Năm nay Alice đã được 150 năm, nhưng chúng ta vẫn thích đọc (hoặc xem) lại mãi về cuộc phiêu lưu kỳ lạ của cô gái nhỏ ở xứ sở thần tiên. Có điều gì đó ở cuốn sách này đã làm cho nó trở thành một tác phẩm kinh điển vượt thời gian, một câu chuyện hấp dẫn đã chinh phục không chỉ những độc giả mà nó muốn hướng đến là những đứa trẻ của giữa thế kỷ 19.
Một phần lý do là cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ sở thần tiên đã trở thành một bước ngoặt trong văn học thiếu nhi. Các cuốn sách và những câu chuyện dành cho trẻ em trước đó có khuynh hướng tập trung nghiêm ngặt về vấn đề giáo dục và nâng cao đạo đức. Hầu hết các cuốn sách dạy cho trẻ em làm thế nào để trở thành một cậu bé hay cô bé tốt, chứ không phải để giải trí hoặc kích thích trí tưởng tượng của bọn trẻ. Nhưng nhà văn Lewis Carroll đã thay đổi tất cả.
Alice biết rõ nhất
Thay vì dạy dỗ bọn trẻ, tác giả Carroll đã tập trung kể chuyện về một cô gái nhỏ đã mang tới cho người lớn những bài học, trong một thế giới mà mọi thứ đều đảo lộn. Alice đưa ra lời khuyên về cách cư xử phải, trái và trung tâm, đồng thời khiển trách các cư dân của xứ sở thần tiên về sự khiếm nhã và điên rồ nói chung. Cô bé biết rõ nhất – người lớn không đáng tin cậy, vô lý và ở một mức độ nào đó, hơi điên rồ. Đây là một sự đảo ngược hoàn toàn so với cách thức mà trẻ em và người lớn được miêu tả trong các tác phẩm văn học trước đó.
Kết quả thật vui nhộn: sự hài hước bất kính của cuốn sách đã hấp dẫn bản chất bất quy tắc của trẻ em. Ví dụ, câu thơ đáng kính về thời gian đã bị nhái lại 1 cách tàn nhẫn. Nhân vật Hatter đọc đoạn thơ: “Lấp lánh, lấp lánh, hỡi con dơi nhỏ! / Ta tự hỏi ngươi đang ở nơi nào!”, trong khi Alice cố gắng biểu diễn một màn hài hước của Robert Southe “Những tiện nghi của người đàn ông lớn tuổi và ông ấy có được bằng cách nào”.
Tác giả Carroll sử dụng ngôn ngữ tường thuật của mình để chế nhạo hệ thống giáo dục dưới thời Nữ hoàng Victoria. Alice dùng từ ngữ rườm rà mà cô bé vốn không hiểu vì chúng có vẻ quan trọng. Ở trường học, nhân vật Mock Turtle được học “Choáng váng và Quằn quại” và “các nhánh khác nhau của Toán học”, đó là: “Tham vọng, Xao lãng, Xấu xí, và Chế nhạo”. Nhờ có nhà văn Carroll mà các yếu tố như: chơi chữ, vô nghĩa, hài hước, nhại châm biếm, và đảo ngược vai đã là những thành phần chủ yếu trong những cuốn sách cho trẻ em ngày nay.
Giải thích (sai) các bí ẩn
Những lý do dẫn đến thành công của Alice ở nước ngoài phức tạp hơn một chút, nhưng chúng có thể liên quan đến những nhận thức về nước Anh thuần túy trong cuốn sách. Xứ sở thần tiên có nữ hoàng, các bên trà đạo, trò chơi bóng vồ, các công chức trong nước. Quan điểm hoài cổ về một xã hội lý tưởng hóa thời Nữ hoàng Victoria chắc chắn là một phần hấp dẫn của cuốn sách. Có một số thủ pháp tương tự đã tạo nên sự thành công trên toàn thế giới cho các tác phẩm như Downton Abbey hoặc sê-ri truyện Harry Potter.
Nhưng, đây có lẽ là điều thú vị nhất: có một gợi ý vẫn còn tồn tại đến ngày nay rằng cuốn sách chứa đựng một ẩn ý đen tối. Một vấn đề thường hay đề cập đến là nhiều loại thực phẩm kỳ diệu mà Alice sử dụng ở xứ sở thần tiên có thể ám chỉ đến chất gây nghiện. Rốt cuộc thì cô bé còn ăn cả nấm ma thuật khi trò chuyện với sâu bướm biết hút tẩu. Đây là sự diễn giải theo văn hóa tây phương hiện đại, với minh chứng rõ ràng nhất là dựa vào nhận thức của các thế hệ sau này đối với hàng loạt những điều kỳ dị của cuốn sách – đặc biệt là văn hóa hippie của thập niên 1960 và thập niên 70. Nhưng nó là cuốn sách vẫn còn được mến mộ cho đến ngày nay, như được minh họa trong những cảnh mở đầu của bộ phim Ma trận.
Đáng lo ngại hơn nữa là những nghi ngờ và những lời nói xấu về sự quan tâm của tác giả Lewis Carroll dành cho Alice Liddell, cô gái nhỏ đã được nghe câu chuyện này đầu tiên. Tác giả Lewis quả là đã chụp những tấm hình những em bé gái, mà hôm nay ta có thể nhìn vào chúng với một ánh mắt hoài nghi. Bất chấp thực tế rằng nghiên cứu gần đây đã chứng minh sự nghi ngờ này là vô căn cứ, nhưng những tin đồn vẫn tiếp tục quay trở lại.
Luôn là một bí ẩn
Những độc giả khác đi sâu hơn vào câu chữ, tìm kiếm ý nghĩa ẩn chứa trong câu chuyện. Theo một ý kiến, khuôn khổ “giấc mơ” của câu chuyện là một phép ẩn dụ cho cuộc hành trình vào bên trong, về phía những ham muốn không kiểm soát của tiềm thức. Rốt cuộc thì Alice dường như đe dọa sẽ ăn nhiều nhân vật trong xứ sở thần tiên, điều này có lẽ phản ánh thuyết “giai đoạn miệng” của Freud về sự phát triển tâm lý giới tính. Và cô bé liên tục hỏi: “anh là ai?”, mà không phải lúc nào cô cũng có câu trả lời rõ ràng.
Hoặc, đây có thể là một câu chuyện ngụ ngôn về quá trình trưởng thành sôi động, thông qua hình tượng Alice dần trở lại với thực tại ở phần cuối của câu chuyện. Việc tìm kiếm một ý nghĩa “sâu sắc hơn” đã làm tất cả trở nên hấp dẫn hơn bởi sự vô nghĩa hiển nhiên trong những cuộc gặp gỡ kỳ lạ và phi lý của Alice.
Sau cùng, Alice ở xứ ở thần tiên là một ví dụ tuyệt vời về một “chủ đề mở” – nó có thể mang ý nghĩa nào đó như bạn muốn nó là như vậy, tùy thuộc vào quan điểm của bạn. Tác phẩm đã trở thành văn hóa dân gian, một nhân tố văn hóa (meme) mà chúng ta mong muốn tái hiện. Đó là một câu chuyện nước đôi cho phép vô số lời giải thích. Chuyện cổ tích vẫn trường tồn bởi vì chúng rất linh hoạt: chúng có ý nghĩa khác nhau trong những bối cảnh khác nhau. Alice ở xứ sở thần tiên đã trở thành một loại chuyện cổ tích hiện đại, và không nghi ngờ nó sẽ tiếp tục được thích nghi và diễn giải trong rất nhiều năm tới nữa.
Khi chúng ta chúc mừng sinh nhật thứ 150 của Alice, cũng đáng ghi nhớ rằng đây là một câu chuyện của một nhà toán học. Tôi chắc chắn rằng tác giả Carroll sẽ mong mỏi được biết rằng cuốn sách của ông vẫn là một bí ẩn, mà rất nhiều người vẫn đang cố gắng giải đáp.
Dimitra FIMI là Giảng viên tiếng Anh tại Đại học Cardiff Metropolitan.
Bài viết này được đăng lần đầu trên The Conversation.
No comments:
Post a Comment