Monday, June 29, 2015

Tuan San Thieu Nhi (1975)

Giỗ Tổ Hùng Vương


                                  Con Rồng Cháu Tiên (Tranh của ViVi - 1973)

                                        -------------------------------------

Nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch), TSTH đăng lại 1 bài viết trích từ tuần báo Thiếu Nhi số 84 ra ngày 8 - 4 - 1973 xem như là thắp 1 nén hương tưởng nhớ đến Tổ Tiên nước Việt Nam đã có công dựng nước và giữ nước.

                                        -------------------------------------

  MƯỠU

    Người ta ai cũng có tông,
 Chúng ta vốn giống Tiên Rồng hùng anh   
   Hùng Vương gốc tổ ngọn ngành,
 Bốn ngàn năm lẻ, sử xanh lưu truyền.

                 NÓI

Nhớ thuở trước:
 RỒNG cùng TIÊN hợp ước tơ  hồng,
 Sinh trăm trứng, nở trăm con,
 Tài chí lớn, dựng kiêu hùng giống LẠC.
 Non núi TIÊN say hùng vĩ tạc,
 Bể sông RỒNG thỏa tuyệt vời xây.
 Đem máu xương dựng núi sông này,
 Bao bạo lực, đập tan, oai rạng rỡ
 Bất hãi, bất kinh, non vạn thủa,
 Hữu cương, hữu dũng, nước ngàn đời.
 Trải qua bao gian khổ khôn vơi,
 Dòng HỒNG LẠC muôn đời BẤT DIỆT.
 Noi gương xưa, nay quyết rèn dũng liệt,
 Đạp cuồng phong, quét diệt mọi nguy nàn.
 Tiếp bước hiên ngang! Đắp bồi thêm giang san vinh hiển.
 Còn sông núi, chí oai linh còn hiện,
 Mạch sống trào, ngút quyện hồn thiêng,
 MUÔN ĐỜI NAM VIỆT RỒNG TIÊN!                                                                          

            MAI HOẠT                                               
(Giỗ Tổ Hùng Vương 1973)

 (Trích tuần báo Thiếu Nhi số 84, ra ngày 8-4-1973)

Nguồn: http://tuoihoandmore.blogspot.com/2013/04/gio-to-hung-vuong.html

Những tháng ngày hè



TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI NHẤT VĂN CHƯƠNG 1974 CỦA TRƯỜNG SƯ PHẠM SÀI GÒN


Tác giả : BÙI QUANG TRIỀU


“Tác giả Bùi Quang Triều đã giới thiệu với chúng ta nếp sinh hoạt của vùng quê miền biển. Những bức tranh tả chân rất linh động, những nhận xét về người, về cảnh, về địa lý, vạn vật, lịch sử xen kẽ với câu chuyện bố trí thành những tình tiết hấp dẫn và hào hứng. Lời văn thuật sự và đối thoại giữ nguyên giọng quê nên gây được không khí lạ và sống động vô cùng”

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ

                                                                   -----------------------

PHẦN MỞ ĐẦU

Trời đã bắt đầu nóng, từng cụm mây nhỏ lửng lơ trên cao tít, gió không còn mang cái giá rét của tháng Chạp. Ngồi trong lớp học mà trí óc thằng Đông để đâu đâu. Phải mà! Ngày mai nhà trường tổ chức buổi lễ cuối năm, Đông đang lo nghĩ cách xin phép về quê Nội chơi. Chậc! Về dưới ấy thì phải biết, có khối đồ chơi ra đấy! Nào diều, bắn chim, bắt cua… thứ nào cũng hấp dẫn. Tiếng thầy Khiết kêu làm Đông giật mình, trông thầy hôm nay hiền từ lạ, như mọi khi thì biết… Thầy đang dặn dò lũ trẻ về những nghi thức cho buổi lễ ngày mai. Tiếng trống trường ngắn gọn vang lên, lũ trẻ ùa ra cổng, có lẽ trong đầu chúng đang phác họa những cuộc đi chơi cho ngày hè.

Buổi lễ cuối năm sao mà lâu quá, Đông mong cho chóng hết. Chú Bỉnh mới lên đây buổi sáng, chiều chú về. Ba má (luôn cả Đông nữa) năn nỉ chú ấy ở lại vài bữa, chú viện lẽ phải về để cày kịp mấy thửa ruộng bỏ dở. Nói lắm chú mới chờ Đông làm thằng nhỏ không kịp vui với món quà được lãnh thưởng trong tay.

Rồi buổi lễ cũng xong, Đông ù ra khỏi cổng gặp ngay chú Bỉnh đang chờ, tay chú dính đầy dầu máy, dường như chú đã đi lấy đầu máy cày đặt sửa hồi sáng thì phải. Đông thót lên chiếc xe Honda của chú, hai chú cháu tiến từng thước một trong hàng học sinh dày bịt.

Đồng hồ gõ hai tiếng khô khan, Đông nhỏm dậy lay chú Bỉnh, nãy giờ nó có ngủ được đâu, chú Bỉnh hẹn nó hai giờ về mà. Chú ú ớ ngồi dậy, nhướng cặp mắt nhìn Đông cười mỉm, chú đã đi guốc trong bụng thằng bé rồi. Bởi vậy động tác nào của chú cũng chậm chạp như muốn trêu Đông. Mãi đến 2 giờ 30 hai chú cháu mới ngồi yên trên chiếc xe đò trực chỉ xứ Gò Công. Quê Nội của Đông, nơi mà xưa kia có ông Trương Công Định chống Pháp thật oanh liệt, lừng danh trong sử sách với “Đám lá tối trời”.

                                                                                     ***

PHẦN I

BUỔI ĐI CHƠI ĐẦU TIÊN

Tiếng động cơ nổ ròn làm Đông thức giấc, chú Út bên cạnh vẫn ngủ say. Ngoài kia chú Bỉnh đang lái máy cày ra ruộng. Đêm qua, Đông thức quá khuya để nói chuyện với ông bà Nội và các cô chú nhưng vẫn thức sớm có lẽ lạ nhà. Đông kéo chân chú Út, chú lăn qua và ngủ nữa.

Bên ngoài bà Nội đang cho gà và bồ câu ăn lúa. Những chú bồ câu xinh xinh luôn lẩn tránh chú gà trống oai vệ và bác vịt xiêm nặng nề. Đông ra giếng, miệng giếng sâu thẳm, nước giếng thơm mùi rong và đất. Cô Tám đang dọn bữa cháo sáng cho cả nhà. Cha! Cháo trắng ăn với cá bống kho tiêu thì tuyệt, chỉ có về đây Đông mới được ăn món này. Thường ở trên nhà, sáng Đông chỉ ăn bánh mì hay xôi. Nồi cháo to hết rất chóng, bà nhìn Đông cười, chắc bà cười thằng cháu háu ăn đây.

Ăn sáng xong chú Út rủ Đông đẩy xuồng đi đốn dừa nước. Chú rủ thêm thằng Mễn và Tèo. Bồ nhà của Đông từ mùa hè năm trước, trông chúng đen ghê! Cái tài bắn ná của Tèo không tên nào qua được. Thằng Mễn là chúa lặn sông. Có lần nó dám lặn qua chiếc ghe chài to. Riêng Đông món này đành chịu, rủi nửa chừng mất hơi phải đội cả chiếc ghe thì khổ.

Bốn đứa chèo ghe ra gần phía Vàm, nơi có từng đám dừa nước xanh um, những quài dừa trĩu trái. Bửa ra, lớp cơm dày mọng nước thật ngon. Đám bè bạn ở thành phố của Đông dễ gì ăn được thứ này. Thằng Mễn níu lấy cành lá giơ ra ngoài, tay kia cầm mác phóng lên bờ cùng chú Út. Đông không quen đường phải ở lại giữ ghe cùng tèo. Nhìn vào khoảng tối âm u trong đám lá Đông thấy sợ. Gớm thiệt! Hèn gì ông Trương đã chẳng sợ võ khí tối tân của Pháp, đóng đô trong “Đám lá tối trời” gây kinh hoàng cho Pháp mấy năm trường. Đương miên man suy nghĩ, Mễn đã lù lù ra, vai vác quài dừa to tướng, chú Út cũng vậy. Cả hai xuống chiếc tam bản, Mễn bảo:

- Ê! Tụi mình chèo ra đầu Vàm tắm nghe bây?

Tèo phụ họa:

- Ừ! Ra ngoải tao bắn bần cho thằng Đông lé mắt chơi.

Chiếc ghe ngược giòng nước ra đầu Vàm. Cây bần lớn hiện ra đầy những trái. Bốp! Bốp! Hai viên đạn đất của Tèo bắn rớt ba bốn trái bần, chìm lỉm, chú Út la:

- Thôi, đừng bắn nữa thằng khỉ, bắn chìm không vớt được đâu, để tụi tao leo sướng hơn.

Xuồng cặp vào một nhánh bần, chú Út cùng thằng Mễn phóng lên. Từng trái bần rớt xuống khoang ghe, bần này chấm muối ớt thì phải biết. Bỗng có tiếng thét của chú Út, kế đó hai tiếng “bũm, bũm” vang lên, mặt sông đầy kiến vàng. Tèo hoảng hốt chống xuồng ra giữa sông. Mễn và chú Út lội theo, tay phủi đầu lia lịa, chắc hai cu cậu đã đụng nhằm ổ kiến vàng. Nghĩ tới kiến vàng Đông phát sợ, thứ gì dại ghê, đụng phải vật lạ là bu lại, lớp chích lớp xịt nước chua để rồi chết.

Hai nạn nhân đã ngồi an toàn trên xuồng, mặt mày trông thật khó coi, chú Út bảo Tèo:

- Tèo, mày chẻ cho ta vài trái dừa giải độc coi.

Tèo giành lấy con dao, biểu diễn một đường, trái dừa được chẻ thật đều, miếng cơm trắng trông thật hấp dẫn. Cả 4 đứa ăn lấy ăn để, chiếc xuồng không người lái xuôi theo giòng nước. Đến lúc trên xuồng chỉ còn hai cùi quài thì xuồng cũng tới nhà. Mặt trời đã giữa đỉnh đầu, chú Bỉnh đang chờ hai chú cháu của Đông về dùng bữa.

                                                                          ***

PHẦN II

SĂN KỲ ĐÀ

Sáng hôm nay Đông nao nức lạ, chẳng gì chú Bỉnh rảnh, rủ ông già Bảy đi săn kỳ đà. Mấy bữa rày Đông theo chú Út bắn chim riết cũng chán, tính Đông vẫn thích việc lạ.

Bốn chú chó săn được chú Bỉnh huýt sáo dẫn xuống xuồng. Ông già Bảy cụ bị sẵn sàng : mác, lao, bùi nhùi, diêm… và một gói thuốc rê. Xuồng hôm nay được chèo tới ba mái nên đi khá nhanh, Đông ngồi không nghịch với chiếc thuyền bằng bập dừa cột phía sau.

Mắt trời mọc đỏ ối, bầu trời trong sáng, đi săn được như vầy thật may. Qua xóm nhà của tụi thằng Tèo, chú Út dừng chèo lấy tay làm loa hú vang. Một chiếc xuồng nhỏ trong ụ phóng ra, Tèo và Mễn như hai tay đi rừng thiện nghệ : áo kaki ngắn tay, quần dài. Thật là đúng điệu! Chỉ có áo ka ki mới chịu được gai góc trong khu rừng đầy chướng ngại. Hai chiếc xuồng hùng dũng tiến lên, thằng Mễn biểu diễn tài lái ghe bất hủ : Khi lượn bên này, khi đâm qua kia, có lúc nghiêng hẳn xuồng đi, nó nhìn nét mặt nghệch ra của Đông mà cười nắc nẻ.

Khu rừng thấp như tiến gần lại, chú Bỉnh cho xuồng vào một lạch nhỏ, thằng Mễn neo 2 xuồng lại gần nhau. Mọi người đem tất cả dụng cụ lên bờ, phận sự của Đông là cầm túi bùi nhùi và diêm quẹt. Ông già Bảy mang cái mác cán dài, lưỡi xanh nước thép. Chú Bỉnh vác ngọn lao đuôi én trông thật oai. Riêng Mễn, Tèo, chú Út trông coi 4 chú chó săn chạy lúp xúp phía trước. Rừng chỉ toàn cây nhỏ như : Giá, chà là, bàng… với nhiều đường mòn ngang dọc. Càng vào trong, rừng càng yên lặng, Đông chỉ còn nghe tiếng thở của lũ chó săn mồi. Đông ở lại sau cùng với ông già Bảy và chú Bỉnh, nó nhìn nước da đỏ quạch của ông mà thèm, trông ông giống dân da đỏ ghê! Ông cầm mác mà lụi thì phải biết, cọp cũng ngán chớ đừng kể kỳ đà. Ý nghĩ này làm Đông hừng chí tiến ngang hàng để nhìn khuôn mặt nhăn nhúm của ông qua làn khói dày đặc.

Tiếng chó sủa gần mé sông Cái vẳng lại dồn dập, gấp rút báo hiệu gặp thú rừng. Ba ông cháu chạy tới trước, gặp thằng Mễn đang chạy thụt mạng. Vừa thở hào hển, nó vừa ra dấu bằng hai tay, chú Bỉnh hỏi lớn:

- Kỳ đà hả?

Mễn chỉ kịp gật đầu, chú và ông Bảy phóng nhanh tới trước, Đông chỉ còn kịp thấy chiếc khăn vằn của ông Bảy thấp thoáng trong rừng cây.

Lúc Đông đến nơi, chú Bỉnh đang điều khiển lũ chó tấn công con mồi : Một chú kỳ đà thật to. Con kỳ đà màu da xanh sậm dựa lưng vào gốc cây, đưa mắt ngơ ngác nhìn lũ chó hung hãn. Cứ mỗi lần nó muốn phóng ra vòng ngoài thì lại gặp chú chó táp tới. Lũ chó săn thật khôn, cứ một con xông tới cắn, 3 con còn lại đứng bao vây vòng ngoài. Chú kỳ đà đưa mắt ngó quanh, bỗng “sạt”, bất ngờ con vật phóng xuống lòng rạch đẩy một chú chó ngã lăn quay, chú Bỉnh phóng lao theo, ngọn lao chỉ trợt ngoài làn da nhám dầy của con thú. Bốn chú chó phóng xuống, sình lầy làm khoảng cách kỳ đà và chó xa lần. Ông Bảy ngoắc chú Bỉnh chạy lúp xúp bên bờ rạch, vừa chạy vừa dọa dẫm con thú, bọn trẻ nhỏ rớt lại phía sau. Mấy đứa chạy đến nơi để vừa thấy kịp chú kỳ đà nằm gọn trong bộng cây, chỉ ló ra ngoài khúc đuôi đầy gai. Lũ chó lông toàn sình đưa mắt nhìn người chủ, ý chờ lệnh tấn công con thú trong đường cùng.

Ông Bảy thở ra khoan khoái, từng săn giống này nên ông biết rõ lắm. Cứ bình tĩnh theo dõi, lúc quá mệt giống thú này sẽ chui đầu vào một hốc nào đó, chỉ ló đuôi ra ngoài như chú đà điểu miền Phi Châu khi gặp sư tử. Ông lội xuống lòng rạch, chú Bỉnh theo sau, bọn trẻ ở lại vuốt ve lũ chó. Ông nắm chặt đuôi đầy gai của con thú ghì mạnh, con thú không nhúc nhích, thình lình con vật bị đẩy mạnh vào trong hốc và lẹ như chớp ông lão kéo ra thật nhanh. Bị gạt, con thú búng 4 chân trên không, chưa kịp hoàn hồn, chú kỳ đà bị người khác đè xuống sình, tréo hai chân trước lại, vô phương vùng vẫy.

Chú Bỉnh mừng rỡ la lối inh ỏi, trong phút chốc chú kỳ đà đã bị trói gọn lỏn, ông già Bảy khen:

- Cha! Chú này mập dữ a! Mười ký sấp lên chớ không ít đâu.

Thằng Mễn phụ họa:

- Vậy là chiều nay có món cháo kỳ đà phải hôn ông Bảy? Mặc tình ông nhậu.

Chú Út khen thêm:

- Ông Bảy giỏi thiệt ta! Cháu tưởng vuột rồi chớ.

Vẻ mặt ông lão rạng rỡ hẳn lên.

Chú Bỉnh đề nghị:

- Thôi mình đi bắt ong luôn đi ông Bảy.

Ông lão gật đầu, đưa mắt ra hiệu chú Út dẫn đường, chú ấy đã gặp tổ ong to nhân khi đi kiếm cây với ông Nội. Mọi người chuyện trò vui vẻ sau những giờ căng thẳng, lũ chó săn cứ mãi theo sau chú Bỉnh nạt nộ chú kỳ đà thất thế.

Chú Út bảo mọi người dừng lại trước lùm cây, vài chú ong mật bay ra vào qua kẽ lá. Ông Bảy xua bọn trẻ ra xa, lấy túi bùi nhùi của Đông, chậm rãi trùm vào đầu chiếc bao bố to dày có khoét hai lỗ nhỏ. Trông ông lúc này thật buồn cười, đốt cây đuốc bằng rơm của mấy đứa nhỏ đưa cho, tay còn lại cầm mác chặt những dây leo chắn lối. Ông lão chui vào lùm cây, đàn ong túa ra rần rộ, chúng bay vần vũ trên lùm, tiếng vo ve nghe mồn một. Nháy mắt, ông đã ra ngoài tay bưng thúng, miệng luôn thúc bọn trẻ chạy nhanh. Đàn ong túa theo một khoảng, không làm gì được với tấm bố dày đành quay về. Tới gần xuồng ông để thúng xuống : một tổ ong to tướng. Mật ong tươm ra, mùi thơm ngào ngạt, vài con nhộng trắng nõn ngo ngoe. Chú Bỉnh sang tổ ong qua cái thau sạch, ông già Bảy dùng dao cắt một miếng vắt mật rồi đưa cả miếng tổ ấy (trong có những con nhộng trắng nhởn) nhai nhóp nhép khen:

- Thơm quá! Ăn đi tụi bây, bổ lắm, tổ ong đúng lứa khó tìm lắm đấy.

Cả bọn ngồi xuống, chú Bỉnh vắt xong miếng nào là phân phát cho mấy đứa. Đông ăn thử : bùi, béo. Ý! Ngon thiệt vậy mà trước kia cứ sợ, uổng ghê!

Mọi người dọn lao mác xuống xuồng, con kỳ đà nằm bên xuồng thằng Mễn để tránh lũ chó. Hai chiếc xuồng tiến song song, trên gương mặt ai cũng vui vẻ nghĩ đến bữa cháo kỳ đà béo bổ buổi chiều.

                                                                     ***

PHẦN III

LÊNH ĐÊNH TRÊN SÔNG


Từ sớm đến giờ, cùng thả diều với chú Út mà hồn thằng Đông để tận đâu. Nó mãi ngóng bé Trúc : cô em họ. Bé Trúc của cô Ba, em kế ba Đông, bé nhắn với cô tám sẽ về ngày hôm nay. Nghĩ đến bé Trúc, Đông mỉm cười sung sướng. Cô bé về Đông được lên chân, ở đây tuy được mọi người chìu chuộng nhưng Đông không ham. Nó muốn làm oai cơ! Nó đã là anh cả của bốn đứa em chứ đâu ít! Cô bé Trúc về Đông sẽ có người để săn sóc, cũng là dịp để cu ta biểu lộ tính anh hùng.

Một chiếc xe hàng đổ ngay đầu con đường làng, Đông nhìn kỹ, ồ bé Trúc kìa! Cô bé trông xinh tệ, chiếc áo dài màu vàng cũn cỡn bao lấy thân hình thấp chủm trông đáng yêu ghê. Tay mang túi xách, mắt bé đảo quanh tìm người nhà. Không kịp thâu diều, Đông hấp tấp chạy ra miệng la bài hãi:

- Bé Trúc! Chú Út ơi! Bé Trúc về kìa!

Mới vắng có mấy tháng, Đông thấy bé lạ đi. Nhà cô dượng Ba ở mãi vùng vườn miệt Kiến Hòa, anh em chỉ được gặp nhau vào những ngày Giỗ, Tết. Đông ngạc nhiên:

- Ủa! Trúc về một mình được sao?

Giọng cô bé tự phụ:

- Chớ sao, bé còn đi về nội được nữa kìa!

Tuy nói vậy, cô bé vẫn kể chuyện chuyến đi cho Đông nghe : nhân có người đi ngang qua đây, ba má gửi bé theo. Đông giành lấy túi xách, hai anh em đi về phía cổng nhà, chú Út và cô Tám đang đón sẵn. Mỗi người hỏi bé một câu khiến nó phát lo dùm:

- Thôi, Trúc mệt đó, cô Tám đừng hỏi nữa để Trúc nghỉ mà.

Có tiếng bà nội rầy yêu:

- Thằng sao hôm nay cưng em quá vậy! Mọi lần gặp nhau là cứ cãi lộn…

                                                                          ***

Vừa mở mắt ra Trúc đã đòi đi câu. May quá! Hôm nay chú Bỉnh rảnh, hôm qua chú ráng sức cày xong thửa ruộng nhà, về lúc đỏ đèn. Gặp Trúc chú mừng lắm, trông cô bé xinh xắn ai lại chẳng thương.

Chú sửa soạn lại chiếc xuồng máy, châm xăng nhớt. Ra sông lớn phải cẩn thận như vậy, sóng to chẳng biết đến lúc nào, vả lại bé Trúc không quen đi xuồng nhỏ, trông mặt nước lé đé be xuồng bé đã chóng mặt.

Tiếng máy nổ nghe ròn rã, chiếc xuồng chở đầy dụng cụ đi câu vọt nhanh tới trước, hướng về đầu Vàm. Chú Út trổ tài coi lái, chú giỏi ghê! Trạc tuổi Đông mà chú hơn Đông về mọi phương diện trừ việc học, chẳng qua chú là học trò trường quận. Chú Bỉnh căng lều, chiếc lều bằng vải ka ki xanh được trương lên bởi những cong sắt dài phồng mình trước gió. Ngoài hướng sông cái, Đông thấy được những cột buồm cao khỏi ngọn bần của mấy chiếc tàu buôn. Dần dần, những thân tàu đồ sộ hiện ra trước mắt. Mấy chàng thủy thủ trông như những con kiến đang dùng khăn vẫy lia lịa. Chú Bỉnh bớt ghe máy, xuồng từ từ tiến chậm ra khỏi Vàm, trượt trên giòng nước ngầu đục của con sông. Chú sửa soạn thả câu, một cái phao màu đỏ được liệng xuống, thả từ từ dây câu mang lưỡi móc mồi tôm xen lẫn với phao và neo sắt. Phao để làm dấu đường câu, neo sắt để móc dây câu chìm lơ lửng đáy sông. Đường câu được chấm dứt bằng một phao to trên có gắn lá cờ tam giác đỏ dùng làm hiệu tàu bè qua lại.

Chú Út quay đầu xuồng vào miệng Vàm, nấp bóng dưới tàn cây. Bữa ăn sáng được dọn ra, nồi cơm nếp với gói muối mè. Cả bốn thanh toán mau chóng. Chú Bỉnh lấy ra 4 cần câu để dưới sạp xuồng, từng con tôm được móc vào lưỡi câu để đổi lấy những chú cá chốt mập mạp, những con tôm càng đỏ những gạch. Quái! Trong khi hai chú giựt lia lịa thì Đông và bé Trúc ngẩn ngơ. Chú Út chê nặng bóng vía, không câu được. Đông chịu, chẳng biết có đúng không. Buồn tình, Đông nhìn qua bên kia sông, rừng chà là hiện ra xanh mướt dưới ánh sáng buổi sớm. Ông Nội bảo hồi trước ông Cố ông Sơ đi khai đất hoang ở đó. Những đám cốc kèn, bần con, chà là được bàn tay cứng chắc của người nông dân tiền phong dọn sạch. Từ đám rừng ngập nước vô tích sự, chúng đã trở thành những thửa ruộng phì nhiêu, những giồng khoai đầy củ. Họ nào có chống chọi với thiên nhiên không đâu! Trên rừng cọp và beo rừng vẫn thường rình phá hoại, dưới nước sấu chực sẵn chờ mồi. Những trận đánh nhau giữa cọp và người được loan truyền từ đời này sang đời khác. Dần dần nhờ ý chí cương quyết, trí óc khôn ngoan, họ đã đẩy dần thú dữ vào trong rừng sâu, ruộng rộng ra mãi, rộng mãi… đến lúc thú dữ cảm thấy không còn chỗ dung thân phải tìm đường lánh nạn. Lớp bị người đánh đuổi, lớp bị thiên nhiên bạc đãi, giờ đây những thú dữ ấy gần như mất hẳn. Công việc khó khăn này trải từ đời này sang đời khác biết là bao công lao, biết là bao xương máu.

Tiếng reo của bé Trúc làm Đông bừng tỉnh, chú cá đối to đang dãy dụa dưới sạp xuồng đè lên mớ cá tôm câu được. Khá ghê ta! Bao nhiêu đây về ăn hàng mấy ngày chớ ít gì. Mặt trời đã lên cao, mọi người cảm thấy nóng. Chú Bỉnh xếp cần câu lại, mở máy tiến ra cái phao đỏ ngoài sông. Chú phăng lần, phăng lần… có vật gì động đậy làm căng sợi dây câu. Ô! Một chú cá ngác đen sì, lại thêm những con cá út miệng tác hoác. Đông và bé Trúc vỗ tay reo ầm ĩ, dễ gì được thấy cảnh này. Riêng chú Út nheo mắt nhìn Đông ra vẻ ta đây đã biết quá thừa. Mặc, Đông vẫn vui cười khi thấy chú cá vẫy vùng đầu nhợ. Con cá ngác cuối cùng nhỏ tí, chú Bỉnh thả nó trở lại giòng sông. Bàn tay chú đầy nhớt cá, Đông thấy phục chú ghê, về Saigon phải khoe tụi thằng Tấn cho tụi nó nể chơi.

Chiếc xuồng được mở máy quay mũi về hướng Vàm, để lại đàng sau làn nước trắng xóa. Đông ngó về phía biển, hàng đáy san sát lẫn nhau mang những chiếc lều con bạn thân nhất của lũ chim bồ nông, già đảy. Xa hơn nữa, núi Ô Cấp hiện ra mờ mờ, vài chiếc tàu đang tiến vào sông nhả từng cuộn khói đen trên nền trời xanh ngát.

                                                                   ***

PHẦN IV

NHỮNG CHÚ CHUỘT ĐỒNG


Sau buổi đi câu đầy hứng thú, Đông bị bó chân ở nhà. Những cơn mưa đầu mùa chợt đến không báo trước. Bé Trúc mãi tíu tít với dì Tám nên không thấy sốt ruột. Riêng Đông chán lắm, nói chuyện với các cô chẳng thích tí nào, ở nhà Nội Đông chỉ hợp với chú Út, chú Bỉnh. Ba hôm nay ông Nội và hai chú đem chiếc máy cày xuống làm ở vịnh Xiêm Ưng, bên bờ sông Cái. Sáng đi sớm, chiều tối mịt mới về. Đông nhiều lần xin theo Bà không cho, hỏi chú Út có gì vui không, chú nhe hàm răng trắng ởn cười cười. Chú nói nào muỗi, rắn và đỉa nữa (chú biết Đông vốn sợ đỉa). Mỗi lần về chú mang trên vai những xâu nhái bầu kêu la ồm ộp. Nhái bầu nấu canh bù ngót hay kho tiêu thì ăn bằng thích.

Mưa mãi rồi cũng có lúc tạnh, nắng đến gắt như bù lại những lúc bị mây bao phủ.

Có vậy chứ, thằng Mễn hôm nay rủ mình đi đào chuột đồng kia mà. Tiếng thằng Mễn réo:

- Đông ơi! Đông! Đi mày.

Mới nhắc thì nó đến, hay ghê. Đông nhìn ra ngõ, thằng hôm nay ăn bận lạ : chiếc quần kaki cắt tới đầu gối, chân mang giày lính cột dây chuối, tay cầm dao, vai mang giỏ tre. Đông với vội cái cuốc bươn bả đi ra cổng, Bà nhắc Đông:

- Đội nón vô con.

Cầm chiếc nón từ tay bà trao, nó cười với bà, ngoắc bầy chó đi ra cổng. Đứng cạnh bên thằng Mễn có cả cu Tèo, lại có thằng Ngọng ở cạnh nhà nữa. Bé Trúc ngó theo Đông lè lưỡi, con vật bé sợ nhất là chuột, trông bộ lông đen xỉn cũng đủ ghét, lại còn tiếng kêu nữa chứ, cái gì mà cứ: Chít! Chít! Chẳng ra gì cả.

Con đường làng đã ráo nước, bên cạnh đường những ngôi nhà lá xinh xắn với hàng rào me keo tươi xanh sau trận mưa. Vài thửa ruộng cao chưa cày xanh những cỏ. Một lũ trẻ trạc Đông lật rơm tìm dế. Đông chẳng bao giờ chơi loại dế này, chúng nhát lắm, đá nhau vài cái là chạy. Những chú dế ở đất nẻ mới hăng, anh hùng mới ở riêng một cõi chứ lỵ!

Mễn ngoắc Đông:

- Xuống đây nè mày.

Nó rẽ xuống bờ ruộng, thằng làm bộ đàn anh:

- Nếu mày sợ thì đứng đó chơi nghe không. Đi bậy nó té một cái là rồi.

Thằng Ngọng không nói được rõ ràng cũng quơ tay, miệng nói (thực sự là la) một tràng dài không có phụ âm đầu, trông “đía” lắm.

Cáu tiết, đông vượt tới trước. Đây rồi! Một hang chuột to, lũ chó tràn tới sủa “ẳng, ẳng”. Đông đưa thằng Mễn cái cuốc. Mấy nhát cuốc đầu làm bật mạnh cái hang. Một ngách, hai ngách… có tới 5 ngách, lũ chuột khôn thiệt, hèn gì… hang chuột ngắn dần lại, Mễn la to:

- Tụi bây coi chừng!

Phập! Nhát cuốc cuối cùng thật mạnh, lũ chuột phóng ra ngoài, nhanh như chớp đám chó săn phóng tới như luồng gió, chúng cắn từng con chuột đem lại Đông, một vài con thoát chui vào hang bên cạnh. Giọng thằng Mễn to nhất:

- Nhanh! Chận đầu kia, đập! Thằng Ngọng chậm quá, phụ nó Tèo. Rồi, được rồi, chục trự là ít.

Thằng Ngọng tay đập miệng la những tiếng ngắn đục, trông nó mà bắt cười. Tèo nhanh như sóc, đập con này hụt, trở gậy con khác, lũ săn thật giỏi.

Chưa đầy hai tiếng đồng hồ, giỏ tre đầy những chuột. Thủ lãnh Mễn ra lệnh lui quân. Mễn kéo cả bọn đến nhà ông già Bảy, ông ta thấy được mớ chuột mắt sáng hẳn lên. Ông kéo rơm ra sau hè, để chuột trên những vỉ kẽm gai, thui sống. Tiếng lửa nổ lép bép nghe thật vui tai, mùi lông chuột pha với mùi rơm quyện lên từng vòng trong không khí. Lửa tàn, những chú chuột vàng bóng hiện ra. Tiếng ông Bảy tiếc rẻ:

- Cha! Lúc này nó chưa mập, phải vài tháng nữa thì biết.

Tèo phản đối:

- Đâu được ông, phải bắt trước để dọn đất gieo mạ chớ. Năm ngoái mạ nhà bị chúng cắn ráo nạo, giận ghê!

Quả thật, lũ này ác lắm, lại không tổ. Mồi pha thuốc độc chẳng bao giờ ăn. Chúng chỉ thích thân mạ ngọt mềm. Đám ruộng nào có chúng thì khổ, sáng ngày chẳng còn gì. Mà chúng ăn hết cho cam, chỉ cắn ngang, lớp ăn lớp bỏ, thấy mà đứt ruột.

Ông già Bảy sắp lũ chuột vào trong rổ, đem ra bờ ao. Loáng mắt, ông đem lên một rổ thịt trông phát thèm, tối nay ông già nhậu cho đã, chuột này đem quay chảo thì phải biết… Ông già bảo mỗi đứa lấy một mớ. Ba thằng lắc đầu, riêng thằng Ngọng thích lắm : ba nó vốn là dân bợm nhậu.

Nói chuyện một lúc, mấy đứa chia tay, Đông về nhà, ông Nội và hai chú vẫn chưa về. Mùi xào nấu từ nhà sau xông lên ngào ngạt, có tiếng cười của bé Trúc, tiếng cười thật trong trẻo, thật dễ thương.

Buổi tối đến, ăn cơm xong Đông ngồi bên ông Nội. Mấy ngày dang nắng trông ba người như đồng bào Thượng. Đặc biệt chiều nay chú Út xách thêm một xâu cá rô, con nào cũng to thù lù. Đông đưa mắt ra vẻ muốn hỏi chú Út, chú cười nhìn ông Nội, Đông hiểu ý.

Đợi ông dùng xong miếng đu đủ, Đông rót nước cho ông và gợi chuyện:

- Nội ơi! Nội bắt đâu được cá to thế hả Nội? Khó không hả nội?

Nội hớp một ngụm nước, đáp với giọng hiền từ không kém phần bí mật:

- Có gì đâu con! Mưa xuống cá lên bờ, Nội chỉ việc bắt bỏ vào giỏ là xong.

Đông tròn mắt, ngộ thật ta!

Chú Bỉnh giải nghĩa thêm:

- Con biết tính loại cá đồng hay di cư sang chỗ khác (chú gọi Đông là con ngọt xớt, dù chỉ hơn Đông 7, 8 tuổi). Loài cá thường có thiên tính đặc biệt. Con có biết cá Linh không? Loại cá nhỏ thường làm mắm đó. Ra đi lúc còn bé tí từ miền biển Hồ xa thẳm, sống lây lất đến vùng sông Cửu Long, đến ngày tháng đúng kỳ, lũ cá này ngược giòng trở về đất tổ như theo lời kêu gọi huyền bí nào đó. Loại cá rô cũng tương tự như vậy, chúng hay di cư sang chỗ khác, dùng hai cái mang cứng chắc như ta dùng tay. Chúng đi có khi vài ngày, đôi khi chú gặp một vài con trong đám cỏ rậm. Chúng nấp ánh nắng gay gắt của mặt trời, chỉ di chuyển đêm tối có sương mù hỗ trợ. Thấy lờ đờ vậy mà thả vào nước, lúc sau lội như tép.

Ông Nội tiếp lời:

- Đặc biệt là chúng có thể sống dưới đáy đìa những tháng khô. Nội vét đìa thường gặp nhiều chú cá như ngủ trong đám bùn đó. Hay chưa?

Đông nói với giọng khôi hài:

- Nhưng vẫn thua mình Nội há? Bằng chứng là ngày mai mình có được bữa cá rô chiên dầm cà nè!

Cả nhà cười rộ, dưới ánh đèn măng-sông, Đông thấy mặt mọi người thật rạng rỡ. Cái rạng rỡ chỉ thấy có ở những con người được sung sướng trong khung cảnh êm ấm của gia đình.

                                                                            ***

PHẦN V

ĐOÀN NGƯỜI BẮT NGHÊU


Đông giựt mình tỉnh dậy, trời sáng rõ, nó vừa trải qua một giấc mộng dài đầy thích thú. Trong cơn mơ, Đông thấy mình được đi về hướng biển xa bắt từng con sò, nghêu trắng đục, đến lúc bà Nội luộc một nồi nghêu thì nó tỉnh giấc, tiếc quá!

Kể từ hôm đi câu với các chú, nó mãi ước ao đi về phía vùng biển xa, nơi có những hàng đáy cây trông chỉ to bằng kim gút. Hổm rày từng đoàn người chất đầy trên những chiếc ghe to, họ đi bắt nghêu ngoài biển. Đông muốn đi lắm, nhưng ông bà không cho. Ông bảo chờ chú hai Châu buôn dừa về sẽ cùng đi với các cô chú. Đông chờ đợi, nỗi ao ước quá đậm nên mới có giấc mộng vừa rồi.

Đông bước ra khỏi buồng, thì lạ chưa! Chú hai đang ngồi nói chuyện với ông Nội bên ánh đèn bóng lù mù. Ý! Không chừng…

Thằng bé nhảy cẫng lên, ngó chừng ông Nội, hai người đang quay lưng vào trong. Hấp! Nháy mắt Đông đã xuống nhà sau. Bà Nội đang nấu một nồi cơm to. Thôi đúng rồi! Mọi bữa chỉ nấu cháo, hôm nay chắc phải đi xa đây. Đông rà lại gần cô Tám hỏi nhỏ:

- Cô Tám, cô Tám sao bữa nay bà nấu cơm chi nhiều vậy?

Cô nguýt Đông:

 -Khéo hỏi, bộ chú không biết hôm nay đi bắt nghêu sao?

Đông mừng rơn, dợm chạy kêu chú Út, cô Tám dọa:

- Hổng chừng Đông bị bỏ lại nhà đó, ra ngoài khét nắng về má chê à nghen!

Thằng bé hất mặt:

- Khỏi lo đi, Đông vào xin bà.

Tiếng bà tằng hắng, Đông nhìn lại, bà đã ra từ hồi nào, nghe lén cô cháu đấu khẩu, bà nhìn Đông cười:

- Thôi khỏi xin, mau vào kêu chú Út dậy sửa soạn đi con.

Riêng bé Trúc biết xin cũng chả được, bé cứ mãi chọc mấy chú gà, nhử những chú vịt tròn quay.

Đông vào buồng, nhào cái rầm lên giường, chú Út bừng tỉnh ngơ ngác. Đông la:

- Hù! Chú Út dậy mau, soạn đồ đi bắt nghêu.

Chú dụi mắt, coi bộ bắt nghêu không hấp dẫn được chú, nên Đông lôi chú xềnh xệch ra sau hè, tát vào mặt chú lon nước, chú la và tỉnh hẳn.

Chiếc ghe to đậu ngoài mé rạch được chất đầy những dụng cụ lạ lùng : những bàn cào, liềm, dao phay, rổ, cần xé… Chú Bỉnh căng thêm cái mui giả bằng đố, cô Tám, chú Út ngồi sẵn hai bên mạn ghe cùng với thằng Ngọc, thằng Báu tụi con chú Hai. Vừa thấy Đông chúng làm đủ mọi trò đứa méo miệng, đứa trợn mắt, bồ cũ nhau đó.

Sau cùng ông Nội cùng chú Hai lững thững đi ra cùng vài người hàng xóm. Cuộc du hành bắt đầu, tiếng máy nổ nghe thật êm. Ghe lớn, máy lớn chạy nhanh như gió. Chiếc ghe lần lượt bắt kịp những chiếc đi trước, bọn Đông vung nón và khăn lên mỗi khi vượt qua mặt thuyền nào, trông chúng tự phụ lắm.

Càng ra gần biển, quang cảnh càng lạ đi. Bần, mắm đã được thay thế bằng những khu rừng chà là dày bịt đầy bí mật. Những chú bìm bịp lông xám chuyền từ cành này sang cành khác, những chú chim chài có bộ lông xanh – bộ lông màu ông Tú Tài ngày xưa – thỉnh thoảng phóng mình xuống nước xoáy chạy dài ra đến giữa sông.

- Mày thấy gì không? Đá hàn đó, ba tao nói ngày trước dân làng đổ đá xuống sông chận tàu Tây, kỳ công ghê há?

Đông nhớ lại một đoạn sử hào hùng của dân tộc : không đủ súng ống đối địch, mọi người cố ra công ngăn chặn đường tiến quân của giặc. Công lao khó mà kể cho xiết, không chừng ở đâu đây hãy còn phảng phất anh linh của những chiến sĩ vô danh lắm đó. Nghĩ đến đây Đông rùng mình, ngó dáo dác, ông Nội vẫn còn đang nói chuyện hào hứng với chú Hai, đưa tay chỉ về hướng rừng chà là, chú Bỉnh ngủ ngon lành trong mui ghe. Không có gì lạ, thằng bé thở phào nhẹ nhõm.

Mõm cồn hiện rõ dần, sóng nhấp nhô, từng đàn bồ nông thả trôi bềnh bồng cùng sóng nước. Gió thổi mạnh, chiếc ghe rẽ sóng băng băng. Đôi khi một đợt sóng to, chồm lên mũi thuyền, muôn ngàn hạt nước văng tung tóe. Chung quanh cồn cát, hàng trăm chiếc thuyền đủ hạng trước sau cập bến. Từng nhóm người túa lên bãi, tiếng gọi nhau ơi ới. Tụi trẻ nôn nao, chúng mong thuyền lướt nhanh tới, kẻo bị chiếm hết chỗ.

Ghe rà theo mõm cồn, nước chưa sát nhiều. Chú Hai đậu ghe gần bờ bên cạnh trụ hải đăng cũ. Lũ trẻ giành xuống, thằng Ngọc phóng đầu tiên. Ùm! Mất hút… Vài giây sau nó nổi lên, ho sặc sụa. Ông nội la:

- Coi chừng! Sâu lắm đó, từ từ đã.

Chú Hai bắc một cây đòn dài, mọi người lần lượt đi lên mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh.

Đông lên sau cùng với ông. Mặt cát thật mịn, đen xỉn, những vỏ sò nghêu lóng lánh dưới mặt nước trong. Những con nghêu xinh xắn thấy động chui mình sâu xuống cát. Đông hồi hộp, xề ngay xuống nước móc từng con nghêu trắng nõn. Chú Út cười bảo nó:

- Mày bắt làm quái gì thứ này, lại đằng kia nhiều hơn, chỗ này người ta bắt rồi, ít lắm.

Chú nắm tay Đông, hai đứa chạy trên bãi cát, nước xóa dần những bàn chân của chúng, không để lại dấu vết gì. Tới một chỗ nước rút cạn, chú Út dùng bàn cào xới cát lên. Á ngộ! Từng con nghêu hiện ra, Đông vồ ngay cho vào rổ, chẳng chừa con nào, chú Út khoát tay:

- Mầy bắt chi lũ bé tí teo đó, vác nặng lại chẳng thịt thà gì, lựa thứ lớn lớn đó.

Đông cười chữa:

- Lớn thịt lớn, nhỏ thịt nhỏ, bỏ uổng chú.

Chú Bỉnh giải thích:

- Chú Út bảo đúng đó, Đông bỏ những con nhỏ đi, để vài tháng nữa nó lớn cái đã.

Đông nghệch mặt, ừ nhỉ! Hèn gì người ta bắt hàng tháng vẫn chưa hết, đúng lắm.

Chú Bỉnh bắt với đường lối khác. Trước tiên chú khoét một lỗ to, nước tràn vào đầy ắp, chú dùng thau tát lên chung quanh, cát trôi đi, lộ những con nghêu to vàng nghính. Đông thích chí ca hát vang khiến mọi người nhìn lại, họ mỉm cười khi thấy bộ dạng ngộ nghĩnh của thằng bé.

Nước sát, cồn cát nổi rõ. Từng nhóm người đào xới, những đứa nhỏ giữ nhiệm vụ khuân nghêu xuống xuồng. Lúc rảnh chúng chia phe nhau đánh u mọi, đá banh. Lớp cát mịn thật êm không bãi cỏ nào bằng. Dường như chúng đã chán cảnh tượng này, đi bắt nghêu đối với chúng chắc là một sinh kế hơn là thú vui như Đông đã nghĩ. Cồn cát thật rộng, chạy dài ngút ngàn, Đông nhìn ra xa những dãy núi xanh đậm như nổi trên mặt biển dợn sóng.

Chẳng mấy chốc, thằng Ngọc đã mang về ghe mấy thùng nghêu đầy, chú Út cũng vậy, Đông vác thử một bao. Nặng ơi là nặng, muốn xệ cả vai, chú Út đưa tay lêu lêu, thằng bé mắc cỡ xông tới trước, hai đứa đuổi nhau trên bãi cát. Bịch! Một đứa trượt chân, đứa còn lại lỡ đà rơi nằm một đống. Cát phủ mắt, tóc tai, hai đứa cùng ngồi xuống mé nước rửa mặt.

Từng đàn vịt nước từ trong bờ bay ra, đáp xuống gần cồn, kêu oang oác. Những con vịt lông rằn nhỏ nhắn bao quanh các ông bồ nông già chậm chạp nổi bật. Ở hàng đáy kề, người ta kéo lưới : nước sắp lớn. Từng tiếng gọi nhau ơi ới, lẫn với tiếng huýt còi. Mấy chú nhỏ được dịp hoạt động, hết chạy nơi này đến nơi khác, tìm những người đi chung thuyền gọi về. Ông Nội phụ chú Bỉnh vác những giỏ nghêu xuống ghe. Phe chú Hai đã xong, Ngọc rủ mấy đứa đi tắm.

Nước biển mặn chát, đục ngầu. Thây kệ! Tụi trẻ cứ lặn hụp khoe đủ các lối bơi, mãi đến khi có tiếng gọi chúng mới chịu về xuồng. Những người hàng xóm về đến, người nào cũng vác một bao nghêu to, họ lựa đấy! Nghêu to bán được giá hơn.

Từng chiếc ghe nối đuôi nhau đổ vào sông cái, sau lưng bãi cồn chìm dần dưới làn nước lớn. Ông Nội ra trước ghe hỏi Đông:

- Vui hôn con?

Đông nhìn Nội la to:

- Vui lắm Nội ơi! Nhưng hơi mệt.

Ông cười:

- Chưa có gì đâu con, mai mốt sẽ biết.

Đông nhớ lại những kỳ đi biển trước. Ái chà! Rát kinh khủng, nằm thế nào cũng không êm, sau đó da bị lột từng mảng. Nguy thiệt! Phải lúc nãy nghe lới chú Bỉnh đừng cởi áo.

Chú Út miệng nhai cơm, hỏi đố Đông:

- Đố mày mấy con nghêu này biết lội không?

Đông lắc đầu, nặng thế này làm gì lội cho được, chú Bỉnh cười phá lên:

- Đông lầm rồi, nghêu vẫn lội được đó, nó le lưỡi ra như chiếc thuyền con, kéo theo cái vỏ nặng. Những người đi lưới ngoài biển vẫn thường gặp hàng ngàn, hàng triệu con trôi theo giòng nước. Vướng đáy, đáy lủng, vướng lưới, lưới rách không gì cản được. Bởi vậy chúng đi từ cồn này đến cồn khác cách xa hàng mấy chục cây số, nếu không chúng phải bỏ hàng năm.

Ông Nội vuốt râu tiếp chuyện:

- Mọi người thường nói giống nghêu đem lại điều xui. Nghêu ngao ấy mà, năm nào có nghêu thì đồng ruộng sẽ hoang vì nắng. Xui đâu chẳng thấy, ông chỉ thấy có công ăn chuyện làm lại cho mọi người.

Tất cả cười ồ. Ghe đi sâu vào sông cái, gió bớt, sóng không còn to, mọi người thiu thiu ngủ, chú Bỉnh thay chú Hai cầm lái ngoài sau. Đông ghếch đầu lên bắp vế ông thở đều trong bầu không khí thoáng đãng thơm mùi muối biển.

                                                                         ***

Về đến nhà, mọi người chỉ kịp khuân nghêu lên, ngủ một giấc đến khuya mới dậy được. Bà nấu nồi cháo nghêu béo ngậy mùi dừa. Ăn xong bé Trúc khều Đông nói nhỏ:

- Nè! Anh Đông, Bà biểu anh mai về.

Đông nhảy nhổm:

Hử! Mai?

Bé gật đầu ra vẻ buồn ngụ ý chế giễu, Đông đưa mắt ra vẻ muốn hỏi, Bà bảo:

- Ờ! Con soạn đồ mai về sớm, có người quen nhắn bảo con về, nghe đâu Ba con sắp đi Đà Lạt, tính dẫn con theo đó.

Đông mừng quýnh. Ô! Đà Lạt! Nơi Đông từng mơ ước đặt chân. Hồi Đông đậu vào lớp 6, Ba bận không dẫn Đông đi được. Ba chỉ gởi Đông về quê. Nay thì… thú thật!

Đông thoáng nghe Bà bảo cô tám xếp đồ cho nó, sáng chú Bỉnh đưa về. Nó tiếc trời tối không kịp giã từ tụi thằng Mễn. Chẳng sao! Đi chơi xong lại xuống, hè còn dài, lo gì!


    Sàigòn 4-74     

BÙI QUANG TRIỀU

(Trích tuần báo Thiếu Nhi  các số 125; 126; 127 ra từ ngày 1-6-1974) đến ngày 1=8-1974)


*Nguồn: http://tuoihoandmore.blogspot.com/2013/06/nhung-thang-ngay-he-i.html

Like · Comment · 
  • 68 people like this.
  • Thuy Tran
    Write a comment...
  • Minh HA Nguyen Cam on Thuc Doan da bat dau post cac chuyen cua tuan bao Thieu Nhi smile emoticon
    Like · Reply · 1 · May 29 at 3:08am
    • Tủ sách Tuổi Hoa Dạ, không có chi. Chủ yếu page này post bài của Tuổi Hoa nhưng nếu tình cờ gặp những bài viết hay, hình bìa đẹp của các tờ báo "anh chị em" với TH như Thiếu Nhi, Ngàn Thông, Tuổi Ngọc, ....TĐ cũng sẽ post lên đây đó Minh HA Nguyen.
  • Minh HA Nguyen You did a great job! You bring our beautiful childhood memories back with Tuoi Hoa, Thieu Nhi ...
    Like · Reply · 4 · May 29 at 3:27am
  • Thục Đoan Nhìn hình bìa báo sao mà nhớ ngày xưa quá à! Hồi đó TĐ cũng có bộ đồ tắm giống cô gái trong hình nhưng màu xanh lá cây viền ren trắng và suốt gần 3 tháng hè vẫy vùng cùng biển ở Ô Cấp (nguồn gốc từ tiếng Pháp là "Cape Saint Jacques" ), nhớ hồi đó ưa nói đi Vũng Tàu là đi Cấp.
    Like · Reply · 4 · May 28 at 6:17am
  • Thuong Ngoc Tran Hi, thanks các bạn đã tìm và đăng các tác phẩm TH. mình nhớ lúc nhỏ có đọc cuốn Sau Lưng Kỷ Niệm cũng nói về tuổi thơ cũng rất hay.còn cuốn nói về bắt cóc trẻ em...lâu rồi ko nhớ nữa có bạn nào biết chỉ giúp mình! thanks

Ngày xuân trong tháng hạ



Để nhớ về quê Ngoại   


Phượng bó gối ngồi im nhìn ra màn mưa trắng xóa. Nó chép miệng, kể ra chị em nó cũng hên thật. Về tới nhà ngoại là trời bắt đầu lâm râm! Ngoại đón bầy cháu với tất cả sự hân hoan, trìu mến. Không khí đồng nội làm lũ nó thấy khoan khoái hẳn ra và bữa cơm trưa của ngoại cho, được chúng chiếu cố tận tình. Cơm no, trời lạnh, thêm vào cuộc hành trình từ sáng sớm, mấy đứa em Phượng đều lăn quay ra ngủ. Từ sáng đến giờ mưa cứ lất phất rồi dần dần nặng hột. Mưa dai thật!

Vườn cây quanh nhà ngoại cúi mình tắm dưới mưa. Chúng ngả nghiêng theo chiều gió như say sưa theo một điệu luân vũ. Phượng với tay, vặn nút chiếc radio. Một giọng hát trầm ấm thoát ra“… Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi… Trời lắng u buồn…” Một sự tình cờ lý thú! Nhưng đây lại là mưa hè chứ nào phải mưa thu! Phượng cười nụ với ý nghĩ đó. Hè nào cũng thế, chỉ thấy toàn là những ngày mưa hoặc những ngày thật buồn, u ám với những đám mây xám nặng trĩu trên bầu trời. Suốt ba tháng nghỉ hè, thật hiếm có những ngày mang đúng ý nghĩa của nó. Giá ba tháng nghỉ hè nối tiếp với kỳ nghỉ Tết nhỉ? Thế có phải là hợp tình hợp lý không? Phượng nghĩ lẩn thẩn. Nhưng trời mưa mà ngồi thu mình hoặc nằm chùm chăn nghe nhạc như thế này, kể ra chẳng có gì đáng phàn nàn…

Ngủ trưa dậy, trời cũng đã quang đãng tự bao giờ. Bầu trời xanh màu ngọc bích với vài đám mây trắng nhàn nhã trôi lững lờ. Mặt trời soi vừa đủ ấm. Cây cối tươi mát hẳn ra, lá xanh đu đưa theo làn gió nhẹ vẫn còn long lanh những giọt nước mưa sót lại. Có tiếng chim ríu rít gọi nhau. Phượng thú vị trong cảm giác lười biếng. Lũ em nó cũng đã thức dậy tự bao giờ, đang nằm tán gẫu.

Tiếng dép lẹp xẹp rõ dần, tiếp theo là giọng quen thuộc của ngoại:

- Dậy rồi hả bây? Xuống ăn khoai với chuối xào dừa đi. Con hai nó múc sẵn mỗi đứa một dĩa rồi đó.

Bầy cháu của ngoại dạ ran. Chúng, một lũ sáu đứa, đứa lớn chỉ hơn đứa nhỏ một tuổi, lục tục kéo nhau xuống nhà bếp.

Chị hai vui vẻ:

- Mấy em ngồi chờ chút. Nước dừa gần được rồi.

Trên chiếc bàn ăn, xếp hàng một dãy mấy chiếc dĩa sứ. Chuối xiêm vừa chín tới, hãy còn cưng cứng, deo dẻo được nấu chín bóc vỏ, xắt thành lát dày dày. Lát nào cũng ửng hồng với một màu vàng óng. Chuối này chắc ngọt và dẻo! Ở Sàigòn, mỗi dĩa 50đ không được đấy! Mấy chị em Phượng kháo nhau làm chị hai phải mỉm cười.

Chị bưng soong nước dừa đến bên bàn. Nước dừa này béo phải biết! Chả là chị làm đến hai quả, chỉ lấy nước cốt. Vườn dừa mà lị!

Chị hai nhẹ nhàng múc từng muỗng nước cốt trắng đục chan lên từng dĩa chuối. Hơi nóng tỏa ra mang theo một mùi béo ngậy. Chị em Phượng hít mạnh, buột miệng: “Thơm quá ta!”. Chúng dặn dò: “Chan cho em nhiều ấy, chị hai, nhiều mới ngon”.

Chị hai dễ dãi cười:

- Được mà! Thiếu gì đây! Tha hồ cho mấy em!

Mấy dĩa chuối trông hấp dẫn tệ! Màu chuối hồng chen lẫn với màu trắng đục của nước dừa, lại thêm màu xanh xanh của của hành lá xắt nhỏ. Cây xiên được cắm thẳng đứng trên mỗi dĩa.

Phượng lễ phép thay em:

- Ngoại ăn với tụi con, ngoại. Ăn với tụi em, chị hai.

Ngoại cười đôn hậu:

- Bây ăn đi. Ngoại thèm khát gì. Hai, ăn với tụi nó đi con.

Chị em Phượng ngồi dài trên băng đá đặt ở hiên nhà sau, vừa ăn vừa húp nước dừa. Đứa nào cũng suýt soa:

- Ngon quá! Béo quá!

Thằng cu Tí bé nhất, 8 tuổi, mồm miệng chàm nhàm:

- Tí ăn nữa!

Hai ba đứa khác cũng phụ họa:

- Tao nữa!

- Tao cũng vậy!

Ngoại cười, nhìn bầy cháu háu ăn:

- Mặc sức cho bây ăn! Ngoại biểu chị hai nấu một quày đấy…

Phượng bày khôn đám em:

- Tụi bây ăn nhiều quá mất ngon. Chiều rồi mình ăn nữa, lo gì!

- Mà mau ngán thật! Tại nước dừa béo quá! – Một đứa tiếp lời chị.

Ánh nắng nhảy múa lung linh qua kẽ lá. Buổi trưa nhà quê thật vắng lặng. Đám lá tre lào xào trò chuyện trong gió, thân chúng cọ vào nhau kẽo kẹt. Một con chim sãi cánh bay ngang:

- Khanh khách, khanh khách…

Chị hai nói vu vơ:

- Nước lớn rồi!

Bầy em trai của Phượng thích chí:

- Tắm chơi! Sướng quá!

Chúng bỏ ngay dĩa xuống băng đá, cởi phăng áo thi nhau chạy, chỉ kịp ngoái lại:

- Chị hai, dẹp dùm tụi em!

Bà ngoại gọi với theo:

- Tắm bến sau nghe hôn? Một lát thôi đấy.

Quay sang cháu gái, ngoại thúc giục:

- Xong chưa con? Ra coi chừng tụi nó.

Phượng thu gọn mấy chiếc dĩa đem xuống bếp rồi bỏ dép, đi dần ra bến rạch phía sau. Nước mưa hãy còn đọng từng vũng nhỏ trên mặt đất. Phượng bấm nhẹ mấy ngón chân theo mỗi bước đi, chỉ sợ ngã. Nó chợt nhớ đến một câu đối đã từng đọc ở đâu:

“Đi đất nạc, đường trơn như mỡ”.

Phượng thấy sao đúng đến thế? Không cẩn thận chắc là sẽ “chụp ếch”.

Một tiếng động khẽ khiến Phượng giật mình, đưa mắt tìm kiếm. Trên cành dừa thấp gần đấy, một con sóc nhỏ đang tròn mắt nhìn Phượng. Con sóc thật xinh! Đôi mắt đen long lanh, nổi bật trên bộ lông xù mướt màu xam xám. Phượng thân thiện đưa tay vẫy làm quen. Con vật hốt hoảng, chạy vụt, mất dạng sau mấy bẹ dừa.

Tiếng lội bì bõm, nước tóe và đùa giỡn của mấy đứa em Phượng vẳng lại.

Mấy đứa lớn đã biết lội đang thi nhau lội đua sang bờ lạch bên kia rồi quay trở về. Hai đứa nhỏ tìm đâu được mấy bẹ dừa nước, ôm chặt, chập chững đập chân đùng đùng xuống nước.

Cây đa bên bờ rạch năm ngoái hãy còn nhỏ xíu nay đã cao gần bằng ngọn dừa, cũng đang nghiêng mình ngắm lũ trẻ. Những chiếc rễ phụ lòng thòng xuống tận mặt nước, đu đưa theo gió. Phượng ngồi dựa vào gốc đa, nhìn dòng nước đục vẩn màu hồng của phù sa đang trôi lững lờ, êm ả. Phượng thốt nhiên cảm thấy tình yêu quê hương tràn ngập trong lòng! Quê hương xinh đẹp, quê hương hiền hoa, đầy trái ngọt cây lành! Quê hương thật đáng yêu với bà ngoại tóc bạc phơ, phúc hậu. Cầu trời cho ngoại Phượng được luôn khỏe mạnh, sống lâu, để mỗi năm, Phượng được vài lần về quê thăm ngoại…

- Phượng à! Phượng! Kêu em lên con…

Phượng giật mình, dạ thật to. Quay xuống đám em, Phượng vẫy:

- Lên tụi bây ơi! Vô nhà tắm lại đi! Ngoại kêu kìa!

Mấy đứa em kỳ kèo:

- Chút nữa, chị Phượng.

Hơi cau mày, Phượng lắc đầu:

- Đã bảo ngoại kêu lên mà!

Đám em tiếc rẻ tóe nước thêm vài cái, mới lục tục kéo vào nhà. Gió thổi nhè nhẹ khiến chúng co ro, môi xam xám. Một đứa kêu lên:

- Gió lạnh quá! Sao ở dưới nước ấm quá, tụi bây hén?

Tắm vào, nồi khoai và chuối ban trưa được chúng chiếu cố gần hết.

Ngoại cẩn thận:

- Hai ơi! Ra hái cho tụi nó giỏ mận đi con. Lát ăn cơm rồi, cho tụi nó ăn.

Mấy đứa em nó lại ùa theo chị hai, đứa xách giỏ, đứa cầm lồng.

Bữa cơm chiều, ngoại cho tụi nó ăn vịt xiêm luộc, chấm mấm gừng. Con vịt thật to, mập hơn ba ký lô được luộc cả, chặt ra bày đầy trên bốn chiếc dĩa bàn lớn. Gan vịt thật độc đáo, to bằng bàn tay Phượng.

Chị hai đâm một nhánh gừng già, thật nhuyễn chung với củ xả non. Nước mắm mằn mặn, chua chua, ngòn ngọt, cay cay màu xanh, đặc sánh với gừng và xả, càng hấp dẫn khi thả vào thêm một quả ớt hiểm nho nhỏ màu đỏ tươi. Loại ớt này thật đặc biệt, thật nhỏ nhưng thật cay, một thứ cay làm ta thú vị…

Chiều nhà quê, màn đêm hình như buông nhanh hơn ở thành thị. Chưa đến sáu giờ chiều mà nhà ngoại đã phải lên đèn.

Chiếc đèn “manchon” được treo cao trên cái đà ngang kêu “khè khè”, cố sức chọc thủng bóng tối đang dần xâm chiếm gian nhà bếp. Mấy bà cháu Phượng ấm cúng vây quanh chiếc bàn ăn. Chị hai thỉnh thoảng rời bàn, đứng lên múc thêm tô cháo.

Bà ngoại ân cần:

- Ăn đi các con! Thằng Tí thủng thẳng ăn, cháo còn nóng hổi đó!

Thằng Thới suýt soa:

- Trời lành lạnh mà ăn cháo nóng vầy, ngon quá ngoại!

Thằng Bình cãi lại:

- Thịt vịt mắm gừng mới ngon. Có cháo mà hỏng có thịt làm gì ngon?

Ngoại mỉm cười:

- Ờ! Ngon thì ăn đi. Tao tính ở Sàigòn thiệt cực! Ba má bây đi làm chỉ đủ cho bây ăn!

Tí chen vào:

- Con thích về ngoại nè ngoại…

Cứ thế, ngày này sang ngày nọ, trôi qua thật nhanh chóng. Mỗi ngày với một món ăn khác nhau, một thứ tiêu khiển khác. Nào bánh xèo, gỏi cuốn, mì xào, cà ry, gà hầm măng non… bánh ít, bánh men, đậu hủ… Ngoại cho chúng ăn thả cửa. Tụi nhóc con tha hồ được lũ bạn miền quê dẫn đi bắt dế, đào trùn câu cá, bắn chim… Thật là những ngày thần tiên, kỳ thú…

Chỉ còn đêm nay nữa thôi, sáng mai chị em Phượng lại trở về Sàigòn với ba mẹ. Chỉ còn bà ngoại với chị giúp việc ở lại trong ngôi nhà rộng, khu vườn xanh. Chóng thật! Phượng nhớ đến 2 câu trong một bài học thuộc lòng thuở tiểu học:

“Chín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quê,

Ôi! Tất cả mùa xuân trong mùa hạ!”

Và Phượng tự đổi lại:

“Bảy ngày hè nhảy nhót ở đồng quê,

Ôi! Tất cả ngày xuân trong tháng hạ.”


ÁI THƠ      


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 114, ra ngày 12-11-1973)


Nguồn: http://tuoihoandmore.blogspot.com/2014/06/ngay-xuan-trong-thang-ha.html

No comments:

Post a Comment