shared http://www.sggdpost.com/ky-uc-ve-nhung-bai-hoc-thuoc-long-thoi-tieu-hoc-2/
Vườn của Đạt
Lê Tuấn Đạt
***
Xin ghi nguồn, tác giả Lê Tuấn Đạt, bài đã đăng trên báo Khuyến học Đồng Nai, và trên blog cá nhân blogtiengviet. net, và đã được chọn làm bài tiêu biểu của blogtiengviet
VƯỜN CỦA ĐẠT
vuoncuadat.blogtiengviet.net
VƯỜN CỦA ĐẠT
vuoncuadat.blogtiengviet.net
***
Dân miền Nam, những ai bây giờ chừng 55 tuổi trở lên, chắc đều nhớ rõ cách tổ chức độc đáo ở các lớp bậc tiểu học cách đây hơn bốn thập niên. Hồi đó, cách gọi tên các lớp học ngược lại với bây giờ, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Lớp Năm là lớp Một ngày nay, rồi đến lớp Tư, lớp Ba, lớp Nhì, trên cùng là lớp Nhứt. Lớp Năm, tức là lớp thấp nhất, thường do các thầy cô giỏi nhất hoặc cao niên, dồi dào kinh nghiệm nhất phụ trách.
Sở dĩ như vậy là vì bậc học này được xem là vô cùng quan trọng, dạy học trò từ chỗ chưa biết gì đến chỗ biết đọc, biết viết, biết những kiến thức cơ bản đầu tiên, nghĩa là biến từ chỗ không có gì đến chỗ bắt đầu có.Học trò, không phân biệt giàu nghèo, khi đến lớp chỉ được dùng một thứ bút duy nhất, là bút ngòi lá tre. Gọi là lá tre bởi vì bút có cái ngòi có thể tháo rời ra được, giống hình lá tre nho nhỏ, khi viết thì chấm vào bình mực. Bình mực, thường là mực tím, có một cái khoen nơi nắp để móc vào ngón tay cho tiện. Thân bình bên trong gắn liền với một ống nhựa hình phểu dưới nhỏ trên to để mực khỏi sánh ra theo nhịp bước của học trò. Khi vào lớp thì học trò đặt bình mực vào một cái lổ tròn vừa vặn khoét sãn trên bàn học cho khỏi ngã đổ. Bút bi thời đó đã có, gọi là bút nguyên tử, là thứ đầy ma lực hấp dẩn đối với học trò ngày ấy, nhưng bị triệt để cấm dùng.
Các thầy cô quan niệm rằng rèn chữ là rèn người, nên nếu cho phép học trò lớp nhỏ sử dụng bút bi sớm, thì sợ khi lớn lên, chúng sẽ dễ sinh ra lười biếng và cẩu thả trong tính cách chăng. Mỗi lớp học chỉ có một thầy hoặc một cô duy nhất phụ trách tất cả các môn.
Thầy gọi trò bằng con, và trò cũng xưng con chứ không xưng em với thầy. Về việc dạy dỗ, không thầy nào dạy giống thầy nào, nhưng mục tiêu kiến thức sau khi học xong các cấp lớp phải bảo đảm như nhau. Thí dụ như học xong lớp Năm thì phải đọc thông viết thạo, nắm vững hai phép toán cộng, trừ, lớp Tư thì bắt đầu tập làm văn, thuộc bảng cửu chương để làm các bài toán nhân, chia… Sách giáo khoa cũng không nhất thiết phải thống nhất, nên không có lớp học giống lớp nào về nội dung cụ thể từng bài giảng.Cứ mỗi năm lại có các ban tu thư, có thể là do tư nhân tổ chức, soạn ra những sách giáo khoa mới giấy trắng tinh, rồi đem phân phối khắp các nhà sách lớn nhỏ từ thành thị cho chí nông thôn. Các thầy cô được trọn quyền lựa chọn các sách giáo khoa ấy để làm tài liệu giảng dạy, miễn sao hợp với nội dung chung của Bộ Giáo dục là được.
Tuyệt nhiên không thấy có chuyện dạy thêm, học thêm ở bậc học này nên khi mùa hè đến, học trò cứ vui chơi thoải mái suốt cả mấy tháng dài. Các môn học ngày trước đại khái cũng giống như bây giờ, chỉ có các bài học thuộc lòng trong sách Việt Văn, theo tôi, là ấn tượng hơn nhiều.
Đó là những bài thơ, những bài văn vần dễ nhớ nhưng rất sâu sắc về tình cảm gia đình, tình yêu thương loài vật, tình cảm bạn bè, tình nhân loại, đặc biệt là lòng tự tôn dân tộc Việt.
Tôi còn nhớ rõ trong sách Tân Việt Văn lớp Năm có bài học thuộc lòng thật hay về bóng đá mà hồi đó gọi bằng một từ rất hoa mỹ, là túc cầu:
TRẬN CẦU QUỐC TẾ
Chiều chưa ngã, nắng còn gay gắt lắm
Hai đội cầu hăng hái tiến ra sân
Tiếng hoan hô thêm dũng mãnh bội phần
Để cổ võ cho trận cầu quốc tế.
Đoàn tuyển thủ nước nhà hơi nhỏ bé
Nếu so cùng cầu tướng ở phương xa
Còi xuất quân vừa lanh lảnh ban ra
Thì trận đấu đã vô cùng sôi nổi.
Tiền đạo ta như sóng cồn tiến tới
Khi tạt ngang, khi nhồi bóng, làm bàn
Khiến đối phương thành rối loạn, hoang mang
Hậu vệ yếu phải lui về thế thủ
Thiếu bình tỉnh, một vài người chơi dữ
Nên trọng tài cảnh cáo đuổi ra sân
Quả bóng da lăn lộn biết bao lần
Hết hai hiệp và…đội nhà đã thắng
Ta tuy bé nhưng đồng lòng cố gắng
Biết nêu cao gương đoàn kết đấu tranh
Khi giao banh, khi phá lưới, hãm thành
Nên đoạt giải dù địch to gấp bội…
Bài học thuộc lòng này, về sau tôi được biết, lấy cảm hứng từ chiếc cúp vô địch đầu tiên và duy nhất cho đến bây giờ của Việt Nam tại Đông Á Vận Hội trên sân Merdeka của Malaysia vào cuối thập niên 50, với những tên tuổi vang bóng một thời như Tam Lang, Ngôn, Cù Sinh, Vinh “đầu sói”, Cù Hè, Rạng “tay nhựa”… Tuy không biết chơi bóng đá, nhưng thằng bé là tôi lúc đó rất thích bài học thuộc lòng này nên tự nhiên…thuộc lòng luôn.
Càng đọc càng ngẫm nghĩ, đây đâu phải là bài thơ chỉ nói về bóng đá mà thôi. Nó là bài học đoàn kết của một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng gan lỳ, bất khuất khiến cho cả thế giới phải ngước nhìn bằng đôi mắt khâm phục. Bạn thấy lạ lùng chưa, chỉ một bài thơ ngắn nói về một thứ trò chơi thôi, mà lại chứa đựng biết bao nhiêu điều vĩ đại mà những lời đao to búa lớn ồn ào chắc chi đã làm được.
Nói về môn Lịch sử, hồi đó gọi là Quốc sử, đã có sẵn một bài học thuộc lòng khác:
GIỜ QUỐC SỬ
Những buổi sáng vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê,
Chúng tôi ngồi yên lặng, lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng khắp trong giờ Quốc sử.
Thầy tôi bảo:
“Các con nên nhớ rõ,
Nước chúng ta là một nước vinh quang.
Bao anh hùng thưở trước của giang san,
Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc.
Các con nên đêm ngày chăm chỉ học,
Để sau này mong nối chí tiền nhân.
Ta tin rằng, sau một cuộc xoay vần,
Dân tộc Việt vẫn là dân hùng liệt.
Ta tin tưởng không bao giờ tiêu diệt,
Giống anh hùng trên sông núi Việt Nam.
Bên những trang lịch sử bốn ngàn năm,
Đầy chiến thắng, vinh quang và hạnh phúc”
Hình ảnh ông thầy dạy Sử trong bài học thuộc lòng hiện lên, nghiêm nghị nhưng lại thân thương quá chừng, và bài Sử của thầy, tuy không nói về một trận đánh, một chiến công hay một sự kiện quá khứ hào hùng nào, nhưng lại có sức lay động mãnh liệt với đám học trò chúng tôi ngày ấy, đến nỗi mấy chục năm sau chúng tôi vẫn nhớ như in.
Lại có bài song thất lục bát về ông thầy dạy Địa lý, không nhớ tác giả là ai, nhưng chắc chắn tựa đề là “Tập vẽ bản đồ”, phía lề trái còn in cả hình vẽ minh họa của Quần đảo Trường Sa và Hoàng sa:
Hôm qua tập vẽ bản đồ,
Thầy em lên bảng kẻ ô rõ ràng.
Ranh giới vẽ phấn vàng dễ kiếm,
Từ Nam Quan cho đến Cà Mau.
Từng nơi, thầy thuộc làu làu,
Đây sen Đồng Tháp,
đây cầu Hiền Lương. Biển Đông Hải,
trùng dương xanh thẳm,
Núi cheo leo thầy chấm màu nâu.
Tay đưa mềm mại đến đâu,
Sông xanh uốn khúc, rừng sâu chập chùng…
Rồi với giọng trầm hùng, thầy giảng:
“Giống Rồng Tiên chói rạng núi rừng,
Trải bao thăng giáng, phế hưng,
Đem giòng máu thắm, bón từng gốc cây.
Làn không khí giờ đây ta thở,
Đường ta đi, nhà ở nơi này,
Tổ tiên từng chịu đắng cay,
Mới lưu truyền lại đêm ngày cho ta.
Là con cháu muôn nhà gìn giữ,
Đùm bọc nhau, sinh tử cùng nhau.
Tóc thầy hai thứ từ lâu,
Mà tài chưa đủ làm giàu núi sông !
Nay chỉ biết ra công dạy dỗ,
Đàn trẻ thơ mong ở ngày mai.
Bao nhiêu hy vọng lâu dài,
Dồn vào tất cả trí tài các con …”
Giờ đây, mấy chục năm đã trôi qua, tóc trên đầu tôi cũng bắt đầu hai thứ như ông thầy già dạy Địa trong bài học thuộc lòng ngày ấy, nhưng có một điều mà tôi nghĩ mãi vẫn chưa ra. Ông thầy đang dạy Địa, hay ông thầy đang âm thầm truyền thụ lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cho đàn trẻ thơ qua mấy nét vẽ bản đồ?
Lời của thầy thật là nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng cũng thật là tha thiết, chạm vào được chỗ thiêng liêng nhất trong tâm hồn những đứa trẻ ngây thơ vào những ngày đầu tiên cắp sách đến trường, nơi chúng được dạy rằng ngoài ngôi nhà nhỏ bé của mình với ông bà, cha mẹ, anh em ruột thịt, chúng còn có một ngôi nhà nữa, rộng lớn hơn nhiều, nguy nga tráng lệ, thiêng liêng vĩ đại hơn nhiều, một ngôi nhà mà chúng phải thương yêu và có bổn phận phải vun đắp: Tổ quốc Việt Nam.(st)
http://www.sggdpost.com/ky-uc-ve-nhung-bai-hoc-thuoc-long-thoi-tieu-hoc-2/
***
Sữa Foremost và học đường trước 75
Nhớ lại một thời chiếc xe Foremost đã ám ảnh biết bao học sinh tiểu học. Cứ đến giờ ra chơi là mỗi học sinh được phát một ổ bánh mì và một hộp sữa, chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh tiểu học những năm đó nhằm chống còi xương và tăng cường thể trạng, thể chất cho trẻ em Việt Nam. Ngày nào cũng được phát đến nổi học sinh ngán quá phải dấu đem bỏ đi. Đầu tiên là phát sữa bằng hộp giấy, đến năm 1973, thì phát cho mỗi lớp một bao sữa nhựa lớn khoảng chừng 5-10 lít, có ống vòi để vặn rót vào cái ly giấy cùng nhãn hiệu.
Còn nhớ 1973, khi đó tui còn học mẫu giáo trường công Lê Quang Định đối diện với Lăng Ông, cứ mỗi lần xe tới thì Ông lao công mở cổng trường cho chiếc xe chạy đến gần thềm ba lớp học, chú nhân viên hãng sữa, mặt bộ đồ đồng phục trắng cam nhảy xuống xe, chạy ra phía sau xe mở cửa hông dày cui để lấy sữa, tụi tui ngồi bên trong nhìn ra cửa sổ, khói hơi lạnh bên trong thùng xe bay ra trắng toát. Kế đến Chú nhân viên hãng sữa ôm bịch sữa với xấp ly giấy bước xuống thùng sau và đi vào lớp để bịch sữa lên bàn Cô giáo. Tụi nhỏ chúng tôi, có đứa nhăn mặt, có đứa nhao nhao nói chuyện um sùm vì giờ này Cô giáo không cấm nói chuyện, tụi tui xếp hàng từ từ lên bàn cho Cô giáo bấm vòi rót sữa vào ly rồi xuống bàn để ăn bánh mì và uống sữa trong khi vẫn chờ tiếng reng chuông để ra chơi. Tụi tui đứa nào thích sữa thì uống thoải mái ngon lành, đứa nào ngán sữa thì chỉ dán mắt nhìn ly sữa trắng bóc trên bàn như kẻ thù, không biết làm sao để khỏi phải uống, vì không uống là bị Cô giáo la, cứ mỗi lần Cô giáo đi qua thì làm bộ lấy tay đưa ly lên miệng, thiệt ra chỉ giả đò đưa ly kề lên cái môi chứ không có nhấp vô họng miếng nào đâu, lúc đó chỉ trông chờ tiếng reng chuông là cầm ly sữa chạy ra khỏi lớp rồi kiếm chổ đổ đi. Đổ đi cũng khổ sở lắm vì cứ cảm tưởng như có cả đống con mắt đang nhìn mình, cái tâm lý đang làm điều gì đó bậy thì nó vậy đó mà. Hồi đó ở nhà Bà Ngoại hay dạy là không được bỏ mứa, bỏ mứa thì mang tội nặng lắm, nên cứ nhớ mà lo sợ là vậy.
Dù đã hơn 40 năm nhưng tới giờ tui vẫn còn nhớ mùi béo béo lạt nhách của nó, không biết tới chừng nào mới được thưởng thức lại hương vị xưa mà hồi đó muốn bỏ chạy không kịp. Sữa tươi ngày nay uống thì có mùi như sữa bột chứ không giống như sữa bò tươi ngày xưa.
Trở lại nhãn hiệu Foremost với ký ức của anh Viet Hung Mai,
Nhãn hiệu này bắt đầu có mặt tại VN qua sự “ăn theo” việc tiếp liệu cho quân đội Mỹ tham chiến tại VN
Lúc đầu, nhãn hiệu được người Việt thời xưa nhớ và ưa chuộng là Nestlé (sữa Con Chim), Mont-Blanc (sữa Trái Núi), Vache (đầu Bò) … v..v….
Đến đầu thập niên 1960 thì người ta thấy ngoài sạp hàng chợ trời đường Tôn Thất Đạm có một loại sữa đựng trong các hộp giấy (sử dụng một lần rồ bỏ), ngoài vỏ hộp có hai màu ..”Trắng trên”, “Cam dưới”, một mặt có hình chữ “F” uốn éo cùng với hàng chữ “Foremost”. Coi kỹ nhãn hộp thì thấy có chữ “Made in the USA”. Theo lời mấy bà bạn hàng thì “Cái đó là sữa Mỹ đó !! … Uống thơm mùi Cam … Nho … ngon lắm !!!”. Thật lòng mà nói, mua một hộp uống vô thấy nó khác hẳn các loại sữ mà trước kia đã xài. Kiểu ngọt không ra ngọt, lạt không hẳn lạt. Đã vậy còn có vị béo của bơ, mùi của fromage tươi … Nói gọn lại là,”không phù hợp với khẩu vị đã quen với kiểu Pháp !!!!!…..”
Kịp khi các trường tiểu học được chương trình “bữa ăn giờ ra chơi” của Caritas Asia (“một ly sữa và một khúc bánh mì cho mỗi học sinh”) tài trợ thì nhãn hiệu sữa này xuất hiện bằng các hình thức bột đựng trong thùng 5kg hoặc loại hộp dùng cho quân đội bên ngoài có hình hai bàn tay nắm vối nhau cao khoảng 40cm. Hồi xưa ai đã từng qua thời Tiểu học ở Saigon vào thập niên 1960-70 chắc chắn không quên ..”sự kinh hoàng vì uống sữa” của học sinh thời đó … Không hiếm người đã trốn không ra chơi … hoặc ra sân rồi chạy liền đi chỗ khác chứ không dám lẩn quẫn gần lớp để bị các thầy cô bắt buộc xếp hàng đi … uống sữa” … Bởi sữa pha trong những cái nồi 50cm … khuấy bằng những chiếc đũa bếp dài cả thước Tây … đã cho ra một loại “dung dịch sữa” thật “nặng mùi bơ” … và chỉ “lơ lớ về vị ngọt” đã khiến cho không đứa học trò nào can đảm để uống hết một ly ….(loại ly dùng pha cà-phê đá hiện giờ) … Kinh hoàng là ở chỗ ngày nào cũng vậy !!! … Ngán gần chết !!! …
Đến đầu thập niên 1970 thì hãng sữa này thiết lập nhà máy chính thức sản xuất tại Việt Nam (Thủ Đức) … Nhưng lại không dùng nhãn hiệu “Foremost” … thay vào đó là hình một viên hột xoàn kích thước khoảng 5cm bề cao x 3cm bề ngang … Người tiêu thụ tại VN khi đó đã kêu tên sữa này là “sữa Kim Cương” … Nếu lúc đầu chỉ bán trong Quân Tiếp Vụ … thì về sau nó là một trong những mặt hàng nhu yếu phẩm bán cho công chức …. Đặc biệt, siêu thị Nguyễn Du gần như là “tổng kho” của nhãn sữa này ….
Còm-măng: chuyện xưa
Cầm Dương Đó là ngày xưa, truóc khi vào lớp nhận một khúc bánh mì bên trên rắc sữa bột và một ly sữa.
Tèo Ngu Khìn Giờ chỉ ước mong được ngán sữa này khi đi học. Mẹ bố chúng nó, thời thơ ấu của em làm gì biết đến sữa. Đi học buổi sáng hôm nào còn thừa cơm nguội thì ăn lót dạ, còn không thì bụng trống mà vào học. 1 hột cơm cõng 2,3 miếng khoai sắn (củ mì). Hãi hùng thời thơ ấu.
Pham van Thach: Sửa Foremost có lẽ là sữa tươi pha sẳn vô hộp giấy đầu tiên ở Việt Nam . Trước đó , mọi người thường dùng sữa đặc có đường trong lon ( sữa bò) , sữa bột viện trợ , sữa bột Babylac , Guigoz ,… và sửa bò tươi – sữa dê tươi của mấy ông Chà và ,…Có một loại sữa đặc ít ai nhớ có hình con Bò và đóa hoa Cal-Best . Nổi tiếng mà “quý” nhất là Sữa Ông Già , Ông Thọ và sữa con Chim .
Huu Vinh Nguyen Một thời huy hoàng và kinh hoàng hahaha
Nguyen Van Truong Tôi nhớ man mán là cuối năm 1994 còn “mần” hộp 1/4 litre kem vanilla ở Tao Đàn trên chiếc xe đông lạnh vào dịp Tết theo đúng truyền thống. Sau đó có đi tìm lại kem Foremost thì không thấy nữa. Tiệm kem Foremost cuối cùng tôi biết nằm trên đường Cách Mạng Tháng 8, đối diện Liên Hiệp Công Đoàn – nơi trình diễn vở kịch Tôi và Chúng Ta của ông Lưu Quang Vũ.
Trước năm 1975, Công ty sữa đa quốc gia Foremost hoạt động kinh doanh tại Sài Gòn với thương hiệu nổi tiếng “Longevity” cùng hình ảnh một ông già cầm trái đào tiên (dân gian quen gọi là sữa “Ông Thọ”). Sau năm 1975, các cơ sở của Foremost bị quốc hữu hóa và được Vinamilk tiếp quản.
Công ty Vinamilk tiếp tục sản xuất loại sữa đặc Ông Thọ với hình ảnh một ông già cầm quả đào tiên như trước đó. Vào giữa thập niên 90, Công ty Foremost quay lại Việt Nam đầu tư kinh doanh, họ quyết định đòi lại nhãn hiệu sữa với hình ảnh ông già cầm quả đào tiên từ tay Vinamilk. Vụ kiện kéo dài rồi được tòa án quốc tế tuyên rằng hình ảnh ông già cầm quả đào tiên là của Foremost (không bao gồm chữ “Ông Thọ” bằng tiếng Việt).
Sau khi thắng kiện, Công ty Foremost khuếch trương sản phẩm một thời vang bóng “Longevity” với ông già cầm quả đào tiên. Tuy nhiên người Việt bây giờ đã quen với chữ “Ông Thọ” của Vinamilk, cho rằng “Longevity” là nhãn hiệu nhái sản phẩm “Ông Thọ” nên Foremost phải đổi chữ “Longevity” thành chữ “Trường Sinh”. Công ty Foremost Việt Nam hiện vẫn đang chật vật trong việc giành giật thị phần sữa tại Việt Nam
Tổng hợp bởi Nguyễn Cao Trường
***
Những người lớn đều có bí mật của riêng họ
Vài hôm gần đây, khi lục lạo tìm vài cuốn sách, tình cờ gặp lại quyển nhật ký (mà đúng ra đó là cuốn sổ tạp ghi) hồi cấp 1. Bật phì cười với những câu ngô nghê của một đứa bé học lớp ba lớp bốn. Phì cười, nhưng trong số đó có một câu khiến mình nhớ đến cha mẹ và những người lớn, từng góp phần tạo nên thế giới bé thơ của mình.
“Những người lớn đều có bí mật của riêng họ.” Đứa bé “đạo mạo” viết.
Quả như vậy thiệt. Cho tới khi lớn lên, mình vẫn không hiểu vì sao mẹ ít khi nào kể về gia đình bên ngoại. Những chuyện về ngoại, mình biết được là nhờ nghe lóm những người lớn khác nói. Khi tôi đem những lời kể ấy hỏi mẹ, bà chỉ khẳng định hay phủ định, chứ ít khi nào khai triển gì thêm. Thành thử mặc dù yêu mến nhà ông ngoại, thì tôi cũng cứ chỉ biết giữ riết trong lòng, gìn giữ một số phân cảnh quay chậm với những nhân vật vẻ như xa xăm, xa xăm nhưng lại ghim vào lòng tôi rất thật. Một trong những hình ảnh ấy là khi mẹ dẫn tôi về ngoại chơi dài ngày mỗi lần sau Tết.
Hồi trước 75, năm nào cũng vậy, cứ qua Tết thì nắng gắt lên. Sàigòn bắt đầu nóng đã đành, nhưng với người Sàigòn khi ấy, họ nhắc tới nắng Biên Hòa với một sự kiêng nể thực sự. Có lẽ một phần vì địa thế Biên Hòa cao hơn Sàigòn, có lẽ vì thổ nhưỡng chăng?
Tóm lại, trong cơn nắng gay gắt đó, mẹ ẵm tôi bước xuống toa xe lửa, rồi kêu xe đưa về nhà ngoại. Như hầu hết mọi nơi ở miền Nam thời trước 75, đường xá yên lặng tĩnh mịch, loại tĩnh lặng mà ngay cả một đứa bé ba bốn tuổi cũng biết hân hoan đắm mình vào.
Đứng ngoài đường nhựa chờ mẹ trả tiền xe, đứa bé bồn chồn nhìn xuống nhà ngoại. Sở dĩ nói “nhìn xuống” là vì nhà ngoại nằm ở chỗ trũng, giống như một cái bàu cạn. Từ lộ cái vô tới nhà ngoại là một bãi cỏ thật rộng, nơi thường xuyên có vài con ngựa đang gặm cỏ yên bình. Kế tiếp nữa là năm bảy gốc điệp thật to, rợp mát. Kế nữa là một hàng rào thiên nhiên, bằng dây ti-gôn, mà ngoại tôi tạo thành hình con rồng, từ đầu ngõ vô tới tận sân sau. Đứa bé đơn côi và giàu trí tưởng tượng từ ngụp lặn giữa bụng của con rồng này, nghĩ rằng mình là chiến binh gì gì đó đang bị lạc chốn rừng xanh.
Cũng lạ lùng khi ở cái bàu đó chỉ có mỗi nhà ngoại, không còn láng giềng nào, mà nhà lại mang số 90/1 trên con đường Phan Đình Phùng lặng lẽ. (Bây giờ đi ngang, thì thấy số 90 hình như đã trở thành con hẻm với nhà cửa san sát. Và tất nhiên là không thể đẹp đẽ thoáng đãng tươi mát như xưa.)
Điều sung sướng của đứa bé là sau khi chạy ù vô nhà thưa ngoại, chào cậu mợ xong, thì hắn đá thật mạnh cho văng đôi giày săng-đan ra, để bang bang ngay ra sân trước. (Gọi là sân trước chứ thiệt ra cái sân lại nằm ở bên hông, vì nhà ngoại không ngó thẳng ra đường.) Chẳng là cái sân đó, không hiểu tại sao, lại toàn là cát mịn chứ không phải là đất đỏ. Cát lại thường xuyên ẩm, nên chạy chơi rất mát chân trần.
Chạy ra sân sau thăm cây mít nghệ thiệt bự, mà trái mít mọc thật thấp, chui thẳng từ thân cây ra, xệ xuống ngay mặt đất. Rồi đứng đó lom lom coi hai ông thợ xẻ gỗ, với lưỡi cưa thiệt dài, họ thay phiên nhau cái tư thế hễ người này khom thì người kia ngửa. Rột rẹt, rột rẹt, lưỡi cưa nói như thế, mùi mạt cưa thơm nồng.
Kho gỗ của ngoại nóng lên dưới cái nắng… Biên Hòa, làm xông lên mùi mít chín từ bên trong, mà đứa bé dán cho một cái nhãn là “mùi pénicilline”.
Kho gỗ của ngoại nóng lên dưới cái nắng… Biên Hòa, làm xông lên mùi mít chín từ bên trong, mà đứa bé dán cho một cái nhãn là “mùi pénicilline”.
Trưa rồi, hai ông thợ đã ngừng tay về nhà ăn cơm. Không khí lại im phăng phắc, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng sủa bâng quơ của vài con chó ở đâu thật xa tận cuối con dốc ngoằn ngoèo theo talus nâng đỡ con rồng bằng dàn ti-gôn nhuốm bụi.
Tết vẫn còn đó, bởi ta vẫn còn ngửi được mùi quýt ai đang lột vỏ, quyện với mùi thuốc pháo, lẫn khuất mùi bông vạn thọ, hòa cùng mùi nhang thơm mà mẹ mới thắp ở bàn thờ tổ tiên và cái bàn thiên bé xíu, dưới chân có vài chậu đinh lăng. Nhưng đặc biệt có một thứ mùi, mà gần 60 năm sau, đứa bé vẫn không thể nào quên được: mùi bụi. Ngay cả bụi cũng có thể đượm mùi tươi mát trong bầu không khí chưa hề bị ô nhiễm bởi khói xe hay hóa chất gì. Những hạt bụi lấp loáng bay giữa màu nắng trong vắt, vướng vào tơ nhện giữa những bông mai đang nở trễ tràng. Bụi đậu trên thân trái điệp non (mà đứa bé cứ nhất định đó là trái đậu ve) hăng hắc vị nhựa sống. Tất cả những bay bổng ấy diễn ra trong bầu tĩnh lặng hoang sơ, mà sao đứa bé lại nghe ra thành bản giao hưởng của những tinh cầu.
Cái mũi thằng bé thính như mũi của con chó bông tên Fi-đen. Thằng bé nhớ mùi vách gỗ nhà kho, mùi gạch tàu mát rượi ở phòng khách, mùi cục phấn thợ may của mợ Tư, mùi rêu đóng trong cài bình to có vòi phông-tên rót nước, mùi khai khai ở sàn nước lộ thiên sau nhà, mùi phân bò phân ngựa cay cay, mùi mồ hôi ở tay nắm hột xoài bằng sứ ở cái cửa lá sách… Ôi còn biết bao điều hoài cảm nơi không gian ấy, nơi mà nó có thể hòa mình với thiên nhiên rộng rãi và bao dung.
Buổi trưa, khi tất cả mọi người đã say ngủ dưới cái nắng sật sừ, thằng bé lén ra bãi cỏ gần đường cái để dòm con ngựa, hoặc leo lên nóc xe đò đang nằm ụ. Thằng bè nằm ngửa trên mui xe nhìn lên tàng cây điệp xanh rờn, ngắm hai ba con rắn lục cuộn thành một nùi đang cuồn cuộn.
Buổi chiều, không biết vì lý do gì, các cậu của nó đi bắt hàng trăm con cóc nhảy lền khên chu quanh nhà, bỏ đầy hai cái thùng (loại thùng đựng dầu hôi đã xài hết), rồi để đó cho tới sáng. Và lúc ấy dĩ nhiên là chẳng còn một con nào trong thùng cả.
Buổi tối, ông ngoại lấy xe đạp đòn dông ra, thả dài dài xuống chợ. (Nói “thả” là vì từ đó ra chợ, đường Phan Đình Phùng luôn xuống dốc, khỏi cần đạp xe.) Lần nào cũng vậy, ngoại mua rất nhiều bánh tiêu, bánh bò, dầu-cháo-quẩy, bánh mè. Rồi về nhà pha cà phê sữa, vừa ăn uống vừa nghe cóc nhái ểnh ương giọt sành hòa tấu. Hoặc kể chuyện ngày trước, mà mọi người luôn nhắc về cái thành kèn, chiều chiều thổi điệu thu quân.
Đến khuya thiệt khuya, khi chuyện vãn, chỉ còn nghe tiếng đếm thời gian của con lắc chiếc đồng hồ Odo cũ kỹ trên vách. Lúc đó mẹ mới ẵm đứa trẻ con say ngủ vô mùng.
Đến khuya thiệt khuya, khi chuyện vãn, chỉ còn nghe tiếng đếm thời gian của con lắc chiếc đồng hồ Odo cũ kỹ trên vách. Lúc đó mẹ mới ẵm đứa trẻ con say ngủ vô mùng.
Sáng hôm sau, vừa tỉnh giấc thì đứa trẻ đã ngửi thấy mùi phở rất đặc trưng của tiệm phở Bắc nằm ngay phía ngã ba gần nhứt. Mỗi lần xách gào-mên ra đó mua, phải lên hết dốc cỏ để ra đường nhựa, quẹo tay mặt, đi ngang tiệm hớt tóc của ông Bảy điếc, rồi mới tới tiệm phở. Lâu thiệt là lâu giữa cái thành phố HCM hiện nay, tôi vẫn giật mình khi bất giác bỗng được ngửi lại mùi nước phở ấy.
Giữa những tĩnh lặng vừa kể, điều làm cho thằng bé bồi hồi nhất lại là một chút náo động đìu hiu. Chút náo động từ cái xe ngựa của rạp Biên Hùng. Hồi đó chủ rạp mướn xe ngựa kéo, trên xe dựng hai tấm quảng cáo phim dựa vào nhau giống như túp lều của hướng đạo sinh. Ngồi ở giữa là mấy tay đánh trống và chập chõa cắc tùng xèng. Chút náo động giữa trưa hậu Tết là vậy, khi xe qua rồi, bầu yên lặng lại sắc xuống đìu hiu hơn, để nghe cả tiếng gió từ sông Đồng Nai thổi lên, luồng qua mớ điệp vàng xào xạc.
“Những người lớn đều có bí mật của riêng họ.”
Chính vì vậy mà mẹ tôi không kể gì nhiều, chỉ khẳng định hay phủ định. Cho nên, tôi chỉ biết qua những người khác rằng gốc gác nhà ngoại không phải ở nơi vừa kể, mà giòng họ ngoại của tôi hồi đó khá đông đảo, ở trải rộng từ Tân Uyên ra tới thành phố, lan qua khu Hóa An, kể cả cù lao Phố. Cũng nghe nói trong họ có nhiều người khá giả, sở hữu hàng loạt trại xẻ gỗ, trại mộc chuyên đóng tủ bàn ghế, nhiều lò gốm lò gạch, sở hữu cả nhà hàng Hạnh Phước và hãng xe đò Liên Hiệp. Khi tôi hỏi, mẹ tôi chỉ gật đầu hoặc lắc đầu, chứ chẳng nói gì thêm.
Tôi nghe nhiều người trong họ (và cả ngoài họ) kể rằng gốc mẹ tôi ở một vùng to rộng, hồi đó tên là Vườn Mít, và lúc còn thiếu nữ, mẹ tôi được đặt biệt danh là “hoa khôi Vườn Mít”. Nhớ khoảng năm đang xảy ra câu chuyện tôi đang kể, gương mặt mẹ tôi từa tựa Claudia Schiffer. Lần nào mẹ xuống ga Biên Hòa thì cũng có vài ông Tây đi theo, lấy cớ nựng tôi để tán tỉnh mẹ. Mẹ tôi cũng không phải vừa gì, đốp chát thẳng thừng khiến mấy ổng phải gài số de.
Nghe đâu hồi mẹ còn con gái ở khu Vườn Mít, có ông quan Tây đầu tỉnh thường xuyên tới ve vản quấy rầy. Lần hồi sao đó, ổng khám phá ở trong rừng thuộc khu đất mênh mông nhà ngoại có đặt… máy in báo kháng chiến chống Pháp. Kết quả là nhà ông ngoại bị đốt rụi, mẹ phải chạy về rừng Tân Uyên làm y tá cho ông Huỳnh Văn Nghệ.
Thôi, kể vòng vo tới đây cũng hết Tết rồi, phải dừng thôi, bởi vì… “Những người lớn đều có bí mật của riêng họ.”
Sun Yata
***
Món ngon Saigon
Có nhà văn nào đó cho rằng khi viết về ẩm thực bụng phải đói mới ‘lột tả’ hết cái ngon của món ăn. Tôi rất tâm đắc với ý kiến này.
Hồi còn trong trại cải tạo, cái bụng lép kẹp lúc nào cũng sôi ùng ục, tôi và vài người bạn tù có ‘tâm hồn ăn uống’ vẫn thường kể cho nhau nghe những món khoái khẩu của mình. Ăn ‘hàm thụ’ sao mà ngon thế. Phải nói ngon gấp nghìn lần ăn… thực thụ!
Thời cải tạo qua đi nhưng thời điêu linh lại kéo tới. Vào thời này, cái để ‘đút vào mồm’ chỉ toàn khoai mì ‘chạy chỉ’ với hột bo bo, còn được mệnh danh là… cao lương. Ngồi nhấm nháp cao lương mà cứ tức anh ách. Ai đó đã khéo chơi chữ mà đặt tên, mỉa mai không khác gì cái món ‘mầm đá’ của ông vua ngày xưa!
Nhưng rồi cũng qua đi cái thời ăn để mà sống, người ta bỗng nhớ đến thời… sống để mà ăn ở Sài Gòn hoa lệ ngày nào. Con đường ngắn nhất để đến trái tim lại là con đường đi qua… bao tử cho nên mọi hoài niệm về những gì tốt đẹp nhất cứ phải ‘quá giang’ chuyện ăn uống, dù vẫn biết… miếng ăn là miếng tồi tàn!
Nhưng thôi, hãy tạm quên chuyện triết lý lòng thòng để nói về món ngon Sài Gòn. Theo tôi, một trong những món ngon đó phải kể đến phở. Mặc dù phở có xuất xứ từ miền Bắc nhưng phở Sài Gòn thường ăn kèm với giá, ngò gai, húng quế vẫn ngon hơn phở Hà Nội thiếu hẳn các loại rau thơm mà lại không có giá. (Xin đừng hiểu lầm, ‘giá’ đây là mầm đậu xanh chứ không phải là… giá trị. Thế mới biết chữ nghĩa tiếng Việt quả là rắc rối!).
Hơn nữa, phở trong Nam, hay còn gọi là ‘phở-Bắc-Kỳ-di-cư’, thường nhỏ sợi, nước dùng phở lại đậm đà, không dậy mùi húng lìu và ‘mì chính’ (bột ngọt) như phở ‘gia truyền’ ngoài Bắc. Thành phần chính của phở là những sợi bánh phở trắng phau. Nước dùng có mùi thơm và vị ngọt của xương ống thịt bò, cùng với hành khô, gừng và thảo quả nướng, được ninh nhừ từ chiều tối hôm trước. Thịt bò được luộc lên, sau đó thái lát mỏng để trang hoàng cho một bát phở truyền thống Việt Nam.
Thưở xa xưa, ngoài Hà Nội chưa có hiệu phở. Khách ăn phở thường gọi những hàng phở gánh ở đầu phố hoặc đi rong ngoài đường. Một đầu gánh là chiếc chạn con đựng bát đũa, gia vị như tiêu, ớt và nước mắm, lại thêm cái ngăn kéo đựng bánh phở, thịt bò. Đầu ghánh bên kia là bếp lò với nồi nước dùng lúc nào cũng sôi sùng sục được kèm bên trong một nồi nước riêng để trụng bánh phở.
Những người bán phở rong đều là đàn ông, tuyệt không thấy phụ nữ nào. Có lẽ nhờ sức dài vai rộng nên mới chịu được ghánh phở nặng chĩu trên vai. Trên đầu ông hàng phở thường có cái mũ, trông tựa như mũ phớt. Lâu ngày kho từ vựng tiếng Việt được bổ xung từ mới: mũ phở!
Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam khen cái ngon của một hàng phở gánh đỗ cạnh cây hương trong sân nhà thương Phủ Doãn, bát phở có cả mấy giọt… cà cuống. Cả thành phố chỉ có một hàng phở cà cuống ấy. Nguyễn Tuân phê bình: “Cái nước chè tươi nóng bỏng môi, cái bánh đậu xanh ngọt xít cổ, lại đến phở cà cuống, cái sự thích của anh nghiện vừa buông dộc tẩu xuống, kể cũng đáng viết cho ra nhẽ”.
Nhà văn lão làng Nguyễn Công Hoan, một trong số những cây đại thụ của làng văn, đã khẳng định khá chính xác cái tuổi 100 của món ăn độc đáo thuộc hàng ‘quốc hồn, quốc túy’ trong nền ẩm thực Việt. Ông viết: “1913… trọ số 8 Hàng Hài… thỉnh thoảng, tôi được ăn phở (hàng phở rong). Mỗi bát 2 xu (có bát 3 xu, 5 xu)”. Mặc nhiên, chính Nguyễn Công Hoan đã là người xác định tuổi cho phở trong cuốn tự chuyện về đời mình: Nhớ và ghi về Hà Nội.
Vào đến Sài Gòn ngày xưa có con đường tên Turc (Thổ Nhĩ Kỳ), một đầu là đường Tự Do (Catinat), đầu kia là đường Hai Bà Trưng (Paul Blanchy). Tiệm Phở Bắc được bán trong khuôn viên nhà thờ Hồi Giáo này, nên có tên là Phở Turc. Cũng cần nói thêm, vào cuối thập niên 50, tắm hơi massage đã du nhập Sài Gòn. Thời ấy, người Pháp gọi loại tắm hơi nước nóng này là Bain Turc, người Sài Gòn gọi theo là Banh Tuyếc.
Sài Gòn 1954, lúc người Bắc mới vào Nam, những tiệm Phở Bắc hãy còn đếm được trên đầu ngón tay. Đó là mấy tiệm Phở Thịnh đường Gia Long, Phở Turc đường Turc, Phở Minh đường Pasteur và Phở 79 ở đường Frère Louis (sau này đổi tên thành đường Võ Tánh và đến 1975 lại đổi thành Nguyễn Trãi thuộc quận 1).
Ngay bên hông rạp Casino Sài Gòn có một hẻm nhỏ, đi vào hẻm đó là một dẫy nhà, đa số là nhà dân Bắc Kỳ di cư sớm, từ những năm 1920. Tiệm Phở Minh nằm ở dẫy nhà đó. Hẻm Casino còn có nhiều món ngon có xuất xứ từ miền Bắc như bún thang, bún chả, bánh cuốn, bánh tôm…
Phở Minh có cả phở bò lẫn phở gà nhưng đặc biệt hơn cả còn có bài thơ do thi sĩ Trần Rắc đề tặng. Bài thơ được cắt chữ, đóng khung kính, treo trên tường. Bài thơ Đường luật có 4 câu đầu như sau:
Nổi tiếng gần xa khắp thị thành,
Trần Minh Phở Bắc đã lừng danh.
Chủ đề: tái, chín, nạm, gầu, sụn,
Gia vị: hành, tiêu, ớt, mắm, chanh.
Trần Minh Phở Bắc đã lừng danh.
Chủ đề: tái, chín, nạm, gầu, sụn,
Gia vị: hành, tiêu, ớt, mắm, chanh.
Thi sĩ Trần Rắc chính là ông chủ tiệm giầy Trần Rắc đường Lê Thánh Tôn, gần Khám Lớn Catinat năm xưa. Tiệm giầy Trần Rắc, và cả mấy tiệm giầy ở đường này, đều có cửa sau đi vào hẻm ‘ẩm thực’ Casino.
Việt Nam ta đúng là… ra ngõ gặp nhà thơ, nói theo kiểu văn chương ‘cách mạng’: “Ra ngõ gặp anh hùng”. Đến như ông chủ tiệm giầy cũng có thể làm thơ về phở chứ chưa dám nói đến Tản Đà là người viết nhiều về nghệ thuật ăn uống!
Trên đường Mạc Đĩnh Chi (Massiges), gần bên hông Tòa đại sứ Mỹ, còn có phở Cao Vân, dù tiệm phở này không nằm trên đường Trần Cao Vân (Larclause) cách đó không xa. Theo tôi, phở Cao Vân (25 Mạc Đĩnh Chi) chỉ thuộc loại ‘thường thường bậc trung’ nhưng được nhắc tới cùng với phở Minh vì Cao Vân cũng có một bài thơ ca tụng phở của thi sĩ Tú Mỡ được viết bằng sơn ngay trên tường.
Trong các món ăn Quân Tử Vị
Phở là quà đáng quý trên đời
Phở là quà đáng quý trên đời
Chủ của phở Cao Vân ngày nay là một ông cụ Bắc Kỳ hom hem theo năm tháng. Ông không còn đứng ra nấu phở nhưng chiều chiều thường ngồi nhậu lai rai với các ‘chiến hữu’ để hưởng nhàn!
Lại nói thêm về thơ với phở. Xin hãy đọc mấy vần thơ ‘con cóc’ dưới đây:
Sáng chở cơm ăn phở
Trưa chở phở ăn cơm
Trưa chở phở ăn cơm
Hóa ra cơm là vợ mà phở là bồ. Nội việc ăn phở điểm tâm với vợ và ăn cơm trưa với người tình cũng đủ khiến khách hào hoa mệt nhoài cái bụng và cái ví. Ấy thế mà có vị lại còn thèm… cháo ăn khuya nữa!
Trên đường Pasteur có Phở Hoà, khá nổi tiếng. Ban đầu, lúc khai trương năm 1960, tiệm phở này mang tên Hoà Lộc. Có lẽ sau này khách ăn cứ gọi tắt là Hòa nên Hòa Lộc biến thành Hòa theo kiểu gọi tên một chữ cho dễ nhớ thường thấy ở các tiệm phở (?).
Phở Hòa (260C Pasteur, quận 3) ngày nay lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào. Hòa đã trở thành một ‘thương hiệu’ không những nổi tiếng ở Việt Nam mà nước ngoài như Nhật Bản, Đài Loan, Đại Hàn, và dĩ nhiên là cả Hoa Kỳ, đều biết đến. Có điều, Phở Hòa khẳng định, hoàn toàn không thành lập chi nhánh nào tại nước ngoài. Nếu đúng như vậy thì những tiệm mang tên Phở Hòa tại Mỹ, Úc và Pháp đã ‘mạo nhận’ hay đây chỉ là một sự… trùng tên ngoài ý muốn?
Khách ăn Phở Hòa, ngoài người Việt còn có cả người nước ngoài, có lẽ vì vậy mà giá cả cao vút? (khoảng 45.000 một tô so với những nơi khác, bình thường tiệm nào cao lắm cũng chỉ đến 30.000 đồng!). Phở Hòa chỉ chuyên loại phở bò, nếu vào đây mà tìm tô phở gà thì không có. Khách phải chịu khó ra đường Hiền Vương (bây giờ đổi tên là Võ Thị Sáu), đến tiệm Hương Bình, ‘chuyên trị’ phở gà.
Nói đến phở Sài Gòn tại khu vực trung tâm, phải nói đến tiệm Phở 79, ngay tại số nhà 79 trên đường Võ Tánh. Khoảng năm 1952, tiệm Phở 79 mở cửa, khi đó nền nhà của tiệm còn thấp hơn mặt đường. Chỉ vài năm sau tiệm phát đạt, chủ nhân mua hai nhà bên cạnh, mở lớn thành tiệm Phở 79 khang trang và có thể nói là một trong những tiệm phở sạch nhất Sài Gòn thời đó.
Trường Sinh ngữ Quân đội có chi nhánh ở đường Nguyễn Văn Tráng rất gần với Phở 79 tại khu vực Ngã sáu Sài Gòn. Gần Phở 79 tôi nhớ còn có nhà mồ của Á Thánh Matthew Gẫm. Nơi đây, (tiệm Phở 79 chứ không phải nhà mồ!) đám giảng viên chúng tôi thường xuyên ăn sáng, ăn trưa và cả ăn tối mỗi khi ‘ứng chiến’ tại trường.
Phở tại đây được đánh giá là… ‘ăn được’. Nếu ai ‘ăn không được’ thì chịu khó đi thêm vài bước ra Ngã Sáu, nơi đây có đủ các món ăn chơi thuộc loại bình dân, từ phở, hủ tiếu cho đến mì và có cả xe… bánh mì mua về trường nằm gậm trong những đêm ứng chiến!
Gần ngã tư Phú Nhuận có phở Quyền trên đường Võ Tánh (thuộc quận Phú Nhuận), cách cổng phụ của Tổng tham mưu chừng 100 mét. Tôi thường ghé ăn nơi đây mỗi khi về trụ sở chính của Trường sinh ngữ trong Tổng tham mưu. Nước phở ở đây rất đậm đà, vị ngọt là của xương ống chứ không phải vì bột ngọt. Phở Quyền còn có cả món ‘tái sách tương gừng’ được xếp vào loại… trứ danh.
Con cháu của một số gánh phở nổi tiếng Hà Nội đã vào Nam lập nghiệp năm 1954, trong cơ hội lịch sử này có phở Tàu Bay. Vốn là quán phở do ông nội mở vào 1950 ở Hà Nội, khi di cư vào Nam, ông chủ quán được người bạn thân tặng cho chiếc mũ bay. Ông thường xuyên đội nó, khách thấy lạ, gọi ông “Tàu bay” rồi chết tên thành tên quán.
Phở Tàu Bay ở đường Lý Thái Tổ ngày nay vẫn bán và khách quen ngày nào vẫn chịu khó mò đến đây để tìm lại hương vị đặc thù. Phải nói Phở Tàu Bay rất… hiếu khách. Gọi thêm nước béo, nhà phở đem ra cả tô chứ không bằng chén nhỏ như những tiệm khác. Tô đặc biệt của Tàu Bay lại là tô ‘Xe Lửa’, bánh và thịt trên mức hậu hĩnh.
Việt Nam có Phở Tàu Bay, có tô Xe lửa thì bên Mỹ có phở… Xe Tăng (Tank Noodle)! Bạn không tin ư? Xin có tấm hình chụp tại Chicago làm bằng chứng:
Ở Houston, Texas, còn có Phở Dũng. Cái tên đối với người Việt chẳng có gì phải bàn nhưng khổ nỗi người Mỹ lại cắc cớ không quen với việc bỏ dấu trong tiếng Việt khiến Phở Dũng thành Pho Dung. Mà ‘dung’ thì eo ôi, cái chất thải của con bò, mất vệ sinh quá. Chắc thế nào cũng có anh Mẽo thắc mắc chui vào quán để tìm cảm giác lạ. Cũng xin đính kèm một tấm ảnh để người viết khỏi bị mang tiếng là… ăn không nói có:
Chẳng đâu ‘kỳ cục’ bằng xứ cờ hoa. Tô phở to bằng cái thau và giá có nơi lên đến $22 (3XL Pho Challenge, 2 pounds of meat and 2 pounds of noodles)! Không dám nói ngoa. Tôi đã được xem một video clip trên YouTube có cảnh khách ăn ‘ngụp lặn’ trong thau phở nhưng cuối cùng cũng chỉ ăn được… nửa thau! Mỹ “thật” cũng chưa chắc ăn hết chứ nói gì… mít!
Theo tôi, phở ngon nhờ… nước phở. Tôi có thói quen mỗi khi ăn phở là phải dùng muỗng múc một thìa nước phở, nếm thử xem có hợp với sở thích của mình hay không. Nói không ngoa, với tôi, thìa đầu tiên đánh giá cả một tô phở.
Tái, chín, nạm, gầu, sụn, sách thì tiệm phở nào cũng có nhưng nước phở là bí quyết riêng của mỗi chủ tiệm. Bỏ húng lìu nhiều quá cũng mất ngon vì nếm thử đã thấy vị giống như mùi thuốc bắc. Cho bột ngọt nhiều sẽ át mất vị ngọt tự nhiên của xương bò. Ăn một tô phở có nhiều bột ngọt sẽ khiến người ta phải uống nhiều nước vài giờ sau đó.
Tương đỏ, tương đen chỉ làm bát phở thêm màu sắc chứ không thể làm phở ngon hơn. Ấy là chưa kể những trường hợp tiệm phở dùng loại tương rẻ tiền hoặc tương để lâu ngày có vị chua chua làm hỏng cả tô phở. Tôi thích ăn phở phải cho một chút nước béo mới ngon. Ngày xưa, cholesterol hãy còn là một danh từ xa lạ nên khách cứ thoải mái gọi thêm một chén nước béo vàng ngậy.
Cách ăn phở xem ra cũng cầu kỳ chứ không đơn giản như người ta nghĩ. Các bà, các cô vốn là ‘yểu điệu thục nữ’ nên thường gắp bánh phở lên muỗng, bỏ một miếng thịt và chan thêm tí nước trước khi đưa lên miệng. Ngày nay, kiểu ăn phở này rất hiếm thấy ở phái nữ. Có lẽ nhịp sống ‘hiện đại’ không cho phép người ta ‘câu giờ’, kiểu cách… Nhìn kiểu ăn ‘hùng hục’ ngày nay lại chạnh lòng nhớ tới những tiểu thư ngày nào!
Thì ra ăn phở cũng là một nghệ thuật. Ăn thế nào để người đối diện chia sẻ được cái ngon của phở. Riêng tôi, chỉ tiếc một điều là bây giờ đã luống tuổi, răng cỏ lung lay, cái còn cái mất, nên không thể thưởng thức những món ‘tuyệt chiêu’ như sụn, sách (nhất là món tái sách tương gừng) mà chỉ dám nhai trệu trạo tái bằm, thịt chín nhừ hay thịt bò viên. Giờ mới thấy rõ, tuổi già chịu nhiều thua thiệt, mất mát. Khổ một nỗi là những mất mát này dù có tiền, có của, có danh vọng cũng không thể nào bù đắp được.
Tiện đây cũng xin kể lại một chuyện thuộc loại tiếu lâm nhưng lại cười ra nước mắt đối với các đấng trượng phu thuộc lứa tuổi ‘thất thập cổ lai hy’ và khi đó thì… ‘lực bất tòng tâm’. Chuyện cũng đề cập tới ‘hưu non’, một hiện tượng thường thấy trong chế độ xã hội chủ nghĩa khi cán bộ, vì lỡ tham nhũng, nên tìm cách ‘hạ cánh an toàn’.
Truyện xuất phát từ một buổi họp tổng kết sau 70 năm hoạt động của… cơ thể (chứ không phải của… cơ quan). Các bộ phận trong người lần lượt lên phát biểu. Ðầu tiên là ‘đồng chí’ não bộ: “Tôi được sinh ra cùng lúc với con người và đóng một vai trò quan trọng. Tôi là cơ quan điều hành mọi hoạt động của con người và cho đến bây giờ tôi vẫn hoạt động tốt. Tôi xin được tiếp tục phục vụ cách mạng”.
Kế đến là ‘đồng chí’ tim: “Tôi cũng được sinh ra cùng lúc với con người, tôi giữ một nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng. Tôi giúp việc tuần hoàn máu để nuôi sống cơ thể và các bộ phận khác. Ðến nay, tôi vẫn hoạt động tốt, tôi xin tiếp tục được cống hiến”.
Sau khi các bộ phận khác cũng lần lượt lên phát biểu, hội nghị rơi vào yên lặng. Thế rồi có một giọng nói yếu ớt phát ra từ phía bên dưới:
“Xin thưa các đồng chí, tôi cũng được sinh ra cùng với con người nhưng tới năm 20 tuổi tôi mới được làm việc. Công việc của tôi rất là vất vả và nặng nhọc, phải làm việc trong đường hầm tăm tối, ẩm ướt và trơn trợt. Cho nên, bây giờ tôi không còn khả năng để phục vụ nữa, tôi xin… VỀ HƯU!”.
Các bộ phận khác nghe thế vội phản đối, có đồng chí đập bàn nói: “Ai? Có ngon thì ngóc đầu đứng dậy nói ‘nớn’ xem ‘lào’? ‘Nàm’ việc mới có 20 năm mà đã đòi về hưu? Thế ‘nà’ thế ‘lào’?”
Giọng nói yếu ớt ấy lại vang lên: “Xin lỗi các anh, nếu em có thể ngóc lên được thì em xin về hưu để làm gì!”
Bộ phận này ngày nay còn được gọi nôm na là… trên bảo dưới không nghe! (Mạn phép trích dẫn lời cựu Thủ tướng Phan Văn Khải khi ông phê bình nhiều địa phương không tuân theo sự chỉ đạo của trung ương).
***
Xin trở lại chuyện món ngon Sài Gòn xưa. Kể từ khi người Bắc di cư vào Nam, tiệm phở đánh bạt các tiệm hủ tiếu, vốn là món ‘đặc sản’ của miền Nam. Các tiệm hủ tíu nổi tiếng Sài Gòn phải kể đến hủ tíu Thanh Xuân đường Tôn Thất Thiệp (gần chùa Chà Và), hủ tíu Phạm Thị Trước ở đường Lê Lợi (khúc gần Pasteur), hủ tíu Gà Cá ở đường Hàm Nghi gần khu Ngân hàng Quốc gia và hủ tíu Thanh Thế trên đường Nguyễn Trung Trực…
Có người đến hủ tíu Phạm Thị Trước gọi thêm bánh pâté chaud ăn kèm, cũng giống như hủ tíu Gà Cá. Tuy nhiên, mỗi tiệm hủ tíu đều có hương vị riêng khiến một khi khách đã ‘kết’ thì khó đi ăn nơi khác. Hủ tiếu Sài Gòn sáng nào cũng đông người đến thưởng thức, không cần đợi đến những ngày cuối tuần.
Thường thì hủ tíu có bánh mềm, chỉ riêng hủ tíu Thanh Xuân hay Mỹ Tho thì thêm bánh dai, nấu khô hay nước, tùy theo ý thích của khách. Chỉ nhìn dĩa rau dọn lên trước thì cũng thấy bắt mắt: giá, hẹ, rau cần tàu, tần ô và vài cọng sà lách. Thêm vào đó, mùi nước lèo xông lên như đập vào khứu giác thực khách làm cho bụng cứ gào thét như… mèo đêm động đực…
Người bồi bàn bưng mâm ra, để tô hủ tíu trên bàn, mùi nước lèo xông lên mũi, nếm thử ‘nghe’ được mùi thơm của nước lèo, thêm chút gia vị vào và cầm đũa ngay. Hủ tíu Thanh Xuân thì phải có rau tần ô, rau cần tàu, giá sống. Hủ tíu Phạm Thị Trước hay Thanh Thế cũng thế, nhưng không có rau tần ô. Riêng hủ tíu Gà Cá thì chỉ có giá sống.
Tuy nhiên, các thứ hủ tíu nếu thiếu vài miếng tóp mỡ và cải bắc thảo thì hình như thiếu mất cái gì đó. Nước lèo vừa ngọt của xương, vừa béo của chất tủy từ ống xương, thoang thoảng chút mùi của con mực, tôm khô, hào khô và củ cải. Những thứ ấy quyện vào nhau thành một thứ nước lèo hấp dẫn của tô hủ tíu.
Hủ tiếu loại ‘bình dân’ thì có những xe hủ tíu bán dạo. Từ mờ sáng cho đến khi màn đêm buông xuống, nghe tiếng rao… lòng thấy nao nao! Sau 1975, Sài Gòn còn có hủ tiếu ‘gõ’ là những xe hủ tiếu tại các khu lao động. Mỗi xe hủ tiếu có vài cậu bé đi khắp hang cùng ngõ hẻm trên tay cầm cục sắt và gõ những âm thanh không khác gì kiểu ‘xực tắc’ gõ bằng ống tre của Sài Gòn xưa.
Những người bán hủ tiếu ‘gõ’ ngày nay đều là dân nhập cư từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Vào Sài Gòn, họ sống tập trung thành xóm và cứ mỗi buổi chiều, tiếng ‘gõ’ của họ có mặt khắp các ngõ hẻm Sài Gòn. Những đứa trẻ tháp tùng xe hủ tiếu ngày nào cũng phải đi bộ đến hàng chục cây số nếu tính khoảng cách đi ‘gõ’ và đi bưng. Còn đâu thì giờ đến trường như các bạn đồng trang lứa?
Một ngày làm việc của xe hủ tiếu ‘gõ’ chấm dứt vào khoảng 1 giờ sáng. Đẩy xe hủ tiếu về, dọn dẹp hết mọi thứ, 3 giờ sáng mới được ‘ngả lưng’ cho tới 9 hoặc 10 giờ sáng hôm sau, thức dậy chuẩn bị cho cữ trưa đi bán. Rồi lại làm quần quật cho tới 2 giờ sáng hôm sau mới đi ngủ. Ngày nào cũng như ngày nấy, suốt 7 ngày một tuần…
Đối với tôi, một món cũng thuộc loại ‘khoái khẩu’ ở Sài Gòn là… bánh mì thịt nguội, trong đó có cả jambon, xúc xích, patê ăn kèm với sốt mayonaise và đồ chua! Bánh mì thịt nguội ăn sẽ ngon hơn nếu bạn có thì giờ ngồi nhâm nhi tại tiệm: các loại thịt bầy trên đĩa trắng tinh kèm thêm một cục sốt bên cạnh dao, nĩa sạch bóng. Bẻ một miếng bánh mì còn nóng, trét sốt lên trên rồi một lớp patê, sau đó cắt một miếng jambon… đưa vào miệng. Tuyệt cú mèo!
Một trong những tiệm bán bánh mì thịt nguội có tiếng ở Sài Gòn từ năm 1954 và còn tồn tại đến ngày nay là Hòa Mã. Tiệm Hòa Mã nằm trên đường Cao Thắng, gần khu vực Bàn Cờ, nơi có những địa điểm nổi tiếng như Kỳ Viên Tự, Tam Tông Miếu, trường Aurore, Cư xá Đô Thành, nhà bảo sanh Đức Chính, xe bánh mì Tám Lự, quán bánh tôm, miến lươn, bánh cuốn Cổng xe lửa Phan Đình Phùng (ngày nay là Nguyễn Đình Chiểu).
Ngày nay, Hòa Mã không khác xưa là mấy. Hòa Mã cũ kỹ, bảng hiệu phai màu theo năm tháng vì đã tồn tại hơn 50 năm kể từ ngày mở cửa. Nhiều người nói chủ nhân Hòa Mã là người đầu tiên bán những ổ bánh mì thịt kiểu Sài Gòn. Ngay đến bà Nguyễn Thị Dậu, chủ nhân hiệu bánh mì Như Lan nổi tiếng thời bây giờ, cũng đã từng tâm sự, ngày xưa bà rất mê bánh mì Hoà Mã. Lúc nhỏ, bà Dậu thường đến mua bánh mì Hòa Mã và ước ao ngày nào đó mình cũng có một cửa hàng như tiệm Hòa Mã.
Năm 1954, vợ chồng ông Lê Minh Ngọc và bà Nguyễn Thị Tịnh, di cư vào Nam. Trước đó, bà Tịnh làm ở hãng thịt nguội chuyên cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội. Khi vào Sài Gòn, hai ông bà đã có sẵn ý định mở cửa hàng bán bánh mì thịt nguội.
Năm 1958, cửa hàng bánh mì thịt nguội mang tên Hoà Mã (tên một làng ở ngoại ô Hà Nội) tọa lạc tại số 511 Phan Đình Phùng, nay là Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Sau đó hai năm, tiệm dời về số 53 Cao Thắng cho đến nay. Hòa Mã nổi tiếng đến độ tên của quán trở thành tên con hẻm.
Tiệm Hoà Mã gọi ổ bánh mì thịt của mình là cát-cút, dùng theo tiếng Pháp cassecroute, bữa ăn lót dạ, bữa ăn nhẹ. Những năm 60, giá bán một ổ bánh mì Hòa Mã là 3 đến 5 đồng, ổ lớn có bơ tươi thì 7 đến 10 đồng.
Ngày nay, bác Ngọc đã qua đời, còn bác Tịnh vẫn giữ tiệm Hòa Mã y như cảnh tiệm trước năm 1975, giống y như bác: răng đen, đầu vấn khăn. Bác không muốn sơn phết, sửa sang lại tiệm, dù bác dư sức làm việc đó. Có thể chính vì thế mà những khách quen gắn bó với Hoà Mã hơn bánh mì Hà Nội.
Tiệm bánh mì Hà Nội nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật gần đó. So với Hòa Mã, bánh mì Hà Nội bây giờ hào nhoáng hơn, lớn hơn, nhưng không còn cho khách ngồi ăn tại chỗ, chỉ bán bánh mì mang đi. Hà Nội ngày nay bán nhiều thứ chứ không phải chỉ có bán bánh mì thịt nguội như trước năm 1975. Trong khi đó Hoà Mã bé nhỏ, gọn gàng, khiêm nhượng, phong sương với dấu vết thời gian tiêu điều, già lão vẫn cứ trơ gan cùng nắng bụi Sài Gòn.
Đặc điểm của Hòa Mã là chỗ ngồi chỉ là những cái bàn nhỏ kê dọc theo vách tường ngay trên con hẻm phía bên hông tiệm, chỉ độ 6 hay 7 bàn, còn trong tiệm chỉ khoảng 2 bàn để khách ngồi ăn. Bây giờ thì khách đến Hòa Mã chủ yếu là mua mang về, chỉ còn lại một số ít khách có thì giờ ngồi nhâm nhi bánh mì thịt nguội kèm ly cà phê sữa nóng, cà phê đá hoặc trà đá. Phần thịt nguội cũng được tăng cường thêm món giò, chả và cả trứng ốp-la.
Xe bánh mì Tám Lự gần chợ Bàn Cờ chỉ bán từ xẩm tối đến đêm khuya. Một ổ bánh mì Tám Lự dài cỡ 4 tấc, hai gang tay, tối ăn vào no đến sáng. Bánh mì ngon, ngoài pâté chả lụa, pâté foie, bơ Bretel còn thêm dưa leo, ngò, hành lá, nước tương, muối tiêu, ớt xắt. Ngày xưa khách chỉ cần nói: “Cho một Tàu lặn hay một Tiềm thuỷ đĩnh đi, anh Tám!” là khách sẽ có ngay một ổ bánh mì nóng dòn, thơm phức.
Nếu muốn sang hơn thì lên Bánh mì Paté Tòa đô chính trên đường Nguyễn Huệ hoặc tiệm bánh Hương Lan trên đường Tự Do hay ngồi Thanh Bạch đường Lê Lợi (gần Bệnh viện Sài Gòn). Chỉ cần gọi đĩa bánh mì thịt nguội kèm theo một ly cà phê sữa đá là đủ no cho đến trưa. Thanh Bạch vẫn là nơi lý tưởng để vừa ăn sáng vừa ngắm cảnh người Sài Gòn sửa soạn cho một ngày mới.
Bánh mì thịt ngày nay đã chạy sang tận Hoa Kỳ, nơi có nhiều người Việt định cư sau năm 1975. Bánh mì thịt trở thành một trong những món ăn ‘quốc hồn, quốc túy’ của người Việt tại hải ngoại. Người Mỹ gọi đó là Vietnamese Baguette Sandwiches: sự kết hợp của bánh baguette có xuất xứ từ Pháp cộng với các lọai nhân do người Việt sáng tạo.
Ở những nơi có đông người Việt định cư, như tiểu bang California hay Texas, đã thấy xuất hiện những thương hiệu như Bánh mì Ba Lẹ, Bánh mì Sài Gòn… nhưng nổi tiếng hơn cả là hệ thống các cửa hàng mang tên Lee’s Sandwiches do một ông chủ họ Lê, được Mỹ hóa thành Lee, đứng ra kinh doanh.
Ngoài món bánh mì thịt, Lee’s Sandwiches còn có bánh mì paté, jambon, chả, xúch xích, xíu mại, cá mòi… đi kèm với các thức uống như cà phê đen, cà phê đá, cà phê sữa đá và các lọai nước sinh tố như xòai, dâu, cam, đu đủ…
Sau hơn 30 năm kinh doanh trên đất Mỹ, ngày 8/8/2008, vào lúc 8 giờ 8 phút, Lee’s Sandwiches đã có mặt tại Chợ Cũ, số 80 Hàm Nghi, Quận 1, với bảng hiệu Lee*s Coffee. Không phải chỉ người Trung Quốc mới biết chọn ngày khai mạc Thế vận hội với toàn số 8, Lee’s Sandwiches cũng biết chọn cho mình một ngày khai trương tưng bừng với toàn số 8!
Bánh mì Như Lan ở Melbourne giá 4 đô Úc một ổ. Quy ra tiền Việt thì quá mắc (khoảng 60.000 đồng) nhưng nếu so với mức lương trung bình của người lao động tại Úc, từ 6 đến 8 đô một giờ, thì cái giá bánh mì 4 đô lại là điều bình thường! Melbourne còn có hiệu bánh mì Ba Lẹ, nhưng Như Lan vẫn là hiệu bánh mì số một tại khu Footscray vốn là trung tâm sinh hoạt của người Việt tại Melbourne.
Người Việt tại Úc có nhiều kiểu bánh mì: thịt nguội (mixed ham), nem nướng (BBQ kebab), sườn nướng (BBQ pork), xíu mại (meatballs), gà rôti (chicken + onion), gà nướng (BBQ chicken), bì heo (shredded pork), trứng (scrambled egg)… kèm theo đầy đủ ‘đồ phụ tùng’ như rau xà lách, dưa leo, đồ chua, hành, ngò… Người ăn khỏe có thể chọn bánh mì đặc biệt (special combo) còn người ăn chay thì có bánh mì chay (vegetarian) nhân gồm đậu hũ (tofu) và các lọai rau.
***
Sài Gòn xưa có 2 tiệm Thanh Bạch, một ở đường Lê Lợi, bên rạp xi-nê Vĩnh Lợi. Tiệm Thanh Bạch thứ hai ở đường Phạm Ngũ Lão, trong dẫy phố trệt dưới tòa soạn nhật báo Sàigòn Mới năm xưa. Ngoài bánh mì ốp-la, ôm-lết, thịt nguội, Thanh Bạch có bánh mì bò kho, tức ragout, hủ tíu và đặc biệt là món suông. Bún suông dùng xương heo để nấu nước lèo, và đặc biệt ở đây là dùng tôm tươi lột vỏ, bỏ đầu, bằm nhuyễn sau đó vo lại thành sợi dài (như sợi bún). Nước lèo ở đây rất trong, ăn kèm với rau sống…
Nhà hàng Tài Nam trên đường Ohier (Tôn Thất Thiệp) nổi tiếng với món đuông chà là chiên bơ rất ngon nhưng cũng rất mắc tiền. Theo nhà văn Sơn Nam, vua chúa cũng còn thèm ‘con đuông chà là’, tên chữ là ‘hồ đa tử’. Hồ đa là cây dừa rừng, tức cây chà là hoang thường mọc miền nước mặn miền Tây, giống như cây cau kiểng. Cây dừa rừng có ‘củ hũ’, tức đọt non, đến mùa sau Tết thường xuất hiện con đuông, giống như con nhộng. Đuông ăn đọt dừa non nên to, mập và thường được bắt trước khi nở thành bướm.
Sơn Nam viết: “Đem đuông nướng trên vỉ sắt, cho héo, rồi ăn, chấm với nước mắm nhĩ nguyên chất. Con đuông béo ngậy vì tăng trưởng, ăn ròng củ hũ cây chà là. Nay thấy ở vài quán nhậu bày bán với giá 8.000 đồng/một con!’. Như vậy, món bún suông ở Thanh Bạch chỉ là món giả đuông làm bằng tôm, tương tự như món ‘giả cầy’ miền Bắc nấu bằng giò heo (?).
Tiệm Tri Kỷ có ‘đặc sản’ là món rắn như cháo rắn nấu với đậu xanh, lòng rắn xào, thịt rắn xào sả ớt, rắn hầm thuốc Bắc, lẩu rắn… Cho đủ bộ sưu tập rắn phải gọi rượu đế hoặc rượu Tây trộn với máu rắn!
Tại Tri Kỷ, chủ quán rất nặng phần trình diễn, gọi đầu bếp đem rắn ra trước bàn tiệc, con rắn hổ dài gần 2m. Trong khi biểu diễn cho đầu con rắn ngóc tới ngóc lui theo bàn tay điều khiển điêu luyện của người đầu bếp thì… phập một cái, lưỡi dao bén ngọt đã chém phăng cái đuôi con rắn.
Liền khi đó, một người khác đưa rượu vào ngay để kịp hứng tia máu đầu tiên của con rắn. Cứ vậy, máu từ đuôi rắn tuôn vô bình rượu nhuộm thành màu đỏ cho tới khi con rắn xuội lơ, máu chỉ còn nhỏ giọt. Nghề ‘ăn uống’ thời nay cũng lắm công phu nhưng, thật tình mà nói, cũng quá thô bạo, dã man chẳng kém gì ‘trảm mã trà’ ngày xưa!
Lươn, rùa, ếch, rắn là 4 món hoang dã trong ‘văn hóa ẩm thực’ miền Nam, ngoài ra còn phải kể đến món chuột đồng là món luôn luôn hiện diện trong thực đơn của Tri Kỷ. Loại chuột này chỉ ăn toàn lúa và cỏ non, nên rất sạch chứ không như chuột thành phố sống chui rúc trong cống rãnh, bạ cái gì cũng ăn, ta gọi là ‘ăn tạp’. Chuột cũng phục vụ nhiều món như nướng rơm, đút lò, xào chua ngọt…
Hồi xưa có tin đồn những xe bò viên dùng thịt chuột, mà lại là chuột cống! Bà con một dạo đã ngoảnh mặt với bò viên khiến các xe bò viên phải chế ra trò ‘đổ xí ngầu ăn bò viên’. Có lẽ đây là tiền thân của phương cách tiếp thị thời nay: bật nút bia trúng… xe hơi Mercedes! Xe đâu không thấy chỉ thấy lủng túi bợm nhậu, mà dù có trúng cũng mất hết tình bạn nhậu vì ai là người chính thức đứng tên lãnh xe hơi trong đám đệ tử Lưu Linh?
Nói đến chuột, tôi nhớ đến thời cải tạo tại Trảng Lớn. Hồi những người cải tạo mới đổ bộ lên căn cứ cũ của Sư đoàn 25 Bộ binh tại Tây Ninh, chuột ở đây vẫn còn nhiều và là nguồn cung cấp thịt ‘miễn phí’ cho đám cải tạo đói ăn! Dĩ nhiên, đây không phải là loại chuột đồng vì chúng sinh trưởng tại phố thị. Thật tình, tôi chưa bao giờ có dịp thưởng thức món chuột Trảng Lớn nhưng theo lời mấy ông bạn tù, ‘thịt chuột ở Trảng Lớn không thua gì món chuột đồng ở Tri Kỷ!’.
Vùng Thanh Đa (Bình Thạnh) nổi tiếng khắp Sài Gòn với món cháo vịt, gỏi vịt. Vào buổi tối người Sài Gòn hay ra bán đảo Thanh Đa trước là để đón những luồng gió mát từ sông Sài Gòn thổi vào và khi về, ghé mấy quán cháo vịt, gọi thêm đĩa gỏi vịt ăn kèm. Nếu là ‘bợm nhậu’ thì gọi thêm chai bia Con cọp BGI để… đưa cay. Nếu ngại ra Thanh Đa thì trên đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) cũng có khu bán cháo vịt thuộc loại… ‘ăn được’. Thịt vịt tại đây khá mền, nhai kỹ thấy ngọt và đặc biệt không thấy nùi hôi vốn có của thịt vịt. Có thể họ tuyển loại vịt chạy đồng nên không hôi (?).
Đinh Công Tráng là một con đường nhỏ gần nhà thờ Tân Định nhưng cũng đi vào lịch sử ăn uống của Sài Gòn với món bánh xèo. Bí quyết của bánh xèo nằm ở kỹ thuật pha bột, sao cho khi chiên lên, bánh dòn tan khiến người ăn có thể cảm được cái thú nghe miếng bánh đang được nhai dưới hai hàm răng. Lớp bột gạo pha chút nghệ khi đổ vào chảo dầu tạo nên một tiếng ‘xèo’ khiến ta hiểu được tại sao lại gọi là… bánh xèo!
Dù trên bàn có đầy đủ muỗng, đũa nhưng để ăn bánh xèo đúng điệu là phải dùng tay. Rau xà lách hoặc cải bẹ xanh thay cho bánh tráng, thêm vài cọng rau thơm, chuối non, khế chua… sau đó ngắt một miếng bánh xèo để cuộn lại thành cuốn.
Trước khi ăn, cuốn được chấm vào chén mắm được pha chế với trái thơm, người không ăn được mắm có thể dùng nước mắm trộn đồ chua. Sau mỗi miếng bánh có thể nhắp thêm một ngụm bia có tác dụng làm tiêu hao lượng dầu mỡ để tiếp tục chiến đấu với miếng kế tiếp. Chừng 3 hay 4 lần gói là thấy cả chiếc bánh xèo vàng ngậy đã biến mất trên đĩa…
Ngày nay đường Đinh Công Tráng trở thành ‘đường bánh xèo’ nhưng người sành ăn thì chọn quán bên tay trái, nếu đi từ đường Hai Bà Trưng vào. Quán không tên nhưng người ăn vẫn nhớ vì nó đã đi vào ‘bộ nhớ’ của người Sài Gòn từ bao năm nay. Những quán đối diện bên kia đường trông có vẻ lịch sự hơn, sạch sẽ hơn nhưng vẫn chịu cảnh vắng khách vì là kẻ… hậu sinh.
Sài Gòn ngày nay còn có nhiều quán bánh xèo như Bánh xèo Bà Mười Xiềm đã từng đem chảo sang tận Mỹ để biểu diễn, hệ thống bánh xèo Ăn Là Ghiền với mạng lưới cửa hàng khắp thành phố, bánh xèo A Phủ… nhưng có lẽ không đâu bằng bánh xèo Đinh Công Tráng.
Khu Dakao có tiệm bánh cuốn Tây Hồ (127 Đinh Tiên Hòang), gần chợ Đa Kao, quận 1, đã nổi tiếng từ trước 1975. Tại đây, mỗi bàn có để sẵn một thẫu nước mắm và một chồng chén nhỏ để khách tùy nghi sử dụng, thêm nhiều hay ít ớt bằm theo sở thích riêng của từng người. Tuy nhiên, có khách lại thích chan luôn nước mắm vào đĩa để bánh cuốn thấm nước mắm, đậm đà hơn.
Chả quế và giò lụa được cắt thành miếng lớn, để riêng trong một đĩa nhỏ. Khách có thể chỉ ăn bánh cuốn nhân thịt mà không đụng tới đĩa giò chả, như vậy người phục vụ nhìn vào đĩa chả còn nguyên mà không tính tiền. Nếu cần, có thể gọi thêm đĩa bánh tôm hoặc bánh cuốn không nhân. Đây cũng là một sáng kiến trong việc phục vụ khách hàng.
Sài Gòn cũng có bánh cuốn Thanh Trì kiểu Bắc, mỏng như tờ giấy, ăn với ‘ruốc’ (chà bông) và nước mắm phải kèm với vài giọt cà cuống mới là ‘sành điệu’! Còn bánh ướt là kiểu bánh cuốn bình dân ở Sài Gòn, cũng ăn kèm với bánh tôm chiên, giò, chả và rau, giá. Những xe bánh ướt được đẩy đi khắp Sài Gòn, có cả nồi hấp nên lúc nào bánh cũng nóng và người bán bao giờ cũng chan nước mắm vào đĩa thay vì chấm kiểu ‘thanh cảnh’ như bánh cuốn Thanh Trì.
Lại nói thêm, đường Albert (vào thời Đệ nhất Cộng hòa đổi tên thành Đinh Tiên Hoàng) khá dài nên dọc theo con đường này có nhiều địa chỉ ẩm thực nổi tiếng. Tiệm ăn Chez Albert (lấy tên theo con đường), Cà-phê Hân (được nói đến trong Chương 8: Thời điêu linh), Mỳ Cây Nhãn (tên đặt theo cây nhãn hồi đó còn trồng trước sân), Thạch chè Hiển Khánh (nơi sưu tầm rất nhiều thơ ca tụng thạch chè)… Tôi chắc chắn còn bỏ quên khá nhiều điểm ăn uống khác nữa trên con đường này.
Ở góc đường Tôn Thất Ðạm và Hàm Nghi ngày nay, trước kia vào thập niên 30 có một quán cháo cá nổi tiếng một thời. Buổi chiều cho đến gần khuya, khách đến ăn rất đông, nhất là khi cải lương, hát bội, hát bóng vãn hát.
Theo Vương Hồng Sển trong Sài Gòn Tạp Pín Lù, quán cháo cá này của người Tàu, gốc Quảng Đông, “cha truyền con nối suốt bốn năm thế hệ, trót trăm năm chớ không phải chơi…”. Cháo tại đây nấu bằng gạo tấm hầm với cá, xương heo và thịt tôm hùm để thành một thứ hồ sền sệt khiến “người đau mới mạnh dùng không sợ trúng thực, người mệt mỏi ăn vào cảm thấy nhẹ bụng, mau tiêu. Tô cháo cá Chợ Cũ quả là một ‘tô thuốc tráng thần’…”
Cháo cá có thể nấu nhiều cách và tùy theo từng loại cá. Đặc biệt phải có thật nhiều tiêu để đánh tan mùi tanh của cá. Người ta còn gia giảm thêm các loại rau thơm như thìa là nếu nấu theo kiểu Bắc. Đôi khi có nơi còn dùng hành phi ngoài hành lá, ngò và ớt say. Điều quan trọng là cháo cá phải ăn lúc còn đang nóng để giảm đi mùi tanh vốn có.
Cháo nóng hổi bốc hơi nghi nghút. Vừa thổi vừa húp xì xụp mới thấy được cái thú vị của món cháo cá Chợ Cũ. Thịt cá giòn, thơm, lẫn lộn hương vị của hành, tiêu, gừng và có thể ăn với ‘dầu chá quẩy’. Thú thật, tôi là người thích thịt hơn cá nhưng thỉnh thoảng được thưởng thức món cháo cá vẫn thấy ngon đến toát mồ hôi!
Có một tiệm cháo giò heo khá nổi tiếng trong ngõ đường Phan Đình Phùng (ngày nay là Nguyễn Đình Chiểu). Tiệm không có tên, chuyên bán cháo từ 6 giờ tối tới một, hai giờ sáng. Khách của tiệm này đa số là khách chơi đêm, khách đi nhẩy, khuya về đói bụng đến ăn tô cháo nóng. Cháo lòng cũng là món phổ biến trong họ nhà cháo. Ngôn ngữ Việt Nam cũng có thêm thuật ngữ ‘màu cháo lòng’ để chỉ một màu trắng nhợt nhạt, đùng đục, trông hơi bẩn tựa như… màu của tô cháo lòng!
Nói đến lòng heo tôi lại nhớ đến món ‘phá lấu’ ở góc đường Lê Lợi-Pasteur, nơi đây còn có xe bò bía và nước mía Viễn Đông. Bán phá lấu là một chú Tàu và ‘cửa hàng’ của chú chỉ vỏn vẹn một cái khay tròn, trên đó bầy đầy đủ nội tạng heo: lòng, dồi, gan, bao tử, ruột non, ruột già, tim, phèo, phổi… Trông thật hấp dẫn, ngửi thơm phức và ăn vào thì dòn tan. Phá lấu nói chung có vị hơi ngòn ngọt, gan thì bùi bùi, lòng thì hơi dai dai nhưng khi nhai kỹ mới thấy ngon… thấu trời xanh!
Nghệ thuật làm phá lấu chắc chỉ mấy ‘chú ba’ mới đáng hàng ‘sư phụ’. Phá lấu làm tại nhà cũng ướp húng lìu, ngũ vị hương nhưng không thể nào so sánh với phá lấu góc nước mía Viễn Đông. Từng miếng phá lấu được ghim sẵn bằng que tăm, chấm với tương đỏ trộn tương đen. Khách ăn xong chú Ba chỉ nhìn tăm mà tính tiền nhưng tuyệt không bao giờ sai. Quá bộ vài bước là xe nước mía tươi mát đang chờ… để kết thúc một chuyến ăn hàng bên lề đường.
Nói đến chuyện ăn ở lề đường phải kể đến một món nữa là thịt bò khô hay người Sài Gòn còn gọi là gỏi đu đủ khô bò. Vốn là món khoái khẩu từ thời còn đi học nên thịt bò khô cứ quanh quẩn trong ký ức của tôi với tiếng ‘chách chách’ của tiếng kéo mỗi khi cắt thịt bò khô hay cắt gan cháy.
Gần nước mía Viễn Đông có xe thịt bò khô của ông Năm (theo tên gọi của khách quen) và sau 75 ông dời về đường Tự Đức (nay đã đổi tên là đường Nguyễn Văn Thủ) thuộc khu Dakao.
Một đĩa gỏi khô bò là sự pha trộn màu sắc thật bắt mắt: màu vàng nhạt của những sợi đu đủ bào, màu vàng đậm của những hột đậu phọng, màu xanh của húng quế cắt nhỏ, màu nâu cánh gián của thit bò khô, gan cháy lại còn màu đỏ của tương ớt. Toàn bộ mảng màu đó được pha trộn với một ‘dung dịch’ hấp dẫn gồm dấn ngâm tỏi trắng, nàu đen của nước tương, nước mắm khiến người ăn chỉ mới nhìn thôi mà nước miếng đã tiết ra đầy miệng.
Người ta thường ‘nói khôn ăn cái, dại ăn nước’ nhưng trong việc thưởng thức món thịt bò khô mà không húp hết nước trong đĩa là cả một thiếu sót lớn. Nước trộn gỏi còn trên đĩa là phần kết hợp các vị ngọt của thịt, gan hòa với các loại gia vị và nước chấm khác. Đó mới là phần tinh túy của một đĩa gỏi bò khô.
Dân chơi Sài Gòn thường xếp hạng: “Ăn quận 5, nằm quận 3, xa hoa quận 1” nên viết về món ngon Sài Gòn mà bỏ qua khu vực Chợ Lớn là cả một thiếu xót lớn. Dọc đường Trần Hưng Đạo nối với đường Marins (Đồng Khánh) thuộc địa phận quận 5 có những nhà hàng, tửu lầu nổi tiếng một thời như Arc-en-Ciel, Đồng Khánh, Á Đông, Bát Đạt.
Nói đến khu này phải nhắc tới casino ‘Grand Monde’, hay còn gọi là Đại Thế Giới, nơi tập trung ‘tứ đổ tường’, đánh bạc thoải mái từ thời Pháp thuộc. Đại Thế Giới ngày nay biến thành khu văn hóa thiếu nhi quận 5 có cả khu vui chơi dưới nước cũng mang tên Đại Thế Giới.
Sau 1975, hồi gia đình tôi còn ở đường Hàm Tử chỉ cách Đại Thế Giới khoảng vài phút đi bộ, tôi vẫn thường dẫn cháu ngoại đến đây, không phải để đánh bạc, mà là để mấy đứa nhỏ chơi thú nhún!
Theo tôi, Chợ Lớn nổi tiếng hơn cả là đường Lacaze mà người Việt hay gọi trại là La Cai, tức đường Nguyễn Tri Phương sau này. Khu La Cai có mỳ vịt tiềm hầm thuốc bắc, một trong những món ‘tủ’ của người Hoa. Bên cạnh đó còn có những tiệm hủ tiếu mang tên Mỹ Tiên, Cả Cần và tiệm bánh bao Bà Năm Sa Đéc.
Đêm đến có các quán sò huyết dọc theo lề đường. Khách bình dân ngồi ăn nhậu thoải mái giữa dòng xe cộ ồn ào bên ánh đèn nê-ông từ các nhà hàng, vũ trường sang trọng của Chợ Lớn ‘by night’!
Phải thành thật nhìn nhận, Chợ Lớn ngày nay hiền hòa hơn xưa về mặt ăn chơi. Có thể vì số người Hoa tại đây đã ít đi sau đợt ‘vượt biên bán chính thức’ cuối thập niên 70. Nhiều ‘xì thẩu’ đã ra đi nên các mục ăn chơi cũng giảm đi rất nhiều.
Thôi thì đời người có lúc hưng lúc thịnh cũng như vận nước có khi thịnh khi suy. Viết lại món ngon Sài Gòn chỉ để thỏa mãn kiểu ‘ăn hàm thụ’ như đã nói ở trên. Giờ có cho ăn ‘thực thụ’ chắc cũng chẳng thấy ngon như thời còn trai trẻ. Tất cả chỉ còn là… hoài niệm!
***
Tân Định của tôi
Chả hiểu tại sao, nhưng hễ cứ nghe ai nhắc hoặc nói đến hai chữ Tân Định là tôi lại thấy lòng nao nao, xúc động một cách kỳ lạ. Không kềm được. Chỉ mới nghe đến hai chữ Tân Định không thôi là đã thấy cả một quãng đời thơ ấu thần tiên như hiện ra trước mắt với biết bao kỷ niệm vui buồn thân yêu, cả một thời mới lớn vô tư đầy mơ với mộng, và cũng cả… một thời “đổi đời” khốn đốn chật vật lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái ăn, cái mặc….
Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa đó
Đầy ắp trong tôi dìm hơi thở
Sắp xếp làm sao những mến thương
Cho tròn nỗi nhớ khung trời cũ.
Đầy ắp trong tôi dìm hơi thở
Sắp xếp làm sao những mến thương
Cho tròn nỗi nhớ khung trời cũ.
Đã ở Saigon, ai mà chả biết hoặc chưa từng đi ngang qua nhà thờ Tân Định? Qua Hai Bà Trưng, con đường chính nối liền Phú Nhuận và… cứ thế đi thẳng tắp lên phố? Đi thẳng ra chỗ tượng đức Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng, giang sơn của Hải Quân, thì có lẽ chính xác hơn, nhưng phố Catinat và Bonard cũng đã nằm lẩn quẩn gần đâu đấy, chỉ cách có vài bước.
Cái đất Tân Định của tôi có nhiều… thứ nổi tiếng lắm nhé. Rất rất nhiều thứ. Những nhân vật trứ danh của vùng quận nhất Tân Định nói chung, và khu Nhà Thờ (của tôi) nói riêng, thì… ối thôi hằng hà vô số, nhớ sao cho hết, và kể sao cho xuể? Một thí dụ nôm na thôi, tầm thường thôi, nhưng chắc chắn sẽ còn rất nhiều người vào lứa tuổi sồn sồn như tôi khó mà quên cho được… Chú Hòa (còn được gọi một cách thân mật là Chí Hòa) có cái xe đẩy bán sirop đá bào ở đầu cái hẻm đối diện với nhà thờ Tân Định. Những buổi trưa nắng gắt mà được sà vào dầm dầm khuấy khuấy một ly “đá nhận” thoang thoảng chút mùi chanh muối rồi nhấm nháp từng muỗng đá bào có xịt xịt tí sirop mầu xanh mầu đỏ, thì cứ gọi là… coi ông mặt trời như… ne pas, đã khát và mát ruột gì đâu!!! Lại nhớ hồi tôi còn đầu tắt mặt tối với cái quán café cóc (sau 75 ấy mà, buôn bán nhì nhằng chỉ mong kiếm đủ tiền đi chợ hằng ngày thôi, có mấy ai mà chẳng phải thế, như tôi, nhỉ? ) cũng ở ngay đầu hẻm, đã biết bao lần chú Hòa thương hại “giải vây” cho tôi vay tạm từng cục nước đá BGI để tôi phục vụ bán café “sữa đá” hay “đen đá” cho những người vừa tan lễ nhà thờ ùa vào hàng loạt…khiến tôi lính quýnh tíu tít pha pha chế chế luôn tay không kịp thở…và cái thứ hàng gì tôi bày bán cũng hết sạch nhẵn, chỉ trong nhấp nháy, sau những giờ tan lễ ngày chủ nhật.
Cái quán café cóc của tôi thật ra thì… chả có mấy người còn nhớ đến, nhưng nức tiếng lắm lắm cả Saigon lẫn Chợ Lớn là (quán đàng hoàng) Café Thu Hương nằm gần ngã tư đèn xanh đèn đỏ Hiền Vương ( Mayer cũ và bây giờ hình như là Võ thị Sáu thì phải). Ngày xưa, lúc đang còn trong thời kỳ nhắng nhố… sắp sửa thành người lớn, bọn ghiền ngồi café chúng tôi cứ phân vân không biết phải chọn café Văn Hoa Dakao hay Thu Hương Tân Định để được nghe những bài nhạc ngoại quốc “mới ra lò”, thịnh hành nhất, romantique nhất… Văn Hoa thì nhạc hay, âm thanh hay và có mấy cô caissières yé yé xinh xẻo nhưng café lại chỉ tàm tạm thôi, nên chúng tôi đóng đô Thu Hương thường hơn, vả lại những hôm lười đi xa, tôi chỉ việc băng qua đường là đã tới, gần xịt.
Gần xịt hơn nữa là cái quán bánh xèo Đinh Công Tráng, rộn rịp từ xế xế chiều cho đến tối khuya, lúc nào cũng tấp nập người và xe (nghe nói sau gần 40 năm rồi mà đến bây giờ vẫn còn tấp nập xe và người, cả ngày lẫn đêm nữa cơ đấy!). Đi quá thêm vài ba bước nữa là tới cái ngõ hẻm của nghệ sĩ Tùng Lâm, danh tiếng thì… cả nước biết. Tôi thường đi băng tắt ngang cái hẻm này mỗi ngày để ra chợ, cái hẻm đâm thẳng vào hông chợ, đầu hẻm có xe nước miá (pha lẫn với dâu Đàlạt) của chị Tám, trời thần ơi là ngon, nhất là được uống vào những buổi tối cúp điện. Có lẽ chưa có loại nước uống nào trên thế giới, theo tôi nghĩ, mà vừa rẻ, vưà đã khát, vừa ngon lại vừa bổ như nước miá, nêú đừng để ý đến cái đám nhặng xanh bay vần vũ trên những xác mía đã được ép lấy nước rồi, cũng như những đẵn mía chưa ép…
Cứ gì phải ra tận ngoài Hà Nội để mò đến Chả Cá Lã Vọng mới thưởng thức cho được cái món chả cá thì là chấm mắm tôm? Chả cá Sơn Hải ở ngay ngã ba Lý Trần Quán và Đinh Công Tráng (còn gọi là Calmette) mà không ngon ư? Cứ gọi là lịm cả người đi ấy chứ! Và trong cái ngõ hẻm sát kế bên còn có một nhân vật, lúc còn sinh thời, đã từng làm mưa làm gió trong giới điện ảnh hồi đó: tài tử Đoàn Châu Mậu, bố của Tuyền, cô bạn học cùng lớp với tôi ở M.C. và cùng học violon với ông xã nhà tôi ở trường Quốc Gia âm nhạc. Một cô bạn tính tình hiền hậu, lành như cục đất, ai nói gì cũng chỉ ngỏn ngoẻn cười… Cô bạn này của tôi đã có dạo, trước 75 một chút, cùng với Đức Huy là một Duo khá nổi tiếng trong làng ca nhạc Saigon.
Cha Tr. của giáo xứ Tân Định những năm 70 cũng là một nhân vật được nhắc đến… khá nhiều, nhất là trong giới trẻ. Một thần tượng, một hiện tượng… lạ thì đúng hơn, đáp ứng được cái “máu hippie” của bọn choai choai chúng tôi lúc bấy giờ. Những buổi lễ của Cha, dành riêng cho giới trẻ, lúc nào cũng đông nghẹt!
Bọn con gái chúng tôi mê nhất là bộ râu quai nón của Cha, giọng nói từ tốn “lịm cả hồn” và những bài giảng rất là giản dị và cởi mở, những bài thánh ca soạn theo thể loại mới, nghe mà cứ “ngơ ngẩn cả người”… vì hay! Tôi biết, đã có khối con chiên ghẻ bỗng dưng trở thành… ngoan đạo, chăm chỉ sốt sắng đi lễ nhà thờ không bỏ sót chủ nhật nào, cũng chỉ vì… Cha. Và trong số những con chiên ghẻ đó có tôi.
Sát bên nhà thờ Tân Định là trường Thiên Phước. Ngôi trường đạo này là của các Sơ, chỉ nhận toàn con gái và có một đặc điểm rất dễ thương là bắt các nữ sinh phải mặc đồng phục váy mầu hồng thay vì mặc váy mầu xanh nước biển đậm và blouse trắng như các trường đạo khác (Couvent des Oiseaux, Régina Pacis và Régina Mundi… chẳng hạn ). Cứ đến giờ tan học là cả khu Tân Định nhộn nhịp hẳn lên với một đàn bướm mầu hồng khổng lồ ríu rít túa ra xúm đông xúm đỏ các gánh hàng rong túc trực sẵn trước cổng trường, trông vui mắt đáo để. Quà vặt của vùng Tân Định là có tiếng đấy. Có tiếng là ngon! Mà cũng có tiếng là đắt! Chả thế mà người ta vẫn thường kháo với nhau là “Chợ Tân Định chỉ dành riêng cho những dân nhà giầu, bán toàn hàng “tuyển” nên mắc như quỷ (?), mà cũng đúng thôi, tiền nào của nấy!” Chả ngoa tí nào sất, thật, dân vùng Tân Định, phần lớn là “có máu mặt” cả mà! Những ngôi nhà lịch sự xinh xắn trong các con hẻm tương đối rộng rãi nêú so với những con hẻm của các vùng khác, và những cửa tiệm khang trang buôn bán sầm uất ngoài mặt đường… đã nói lên rằng thì là… Quận Nhất không phải khi khổng khi không mà được gọi là Quận Nhất, nghĩa là nhất trong các quận của Saigon! Và những lý do để dẫn chứng thì kể đến… mai, mốt cũng chưa hết.
Trước tiên phải kể đến lý do… yên ổn: năm 68 trong trận Mậu Thân, cái đất Tân Định chả suy xuyển một mảy may nào, ở đâu nhốn nháo chứ quanh vùng tôi ở vẫn cứ êm ru bà rù. Và kiểm lại trong ký ức, tôi rất ít khi nghe nói tới các băng đảng anh chị xuất thân hay những hành vi phạm pháp xuất phát từ cái xứ Tân Định. Chỉ cần nhiêu đó thôi, thế đã đủ là lý do chính đáng hàng đầu để chán vạn dân Saigon… ôm ấp giấc mơ có được “hộ khẩu” trong vùng này chưa nhỉ?
Thế thì văn hóa nhé? Yểm Yểm thư quán trên đường Trần văn Thạch chắc nhiều người trong giới chữ nghĩa vẫn chưa quên. Còn nữa, đối diện với chợ Tân Định, ngay đầu cái xóm sát với nhà thuốc bắc Kim Khuê ( có trưng một ông hổ to thật to, và thật, đứng chình ình trong tiệm) là chỗ cho mướn sách với một kho truyện phong phú… không thể tả được! Trên thì giời dưới thì sách, thôi thì không thiêú một thể loại hay tác giả danh tiếng nào. Những Văn Bình Z.28, “Lửa cháy Thành Phiên Ngung”, “Thủy Hử” hay Kim Dung hay Duyên Anh hay Ian Fleming…v..v.., đã góp cái vốn kiến thức cho biết bao già trẻ lớn bé không chỉ vùng Tân Định. Còn giới văn nghệ sĩ tụ tập trong vùng này thì đông vô số kể. Nào là nữ ca sĩ Bạch Quyên và Tuyết Mai của những năm “hồi đó lâu lắm rồi”, nào là nữ diễn viên kịch Mỹ Chi, nào là nữ sĩ Nguyệt Hồ nổi tiếng như cồn nhờ tài bói bài tây… Nói chi đâu xa, cũng vào đầu những năm 60, ngay trong cái ngõ trước cửa Nhà Thờ của tôi, ông hàng xóm sọan giả Hoàng Khâm là… số dzách trong làng cải lương. Mỗi tối khuya mà thấy ông bách bộ đi tới rồi lại đi lui, phía bên kia đường nhà thờ, để vắt tim nặn óc viết kịch bản dựng tuồng cho các gánh hát (hạng nhất thôi đấy nhé) là thiên hạ xung quanh nhìn bằng con mắt ngưỡng mộ ghê lắm.
Hiệu uốn tóc Mô-Đéc (dấu sắc) sát bên nách hiệu thuốc tây của nhà tôi cũng được các tài tử giai nhân của cả Saigon tận tình chiêú cố. Cô em Lìn Dí làm chủ tiệm này còn bà chị Lìn Chế có thêm một tiệm nữa, cũng tên Mô-Đéc nhưng nằm trên phố, đường Lê Lợi. Hai tiệm này lúc nào cũng đông nghẹt, nhất là vào những mùa Noel hay Tết, dễ thường khách đến “làm đầu” phải chờ đến cả tiếng đồng hồ mới được phục vụ. Chú Cóong, chú Cai… có những bàn tay bằng vàng, được các bà các cô “tán tiu” nhiều nhất. Cứ vào đây là khắc biết hết tuốt tuồn tuột những chuyện “trong nhà ngoài phố” của… cả nước, bảo đảm!
Chỉ cách nhau chưa đầy ba phút đi bộ, mà cái phố của tôi có đến hai rạp ciné. Bên hông chợ là rạp Mô-Đẹc (dấu nặng), và mặt trước của chợ là rạp Kinh Thành. Hai rạp này thay phiên nhau chiêú những phim Ấn Độ và cao bồi hay ra phết, thỉnh thoảng để thay đổi không khí lại mời các gánh Cải Lương hay Hồ Quảng về trình diễn, làm nghẽn cứng cả xe cộ lưu thông vào những giờ sắp mở màn hay vãn tuồng.
Đấy là những dẫn chứng (mê ly chưa?), liên quan đến “cái đầu”, mà tôi chỉ đại khái sơ qua thôi. Còn “cái bụng” ư? Hai con đường Hiền Vương và Pasteur với một dâỹ các hàng phở, món quốc hồn quốc túy vang danh khắp năm châu bốn biển, chả là cái nôi của nền văn hóa ẩm thực của nước Việt Nam đó sao? Dân sành sõi chỉ ăn phở thịt bò ở Pasteur và phở gà trên đường Hiền Vương. Và Phở Pasteur đã trở thành bảng hiệu của vô số tiệm Phở, điển hình là ở Boston bên Mỹ, của Mr. Lê D. Tiệm bán giò chả Bạch Ngọc và Phú Hương, cũng trên đường Hiền Vương thì… lọ là phải ngôn, nổi tiếng quá xá trời là ngon không đâu bằng.
Gì nữa? À, cái quán điểm tâm cơm tấm bì, gần bên trường dậy lái xe hơi của ông nghị sĩ Huyền, cũng vẫn trên đường Hiền Vương, không thể không góp phần vào “nghệ thuật ăn uống” của vùng Tân Định. Cô Mỹ Trinh của quán này bây giờ lại góp phần vào nền kịch nghệ hải ngoại bên Mỹ nữa đấy.
Và nhắc đến tiệm hòm Tobia thì không ai là không biết. Không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà thôi, tôi đã thấy bảng hiệu Tobia ở miền Nam Cali nữa cơ. Hình như bây giờ nằm trên đường Newland street của thành phố Westminster, gần nhà hàng Sea Food Cove thì phải (trước đó thì trên đường Edinger?) Không biết tiệm bán hòm này có liên hệ gì với vợ chồng Bùi và Cathy Tobia Tân Định, những người vẫn hay ngồi cùng… chiếu với vợ chồng tôi vào những ngày cuối tuần, hồi còn ở bên nhà?
Những “tai to mặt lớn” cũng không thiếu, khét tiếng nhất phải kể đến ngài “Th. đen” với chiếc Ca-ma-rô độc nhất vô nhị, luých vô cùng, nhất xứ, vào những năm đầu 70. Đối diện với tư dinh (bên trong cũng luých không kém, sau 75 trở thành trường Mẫu giáo) của ông vua điện lạnh này là tiệm Trinh´shoes. Một biệt danh lẫy lừng trong giới ăn mặc thời trang của Saigon, Hảo Trinh´ shoes, giới trẻ “xịn” thời đó ai mà chẳng biết?
Sở dĩ nói vòng vo, nhắc nhở tùm lum là tại vì… nhớ quá đấy mà. Chả là đêm qua nằm mơ, tôi thấy tôi đang đi chợ hoa, những ngày giáp Tết, ở bên nhà, ở Tân Định, ở trước cái cửa hàng Pharmacie nhà tôi. Tự dưng thấy quặn ruột nhớ nhà, nhớ Tân Định, nhớ cái không khí tấp nập không có chỗ len chân trên những ngã đường xung quanh nhà thờ vào những đêm Noel, nhớ cái tíu tít rộn rịp mua sắm của những ngày sắp Tết, nhớ lung tung, nhớ đủ thứ, nhớ ơi là nhớ, nhớ quay nhớ quắt, nhớ chín ruột chín gan, …nhớ quá lắm, Tân Định của tôi ơi!!!
Trong chuyến Mỹ du mới đây, gần hai tháng trước, tôi như tìm thấy lại được một phần nào cái hồn của quê hương tôi trên xứ người. Đứng giữa khu Phước Lộc Thọ, bên tai nghe ríu rít đủ các thứ tiếng miền Trung Nam Bắc, trước mặt và xung quanh chỉ toàn những khuôn mặt của người cùng xứ sở, tôi thấy nỗi buồn tha hương vơi đi rất rất nhiều. Và dường như tôi hít thở được mùi vị của quê hương tôi đâu đây, trên những bảng hiệu đề chữ Việt, qua những món ăn thức uống thuần túy của dân tộc tôi, và có đôi lúc tôi đã thoáng gặp lại cái khu Tân Định ngày xưa của tôi, ẩn hiện, bàng bạc, ngay trong khu thương xá này, cách nửa vòng trái đất chứ không phải ở trong lòng nước Việt Nam.
Tôi đi để lại đường xưa
Cùng bao kỷ niệm nắng mưa bên đời
Ai về Tân Định xóm tôi
Cho tôi nhắn nhủ đôi lời nhớ thương
Xa rồi những sáng mù sương
Hoàng hôn nhạt nắng giáo đường thánh ca
Tôi quỳ hồn bỗng mưa sa
Nhìn lên tượng Chúa, xót xa phận mình.
Cùng bao kỷ niệm nắng mưa bên đời
Ai về Tân Định xóm tôi
Cho tôi nhắn nhủ đôi lời nhớ thương
Xa rồi những sáng mù sương
Hoàng hôn nhạt nắng giáo đường thánh ca
Tôi quỳ hồn bỗng mưa sa
Nhìn lên tượng Chúa, xót xa phận mình.
Bích Vân
Hẻm ở Chợ Lớn
Lẩn khuất đằng sau những tấm biển “khu phố văn hoá” ở đầu nhiều con hẻm trong khu vực Chợ Lớn là những hàng đại tự bằng chữ Hán, đắp nổi, mang nhiều tên gọi khác nhau. Và thật thú vị khi biết ngay sau những con chữ ấy là cả câu chuyện phong phú về một cộng đồng cư dân người Hoa xưa định cư vùng Chợ Lớn – Sài Gòn.
Người Hoa sống ở vùng Chợ Lớn – Sài Gòn chủ yếu xuất thân từ vùng duyên hải Nam Trung Hoa, khi đến Chợ Lớn định cư, họ phải hoà nhập với cuộc sống của vùng đất mới. Chính việc thay đổi về mặt địa lý, thổ nhưỡng, nhà ở, phố thị… đã trở thành một yếu tố quan trọng, làm thay đổi cách tổ chức lại không gian sống trong cộng đồng người Hoa sao cho phù hợp với yếu tố bản địa. Việc xây dựng nhà cửa, phố xá, quy hoạch những khu dân cư mà tiêu biểu là việc thiết lập những con hẻm nhỏ đến nay vẫn còn tồn tại những dấu tích khá rõ nét trong vùng Chợ Lớn. Những tên hẻm với những từ cuối như Lý, Hạng, Phường… chính là một trong những điểm nhấn thú vị để hình dung về một phác đồ trong không gian sống của người Hoa xưa.
QUY HOẠCH NƠI ĐẤT MỚI
Những con hẻm dày đặc, chằng chịt khắp Sài Gòn với lối kiến trúc, quy hoạch đa dạng, phong phú, là nơi hội tụ đủ mọi loại hình từ đời sống, đến những nét văn hoá, tập tính rất đặc trưng của từng con hẻm. Hẻm của người Hoa vùng Sài Gòn – Chợ Lớn ngày xưa cũng thế. Ngay từ khi di cư đến vùng Chợ Lớn và thành lập làng (1689), người Minh Hương cũng mang luôn theo những phong tục tập quán từ cố quốc và được các thế hệ tiếp nối duy trì, kế thừa những nét cũ ở vùng đất mới. Và hẻm của người Hoa chính là một trong những điểm nhấn độc đáo, thể hiện rõ tính quy hoạch cụ thể, rõ ràng trong kiến trúc nhà ở, phố thị của người Hoa Chợ Lớn ngày xa xưa.
Những con hẻm xưa của người Hoa hầu hết đều được định danh bằng một tên gọi cụ thể, tên gọi ấy có thể là tên một địa danh, tên riêng của một người, chứ không mang số như kiểu các con hẻm khác của Sài Gòn – Gia Định. Dấu tích những con hẻm ấy nay vẫn còn tồn tại, với tên gọi như Dịch An lý, Tô Châu lý, Thái Hồ hạng, Phương Thể Các hạng, Tùng Quế phường…
Tìm hiểu về nghĩa của từ lý, hạng, theo PGS.TS Phan An, viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, tác giả của bài viết lý, và hạng ở Chợ Lớn có đề cập: “Lý – Hán từ, dịch theo tiếng Việt là một khu vực cư trú, có thể dịch thành làng hoặc thôn. Đây là đơn vị cư trú xưa của người Trung Hoa, tập hợp vài mươi nóc nhà. Hạng là một đơn vị cư trú nhỏ bên dưới lý với dưới mươi gia đình kế cận nhau. Những đơn vị cư trú hạng và lý ở Trung Hoa vốn dĩ phân bố ở nông thôn”.
Những “hạng”, “lý”, “phường” nay còn lại ở Chợ Lớn rải rác trên các đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Học Lạc… với lối kiến trúc rất đặc trưng, gọn gàng, đơn thuần là hai dãy phố với một tầng lầu, xây đối mặt nhau qua một con hẻm, thường được thiết kế theo đồ án song song hoặc tứ diện và thông thường là hẻm cụt. Có những hẻm vẫn còn dấu tích của chiếc cổng lớn ngay đầu hẻm như ở hẻm 236 Trần Hưng Đạo, xưa là hẻm Tùng Quế phường, nơi ở của những người thợ thuyền người Quảng Đông.
HẺM CŨ, HỒN XƯA
Thực tế các lý, hạng, phường của người Hoa trong Chợ Lớn không khác nhau nhiều về kiến trúc, phân bố dân cư, nhìn vẻ ngoài thì các lý và hạng cũng là những con hẻm tương tự như các hình thái hẻm khác ở khắp Sài Gòn. Nhưng trong cộng đồng người Hoa sinh sống tại các lý, hạng, phường… đều có những nét khác biệt.
Nhóm “ngũ bang” gồm Quảng Đông, Tiều (Triều Châu), Hẹ, Hải Nam, Phước Kiến đến vùng Chợ Lớn định cư, lúc cuộc sống dần ổn định, việc làm ăn phát đạt, các ông chủ khi mở rộng việc sản xuất, thường xây dựng luôn những dãy nhà phố liên kế, kiểu như chung cư thời nay cho thợ thuyền làm nơi trú ngụ. Và ở đầu lối đi nhỏ như con hẻm vào những dãy nhà thường được đặt một tên gọi để phân biệt. Những tên gọi lấy từ địa danh của cố quốc (có thể là quê hương của ông chủ) như Thái Hồ, Tô Châu, Dịch An, Cộng Hoà…
Qua thời gian, những biến động của lịch sử, của thời cuộc, những cư dân trong hẻm người Hoa xưa người còn người mất. Những người mới đến nay cũng không biết nhiều về các đại tự ở đầu hẻm nhà mình. Ở hẻm Hào Sỹ phường (206 Trần Hưng Đạo), vẫn nguyên vẹn hai dãy nhà 34 căn, bà cụ người Triều Châu bán hàng nước ngay đầu hẻm kể lại rằng: “Cái hẻm này của những người Tiều làm công cho ông chủ hãng có tên Hào Sỹ, chữ “phường” không phải mang nghĩa đơn vị hành chính phường, quận như bây giờ, mà là một nhóm người làm công cho chủ, hay gọi là phường sản xuất (làm xà phòng, chà gạo), hoặc phường buôn bán”.
Khi nghe tên gọi của các hạng, lý, phường, ngày xưa người Hoa có thể phân biệt ngay cộng đồng cư dân sống trong con hẻm đó thuộc bang phái nào, làm nghề gì. Ngay cả việc phân biệt đời sống văn hoá, tôn giáo cũng được thể hiện trên tên gọi ở đầu hẻm. Như hẻm của cộng đồng công giáo được đặt tên là Phương Thể các hạng ở hẻm số 17 đường Học Lạc, ngay cạnh nhà thờ Cha Tam. Nhìn tên hẻm Tuệ Huê lý trên đường Nguyễn Trãi, người ta hiểu ngay đó là cư dân thuộc bang Quảng Đông sinh hoạt ở hội quán Tuệ Thành. Mỗi đầu con hẻm của người Hoa xưa lại có lối kiến trúc khác nhau, có cái được thể hiện mái ngói, như một chiếc cổng nhỏ (Dịch An lý, 674 Nguyễn Trãi, bên hông hội quán Nghĩa An), cái lại vững chãi là bộ khung của một gian nhà (Thái Hồ hạng, hẻm 55 Trần Hưng Đạo), hay chỉ đơn thuần là cái cổng sắt hờ hững (Tùng Quế phường, 236 Trần Hưng Đạo).
Những con chữ vô tri vô giác nơi đầu hẻm của người Hoa xưa, thật chẳng lấy gì làm nổi bật giữa một phố thị ồn ào, nhộn nhịp của cuộc sống thời đại. Rồi đến khi những tấm biển “khu phố văn hoá” được dựng lên che luôn cả mặt tiền những dòng đại tự – tên gọi của hẻm người Hoa xưa, thì những “lý”, “hạng”, “phường” càng trở nên xa lạ, khó hiểu với những cư dân mới của con hẻm cũ. Đi tìm lại câu chuyện hẻm người Hoa xưa, cũng chỉ là một thoáng gợi lại những hoài niệm về lối quy hoạch đô thị, tập tính sinh hoạt cộng đồng thể hiện rất đặc trưng, dễ nhận của người Hoa vùng Sài Gòn – Chợ Lớn.
NGUYỄN ĐÌNH
Có lẽ, điều làm chúng tôi nhớ mãi khi loanh quanh trong những con hẻm nhỏ nơi Chợ Lớn này chính là không gian yên bình, tĩnh lặng, mặc dù chỉ mấy bước chân là đã hòa mình vào thế giới xe cộ ồn ào.
Không phải những khu dân cư đông đúc, không phải những sạp đồ đủ màu sắc cũng chẳng là những cao ốc chọc trời, cái làm nên vẻ đẹp, nét văn hóa vùng Chợ Lớn (quận 6, TP HCM) đơn giản lại là những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo nằm rải rác quanh khu chợ nổi tiếng gần một trăm năm tuổi này.
Người Hoa giữ hồn Việt
Trong ký ức những người Hoa cao tuổi sinh sống quanh khu vực Chợ Lớn thì những con hẻm mang tên Hào Sĩ Phường, Cộng Hòa Lý, Đại Quang Minh hay Nha Thái Hạng, Tuệ Hoa Lý, Tô Châu Lý, Thái Hồ Hạng, Tân Gia Hòa Lý… là vô cùng thiết thân và gần gũi bởi đó chính là ấu thơ, là đời sống của họ. Theo cụ Lỗ Muối (81 tuổi, sinh sống ở hẻm Giá Đỗ), cộng đồng người Hoa chuyển tới sinh sống và định cư ở khu vực này khoảng từ nửa cuối thế kỷ thứ 18, giữa lúc xảy ra cuộc chiến giữa nhà Tây Sơn và quân của Nguyễn Ánh. Gốc tích của những người Hoa khu Chợ Lớn ngày nay đều xuất phát từ vùng Biên Hòa với quê cũ ở Quảng Đông, Triều Châu (Trung Quốc) nhưng giong thuyền đi buôn bán rồi định cư ở Việt Nam. Sau đó, do chiến tranh loạn lạc, họ phải xuôi theo các chi lưu của hệ thống sông Đồng Nai tiến về phía biển. Khi thấy khu đất Bình Tây (thuộc vùng Sài Gòn – Gia Định xưa) địa thế thuận lợi nên neo thuyền lập ấp sinh sống. Với bản tính cởi mở, nơi nào có người Hoa sinh sống lập tức hình thành chợ với các loại hàng hóa buôn bán cùng người địa phương. Từ đó, Chợ Lớn ra đời, đánh dấu một trong những địa danh nổi tiếng bậc nhất xứ Nam Kỳ.
Trong câu chuyện về nguồn gốc của khu Chợ Lớn, ông Lỗ Muối nói thêm: ban đầu, Chợ Lớn có tên gọi là chợ Bình Tây do được hình thành trên ấp Bình Tây của đất Sài Gòn. Sau đó, do sự phát triển nhanh của chợ mà không gian buôn bán của khách và các tiểu thương trở nên chật chội. Lúc đó, chính quyền đã nhiều lần có ý định muốn mở rộng chợ nhưng chưa có điều kiện nên một thương nhân là Quách Đàm quê ở Triều Châu (Trung Quốc) đã tình nguyện hiến tiền của, mua một khu đất rộng lớn với xung quanh là sình lầy để xây chợ. Chợ hình thành trong niềm vui và sự phấn khích của người dân quanh vùng. Hiện nay, chính giữa khuôn viên chợ vẫn còn một bức tượng bán thân của Quách Đàm để người dân thờ cúng, tưởng nhớ công ơn. Sau giải phóng miền Nam, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần trùng tu và mở rộng thêm cho khuôn viên chợ Bình Tây với các khu Trần Bình, khu Lê Tấn Kế. Có thể nói, qua khá nhiều lần bảo tồn, chỉnh sửa và tu bổ nhưng về cơ bản chợ Bình Tây vẫn giữ gần như nguyên vẹn nét kiến trúc Việt – Hoa – Pháp đan xen hiền hòa vô cùng đẹp đẽ và độc đáo.
Và, cũng như kiến trúc độc đáo của chợ Bình Tây, những ngôi nhà của người Hoa sinh sống quanh khu Chợ Lớn cũng mang những nét đặc sắc, rất riêng, bên cạnh văn hóa truyền thống của người Việt nói chung.
Thăng trầm con hẻm
Với lịch sử tồn tại khoảng hơn 300 năm nhưng có thể nói vùng đất Chợ Lớn là nơi chịu biến động rất nhiều của lịch sử với những thăng trầm, hưng phế. Từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, người dân khu Chợ Lớn được sống trong cảnh thanh bình, an tâm làm ăn buôn bán. Theo những người già sinh sống lâu năm ở Chợ Lớn, hầu như qua mỗi thời kỳ loạn lạc như vậy, các con hẻm nơi Chợ Lớn lại phải đổi tên một lần. Đến bây giờ, nhiều người sinh sống bao năm ở hẻm của mình mà vẫn không nhớ nổi những cái tên mà hẻm đã trải qua. Theo anh Lý Điêu (44 tuổi ngụ ở hẻm 206 đường Trần Hưng Đạo) thì trước đây, lúc anh còn nhỏ, hẻm này có tên là Hào Sĩ Phường, trên đầu hẻm có tấm biển lớn viết bằng chữ Hán đắp nổi rất đẹp. Tuy nhiên, một thời gian sau bảng tên đó được thay bằng tấm biển mica nhỏ treo bên dưới và nay, tấm biển mica kia cũng biến mất luôn.
Mặc dù những bảng tên hẻm như thế có ít nhiều mai một do chúng nằm ở mặt tiền đắc địa của những con phố sầm uất bậc nhất của đất Sài thành nhưng những kiến trúc nhà cửa, trang trí nội thất ở hầu hết các ngôi nhà trong những con hẻm nơi đây thì vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo của người Hoa vùng Quảng Đông, Triều Châu. Ở đó, dường như tốc độ đô thị hóa như vũ bão của trung tâm Sài thành chưa chạm tới. Và, hình ảnh khiến chúng tôi ngỡ ngàng nhất khi lang thang một ngày nơi đây chính là những chiếc cửa gỗ. Có lẽ, trong thời kỳ tình hình an ninh trật tự vô cùng phức tạp ở thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay, những chiếc cổng được thiết kế bằng gỗ, có thể thông gió, nhìn xuyên tới nhà trong là một “đặc sản” hiếm hoi cuối cùng còn sót lại. Chỉ vào chiếc cửa gỗ có chiều cao bằng 2/3 cửa chính đặc trưng của vùng Triều Châu (Trung Quốc) quê mình, cụ Tống Khánh cười: trước kia ở đây nhiều nhà thiết kế cửa kiểu này lắm. Tuy nhiên, giờ lo sợ trộm cướp nên họ phải dùng một lớp cửa thép bên trong. Nhà tôi ở cuối hẻm, lại đông con cháu nên chẳng cần thiết kế cửa thép đi kèm bởi tối các con ngủ ngay gian trước, dưới cánh cửa.
Không chỉ là nơi sinh sống của những cư dân người Hoa hiền lành, những con hẻm nơi Chợ Lớn từng có thời còn là căn cứ cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Hoa. Đó là trường hợp nhà lãnh đạo Tôn Trung Sơn từng có thời gian đến lưu trú ở căn nhà ông Huỳnh Cảnh Nam – một người Hoa yêu nước từng đóng góp nhiều tiền của cho phong trào cách mạng Tân Hợi. Tiếc rằng hiện nay căn nhà mà nhà cách mạng Tôn Trung Sơn sinh sống đã bị phá đi để xây chung cư. Tuy nhiên, trước đây cũng có nhiều đoàn làm phim của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc sang quay phóng sự về căn nhà trên.
Thế nên, khi bất chợt nhìn thấy hoàng hôn đổ dài trên một góc hẻm đường Hậu Giang in bóng ngôi nhà cổ màu vàng nhạt chúng tôi mới biết, mình đã sống cùng những hẻm suốt một ngày dài. Một ngày với nhiều cái bắt tay, ánh mắt thân thiện và những câu chuyện thấm đẫm ân tình của những người Hoa lưu trú giữa lòng Sài thành.
Theo những người già sinh sống lâu năm ở Chợ Lớn, hầu như qua mỗi thời kỳ loạn lạc như vậy, các con hẻm nơi Chợ Lớn lại phải đổi tên một lần. Đến bây giờ, nhiều người sinh sống bao năm ở hẻm của mình mà vẫn không nhớ nổi những cái tên mà hẻm đã trải qua
Tin tức nguồn: xã luận
TTCT – Du khách nước ngoài tham quan Chợ Lớn bắt đầu từ chùa Bà Thiên Hậu rồi dạo quanh các con đường trước khi kết thúc ở chợ Bình Tây. Nhưng khi nhìn thấy sự thất vọng trên gương mặt của những người bạn đến từ Philippines đi theo hành trình này, tôi hiểu rằng chính những con hẻm mới là điều cần khám phá.
Khi đi vào khu vực Chợ Lớn (theo như người Hoa thì nếu đi từ hướng Q.1 phải qua khỏi đường An Bình mới là khu vực người Hoa sinh sống trước đây), hỏi bất kỳ người Hoa trên 50 tuổi về những con hẻm mà họ sinh sống bấy lâu nay, bạn được nghe kể vanh vách những cái tên như Nha Thái hạng, Tuệ Hoa lý, Tô Châu lý, Thái Hồ hạng, Tân Gia Hòa lý, Hào Sĩ Phường, Cộng Hòa lý, Đại Quang Minh hạng… (lý trong tiếng Hoa là lý lộng, tức những con hẻm nhỏ; hạng là ngõ).
Nhưng nếu hỏi đó là con hẻm số mấy hoặc tên đường hiện nay thì họ đành chịu, vì ký ức họ chỉ lưu giữ những cái tên đó.
Hẻm danh nhân
“Tôi có nghe về dự án bảo tồn Chợ Lớn. Tôi nghĩ đó là việc nên làm trước khi quá trễ. Nhưng phải làm sao để người dân vẫn có thể sống được trong khu phố cổ. Đừng biến khu Chợ Lớn thành những khu phố Hoa chỉ phục vụ du lịch như các quốc gia lân cận”
|
Con hẻm được nhiều người nhắc đến hiện nay là Nha Thái hạng, tức hẻm Giá Đỗ, với một dấu ấn lịch sử: trong những năm đầu thế kỷ 20 nhà cách mạng vĩ đại Trung Quốc Tôn Trung Sơn từng nhiều lần đến Chợ Lớn và trú ngụ tại căn nhà của ông Huỳnh Cảnh Nam (còn gọi là Tường “giá đỗ”), một thương gia người Hoa yêu nước đã đóng góp không ít tiền bạc cho phong trào cách mạng Tân Hợi. Vì ông Nam làm giá đỗ ngay đầu hẻm nên con hẻm có tên Giá Đỗ từ đó.
Tháng 5-2011, một đoàn làm phim của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã đến con hẻm này ghi hình phim tài liệu nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tân Hợi thành công. Nhưng khu nhà của ông Nam đã bị phá bỏ xây chung cư từ năm 1963. Nhìn từ bên ngoài, con hẻm có bề ngang gần 2m, vào sâu rộng hơn, toàn nhà mới xây, chỉ còn sót lại một căn nhà cũ kỹ nhưng không phải người Hoa sinh sống.
Theo ảnh chụp năm 2005 của cô Đào Nhiên, nhân viên hưu trí của báo Sài Gòn Giải Phóng Hoa Văn, căn nhà tầng một trên mặt tiền hẻm Giá Đỗ vẫn giữ được nét cổ kính ngày nào. Nhưng nay tôi chỉ nhìn thấy một bảng quảng cáo to, bên cạnh là bảng rao bán nhà số 720.
Từ hướng Trần Hưng Đạo, Q.1 xuống Chợ Lớn, đập vào mắt tôi là bảng tên đắp bằng chữ nổi Tô Châu lý (hẻm 47 Trần Hưng Đạo, P.6, Q.5), và Thái Hồ hạng (55 Trần Hưng Đạo) vừa được chính quyền trùng tu, sơn sửa gần đây. Trong lúc lang thang tìm hiểu, tôi được biết phần lớn con hẻm đều có tên.
Nhưng qua bao năm tháng nhiều con hẻm không còn bảng tên, hoặc còn nhưng bị những tấm bảng khu dân cư, khu phố văn hóa hay hẻm số xx che khuất.
Thăng trầm bảng tên
Hẻm Tân Gia Hòa lý nay chỉ còn bốn chữ Tân Gia Hòa lý được viết khiêm tốn bên phải tấm bảng Khu dân cư 4A (904 Nguyễn Trãi). Hay như bảng tên hẻm Hào Sĩ Phường (206 Trần Hưng Đạo) trước đây vốn có chữ đắp nổi rất đẹp nhưng không hiểu vì lý do gì đã bị gỡ bỏ, thay bằng tên của một công ty thuê đầu hẻm để kinh doanh. Mãi đến những năm gần đây khi công ty đó dọn đi, một thanh niên người Hoa trong hẻm theo ước nguyện của người mẹ lúc còn sống đã bỏ tiền làm lại bốn chữ Hào Sĩ Phường bằng mica gắn lên.
Đây là trường hợp hiếm hoi bảng tên được trả lại đúng vị trí. Không ít bảng tên đã phai nhạt theo thời gian như Tuệ Hoa lý (741 Nguyễn Trãi), Thịnh An lý (12 Trần Hòa), Ngu Lạc hạng (23 Phù Đổng Thiên Vương)…
Cách nay hơn một năm, ngồi ăn bột chiên trên đường Phú Định tôi còn thấy một con hẻm có bảng tên Kiều Khánh lý trên đường Lương Nhữ Học, nhưng nay quay lại thì bảng tên không còn. Ngôi nhà cạnh hẻm xây mới đã phá bỏ một bên tường gắn bảng tên. Và không chỉ bảng tên bị biến mất trong trường hợp tương tự, đã có những con hẻm bị tháo dỡ hoàn toàn như Vinh Viễn hồ đồng (hồ đồng là từ chỉ hẻm của người miền Bắc Trung Quốc) số 57 Nguyễn Trãi, nay dãy nhà phía bên phải hẻm đã bán cho nhà đầu tư xây cao ốc. Hay con hẻm Quần Ngọc Phường (508 Nguyễn Trãi) đã bị phá bỏ để xây cao ốc Soái Kình Lâm.
Hàng chục, hàng trăm con hẻm ngang dọc khắp khu Chợ Lớn với đủ tên khác nhau mà cư dân ở đó, kể cả cụ Mã, ngoài 80 tuổi, ở hẻm Vĩnh Phát (75 Trịnh Hoài Đức), cũng không nhớ nổi lai lịch của chúng. Cư dân trẻ như anh Hiền (31 tuổi) của hẻm hào Sĩ Phường chỉ nghe nói Hào Sĩ tức là hào hiệp văn sĩ, phường là nơi buôn bán. Riêng hẻm Triều Thương (257 Cao Văn Lầu, P.2, Q.6), theo bà Trịnh Thúy Phụng, 72 tuổi, được đặt tên theo đặc điểm cư dân vốn là những thương gia gốc Triều Châu (hay Tiều Châu).
Hẻm này hiện có 15 căn hộ vẫn là gia đình gốc Triều Châu sinh sống và giữ được truyền thống kinh doanh (đa số buôn bán ở chợ Bình Tây), con cái vẫn biết nói tiếng Tiều. Có người lập gia đình với người Kinh vẫn biết nói hoặc nghe hiểu tiếng Tiều.
Cư dân hẻm là ai?
Trong những ngày lang thang, tôi phát hiện nhiều con hẻm nay đã không còn mang dấu ấn người Hoa, như hẻm Tô Châu hay Thái Hồ chỉ còn khoảng chục hộ trên chung cư là người Hoa, nhiều cư dân đã xuất ngoại hoặc chuyển nhà. Những con hẻm có đến 80% hay 90% người Hoa sinh sống cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ Mã, cư dân lâu năm nhất trong hẻm Vĩnh Phát, cho biết nhiều căn hộ đã đổi chủ hai ba lần, từ người Hoa sang người Kinh và nay lại bán cho người Hoa. Hiện trong hẻm có 5/6 hộ là người Hoa.
Hẻm Tuệ Hoa sát ngay vách tường Trường Mạch Kiếm Hùng may mắn còn sót lại khoảng sáu, bảy căn nhà cổ với kiểu nhà trệt cửa gỗ, cửa sổ nhỏ hai bên và một gác lửng bằng gỗ. Bước vào hẻm, đập ngay vào mắt tôi là những tờ giấy đỏ dán ngay cửa ra vào, văng vẳng bên tai là thứ tiếng Quảng hay nghe thấy trong phim Hong Kong.
Theo chị Nữ tổ trưởng, trong hẻm vẫn còn nhiều gia đình tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường, hơn mười cụ già người Hoa trên 80 tuổi. Cư dân trong hẻm phần lớn là người gốc Quảng. Cứ mỗi tối sau buổi cơm chiều, họ thích ngồi trên ghế đá trước nhà để trò chuyện, một thói quen văn hóa hình thành từ bao đời nay của người Hoa.
Thú vị nhất là căn nhà kiểu cửa lùa bằng gỗ có thể được xem vào hàng kiến trúc cổ của gia đình bà Lưu Muối (80 tuổi). Bà cụ bảo cái cửa này rất tiện lợi, ban ngày chỉ cần kéo cửa lùa, nhà vẫn sáng sủa lại mát mẻ. Bà Phùng Sú (84 tuổi), người đã sống gần 80 năm ở con hẻm này đang ngồi đọc báo trước nhà. Đến nay bà cụ vẫn không thay đổi kiểu áo sẩm, quần lụa đen như cách ăn mặc của người Hoa mấy chục năm trước.
Những người thầm lặng bảo tồn
Khi lang thang khu Triệu Quang Phục, tôi tìm thấy quyển sách tiếng Hoa Chợ lớn xưa và nay (xuất bản năm 2007, tái bản năm 2011) của ông Lưu Vi An, 73 tuổi, một người Hoa sinh ra ở Bạc Liêu và là phó chủ tịch Hội Văn học tiếng Hoa TP.HCM.
Một buổi sáng đưa cháu đi học ngang qua kênh Tàu Hủ nhìn thấy cảnh những ngôi nhà, nhà kho cổ hàng trăm năm tuổi trên đường Trần Văn Kiểu được phá dỡ để thi công đại lộ Đông Tây, ông An vui mừng vì thành phố sẽ có con đường huyết mạch nối liền miền Tây, nhưng cũng không khỏi xót xa cho số phận những ngôi nhà đó. Thế là ông quyết định dùng ngòi bút ghi lại những gì ông biết về Chợ Lớn, từ những con phố nổi tiếng, những cây cầu, bến cảng… cho chuyên mục “Chợ Lớn xưa và nay” của báo Sài Gòn Giải Phóng Hoa Văn.
Ông hi vọng mai này sẽ có nhiều người tiếp tục công việc của ông, để con cháu không phải mù tịt về nơi cha ông họ và chính họ đang sống.
Cô Đào Nhiên lúc đầu do yêu cầu công việc nên sưu tầm hình ảnh các con hẻm để viết bài, sau này về hưu rảnh rỗi vẫn tiếp tục đi chụp hình, chú thích địa chỉ tên gọi từng con hẻm mình biết và lưu giữ cẩn thận từng tấm ảnh. Khi được hỏi lý do, cô bảo: “Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, tôi sợ mai này mấy bảng tên hay con hẻm ở Chợ Lớn đều biến mất, có muốn tìm lại cũng khó. Tốt nhất nên chụp hình lưu giữ. Tôi sẽ tiếp tục đi sưu tầm những khi có thể”.
Có những người lưu giữ ký ức Chợ Lớn xưa bằng trang sách, người lưu giữ kiến trúc Chợ Lớn bằng hình ảnh. Còn người âm thầm sống trong những con hẻm làm nên một khu phố Hoa lớn nhất thế giới (*) chỉ muốn khôi phục bảng tên. Khi nghe nhắc đến dự án bảo tồn Chợ Lớn mới đây, bà Trịnh Thúy Phụng ở hẻm Triều Thương nói: “Tôi không biết gì về dự án này. Mà giờ trong hẻm cũng chẳng còn gì để bảo tồn, chỉ còn mỗi cái bảng tên hi vọng sẽ không bị mất đi thôi”.
Chợ Lớn Đi chùa và ngó nghiêng ngõ hẻm
Sinh ra và lớn lên ở Quận 5, Sài Gòn nhưng khi bạn bè ở xa tới bảo dẫn đi tham quan, tôi thật sự… không biết phải đưa họ đi những đâu, vì theo năm tháng mọi thứ đều trở nên quen thuộc đến mức cảm thấy bình thường. Bởi vậy tôi quyết định giới thiệu đến bạn bè những nơi thân thuộc nhất với tuổi thơ của “dân Chợ Lớn”: chợ, chùa, ngõ hẻm. Những nơi mà chỉ cần thoáng nhìn qua thì các bạn ngay lập tức “ồ” lên thích thú.
Chợ
Vào khu Chợ Lớn sẽ thấy ngay hai điều đặc biệt dễ nhận biết nhất là chợ và chùa. Đúng như tên gọi Chợ Lớn, tại đây mọi thứ bạn cần tìm và kể cả những thứ chưa bao giờ cần tới đều có. Kéo dài từ khu vực Quận 5 đến Quận 6, bắt đầu từ khu vực Bưu Điện Chợ Lớn trở đi là đủ “các thể loại chợ” nối tiếp nhau với mọi mặt hàng từ gia dụng, văn phòng phẩm đến bánh kẹo, vật tư xây dựng, hóa chất… như chợ hóa chất Kim Biên, chợ kim chỉ Đại Quang Minh, chợ phụ tùng xe đến chợ vải Soái Kình Lâm, chợ Bình Tây với hàng loạt những xe bánh tráng trộn, hàng tiêu dùng, đồ hộp, đồ nhựa, hoa giả…
Chợ Bình Tây chủ yếu là các mặt hàng gia vị, đồ khô, bánh mứt, ba lô túi xách…, kinh doanh kiểu bỏ sỉ. Tuy nhiên giới học sinh thích nhất ở khu chợ này vẫn là các xe đẩy bán đủ các thể loại món ăn chơi như bánh tráng muối tôm, mắm me, bánh tráng ống… và sau này là món bánh tráng trộn.
Chùa và hội quán
Tại Sài Gòn, người gốc Hoa tập trung nhiều ở Quận 5, 6, 10 và Quận 11, nhưng khi nhắc đến phố người Hoa mọi người đều chỉ nghĩ đến Quận 5, bởi nơi đây tập trung hầu hết những ngôi chùa mang đậm kiến trúc Trung Hoa, đồng thời văn hóa và sinh hoạt của người gốc Hoa khu vực Chợ Lớn cũng rõ nét nhất.
Điểm đặc trưng nhất của chùa ở khu vực Chợ Lớn chính là mái ngói men. Những ngôi chùa trong Quận 5 hầu hết đều thờ Quan Nhị Ca (Quan Công) — được xem là vị thần phù hộ cho việc buôn bán làm ăn thuận lợi, phát đạt. Ngôi chùa Ông có thể xem là lớn nhất và giàu nhất tại Chợ Lớn.
Ngoài việc thờ phụng, chùa ở Quận 5 còn là hội quán của các hội quán, như Chùa Ông thuộc Hội quán Nghĩa An, chùa Bà thuộc Hội Quán Tuệ Thành, chùa Quan Âm thuộc hội quán Ôn Lăng… Các hội quán tập hợp những người có cùng nguyên quán như hội đồng hương, được tổ chức rất quy củ. Đây cũng là nơi hỗ trợ cho con em người gốc Hoa sinh hoạt định kỳ và luôn nắm rõ hoàn cảnh gia đình của con em trong hội để giúp đỡ lẫn nhau.
Nhà thờ Gia Tam được gọi theo tên của vị cha sứ đầu tiên, là một trong những nhà thờ hiếm hoi trong khu vực Chợ Lớn. Nhà thờ có lối kiến trúc Gothique, giống như các nhà thờ ở Châu Âu, nhưng yếu tố văn hóa Châu Á vẫn được coi trọng, tên nhà thờ ghi bằng chữ Hán, mái lợp ngói âm dương, các đầu đao cong.
Văn hóa ngõ hẻm
Điều cuối cùng đáng để nhắc đến khi lang thang trong khu vực Chợ Lớn là văn hóa hẻm nhỏ. Chỉ cần đi bộ từ khu vực nhà thờ Cha Tam hướng thẳng con đường Trần Hưng Đạo hay Nguyễn Trãi về hướng Quận 1, bạn sẽ để ý vẫn còn khá nhiều con hẻm mang đậm nét văn hóa của người Hoa gốc Quảng Đông, Tiều (Triều Châu), Hẹ, Hải Nam và Phúc Kiến.
Các ngõ hẻm đều có tên riêng với chữ đuôi “lý”, “hạng”(hẻm), “phường” như Dịch An lý, Thái Hồ Hạng, Tùng Quế Phường với lối kiến trúc đặc trưng chỉ 1 tầng lầu bao quanh với khoảng sân như giếng trời rộng lớn ngay giữa. Thường các ngõ hẻm đều có 2 lối cửa vào đặt ở đầu và cuối con hẻm, có 2 đến 3 lối cầu thang lên lầu.
Mỗi đầu con hẻm lại có lối kiến trúc khác nhau, có cái được thể hiện mái ngói, như một chiếc cổng nhỏ (Dịch An lý, 674 Nguyễn Trãi, bên hông hội quán Nghĩa An), cái lại vững chãi là bộ khung của một gian nhà (Thái Hồ hạng, hẻm 55 Trần Hưng Đạo), hay chỉ đơn thuần là cái cổng sắt hờ hững (Tùng Quế phường, 236 Trần Hưng Đạo).
No comments:
Post a Comment