Thursday, June 18, 2015

Đại Khôn * Đại Ngu.

Nguyễn Tất Thịnh

Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia
05:22' PM - Thứ tư, 03/06/2015
Thưa các Bạn, không biết xưa kia ở đâu đó có chuyện tương tự như câu chuyện nhỏ tôi sáng tác này không? Điều quan trọng không ở chỗ việc có hay không mà chúng ta cùng suy ngẫm về Thế Sự…
Có Ông Vua rất phù phiếm, một ngày kia nổi hứng triệu Tể Tướng đến đòi phải đi tìm bằng được ba người Đại Khôn đến.
Tể Tướng đi vài ngày ra ngoài Kinh Thành tìm được một người đàn ông đói rách ở nơi Kẻ Chợ, luôn tự coi mình là Kẻ Sĩ, mang về gặp Vua.
Nhà Vua rất ngạc nhiên hỏi: Tại sao hắn ta lại có thể coi là người Đại Khôn được cơ chứ?
Tể tướng bẩm: Bệ Hạ có thể hỏi anh ta mọi điều mà Người chưa được biết, anh ta có thể nói rành mạch đâu ra đấy ạ.
Quả nhiên như vậy, Vua đồng ý mà hỏi tiếp: Thế người Đại Khôn thứ hai là ai?
Tể Tướng khiêm nhường: Thưa, đó chính là Thần đây ạ!
- Ô, sao lại không phải là người khác nhỉ?
Tể tướng đáp: Nếu Thần không phải là người Đại Khôn thì sao có thể biết mà tìm được hắn ta là Đại Khôn mà đưa về đây yết kiến ạ!?
- Ừ nhà Ngươi nói đúng lắm. Thế còn người thứ ba?
Tể Tướng lễ phép: Muôn tâu… đó chính là Bệ Hạ ạ!
Nhà Vua quá ngạc nhiên ngả hẳn người ra sau Ngai vàng – Thật kinh ngạc là Đức Vua lại rất ngạc nhiên về điều ấy – nên hỏi: tại sao Ngươi lại nghĩ thế?
Tể Tướng đáp: Bệ Hạ phải là Đại Khôn mới có thể biết Thần là xứng đáng mà bổ nhiệm trọng trách Tể Tướng! Ồ…
Nhà Vua cảm thán: Ngươi đã hoàn thành việc Ta yêu cầu!
Một thời gian sau, Vua lại thấy buồn buồn mà đòi Tể Tướng phải đi tìm về cho mình ba kẻ Đại Ngu. Tể Tướng đi vài ngày ra ngoài Kinh thành tìm người đàn ông đói rách nơi Kẻ Chợ, luôn coi mình là Kẻ Sĩ kia mang về. Vua quá ngạc nhiên nhỏm người lên Ngai vàng hỏi: Cớ sao lại coi hắn ta là Đại Ngu nhỉ?
-Thưa Bê Hạ, hắn luôn tự coi mình là Kẻ Sĩ mà chịu phận đói rách nơi đầu đường xó chợ mà mong chút cơm thừa canh cặn thì có đúng là Đại Ngu không đây?
Vua cười nói: Đúng, thật thảm hại, hắn ta đúng là Ngu Tâm. Thế còn kẻ thứ hai?
Tể Tướng cui đầu đáp: Dạ thưa chính là Ngu Thần đây ạ! Ngươi nói gì? Một người như Ngươi sao tự nhận mình kém cỏi đến thế?
- Tâu Bệ Hạ, Ngu Thần nhận trọng trách lo việc Dân Sinh mà không chuyên chú lại mất thời gian, tâm sức lang thang ngoài Kẻ Chợ cốt tìm về đây được một kẻ Đại Ngu, rồi để những Kẻ Sĩ phải đói rách thì chính Thần là Ngu Tài rồi!
Vua buồn buồn ngả người sâu và Ngai vàng, một lúc sau nói: Đúng, một Tể Tướng như thế thì thật ăn hại. Rồi nhướn mắt về Tể Tướng trầm giọng hỏi: Kẻ thứ ba, ý của Ngươi là …? … Đúng không nhỉ?
Vâng – Tể Tướng quì xuống, dướn cổ lên về phía Vua nói: Bệ Hạ đáng ra phải lao Tâm lo việc Quốc Kế thì lại bắt Tể Tướng đi tìm kẻ Đại Ngu trong Thiên Hạ, thì đó có thể coi là Đại Ngu – là Ngu Trí được không a? Muôn tâu, kẻ Ngu Tâm có thể chữa, Ngu Tài như Thần đây có thể thay, nhưng Bệ Hạ không thể Ngu Trí, bởi như thế thì báo hại Xã tắc mất thôi!
Kết của câu chuyện này là gì tùy các Bạn sau khi đọc nó. Với tôi, Ngu hay Khôn của một kẻ, một người không là vấn đề lắm. Điều quan trọng là Nhận thức của mọi người như thế nào các Bạn ạ, để đi đến hành động chung mà mọi người mong ước...

Chủ nhật, 13/09/2009 05:48' PM  Quynh   august_love0908@...
Có lẽ "Khôn" và "Ngu" không phải thứ cuối cùng con người đi tìm trong cuộc đời Duy Nhất của họ.

Câu chuyện cho tôi cái nhìn hiện thực hơn về cuộc sống xung quanh mình. Rất hóm hỉnh.
 Thứ ba, 15/09/2009 09:52' AM  V.A   uiji9999@...
Tôi đã đọc hầu hết các bài viết của tác giả. Tác giả viết thật hay, lời văn nghe dí dỏm lôi cuốn người đọc đến dòng cuối, rất hài hước nhưng trong chất hài đó là cả nội dung hàm chứa ý nghĩa sâu xa.

Nhưng vẫn còn cái khó chung là chúng ta có thể thức tỉnh được bao nhiêu người biết nhận thức sống.
Người ta giờ ai cũng chai ỳ ra, giữ thói quen cố hữu mặc thế giới đang thay đổi ra sao, có cần thay đổi bản thân để thích nghi không.. Nhưng ít nhất sẽ có 1 người đang sẵn lòng mở cánh cửa tri thức, kêu gọi mọi người tiếp tục tư duy để cùng nhau chia xẻ, nhận thức về CS. Tôi cảm thấy ngươi đó trước tiên chính là tác giả.

Xin chúc anh mọi điều tốt lành!


Đơn xin ngu

Lê HoàngThanh Niên
01:16' PM - Chủ nhật, 30/03/2014
Kính gửi: Thượng đế
Kính gửi: Chúa trời
Kính gửi: Ngọc Hoàng
Và các chức sắc tương đương.
Con tên là Nguyễn Văn Tèo, hai mươi lăm tuổi, địa chỉ thành phố, xin gửi tới Thượng đế lời khẩn cầu tha thiết như sau:
- Đầu tiên, con chân thành cám ơn ngài đã sinh ra con trên cõi đời này, để con được biết thế nào là đêm trăng, là vầng thái dương chói lọi. Con được nghe tiếng líu lo của chim hót, tắm mình trong vẻ xanh biếc của biển khơi, để con hiểu thế nào là nét dịu dàng của mùa thu, nét tươi tắn của mùa hè và nét lộng lẫy của mùa thi hoa hậu.
Ngay từ nhỏ, con đã được ngài chỉ ra phải cố gắng học hành. Ngay từ buổi đầu học hành, con đã được giáo dục rằng trí khôn là điều quan trọng nhất của loài người. Nhờ trí khôn ta phân biệt được cái đẹp với cái gần như đẹp, cái vĩ đại với cái giả vĩ đại và ta cũng sẽ không nhầm lẫn giữa cái trong sáng và cái ngớ ngẩn. Tóm lại, có trí khôn sẽ có tất cả, ai khôn nhiều sẽ được nhiều, ai khôn ít sẽ được ít và không khôn tí gì thì cũng chả được tí gì.
Chính do hiểu như thế, con ra sức học hành, rèn luyện đầu óc để có được một lượng trí khôn khá phong phú. Con đinh ninh mình sẽ đứng vững, và nếu gặp may, sẽ tiến lên.
Ngài ơi, con nhầm.
Khi tốt nghiệp ra trường, con mới phát hiện rằng, ở một số nơi, đặc biệt là những nơi "ngon", càng khôn, hay nói cách khác, càng tỏ ra biết nhiều càng chết !
Vì sao thế?
Vì người khôn là người phát hiện ra cái hay, cái đúng. Nhưng nếu sếp mình không phát hiện mà mình lại nhanh nhẩu tìm ra trước, vội vàng công bố nó lên thì nhiều khả năng mình sẽ suốt đời bị ghét bỏ, muôn kiếp không lên lương, lên chức gì được.
Đấy là mới nói ở công ty. Khi đi ra đến ngoài đường, người khôn là người chấp hành răm rắp luật lệ giao thông, không bao giờ vượt đèn đỏ hoặc chạy ngược chiều. Hậu quả là sẽ luôn đến trễ, luôn bị chúng nó ép bẹp dí hoặc ngửi hít khói tơi bời.
Trong lĩnh vực đơn từ, giấy phép, cũng tại khôn quá nên con hiểu là hãy làm đúng thủ tục, chấp hành nghiêm luật lệ, xếp hàng theo thứ tự. Thế nên toi ! Thế nên mọi thứ đều chờ nửa thế kỷ mới được duyệt. Trong khi những đứa kém khôn nhưng biết nhờ tới "cò" tung tăng ra về, vừa đi vừa ca hát thì con ngồi mốc meo trong xó và thổn thức ngóng chờ ngày nọ tháng kia.
Ở lĩnh vực ăn uống, trí khôn ngoan, hiểu biết còn gây ra nhiều sai lầm vô cùng tai hại. Do khôn nên tin tưởng vào những điều ghi trong giấy xác nhận an toàn thực phẩm, tin vào nhãn hiệu hoặc bằng khen vệ sinh. Hậu quả là bụng đầy hàn the, dạ dày đầy đường hóa học và phẩm màu quá đát, thân thể nhiễm độc, đi cấp cứu liên miên.
Trong tình yêu, do quá khôn nên con ỷ nhiều vào tình cảm, coi thường quà bánh, quần áo, dây chuyền. Con thường tặng nàng sách vở thay vì tặng nước hoa, dẫn nàng vào thư viện, bảo tàng, nhà hát chứ không dẫn nàng vô siêu thị. Dẫn tới sở thú để nàng trau dồi kiến thức về hổ, báo hay đười ươi chứ không dẫn đi ăn. Cuối cùng con bị nàng cho leo cây liên tiếp, đến phút này vẫn lơ lửng trên cành.
Về tâm linh, càng nhiều trí khôn con càng tin vào khoa học trong khi anh em nhanh nhẹn tin thầy bói, tin số má hoặc tin quỷ thần. Con cũng thú thực rằng đã nhiều lúc con chả tin ngài cho lắm, nên sao nhãng việc cúng tế, ít khi đốt vàng mã hoặc hiến heo quay. Rốt cục, con thấy mình đơn độc, chả có bạn, chả ai rủ đi chùa, đi lễ hội và cũng chả bao giờ trúng số hay trúng đề gì ráo.
Tai hại nhất, trí khôn giúp con phát hiện ra người không khôn, và con cứ hồn nhiên phát biểu về điều này, trong khi kém khôn hơn thì im miệng. Thế là xong. Con trở nên một kẻ thiếu lòng thông cảm, thiếu cái nhìn toàn diện.
Ngài ơi.
Con sợ khôn lắm rồi. Con cảm thấy rõ ràng kém khôn nhiều lúc dễ sống hơn. Ngài hãy chỉ cho con phải đọc sách gì, phải theo học những chương trình nào mà nhờ đó trí khôn mai một. Nếu việc đấy là quá khó khăn, hoặc do con quá không xứng đáng thì ngài chỉ cho con cách uống thuốc hay luyện tập ra sao nhằm giảm bớt thông minh. Con biết ngài là đấng sáng suốt, nhân từ, che chở cho đứa có trí tuệ cũng như đứa chưa có với một lòng bao dung sâu sắc. Nếu ngài giúp được con ngu đi, con hứa sẽ biết ơn vô vàn và không bao giờ tái phạm. Con mong nhanh chóng nhận được sự chấp thuận của ngài.
Con Tèo.
Tái bút: Con chả biết đơn này có cần xác nhận không? Nếu có thì xác nhận thế nào? Con đã quá khôn hay đã quá không khôn?

Thói hư tật xấu của người Việt: hủ bại tầm thường, bóc lột thay quản lý

Vương Trí Nhàn.
09:33' PM - Thứ hai, 15/06/2015
Đời sống hàng ngày hủ bại tầm thường 
(Nguyễn Văn Vĩnh, Chuyên mục Nhà nho,Đông dương Tạp chí, năm 1914)
Các tật của nhà nho đại khái như sau:
1- Tính lười nhác, làm việc gỉ không mấy ông chịu chăm chút siêng năng. Đi đâu thì lạng khang rẽ ràng. Sáng không dậy được sớm, mà đứng dậy thì làm thế nào cũng phải ngồi ngáp một lúc, rồi nào hút thuốc, nào uống nước, nào ăn trầu, nào rửa mặt sau mới nhắc mình lên được mà ra ngoài.
2 - Tính nhút nhát, động làm việc gì thì lo trước nghĩ sau, không dám quả quyết làm ngay. Thí dụ như chưa đi buôn đã lo lỗ vốn, chưa làm ruộng đã sợ mất mùa. Quanh năm chỉ ngồi một xó không được một trò gì.
3 - Hay nghĩ viển vông mà không lo việc trước mắt. Tiền sờ túi không một xu mà vẫn gật gù đánh chén, sánh mình với Lý Bạch, Lưu Linh. Gạo trong nhà không còn một hột, mà vẫn lải nhải ngâm thơ, tỉ(1)mình với Đào Tiềm, Đỗ Phủ. Học thì chẳng được một điều gì thực dụng mà vẫn tự đắc là tai thánh mất hiền(2). Nói khoác thì một tấc đến trời mà rút lại mười voi không được bát nước sáo.
4 - Ngoại giả các tính ấy, lại còn một tính làm cho hại việc là tính cẩu thả. Xem điều gì hoặc làm việc gì, chỉ cẩu cho xong việc, chớ không chịu biết cho đến nơi đến chốn hoặc làm cho thực kinh chỉ(3) vững vàng. Lại một tính tự mãn tự túc, học chưa ra gì đã lấy làm khôn, tài độ một mẩu con đã cho là giỏi. Vì các tính ấy mà làm cho ngăn trở sự tiến hóa.
(1) so sánh.
(2) người có tài có đức.
(3) tạm hiểu: đạt tới chuẩn mực.

Bóc lột thay cho quản lý 
(Trần Huy Liệu, Một bầu tâm sự, năm 1927)
Vua đè ép các quan lớn. Các quan lớn đè ép các quan nhỏ. Các quan nhỏ đè ép dân. Cái không khí áp chế chỗ nào cũng nồng nặc khó chịu, xuống đến bậc dân thì không còn dân đạo(2) dân quyền gì nữa. Có miệng không được nói có tai không được nghe, phần nào sưu thuế nặng nề, phần nào quan lại sách nhiễu, biết chết mà không đám tránh, bị ép mà không dám than. Chốn thôn đã thì đường xá khuất lấp, trộm cướp nổi lung tung. Ngoài thành thị một bầy quỷ sống, đua nhau ăn thịt dân uống máu dân. Mỗi năm bão lụt, dân bị chết đói, mỗi năm tật dịch, dân bị đau chết, không biết chừng nào.
(1) lễ tế trời của nhà vua.
(2) đạo, nghĩa gốc là giáo lý, chủ thuyết, dân đạo có thể hiểu là một quan niệm về người dân trong xã hội.

No comments:

Post a Comment