shared https://phamjngocjlaan.files.wordpress.com/2015/07/chuyenkecdmnvlp_modau.pdf
Phạm Ngọc Lân Cha vô danh Chuyện kể cuộc đời một người Việt lai Pháp Lời nói đầu Tôi có viết một cuốn sách bằng tiếng Pháp tựa đề “De Père Inconnu” (“Cha Vô Danh”) được nhà xuất bản L’Harmattan ở Paris xuất bản và phát hành đầu tháng 2-2015. Cuốn sách này không phải là một tiểu thuyết hư cấu, mà là chuyện kể về những người có thật đã sống trên đất nước Việt Nam trong thế kỷ 20. Nhưng ngoại trừ tên của những người đã được công chúng biết đến (lãnh đạo chính trị, văn nghệ sĩ nổi tiếng, v.v.), tôi cố ý đặt tên khác cho các nhân vật để tôn trọng sự riêng tư của từng người, kể cả hai tên Hoàng Kim Long và Jean Martin. Những câu chuyện kể ở đây chỉ là những gì xảy ra thường ngày cho một gia đình Việt Nam như hàng triệu gia đình Việt Nam khác sống trong thời loạn ly của hậu bán thế kỷ 20. Nhưng qua những biến đổi của thời cuộc từ đệ nhị thế chiến đến tuyên bố độc lập, từ cuộc kháng chiến chống Pháp dần dần biến chất thành cuộc chiến tranh ý thức hệ với sự can thiệp của ngoại bang, từ thống nhất đất nước tới những trại tù cải tạo và thảm trạng của bao người vượt biên, những chuyện “thường ngày” đó đã không còn là “bình thường” nữa. Cần phải ghi lại để các thế hệ mai sau có thêm hiểu biết về đời sống của cha ông mình, về lịch sử cận đại của đất nước mình. Thật vậy, tôi không chỉ đơn thuần kể chuyện về cuộc sống của một nhân vật trung tâm, mà luôn tìm cách lồng những chuyện ấy vào bối cảnh lịch sử của đất nước thời bấy giờ. Những dữ kiện lịch sử được lấy từ các nguồn “chính gốc”, tức là các kho lưu trữ những tài liệu trao đổi giữa các chính phủ Pháp, Mỹ với các đại sứ, lãnh sự, cơ quan tình báo của họ ở Việt Nam. Đây là những tài liệu thường là “mật”, sau mấy chục năm đã được “giải mật” để các nhà nghiên cứu có được cái nhìn chính xác hơn về những gì đã thật sự xảy ra. Đã có thời kỳ tôi chuẩn bị một luận án về sử ở Đại học Paris nên đã bỏ nhiều công sức tìm kiếm tài liệu liên quan đến miền Nam trong thời kỳ đất nước chia đôi. Cuối cuốn sách có một phần quan trọng ghi chú về lịch sử, dành cho những độc giả đặc biệt quan tâm. Tôi viết lại đây bản tiếng Việt cho cuốn sách ấy. Đây không phải là một bản dịch từ tiếng Pháp, dù nội dung tương tự, nhưng là một cuốn sách viết bằng tiếng Việt bởi một người Việt cho người Việt đọc. Phạm Ngọc Lân 2 Phạm Ngọc Lân : Cha vô danh – Chuyện kể cuộc đời một người Việt lai Pháp Câu chuyện mở đầu Đà Lạt, đầu thập niên 50. Thằng bé độ tám chín tuổi đeo cạc-táp trên lưng đi qua một bãi trống trên đường từ trường về nhà. Mấy đứa trẻ cùng lứa tuổi đang chơi đánh khăng, ngừng tay, quay về phía thằng bé hét to : « Tây lai ăn khoai cả vỏ, ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột ! » Bảo Lộc, cuối thập niên 60. Anh Dược sĩ Trung úy trẻ có vợ mới cưới. Vợ dạy ở một trường trung học trong thị xã bé nhỏ này. Có phụ huynh học sinh « mách » với thầy hiệu trưởng : « Tôi thấy cô giáo mới về năm nay cặp bồ với Mỹ đó ! » Sài Gòn, cuối thập niên 70. Chàng Dược sĩ « cán bộ giảng dạy đại học » đạp xe vào một con hẻm đến thăm người bạn tù cải tạo mới được thả về. Bọn con nít nhìn theo xầm xì : « Liên Xô ! Liên Xô ! » Paris, giữa thập niên 80. Thằng bạn người Pháp, cũng là đồng nghiệp trong một công ty tin học, một hôm tâm sự : « Thú thật là lúc mới gặp mày, tao không biết mày người gì, tao đoán là Nam Mỹ. Chỉ biết chắc mày không phải người Pháp, nhưng không ai ngờ mày lại là người Việt Nam ! » Toulouse, tháng tư 2015. Hai ông già « thất thập cổ lai hi » (bảy mươi nhưng thời buổi này chẳng còn « xưa nay hiếm » nữa mà nhan nhản đầy đường !), bạn nối khố từ thời cắp sách đến trường, gặp lại nhau nơi « xứ lạ quê người » (quen miệng nói thế, thật ra xứ này chẳng còn lạ lẫm gì, và quê người thật đấy, nhưng cũng là « quê thứ hai » của mình rồi). « - Cuốn sách De Père Inconnu của mày tao mới đọc xong, mày viết công phu quá, mà sao không viết tiếng Việt mà lại viết tiếng Pháp ? Thời buổi này còn mấy người đọc tiếng Pháp nữa ? - Tao viết tiếng Pháp cốt là để cho con cháu tao đọc, cho con cháu mày đọc, cho những thế hệ thứ hai thứ ba thứ tư sống ở nước ngoài đọc để biết thêm về đất nước của cha ông chúng nó. - Nếu vậy thì mày phải viết tiếng Anh mới phải ! - Nhưng tao sống bên Pháp, cha tao là người Pháp, và dù tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, tiếng Pháp đối với tao là tiếng « cha đẻ » dù tao chưa hề biết mặt cha tao. Hơn nữa tiếng Pháp nổi tiếng là một ngôn ngữ của văn chương, nên tao rất thích thú khi viết bằng tiếng Pháp. Công nhận mày nói đúng, muốn giúp ích cho các thế hệ con cháu mình sống ở hải ngoại, phải có bản tiếng Anh. Vì vậy tao đang nhờ người dịch ra tiếng Anh cuốn sách De Père Inconnu này. - Thế mày có định dịch ra tiếng Việt không ? - Tiếng Việt sao lại phải dịch ? Tao sẽ viết lại cuốn sách bằng tiếng Việt. Bởi vì cách viết cho người Việt Nam đọc rất khác với cách viết cho người ngoại quốc đọc về đất nước Việt Nam, về con người Việt Nam. Chưa kể là khi viết lại bằng tiếng Việt, sẽ có những chi tiết không cần thiết, sẽ lược bớt đi, có những chi tiết khác cần thêm vào. Vì độc giả người Việt có những hiểu biết về đất nước mình mà người ngoại quốc không có, cũng như họ có những cảm nhận khác mình về một nước Việt Nam xa xôi đối với họ. - Mày đã mất tám năm cho bản tiếng Pháp, mày định bắt tao chờ bao nhiêu năm nữa để đọc bản tiếng Việt ? - Mày đừng lo ! Thời buổi này « bát thập » cũng không còn « cổ lai hi » nữa, mày cứ yên chí lớn, sẽ có ngày được đọc bản tiếng Việt cuốn sách của tao ! » Và ông già Tây lai bắt đầu viết
No comments:
Post a Comment