Tuesday, June 30, 2015

Creatzynotes.


Sunday, December 28, 2014


Lần đầu ngồi thiền nghiêm túc (xếp bằng)

Tự đó giờ mình chưa lần nào ngồi thiền một cách nghiêm túc (xếp bằng bán già hoặc kiết già), mặc dù việc quan sát nội tâm bằng con mắt bên trong thì khá thường xuyên và đã mang lại cho mình nhiều lợi ích. Hôm nay, nhờ mất ngủ giữa đêm và dạo này cũng đang cần phải "nâng cấp" cái "ngọn đèn chiếu ma" bằng con mắt bên trong của mình nên mình đã có dịp ngồi thiền ở tư thế xếp bằng đơn giản (bán già) với một số kết quả khá thú vị.
Nhưng trước khi quyết định ngồi dậy để thiền, theo thói quen, mình đã "nằm thiền" để đuổi con ma "Intrinsic Statics/Dynamics" đi. "Intrinsic Statics/Dynamics" vốn là một vấn đề nan giải trong lý thuyết Uniinfo của mình, và hồi tối ngay trước khi đặt lưng xuống ngủ thì mình vẫn còn băn khoăn với nó. Thế nên nửa đêm, khi bị tiếng động bên ngoài đánh thức, trong cảnh mơ màng nửa tỉnh nửa mơ đó, "Intrinsic Statics/Dynamics" bỗng biến thành một con ma lôi kéo mình chạy theo nó đến hụt hơi! Mình rất ghét bị mất tự chủ nên đã quyết định tỉnh dậy hẳn để dùng "ngọn đèn chiếu ma" mà đuổi nó đi.

"Nằm thiền" gặp những con "ma vui tính"

Mắt bên trong đã mở, hai con mắt bên ngoài vẫn nhắm nghiền, mình thấy cả một lũ "ma" đang quậy tưng bừng trong tâm thức. Nhưng ánh mắt của mình dòm tới đâu thì chỗ đó liền hoá ra im lặng. Con ma lớn nhứt và to tiếng nhất là con "Intrinsic Statics/Dynamics". Nó rất lươn lẹo, cứ lẩn trốn quẩn quanh lắt léo. Lần đầu nhìn thấy nó, chỉ chiếu thấy được cái đuôi, cái đuôi liền bất động rồi biến mất, nhưng nó hãy còn lẩn khuất... Lần sau nhìn thấy nó, đã bắt được cái mình của nó, cái mình cũng thôi động đậy và biến mất. Đến lần thứ ba mới thấy rõ được mặt mũi của nó, nơi cội nguồn gây ra cảnh lộn xộn trong tâm thức của mình, và nó liền tan rã. Nhưng dường như nó chỉ mới phân thân ra thành trăm mảnh chứ chưa thực sự mất hẳn... Tâm thức mình bây giờ giống như một khu rừng với những con khỉ vượn ẩn nấp trên cành cây. Mình lia mắt tới đâu thì nơi đó liền im bặt, nhưng dừng lại một tí thì nghe thấy vô số tiếng cười khúc khích phát ra từ trong những góc khuất. "Ê hê, cái bọn này thiệt là vui tính!" - mình nghĩ vậy rồi bỏ mặc chúng chẳng thèm để ý tới nữa. Không có ai dõi theo, chắc bọn chúng cũng chán nên rốt cuộc đều bỏ đi đâu hết.

Từ quan sát qua ống nhòm đến cái nhìn toàn cảnh

Sẵn tiện đang quan sát, mình thử tiếp tục xem còn thấy gì nữa không, vì cũng khá lâu rồi chẳng có con ma nào quấy động tâm thức mình đến độ phải dừng lại để "chiếu sáng" nữa. Mình nằm khá lâu mà chẳng thấy tâm niệm nào khởi lên, chỉ thấy những cảm giác đến từ sức nặng của cơ thể đè lên sàn. Nhưng khi nương theo những cảm giác đó thì tạp niệm cũng bắt đầu khởi dậy. Mình thấy khó chịu dưới lưng, liền khởi niệm phải trở mình để đổi tư thế nằm, lập tức các cơ hoạt động và mình lăn qua trước khi nhận ra hành động đó. Sau đó là những luồng suy nghĩ vu vơ đến với mình từ sau lưng... Mình suy nghĩ một tí thì quay con mắt bên trong lại phía sau, thấy rõ "mình đang suy nghĩ", lập tức dòng suy tư đó đứt đoạn, đứng lại, và tan rã. Nằm lâu chẳng thấy gì, rồi lại xoay trở mình mẩy mấy lần nữa... Đoạn, thấy có một luồng suy nghĩ mập mờ xuất hiện ở mang tai, mình liền lia mắt quađưa nó vào chính giữa tầm quan sát thì thấy rõ hành động đó của mình đã làm cho nó mất năng lượng mà đứng lại (chỉ còn là hình ảnh) và rồi tan biến. Nhận thức ra "sức mạnh huỷ diệt" của ánh mắt bên trong, mình thử không chủ động quan sát nữa, niệm nào khởi lên cũng mặc kệ... Ấy thì lần lượt các dòng suy nghĩ chảy ra tự sau ót (gáy) của mình. Chúng nó cuốn mình đi và mình cứ suy nghĩ theo chúng, chẳng dám "quay lại nhìn" sợ làm "tổn thương" chúng, nhưng có một điều lạ là mình vẫn nhớ hết thảy những gì mình đã nghĩ! Khi dòm lại chúng thì mình thấy rõ đó chỉ là những hình ảnh trong ký ức và cái thấy đó chẳng có một mảy may nào tác động đến những gì đã và đang xảy ra trong đầu, chẳng huỷ diệt nhưng cũng chẳng hề làm chủ được chúng. Sau cái trở mình cuối cùng, mình có một trải nghiệm thật tuyệt với cảm giác bồng bềnh như đang thả người trên mặt biển. Ấy là khi mình thu tầm mắt lại, chẳng nhìn tập trung vào bất kỳ một niệm hay cảm giác nào nữa. Lúc bấy giờ góc nhìn mình được mở rộng ra toàn cảnh (như 360° trong 2D hay 720° trong 3D), chẳng còn thứ gì "xảy ra ở sau lưng" nữa, cái gì cũng thấy mà chẳng cái gì bị phá huỷ cả. Và khi đó thì hơi thở mình cũng trở nên nhẹ nhàng đến dường như không cần thở nữa! Nhưng một lúc sau thì cảm giác khó chịu với áp lực đè thân mình xuống sàn lại bao trùm cả không thời gian. Thế là mình quyết định ngồi dậy!


Ngồi thiền thấy thói quen làm khoa học

Ngồi lên, xếp chân bán già, dựng thẳng lưng, hai tay để lên đầu gối, mình chợt nhận ra "Ồ, hoá ra ngồi thiền lại thoải mái hơn nằm thiền nhiều đến vậy!" Vậy ra là hồi đó giờ mình đã sai lầm khi quan niệm "Cứ nằm cho nó thoải mái!" Mình tiếp tục chơi với cái "ống nhòm" hồi nãy, dòm xa rồi lại dòm gần... Mình thấy đúng hệt như ống nhòm hay kính hiển vi ngoài đời, hễ mình tập trung vào đâu thì cái cảm giác, âm thanh, ý niệm đó hiện lên thật rõ và những cái khác thì nhoè đi hết. Từng bộ phận trong cơ thể, mình tập trung vào chưn thì thấy rõ áp lực của chưn này đè lên chưn kia, dòm vào lưng thì thấy rõ sức nặng của toàn thân đang treo ở đó, rằng nó đang thẳng hay bắt đầu cong xuống, v.v. Trong thế giới nội tâm thì không gian như chẳng có chiều mà chỉ có hướng "phía trước" với "phía sau", nhưng khi lia cái "ống nhòm" đó ra thế giới hiện tượng bên ngoài thì thấy rõ 3 chiều không gian của nó. Nghe tiếng ếch kêu, mình "zoom lại" thì thấy nó ở khắp xung quanh; nghe tiếng chó sủa xa xa, rồi lại thấy hơi thở đang ở ngay đây; lắng tai nghe từng giọt nước nhỏ xuống trong đêm vắng, mình thấy rõ nó ở nơi cửa sổ bên tay trái; rồi lại lắng tai nghe tiếng vo ve của muỗi, mình thấy rõ chúng đang quần thảo ngay trên đầu... Xong, mình thu "ống nhòm" lại, mở rộng góc nhìn ra toàn thể không gian trong ngoài. Những tiếng động từ bên ngoài và những cảm giác trên cơ thể cứ lần lượt đến rồi đi... Bỗng có một niệm khởi dậy rằng "Bọn muỗi này ngửi thấy mùi người nên quây quần lại đây đây!" Hoá ra là do mình ngồi thẳng, đầu đụng nóc mùng nên các chị muỗi bầu cứ tập trung lại ngày càng đông ở trên đầu. Niệm đó chỉ có đúng một câu vậy thôi, nhưng liền sau đó là một niệm khác rằng "À, đúng là thói quen làm khoa học, gặp cái gì cũng khởi niệm giải thích!" Nếu niệm đầu không mang lại cảm giác gì (trung tính) thì niệm thứ hai mang lại cảm giác hưng phấn quen thuộc của mình mỗi khi "ngộ" ra một điều gì đó. Và mình lại thấy từ cái cảm giác hưng phấn đó sinh ra nhiều niệm khác nữa. Nhưng lúc này chẳng phải lúc làm khoa học nên mình chẳng đuổi theo chúng mà cứ để chúng tự đến tự đi qua trước mặt vậy. Rồi thì cái năng lượng hưng phấn đó cũng cạn kiệt, cũng chẳng còn niệm nào được sinh ra từ đó nữa. Đến lượt bản thân cái sự trống trải "vô niệm" đó làm mình khởi một loạt niệm:
- Ủa, vậy thường thì niệm gì là khó dẹp nhỉ?
- Tính dục!
- Đúng rồi, tính dục là cái nguồn năng lượng tự nhiên mạnh nhứt mà!
- Vậy thử ngồi thêm xem nó có nhảy ra không nhé.
Thế là mình thu ánh mắt lại để nhìn toàn cảnh và chờ đợi niệm tiếp theo. Hồi lâu không thấy gì ngoài những tiếng động trong đêm cùng những cảm giác trên cơ thể, mình liền khởi niệm "Vậy thử chủ động khơi nguồn xem sao..." Thế là mình chủ động gợi ý về tính dục, nhưng chẳng hiểu sao cũng chẳng thấy gì cả! Cuối cùng mình nghĩ "Thôi, không quan sát trực tiếp được thì tìm trong trí nhớ vậy!" Và mình đã lục lọi trong trí nhớ một hồi, thấy cảnh mình đang đạp xe sau lưng một cô gái có thân hình hấp dẫn, ăn mặc sexy. Nhớ lại lúc đó mình đã thấy rõ chuỗi nhân quả từ hình ảnh bên ngoài, vào khớp với hình ảnh trong đầu (vốn luôn ẩn nấp trong vô thức) tạo nên cảm giác ham muốn, rồi cảm giác đó lan truyền xuống thân tạo nên phản ứng sinh lý,... Sau khi chuỗi phản ứng nhân quả đó tái hiện trong đầu mình thì cảm giác hưng phấn của cái "ngộ" lại trỗi lên, còn mạnh hơn cả lúc nãy. Liền theo đó là ký ức về một phim tài liệu ngày trước mình đã xem hiện ra: Khi gặp những gợi ý về thức ăn thì trong não hiện ra hình ảnh của thức ăn, rồi hình ảnh đó khiến não tiết ra dopamine, dopamine bắt cơ thể phải hành động cho đến khi thoả mãn.* Nhớ tới đây thì cảm giác hưng phấn của mình dâng lên mạnh đến nỗi mình không thể nhịn cười được. Thế là mình cười ngả nghiêng rồi dừng thiền luôn.

__________________________
* Mình không còn nhớ tên phim tài liệu có đề cập đến sự thèm ăn đó, nhưng có thể tham khảo qua phim tài liệu nói về nghiện meth này: Meth Inside Out: Brain & Behavior - Triggers


Tuesday, June 04, 2013

Cuộc hội ngộ với con ma Bóng Đè sau hai mươi mấy năm & hành trình đi tìm cái Tôi


Hèm, hồi nãy, vừa nãy thôi, chỉ khoảng nửa tiếng trước, trước khi mình tỉnh dậy để hồi tưởng rồi quyết định ngồi dậy bật máy tính gõ lưu lại những dòng này, mình vừa mới có một cuộc hội ngộ với con ma mang tên Bóng Đè mà mình từng gặp vài lần thuở ấu thơ để rồi bằng bẵng hai mươi mấy năm trời mình tìm lại hoài mà chẳng hề gặp được. Lần này nhờ sự mất ngủ trong chuyến xe đò đêm vừa rồi cùng với vài điều bực bội với phụ nữ đang lẩn khuất trong sâu thẳm tâm hồn mà mình có một cuộc vật lộn nói chuyện với ma Bóng Đè hết sức thú vị và không kém phần kịch tính.

Đùng một cái tự nhiên cúp điện. Hai con mắt mở thao láo trong đêm mà cũng chẳng thấy gì. Cái mùng mới giăng xong nhưng chưa kịp tấn, mình giơ tay ra tấn mùng mà ngộ ghê, sao lại chẳng thể động đậy gì được vậy nè?! Ở tư thế nửa đứng nửa ngồi, nửa trong mùng nửa ngoài mùng mà chẳng cử động được, mình bắt đầu cuống lên nghĩ "Mép dưới cái mùng đang vắt qua đầu qua cổ mình như thế này thì muỗi vô trong mùng hết rồi còn gì! Chó thật!" Chỉ một tí bực bội đó cùng với sự vùng vẫy trong bất lực mà mình đã lịm đi... và... Cố gắng mở mắt ra, hình như chỉ mở được một nửa con mắt. Nhưng lần này thì lại thấy có ánh sáng lờ mờ. Thì ra là ánh đèn hắt lên từ dưới nhà qua lỗ cầu thang. Đây là hướng ngược lại với hướng cửa ra sân thượng hồi nãy, nhưng mình vẫn không thể quay đầu ra ngoài cửa để quan sát được. Lần này thì chẳng thấy cái mùng đâu nữa. Thay vào đó là một cái bóng đen đang đè lên đầu lên cổ mình khiến cho mình đã phải nằm bẹp hẳn xuống sàn. "A ha, Bóng Đè!" Mình ngẫm nghĩ rồi cười thầm... Rồi nhoè đi... Rồi lại mở mắt ra lần nữa, cố nhìn cho rõ cái cầu thang... Từng bậc thang hiện ra rõ hơn, nhưng quay đầu lại thì tuyệt nhiên không được bởi cái bóng kia cứ dí đầu mình xuống đất. Dang chân phải ra, quỳ chân trái lên, chống hai tay, cố chồm dậy, nhưng càng cố càng bất lực, cho đến khi lịm đi...
Tỉnh dậy, nhận thấy là toàn thân và tứ chi vẫn còn bị dán chặt xuống mặt sàn chứ chẳng hề nhỏm mông lên được như hồi nãy, nên mình nhận ra "Nãy giờ mình đang mơ!" Ý nghĩ minh mẫn đó loé lên được một tí thì mình đã quay lại khó chịu với cái bóng đen đang đè nặng trên vai. Cái cảm giác mềm lành lạnh của cánh tay phụ nữ đang choàng qua cổ mình rất nhẹ nhàng nhưng có ma lực giữ toàn thân mình bất động. "A, mày chơi tao à?!" Mình bỗng vùng dậy vật lộn với cái bóng ma đó, nhưng lần này là bằng ý nghĩ chứ chẳng thèm dùng cơ bắp nữa. Thế là mình xoay chuyển được nó, tuy ngập ngụa trong cảm giác ớn lạnh nhưng mình cũng xoay được cái mặt nó ra ánh đèn phía lỗ cầu thang để thấy được một bóng đen tượng hình khuôn mặt...

Hèm ý nghĩ thật tuyệt vời! Nghĩ "Cho tao xem mặt coi" thì thấy được mặt, vậy thử nghĩ đến cái khác xem sao... Mình nghĩ cần phải chụp hình con ma này lại mới được, liền trong tay phải có cái máy chụp hình IXY quen thuộc với cọng dây đã được tròng qua cổ tay đúng tư thế đảm bảo an toàn luôn! Mình giơ tay ra bấm nút chụp vào khoảng đen thăm thẳm thì nghe cái... "rẹt" như bị cháy điện chứ chẳng phải cái "tạch" như bình thường. Thử bấm cái nút nguồn bé tí ở giữa thì thấy chẳng có tác dụng gì (chắc máy bị chập mạch rồi!) Chẳng hiểu thế nào mà mình lại bị con ma nữ đó quăng trở lại tư thế toàn thân sát sàn, và lại mở mắt ra lần nữa... Lần này thì thấy cánh tay phải ở tư thế dang ra hướng tới lỗ cầu thang. Cái máy chụp hình thì đã lọt xuống cầu thang rồi, nhưng sợi dây an toàn vẫn còn trong cổ tay nên mình "biết" (bằng ý thức) rằng cái máy vẫn còn đó. "Biết" một phát thì máy chụp hình liền quay trở lại trong lòng bàn tay (chứ chẳng cần giật lên, mà có dùng cơ tay để giật lên thì cũng chẳng thể được). Lần này mình quay ngược lại chụp chính mình, nhưng không thấy đèn flash đánh mà chỉ thấy nó hơi nhá lên một tí. Vậy là máy móc hư thiệt rồi!
... Thế nào đó mà mình lại tỉnh dậy nữa, lại nhận thức được là mình đã và đang mơ nữa. Cơ bắp và máy móc đã vô dụng rồi, lần này mình nghĩ đến "ngọn đèn chiếu ma" mà dạo này mình vẫn thường dùng lúc thức để soi rọi các con ma lẩn khuất trong bóng tối vô thức. Không động thủ, cũng chẳng động tâm, mình yên lặng lắng nghe từng cảm giác vi tế nhất qua từng bộ phận trên cơ thể mà không xen vào bất kỳ một ý niệm phán xét hay cảm xúc nào hết. Không phản ứng lại, cũng chẳng đuổi theo chúng, cảm giác đến thế nào thì nhận thức đúng là thế đó. Thế là, hiển nhiên, chẳng còn con ma nào dám hiện ra nữa! Mình nhận thức rõ là mình đang nằm sấp. Mình thấy rõ là tay chưn không hề phản ứng với tín hiệu phát ra từ não. Mình nhận thức rõ là mắt đang thấy một vùng sáng mờ. Tập trung nhìn vào vùng sáng đó một hồi, mình thấy ngón tay mình đã có thể cử động. Nhưng lần này là cử động thật chứ không phải do rơi vào giấc mơ như những lần trước nữa. Và cuối cùng mình thấy rõ vùng sáng đó được in lên tường từ đèn ngủ ở phòng mẹ bên cạnh chiếu qua (còn cầu thang thì ở hướng khác và không có ánh sáng hắt lên).


Khoa học của Bóng Đè và sức mạnh của sự bình tĩnh

Phải nói là con ma Bóng Đè lần này đã quay lại để nhắc nhở mình về tầm quan trọng của sự bình tĩnh và cho thấy rằng "ngọn đèn chiếu ma" bằng "ánh sáng của ý thức" không chỉ có tác dụng trong lúc thức mà cũng rất hiệu nghiệm trong những cơn mơ màng như vầy. Trong giấc ngủ thì toàn bộ cơ thể chúng ta bị cách ly cảm giác với não bộ để giúp cho hệ thần kinh được nghỉ ngơi, không bị quấy rầy bởi ngoại cảnh. Không thấy nữa (dù có mở mắt) thì thần kinh thị giác không cần hoạt động, không nghe nữa thì thần kinh thính giác được nghỉ ngơi, và cả 3 giác quan khác cũng vậy. Ngược lại, mọi mệnh lệnh của não phát ra cũng bị cách ly với các cơ vận động của toàn thân để giúp cho cơ thể nghỉ ngơi, không bị quấy rầy bởi những giấc mơ. Trong mơ chúng ta có thể chạy nhảy tung tăng nhưng chẳng hề thấy mệt mỏi là nhờ sự cách li thần kinh vận động đó vậy. Nhưng khi bị "bóng đè" thì có một phần ý thức chúng ta tỉnh dậy, một phần cảm giác (thường là thị giác) được nối lại với não bộ trong khi toàn bộ những cảm giác khác cùng các cơ vận động vẫn bị cách ly. Chính sự cách ly thần kinh vận động này khiến chúng ta có cảm tưởng "bị đè". Cái tình huống "bị đè" đó làm cho chúng ta bị stress và kích hoạt cơ chế tự vệ là lo sợ, hoang mang, tim đập nhanh, thở gấp, dùng hết sức lực (trong đầu) để chống lại. Nhưng càng chống cự thì càng bị stress hơn vì mọi mệnh lệnh chống cự phát ra từ não đó đâu thể truyền xuống được tới tứ chi! Càng bị stress thì tinh thần càng hoang mang và sản xuất ra đủ thứ ảo giác. Tệ hơn nữa là những ảo giác đó lại bị trộn với một phần thực tế được thu vào qua một phần giác quan đã tỉnh (như mắt nhìn thấy lờ mờ). Lúc này chính là thời điểm mà thói quen bình tĩnh (qua luyện tập) phát huy tác dụng: Hít thở sâu và đều lại sẽ giúp chúng ta ổn định tâm lý rất nhiều (thần kinh điều khiển thở không bị cách ly); khi tâm lý không còn bấn loạn, hãy tập trung lắng nghe những cảm giác một cách khách quan nhất thì ảo giác sẽ bị loại bỏ; dứt khoát không được động thủ (vùng vẫy) cũng như động tâm (ý muốn chống cự hay căm ghét, bực tức với hoàn cảnh) vì chúng chỉ tạo nên ảo giác mà chẳng có tác dụng tích cực nào cả. Khi đã bình tĩnh rồi thì tập trung vào các cảm giác mà mình nhận được, chúng sẽ được làm rõ nét hơn, thần kinh cảm giác sẽ dần được nối lại với não bộ và thần kinh vận động cũng theo đó mà liền lạc trở lại... Kết quả là chúng ta sẽ tỉnh dậy trong sự bình tĩnh. Với những ai hay bị "bóng đè" thì phải thường xuyên tập thói quen bình tĩnh và quan sát mọi cảm nhận một cách khách quan (không ghét cảm giác khó chịu, không thích cảm giác dễ chịu) ngay trong lúc đang tỉnh thức này.

Cái Tôi qua các cảm giác và ý thức

Việc quan sát mọi cảm giác và ý nghĩ mình một cách khách quan không chỉ đuổi được những con ma trong lúc ngủ (như Bóng Đè) mà còn đuổi cả những con ma khi thức (tức giận vô cớ, buồn chán, tâm lý bất an, ...) bởi con ma nào cũng sợ ánh sáng, nhất là ánh sáng của ý thức. Mình đã sử dụng nó như một "ngọn đèn chiếu ma" rất hiệu nghiệm, mỗi khi có vấn đề gì về tâm lý thì mình chỉ cần ngồi lại nhìn thẳng vào nó, khi nhìn thấy tới gốc rễ của nó thì mọi con ma liền tan biến. Mình đã dùng cái nhìn khách quan đó không chỉ để đuổi ma (giải quyết vấn đề) mà còn để tìm ra chính cái Tôi của mình nữa. Bạn có bao giờ thắc mắc "Cái Tôi (ego, ngã) của mình từ đâu mà có và hình dáng nó ra sao?" Bạn có thể cho rằng nó là bẩm sinh từ cha mẹ ra, hay là một cái linh hồn nào đó nhập vào thể xác này. Nhưng nếu chịu khó quan sát, bạn sẽ thấycái Tôi đó chỉ là tập hợp của 5 thứ cảm giác (từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) và tâm thức của mình mà thôi. Phần tâm thức thì quá phức tạp nên mình không nói ở đây, mình chỉ đề cập đến 5 giác quan thông thường sau đây. Khi quan sát quá trình tỉnh dậy từ từ sau giấc ngủ, mình thấy rõ việc bước từ thế giới mơ sang thế giới thật (hay việc "quay trở lại thân xác này") thông qua ngũ quan: Lúc chưa tiếp xúc với bất kỳ cảm giác nào từ bên ngoài thì thấy mình bay bổng trong mơ chẳng hề bị ràng buộc "ở đây, lúc này" và những gì mình thấy chỉ như một cuốn phim chỉ có thể quan sát mà không thể nào làm chủ được nó; Một vài giác quan được kết nối thì cảnh trong mơ bị thay đổi theo, như tiếng chó sủa chui vào giấc mơ, cảm giác nằm bắt mình cũng phải nằm trong mơ,... có thể nói là không còn hoàn toàn bay bỗng nữa mà đã bị ràng buộc một phần vào "ở đây, lúc này" nhưng cái thấy đó vẫn chỉ là cái thấy chứ chẳng hề chủ động thay đổi được; Chỉ đến khi cả ngũ quan được kết nối lại thì mình mới cảm thấy đang "ở đây, lúc này" và làm chủ được mọi ý nghĩ. Còn các bạn muốn trải nghiệm trạng thái "xuất hồn" hay "thoát xác" thì chỉ cần đeo bộ thực tại ảo vào sẽ thấy rất rõ. Xem đoạn phim sau trong phòng thí nghiệm của Henrik Ehrsson, bạn sẽ thấy nội thị giác không cũng có thể "kéo linh hồn ra khỏi thể xác" mạnh đến cỡ nào. Khi nhìn bằng con mắt của người khác, bạn sẽ khó mà thoát khỏi cảm giác mình đang là người đó, khi người đó bị cắt vào tay thì mình liền tưởng như tay mình đã bị tê cứng (do thấy cắt mà không thấy đau), v.v. Những ảo giác đó chỉ có thể chấm dứt khi mình dừng lại để ghi nhận một cách khách quan nhất mọi cảm giác mang đến. Khi đó, quay lại với chính mình, mình sẽ thấy cái Tôi mà mình cảm nhận mỗi ngày, cái Tôi mà mình phải sống cho nó, vì nó, và hết sức phục vụ nó chỉ là những cảm giác được mang lại mà thôi. Bạn có thể cho rằng mọi hành động của bạn xuất phát từ ý thức của bạn và được chính bạn (ý thức) kiểm soát, nhưng bạn chỉ đúng một nửa. Mọi hành động của bạn xuất phát từ cảm giác, cụ thể là từ hệ Viền não (Limbic system, hay "não cảm xúc") đi thẳng xuống hệ Thần kinh Tự động (Autonomic Nervous system) điểu khiển mọi cơ quan trên cơ thể, rồi sau đó mới "báo cáo" lên thuỳ Trán (Frontal lobe, hay "não phán đoán") để đánh giá, ra quyết định tiếp theo, rồi mới lên thuỳ Đỉnh (Parietal lobe, hay "não tôi & siêu tôi") để hình thành cái Tôi rồi cuối cùng quay lại điều chỉnh hệ Viền. Nói đơn giản, bạn chỉ có thể kiểm soát và ra lệnh chỉnh sửa cảm giác của mình, còn chính cảm giác mới là cái trực tiếp sinh ra hành động. Hãy xem máy MRI "bắt được ý nghĩ" của Marcus 6 giây trước khi Marcus nhận ra điều mình "suy nghĩ" như thế nào: BBC Horizon - The Secret You.

http://creatzynotes.blogspot.com.au/

Tien Kim said...
Toi thích bài náy của bạn. Nó cho thấy rõ bản lĩnh tiêu diệt vọng tưởng từ tâm thức của bạn bằng cách quan sát cảm giác thế nào thì để yên như thế ấy, không chút phán xét hay có ý định tiêu diệt, khi thấy rõ được nó thì nó tự nhiên biến mất mà không cần dùng sức. Điều này thật bổ ích và tiếp thêm kinh nghiệm cho tôi.

No comments:

Post a Comment