Tuesday, June 30, 2015

Dọc đường văn học.

http://nhavantphcm.com.vn/
30.6.2015-23:00

NVTPHCM- Trang Facebook của bạn Quy La có đưa lại bài “Xính xái là gì?” của Tầm Dương, do tác giả đưa lên  ngày 15.5.2014. Mở đầu, tác giả này đã nói ngay rằng có “một từ thôi mà nghĩ mất cả chục năm”. Rồi Tầm Dương trình bày ý kiến của mình để gút lại như sau: “Mịa những gã học chữ Hán ba mớ, tiếng Tàu ba mớ rồi giải thích xe Thổ mộ là xe như cái mả đất thì nói xin lỗi, có mà đến mùa quít mới hiểu vụ này. Thế nhưng đọc cái này xong có khi y cũng tìm mọi cách bới móc hay xào xáo gì đó mới hả dạ đấy. Cho nên phải nói lại, bản nhân là dân chuyên nghiệp, không có hạ mình mà cãi nhau hay thảo luận với bọn nghiệp dư, nhé”.  Bạn Quy La cho biết Tầm Dương chắc là “bà con” với Tầm Hoan còn Tầm Hoan thì chính là Cao Tự Thanh (3 trong 1) và trong bài này thì người mà Tầm Dương ám chỉ chính là ông An Chi. Vậy xin ông cho biết ý kiến và xin cám ơn ông.

(Dũng VAVP, Bình Thạnh, TPHCM)
               

Cho dù Tầm Dương có nói chặn trước rằng anh ta “là dân chuyên nghiệp, không có hạ mình mà cãi nhau hay thảo luận với bọn nghiệp dư” thì chúng tôi vẫn cứ phải vì trách nhiệm với bạn đọc mà vạch ra sự cẩu thả trong tra cứu và sự hỗn láo trong hành xử của anh ta. Vậy từ đây trở xuống, An Chi chỉ nói chuyện với  Dũng VAVP và các bạn đọc khác chứ không phải với Tầm Dương. Cũng xin nói rõ rằng Tầm Dương viết “xính xái” còn An Chi thì viết “xín xái” nên xin “tổng hợp” mà viết thành “xín[h] xái”. Tầm Dương viết “lai” (“bồ lai …”) còn An Chi thì viết “lái”. Trước đây, An Chi từng gọi Cao Tự Thanh là đại chuyên gia; nay xin nâng cấp mà gọi Tầm Dương là siêu chuyên gia vì anh này vừa biết xài “tiếng Đan Mạch”(*), vừa xài đến cả chục năm mới tìm ra được một cách giải thích, mà lại giải thích không ra gì, về hai tiếng “xín[h] xái”.
               
Trước nhất, Tầm Dương là một kẻ hỗn láo khi sử dụng mấy tiếng “bọn nghiệp dư”. “Nghiệp dư” là không chuyên nghiệp, là không được đào tạo chuyên ngành. Nhưng không kể hạng làng nhàng, lẹt đẹt như An Chi, “bọn nghiệp dư” còn bao gồm những người đức trọng tài cao đã thành danh trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau ở nước ta, nhất là vào nửa đầu thế kỷ XX. Nguyễn Văn Tố thuở nhỏ học chữ Hán, sau sang Pháp học đỗ bằng Thành chung. Về nước ông làm việc tại trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, chuyên về văn học cổ Việt Nam. Đào Duy Anh sau khi đỗ Thành chung thì đi dạy học. Năm 1928, ông sáng lập Quan hải tùng thư, rồi trở thành từ điển gia và sử gia. Hoàng Thúc Trâm là một người tự học để trở thành nhà nghiên cứu văn học và lịch sử. Nguyễn Đổng Chi theo học các trường tiểu học ở Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới, học trung học tại Vinh và học chữ Hán, chữ Nôm tại nhà. Vũ Ngọc Phan thuở nhỏ theo cha đến Hưng Yên và theo học chữ Hán rồi chuyển sang học tiếng Pháp và bằng cấp cao nhất của ông là Tú tài Pháp. v.v.. Các vị đó đều thuộc ca-tê-gô-ri “bọn nghiệp dư” của tay Tầm Dương láo xược cả. Anh này bất quá hơn các vị ở cái bằng của ngành Hán Nôm, Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thế mà dám có thái độ báng bổ đối với họ. Bỏ ngay cái thói hỗn láo đó đi Tầm Dương.
               
Còn về thói cẩu thả thì siêu chuyên gia này viết: “Xín[h] xái: tức nói tắt câu “Xín[h] xái bồ lai bồ khự” (Thỉnh tại, vô lai vô khứ - Xin cứ ở đó, đừng tới đừng đi) theo âm Hoa Hán giọng Triều Châu. Vô lai vô khứ là rút từ câu trong Phật điển “Vô lai vô khứ vô đại chí” (Đừng tới đừng đi đừng để ý), về sau được cắt đi ba chữ Vô đại chí ở cuối và gắn thêm hai chữ Thỉnh tại kiểu chơi chữ ở đầu, trở thành một đặc ngữ phổ biến trong ngôn ngữ của người Trung Quốc, qua thực tế sử dụng mang nhiều nét nghĩa như Không đáng gì, Đừng để bụng, Cứ thế đi.”
               
Chẳng cần “bới móc”, mà cũng chẳng cần chờ đến mùa quit, ta cũng đã có thể thấy ngay rằng Tầm Dương nói sai bét. Anh ta đã khẳng định rằng “xín[h] xái” là kết quả nói tắt từ câu “Xín[h] xái bồ lai bồ khự” nhưng ngay sau đó lại nói rằng “xín[h] xái” là hai tiếng được gắn vào đầu câu “Vô lai vô khứ vô đại chí” sau khi câu này bị cắt đi ba chữ cuối. Điều này chứng tỏ rằng “xín[h] xái” tự nó đã là một cấu trúc độc lập, có thể hành chức trong văn bản một cách hoàn toàn tự do và chính là nhờ nó mà câu “Xín[h] xái bồ lai bồ khự” mới có thể thành hình. Cho nên nói rằng “xín[h] xái” là kết quả nói tắt từ câu “Xín[h] xái bồ lai bồ khự” là hoàn toàn nghịch lý. Thực tế thì “xín[h] xái” là hai tiếng tự nó đã đủ xài; chỉ khi nào muốn tạo sắc thái đùa tếu một cách thân mật, người ta mới thêm bốn tiếng “bồ lái bồ khự” vào còn bản thân bốn tiếng này thì không bao giờ dùng riêng trong những trường hợp mà Tầm Dương đã nói ( để diễn đạt những cái ý “không đáng gì”, “đừng để bụng”, “cứ thế đi”). Cho nên, trong những trường hợp này, nếu cần, thì người ta phải nói “Xín[h] xái” hoặc “Xín[h] xái bồ lái bồ khự”, chứ không bao giờ chỉ nói “Bồ lái bồ khự” trơ trẻn, trống không và vô duyên. Một anh bạn người Triều Châu khẳng định: “Khi cần thiết, thay vì nói “xín[h] xái” mà anh lại nhảy bổ vô để chỉ nói “bồ lái bồ khự”  thì người ta biết ngay rằng anh không phải là người Tiều.” Tóm lại, ở đây, ta chỉ có chơi chữ đằng đuôi (thêm “bồ lái bồ khự”), chứ không phải “ở đầu” (thêm “xính xái”) như Tầm Dương đã nói. Thế nhưng Tầm Dương còn muốn hù thiên hạ bằng “kiến thức toàn diện” của anh ta mà nói rằng “Thỉnh tại là kiểu chơi chữ ở đầu trở thành một đặc ngữ phổ biến trong ngôn ngữ của người Trung Quốc.” Xằng bậy! Đây chỉ là một đặc ngữ của tiếng Triều Châu mà thôi.

Siêu chuyên gia này còn nói rằng “vô lai vô khứ” là rút từ câu “Vô lai vô khứ vô đại chí” trong Phật điển và câu này có nghĩa là “Đừng tới đừng đi đừng để ý”. Hiểu như thế thì vừa không đúng với Thiền lý, vừa không đúng với phong cách ngôn ngữ của câu đang xét. Thực ra, “vô lai vô khứ vô đại chí” vốn là một câu của Đại lão Hoà thượng Quảng Khâm [廣欽] (1892-1986), một thiền sư danh tiếng của Đài Loan. Ngài đã đưa nó ra để giảng lúc lâm chung. Nhưng trong cái câu bảy tiếng này thì ba tiếng sau (“vô đại chí”) là riêng của Thiền sư Quảng Khâm; chỉ có bốn tiếng “vô lai vô khứ” mới đích thị là một thành ngữ liên quan đến giáo lý nhà Phật. Bằng chứng là thành ngữ này còn có mặt trong thơ của người khác, chẳng hạn trong bài “Vô đề” của Thiền sư Thập Đắc đời Đường mà sau đây là câu đầu tiên: “Vô lai vô khứ bổn trạm nhiên” [無來無去本湛然]. Vậy nói như Tầm Dương rằng bốn tiếng “vô lai vô khứ” là rút từ câu “Vô lai vô khứ vô đại chí” trong Phật điển thì sai bét, vì nếu có người nói rằng nó “rút” từ câu thơ của Thập Đắc thì siêu chuyên gia này sẽ trả lời như thế nào? Thập Đắc sống vào đời nhà Đường, trước Quảng Khâm đến mấy triều đại (Tống, Nguyên, Minh, Thanh) cho nên câu của Thập Đắc thuộc bậc cụ kỵ chứ câu của Quảng Khâm chỉ là hàng chút chít. Tóm lại, bốn chữ “vô lai vô khứ” không phải lấy từ câu “Vô lai vô khứ vô đại chí” của Thiền sư Quảng Khâm, cũng không phải từ câu “Vô lai vô khứ bổn trạm nhiên” của Thiền sư Thập Đắc. Đó là một thành ngữ liên quan đến kinh điển của Phật giáo nên ta mới thấy nó còn được vận dụng trong những câu khác như (ghi bằng chữ quốc ngữ cho tiện):

– Vô lai dã vô khứ, sở dĩ khiếu như lai.
– Vô lai vô khứ vô sở trú.
– Vô lai diệc vô khứ, vô sinh diệc vô tử.
– Luận vô lai vô khứ.
– Vô khứ vô lai bất sinh diệt. V.v và v.v..

Của đáng tội, nếu ngay từ đầu mà Tầm Dương vớ được câu của Thập Đắc thì hẳn anh ta đã nói bốn chữ “vô lai vô khứ” là “rút” từ câu “Vô lai vô khứ bổn trạm nhiên” của vị thiền sư này rồi. Đã thế, anh ta lại còn không chịu tìm hiểu cho đến nơi đến chốn nên mới nói trớt quớt rằng “vô khứ vô lai” là “đừng tới đừng đi” trong khi nghĩa của bốn tiếng này là “không [có] đến, không [có] đi”. “Không [có]” diễn tả một trạng thái trong đó một việc, một hành động không hề xảy ra còn “đừng” thì biểu thị thức mệnh lệnh phủ định (negative imperative). Khác nhau một trời một vực!

Tầm Dương cũng rất ẩu khi nói theo kiểu vọng văn sinh nghĩa rằng trong câu “Vô lai vô khứ vô đại chí” thì “vô đại chí” [無代誌] (có chỗ ghi “vô đãi chí” [無歹誌]) có nghĩa là “đừng để ý”. Thực ra, đây là một lối nói riêng của thổ ngữ Đài Loan, có nghĩa là “không có chuyện gì cả” (“một hữu thập ma sự” [沒有什麼事]). Ture Buddha Library (tblibrary.org) ghi lại lời giảng của Thiền sư Quảng Khâm như sau (phiên âm Hán Việt):

“Tằng hữu đệ tử vấn ngã:
– Vô lai vô khứ vô đại chí, thị thập ma ý tứ?

Ngã đáp:
– Ngã một hữu lai, dã một hữu khứ, căn bản một hữu thập ma sự!”

Dịch nghĩa:
“Từng có đệ tử hỏi ta:
– Vô lai vô khứ vô đại chí, ý nghĩa là gì?

Ta đáp:
– Ta không [có] đến, cũng không [có] đi,  vốn chẳng có chuyện gì cả!”
Chính vì cái nghĩa của ba chữ “vô đại chí” là như thế nên có chỗ người ta đã cải biên lời nhưng vẫn giữ cái ý gốc của Thiền sư Quảng Khâm thành “Vô lai, vô khứ, vô sự tình [無事情] ” (http://sinyuanhang.blogspot.com/2012/06/blog-post_8258.html)

Vậy “vô đại chí” ở đây chính là “vô sự tình”, nghĩa là “chẳng có chuyện gì sất”… Siêu chuyên gia Tầm Dương dịch ba chữ đó thành “đừng để ý” thì hiển nhiên là… hết ý. Thiền sư Quảng Khâm là bậc thầy trong giới Thiền ở Đài Loan mà Tầm Dương lại dạy ngài “đừng để ý” thì chẳng có lẽ lúc ngồi thiền ngài lại nhớ tới mấy cô bạn gái người Hoa ở Chợ Lớn? Thiền sư Quảng Khâm đã không có đến, cũng không có đi mà Tầm Dương lại mời ngài “Xin cứ ở đó” (Ngài có định đi đâu đâu!) thì chẳng hoá ra ngớ ngẩn, lạc lõng lắm sao? Huống chi, hai tiếng “Thỉnh tại” của Tầm Dương cũng chỉ là một câu cụt vì động từ “tại” đòi siêu chuyên gia phải cấp cho nó một trạng ngữ chỉ nơi chốn chứ nó đâu có chịu đứng một mình trơ trọi, đơn côi! Được người ta hỏi “Anh ở đâu?” mà cứ trả lời và chỉ trả lời “Tôi ở” thì tránh sao khỏi bị người ta cho là mắc bệnh tâm thần. Câu “Thỉnh tại” cũng tâm thần y chang. Dĩ nhiên là cũng có trường hợp mà động từ “tại” chẳng có trạng ngữ nào theo sau nó mà câu vẫn đúng, chẳng hạn trong “Phụ mẫu tại, bất viễn du” (Cha mẹ còn [ở trên đời thì] không đi chơi xa) nhưng đây là một nghĩa khác hẳn, một công dụng khác hẳn. Chẳng qua là Tầm Dương phải phịa ra hai tiếng “Thỉnh tại” rồi chuyển âm của nó sang tiếng Triều Châu thành “xín[h] xái” để cho người đời thấy anh ta đã không bõ công bỏ hàng chục năm trời mới tìm ra được một cách giải thích chẳng ra gì về nguồn gốc của hai tiếng đang xét. Đến như người Triều Châu chánh tông thì từ nhiều đời nay họ đã không còn biết hai tiếng “xín[h] xái” nó viết ra làm sao nữa rồi.

Thế là sau khi “bới móc” và “xào xáo” thì hiển nhiên là An Chi rất “hả dạ” vì đã vạch trần cái cách hiểu sai bét, xuất phát từ thói cẩu thả và thói ngạo mạn anh chị bự của Tầm Dương. Và dĩ nhiên là An Chi cũng đâu có chờ siêu chuyên gia này “hạ mình mà cãi nhau hay thảo luận với bọn nghiệp dư”. Cãi sao lại mà cãi; thảo gì nổi mà thảo …

___________________
(*) “Tiếng Đan Mạch” là tiếng chửi thề trong khẩu ngữ bình dân ở Miền Nam. “Đan Mạch” là uyển ngữ thay cho hai tiếng “ Đ… mẹ”.

01.7.2015-09:45

NVTPHCM- Tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi câu chuyện mà nhà văn Mỹ Toni Morison đã kể trong bài diễn văn nhận giải Nobel văn học của bà năm 1993. Trong diễn văn quan trọng này, bà kể về một nhà tiên tri mù. Một hôm, có những đứa trẻ cầm một con chim đến trước bà. Chúng nhìn bà với một đôi mắt vô cảm và đầy thách thức rồi cất tiếng: "Này bà tiên tri, bà là một mụ già mù nhưng lại nhìn được tương lai. Vậy bà hãy nói cho chúng ta biết: con chim chúng ta đang cầm trong tay sống hay chết".

Bà tiên tri mù đã không trả lời câu hỏi của bọn trẻ. Bà ngước đôi mắt mù nhìn về phía xa. Bà nhìn thấy tương lai của những đứa trẻ và nhìn thấy một phần tương lai của thế giới thông qua những đứa trẻ đó, một tương lai của nỗi sợ hãi và sự đe dọa. Lòng bà đau đớn vô cùng. Bà biết rõ rằng: nếu bà nói con chim trong tay những đứa trẻ còn sống  thì ngay lập tức chúng sẽ bóp chết con chim có trái tim bé bỏng đang đập những nhịp đập sợ hãi trong tay chúng. Số phận con chim kia phụ thuộc vào tình yêu thương của đứa trẻ. Cũng như số phận thế gian này phụ thuộc vào chính lòng yêu thương của con người. Câu hỏi của những đứa trẻ đã sinh ra từ sự vô cảm và đầy thú tính.

Câu hỏi xấc xược và độc ác ấy của những đứa trẻ đã minh chứng một cách hãi hùng về một thế giới mà con người bắt đầu không dùng tình yêu thương để xây dựng nó mà dùng bạo lực để thống trị nó. Sức mạnh để điều hành thế giới này đã và đang không còn là chủ nghĩa nhân văn nữa mà là bạo lực. Bạo lực của một kẻ mạnh (những đứa trẻ) đối với một kẻ yếu (con chim) cũng giống như bạo lực của một quốc gia này với một quốc gia khác. Những đứa trẻ hiện diện trước bà tiên tri mù chính là sự hiện diện của độc ác trước một giá trị tinh thần của thế giới. Bà tiên tri mù ấy, trong cách nhìn và suy ngẫm của tôi, chính là khát vọng, là trí tưởng tượng kỳ diệu và ngập tràn tính nhân văn và đó cũng là vẻ đẹp huyền ảo của đời sống thế gian. Và tất cả những điều tốt đẹp này đang càng ngày càng bị đe dọa, thách thức và nhạo báng một cách công khai.

Sự xuất hiện của những đứa trẻ với một câu hỏi xấc xược và độc ác đã gửi cho chúng ta một thông điệp cấp bách: thời đại của bạo lực đã công khai hóa và đang trở thành chiếc gậy điều khiển xã hội loài người. Bạo lực ấy cho đến ngày nay, chúng ta có thể hiểu rộng hơn các phía của nó. Một phía của nó được thể hiện bằng vũ khí và phía khác thể hiện bằng sự áp đặt xã hội con người và đe dọa xã hội con người phải tuân theo những luật lệ có lợi cho một nhóm người hay một quốc gia nào đó.

Bây giờ, nếu chúng ta khoanh sự lý giải của chúng ta vào những đứa trẻ đã cất lên câu hỏi xấc xược và độc ác kia, chúng ta nhận thấy, nền giáo dục của xã hội loài người chúng ta đã và đang đổ vỡ thảm hại. Có một đặc điểm khác biệt giữa những đứa trẻ trong thế kỷ 21 này và những đứa trẻ của mấy chục năm trước. Đó là sự rời bỏ tuổi thơ của những đứa trẻ bây giờ quá nhanh. Chúng đã không sống đủ và sống hết tuổi thơ của chúng. Đấy chính là điều nguy hiểm nhất khi mà những đứa trẻ kia lớn lên thành những chủ nhân của thế giới.
 
Thế giới đang từng ngày ăn cướp một cách trắng trợn tuổi thơ của những đứa trẻ.  Trẻ em đang trở thành mục đích thương mại hóa của người lớn. Người lớn bóc lột sức lao động trẻ em trong các hầm mỏ, các công xưởng... và bóc lột sức lao động chúng ngay trong ngôi nhà của mình. Người lớn đang kinh doanh tình dục trẻ em. Người lớn dùng chiêu bài trẻ em để kinh doanh tiền bạc và chính trị. Chúng ta áp đặt những phương pháp giáo dục trẻ em từ gia đình đến nhà trường một cách quá thô thiển. Chúng ta quên lãng tuổi thơ của chính con cái mình. Chúng ta sống với một cuộc sống đầy tham vọng và mưu mô, chúng ta thực sự đang trẻ em hóa những dục vọng của chúng ta.

Một đứa trẻ hiện nay trong một ngày được tiếp cận bao nhiêu phần trăm những điều tốt đẹp so với những gì thuộc về một đời sống bạo lực? Thực tế cho thấy rất ít. Các thông tin về bạo lực và xung đột trên các phương tiện thông tin đại chúng của thế giới đã lấn át những thông tin văn hóa và nhân văn. Cùng lúc đó, một khoảng trống quá lớn đã bày ra trước những đứa trẻ mà chúng phải tự quyết định lấy những vấn đề vô cùng quan trọng để hình thành nhân tính. Đó là khoảng trống tạo nên bởi sự vô trách nhiệm và bỏ mặc của người lớn.

Tất cả những gì chúng ta đã và đang làm đã trực tiếp và gián tiếp cướp đi những tơ non, những trong sáng, những tưởng tượng... của trẻ em. Chính những điều ấy đã làm cho những đứa trẻ phải rời bỏ tuổi thơ của mình. Những đứa trẻ ấy bước vào cuộc sống tự lập quá sớm và phải chống chọi lại tất cả những điều tệ hại, xấu xa nhất đang hiển hiện trong xã hội. Những đứa trẻ vô tình trở thành những con ngựa đua vô ý thức cho những cuộc cá cược dục vọng của người lớn.

Thay vào sự chiêm ngưỡng đầy run rẩy và đầy tưởng tượng những tổ chim hay những con chim là một thách thức giá lạnh đến hãi hùng. Trong khi chờ câu trả lời của bà tiên tri mù, những ngón tay bé bỏng nhưng vô cảm như những gọng kìm sắt của những đứa trẻ đang từ từ xiết chặt. Và chỉ cần câu trả lời của bà tiên tri mù cất lên chạm vào sự thách thức độc ác của chúng, những đứa trẻ sẽ xiết chặt những ngón tay ấy để bóp nát trái tim bé bỏng như một hạt đỗ đang đập run rẩy và hoảng sợ của con chim một cách không thương tiếc. Nhưng sự thật thì những bàn tay độc ác trong tâm hồn đã giết chết con chim nhỏ bé kia một cách dửng dưng ngay từ khi chúng có ý định đến trước nhà tiên tri mù để thách thức bà. Đó chính là sự kiêu khích và đe dọa của một xã hội bạo lực. Nó kiêu khích và đe dọa chủ nghĩa nhân văn của xã hội loài người.

Hình ảnh những đứa trẻ kia không còn là một hình ảnh của sự sáng tạo mang tính cảnh báo của một nhà văn và cũng không phải là một hình ảnh đơn biệt trong xã hội nữa. Nó là một hiện thực có ở quanh đời sống chúng ta. Hiện thực đó đã và đang công khai cưỡng dâm một đứa bé, công khai chém xối xả một bà già để cướp của, công khai xả súng như một trò chơi vào một đám đông, công khai xúm vào đánh đập cho đến chết một sinh viên ngoại quốc, công khai túm tóc một người mẹ sinh ra chúng, công khai vừa đua xe vừa trêu chọc cảnh sát giao thông, công khai đánh hội đồng một bạn học rồi quay clip đưa lên mạng như một trò tiêu khiển...

Tất cả những hành động đó cũng chính là hình ảnh những đứa trẻ, hiện thân của cái ác đang thách thức chủ nghĩa nhân văn của toàn nhân loại, mà nhà văn Toni Morison nói đến. Nó cho thấy một xã hội đang quá sợ hãi cái ác và nhiều dấu hiệu của sự nhụt trí trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác. Nếu không muốn nói ở đâu đó và một lúc nào đó đã vô tình thoat hiệp với cái ác. Nó cho thấy những gía trị nhân văn đang bị lấn át và đang bị dồn vào những phần đất hẹp. Nó cho thấy chúng ta đã mắc quá nhiều sai lầm trong việc nhận thức những giá trị đích thực của đời sống và trong việc làm cho cái đẹp lan tỏa vào đời sống.

Nếu chúng ta lùi sâu hơn nữa vào đời sống ngay sau bậc cửa ngôi nhà của mình, chúng ta sẽ nghe được những câu nói của con cái chúng ta. Những câu nói tưởng giản đơn nhưng là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy những đứa trẻ đó đang lớn lên trong một đời sống hưởng lạc và vô trách nhiệm.

- Mẹ phải trả cho con 100.000đ thì con mới quét nhà.
- Con trông bà nội cả sáng nay trong bệnh viện, bố phải trả công con đấy.
- Bố phải chi tiền cho con hàng ngày con mới đi học.
- Không có Vespa là con ngày nào cũng đi học muộn đấy.
- Nếu bố mẹ còn tiếp tục nói con, con sẽ không về nhà nữa.

Và không ít những bậc cha mẹ đã vui vẻ chấp hành những đòi hỏi vô lý ấy của con cái. Họ đã và đang đầu hàng trước những đòi hỏi hay có thể nói đó là những thách thức đầu tiên của những đứa trẻ này. Rồi đến một ngày nào đó, những đứa trẻ này có thể đến trước mặt cha mẹ hay những người khác trong xã hội và đưa ra những yêu cầu vô lý, láo xược và bắt mọi người phải phục tùng chúng. Nếu không chúng sẽ có những hành động trừng phạt như chúng từng trừng phạt cha mẹ chúng bằng cách bỏ ăn, bỏ học, bỏ nhà và làm những điều mà cha mẹ chúng sợ hãi. Rồi đến một ngày, chúng sẽ đứng trước xã hội một cách ngạo mạn, hống hách và ác độc cất tiếng đòi hỏi và đe dọa xã hội bằng bạo lực. Và nếu không được xã hội thỏa mãn những dục vọng của mình, chúng sẽ tàn phá xã hội một cách không thương tiếc như những đứa trẻ cầm trên tay con chim đang sống kia.


23.6.2015-07:00
  
Email từ phía trời xa
  Tặng em họ B. Phượng đang định cư ở Mỹ

“Nếu chỉ làm thơ thì thu nhập thế nào?”
Câu hỏi đặt ra sau bao điều suy ngẫm

Nhà thơ Việt Nam có người từng rao bán trăng (*)
cũng chẳng để lấy tiền
Rất may! Nếu có ai mua thơ,
bán, cũng không được nhiều tiền cho lắm!

Vậy mà nhà thơ vẫn cứ âm thầm
thao thức và vắt tim, vắt óc
Vậy mà với những con chữ, hết cười rồi khóc
nhà thơ hả hê gieo vần

Không tính toán được - thua,
những gì còn lại đâu hơn xác tằm
sau chiếc kén óng vàng tơ lụa
nhà thơ dâng hiến cho đời

Câu hỏi bật lên, tận phía chân trời,
xa lắc nhau, nửa vòng trái đất, bỗng nối điều gần gủi
Ở đâu, trong thế giới này,
thu nhập của người làm thơ cũng đều như vậy:
Trăng, sao và tình yêu
vô tận bầu trời, cỏ cây, hoa lá…

Tháng 11. 2014.

08.4.2015-18:30.

Viết cho mình.

Tôi sống quanh quẩn trong tôi 
muốn bứt ra hóng gió trời ngẩn ngơ 

bức tường bưng bít câu thơ 
lo toan ngăn lối ước mơ đi về 

một tôi của niếm say mê 
một tôi của những chiếc hè lang thang 

muốn trôi theo đám mây ngàn 
muốn yêu cho đến lỡ làng thì thôi 

muốn thay một kiếp con người 
bực mình muốn bứt cả trời vào thơ.

Bao giờ cho đến tháng ba 

Bao giờ cho đến tháng ba 
Để mua dăm bảy bông hoa tặng người 

Tổng tênh gồng gánh giữa giời 
Tôi đem rao bán cái cười ngả nghiêng 

Bán cho người cả cái duyên 
Bán luôn nốt cả ưu phiền - tay không.
Khi tôi đứng ở giữa lớp học 
với quyển sách giáo khoa và viên phấn trắng 
những đứa học trò yên lặng 
những đứa học trò mải chuyện riêng 
tôi đã nói điều mình nghĩ 
và cả điều chưa nghĩ tới 
lũ trẻ ghi mê mải 
chúng nhận được gì qua lời giảng của tôi 

Tôi là diễn viên nhập vai rất tồi 
Khi trơn nhẵn từng dòng từng cữ 
Khi lạc điệu ngẩn ngơ không nói đủ 
lời khen chê cũng có lúc hụt hơi 
Tôi tìm gương trong bài giảng của tôi 
bụi phấn trắng xoá 
bụi phấn tả tơi 
nét học trò chưc tròn chữ gẫy 
Tôi đứng chố người thày 
thời gian theo nhịp sống điểm trôi 
không thể nói lời dài ngắn 
Tôi đứng mỗi giờ trên bục giảng 
Mài mòn tấm bảng đen 
Bao khuôn mặt học trò đã nhớ và quên 
Vai diễn cả đời chưa một lần đóng nhập 

II 
Tôi như con đò chở đầy lòng mình 
lời sách vở và điều mơ ước 
Em bước vào đò qua dòng sông nước lớn 
bờ bên này trẻ thơ 
lên bến kia thành một con người 
Tôi cúi xuống nhặt cánh phượng rơi 
chưa lầm lũi 
chưa nát nhàu bước thời gian dẫm đạp 
bao lớp học trò ra đi 
bao lần phượng thắm cành rũ lá 
em mang được bao lời của tôi 

Em có thể nhớ về như gió nhớ về cây 
Em có thể nhớ về như con ong chia bày tìm về tổ cũ 
Trong ký ức ríu ran 
Em có thể trách tôi đã lỡ 
Ép vào khuôn sách vở 
Đo bằng hình mẫu xa vời 
sản phẩm tinh thần của tôi 

III 
Tôi đã cho ra đời bao lớp học sinh 
chẳng nhớ hết tên 
tình cờ khi gặp lại 
em đấy ư? 
của năm tháng thuở nào? 
Em là ai? 
Bài đã chấm lục tung trí nhớ 
Nhân vật nào trong bài giảng của tôi 
con người nào đang bước giữa đường đời 
tôi đã gặp như quen như lạ 
người chào - kẻ ngoảnh mặt đi 
vô tình là thói quen của sự lãng quên 
vô tình là sự giận hờn của quá khứ 
chắc lần ấy tôi đã không kìm lời mắn mỏ 
chắc lần ấy… 
tôi nói gì trong vai diễn của tôi? 

IV 
Thời gian chỉ còn mấy đốt thôi 
mặt trống nhăn 
tiếng trống trường bùng bục 
cây phượng già cháy đỏ lần hoa mới 
cảm xúc lê trên đường mòn 
cặp kính dày lên con số 
tôi đập mình vào khuôn mặt đã in 
lũ trẻ ngước lên 
ngơ ngác kiếm tìm.

source: http://www.thivien.net/

Vu vơ cho kiếp khốn cùng
Nào hay gió lạnh quá đông lại về...(Vu vơ - Viết cho mình 1995)
Bìa tập thơ Nhặt lời cho bóng lá
Thơ và trái tim của người phụ nữ đa cảm…

NVTPHCM- “Nhặt lời cho bóng lá”* là tập thơ thứ 9 của nhà thơ Bùi Kim Anh, kể từ khi chị in tập thơ đầu tay “Viết cho mình” vào năm 1995, khoảng cách đúng 20 năm cho 9 tập thơ, trung bình hơn hai năm một tập thơ đối với người phụ nữ vốn nhiều nỗi niềm, đa mang chuyện gia đình cũng đủ khiến ta thêm nễ phục và quí trọng sức lao động, sáng tạo của chị.

47 bài thơ trong tập được chia làm 3 phần: Sợ rằng lục bát đã nhàu, Nhẹ cánh hoa rơi và Người ở trong thơ ta. Ba mảng đề tài, song cùng một chủ đề xuyên suốt tập thơ là những tình cảm trĩu nặng và tinh tế trong trái tim của một phụ nữ Hà thành lúc đã bước qua mảng sáng chiều của hoàng hôn cuộc đời. Trái tim vẫn còn nhiều trăn trở, khát vọng và cũng rất yêu đời lắm…

Phần một của tập thơ là 15 bài thơ lục bát, cho dù nhà thơ lo lắng: “Sợ rằng lục bát đã nhàu”, song lục bát của chị còn rất chuẩn và chỉn chu, mặc dù chị viết: “sợ cũ như miếng trầu cay/ sợ mòn như thể lối ngày đã qua/ sợ người bảo ta đã già/ như câu lục bát ngâm nga chuyện đời”, những câu lục bát mang đầy tâm trạng: “câu thơ lầm lụi nẻo đường/ gieo vần sáu tám người thương xa rồi…” (trang 5). Và chị đã mong đợi: “về đi thơ về đi người/ về trong bao chuyện khóc cười với nhau” (Cửa thiền có tiếng thở dài, trang 7), để rồi có lúc tự trách mình: “trách mình cứ nhớ cứ quên/ bao lời hẹn lỡ giữ nguyên một lời/ lên Hồ Tây ngóng gió trời/ nhặt câu thơ bị bỏ rơi năm nào” (một lời hẹn với ai đây, trang 8).

Cái nỗi niềm lẩn thẩn, lơ thơ, cứ mãi đeo bám, khi người thơ cứ tự nhận: “biết mình nay đã già rồi/ biết mình nay đã là người hôm xưa”, người hôm xưa đấy, nhưng vẫn cứ mong, mơ được: “niềm vui rơi rớt nỗi buồn/ xách tay lên cánh chuồn chuồn là bay…” (trang 11). Và rồi cũng bắt gặp tự trách: “chát chua trái quả cuối mùa/ tự sửa sang để tự vừa tấm thân” (Cởi câu trăng gió, trang 13). Phải chăng đó chính cũng là những dự cảm của người phụ nữ?

Những trọng trách, tình cảm thiêng liêng của người đàn bà, nhà thơ Bùi Kim Anh kín đáo đưa vào phần II “Nhẹ cánh hoa rơi”, đấy là lúc “trong bụng mẹ làm sao biết ngoài kia gió mưa hay nắng ráo/ sao mẹ lại sinh con trong cuộc đời của mẹ…” (trang 22), câu thơ nghe có vẽ lạ, nghịch lý? Bởi vì “để con mang nặng kiếp trần ai/ cơn bệnh ngặt nghèo mù lòa gõ cửa/ mong manh vặt vẹo tấm thân gầy”, song vẫn một niềm lạc quan cuộc sống: “nối những ngày bắt đầu bằng/ tia nắng kết thúc ngày bằng giấc con bình an” (Giấc con bình an, trang 22). Người mẹ, rồi người bà, sự cảm nhận khúc nôi, rưng rưng khi mà “cháu ngồi trong lòng bà an ủi trái tim già/ bàn tay bà mỗi chiều run run/ bàn tay cháu tĩnh lặng/ hai bà cháu ru thầm chiều nay cơn đau của mẹ ngủ yên…” (Lời ru chiều, trang 23).

Đặc biệt là bài thơ “Cho cháu Thiện Nhân”, ăm ắp tình người, tình cảm nhân hậu, ấm áp và bao la, khi mà ta chợt nghĩ đến đứa bé bị cha mẹ bỏ trong rừng sâu, bị thú rừng gặm mất chân, bộ phận sinh dục, được con gái nhà thơ Bùi Kim Anh nhận về nuôi dưỡng, chữa trị vết thương qua nhiều bệnh viện trong nước và nước ngoài, ta mới hiểu thấu trái tim của người phụ nữ, con rồi mẹ, bà. Bài thơ như khúc phim đầy những gian nan vất vả của mẹ, của bà: “ca mổ này dành riêng cho một kiếp nhỏ nhoi/ ca mổ này dành cho đớn đau lò cò nhảy lò cò đi qua ráo hoảnh/ những khuôn mắt mang hình lương tri…” lương tri của con người, của mẹ, của bà và cả những thầy thuốc đang phẩu thuật cho cháu, cái kết bài thơ cũng lại là niềm tin về một tia nắng sớm: “rồi lọc cọc qua phố bằng một chân còn lại/ bình thản một tia nắng sớm” (trang 31).

Mười một bài thơ của phần II là trĩu nặng tâm tình của chị: “ngày ấy mẹ chỉ cần các con thôi/ nắm tay mẹ/ chải tóc buồn cho mẹ/ chỉ cần rắc những cánh hoa rất nhẹ/ bao nặng nề mẹ chẳng muốn mang theo” (trang 37). Chao ơi, “cái ngày ấy” sao mà đau đáu nặng ngàn cân, đè cả con tim sao bỗng nhẹ tâng đến vậy? Cảm nhận, cảm thức hay dự cảm cứ neo vào câu thơ mà mênh mang đến vậy?...

Ở phần III, thôi thì nhà thơ đã trải hết lòng mình, cũng đã nhiều gửi gắm: “thế thôi ngắn ngủi sắc thơm tươi/ thế thôi những cánh lan quên đâu đó/ một góc khuất xưa của phố/ gọi ai về” (trang 72), cũng là tự nhận cùng với người: “em bây giờ đã già rồi/ và anh cũng đã là người năm xưa/ chúng ta để tuột tình yêu theo những lời ve vuốt/ chúng ta để tuột ve vuốt theo những tham vọng mưu sinh…” (trang 67), dù trong trái tim chị đã nhiều thổn thức, khi nhà thơ cùng với trăn trở của giấc ngủ không thành: “người đàn bà không ngủ được và/ thơ thức/ họ là bạn của nhau/ nhiều đêm chị gối đầu vào khúc khuỷu của câu chữ…”, đã rõ trái tim ấy luôn đa mang, đa cảm, thức cùng thơ và nhận ra tia nắng mai cũng thật là buồn: “người đàn bà không có gương và son phấn/ lâu quên phải vứt đi nứt nẻ choe choét/ nhợt nhạt tia nắng mai”.

Bersot nói: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim của người mẹ” Tôi nghĩ: Trái tim của chị, nhà thơ Bùi Kim Anh còn trìu trĩu những đa mang về đời, về thơ, với ước mong: “và thơ ơi dậy sớm nắng chưa soi tay người/ chưa xoay lật ta có nhành lộc tươi” (trang 73)…
 8.3.2015
(*) Tập thơ “Nhặt lời cho bóng lá” của nhà thơ Bùi Kim Anh, NXB Phụ nữ, quý I/2015

No comments:

Post a Comment