày nào cũng đã trở thành thiếu nữ. Tui lấp ló bên mé nhà nó, kêu nho nhỏ tên nó. Nó nghe giọng tui thì nhận ra ngay mà giáp mặt thì toàn “í trời” với “í cha”, “sao bây lạ dữ?”. Tui nhờ nó chạy vô nhà báo tin cho má tui giúp, nó xắn quần ống thấp ống cao, đi như chạy. Được một lúc thì má tui xách roi chạy ra: “Con Hiền đâu, vô đây tao biểu coi. Bà con ơi, con Hiền nó về rồi nè, chờ nó vô đây tui oánh nó cái tội bỏ nhà ra đi”. Những tiếng “Con Hiền đâu” tui nghe giọng má ướt rượt nước mắt. Tui núp ngay gốc trứng cá: “Con đây, rồi con vô, má đừng đánh con nha!”
Nói xong tui chạy đến ào ôm chầm lấy má. Hai má con cùng khóc. Như nhìn thôi chưa đủ, má cầm tay tui, hết day sau lưng lại tới trước mặt. Tui cười: “Má đừng nắn xương con nữa. Con ăn uống đầy đủ, không có cái xương nào lòi ra đâu”. Má cũng cười, lại nắn tiếp: “Tổ cha mầy, để má coi! Chà chà, bây ăn cái giống gì mà lớn dữ! Coi bộ thiên hạ nuôi bây giỏi hơn má rồi đa!…” Má hổng nói gì tới những ngày xa cách mà tui hiểu, hai năm qua má đã mỏi mòn trông đợi, rất nhớ thương tui….
Tui về, buổi trưa má mắc võng, nằm đu đưa ngó ra sông. Tui ngồi dựa cột, nghe gió đuổi nhau từng lớp trên mái nhà. Biết má muốn nói gì đó nhưng còn e ngại điều chi nên không nói mà cứ im lặng. Gió sông đầm đìa hơi nước, cơn buồn ngủ mơn man trên mí mắt tui.
Má vẫn đưa đưa chiếc võng, vẫn ngó ra sông và nói chắc nịch: “Con Hiền khoan ngủ, lại má hỏi cái này”. Tui ngóc lên, có cảm giác sợ sợ. Mấy hôm nay cứ ngờ ngợ là má khúc mắc chuyện gì, ai ngờ má hỏi: “Bây nói thiệt đi, mấy năm qua bây làm cái giống gì mà về nhà ăn bận sang trọng như… như vợ Tây?”.
Trời đất ơi, hóa ra má sợ tui làm mấy cái chuyện bậy bạ. Má sợ mà không dám hỏi bởi vì nghĩ cái điều má nghĩ là sự thật. “Má ơi, con làm đào hát, nổi tiếng rồi. Con hổng có làm cái gì bậy bạ đâu”. Má bật dậy: “Mèng ơi, bây làm đào hát? Bây biết hát hò gì đâu mà mần đào hát? Nói thiệt đi, nói thiệt đặng má mừng…” Tui đưa võng cho má, kể má nghe bao nhiêu vui buồn, cực nhọc suốt hai năm trời lưu lạc. Má cười sung sướng mà nước mắt má đoanh tròng….
Diễn tuồng tại Sài Gòn, má coi
Sau khi về Sài Gòn, đoàn hát tuồng Người thám tử giả, tui đóng vai nữ điệp viên. Đêm nào cũng hết vé, má cười nói rổn rảng: “Ai còn trách tui đuổi con Hiền đi nữa không? Nhờ tui đuổi nó mới hát hay vầy nè…” Má ơi, hồi đó má đâu có đuổi, tự con cuốn gói ra đi chớ má.
Có chút tiếng tăm, đoàn này đoàn nọ mời tui về, nhiều lắm. Tiền hợp đồng cứ cao ngất ngưởng, tính ra mua được tới mấy căn nhà. Tui đắn đo lắm. Bên gia đình thì hoàn cảnh cũng còn khó khăn, mà đoàn hát Hoa Sen thì ơn sâu nghĩa nặng. Biết tui phân vân, anh Hoàng Nô nói: “Thôi, em đi đoàn khác đi. Ai cũng phải lo cơm áo cho gia đình mình. Đi đoàn lớn vừa có tiền vừa có tiếng, em trả nghĩa cho đoàn bấy nhiêu anh nghĩ cũng đủ rồi. Mai mốt có nhớ tới đoàn thì thỉnh thoảng về hát vài đêm, vậy là được rồi”.
Có anh Hoàng Nô khuyên giải tui cũng phần nào nhẹ lòng, liền xin ông chủ gánh Hoa Sen cho đi. Ngại ngần đến ríu cả lưỡi, nào ngờ ông chủ chỉ nói nhẹ như không: “Ờ, tao biết trước sau gì bây cũng đi. Tao tính biểu bây đi đi chớ người ta kêu giá cao quá, không đi uổng cho cái tài của mầy. Tao vẫn chờ chừng nào bây thấy sống với đoàn như vậy là có tình có nghĩa, có đầu có cuối rồi thì bây tự đi, khỏi mắc công mang ơn tao nọ kia”. Tui tới lạy bàn thờ tổ một lúc lâu, vừa khóc vừa xá ông chủ gánh mấy xá rồi đi.
Tui về đoàn Thống Nhất, tiền giao kèo đoàn trả tui đủ mua được hai căn nhà, một căn cho anh chị tui, một căn dẫn má về ở, phần tui rong ruổi theo đoàn. Cũng tại đoàn Thống Nhất, tui gặp soạn giả Viễn Châu. Ngày đó ông lớn tuổi hơn tui khá nhiều. (Soạn giả Viễn Châu sinh năm 1924, Diệu Hiền sinh năm 1945, như vậy ông lớn hơn Diệu Hiền 21 tuổi. Năm Diệu Hiền 16 ông 37 tuổi.- ĐD). Tui thường lén nhìn ông ngồi bên bàn viết, mắt đăm đăm ngó xuống tập giấy, tay nhè nhẹ bóp trán, sửa một đoạn ca, thêm vài lời hát. Tui thấy ông đẹp trai – đẹp theo kiểu hiền lành, phảng phất vui, phảng phất buồn. Đối với ông, tui không yêu cái đùng giống như người bị sét đánh, mà yêu nhẹ nhàng như có những sợi tơ lòng mỗi ngày một thêm vương vấn. Tui yêu ông tha thiết nhưng cố giữ kín, không nói ra miệng nên ông không biết. Cái tình yêu đơn phương đó nó nhoi nhói, đau đớn lắm, thương đứt ruột nhưng mỗi lần gặp tui lại giả bộ ngó lơ, quan tâm, tìm mọi cách hỏi về người ta mà lại viện cớ này cớ nọ để mọi người đừng nghi ngờ….
Tui tiếp tục không chuyện trò với ông khiến ông tưởng tui ghét ông. Trời đất ơi, tui đâu có ghét, chỉ tại mỗi lần gặp mặt ông tui lại run quá, nói không thành lời nên đành thôi, tìm cách tránh luôn cho xong. Rồi một hôm, đau đớn tới tột đỉnh, tui quyết định tỏ bầy lòng mình với ông. Tui hy vọng biết đâu khi nói ra tình cảm của mình, ông sẽ để ý đến tui. Bởi vậy tui lấy hết can đảm thổ lộ lòng mình. Ông nhẹ nhàng cầm tay tui, cười nhưng hơi buồn và nói: “Chú có vợ rồi cháu ơi”. Trời đất, tui nửa cười nửa mếu. Lúc đầu tưởng người ta cầm tay mình là sung sướng lắm, hạnh phúc lắm, ai dè… Ừ, người ta có vợ rồi thì thôi, tui cũng lấy chồng. Người ta có vợ rồi mà tui đâu có biết. Sét đánh ngang tai, biết rồi thì thôi chứ phải làm sao. Ừ thì tui sẽ có cuộc sống riêng, chẳng bao giờ làm phiền tới đời nhau nữa….
Tui kết hôn với anh Út Hậu. Rồi hôn nhân của tụi tui tan vỡ. Chẳng phải tại ai hết mà vì cái nghiệp chướng nghệ sĩ, bản ngã nặng nề đeo mang…
Câu chuyện đời tui có lẽ hơi dài. Mà chuyện đời ai chẳng dài. Nhưng điều, tui có cái tình, cái nghĩa. Chuyện gì về tình, về nghĩa thì tui nhớ suốt đời. Tui nhớ anh Hoàng Nô một buổi chiều chạng vạng tối, tay cầm khúc cây, men theo bờ sông vừa đi vừa gào tên tui vừa khóc vì sợ tui đã té xuống sông chết đuối. Tui nhớ má, buông tay lắc đầu nhìn tui ngụp vô đám lục bình. Tui nhớ chị Cúc tóc dài biểu tui về giữ em cho chị rồi chị nuôi cơm. Tui nhớ chú hài Khả Năng tánh tình dễ dãi, thân hình rất mập, kêu ông chủ gánh cho tui lên hát “đỡ đòn”. Tui nhớ con nhỏ hàng xóm, cái bụng bầu lấp ló mà vẫn đi coi hát và khi thấy tui trên sân khấu thì hét váng lên: “Con nhỏ đóng vai chánh đó là bạn tui…” Và tui cũng luôn nhớ người – cái người tui yêu từ năm tui 16 tuổi: “Chú có vợ rồi cháu ơi”. Chuyện đó người ta tưởng là của con nít nhưng sự thực nó váng vất trong tui suốt đời….
II. Chuyện đời nghệ sĩ Út Hậu
Út Hậu tên thật là Trần Quang Hậu, sanh năm 1940 tại Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long. Lúc 7 tuổi, Hậu được cha mẹ cho đi tu tại chùa Thiên Phước ở Trà Ôn. Khi đọc kinh kệ, Hậu có giọng trong trẻo khiến nhạc sĩ Mười Kiên ở Trà Ôn mỗi lần đi cúng kiếng ở chùa Thiên Phước để ý, dạy cho Hậu ca cổ.
Từ đó, chú tiểu Hậu thường được giới thiệu ca vọng cổ ở chùa trong những dịp có nghệ sĩ của các đoàn hát đến cúng kiếng và lên sân khấu trong các chương trình gây quỹ từ thiện. Ông Mười Kiên thấy tiểu Hậu ca hay, nếu theo gánh hát thì sẽ trở thành người có tài. Bởi vậy ông nói với nhà sư rồi dẫn Hậu lên Saigon, giới thiệu với nghệ sĩ Út Trà Ôn là chủ đoàn hát Kim Thanh và cũng là người cùng quê ở Trà Ôn. Út Trà Ôn bèn đặt nghệ danh cho tiểu Hậu là Út Hậu.
Năm 1957, 17 tuổi, Út Hậu rời đoàn Kim Thanh, gia nhập đoàn Thanh Minh của ông bầu Nghĩa, nổi danh qua vai Phù Đổng Thiên Vương trong vở Thiên Thần Trên Thiết Mã của hai soạn giả Nguyễn Ang Ca và Viễn Châu. Tiếp theo, Út Hậu đóng chung với nữ nghệ sĩ Thanh Nga trong vở Phận Trẻ Lạc Loài của soạn giả Quy Sắc.
Năm sau, 18 tuổi, Út Hậu được ông bầu Bạch Vân mời về hợp tác, dựng bảng hiệu Mai Hoa – Út Hậu. Từ đó Út Hậu nổi danh qua các vở Nửa Mảnh Tim Côi và Mái Tóc Người Vợ Trẻ v.v… Các ký giả kịch trường hết lời khen ngợi giọng ca của Út Hậu và dự đoán anh sẽ là người nối ngôi “vua vọng cổ” của Út Trà Ôn.
Hai năm sau, đoàn Mai Hoa – Út Hậu rã gánh, Út Hậu trở về đoàn Thống Nhứt của Út Trà Ôn. Nơi đây, Út Hậu gặp cô đào chánh Diệu Hiền. Hai người chung sống với nhau thành một cặp vợ chồng hạnh phúc, tiền bạc làm ra như nước nhưng không có cưới hỏi. Họ sanh được 5 người con, 2 trai, 3 gái. Ít lâu sau, Út Hậu bỏ đoàn Thống Nhứt của ông thầy Út Trà Ôn, gia nhập đoàn Kim Chung “Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt” của ông bầu Long.
Gia đình tan vỡ
Út Hậu được ông bầu Long trọng dụng, cho nắm đoàn cải lương Kim Chung B, chuyên đi lưu diễn các tỉnh miền Trung, do đó anh và Diệu Hiền xa nhau. Theo lời kể của Diệu Hiền thì chú tiểu Hậu khi trở thành danh ca Út Hậu sống rất bay bướm, chạy theo nhiều bóng hồng và phụ rẩy vợ con.
Có lần, hai vợ chồng gây gổ nhau, mẹ của Út Hậu la: “Vợ gì mà không biết nhường nhịn chồng”. Út Hậu nói: “Ai cưới hỏi hồi nào mà kêu là vợ”. Chính quan niệm “không có cưới hỏi” đó đã đưa đến sự tan vỡ giữa Diệu Hiền và Út Hậu.
Sau 1975
Sau năm 75, “Đại công ty” Kim Chung không còn nữa, gia đình ông bà bầu Long đã sang Pháp. Út Hậu lang thang ngoài Trung, lập đoàn Tân Đô – Út Hậu. Bị rã gánh, anh gia nhập các đoàn Sông Hàn, Hoa Biển là những đoàn hát miền Trung nhưng đoàn nào lúc ấy cũng rất khó sống.
Ngày 10 tháng 12 năm 1999, Út Hậu bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người bên trái, phải nằm điều trị tại Bệnh viện Phú Yên.
Nhờ có cô con gái là Diệu Thanh ra Phú Yên đưa về điều trị và sống tại Viện Dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, Sài Gòn, ông đã trút hơi thở cuối cùng ở Viện Dưỡng Lão Nghệ Sĩ vào ngày 21 tháng 3 năm 2001, hưởng thọ 61 tuổi.
Ngày Út Hậu sắp từ trần, nữ nghệ sĩ Diệu Hiền và các nghệ sĩ như Thanh Tuấn, Thanh Phú, Quốc Trầm, Hề Sa v.v… đều có đến thăm. Diệu Hiền uống một chung rượu rồi ca bài Tần Quỳnh Khóc Bạn để tiễn đưa người chồng vừa thương vừa hận của mình sang bên kia thế giới.
Đời soạn giả chắc có nhiều cuộc tình? Cuộc giao lưu với khán giả nào, tôi cũng nhận được câu hỏi này. Thậm chí, có người còn cho rằng tôi chính là anh bán chiếu đa tình, sợ thiên hạ cười nên gán đại cho một thanh niên Cà Mau nào đó. Có người còn lên án tôi gián tiếp nói người phụ nữ ở Ngã Bảy - Phụng Hiệp vô tình… Thực tế, không phải như những điều người ta suy diễn.
“Chú có vợ rồi, cháu ơi”…
Thật ra, cá tính nghệ sĩ (NS) phải hội đủ “bộ tam sên”: Lãng mạn - liều lĩnh - chai sạn. Lãng mạn để dễ cảm, dễ yêu, dễ say đắm nhưng không chiếm đoạt thô bạo. Liều lĩnh để giãi bày tâm tư bằng cách mà người đời không dám làm.
Còn chai sạn để khi tình trường vùi dập có thể chống chọi với cô độc sau này. Thế mới có nhân vật Lĩnh Nam phóng khoáng, mạnh mẽ nhưng đau đáu nỗi niềm mà NSND Năm Châu đã viết để Sân khấu về khuya làm thổn thức hàng triệu con tim khán giả hoặc Nam Bình lụy tình, khi bắt gặp vợ mình - Thu Hồ - hò hẹn với nhân tình đã quyết định quay về gánh hát xưa trút tơ gầy nghiệp trong Men rượu hương tình. NSƯT Diệu Hiền vốn là một cô đào nổi tiếng, được NSND Út Trà Ôn cưng khi đào tạo ở gánh Thống Nhất để hát cặp với anh. Năm Diệu Hiền 16 tuổi, gương mặt đằm thắm, dáng đi mạnh mẽ, khẳng khái, nhiều kép trẻ si mê lắm nhưng cô lại yêu tôi. Khổ nỗi, tôi đâu hay biết chuyện này nên cứ phớt lờ cô nàng. Mời vào hãng dĩa thu, tôi lại viết vai con nít (Nghi Xuân, tuồng Phạm Công - Cúc Hoa) để cô ca. Sau này, Diệu Hiền kể lúc đó cô giận tôi lắm vì đã làm trái tim cô đau khổ.
Thật ra, tôi biết Diệu Hiền si mê bài ca cổ mà tôi viết rồi yêu luôn con người tôi. Đâu dè, sự vô tình đó khiến cô không thèm nói chuyện với tôi, dù ở hãng dĩa ngày nào cũng gặp mặt. Cho đến một ngày, lấy hết can đảm, Diệu Hiền nói rõ tình cảm của mình. Tôi cầm tay cô, ôn tồn: “Chú có vợ rồi, cháu ơi”…Cách đây không lâu, trong một lần đi chung ô tô xuống Trà Vinh chấm thi (tôi và NSƯT Diệu Hiền được mời làm giám khảo tuyển chọn các giọng ca cải lương trẻ), cô nhắc lại: “Thầy Bảy, hồi đó tôi yêu ông mà sao ông vô tình quá vậy? Ông cầm tay người ta, người ta tưởng ông sẽ nói những lời đê mê, nào dè…”. Tôi cười: “Cô không chịu nổi tôi đâu!”. Diệu Hiền trố mắt ngơ ngác.
Thật ra, “không chịu nổi” chính là khó gần cá tính lăn lóc phong trần của một nhạc sĩ thích sống đời “gạo chợ nước sông” như tôi. Mái ấm gia đình thường là sự ràng buộc những kẻ thích phiêu lưu, mà phụ nữ có chồng là soạn giả hay nhạc sĩ nếu không hiểu, sớm muộn gì cũng tốc ngói, sụp nhà. Còn chuyện cưới đào hát làm vợ, nếu không cảm thông và có sự chia sẻ, kết quả cũng giẫm vào con đường bi kịch của Lĩnh Nam và Giáng Hương mà NSND Năm Châu đã viết.
|
Với NS, sân khấu là thánh đường. Ở đó, nếu biết vun khéo, nhường nhịn, nhẫn nại, vợ chồng sẽ xây dựng hạnh phúc bền lâu, còn khi cái tôi lớn hơn trái tim thì đường ai nấy đi. Do vậy, chẳng có gì khó hiểu khi báo chí lá cải thời đó mỗi ngày đều đăng tin NS bỏ nhau.
“Vua Tao Đàn” còn nể
Tôi phục tài nghệ của Diệu Hiền khi cô thể hiện 2 bài ca cổ Tần Quỳnh khóc bạn và Trụ Vương thiêu mình. Thật ra, 2 bài này tôi viết cho kép ca. Thanh Hải và anh Mười Út Trà Ôn là 2 NS thể hiện xuất sắc tâm can bài này. Song một ngày, tôi nghe điện thoại của Diệu Hiền: “Thưa thầy, con xin được ca 2 bài đó”. Tôi hỏi: “Cô có kham nổi không?”. Diệu Hiền quả quyết: “Con sẽ ráng vì con thích”.
Quả nhiên, sự mạnh mẽ của Diệu Hiền đã làm tôi kinh ngạc khi nghe những trường độ, cao độ mà cô sắp xếp để nhả chữ, lấy hơi và đưa khí tiết dũng mãnh vào từng câu hò, câu xề của bài vọng cổ. Chính NS Thanh Hải - “Vua Tao Đàn” - còn nể, còn đồng nghiệp khắp nơi ai cũng phục Diệu Hiền khi nghe cô ca 2 bài ruột của Thanh Hải, Út Trà Ôn.
Sau này, một lần gặp nhau, Diệu Hiền khoanh tay: “Thưa thầy, đến tuổi đã về chiều, làn hơi không còn trong trẻo nhưng con đã nhờ 2 bài của thầy cho mà nuôi sống cả nhà”. Đúng vậy, ở đâu, hát đình, hát đám, hát quán…, người ta cũng đều yêu cầu Diệu Hiền ca 2 bản ấy.
Một hôm, tự dưng NSƯT Diệu Hiền tìm đến nhà tôi khoe xấp bài ca cổ mà cô viết: “Thầy đọc giùm, có sai gì thì con sửa”. Tôi xúc động quá, các bài ca về mẹ được viết bằng tấm lòng nhân hậu của một đứa con cứ nghĩ mình vì ham nghề mà bất hiếu. Bài Vu lan tìm mẹ, Diệu Hiền viết súc tích, giọng văn chân chất. Tôi động viên cô tiếp tục viết, tới nay đã hơn 20 bài rồi, nghe đâu sẽ được quay video để phát hành. Diệu Hiền nửa đùa nửa thật: “Hồi đó, tôi yêu ông không đặng, giờ tập sáng tác, cướp nghề của ông cho bõ ghét”!
Tên vai diễn thành nghệ danh
Diệu Hiền thành hôn với NS Út Hậu nhưng hôn nhân tan vỡ do nhiều hệ lụy, mà cái chính như tôi đã nói, do không dằn được bản ngã của mình.
Vốn xuất thân là chú tiểu trong chùa, mê hát mà “xuống núi”, Út Hậu ca hay, chất giọng trầm buồn, có hồn. Diệu Hiền thì chạy loạn do nhà cháy dưới quê, lên Sài Gòn đi bán chanh, bán ớt.
Cô mê bài ca cổ mà không biết đọc, đành chịu khó mỗi tối đứng bên ngoài lớp vỡ lòng trong khu xóm nghèo, nhặt nhánh cây làm bút, lấy nền cát làm vở.
Bên trong thầy dạy chữ nào, bên ngoài cô bé Lâm Minh Hiền viết theo chữ đó. Thấy thương, thầy nhận cô vào học. Khi biết chữ, Lâm Minh Hiền xin mẹ theo đoàn hát, phụ ẵm em cho một chị vũ công. Nhạc sĩ Hoàng Nô phát hiện cô có chất giọng đã hết lòng dạy ca theo nhịp.
Rồi ý chí phấn đấu đã cho cô vào một vai nhỏ đầu đời: Ni cô Diệu Hiền. Tên vai diễn trở thành nghệ danh của cô từ đó.
|
No comments:
Post a Comment