Chuyến Viếng Thăm Trại Tù Nữ Dame Phyllis Frost Centre
Vào ngày 13/8/2014/ vừa qua, Đại Đức Thích Phước Thái hướng dẫn phái đoàn gồm mười một người, trong đó có thầy Phước Nguyện và sư cô Huệ Thanh cùng một số quý liên hữu trong đạo tràng Quang Minh đến thăm một trại tù nữ. Trại tù nầy có tên là Dame Phyllis Frost Centre, thuộc vùng Deer Park ở miền Tây Melbourne. Được biết chương trình viếng thăm nầy, Thầy đã âm thầm thực hiện trong nhiều năm qua. Và chưa lần nào Thầy phổ biến chương trình nầy trên báo chí hay trang mạng. Là một Biên tập viên ( BTV ) của tờ Đặc san Phước Huệ, chúng tôi xét thấy đây là một việc làm rất có ý nghĩa và lợi ích trong đời sống tâm linh nên cần được phổ biến rộng rãi. Do nghĩ thế, nên tôi mạo muội xin phép Thầy Phước Thái ( TPT) cho tôi được hỏi qua đôi điều về vấn đề nầy. Thầy rất vui vẻ hoan hỷ cho chúng tôi được thực hiện cuộc phỏng vấn.
BTV: Kính thưa Thầy, theo chúng con được biết, Thầy đã tổ chức viếng thăm trại tù nầy nhiều lần trong suốt bao năm qua. Vậy xin Thầy cho biết lý do nào mà Thầy lại tổ chức đi thăm như thế?Và mục đích của việc làm nầy như thế nào? Kính mong Thầy hoan hỷ cho chúng con được biết.
TPT: Như đạo hữu đã biết, từ ngàn xưa đạo Phật là đạo từ bi ban vui cứu khổ. Nơi nào có chúng sanh đau khổ thì nơi đó cần phải được cứu độ. Đó là hạnh nguyện từ bi vị tha của chư Phật và Bồ tát. Vì muốn noi theo công hạnh lợi ích thiết thực đó, nên trong suốt thời gian qua ( tính từ chuyến viếng thăm đầu tiên vào ngày 18. 9. 2009 cho đến nay là đúng 6 năm ), chúng tôi đứng ra kết hợp cùng một số quý liên hữu Phật tử trong đạo tràng Quang Minh cố gắng thực hiện điều nầy. Việc làm nầy không ngoài mục đích là nhằm mang lại chút ít lợi lạc nào đó cho những vị mà họ đang bị giam cầm trong vòng lao lý. Người xưa nói: "Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại". Nghĩa là một ngày bị giam cầm ở trong bốn bức tường của ngục tù đen tối mất hết tự do thì, nó dài lâu bằng cả ngàn ngày ở bên ngoài. Làm người ai lại không muốn được sống tự do thoải mái? Có thể vì một hoàn cảnh nào đó mà họ phải cam chịu như vậy. Đó là một hoàn cảnh rất đau thương cần được xoa dịu an ủi và hỗ trợ tinh thần cho họ. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn tạo cái cơ duyên thân thiện kết nối làm nhịp cầu với họ để khi mãn hạn tù, họ trở về với một đời sống bình thường không mang nặng tự ty mặc cảm tội lỗi. Và nếu là Phật tử họ cũng có thể đến chùa sinh hoạt tu học với các bạn đạo. Còn những ai chưa quy y thì cũng có thể nhân cơ hội nầy họ ăn năn cải hối và phát tâm quy y Tam bảo. Đại khái, đó là chúng tôi muốn gieo thiện duyên và nhất là để cho họ có cơ hội cải hối. Nghĩa là họ cải ác tùng thiện, cải tà quy chánh, để trở thành một con người tốt cho bản thân, gia đình và xã hội, tức phải làm mới lại cuộc đời. Nhất là phá tan mặc cảm cho rằng xã hội coi thường khinh khi ghét bỏ họ. Đó là nguyên động lực thúc đẩy chúng tôi phải cố gắng thực hiện. Có thể nói, đó là lý do chính yếu. Ngoài ra, chúng tôi cũng còn có một lý do thuận lợi khác.
Điều may mắn cho chúng tôi là chúng tôi có được anh Tony Lê Nguyễn phụ giúp. Anh là một Phật tử trẻ có tâm đạo và đầy nhiệt huyết. Trải qua nhiều năm anh đã sinh hoạt gắn bó và tận tâm giúp cho chùa Quang Minh. Anh cũng là người tạo điều kiện thuận lợi giúp cho chúng tôi trong vấn đề nầy. Bởi trước đây anh đã từng làm việc cho chánh phủ với vai trò là một nhân viên của bộ Tư pháp. Do đó nên anh có nhiều kinh nghiệm và am hiểu trong ngành nghề chuyên môn nầy. Tony cho tôi biết là anh đã từng phục vụ giúp đỡ cho các tù nhân ở một vài trại tù trong địa phận của tiểu bang Victoria. Vì thế, nên anh có nhiều kinh nghiệm trong việc làm cũng như trong vấn đề giao tiếp. Ngoài anh ra, còn có anh Nguyễn Văn Hoàng, ( người ta thường gọi anh là Hoàng Cao vì anh có thân hình khá cao, đó cũng là cái biệt danh dễ thương của anh ) là người đang làm việc trong trại tù. Anh là một nhân viên người Việt và anh làm việc ở trong trại tù nầy cũng khá lâu. Anh là mẫu người hiền hậu, hòa nhã, vui tánh, cởi mở, hoạt bát và thương người. Chính vì thế, nên anh rất được các chị em trong tù thương mến và quý kính. Đồng thời anh cũng gây được sự quan tâm thiện cảm, tín cẩn và hài lòng của cấp trên. Phải thành thật mà nói, mọi việc tổ chức sắp xếp ở trong trại tù, chúng tôi đều nhờ anh lo giúp hết toàn bộ. Giữa anh và Tony thường liên lạc trao đổi góp ý qua lại với nhau. Nhờ có hai vị nầy tận tình giúp đỡ nên việc làm của chúng tôi từ trước tới nay luôn được suôn sẻ an ổn và kết quả rất tốt đẹp.
BTV: Kính thưa Thầy, con nghe nói có những vị Tăng, Ni tuyên úy Phật giáo với nhiệm vụ là thường viếng thăm các trại tù ở Úc. Vậy xin hỏi có phải Thầy làm việc với tư cách là một tuyên úy Phật giáo hay không?
TPT: Xin thưa ngay, tôi không phải là một tuyên úy Phật giáo. Tôi chỉ là một tăng sĩ bình thường. Vì chúng tôi muốn giúp cho những người không may lâm vào hoàn cảnh hoạn nạn tù tội, nhằm để xoa dịu cho họ bớt đau khổ phần nào. Chúng tôi làm với tinh thần vô tư bất vụ lợi, chỉ muốn giúp đỡ cho họ về mặt tinh thần đó thôi. Công việc nầy, đáng lý ra là do Thượng tọa Thích Phước Tấn trụ trì chùa Quang Minh phụ trách, nhưng vì Thầy bận nhiều công việc Phật sự nên Thầy không thể viếng thăm thường xuyên được, nên tôi thay Thầy để làm công việc từ thiện nầy. Vì vậy, chúng tôi đi thăm với danh nghĩa là đại diện cho chùa Quang Minh chớ không phải riêng cho cá nhân tôi. Vì Ban Giám Đốc trại tù có ngỏ ý yêu cầu nhờ anh Hoàng thỉnh giùm. Thể theo lời yêu cầu đó, nên chúng tôi đến viếng thăm trại tù một năm hai kỳ. Đơn giản chỉ có thế thôi.
BTV: Thưa Thầy, xin Thầy hoan hỷ cho biết thời gian đi thăm vào thời điểm nào trong năm? Và số người đi có bị giới hạn hay không?
TPT: Chúng tôi đi thăm vào những dịp Đại lễ của Phật giáo như: Phật Đản và Vu Lan. Một năm chúng tôi chỉ đi thăm vào hai kỳ Đại lễ đó thôi. Lúc đầu, thì chúng tôi cũng có dự định là đi thăm ba kỳ trong năm. Nghĩa là ngoài hai kỳ Phật Đản và Vu Lan ra, chúng tôi còn dự định là sẽ viếng thăm vào dịp Tết Nguyên Đán nữa. Nhưng, chúng tôi thiết nghĩ, dịp Tết thì đã có các đoàn thể khác viếng thăm rồi, chẳng hạn như Hội Phụ Nữ Việt Úc v.v... Vì vậy mà chúng tôi quyết định chỉ viếng thăm hai kỳ trong năm thôi.
Về số người đi thăm tất nhiên là phải có giới hạn. Thường thì họ chỉ cho mình số lượng khoảng từ 20 người trở lại. Lúc đầu thì chúng tôi đi hơi đông, nghĩa là đủ số người mà họ đã quy định. Tuy nhiên, về sau thì chúng tôi giảm bớt lại số người đi. Chúng tôi chỉ đi vừa đủ trong một chiếc xe van của chùa không quá mười hai người. Xưa kia, thì ngoài chiếc xe van của chùa ra, còn có thêm một vài chiếc xe nhỏ đi theo. Nhưng sau nầy chúng tôi không còn đi đông như thế nữa. Lý do là vì chỗ hành lễ không được rộng lớn lắm, chỉ có thể dung chứa tối đa khoảng năm mươi người. Nếu mình đi đông thì sẽ chiếm nhiều chỗ làm trở ngại cho các chị em ở trong đó. Chúng tôi muốn dành phần ưu tiên cho các chị em đến tham dự đông đủ. Do đó, nên chúng tôi phải giảm bớt số người đi.
BTV: Thưa Thầy, khi đi vào mình có mang thức ăn hay những vật dụng linh tinh khác có được không? Thủ tục đem vào như thế nào? Và vấn đề an ninh họ có làm khó dễ gì mình không?
TPT: Xưa kia, mỗi lần đi chúng tôi đều có mang theo thức ăn chay. Tất cả thức ăn cũng như những vật dụng cần thiết cho buổi lễ như: Phật tượng, hoa quả, nhang đèn, kinh sách hoặc băng đĩa v.v... tất cả đều phải liệt kê thành một danh sách và gởi vào trong trại tù cho nhà chức trách kiểm duyệt trước. Đó là thủ tục bắt buộc mà chúng ta cần phải tuân hành đúng theo luật lệ quy định của họ. Vật thực nào mà họ không cho thì mình không được phép mang vào. Thật ra, những vật dụng thực phẩm mang vào từ trước tới nay chúng tôi chưa có gặp khó khăn gì cả. Điều mà chúng tôi cũng cần nói rõ ra đây là, thời gian một hai năm sau nầy, chúng tôi không có mang thức ăn chay vào nữa. Lý do là vì những chị em ở trong đó họ phát tâm tự nấu lấy. Có một nhóm người tình nguyện để phục vụ về việc nấu nướng nầy. Nếu muốn nấu món gì, họ chỉ cần liệt kê danh sách của những loại thực phẩm đó thì sẽ có người đi mua giúp cho họ. Những thức ăn của họ làm cũng không thua gì mình nấu. Có đôi khi họ nấu còn ngon hơn mình nữa. Bởi các chị em ở trong đó cũng có người ăn chay trường và họ nấu đồ chay chuyên nghiệp. Tôi nghe có nhiều vị ăn khen ngon bởi rất hạp khẩu vị. Đó là những lời nhận xét và khen tặng của quý vị ở trong đoàn.
Cần nói rõ thêm, trong số các loại thực phẩm chỉ có keo chao là bị cấm tuyệt không thể mua đem vào được. Phần lớn các chị em trong đó họ rất thèm chao. Xưa kia, mình xin phép Ban Giám Đốc quản lý trại tù thì họ cho mình mang vô. Thật ra, một hũ chao đối với mình ở ngoài nầy thì không có giá trị nghĩa lý gì cả, nhưng đối với các chị em ở trong đó thì thật là quý giá. Lý do họ cấm là vì họ sợ các tù nhân dùng miểng keo cắt máu tự tử. Vì thế, nên dù có thèm đến đâu cũng phải đành chịu thôi. Ngoài ra, những thức ăn khác thì họ không thiếu món gì. Những tiện nghi nấu nướng ở nhà bếp cũng khá đầy đủ. Những thức ăn có người đi chợ mua về chứa đầy trong tủ lạnh. Hầu như phòng giam nào cũng có tủ lạnh cả. Nghĩ cũng vui, ngày xưa thì mình nấu thức ăn đem vô đãi họ, còn bây giờ thì họ nấu thiết đãi lại mình. Như vậy, vừa vui mà cũng vừa tiện lợi cho cả đôi bên.
Còn về vấn đề an ninh dĩ nhiên là họ kiểm soát người vào thăm rất gắt gao và chặt chẽ. Họ rà soát trong người mình cũng giống như những nhân viên an ninh kiểm soát hành khách và hành lý tại phi trường vậy.Vì đó là trách nhiệm bổn phận của họ phải làm.
BTV: Thưa Thầy, chương trình và thời gian hành lễ mỗi khi đoàn vào viếng thăm như thế nào? Và nơi hành lễ cũng như việc ăn uống ra sao?
TPT: Về chương trình hành lễ của hai kỳ: Phật Đản và Vu Lan, xét về hình thức và nội dung tuy có khác nhau chút ít, nhưng trên đại thể thì giống nhau. Chương trình hành lễ được biên soạn thành hai loại ngôn ngữ: Việt và Anh song hành đối chiếu với nhau. Nghĩa là một bên tiếng Việt và một bên tiếng Anh. Mỗi kỳ lễ, chúng tôi đều nhờ anh Hoàng gởi chương trình cho Ban Giám Đốc trại tù trước để cho họ duyệt xét. Về thời gian thì họ cho phép mình sinh hoạt bắt đầu từ lúc 10 giờ sáng cho đến 3 giờ chiều cùng ngày. Riêng về chương trình đại lễ Phật đản, mấy lần trước thì mình tổ chức rộng rãi đúng theo tinh thần của Liên Hiệp Quốc tổ chức. Với mục đích là tạo cơ hội để cho các sắc dân khác bị giam trong đó họ có dịp đến tham dự. Lúc đầu chúng tôi kết hợp với Buddhist council để tổ chức chung. Tuy nhiên, sau một hai kỳ chúng tôi xét thấy có những điều trở ngại khó khăn nên chúng tôi không tiến hành tổ chức chung nữa. Bởi có nhiều lý do, nhưng lý do chính là số người thuộc các sắc dân khác theo đạo Phật đến tham dự thì rất ít. Còn những người thuộc các tôn giáo khác thì họ không có đến tham dự. Do đó mình mất rất nhiều thời gian của chương trình hành lễ mà kết quả thì không được như ý muốn. Do đó, nên mọi người đề nghị là mình chỉ tổ chức trong phạm vi nội bộ cho các chị em người Việt của mình thôi.
Xét thấy đề nghị nầy cũng hợp lý nên trong kỳ Đại lễ Phật đản lần thứ 2638 ( 2014 ) vừa qua, chúng tôi chỉ tổ chức cử hành lễ thu gọn ở trong ngôi nhà Nguyện. Đây là ngôi nhà dành riêng cho những tù nhân có nhiều tôn giáo khác nhau đến để lễ bái tụng niệm cầu nguyện. Cho nên họ gọi là nhà Nguyện. Như đã nói diện tích của ngôi nhà nầy không rộng lớn lắm, chỉ có thể dung chứa tối đa là khoảng năm mươi người. Điều đáng mừng là các chị em phạm nhân mới cũ đa số đều có mặt trong các kỳ Đại lễ nầy. Đặc biệt trong kỳ Đại lễ Vu Lan lần nầy ( 2014 ). khi đoàn chúng tôi đi vào thì các chị em đã đứng sắp hàng nghiêm chỉnh sẵn để cung nghinh. Thật chúng tôi vô cùng cảm động. Đó là một hình ảnh gây cho chúng tôi thật khó quên. Năm nào cũng vậy, chương trình của Đại lễ Vu Lan theo một trình tự là: nêu rõ lý do của buổi lễ, vài lời chào mừng khai mạc của vị đại diện trong Ban Giám Đốc trại tù, ý nghĩa lễ cài hoa hồng, cài hoa hồng, tụng Kinh Vu Lan, Dùng cơm trưa, pháp thoại và cuối cùng là văn nghệ.
Đến 12 giờ trưa chúng tôi quây quần bên nhau đề dùng cơm trưa. Phía trước của ngôi nhà Nguyện có một cái sân trống. Đây là nơi dùng trưa của các chị em và những vị trong đoàn. Sắc phục màu áo tuy có khác biệt, nhưng tình người và tình đạo thì không có khác. Chúng tôi không phân biệt ranh giới ai là phạm nhân và ai không phải là phạm nhân, mà tất cả cùng chung vui bên nhau dùng một bữa cơm thanh đạm trong không khí vui tươi, thân mật, đậm đà tình cảm thật là ấm cúng. Thức ăn được bày biện trên một dãy bàn rồi mỗi người tự động lấy dùng. Chúng tôi hòa mình với nhau và trao nhau bằng những lời tâm tình thân thiện ưu ái trong tình đồng hương. Chỉ hàn huyên hỏi thăm nhau bằng những lời chân tình, tuyệt đối chúng tôi không có đá động gì đến chuyện riêng tư cá nhân của mỗi người. Chúng tôi luôn tôn trọng vấn đề nầy. Vì chúng tôi không muốn chị em có những tự ty mặc cảm tội lỗi. Đó là phong cách của chúng tôi khi vào thăm các chị em.
Đại khái đó là chương trình của mỗi kỳ lễ. Vu Lan thì có lễ cài hoa hồng còn Phật Đản thì có lễ tắm Phật. Đó là hai thời khóa lễ đặc biệt, mỗi thời đều mang một ý nghĩa và một sắc thái tâm cảm khác nhau. Chúng tôi sinh hoạt đúng 3 giờ chiều thì hoàn mãn ra về.
BTV: Thưa Thầy, ngoài hai kỳ Đại lễ đặc biệt nầy ra, hằng tuần ở trong đó họ có làm lễ gì không?Và sự hành trì của họ như thế nào?
TPT: Thưa, theo anh Hoàng cho tôi biết, thì các chị em của người Việt mình vào mỗi ngày thứ hai hằng tuần, họ đều có đến ngôi nhà "Nguyện" để tụng kinh bái sám. Cứ mỗi thời khóa như vậy đều do anh Hoàng làm chủ lễ hướng dẫn. Có lần anh Hoàng nói với tôi là anh chỉ làm ông "Từ" ( người chỉ biết lo nhang khói giữ chùa ) bất đắc dĩ mà thôi. Anh là một Phật tử theo truyền thống đạo Phật từ lâu. Gia đình anh là một gia đình tu theo đạo Phật. Anh cũng có nghiên cứu về giáo lý đạo Phật. Những tác phẩm tôi viết tặng anh, anh đều đọc hết. Anh nói, nhờ hai quyển sách 100 câu hỏi Phật Pháp tập 1 và 2 của tôi mà anh mới có cơ hội đem ra để hướng dẫn trao đổi học hỏi cùng với các chị em. Trình độ Phật học của anh cũng khá vững. Trước năm 1975 anh là một sinh viên theo học ngành văn khoa của trường Đại học Vạn Hạnh. Đây là một ngôi trường do Phật giáo sáng lập. Anh đã tốt nghiệp cử nhân văn khoa. Vì vậy, anh nói chuyện khá lưu loát và rất có duyên. Anh là người dễ gây cảm tình với mọi người. Chính vì thế, nên sau những thời khóa lễ anh thường đem những lời Phật dạy trong kinh điển ra để hướng dẫn trao đổi cùng với các chị em. Đó là một việc làm rất có ý nghĩa và hữu ích lợi lạc. Theo tôi được biết, các chị em trong đó cũng thich nghe anh nói chuyện và giảng thuyết lắm. Đó là điều thật đáng khích lệ và đáng mừng cho anh. Những buổi tụng niệm bái sám như vậy, các chị em cảm thấy tâm hồn rất an thoát nhẹ nhàng. Những gánh nặng lo âu buồn khổ như đã tan biến theo từng lời Kinh tiếng Kệ. Mỗi lần vào trong đó làm lễ, tôi lắng nghe âm thanh tụng kinh của các chị em rất hay. Tất cả đều hòa âm với nhau. Ngoài việc tụng niệm ra, tôi cũng còn hướng dẫn cho họ biết cách tọa thiền niệm Phật. Tôi hướng dẫn cho họ tư thế ngồi và cách hành trì cho đúng pháp. Tôi khuyên họ nên cố gắng dành thời giờ tụng kinh niệm Phật. Ngoài thời gian tụng niệm tập thể ra, họ còn niệm Phật ở tại phòng riêng của mình. Đó là đời sống tâm linh mà các chị em thường xuyên thực tập.
BTV: Thưa Thầy, mỗi lần Thầy thuyết giảng trong những kỳ Đại lễ như thế, thì Thầy cảm nhận như thế nào đối với sự nghe pháp và lãnh hội của các chị em?
TPT: Qua những lần thuyết giảng của chúng tôi, mỗi kỳ chúng tôi đều có những chủ đề khác nhau. Tôi không có giảng những giáo lý cao siêu khó hiểu mà tôi chỉ trình bày những gì rất gần gũi với đời sống thực tế của họ. Bởi tôi biết các chị em thính chúng không phải ai cũng là Phật tử hết mà trong đó cũng có những người theo các tôn giáo khác. Nói đúng hơn là tôi chỉ tâm tình cởi mở tháo gỡ những gút mắc cho họ hơn là giảng pháp. Tuy nhiên, trong tất cả những buổi nói chuyện của chúng tôi, phần lớn là chúng tôi chú trọng đến vấn đề nhân quả báo ứng. Vì nhân quả là một chân lý phổ biến mà hầu hết chúng ta đều bị vướng phải, vì nó chi phối toàn bộ đời sống của chúng ta. Không một ai thoát khỏi nhân quả. Đó là chủ đề chính yếu mà tôi luôn đề cập và xoáy mạnh đến. Với thâm ý là để cho các chị em hiểu rõ hơn. Vì thời gian có giới hạn, nên chúng tôi chỉ trình bày ngắn gọn và dành thời gian còn lại để cho họ hỏi. Họ nêu ra những câu hỏi mà lâu nay họ đã từng ôm ấp thắc mắc. Trong những lúc trao đổi như thế, chúng tôi cảm thấy thật là vui vẻ cởi mở hứng thú. Có những câu hỏi của họ nêu ra tuy đơn giản nhưng rất là thực tế. Đó là những câu hỏi có liên quan thiết thân trong đời sống của họ.
Nhớ có lần tôi hỏi họ: Ai bắt các chị em vào trong nầy? Có người trả lời: cảnh sát bắt. Người khác nói là do tiền bắt. Tôi nói: các chị em trả lời không sai, nhưng đó chỉ là trả lời ở nơi phần ngọn ngành chớ chưa phải là cái gốc rễ. Mà cái gốc rễ bắt các chị em vào trong đây là do lòng tham dục. Mà lòng tham muốn đó phát xuất từ cái tâm vô minh vọng động. Chính vô minh là kẻ tội phạm. Như vậy, khi biết rõ cái gốc rễ đó rồi thì mình nên tìm cách chuyển hóa nó. Thử nghĩ, nếu mình không khởi lòng tham lam tiền bạc, thì tiền bạc đâu có hại mình được. Bởi đồng tiền là do con người chế tạo ra. Nó chỉ là một tờ giấy mỏng vô tri, vô giác. Bản thân nó không làm hại ai cả. Nó chỉ có hại là khi nào mình bị nó làm chủ khống chế sai sử. Nghĩa là người ta cam tâm cúi đầu làm nô lệ cho nó sai khiến. Ngược lại, đối với những người mà họ coi nó chỉ là vật trao đổi phương tiện qua lại với nhau trong cuộc sống, họ quyết không bao giờ coi trọng và làm nô lệ cho nó sai khiến, như thế thì thử hỏi làm sao mà nó có thể gây ra tác hại cho người ta được?
Như vậy, có hại hay không là do con người khéo hay không khéo biết sử dụng nó đó thôi. Nếu chúng ta tham muốn cho nó vô đầy túi, đầy kho, tất nhiên là chúng ta trở thành một kẻ tay sai làm nô lệ cho nó sai khiến. Thế là chính ta hại ta chớ không phải ai hại ta cả. Như sắt sanh ra sét rồi chính chất sét ấy trở lại làm tiêu hình của sắt. Thay vì mình là kẻ làm chủ sai khiến nó, trái lại mình lại bị nó làm chủ sai khiến mình. Đã biết nó là vật vô tri, vô giác, thế thì tại sao nó có sức mạnh lớn như thế? Câu trả lời ngắn gọn là: "sức mạnh không phải ở nơi tờ giấy mỏng dánh đó mà sức mạnh là ở nơi lòng tham lam dục vọng lớn lao của chúng ta". Chính nó là nguyên nhân bắt chúng ta phải vào trong đây. Cảnh sát cũng không phải bắt mình vì họ chỉ thi hành theo nhiệm vụ của họ thôi. Nếu mình không gây tạo nghiệp nhân bất thiện thì cảnh sát làm sao bắt mình được? Tại sao những người khác cảnh sát không bắt họ? Bởi vì họ đâu có gây nghiệp nhân ác để có tội mà cảnh sát phải bắt. Như vậy, rốt lại chỉ là do lòng tham lam quá độ của mình nó bắt mình phải vào trong tù chớ không có quyền lực nào bắt mình cả. Hiểu như vậy, thì mình sẽ không có đổ thừa đổ tháo cho ai cả, mà chính mình phải nhận lấy trách nhiệm hành động và quả báo mà chính do mình đã gây ra. Đó là luật nhân quả báo ứng một mảy may không bao giờ sai chạy. Có hiểu như thế, thì mình mới cải thiện, nghĩa là chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện. Có như thế thì mới đem lại lợi lạc cho mình và người.
Nói chung, trong những buổi nói chuyện của chúng tôi, tôi thấy chị em rất chú ý theo dõi và cởi mở vui vẻ. Hầu hết đều biểu lộ ăn năn hối cải về những việc làm sai trái của mình. Đó là điều mà các chị em đã thành thật bày tỏ và thừa nhận sự sai lầm của mình. Thử hỏi làm người ai lại không có lỗi lầm chớ! Khổng Tử nói: "Nhơn vô thập toàn" kia mà. Có ai tự hào rằng mình hoàn toàn trong sạch hết không? Trong Kinh Phật có nêu ra hai hạng người rất mạnh: Một là hạng người không gây ra tội lỗi. Hai là hạng người đã gây ra tội lỗi mà biết ăn năn sửa đổi hối cải những gì mà mình đã làm và ý thức quyết không tái phạm lỗi lầm đó nữa. Phật nói đó là hạng người có chí khí và dũng mãnh nhất. Phật ví dụ: như cái áo chúng ta giữ gìn không để cho bụi bặm dính dơ là tốt rồi. Nhưng nếu đã lỡ dính dơ thì chúng ta nên dùng nước tẩy cho sạch thì cái áo kia sẽ trở thành cái áo nguyên thủy khi chưa dính dơ. Cũng thế, người không tạo tội lỗi thế là quá tốt rồi. Nhưng thử hỏi trong đời có mấy ai được như thế? Đã có lầm lỗi mà biết ăn ăn sám hối và tái tạo lại cuộc đời mới như thế là không tốt lắm sao?! Bởi vậy trong đạo Phật mới có phương pháp sám hối. Đó là một pháp tu rất tuyệt vời. Từ một con người phàm phu đầy dẫy tội lỗi nhờ khéo biết sám hối cải ác tùng thiện mà trở nên một con người thánh thiện. Chỉ sợ mình có tội lỗi mà không biết ăn năn sửa đổi đó thôi. Nếu biết sửa đổi thì sẽ không còn gây ra tội lỗi nữa. Đó không phải là điều tốt lắm sao!
Tóm lại, những lúc trao đổi nói chuyện tâm tình cùng với các chị em, chúng tôi cảm thấy rất thân và rất vui. Xét ra, ở đời, mỗi người có mỗi hoàn cảnh sống khác nhau. Vì sống trong vòng vô minh nghiệp thức, nên không ai tránh khỏi lỗi lầm. Ý thức được điều đó, nên chúng ta phải tránh xa điều ác và cố gắng làm các điều lành, nhất là nên thương yêu quý kính và tìm cách giúp đỡ cho nhau. Đó là chúng ta khéo chọn cho mình một con đường hành thiện lợi mình lợi người trong phương trời an vui giải thoát vậy.
BTV: Thưa Thầy, vấn đề văn nghệ hát ca như thế nào? Các vị đó họ có ca hát vui lắm không? Hay là họ chỉ vui gắng gượng thôi? Xin Thầy hoan hỷ cho chúng con biết.
TPT: Theo nhận xét riêng tôi cũng như nhận xét chung của mọi người, thì những lúc ca hát những bản nhạc đạo hay những nhạc khúc tình ca mang tính trử tình quê hương, tôi thấy ai cũng tỏ ra thật sự vui vẻ cả. Bởi đây là cơ hội ít có để họ có thể bộc lộ hết tình cảm u ẩn uẩn khúc của chính mình. Họ hát ca trong sự cởi mở hòa đồng trong tinh thần sảng khoái vui tươi và thích thú. Họ trút hết những nỗi ưu tư phiền muộn vào trong lời ca tiếng hát. Bấy giờ họ không còn cảm nhận than thân tủi phận cho số kiếp nghiệp dĩ của mình. Tất cả đều xuất phát từ một trái tim rung động trong tình người và tình đạo. Thú thật những lúc ca hát chung vui như thế nầy, tôi thấy họ như đã quên đi tất cả. Những gì cưu mang nặng trĩu trong lòng đều bay theo lời ca tiếng hát hết. Đó là niềm vui thật sự của họ không một chút ngại ngùng gượng gạo. Tất cả như cùng một nhịp điệu yêu thương lẫn nhau. Mọi tâm hồn đều có chung một cung bậc an vui quý kính tôn trọng với nhau. Một người hát những người khác lắng nghe. Có những bản nhạc mọi người đồng nhịp nhàng cùng nhau ca hát. Quả đó là một niềm vui chung hiếm có trong một khung cảnh tràn đầy thân mật và ấm cúng.
Điều đáng ghi nhận là trong những dịp lễ Vu Lan, khi hát lên những bản nhạc nói về công lao sanh thành giáo dưỡng của cha mẹ, như bản nhạc Lòng Mẹ của cố nhạc sĩ Y Vân chẳng hạn, họ đều ngậm ngùi thương nhớ và không ngăn được những dòng lệ thảm tuôn rơi. Nhất là trong nỗi khổ và hoàn cảnh của họ, không ai lại không cảm động bùi ngùi thương nhớ. Họ biểu lộ nỗi lòng thương nhớ đó bằng những giọt nước mắt tuôn trào. Có chứng kiến tận mắt chúng ta mới chạnh lòng cảm thông cho họ. Có thể nói những giây phút đó cõi lòng của họ như tan nát, và tình cảm yêu thương đối với những người thân yêu ruột thịt của họ, như cùng lúc cảm xúc trào dâng lên bộc phát rất mạnh. Mùa Vu Lan nào những hình ảnh thương tâm đó cũng gợi về trong niềm đau tận cùng sâu thẳm trong trái tim của họ. Tôi lắng nghe họ cùng nhau ca hát hòa mình trong niềm vui chung, nhưng bên cạnh đó họ cũng không thể nào che đậy được những niềm đau thương riêng tư của họ.
BTV: Thưa Thầy, cứ mỗi lần Thầy và quý vị trong đoàn vào thăm họ như thế, thì Thầy thấy tình cảm và thái độ của họ đối xử tiếp xúc với Thầy và phái đoàn như thế nào?
TPT: Tôi thấy mọi người đều biểu lộ thái độ rất dễ thương. Tôi không biết ai là Phật tử và ai không phải là Phật tử, tất cả đối với đoàn chúng tôi đều có một thiện cảm rất đặc biệt. Dù họ là Thiên Chúa Giáo hay các tôn giáo khác hoặc chưa có tôn giáo nào, tất cả đều vui vẻ và mừng rỡ đối với chúng tôi. Cụ thể là khi biết chúng tôi vào thăm, mọi người đã đứng thành hàng sẵn để cung kính chào đón chúng tôi. Khi thấy tôi và đoàn vào họ vui mừng lắm. Họ chắp tay trân kính chào đón chúng tôi. Hành động và thái độ nầy đủ chứng minh là họ rất mong đợi mình vào. Mỗi lần viếng thăm như thế, gây cho tôi và đoàn một ấn tượng sâu sắc khó quên. Dù là người cũ hay người mới, họ cũng đều biểu lộ tình cảm thân thương của họ đối với đoàn chúng tôi như thế. Vui mừng nhứt là khi có người được mãn hạn tù trở về lại với gia đình. Tôi thấy các chị em ai nấy đều xúc dộng và chúc mừng cho người bạn may mắn của mình. Tôi và đoàn nhìn thấy cảnh tượng nầy cũng rất cảm động và tùy hỷ chúc mừng cho họ.
Nói chung, mỗi lần chúng tôi vào thăm những tình cảm của họ đối với tôi nói riêng và đoàn nói chung đều rất ưu ái thân thiện. Chúng tôi không cảm thấy xa lạ chút nào. Chẳng những thế, mà chúng tôi thấy ai cũng là người đáng được quan tâm thương yêu cả. Đó là thái độ giữa chúng tôi và họ. Nói lên điều nầy, tôi không có ý khen ngợi tán dương về cung cách đối xử của họ và của đoàn, mà tôi chỉ muốn nói lên cái tình cảm bộc phát một cách rất tự nhiên trong tình người, nhất là tình đồng hương với nhau. Nhận xét nầy không phải chỉ có riêng tôi mà trong đoàn ai cũng phải nhìn nhận như thế.
BTV: Kính thưa Thầy, đến đây cuộc phỏng vấn cũng khá dài và cũng đã làm mất thời giờ của Thầy khá nhiều, thay mặt cho Ban Biên Tập tờ Đặc san Phước Huệ, con xin thành kính cám ơn Thầy đã sẵn dành cho chúng con có cuộc phỏng vấn đặc biệt nầy. Trước khi từ giã, chúng con kính nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho Thầy sức khỏe luôn được khang kiện dồi dào hầu để tiếp tục làm những công việc Phật sự hữu ích cho tha nhân như từ trước tới nay.
TPT: Phải nói ngược lại, tôi là người cám ơn đạo hữu mới đúng. Bởi vì nhờ có đạo hữu nêu ra những câu hỏi, tôi mới có dịp trình bày những việc làm của cá nhân tôi cũng như của quý vị trong đoàn. Như đã nói, chúng tôi làm theo tiếng gọi của lương tâm và trong vai trò của một người tu sĩ Phật giáo. Nếu chỉ có một mình tôi thì cũng không thể nào thực hiện được việc làm nầy, mà cần phải nhờ sự đóng góp chung của mọi người. Nhất là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của hai anh: Hoàng và Tony cũng như của các vị trong Ban Giám Đốc quản lý trại tù. Nhờ vào những điều kiện thuận lợi đó, nên chúng tôi mới có thể thực hiện chương trình nầy lâu dài được. Ngoài ra, cũng còn nhờ đến chư Tăng, Ni và các liên hữu Phật tử khác tham gia viếng thăm trong những kỳ Đại lễ Phật giáo đặc biệt. Nếu phải cám ơn, thì phải nói cám ơn tất cả. Nếu không có những vị bị giam cầm trong lao tù, thì chúng tôi cũng đâu có cơ hội vào trong đó làm gì. Kinh nói: Chỉ có hai hạng người vào trong lao ngục thôi: Một là hạng người bị nghiệp lực thúc đẩy dẫn dắt họ vào trong đó. Hai là hạng người vì nguyện lực mà vào trong đó. Nếu là nguyện lực thì ra vô tự do. Ngược lại, nếu là nghiệp lực thì không thể được tự do như thế. Chúng tôi mong muốn làm sao mọi người đừng để nghiệp lực lôi kéo đi vào trong cảnh khổ đó. Đã gọi là "Ngục tù" thì làm gì có sự vui sướng cả thể xác lẫn tinh thần?! Nhưng đau khổ nhứt là phần tinh thần.
Dù cho vật chất dồi dào
Khổ thêm thì có chút nào vui đâu!
Cần nên ý thức cho sâu
Tránh gây nghiệp ác trồng sâu căn lành
Vô thường thay đổi chóng nhanh
Sớm còn tối mất tử sanh nhiều đời
Làm lành vui sống thảnh thơi
Ham giàu chi lắm cuộc đời khổ đau
Ngục tù xin chớ bước vào!
An bần thủ đạo trước sau an lành.
Khổ thêm thì có chút nào vui đâu!
Cần nên ý thức cho sâu
Tránh gây nghiệp ác trồng sâu căn lành
Vô thường thay đổi chóng nhanh
Sớm còn tối mất tử sanh nhiều đời
Làm lành vui sống thảnh thơi
Ham giàu chi lắm cuộc đời khổ đau
Ngục tù xin chớ bước vào!
An bần thủ đạo trước sau an lành.
Cổ nhân có câu nói: "Phàm làm việc gì trước phải nghĩ đến cái hậu quả của nó". Câu nói nầy có giá trị ngàn đời. Vì vậy mà xưa kia có một ông vua bỏ ra ngàn lượng vàng để mua cho được câu nói quý giá nầy. Đó là lời dạy đầy kinh nghiệm của tiền nhân mà chúng ta cần phải tâm niệm khắc ghi và luôn áp dụng vào đời sống hiện thực. Có thế thì đời ta mới tránh được nhiều lỗi lầm và mới đem lại nhiều lợi lạc cho mình và người vậy.
Một lần nữa, thay mặt cho đoàn, tôi xin chân thành cám ơn đạo hữu đã tạo cho tôi có cơ hội tốt để trình bày những điều mà lâu nay chúng tôi chưa có dịp nói ra. Và chúng tôi cũng không quên cầu chúc cho đạo hữu và toàn Ban Biên Tập của tờ Đặc san Phước Huệ luôn được mạnh khỏe để tiếp tục phục vụ cho tờ báo ngày càng phát triển mạnh mẽ trong chiều hướng truyền đạt giáo lý Phật giáo và văn hóa dân tộc ngày càng phong phú và vững tiến tốt đẹp hơn.
Trân trọng
No comments:
Post a Comment