Sunday, June 21, 2015

CS HÒANG OANH - NS MAI CHÂU & Cố nữ sĩ HỒ ĐIỆP.



Hoàng Oanh xin gửi đến quý vị bài viết của nhạc sĩ Lê Dinh - viết về Hoàng Oanh trên tờ Điện Ảnh năm 1988 - ký dưới bút hiệu Viễn Khách:
HOÀNG OANH
Tiếng hát ngọt ngào còn đó, vẫn vững mãi với thời gian.
Tôi định viết về một ca sĩ đã rời khỏi Việt Nam từ năm 1975 và hiện sống ở Hải Ngoại, nhưng khi cầm viết, không biết nghĩ thế nào, tôi lại ghi hai chữ Hoàng Oanh trên đầu trang giấy. Nhưng mà thật vậy, nhắc đến Hoàng Oanh, người ca sĩ khả ái nầy thêm một lần nữa cũng không là điều quá đáng, dẫu cho Hoàng Oanh đã được nhiều tờ báo nhắc nhở đến từ sau ngày mất nước năm 1975.
Hoàng Oanh là một tên tuổi rất quen thuộc với mọi thành phần thính giả, từ người sống trong thành phố cho đến kẻ ở nơi thôn dã, từ khu đại học cho đến mọi góc đường phố nhỏ, từ một em bé học sinh cho đến một cụ già còn thích nhạc. Nói một cách khác, mọi tầng lớp thính giả đều yêu mến Hoàng Oanh, thích tiếng ca Hoàng Oanh, và Hoàng Oanh là một cái gì đó rất Việt Nam, gia tài chung của mọi lứa tuổi Việt Nam, mọi thành phần dân chúng Việt Nam, của nước Việt Nam.
Tiếng hát ngọt ngào, trong sáng và dễ thương đó của Hoàng Oanh đã không làm phụ lòng khán thính giả khoảng 20 năm trở lại đây và dáng dấp nho nhỏ, rất là học trò đó của Hoàng Oanh cũng đã gieo vào lòng giới mộ điệu rất nhiều cảm mến. Giọng ca Hoàng Oanh là một giọng ca rất tự nhiên, không gượng ép khi lên cao và không gò bó khi phải xuống thấp.
“Thôi hết rồi người đã xa tôi
Quên hết lời thề ngày xa xôi
Quên đường xưa lối qua ngậm ngùi,
Nghe thời gian bước đi bồi hồi
Hai ta cùng chung lối….”
Tiếng hát mật ngọt, êm ái đó của Hoàng Oanh, khi trình bày một bài hát nào là được khán thính giả chú ý đến ngay dù đó là một bài hát được hát lần đầu tiên, dù khán thính giả chưa quen với nhạc phẩm đó. Tiếng hát Hoàng Oanh lướt nhẹ trên những nốt nhạc dù cho bài hát đó viết ở cung nào, dù cho bài hát đó viết với thể điệu nào.
“Ôi kỷ niệm của ngày bên nhau
Nay chỉ còn là niềm thương đau
Sao tình yêu hóa ra hận sầu
Sao dịu êm hóa ra nghẹn ngào
Sao cuộc đời tựa chiêm bao…”
Hoàng Oanh có những cái láy rất là độc đáo, rất Hoàng Oanh, một lối láy dịu êm, uốn cong mà không gãy, nhẹ nhàng và dịu dàng lướt lên từ nốt thấp đến nốt cao hay ngược lại một cách tài tình, tài tình đến độ thính giả không cảm nhận được.
“Hết những ước mơ, lệ tuôn gối nhỏ, đêm dài rưng rưng nhớ
Cuộc đời từ đây, u buồn ngang trái để mình em đắng cay
Anh nhớ hay chăng:
Anh nói rằng trọn đời yêu em
Sao nỡ đành lòng nào lại quên
Câu tình yêu giữ không nhạt màu
Câu mình thương đến khi bạc đầu
Bây giờ trả lại trăng sao.”
Hoàng Oanh rất thành công khi còn ở Việt Nam với những hợp đồng thu thanh vào dĩa của hai hãng dĩa nhạc lớn nhất ở Việt Nam thuở đó là Sóng Nhạc và Việt Nam, với hợp đồng thu băng nhựa của tất cả các hãng băng ở Saigon, cùng sự mời Hoàng Oanh cộng tác của đa số các trưởng ban nhạc lớn ở đài phát thanh Saigon như Hoàng Trọng, Văn Phụng, Hoàng Thi Thơ, Võ Đức Tuyết, Hoàng Lang, Xuân Lôi, Nguyễn Hiền… và cả đài Tiếng Nói Quân Đội mà nhiều ngày trong tuần, Hoàng Oanh phải từ phòng vi âm nầy chạy qua phòng vi âm khác để thu thanh, không kịp ghé qua quán Phở 44 ở trước cửa đài Saigon để ăn sáng.
Nhưng nói đến Hoàng Oanh ca sĩ mà không nhắc đến Hoàng Oanh ngâm thơ là một sự thiếu sót rất lớn. Nếu thính giả lớn tuổi thích một Hồ Điệp chững chạc, già dặn thì trong địa hạt ngâm thơ, Hoàng Oanh cũng có một số đông thính giả ở lứa tuổi trung niên và lứa tuổi học sinh, thích một Hoàng Oanh ngâm thơ tươi mát, trong sáng và mới mẻ. Hoàng Oanh còn có một ưu điểm nữa ở trong phạm vi nầy là Hoàng Oanh có thể ngâm giọng Bắc, Trung hay Nam một cách dễ dàng và khéo léo, khéo léo cho đến độ thính giả không thể phân biệt được người diễn viên đó thuộc miền nào, Bắc hay Trung hay Nam, nếu không biết Hoàng Oanh là người Mỹ Tho (cùng quê hương với Trần Văn Trạch). Do đó, một số lớn ban thi ca của đài phát thanh Saigon như ban Tao Đàn của cố thi sĩ Đinh Hùng (khi Đinh Hùng mất do Thanh Nam điều khiển), ban Mây Tần của Kiên Giang…
Đặc biệt nhất là tiếng hát Hoàng Oanh không đổi thay sau hơn 12 năm sống ở Hải Ngoại, nơi mà đời sống vật chất dễ dàng làm cho con người và cả tiếng hát thay đổi, chẳng những giọng ca Hoàng Oanh không đổi thay mà lại có chiều đi lên, khác với một số ca sĩ khác mà khi nghe tiếng hát của một số ca sĩ Việt Nam Hải Ngoại nầy, chúng ta nhận thấy có một chút gì luyến tiếc vì những tiếng ca đó có chút gì vẩn đục, có chút gì phong trần, gió bụi trong đó. Trong khi Hoàng Oanh vẫn là Hoàng Oanh học trò của thuở nào, sáng trong, tươi trẻ. Điều nầy quý độc giả có thể nhận xét khi nghe một bài hát do Hoàng Oanh hát và thu thanh trước năm 1975 ở Việt Nam để so sánh với một bài hát mà Hoàng Oanh mới thu thanh sau năm 1975 ở Hải Ngoại trong những băng do Hoàng Oanh thực hiện và sản xuất như Buồn Trong Kỷ Niệm, Thương Người Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa…
Một ưu điểm khác đáng nói nữa ở Hoàng Oanh là ngoài Hoàng Oanh ca sĩ, chúng ta còn tìm thấy ở Hoàng Oanh một người vợ hiền thục, đoan trang, một người mẹ đảm đang, gương mẫu vì ngoài thời giờ đi khắp mọi nơi trên thế giới, nơi nào có người Việt Nam để sưởi ấm lòng người Việt Nam tỵ nạn, khi quay về mái ấm gia đình nho nhỏ ở New Jersey thì Hoàng Oanh là một Hoàng Oanh nội trợ, yêu chồng, thương con, vui sống với hạnh phúc gia đình, bên một ông chồng dược sĩ (cũng sáng tác nhạc với biệt hiệu Mai Châu - Một Người Đi…) luôn luôn giúp đỡ, khuyến khích và là cố vấn cho Hoàng Oanh, đã làm cho Hoàng Oanh tìm thấy sự phấn khởi trên đường phụng sự ca nhạc có sẵn trong mạch máu Hoàng Oanh từ thuở nhỏ, để Hoàng Oanh còn tiếp tục duy trì nhạc Việt ở Hải Ngoại, hát mãi cho người Việt Nam nghe, đem giọng hát quý báu của mình sưởi ấm lòng người Việt Nam ở khắp vùng đất tự do trên quả địa cầu nầy.
Viễn Khách

Hoàng Oanh's photo.

No comments:

Post a Comment