Thursday, February 18, 2016

Cõi khác

shared http://www.dutule.com/D_1-2_2-105_4-3001/bui-bich-ha-trong-coi-van-chuong-nu-gioi-que-nguoi.html

Bùi Bích Hà, trong cõi văn chương nữ giới, quê người
(11/21/2010 10:34 AM) (Xem: 17479)

Những người quan tâm tới sinh hoạt văn học Việt Nam ở quê người, không khỏi mừng rỡ, hân hoan, khi nhận thấy, nơi quảng trường Văn học Việt lưu vong, càng lúc, càng thấy sự xuất hiện đông đảo, dập dìu rất nhiều khuôn mặt nữ giới. Đội ngũ phong phú, ồn ào những người viết văn phái nữ này, mấy năm gần đây, đã trở thành nét đặc thù của hơn 20 năm văn học tỵ nạn. Đóng góp của họ, là những đóng góp không nhỏ trong dòng sống văn chương phồn thịnh, đa dạng, hăm hở quăng mình về phía trước.
Hiện tượng này càng được chú ý hơn nữa, khi mà, những người cầm bút lớp trước 1975, ở quê người, đã lần lượt bỏ cuộc. Hiện tượng này càng được trân trọng hơn nữa, khi hàng ngũ những người cầm bút, nam giới, sau biến cố 30-4-75, cũng cho thấy nhiều dấu hiệu bế tắc, quẩn quanh, khô cạn...
Nhưng, đông đảo dập dìu nào, cũng mang tính hỗn độn, xáo trộn giữa những tinh ròng và hào nhoáng.
Nhưng, phong phú, ồn ào nào, cũng xao xác tạp âm, khiến cho tiếng suối đầu nguồn bị khuất ngầu bởi những ì uồm kênh, rạch.
Những người theo dõi sinh hoạt hai mươi năm văn học Việt Nam, quê nhà, còn nhớ rằng vào cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, miền nam Việt Nam, cũng ghi nhận được sự đóng góp tốt đẹp của tươi tốt của hàng ngữ những cây bút nữ. Đó là sự bứt lìa khỏi đám đông, bước ra khỏi khung cửa nội trợ, khỏi bếp lửa gia đình của một Nhã ca, rồi một Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, vân vân... Những tên tuổi này, dù mỗi người một phong cách, khác nhau, nhưng vẫn họ có chung một mẫu số: mẫu số tài năng, trải qua giai đoạn đãi lọc thời gian, khắc nghiệt. Nhưng những tên tuổi này, dù mỗi người một đường kiếm huê dạng khác nhau, họ vẫn có chung một mẫu số: mẫu số nhân cách, mẫu số tâm thành với chính mình.
Trong khi đó, gần đây, ở hải ngoại, hàng ngũ những người cầm bút nữ giới của chúng ta, tuy mỗi người cũng một cách thế vung gươm, tuy mỗi người cũng một cách thế nhập cuộc..., nhưng có người, đã ghi nhận rằng cho rằng, trong số những cây bút nữ hôm nay, ở hải ngoại:
- Đã có, không dưới một người chọn cách thế tiến ra quảng trường chữ nghĩa bằng trường báo, trận văn.
Đã có, không dưới một người, lấy sự quảng giao làm phương tiện đi tới.
Đã có, không dưới một người, đứng hẳn vào một phe nhóm, làm thế tựa lưng.
Và cũng đã có, không dưới một người, khai thác sự tạo bạo, chửi bới, thô tục đến không còn yếu tính văn chương, để chiếm lĩnh được sự chú ý của dư luận...
Tựu trung, theo quan điểm của những người chia sẻ với nhận xét vừa nêu ra, thì, dường như đã không có một tương đồng nào, giữa lớp văn chương nữ giới trước 1975 ở quê nhà, và lớp văn chương nữ giới, cầm bút sau 1975, ở quê người.
Tôi không đồng ý hoàn toàn với ghi nhận bi quan này. Cách gì, nhận xét kia, theo tôi, cũng có phần khắt khe, bất công và hàm hỗn. Bởi vì, trong đám đông những cây bút nữ ồn ào, phăng phăng tiến ra quảng trưởng văn học tỵ nạn ta, vẫn còn những cây bút chĩu nặng tâm thành, chói lọi nhân cách.
Tôi không chia sẻ tận cùng đáng tiếc nọ. Cách gì, trong hơn hai mươi năm văn học tỵ nạn, quê người, theo tôi, cũng vẫn có những cây bút nữ, lặng lẽ, với một đời sống bình thường, không làm dáng trong văn chương, không ồn ào trên đường phố, vẫn còn thấy đỏ mặt với những thô tục được ném lên trang giấy, một cách hân hoan, nhí nhố.
Cách gì, trong hơn hai mươi năm văn học hải ngoại, cũng vẫn có những cây bút nữ, mà tài năng, mà trí tuệ, thể hiện qua sinh phần chữ nghĩa của họ, khiến chúng ta phải nghiêng mình, trân trọng.
Một trong những cây bút nữ, khiến chúng ta phải nghiêng mình, trân trọng trước tài năng đó, là Bùi Bích Hà, truyện ngắn.
 Thế giới truyện ngắn mang tên Bùi Bích Hà là một thế giới tĩnh, lặng. Người đọc sẽ thất vọng, nếu có ý định đi tìm trong sinh phần văn chương họ Bùi, những cơn sốt tình dục, những ám ảnh sinh lý. Người đọc sẽ thất vọng, nếu có ý định, những làm dáng trí thức, làm dáng phẫn nộ, buồn nôn, đối kháng, thậm chí, những thô lỗ, sỗ sàng với những danh từ, những hình ảnh dâm dục trần trụi trong cõi văn xuôi của  nhà văn nữ này.
Khác hơn một số cây bút nữ cùng thời, nhan sắc văn chương Bùi Bích Hà không cần tới lớp phấn son lòe loẹt. Thế giới văn xuôi Bùi Bích Hà không cần tới những mánh khóe mang tính ảo thuật. Đó là một sinh phần truyện ngắn mà người viết đã làm chủ toàn phần những con chữ của mình. Tính điềm đạm, lắng, sắc xuống những đáy tầng tâm thức nhân sinh là nét đặc thù đầu tiên, của tấm căn cước nhà văn mang tên Bùi Bích Hà. Chính cái điềm đạm tới lặng lẽ, lắng sâu và sắc xuống kia, của cõi văn xuôi Bùi Bích Hà, đã như tấm gương hắt lại cho người đọc, cái chân dung cô đơn, cái nhân dáng thất lạc, gẫy, vỡ của lớp người tỵ nạn Việt, hôm nay, trong cảnh tình luân lạc này.

shared http://www.banvannghe.com/D_1-2_2-66_4-2222/bui-bich-ha.html


Sinh năm 1938 tại Gia Hội, thành phố Huế. Tốt nghiệp đại học sư phạm Huế ban Pháp văn. Dạy học tại Ðà Nẵng, Sài Gòn. Ðịnh cư tại Laguna Hill, quận Cam, Cali USA từ 1986. Xuất hiện trên báo Người Việt từ 1987. 

Tác phẩm đã xuất bản: 

Buổi Sáng Một Mình (truyện, Người Việt 1989) 
Bạn Gái To Nhỏ (hỏi đáp tâm lý, Người Việt 1991) 

Trả lời tạp chí Văn Học - ba câu hỏi chung, về sáng tác 
(Văn Học số 110 tháng 6 năm 1995) 

"Thỉnh thoảng có hôm lái xe từ nhà đến sở làm trên một quãng đường vắng vùng Irvine chợt nhìn thấy trước mũi xe những cái lá nhỏ, màu nâu, khô nỏ, lăn chấp chới trong gió.

Trông chúng vui, tung tăng như bầy trẻ con. Một cảm giác nhẹ nhõm khiến tôi cảm thấy như có một nỗi vui vô cớ cùng nhảy nhót khinh khoái trong lòng. 


Viết với tôi cũng bất ngờ , cũng là một cái xô đẩy tình cờ, như những chiếc lá khô nhỏ đùa vui trên quãng đường sương mù và gió lạnh sáng sớm hôm nào. Tôi ý thức chiếc xe đưa tôi đến sở làm là một thực tế nghèo nàn, buồn bã, không chối bỏ được, nhưng bù lại tâm hồn tôi ở giữa lòng đường, cùng với đám lá khô tung tăng bốc theo cơn gió, xoáy theo chiều đứng, trông giống như những vũ công ba lê tí hon nhón trên đầu những ngón chân nghệ thuật. 


Tôi viết đủ mọi chuyện, khi ngẫu hứng. Viết như nói, như thở, như xúc động, như chào hỏi, như từ giã, không có nguyên tắc gì cả. Viết như trang trải, chia xẻ cùng người (ai? ở đâu ?) một thứ ‘gởi hương cho gió’ . Viết như một an ủi, tháo gở với bản thân (để sống còn)" 



Bùi Bích Hà

No comments:

Post a Comment