Friday, February 19, 2016

cuộc đời giông bão


http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/tac-pham/hoi-ky-thuongtin
Chương I: Tuổi thơ nhiều biến động
Ba tôi, những năm trước Giải phóng, làm thanh tra y tế vùng nên cứ vài năm lại đưa cả gia đình di chuyển đi các tỉnh sinh sống theo công việc của ông. Từ Quy Nhơn, gia đình tôi ra Huế, rồi lại lên Buôn Mê Thuột, và cuối cùng xuống Phan Rang. Sự kiện 1975 diễn ra, gia đình chúng tôi đang sống tại Phan Rang nên nhiều người lầm tưởng đây là quê của tôi, nhưng thực ra gốc gác của tôi lại ở tận Phú Yên.
Tôi sinh ra đã khó nuôi. Người ta nói con đầu, cháu sớm được cưng chiều lắm. Là anh đầu của tám người em, tôi đã được cưng chiều như trứng mỏng. Bởi vậy, khi thầy bói nói cần đưa tôi vô chùa thì mới hy vọng sống qua tuổi 12, thì ngay lập tức, hàng tuần ba mẹ đưa tôi tới chùa và đeo bùa ở cổ. Mỗi tuần, gia đình đều bắt tôi chui đầu vào chiếc chuông chùa bằng đồng rất bự ở trong chùa và gõ ở bên ngoài. Tiếng chuông rền lên, đập vào tai của tôi thanh âm lớn đến mức tôi cảm giác như tiếng chuông xuyên qua màng nhĩ từ tai trái sang tai phải. Những tiếng u u ong ong vang mãi không ngớt, dù cho tôi đã đi ra hẳn bên ngoài. Phải nói là cực kỳ khó chịu, như bị tra tấn. Tôi nhớ mãi điều này bởi nó ám ảnh tôi suốt đời. Để xua đi tà khí, ma quái mà tôi phải gồng người lên chịu đựng. Được một thời gian, mọi người chắc cũng đã chán, chẳng bắt chui vào chuông để gõ nữa, tôi vui mừng đến mức không cách nào tả nổi.
Bìa sách "Một đời giông bão".
Bìa sách "Một đời giông bão".
Sau bao nhiêu lần di chuyển cuộc sống cùng với cả nhà, trong tôi đã hình thành ước muốn phiêu lưu, dù cho hầu hết các thành viên của gia đình thì đều theo nghề y dược. Ba tôi ngày ấy, và các em tôi hiện nay, đều hành nghề y dược, chỉ riêng tôi là dấn thân vào cuộc đời sương gió.
Những ngày còn nhỏ, thời gian sống ở Huế, tôi thường lên chùa Từ Đàm, Nam Giao chơi. Tôi nhớ mãi có một ngày thấy xe tăng chạy đầy đường. Ba tôi ở nhà trùm mền kín mít để nghe radio. Đó là năm 1963, diễn ra sự kiện đảo chính Ngô Đình Diệm và đàn áp Phật giáo. Nhưng tôi vẫn ngày ngày lên chùa chơi. Ở ngay dốc Nam Giao là căn nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngôi nhà đó rất nhỏ, tôi biết rõ đến từng đường viền rêu ở ngoài bờ tường, nằm mang dáng vẻ khá cô đơn. Sau này ở Sài Gòn tôi mới gặp được anh Sơn, khi anh đã nằm trên giường bệnh. Hai anh em tôi mạn đàm rất nhiều chuyện, từ kim sang cổ, từ Đông sang Tây và các thông tin xưa kia gắn kết với nhau. Tôi nghiệm ra được điều này, vạn sự trên đời đều có cái duyên định trước. Vì sao trong hàng ngàn hàng vạn người trên cõi đời này, ta lại gặp người này mà không phải là người kia; vì sao phải là sự vật này mới gắn được vào đúng người đó, chứ không phải là sự vật khác hoặc ai khác?!
Có một bữa, năm tôi 12 tuổi, cả gia đình làm tiệc lớn linh đình, cúng heo quay và chuẩn bị rất nhiều đồ cúng khác. Người thân người quen ra vào tấp nập. Tôi lăng xăng chạy tới chạy lui, cứ từ nhà xuống bếp rồi từ bếp ra sân. Cuối cùng không giấu được sự tò mò, tôi hỏi mẹ: “Đám giỗ ai mà lớn vậy mẹ?”. Bà trả lời: “Thì đám giỗ con chứ ai!”. Cách bà nói trịnh trọng khiến tôi đứng tim vì sợ. Nhưng tôi cứ nghe vậy thôi mà không hiểu lắm. Chắc thấy vẻ mặt ngơ ngác của con trai, mẹ giải thích: ngày trước thầy bói nói nếu gia đình nuôi tôi qua được 12 tuổi thì cần làm đám giỗ để tạ ơn Trời Đất. Bởi tôi là đứa trẻ có số phận đặc biệt. Việc sống việc chết, việc vinh việc nhục cứ như trò chơi nhẹ nhàng hoán đổi, chẳng biết đâu mà lần.
Nghe thầy bói phán vậy, mẹ tôi phát sốt phát rét. Suốt bao nhiêu năm nuôi thằng con trai là tôi, dù đã rất ngay ngắn và chỉn chu đưa vô chùa làm phép đều đặn, nhưng mẹ tôi vẫn hồi hộp đến khó thở. Bà nói đã đếm từng ngày, từng ngày trôi qua, chờ mong tôi 12 tuổi để làm đám giỗ lớn, tiễn đi những điều xui xẻo. Và bữa nay thì nhất định phải cúng heo quay chứ không thể nào khác được.
Sau khi qua được vận hạn của tôi, gia đình tôi chuyển lên Buôn Ma Thuột theo công việc của ba. Mẹ tôi vui mừng vô cùng. Bà tin tưởng chắc chắn rằng, từ giờ trở đi tôi sẽ có một cuộc sống yên ổn và sức khỏe viên mãn.
Sự nghiệp học hành của tôi rất oái oăm. Tôi vào dạng học tài thi phận. Trong trường, tôi học giỏi tất cả các môn, giỏi toàn diện cả Văn lẫn Toán, luôn là người đứng đầu lớp. Ba mẹ tôi đều vô cùng hãnh diện về con trai mình. Và trong con mắt họ, tôi là một cậu bé mang về nhiều vinh dự cho gia đình.
Lần đó tôi đi thi để quyết định vô trường công được hay không. Nếu đậu, thì học không tốn tiền, nếu không thì phải vô trường tư hoặc bán công. Bình thường tôi học giỏi lắm, ấy thế mà trong kỳ thi ấy, chẳng hiểu sao tôi lại không làm đúng bài thi Toán. Đáp số ra trớt quớt.
Vì những tréo ngoe ấy, mà cả những tháng năm sau này, đời tôi chưa từng sở hữu bằng cấp nào cho ra hồn. Đến mức khi thi đậu vào Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, khoa Thoại kịch năm 1971 – 1975, đáng lẽ tôi sắp tốt nghiệp rồi thì Sài Gòn giải phóng. Bao nhiêu biến động diễn ra. Chúng tôi tạm thời ngưng mọi chuyện học hành lại. Tới khi một chế độ khác được thiết lập, tưởng chỉ cần tiếp tục học thêm chút ít nữa là xong, nhưng ai dè các thầy trong trường nói phải học lại từ đầu. Vậy là tháng 7/1975, tôi đành lót tót cắp cặp đi học tiếp, khoa Kịch nói của Trường Nghệ thuật sân khấu TP HCM. Và sau này, vì chuyện tình cảm cá nhân, tôi lại ra khỏi trường khi chưa cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay.
***
Những năm tôi ở Buôn Mê Thuột, khi ở lứa tuổi 12-14 tuổi, là thời điểm tên tuổi của các diễn viên Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương đang nổi như cồn. Hàng ngày, tôi ngồi coi họ trên TV đen trắng với sự thần tượng và hâm mộ vô cùng. Có lúc tôi đã nghĩ, không biết bao giờ mới có dịp gặp mặt những diễn viên này ở ngoài đời. Ai mà ngờ được sau này tôi đã đứng trên sân khấu cùng họ, và có biết bao nhiêu chuyện nữa xảy ra, có gắn kết với họ bằng mối thâm tình thật sự là khó diễn đạt.
Năm tôi 12 tuổi, đang ở thời kỳ trổ mã, cao lớn và vỡ giọng. Khi ấy, có cô giáo phụ trách lớp, rất trẻ, chỉ hơn 20 tuổi, tên là Lê Thị Chanh. Cô rất thân thiết với tôi, nên thường níu tôi lại để kể các câu chuyện về đời mình. Cô Chanh tâm sự rằng cô đã từng có ba người bồ, nhưng kinh khủng nhất là ông nào cũng chết bất đắc kỳ tử trong thời gian quen cô. Có người vào đúng ngày Tết, chết vì bị tai nạn giao thông khi đang đi trên đường. Có người thì chết vì việc này, người thì mắc chứng kia.
Cô Chanh đi coi bói, được phán có số sát phu, nên từ đó cô không yêu ai nữa. Tuy nhiên, ông thầy coi kia cũng hơi ác nghiệt khi thêm câu rằng, nếu cô muốn giải đi lời nguyền sát phu, thì phải yêu một người nhỏ tuổi hơn. Chẳng hiểu vì có phải chỉ muốn giải lời nguyền thật sự hay không mà cô Chanh tỏ ra có tình cảm đặc biệt với tôi. Lúc cả lớp chụp hình, cô cứ kêu: “Tín ơi, Tín ơi lại đây”. Rồi đứng cạnh, ôm tôi sát vào người.
Thương Tín một thời đào hoa
Thương Tín một thời làm phụ nữ say đắm.
Khi ấy, tôi là lớp trưởng của lớp cô Chanh phụ trách. Cô thường gọi tôi tới nhà, đó là một căn biệt thự lớn nhiều cây trái, để phụ cô chấm điểm. Có lần ở nhà, cô tự nhiên thay đồ trước mặt tôi mà chẳng có chút ngượng ngùng gì, còn tôi thì tím tái hết cả người. Nhưng quả thật thì khi ở lứa tuổi non tơ ấy cứ thấy vậy thì biết vậy, chứ chẳng hiểu ra làm sao nữa!
Tất nhiên là tôi biết cô rất ưu ái mình, nên cũng khoái làm trò. Có lần cô kêu lên đứng trước lớp trả bài, tôi đã nói nhỏ: “Cô ơi đừng hỏi nữa. Bữa qua con không có học bài đâu!”. Nghe vậy, cô Chanh chỉ cằn nhằn vài ba câu rồi cho về chỗ. Giờ ra chơi, tôi mở sổ chấm điểm của cô ra coi, thấy cô vẫn cho tôi 9 điểm.
Ở Buôn Mê Thuột một thời gian, ba tôi lại về Phan Rang. Đó là năm 1968. Khi tôi tới chào cô Chanh, cô không nói gì, chỉ khóc quá trời! Tôi chẳng biết nói sao, đứng ậm ậm ờ ờ một lát rồi nhanh chân chuồn lẹ.
Nhà tôi chuyển về Phan Rang, tôi học tiếp một thời gian thì tới dịp nghỉ hè. Ba tôi là thanh tra y tế Bốn vùng chiến thuật, nên có trực thăng riêng. Vì cuộc sống ấu thơ của tôi đã thay đổi rất nhiều chỗ ở, nên cũng quen với việc di chuyển nay đây mai đó. Năm ấy, 13 tuổi, đúng vào dịp nghỉ hè, tôi rảnh rỗi nên muốn đi Nha Trang chơi. Và ba mẹ cũng đồng ý để tôi ngao du một chuyến trước khi vào năm học mới. Chính vì chuyến đi định mệnh này đã khiến cuộc đời tôi thay đổi, nhuốm đầy bụi bặm và phong trần. Như một sự dự đoán đã được báo trước…
Nha Trang, trong con mắt của cậu bé 13 tuổi là tôi khi ấy khá vắng vẻ và mang vẻ đẹp hơi buồn. Chiều ấy, tôi đi ra bãi biển chơi, cứ đi lang thang vô định chứ cũng không biết tới đâu hay để làm gì. Rồi tôi thấy một thiếu phụ chừng 25 tuổi đang nằm trên ghế xếp hóng gió, kế bên là bé trai khoảng 6 tuổi đang chơi đá banh. Tôi đang rảnh mà, nên liền xáp vô chơi banh với thằng bé. Chúng tôi vui đùa, đá banh chán thì ném banh. Thằng bé có người chơi cùng nên khoái chí, cười sằng sặc. Tôi để ý người phụ nữ ấy không biểu lộ thái độ gì, chỉ quan sát chúng tôi chơi, đúng kiểu người lớn coi con nít.
Tôi và thằng bé chơi đùa nhảy nhót quên cả thời gian. Đến khi trời sập tối rồi thì thiếu phụ ấy đứng dậy, kêu: “Thôi, về con ơi!”. Nghe mẹ giục, cậu bé con khóc váng lên: “Không, không về. Con muốn ở lại chơi với anh này!”. Thiếu phụ ấy đến bên tôi nói, em về nhà đi thì con chị sẽ không khóc đòi ở lại nữa. Tôi lắc lắc đầu. “Ủa, em không phải người ở đây à?”. “Dạ không, em từ Phan Rang ra chơi!”.
Nghe tôi trả lời, người mẹ trẻ liền nói với con trai, được rồi, đừng khóc nữa. Mẹ sẽ mời anh bạn của con về nhà chơi luôn. Thằng bé nín khe, nắm tay tôi kéo đi.
Đó là một căn biệt thự rộng và sang trọng. Nhưng nhà rộng rinh, chỉ vì có hai mẹ con cùng người giúp việc và bảo vệ. Chẳng thấy ba của cậu bé đâu. Tôi bắt chuyện linh tinh với cô người làm, không đầu không cuối, nhưng cuối cùng thì biết rằng người thiếu phụ này là vợ bé của một ông thiếu tá trong Đà Nẵng. Ông mua nhà cửa cho cô vợ trẻ ở cùng cậu con trai, cứ hai tháng mới từ Đà Nẵng bay ra Nha Trang thăm một lần.
Sau bữa cơm tối ngon miệng, tôi được cô chủ sắp xếp cho ở một mình trong phòng riêng. Cô dặn cứ ở đây chơi một thời gian, đừng ngại ngùng gì cả. Nhà không có ai nên tự nhiên sinh hoạt và vui đùa cùng cậu bé. Thích món gì thì cô sẽ mua tặng, không để thiếu thốn. Tôi nghe chuyện thấy khoái quá. Đang lang thang ngoài bãi biển, lẽ ra phải tính đến việc mua món đồ ăn gì rẻ nhất, ngủ ở đâu cho tiết kiệm nhất thì lại có sẵn đồ ngon, phòng ngủ đẹp khỏi mất tiền. Tôi chui vào phòng tắm xoa xà bông thơm nức mũi, gội đầu bằng loại dầu khiến tóc mềm hẳn ra. Tối ấy tôi dành thời gian khám phá căn phòng đầy đủ tiện nghi và nghĩ mãi về sự quá may mắn của mình…

***
Mỗi khi ngồi trước biển, tôi đều nhớ về Nghĩa và những ân tình của cô đã dành cho tôi. Người ta đã nói đúng, những điều có thừa ngay trước mắt mình thì lại không trân trọng. Tới khi mất đi rồi thì mới tiếc nuối. Cái chết của Nghĩa đã cho tôi thấm thía tận cùng nỗi đau về tình yêu và sự hy sinh. Khi một thân phận đã vĩnh viễn không còn tồn tại trên cõi đời này nữa, thì mọi điều đều vô nghĩa, ngay cả sự ân hận chân thành của người đang sống. Tôi đã từng cầu khấn ngày đêm, mong cho tôi trong giấc mơ gặp được Nghĩa một lần, chỉ một lần duy nhất nữa thôi, nhưng từ đó tới nay cô không hề “quay lại”. Dường như cô có mặt trên cuộc đời này để yêu thương và chăm sóc cho tôi trong một quãng đời bé mọn. Rồi khi đã xong “nhiệm vụ”, Nghĩa trả lại tôi trở về bình an. Nhưng từ đó tới nay, tôi thực sự đã bất an vĩnh viễn trong tâm hồn. Nếu thực sự có linh hồn, tôi mong Nghĩa coi những dòng chữ này là những lời tạ tội của tôi. Nếu thực sự có kiếp sau, nhất định tôi sẽ yêu thương cô hết lòng, như Nghĩa đã từng thương yêu tôi.
Trích: Chương 4 - Những cuộc phiêu lưu tình ái (Cuốn sách Hồi Ký Thương Tín - một đời giông bão)
***
[THÚY AN và TÔI]
Khi tôi và cô tham gia trong bộ phim "Chiến trường chia nửa vầng trăng" thì có một cảnh nóng. Lúc đó Thúy An là đã là vợ của đạo diễn Hồng Sến, Tôi trăng hoa ở đâu không biết nhưng để diễn cảnh âu yếm Thúy An trước mặt ông chồng của cô thì cũng ngại vô cùng. Chúng tôi diễn lần đầu hời hợt không đạt, Hồng Sến tức giận không chịu. Ông chửi: “Sao nghệ sĩ nổi tiếng mà lại đóng giả thế này!”. Cuối cùng thì tôi và Thúy An phải vượt qua định kiến ấy, mơn trớn cơ thể nhau thật sự. Đứng ngoài chỉ đạo, Hồng Sến mỉm cười hài lòng. Đúng là chỉ vì nghệ thuật người ta mới có thể hy sinh được đến vậy.
***
Sau ngày vượt biên hụt, ba mẹ tôi sợ liên lụy sao đó nên không dám về cư xá Tự Do nữa mà mua một căn hộ nhỏ trong chung cư trên đường Hai Bà Trưng, Q.1. Lúc tôi quay trở về Sài Gòn học lại từ năm thứ nhất của Trường Nghệ thuật Sân khấu II và sau việc thách cưới “quá hớp” của ba Thủy Tiên, chúng tôi về Sài Gòn sống chung thì cũng định cư tại căn hộ này. Dù tôi và Thủy Tiên đã đăng ký kết hôn, nhưng lại không tổ chức đám cưới. Cả đời tôi có nhiều chuyện rất oái oăm. Trên phim, tôi đã đóng rất nhiều scenne cưới xin hoành tráng, có khoảng 6 đám cưới trong 6 bộ phim, nhưng ngoài đời lại chưa có một đám cưới nào thực sự. (Có một đám cưới tổ chức giả để đi nước ngoài, nhưng sau đó cũng lại rơi vào tình thế trớt quớt, việc này tôi sẽ kể ở các trang sau). Trong phim, tôi cũng rất thường ra vào bệnh viện nhưng ngoài đời dù thân hình ốm nhách mà lại khỏe re, không bệnh tật gì cả. Trong phim, nhân vật tôi thủ vai toàn ở biệt thự sang trọng, nhưng ngoài đời thì giờ tôi chẳng có căn nhà nào.
P/S: Trích: Hồi ký Thương Tín - Một đời giông bão, sẽ ra mắt vào tháng 10/2015.
***
"Thầy cứ nói đi, tôi ở đây thì có nghĩa sẵn sàng chấp nhận mọi dự đoán về tương lai. Thầy đừng ngại dù chuyện gì cũng đừng có ngại!" Ông thầy ngần ngừ một chút rồi nói: Giờ mới là đầu năm nhưng đúng tháng 7 năm tới thì anh gặp nạn. Anh bị bỏ vào tù, mà không phải tù bình thường đâu, tù biệt giam đó, tửtù đó! Có điều tôi nói trước đời anh lộng giả thành chân!" Tôi nghe rồi cũng bấn loạn lắm. Mình đâu có làm gì mà bị kết án ở mức nặng nhất như thế. Không biết có cách nào gỡ được hay không? Nghe tôi hỏi ông thầy lắc đầu, chẳng thể thay đổi được phận số đâu, thôi thì cứ vui sống được ngày nào cũng là cái phước.
Trích Hồi ký Thương Tín - Một đời giông bão
***
Tôi vào học năm Nhất của Trường Đại học Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Mỗi lần tôi về quê thăm nhà thì tự nhiên trong người có cảm giác rất nóng ruột, không ở lâu được. Kỳ lạ lắm, như lửa được hơ trong người vậy khiến tôi khó chịu, kiếm cớ quay lại Sài Gòn. Mẹ tôi lại đi coi thầy, nghe phán rằng:
“Có phải con bà thường đi cửa hậu đi chơi phải không? Không phải đi cửa chính phải không?”. Tất nhiên là lúc đi chơi, tôi thường lẻn đi phía sau để khỏi bị gia đình kêu ngược trở lại. Mẹ tôi ờ ờ đúng rồi. “Vậy bà về cúng đi bởi phía cửa bên hông nhà bà từng có một cô gái 19 tuổi chếttrẻ, được chôn ở bên dưới. Hồn cô này thường xúi cậu con trai bà không ở nhà”. Mẹ tôi nghe vậy, theo lời thầy răm rắp về cúng. Mắc cười quá nên tôi nghĩ thầm trong bụng, rồi sau này tôi sẽ đi nhiều hơn nữa để ông thầy cúng biết tay!
Vào dịp nghỉ hè năm học đầu tiên, tôi chỉ về nhà nghỉ chơi được vài ngày thì có hai cậu bạn rủ đi Đà Lạt chơi. Sẵn dịp nghỉ, lại vì bực những lời ông thầy ba xàm nên tôi đồng ý đi ngay.
Đà Lạt là thành phố của tình yêu và sự thơ mộng, nhưng ba ông con trai tụi tôi đi với nhau, thấy vô duyên một cách lãng xẹt. Chúng tôi đứng chơi thơ thẩn ở hồ Xuân Hương, nhìn ngắm cảnh đẹp xung quanh, và nghĩ vơ nghĩ vẩn. Thằng bạn đứng kế bên nói: “Ước gì có ba cô gái cùng đi chơi mà xuất hiện ở đây thì hay quá ha!”. Vừa dừng lời thì từ xa chúng tôi đã trông thấy có hai cô gái đi tới, mà trong đó lại có một cô quen cậu bạn tôi. Cô gái đó tên Thúy, người Cam Ranh. Thúy đẹp lắm, đường cong cơ thể nổi bật trong chiếc đầm nhung đen. Cả đám mừng hú lên, hai thằng bạn thì cứ tươm tướp, tươm tướp xáp vô, còn tôi chả hiểu sao lại hờ hững vô cùng. Tự nhiên tôi thấy mình thành người dư ra, còn vô duyên hơn cả lúc chỉ có ba thằng đực rựa đứng như người tâm thần ngắm cảnh hồ. Tôi chỉ giới thiệu mình là sinh viên trường Đại học Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn rồi lập tức quay đi luôn. Nghe mọi người ríu rít nói chuyện phía sau, hẹn đi ăn chè sau đó tới quán cà phê Lục Huyền Cầm của cặp đôi nghệ sĩ Lê Uyên - Phương nổi tiếng.

***
shared http://thanhnien.vn/van-hoa/mot-cuon-sach-rac-ve-dao-duc-657550.html
Độc giả thất vọng
Nhiều người không thể tin nổi khi Thương Tín kể vanh vách những sự thật tế nhị mà như ông nói là “đắng lòng” về chuyện những người phụ nữ đi phá thai. Vết thương ngày cũ của những người phụ nữ bên ông giờ được chính ông khai quật, đưa ra cho bàn dân thiên hạ biết - chính là điều nhiều bạn đọc chỉ trích Thương Tín “không đáng mặt đàn ông”. Họ thẳng thắn chỉ trích cách Thương Tín đang dùng quá khứ để phục vụ hiện tại, như ông nói là “có thêm thu nhập nuôi con gái nhỏ”, để rồi ông vô tư kể câu chuyện riêng tư vốn dĩ chỉ nên có hai người biết, mượn chuyện “nhân danh sự thật” rồi tự cho mình quyền làm tổn thương, ảnh hưởng đến cuộc sống người khác. 


Cục Xuất bản, nhà xuất bản... từ chối trả lời về cuốn sách
Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT), từ chối trả lời về cuốn sách. Liên lạc với ông Trung Trung Đỉnh, Giám đốc NXB Hội Nhà văn - đơn vị xuất bản quyển hồi ký, ông cho biết đang trong thời kỳ hậu phẫu và không nắm thông tin gì về cuốn hồi ký này. Tìm cách kết nối liên lạc với bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó giám đốc Công ty sách LimBooks (đơn vị mua bản quyền cuốn hồi ký), chúng tôi cũng không nhận được sự phản hồi nào.

Trên các trang cá nhân, mạng xã hội, diễn đàn, nhiều người càng đọc, càng mổ xẻ sâu hồi ký của Thương Tín thì đều cho rằng họ cảm thấy phản cảm, không có gì đáng để người đời phải học hỏi hay là bài học để các bạn trẻ “đừng đi vào vết xe đổ ấy” như Thương Tín bộc bạch. Như rất nhiều ý kiến trên webtretho, tất cả những gì Thương Tín và người chấp bút Đinh Thu Hiền làm với cuốn hồi ký này “đã làm bay hết những ấn tượng tốt đẹp về nam diễn viên một thời vang bóng”.
Độc giả Phạm Văn Bình nêu ý kiến: “Cục Xuất bản, in và phát hành nên cấm cuốn hồi ký bậy bạ này của Thương Tín. Còn nếu muốn xuất bản thì phải kiểm duyệt, loại bỏ những chi tiết xâm phạm đời tư người khác, trừ những người cho phép Thương Tín kể như Diễm My”.
Nhà thiết kế thời trang Nguyễn Tiến Lợi cho rằng: “Không cần biết vì một lý do nào. Nhưng là đàn ông thì không nên lôi những người đàn bà cũ của cuộc đời mình ra để nhắc trong đám đông. Nói chi là viết sách, viết về những người đàn bà đã lên giường, ăn ngủ với mình. Đứng về góc độ tích cực, tôi muốn cuốn sách của Thương Tín như một lời khuyên để các cô gái cảnh tỉnh. Thần tượng cũng là xương là thịt, là trăng là hoa. Hãy cân nhắc kỹ khi thần tượng ai đó để tránh vỡ mộng!”.
Vi phạm bí mật đời tư
PGS-TS Trần Xuân Bình, Chủ nhiệm Khoa Xã hội học, Trường ĐH Khoa học Huế, đưa ý kiến: “Công khai những chuyện bí mật như thế, từ góc độ con người, đã là xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác và vi phạm pháp luật. Đàn ông nói về phụ nữ như thế chứng tỏ không tôn trọng phụ nữ đã yêu thương mình, cũng chẳng tôn trọng bản thân mình. Hơn nữa, điều quan trọng nhất, bằng cách nhắc tới tên của nhân vật trong tự truyện của mình như người thật việc thật, Thương Tín đã đẩy những người này vào nguy cơ bị xã hội kỳ thị, bị bạn đời bạo hành tinh thần. Con mắt dư luận chắc chắn sẽ soi vào họ. Họ sẽ phải chịu nhiều sức ép của dư luận. Những người này giờ cũng đã lớn tuổi, và lâu nay trong mắt gia đình, họ là người không có vấn đề gì. Chuyện công khai này sẽ khiến con cháu, bạn bè gia đình chồng nhìn bằng con mắt khác. Tuy quan điểm về tình dục giờ đã thoáng hơn, tuy nhiên những người ở thế hệ đó cũng chưa thể thoáng như người trẻ. Nên những chuyện như thế sẽ khiến họ như bị lột trần đời tư”.
Theo TS Phạm Xuân Thạch, cuốn hồi ký của Thương Tín tuy không vi phạm luật Xuất bản vì không miêu tả cảnh khiêu dâm, không kích động chống phá nhà nước, nhưng “đây là một cuốn sách rác rưởi về mặt đạo đức”. Đối với những cá nhân liên quan mà sách đó đề cập thì họ có thể khởi kiện bởi đây là vấn đề quyền nhân thân về bí mật đời tư theo luật Dân sự.
Một chuyên gia bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng: “Người phụ nữ viết một bức thư, rồi bức thư lại bị người nhận công bố rộng rãi. Việc này là vi phạm quyền bí mật về thư tín. Đây lại là chuyện chăn gối thì rõ ràng là câu chuyện hoàn toàn riêng tư. Điều đáng lên án ở đây là về đạo đức. Tôi tin rằng số đông độc giả sẽ vô cùng coi thường loại đàn ông ngủ với phụ nữ rồi lại đi kể cho cả xã hội nghe như thế”.
Nhà báo Nông Hồng Diệu, tác giả cuốn Mắc duyên bút mực với hàng loạt bài viết chân dung các văn nghệ sĩ nổi tiếng VN, nhận định: “Tự truyện tất nhiên là tôn trọng sự thật nhưng không có nghĩa là sự thật nào cũng phô bày. Nếu muốn thật như đếm thì anh nên viết nhật ký hoặc tự truyện cho cá nhân anh đọc. Một khi đã xuất bản tới tay độc giả, anh phải tính tới sự tiếp nhận cũng như tác động tới bạn đọc. Thương Tín rất tự hào về việc nói lên sự thật. Nhưng có cần nêu cái sự thật về đời mình thế không, nó có lợi gì cho bạn đọc? Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho trào lưu tự truyện ở nước ta. Mọi người chỉ biết kể và ghi lại. Đó không phải là tự truyện. Một cuốn tự truyện tử tế với bạn đọc giống như một tác phẩm văn chương, phải hướng tới những chức năng của văn học nghệ thuật: nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí. Tôi xin nhấn mạnh là giải trí một cách thẩm mỹ, chứ không phải giải trí đơn thuần. Sai lầm của ta là cứ nghĩ giải trí là sốc, sex... đưa vào, gây phản cảm”.
Thương Tín chịu trách nhiệm vể tính xác thực của cuốn hồi ký
Luật sư Lê Ngọc Luân, người soạn thảo và chứng kiến việc ký kết hợp đồng sáng tạo ra tác phẩm giữa tác giả Đinh Thu Hiền - người chấp bút hồi ký và Thương Tín vào tháng 7.2014, cho biết tại điều 2 khoản 2.2 trong hợp đồng nêu rõ: bên A (Thương Tín) hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính xác thực, tính đúng đắn và cam kết những nội dung cung cấp để viết cuốn hồi ký. Không chỉ vậy, Thương Tín cũng là người đọc và ký tên trên từng trang bản thảo trước khi sách đi in để thể hiện trách nhiệm đó của mình.
“Sau đó, chúng tôi ký hợp đồng bán bản quyền bản thảo này cho Công ty sách LimBooks. Hợp đồng 3 bên ngay từ lúc ký đã có hiệu lực. LimBooks hiện là nơi sở hữu cuốn sách, có nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm với tác phẩm này. Công ty sách có kế hoạch truyền thông, quảng bá và bán cuốn sách của họ vì đó là hoạt động kinh doanh. Cả tôi và Thương Tín muốn tặng sách cho ai, thì cả hai đều ra nhà sách tự đi mua. Ban đầu anh Thương Tín cũng tính bán sách cho bạn bè để lấy chút phần trăm hoa hồng, nhưng vì bản tính của mình, anh lại chủ yếu đi tặng”, tác giả Đinh Thu Hiền cho biết.
Đinh Thu Hiền chấp bút

No comments:

Post a Comment