shared http://nhanduset.blogspot.com.au/2013/11/cau-chuyen-oi-toi-helen-keller-phan-i.html
(Phần I - Chương I - III)
CÂU CHUYỆN ĐỜI TÔI
HELEN KELLER
Bản dịch: Nguyễn Thành Nhân
(Dịch theo bản tiếng Anh của
NXB NEW YORK DOUBLEDAY,
PAGE & COMPANY,1905)
GIỚI THIỆU
Trong quá trình đi tìm những tác phẩm hay, giá trị, hết bản quyền và chưa có bản dịch tiếng Việt – những tiêu chí mà tôi đặt ra để cố góp một phần rất nhỏ bé của mình vào những cống hiến lớn lao khác cho nhân loại của bao người: truyền bá càng rộng rãi càng tốt những giá trị nhân văn cao quý của loài người; ít ra là tới những người dân Việt, những đồng bào yêu quý của tôi – tôi lại tình cờ bắt gặp một tác phẩm tưởng đã chìm vào lớp bụi lãng quên, nhưng khi đọc qua vài chương, tôi mới giật mình nhận ra kiến thức mình còn quá nhiều lỗ hổng. Helen Keller là một con người vĩ đại, càng vĩ đại hơn nữa khi bà là một phụ nữ, bị mù và điếc khi mới mười chín tháng tuổi, nhưng bà đã thực hiện được những điều vô cùng kỳ diệu và cao quý. Vậy mà mãi đến bây giờ tôi mới biết về bà!
Helen Keller đã làm được điều gì? Trước hết bà đã học, tất nhiên, với sự giúp đỡ tận tình của một cô giáo người Ái Nhĩ Lan chuyên về giáo dục trẻ bị điếc. Và từ chỗ không thể nghe thấy gì, không thể nhìn thấy gì, xung quanh là thinh lặng tuyệt đối, là bóng đêm vĩnh cửu, bà đã học để đọc được, viết được, và cuối cùng nói được, với một tinh thần kiên trì cứng rắn hơn sắt thép. Và sau khi học xong, bà đem những kiến thức quý báu đã thủ đắc được sau bao lao tâm khổ tứ, bao gian nan tưởng không thể vượt qua, của mình để cống hiến cho nhân loại.
Bà đã làm được những gì? Xin lặp lại câu hỏi.
Dưới đây là những trích dẫn trực tiếp từ Từ điển Bách khoa online Wikipedia tiếng Việt:
“Helen Adams Keller (27 tháng 6 năm 1880 – 1 tháng 6 năm 1968) là nữ nhà văn, nhà hoạt động xã hội, diễn giả người Mỹ. Bà là người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên của nước Mỹ giành học vị Cử nhân Nghệ thuật.” (Theo tôi, các soạn giả phần này nên chữa lại: “là người đầu tiên trên thế giới…..” vì đó là sự thật và sự thật này chính xác hơn.)
“Năm Keller 8 tuổi, cô Anne đưa bà tới học tại trường Perkins, nơi có các loại sách chữ nổi và các trẻ em bị mù-điếc khác. Chẳng bao lâu, Keller đã bộc lộ rõ tài năng vượt trội về các môn toán, địa lý, sinh học, tập đọc; em còn học cả bơi, chèo thuyền, cưỡi ngựa, đi xe. Sau đó Keller vào học trường nữ học tiểu bang Massachusetts, cô giáo Anne luôn luôn ở bên cạnh Keller để viết lại nội dung bài giảng vào lòng bàn tay Keller. Năm 1900 Keller thi đậu vào trường Radcliffe College, học tài liệu chữ nổi dành cho người mù. Cô kiên trì học tới mức khi nào đầu ngón tay rớm máu mới chịu dừng. Đến năm 1904 Keller tốt nghiệp và trở thành người mù-điếc đầu tiên được tốt nghiệp đại học.”
“Hai năm sau ngày tốt nghiệp, Keller được vinh dự bầu vào chức chủ tịch hội người mù tiểu bang Massachusetts, bắt tay vào công việc xã hội cụ thể phục vụ cho cộng đồng người mù. Keller đón tiếp rất nhiều người mù, trả lời nhiều thư từ và đi thuyết giảng lưu động tại 39 nước trên thế giới. Cô không quản ngại vất vả, cống hiến hết sức mình cho chương trình giáo dục và chữa trị cho người mù. Năm 1920 với sự phấn đấu không mệt mỏi, Keller đã thành lập được tổ chức quần chúng trên phạm vi toàn quốc của Hội người mù toàn nước Mỹ. Tổ chức này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
“Keller trở thành một biểu tượng của tinh thần tự lực phi thường khi suốt đời sống trong thế giới không ánh sáng, không âm thanh nhưng vẫn cống hiến hết sức lực nhằm đem niềm vui đến với người tàn tật, có cùng hoàn cảnh như mình. Cô đã được gặp nhiều tổng thống Mỹ như Grover Cleveland, Benjamin Harrison,William McKinley, Theodore Roosevelt, William Howard Taft, Franklin D. Roosevelt, John F. Kennedy... Cô cũng trở thành bạn của những con người nổi tiếng như Alexander Graham Bell, Charlie Chaplin, Mark Twain.”
“Bà bắt đầu tham gia phong trào xã hội tại nước Mỹ. Keller gia nhập Đảng Xã hội Hoa Kỳ, và về sau bỏ đảng đó để gia nhập Industrial Workers of the World(Công nhân kỹ nghệ của Thế giới).”
“Năm 1902, khi đang học năm thứ 2, dưới sự giúp đỡ của Anne và một số nhà phê bình văn học, Keller đã hoàn thành tác phẩm đầu tay mang tựa đề The Story of My Life, được xuất bản năm 1903. Tác phẩm theo thể loại tự truyện, bút pháp súc tích chân thật khiến người đọc xôn xao.
Đến năm 1960, bà cho ra mắt một cuốn sách, Light in My Darkness, trong đó bà lên tiếng bênh vực những lời giáo huấn của nhà khoa học-triết gia người Thụy Điển Emanuel Swedenborg.
Tổng cộng, Helen Keller đã viết được 12 cuốn sách và nhiều bài báo khác nữa.”
Xin nói thêm, tổ chức do Helen Keller sáng lập đã phát triển thành tổ chức hỗ trợ người mù toàn thế giới Helen Keller International (HKI, hiện có 22 quốc gia thành viên, và Việt Nam cũng là một thành viên của tổ chức này.).
Không thể nói gì nhiều hơn nữa về Helen Keller. Đã có quá nhiều người nói về bà. (Đó là những gì tôi biết sau khi tìm được quyển hồi ký của bà và đã đọc qua, rồi tìm hiểu thêm về bà trên mạng.) Chỉ riêng nhận xét này của nhà văn Mark Twain cũng đủ soi sáng tư cách vĩ đại và cao quý của bà:
“Hai nhân vật thú vị nhất của thế kỷ mười chín là Helen Keller và Napoleon Bonaparte.”
(The New York Sun, April 10, 1903, trang 9)
Dĩ nhiên đó là ý kiến riêng của nhà văn lớn này, và dĩ nhiên nó không hề vô căn cứ, nhưng tôi vẫn cho rằng đặt Napoleon Bonaparte bên cạnh Helen Keller là một việc làm hơi kỳ cục!
Cuối cùng, rất mong bạn đọc tìm được niềm đồng cảm và sự ngưỡng mộ sâu xa đối với Helen Keller vốn đã tràn ngập lòng tôi trong lúc tôi đọc và dịch quyển sách này.
Sài Gòn, tháng 11/2013
Nguyễn Thành Nhân
Tôi xin dâng tặng quyển sách này lên
ALEXANDER GRAHAM BELL
Người đã dạy cho những người điếc
từ Đại Tây Dương tới dãy núi Rockies cách nói và nghe.
Ảnh: Falk, 1895
HELEN KELLER VÀ CÔ GIÁO SULLIVAN
HELEN KELLER VÀ CÔ GIÁO SULLIVAN
LỜI NÓI ĐẦU CỦA NGƯỜI BIÊN TẬP
Quyển sách này có ba phần. Hai phần đầu, câu chuyện của cô Keller và những đoạn trích từ những lá thư của cô, đưa ra một miêu tả hoàn chỉnh về cuộc đời cô ở mức độ cô có thể viết ra. Vì cô không thể tự lý giải phần lớn những chi tiết về việc học của mình, và vì một tri thức về điều đó là cần thiết cho việc hiểu thấu những điều cô đã viết, chúng tôi nghĩ tốt nhất nên bổ sung vào phần tự truyện của cô những bản báo cáo và những lá thư của cô Anne Mansfield Sullivan, cô giáo của cô Keller. Việc bổ sung một miêu tả sâu hơn về cá tính và những thành tựu của cô Keller có thể không cần thiết; thế nhưng nó sẽ giúp làm rõ một số nét tiêu biểu trong cá tính của cô và bản chất của công việc mà cô và cô giáo của cô đã thực hiện.
Người biên tập chịu trách nhiệm cho phần thứ ba của quyển sách này, dù ông ta mang ơn những ghi chép xác thực và sự tư vấn của cô Sullivan về những tất cả những gì có giá trị trong phần này.
Người biên tập xin bày tỏ lòng tri ân của mình và lòng tri ân của cô Keller và cô Sullivan đối với tạp chí The Ladies' Home và các biên tập viên của tạp chí, ông Edward Bok và ông William V. Alexander, những người đã luôn luôn tốt bụng và đã cho phép sử dụng trong cuốn sách này tất cả những hình ảnh được chụp riêng cho tạp chí; và người biên tập xin cám ơn nhiều bằng hữu của cô Keller đã cho ông mượn những lá thư cô gửi cho họ, cung cấp cho ông những thông tin quý báu, đặc biệt là bà Laurence Hutton, người đã cung cấp cho ông bộ sưu tập ghi chú và giai thoại phong phú của mình; ông John Hitz, Giám sát viên của Phòng Tăng cường và Phổ biến Kiến thức liên quan tới những người điếc; và bà Sophia C. Hopkins, người mà cô Sullivan đã gửi những lá thư mang tính soi sáng đó, những đoạn trích giúp đưa ra một ý tưởng rõ ràng về những phương pháp của cô đối với học trò của mình hơn bất cứ tác phẩm nào đã xuất bản trước đây.
Các ông Houghton, Mifflin và công ty đã lịch sự cho phép in lại lá thư của cô Keller gửi cho Tiến sĩ Holmes, xuất hiện trong cuốn Trên những tách trà (Over the Teacups) và một trong những lá thư của Whittier gửi cho cô Keller. Bà S. T. Pickard, phụ trách văn học của Whittier, đã tốt bụng gửi bản gốc của một lá thư khác mà cô Keller đã gửi cho Whittier.
JOHN ALBERT MACY
Cambridge, Massachusetts, 1/3/1903
Minh họa:
BẢN SAO MỘT PHẦN CỦA LÁ THƯ GỬI CHO
PHILLIPS BROOKS
PHẦN I
CÂU CHUYỆN ĐỜI TÔI
CHƯƠNG I
Tôi bắt đầu viết lịch sử đời tôi với một nỗi e sợ. Nói theo cách nào đó, tôi có một sự do dự mang tính dị đoan trong việc vén mở tấm voan mỏng bao trùm lên thời thơ ấu của tôi như một lớp sương mù vàng. Viết một tiểu sự tự thuật là một công việc khó khăn. Khi cố phân loại những ấn tượng đầu tiên của mình, tôi nhận ra rằng thực tế và trí tưởng tượng khá giống nhau trong suốt những năm nối kết quá khứ và hiện tại. Người phụ nữ vẽ lại những trải nghiệm của đứa trẻ theo trí tưởng tượng của mình. Một vài ấn tượng nổi lên mồn một từ những năm đầu đời của tôi; nhưng “những cái bóng của ngôi nhà-tù ngục thì chìm lắng”. Ngoài ra, nhiều niềm vui nỗi buồn thời thơ ấu đã mất đi mức độ sâu sắc của chúng; và nhiều sự kiện có ý nghĩa sống còn hồi thời bắt đầu cắp sách của tôi đã bị lãng quên trong sự phấn khích của những khám phá lớn lao. Do vậy, để tránh dài dòng nhạt nhẽo, tôi sẽ cố đưa ra một loạt phác họa chỉ những giai đoạn mà dường như đối với tôi là thú vị và quan trọng nhất.
Tôi chào đời ngày 27/6/1880, ở Tuscumbia, một thị trấn nhỏ ở miền bắc tiểu bang Alabama.
Gia đình bên nội của tôi là dòng dõi của Caspar Keller, một người gốc Thụy Sĩ, lập nghiệp ở Maryland. Một trong những tổ tiên người Thụy Sĩ của tôi là giáo viên đầu tiên của những người điếc ở Zurich và đã viết một cuốn sách có chủ đề về việc giáo dục họ - một điều khá là trùng hợp; dù đúng là không có vị vua nào không có một trong các tổ tiên từng là nô lệ, và không có người nô lệ nào không có một trong các tổ tiên từng là một vị vua.
Ông nội tôi, con trai của Caspar Keller, đã “tiến vào” những vùng đất rộng lớn ở Alabama và cuối cùng định cư ở đó. Tôi nghe kể lại rằng năm nọ có lần ông đã đi từ Tuscumbia tới Philadelphia trên lưng ngựa để mua những trang thiết bị cho trang trại, và cô tôi còn lưu giữ nhiều lá thư ông gửi về nhà, trong đó có những mô tả hấp dẫn và sống động về những chuyến đi này.
Bà nội Keller của tôi là con gái của một trong những người phụ tá của Lafayette[1], Alexander Moore, và là cháu gái của Alexander Spotswood, một thống đốc thời kỳ đầu thuộc địa của Virginia. Bà cũng là em họ thứ hai của Robert E. Lee[2].
Cha tôi, Arthur H. Keller, là một sĩ quan trong quân đội Liên minh, và mẹ tôi, Kate Adams, là vợ thứ hai của ông, trẻ hơn ông nhiều tuổi. Ông nội của bà, Benjamin Adams, kết hôn với Susanna E. Goodhue, và sống nhiều năm ở Newbury, Massachusetts. Con trai của họ, Charles Adams, chào đời ở Newburyport, Massachusetts, rồi chuyển tới Helena, Arkansas. Khi Nội chiến bùng nổ, ông chiến đấu cho miền Nam và trở thành một vị tướng chỉ huy cấp lữ đoàn. Ông kết hôn với Lucy Helen Everett, người có cùng dòng tộc với những người họ Everetts như Edward Everett và Tiến sĩ Edward Everett Hale. Sau chiến tranh, gia đình ông chuyển tới Memphis, Tennessee.
Cho tới thời điểm bị căn bệnh tước đi thị lực và thính lực, tôi sống trong một ngôi nhà bé xíu gồm một căn phòng rộng hình vuông và một căn phòng nhỏ dành cho những người giúp việc. Tập quán ở miền Nam là cất một ngôi nhà nhỏ gần ngôi nhà chính như là một phần phụ để sử dụng những khi cần thiết. Cha tôi đã xây một cái nhà như thế sau Nội chiến, và khi ông cưới mẹ tôi, họ chuyển sang sống ở đó. Nó bị che phủ hoàn toàn bởi những cây nho, hồng dây và kim ngân hoa. Nhìn từ ngoài vườn, trông nó giống như một lùm cây. Cái cổng vòm nhỏ bị che khuất khỏi tầm mắt bởi một lớp hồng vàng và dây khúc khắc miền Nam. Nó là nơi tới lui thăm viếng ưa thích của lũ chim ruồi và lũ ong.
Ảnh: Collins
"THƯỜNG XUÂN XANH” (IVY GREEN), THÁI ẤP CỦA KELLER
(Ngôi nhà nhỏ bên phải là nơi Helen Keller chào đời)
Thái ấp Keller, nơi gia đình sinh sống, cách lùm cây hoa hồng nhỏ của chúng tôi vài bước. Nó được gọi là “Thường xuân xanh” vì ngôi nhà và những cây cối, rào giậu xung quanh bị che phủ bởi những dây thường xuân xinh đẹp của nước Anh. Khu vườn kiểu cổ của thái ấp là thiên đường tuổi nhỏ của tôi.
Thậm chí trong những ngày trước khi cô giáo của tôi tới, tôi thường dò dẫm men theo những bờ rào vuông làm bằng gỗ hoàng dương cứng, và, được dẫn dắt bởi khứu giác, thường tìm ra những đóa hoa cúc tím và huệ tây nở đầu tiên. Cũng ở đó, sau một cơn tức tối, tôi tới để tìm nguồn an ủi và giấu gương mặt nóng bừng sau lớp lá và cỏ mát rượi. Thật là một niềm vui to lớn biết bao khi đánh mất bản thân trong khu vườn hoa cỏ đó, lang thang thỏa thích từ nơi này sang nơi khác, cho tới khi, đột ngột đứng trước một dây nho xinh đẹp, tôi nhận ra nó nhờ những chiếc lá và những bông hoa của nó, và biết nó chính là dây nho che phủ ngôi nhà nghỉ mùa hè xiêu vẹo ở đầu kia khu vườn! Cũng tại đây, là những cây ông lão lòng thòng, những cụm hoa nhài ủ rũ, và một vài loại hoa quý hiếm gọi là hoa huệ bướm, vì những cánh hoa mong manh của chúng giống như những cánh bướm. Nhưng những bụi hoa hồng là thứ đáng yêu hơn hết. Tôi chưa bao giờ tìm thấy trong những ngôi nhà kính ở miền Bắc những bụi hoa hồng khiến cho tâm hồn mãn nguyện như những dây hồng ở ngôi nhà miền Nam của tôi. Chúng thường treo lơ lửng thành chùm trên vòm cổng, phủ đầy bầu không khí một mùi thơm không hề bị làm cho uế tạp bởi bất kỳ thứ mùi trần tục nào; và vào những sớm mai, tắm mình trong sương, có cảm giác chúng rất mềm mại, thanh khiết, tôi không thể không tự hỏi không biết trông chúng có giống như những đóa lan nhật quang ở khu vườn của Thượng đế hay chăng.
Thời kỳ đầu của đời tôi đơn giản và khá giống với mọi cuộc đời nhỏ bé khác. Tôi đến, tôi nhìn thấy, tôi ngự trị, như đứa bé đầu tiên trong gia đình luôn làm thế. Có một mức độ thảo luận nhiều đến bất thường về việc đặt tên cho tôi. Đứa bé đầu tiên trong gia đình không thể được đặt tên một cách khinh suất, mọi người đều nhấn mạnh tới điểm đó. Cha tôi đề nghị cái tên Mildred Campbell, theo tên của một vị tổ tiên mà ông vô cùng quý trọng, và ông khước từ không tham dự thêm nữa trong cuộc thảo luận. Mẹ tôi xử lý vấn đề bằng cách bảo rằng bà ước muốn đặt tên tôi theo mẹ của mình, vốn có tên hồi con gái là Helen Everett. Nhưng trong niềm phấn khích khi bế tôi tới nhà thờ, cha tôi đã quên khuấy mất cái tên trên đường, rất ư tự nhiên, vì đó là một cái tên mà ông đã khước từ không bàn thảo tới nữa. Khi vị mục sư hỏi tên đứa bé, ông chỉ nhớ rằng mọi người đã quyết định đặt tên tôi theo tên của bà ngoại tôi, và ông gán cho bà cái tên là Helen Adams.
Tôi nghe kể rằng khi vẫn còn mặc những cái váy dài, tôi đã cho thấy nhiều dấu hiệu của một thiên hướng háo thắng, thích tự khẳng định bản thân. Mọi thứ tôi thấy người khác thực hiện tôi khăng khăng một mực làm theo. Mới sáu tháng tôi đã có thể líu lo “Xin chào” (Howd’ye), và một hôm tôi thu hút sự chú ý của mọi người bằng cách nói “Trà, trà trà” (Tea, tea, tea) rất rõ ràng. Ngay cả sau cơn bệnh, tôi vẫn nhớ một trong những từ mà tôi đã học được trong mấy tháng đầu đời đó. Nó là từ “nước” (water) và tôi tiếp tục cố thốt ra từ đó sau khi mọi từ ngữ khác đều mất đi. Tôi chỉ thôi thốt lên tiếng “wah, wah” khi tôi học được cách đánh vần từ đó.
Cha mẹ bảo rằng tôi biết đi vào hôm tôi lên một tuổi. Mẹ tôi vừa mới bế tôi ra khỏi bồn tắm và đang giữ tôi trên đùi thì đột nhiên tôi bị thu hút bởi bóng của những chiếc lá đang nhảy múa chập chờn trong ánh nắng đổ xuống sàn nhà bằng phẳng. Tôi chuồi khỏi đùi mẹ và hầu như chạy về phía chúng. Cơn bốc đồng biến mất, tôi ngã lăn ra và khóc đòi mẹ tôi bế tôi lên. Những ngày hạnh phúc đó không kéo dài. Một mùa xuân ngắn ngủi, tràn đầy âm nhạc với tiếng hót líu lo của lũ chim cổ đỏ và chim ruồi, một mùa hè đầy quả ngọt và hoa hồng, một mùa thu trải sắc vàng và đỏ thẫm ra và để lại những quà tặng của chúng dưới chân của một đứa bé náo nức, vui sướng. Thế rồi, vào tháng Ba ảm đạm, căn bệnh tới, khép kín đôi mắt và đôi tai của tôi, dìm tôi vào cõi vô thức của một đứa bé sơ sinh. Người ta gọi đó là chứng sung huyết dạ dày và não cấp tính. Vị bác sĩ nghĩ là tôi không sống được. Tuy nhiên, một sớm mai kia, cơn sốt rời khỏi tôi cũng đột ngột và bí ẩn như khi nó tới. Sáng hôm đó là một niềm hân hoan to lớn của gia đình, nhưng không ai, ngay cả vị bác sĩ, biết rằng tôi sẽ không bao giờ nhìn thấy hay nghe thấy được nữa.
Tôi tưởng chừng như vẫn còn những hồi ức rối rắm về cơn bệnh đó. Tôi nhớ nhất sự dịu dàng khi mẹ tôi cố xoa dịu tôi trong những giờ tôi thức giấc, cáu gắt và đau đớn, và sự thống khổ, hoang mang khi tôi choàng tỉnh sau một giấc ngủ ngắn chập chờn và hướng đôi mắt khô khốc, nóng rực vào bức tường, tránh khỏi ánh sáng một thời yêu thích, ngày càng mờ mịt hơn khi đến với tôi. Nhưng, ngoài những ký ức thoáng qua này, nếu quả thật chúng là những ký ức, mọi thứ dường như không có thật, giống như một cơn ác mộng. Dần dần tôi trở nên quen với sự thinh lặng và bóng tối vây quanh tôi và quên rằng trước kia mọi thứ từng khác hẳn, mãi tới khi cô ấy tới, cô giáo của tôi – người đã giải thoát cho linh hồn tôi. Nhưng trong mười chín tháng đầu tiên của đời mình, tôi đã thoáng nhìn thấy những cánh đồng xanh rộng lớn, một bầu trời trong sáng, những cây cối và bông hoa mà bóng tối sau đó không thể hoàn toàn xóa bỏ. Nếu chúng ta đã từng nhìn thấy, “ngày đó là của chúng ta, và những gì ngày ấy đã phô bày là của chúng ta.”
CHƯƠNG II
Tôi không thể nhớ điều gì đã xảy ra trong những tháng đầu tiên sau cơn bệnh. Tôi chỉ biết rằng tôi ngồi trên đùi mẹ hay bám vào áo bà khi bà lui tới làm những công việc nội trợ của mình. Hai bàn tay tôi cảm nhận mọi đồ vật và quan sát mọi cử động, và theo kiểu này tôi học cách nhận biết nhiều thứ. Chẳng bao lâu sau, tôi cảm thấy một nhu cầu giao tiếp nào đó với những người khác và bắt đầu ra những dấu hiệu thô thiển. Một cái lắc đầu có nghĩa là “Không” và một cái gật đầu là “Có”, kéo một cái nghĩa là “Đến” và đẩy một cái nghĩa là “Đi”. Tôi muốn bánh mì ư? Vậy thì tôi bắt chước những cử động xắt lát và trét bơ vào bánh. Nếu tôi muốn mẹ tôi làm kem cho bữa ăn tôi ra hiệu sử dụng cái máy làm kem và rùng mình ra hiệu thấy lạnh. Hơn thế nữa, mẹ tôi đã thành công trong việc giúp tôi hiểu biết nhiều điều. Tôi luôn biết khi người muốn tôi mang tới cho người vật gì đó, và tôi sẽ chạy lên gác hay bất kỳ nơi nào khác mà người ra dấu. Thật sự, tôi mang ơn sự thông minh tràn đầy thương mến của người đối với mọi thứ tươi sáng và tốt đẹp trong cái đêm dài ấy của tôi.
Tôi hiểu nhiều về những sự việc diễn ra xung quanh. Lên năm tuổi, tôi học được cách gấp và thu cất những quần áo sạch khi chúng được mang vào từ phòng giặt, và tôi phân biệt được quần áo của mình với số còn lại. Tôi biết khi nào thì mẹ và cô tôi ra khỏi nhà theo cách thức họ mặc quần áo. Và tôi cầu xin được đi với họ bằng nhiều cách khác nhau. Tôi luôn được gọi tới khi có khách, và khi vị khách ra về, tôi vẫy tay với họ, tôi nghĩ với một trí nhớ mơ hồ về ý nghĩa của cử chỉ này. Một hôm có mấy quý ông ghé thăm mẹ tôi, và tôi cảm nhận được tiếng đóng sập cửa trước và những âm thanh khác chỉ thị cho việc họ tới. Đột nhiên tôi chạy lên gác trước khi mọi người có thể ngăn tôi lại, để mặc vào theo ý tôi một bộ váy tiếp khách. Đứng trước gương, như đã trông thấy những người khác làm, tôi xoa dầu lên tóc và phủ lên mặt một lớp phấn dày. Rồi tôi trùm một tấm khăn voan lên đầu để nó che đi gương mặt của tôi và rủ thành nếp xuống vai tôi, rồi cột một cái khung lót áo to tướng quanh cái eo nhỏ xíu của tôi, khiến nó rủ lòng thòng ở phía sau, hầu như chạm tới gấu váy của tôi. Sau khi trang điểm như thế tôi đi xuống và giúp mẹ tôi tiếp khách.
Tôi không nhớ lần đầu tiên tôi nhận ra tôi khác với những người khác là khi nào; nhưng tôi biết nó trước khi cô giáo tôi tới. Tôi đã nhận thấy rằng mẹ tôi và các bạn của tôi không sử dụng những dấu hiệu như tôi khi họ muốn người khác làm điều gì đó, mà nói bằng miệng. Đôi khi tôi đứng giữa hai người đang trò chuyện và sờ vào môi họ. Tôi không thể hiểu, và nổi cáu. Tôi cử động đôi môi và khoa tay múa chân một cách điên cuồng mà không có kết quả gì. Đôi khi điều này khiến tôi giận dữ đến độ tôi vung chân đá và gào thét cho tới khi kiệt sức.
Tôi nghĩ tôi biết khi tôi trở nên xấu tính, vì tôi biết việc tôi đá Ellas, vú nuôi của tôi, khiến cho bà đau đớn, và khi cơn bực tức qua đi, tôi có một cảm giác giống như hối hận. Nhưng tôi không thể nhớ bất kỳ trường hợp nào mà trong đó cảm giác này ngăn tôi không lặp lại sự xấu tính khi tôi không có được thứ mình muốn.
Trong thời gian đó, một cô bé da màu, Martha Washington, con của người đầu bếp, và Belle, một con chó lông xù già, một tay thợ săn tuyệt vời hồi thời nó còn trẻ, là những người bạn thường xuyên của tôi. Martha Washington hiểu những dấu hiệu của tôi, và tôi ít khi gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc yêu cầu chị làm như tôi mong muốn. Việc hà hiếp chị khiến tôi thấy hài lòng, và nói chung chị chìu theo sự độc đoán của tôi hơn là đánh liều với cuộc đụng độ mặt đối mặt. Tôi khỏe, năng động, bất cần hậu quả. Tôi biết khá rõ về tâm trí của chính mình và luôn làm theo cách của tôi, ngay cả khi nếu tôi phải chiến đấu với răng và móng tay để làm theo ý mình. Chúng tôi trải qua nhiều thời gian trong bếp, nhào những viên bột, giúp làm kem lạnh, xay cà phê, cãi cọ về chén đựng bánh, và cho lũ gà mái và gà lôi ăn; bọn này hay lẩn quẩn cả bầy trên những bậc thềm nhà bếp. Nhiều con trong số chúng thuần tính đến độ chúng thường ăn từ trên tay tôi và để cho tôi vuốt ve chúng. Có một hôm, một con gà lôi trống chộp lấy quả cà chua trên tay tôi và bỏ chạy. Có lẽ được gợi hứng bởi thành công của Con gà lôi trống bậc thầy này, chúng tôi mang một cái bánh mà người đầu bếp vừa rắc đường ra chỗ đống gỗ và nhấm nháp nó. Sau đó tôi bị ốm một trận đáng đời, và tôi tự hỏi sự trừng phạt nào đã giáng xuống chú gà lôi.
Con gà sao khoái giấu cái ổ của nó ở những nơi xa đường đi lối lại, và một trong những niềm vui lớn nhất của tôi là săn lùng những quả trứng trong đám cỏ cao. Tôi không thể nói cho Martha Washington khi tôi muốn đi săn trứng, nhưng tôi sẽ uốn cong hai bàn tay lại và đặt chúng lên mặt đất, với ý nghĩa là một vật gì đó hình tròn trong đám cỏ, và Martha luôn luôn hiểu được. Khi chúng tôi đủ may mắn để tìm ra một cái ổ, tôi không bao giờ cho phép chị mang những quả trứng về nhà, làm cho chị hiểu bằng những dấu hiệu nhấn mạnh rằng chị có thể bị té và đánh vỡ chúng.
Những nhà kho để chứa ngô, cái chuồng nơi nhốt những con ngựa, và cái sân nơi lũ bò cái được vắt sữa mỗi sáng và chiều là những nguồn quan tâm không bao giờ cạn kiệt của Martha và tôi. Những người vắt sữa thường cho phép tôi đặt tay lên những con bò khi họ vắt sữa, và tôi thường bị con bò quất mạnh đuôi vào người vì sự tò mò đó.
Việc chuẩn bị cho lễ Giáng sinh luôn là một niềm vui đối với tôi. Dĩ nhiên tôi không biết mọi thứ đó là gì, nhưng tôi thưởng thức những mùi thơm dễ chịu tràn ngập ngôi nhà và những món ngon được dúi cho Martha Washington và tôi để giữ cho chúng tôi im lặng. Chúng tôi buồn vì việc đó, nhưng nó không ngăn chúng tôi thưởng thức niềm vui tối thiểu. Họ cho phép chúng tôi xay các thứ gia vị, chọn nho khô và liếm những cái muỗng đang ngọ ngoạy. Tôi treo đôi tất của mình lên vì những người khác làm điều đó, tuy nhiên tôi không thể nhớ ngày lễ này có khiến cho tôi đặc biệt thích thú hay sự tò mò có khiến tôi thức giấc trước bình minh để tìm những món quà của mình chăng.
Martha Washington có một tình yêu với sự phá phách không kém chi tôi. Một chiều oi bức tháng Bảy có hai đứa nhỏ ngồi trên những bậc thềm trước hiên nhà. Một đứa đen như gỗ mun, với những túm tóc xoăn cột bằng những sợi dây giày cứ chĩa tứ tung khắp phía quanh đầu như những cái đồ khui chai sâm banh. Đứa kia da trắng, với những lọn tóc dài vàng óng. Một đứa sáu tuổi, đứa kia lớn hơn hai hoặc ba tuổi. Đứa nhỏ hơn bị mù – đó là tôi – và đứa kia là Martha Washington. Chúng tôi bận rộn cắt những búp bê giấy; nhưng chúng tôi chóng thấy chán với trò tiêu khiển này, và sau khi cắt đứt những sợi dây giày của mình và vặt hết những chiếc lá khúc khắc trong tầm với, tôi hướng sự chú ý tới những cái đồ khui rượu sâm banh của Martha. Lúc đầu chị phản kháng, nhưng cuối cùng đầu hàng. Nghĩ rằng có qua có lại là một trò chơi công bằng, chị vớ lấy cái kéo và cắt đứt một trong những lọn tóc của tôi, và ắt hẳn đã cắt trụi chúng hết nếu không có sự can thiệp đúng lúc của mẹ tôi.
Belle, con chó của chúng tôi, một người bạn khác của tôi, đã già và lười biếng và thích nằm ngủ cạnh lò sưởi hơn là chơi đùa với tôi. Tôi cố sức dạy nó ngôn ngữ dấu hiệu của tôi, nhưng nó ngu muội và không tập trung chú ý. Đôi lúc nó giật mình và rùng mình với sự phấn khích, rồi nó trở nên hoàn toàn cứng nhắc, như những con chó thường làm khi người ta chỉ tới một con chim. Lúc đó tôi không biết vì sao Belle ứng xử theo kiểu đó; nhưng tôi biết nó sẽ không làm như tôi mong muốn. Điều này khiến tôi bực bội và bài học luôn luôn kết thúc bằng một trận đấu quyền anh của một phía. Belle sẽ đứng lên, lười nhát duỗi dài thân hình, hít ngửi đánh hơi một hai cái với vẻ khinh thị, rồi đi tới phía đối diện của lò sưởi và lại nằm xuống, còn tôi, mệt mỏi và thất vọng, bỏ ra ngoài để tìm Martha.
Nhiều sự kiện của những năm đầu đời đó in sâu trong ký ức tôi, bị tách rời, nhưng rõ ràng và phân biệt, khiến cho cảm giác về cuộc đời im lặng, vô mục đích, không có ánh sáng ban ngày đó thêm căng thẳng.
Một hôm tôi tình cờ đánh đổ nước lên cái tạp dề của mình, và tôi trải nó ra để hong khô trước ngọn lửa đang cháy chập chờn trong lò sưởi phòng khách. Tấm tạp dề không khô đủ nhanh theo ý tôi, vì thế tôi kéo nó tới gần hơn và vung nó ngay bên trên lớp tro nóng. Ngọn lửa cháy bùng lên; lửa vây quanh tôi khiến chỉ trong thoáng chốc quần áo của tôi cũng bốc cháy. Tôi phát ra một âm thanh khủng khiếp đến nỗi Viny, người vú nuôi già của tôi, phải chạy tới giải cứu. Ném một tấm chăn lên người tôi, bà hầu như làm tôi chết ngạt, nhưng bà dập tắt được lửa. Ngoại trừ hai bàn tay và mái tóc, tôi không bị bỏng nặng cho lắm.
Vào khoảng thời gian này tôi phát hiện ra công dụng của một chiếc chìa khóa. Một sáng nọ tôi khóa trái nhốt mẹ tôi trong phòng để thức ăn, buộc bà phải ở đó suốt ba tiếng đồng hồ, vì những người giúp việc ở một phần tách rời khác của ngôi nhà. Bà cứ nện vào cửa trong lúc tôi ngồi trên những bậc thềm cổng bên ngoài và cười to vui vẻ khi cảm nhận được sự rung động của những cú nện. Cú đùa tinh quái nhất này của tôi đã thuyết phục cha mẹ tôi rằng tôi phải được giáo dục càng sớm càng tốt. Sau khi cô Sullivan tới, tôi sớm tìm ra một cơ hội để khóa trái nhốt cô trong phòng của cô. Tôi lên gác với thứ gì đó mà mẹ tôi đã làm cho tôi hiểu là tôi phải giao nó cho cô Sullivan; nhưng ngay khi tôi đưa vật đó cho cô, tôi đóng sập cửa lại và khóa cửa, rồi giấu chiếc chìa khóa dưới cái tủ đồ trong sảnh. Không ai thuyết phục nổi tôi nói ra vị trí của chiếc chìa khóa. Cha tôi buộc phải lấy một cái thang và đưa cô Sullivan ra ngoài qua cửa sổ - tôi thật khoái chí vô cùng. Nhiều tháng sau tôi trả lại chiếc chìa khóa.
Khi tôi khoảng năm tuổi, chúng tôi chuyển từ ngôi nhà nhỏ phủ đầy dây nhỏ tới ngôi nhà lớn mới. Gia đình gồm có cha mẹ tôi, hai người anh cùng cha khác mẹ, và sau đó, em gái tôi, Mildred. Một ký ức rõ ràng sớm nhất về cha tôi là việc tìm đường ngang qua những đống nhật báo ngổn ngang về phía ông và tìm thấy ông ở một mình, đang giơ một tờ giấy lên trước mặt. Tôi rất tò mò muốn biết ông đang làm gì. Tôi bắt chước hành động này, thậm chí còn đeo cặp kính của ông vào, nghĩ rằng chúng có thể giúp giải quyết điều bí ẩn này. Nhưng tôi không tìm ra bí mật đó suốt nhiều năm. Sau đó tôi biết những tờ giấy đó là gì, và biết cha tôi đã biên tập một trong số chúng.
Cha tôi rất đáng yêu và bao dung, tận tâm với gia đình, ít khi rời khỏi chúng tôi, ngoại trừ vào mùa săn bắn. Ông là một thợ săn giỏi, tôi nghe nói vậy, và một tay súng nổi tiếng. Sau gia đình, ông yêu lũ chó và khẩu súng của mình. Ông vô cùng hiếu khách, đến độ đó hầu như là một khuyết điểm, và ông ít khi về nhà mà không đưa theo một người khách. Niềm tự hào đặc biệt của cha là khu vườn lớn, nơi, người ta nói, ông trồng những dây dưa hấu tốt nhất và những cây dâu tây ngon nhất trong hạt; và ông mang cho tôi những chùm nho chín đầu tiên và những quả dâu loại nhất. Tôi nhớ sự trìu mến của ông khi ông dẫn tôi từ cây này sang cây khác, từ gốc nho này sang gốc nho khác, và sự vui vẻ nồng nhiệt của ông với bất cứ thứ gì khiến tôi hài lòng.
Ông là một người kể chuyện nổi tiếng: sau khi tôi đã học được ngôn ngữ, ông thường vụng về viết theo vần lên bàn tay tôi những giai thoại thông minh nhất của ông, và không có gì khiến ông vui lòng hơn là bảo tôi lặp lại chúng vào một khoảnh khắc đúng lúc.
Tôi đang ở miền Bắc, tận hưởng những ngày cuối hạ đẹp đẽ của năm 1896 thì nghe thấy tin tức về cái chết của cha tôi. Ông đã mắc bệnh một thời gian ngắn, chỉ một thời gian đau khổ cấp kỳ, rồi tất cả kết thúc. Đây là nỗi buồn lớn đầu tiên của tôi – trải nghiệm cá nhân đầu tiên của tôi với cái chết.
Tôi sẽ viết thế nào về mẹ tôi? Bà gần gũi với tôi đến độ hầu như có vẻ khiếm nhã khi nói về bà.
Suốt một thời gian dài tôi xem đứa em gái bé bỏng của mình là một vị khách không mời mà tới. Tôi biết tôi không còn là con gái cưng duy nhất của mẹ, và ý nghĩ này phủ đầy lòng tôi niềm ganh ghét. Nó thường xuyên ngồi trên đùi mẹ tôi, nơi tôi đã từng ngồi, và có vẻ như tước hết mọi sự chăm sóc và thời gian của bà. Một hôm đã xảy ra một chuyện mà dường như với tôi là việc cộng thêm sự lăng nhục vào vết thương.
Vào thời gian đó, tôi có một con búp bê được cưng nhất và bị lạm dụng nhất, mà sau đó tôi đặt tên là Nancy. Than ôi, nó là nạn nhân bất lực của những cơn giận dữ và bộc phát tình yêu của tôi, đến độ nó trở nên tơi tả. Tôi có những con búp bê biết nói và khóc, mở và nhắm mắt; thế nhưng tôi chưa bao giờ yêu con nào trong số chúng như yêu Nancy tội nghiệp. Nó có một cái nôi, và tôi thường bỏ ra một giờ hoặc hơn ngồi đưa nôi cho nó. Tôi canh chừng cả con búp bê lẫn cái nôi với sự quan tâm đầy chất ganh tị nhất; nhưng có lần tôi phát hiện ra em gái tôi đang ngủ thật an bình trong cái nôi. Tôi nổi giận trước sự ngạo mạn của một kẻ mà với tôi chưa có ràng buộc yêu thương nào. Tôi lao tới cái nôi và lật úp nó, và hẳn là em bé đã bị giết chết nếu mẹ tôi không kịp chụp lấy nó khi nó rơi xuống. Thế đó, khi chúng ta bước đi trong cái thung lũng cô quạnh gấp đôi chúng ta biết rất ít về những tình cảm dịu êm đâm chồi từ những ngôn từ và hành động và tình bạn chứa chan niềm thương mến. Nhưng sau đó, khi tôi phục hồi lại nhân tính của mình, Mildred và tôi đã vô cùng mến thương nhau, đến độ chúng tôi vui vẻ nắm tay nhau đi tới bất cứ nơi nào tính đồng bóng thất thường dẫn dắt chúng tôi, dù nó không thể hiểu ngôn ngữ ngón tay của tôi, còn tôi cũng không hiểu những tiếng bi bô trẻ con của nó.
CHƯƠNG III
Trong lúc đó, niềm khao khát diễn tả bản thân lớn dần. Một vài dấu hiệu mà tôi sử dụng ngày càng ít thích đáng, và những thất bại trong việc làm cho người khác hiểu tôi dẫn tới những cơn bùng nổ cảm xúc rất đa dạng. Tôi cảm thấy như thể những bàn tay vô hình đang nắm giữ tôi và tôi thực hiện những nỗ lực điên cuồng để thoát ra. Tôi đã đấu tranh – sự đấu tranh đó không có ý nghĩa gì quan trọng, nhưng tinh thần cưỡng kháng trong tôi rất mạnh mẽ; tôi thường khóc òa lên và kiệt sức về mặt thể chất. Nếu tình cờ mẹ tôi ở gần đó tôi sẽ bò vào vòng tay của bà, khốn khổ đến nỗi thậm chí không thể nhớ nguyên do của cơn tức tối. Một thời gian sau, nhu cầu có một thứ phương tiện giao tiếp nào đó trở nên cấp thiết đến độ những cơn bùng nổ này diễn ra hàng ngày, đôi khi hàng giờ.
Cha mẹ tôi vô cùng đau khổ và rối trí. Chúng tôi sống cách xa bất kỳ trường học nào dành cho người mù hay người điếc. và có vẻ như không có khả năng bất kỳ người nào đó sẽ tới một nơi chốn hẻo lánh như Tuscumbia để dạy dỗ một đứa trẻ vừa điếc vừa mù. Thật sự, những bạn hữu và họ hàng của tôi đôi khi nghi ngờ không biết có thể dạy dỗ được tôi hay chăng. Tia hy vọng duy nhất của mẹ tôi đến từ cuốn ‘Những ghi chép ở Mỹ” của Dicken. Bà đã đọc mô tả của ông về Laura Bridgman, và mơ hồ nhớ rằng bà ta cũng vừa điếc vừa mù, thế nhưng có học vấn. Nhưng bà cũng nhớ với một nỗi đau vô vọng rằng Tiến sĩ Howe, người đã khám phá ra cách dạy những người điếc và người mù, đã chết nhiều năm trước. Có lẽ những phương pháp của ông cũng đã chết theo ông; và nếu không phải thế, làm sao một cô bé ở một thị trấn xa xôi của Alabama có thể tiếp nhận lợi ích của chúng?
Khi tôi khoảng sáu tuổi, cha tôi nghe nói về một bác sĩ nhãn khoa xuất chúng ở Baltimore. Ông này đã thành công trong nhiều ca vốn có vẻ vô vọng. Cha mẹ chúng tôi lập tức quyết định đưa tôi tới Baltimore để xem có thể làm được bất cứ điều gì cho đôi mắt của tôi chăng.
Chuyến đi, mà tôi còn nhớ rõ, rất ư thú vị. Tôi kết bạn với nhiều người trên tàu hỏa. Một tiểu thư cho tôi một hộp vỏ sò. Cha tôi khoan lỗ những cái vỏ sò để tôi có thể xâu chúng lại, và suốt một thời gian dài chúng giúp tôi vui vẻ và hài lòng. Cả ông trưởng tàu cũng tốt lắm. Thường thường, khi ông đi một vòng kiểm tra, tôi bám theo đuôi áo khoác của ông trong lúc ông thu vé và bấm lỗ. Cái kìm bấm lỗ của ông, mà ông cho tôi chơi, là một thứ đồ chơi thú vị. Tôi ngồi co vào một góc chỗ ngồi và chơi một mình suốt nhiều giờ bằng cách bấm những cái lỗ nhỏ thú vị trên những mẫu giấy cứng.
Cô tôi đã làm cho tôi một con búp bê to từ những chiếc khăn tắm. Nó là một vật không hình thù khôi hài nhất, cái con búp bê chế tác đầy ngẫu hứng này, không mắt, mũi, miệng hay tai gì cả - không có thứ gì để thậm chí trí tưởng tượng của một đứa bé cũng có thể biến đổi thành một gương mặt. Lạ lùng sao, sự thiếu vắng đôi mắt khiến tôi chú ý tới hơn tất cả những khiếm khuyết khác cộng lại. Tôi chỉ cho mọi người thấy điều này với sự kiên trì đầy khiêu khích, nhưng dường như không có ai ngang tầm với công việc cung cấp đôi mắt cho con búp bê. Tuy nhiên, một ý tưởng tuyệt vời nảy ra trong đầu tôi, và rắc rối đã được giải quyết. Tôi tuột khỏi chỗ ngồi và tìm kiếm bên dưới cho tới khi tôi tìm được cái mũ của cô tôi, vốn có đính nhiều hạt cườm lớn. Tôi giật đứt hai hạt cườm và ra dấu với bà rằng tôi muốn bà may chúng lên con búp bê. Bà đưa tay tôi lên mắt mình theo một cách thức dò hỏi, và tôi gật đầu hăng hái. Hai hạt cườm được may vào đúng chỗ và tôi không thể chứa đựng nỗi niềm hân hoan trong lòng; nhưng ngay lập tức tôi đánh mất mọi chú ý vào con búp bê. Trong suốt chuyến đi tôi không có một cơn cáu gắt nào, có quá nhiều thứ giữ cho tâm trí và những ngón tay của tôi luôn bận rộn.
Khi chúng tôi tới Baltimore, bác sĩ Chisholm ân cần tiếp đón chúng tôi: nhưng ông không thể làm gì được. Tuy nhiên, ông nói rằng tôi có thể học được và khuyên cha tôi nên tới xin ý kiến của Tiến sĩ Alexander Graham Bell, của trường Washington. Hẳn ông ta có thể cung cấp cho cha tôi thông tin về những trường học và giáo viên dạy trẻ em điếc hay mù. Làm theo lời khuyên của ông bác sĩ, chúng tôi ngay tức khắc tới Washington để gặp Tiến sĩ Bell, cha tôi với quả tim buồn rầu và nhiều nghi ngại, tôi hoàn toàn không ý thức được nỗi đau khổ của ông, tìm vui trong niềm phấn khích được di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Dù bé thế, ngay lập tức tôi cảm nhận được sự dịu dàng và đồng cảm đã gắn kết Tiến sĩ Bell với rất nhiều quả tim, vì những thành tựu kỳ diệu của ông đã giành được sự ngưỡng mộ của họ. Ông giữ tôi trên đầu gối trong lúc tôi kiểm tra cái đồng hồ của ông, và ông làm cho nó điểm giờ để giúp tôi vui. Ông hiểu những dấu hiệu của tôi, tôi biết điều đó và yêu mến ông ngay lập tức. Nhưng tôi không mơ tưởng rằng cuộc phỏng vấn đó sẽ là cánh cửa mà qua đó tôi sẽ đi từ bóng tối sang ánh sáng, từ cô quạnh sang tình bằng hữu, tình đồng đội, kiến thức, tình yêu.
Tiến sĩ Bell khuyên cha tôi viết thư cho ông Anagnos, giám đốc của Học viện Perkins ở Boston, kể về những lao tâm khổ tứ mà Tiến sĩ Howe dành cho những người mù, và hỏi xem ông ta có một giáo viên nào thành thạo để bắt đầu việc giáo dục tôi hay chăng. Cha tôi làm điều này ngay tức khắc, và sau vài tuần, có một lá thư nhân hậu đến từ ông Anagnos với lời bảo đảm đầy an ủi rằng đã tìm ra một giáo viên. Đó là vào mùa hè năm 1886. Nhưng cô Sullivan không đến cho tới tháng Ba năm sau.
Tôi đã ra khỏi Ai Cập và đứng trước Sinai[3] như vậy đó, và một sức mạnh thiêng liêng chạm vào linh hồn tôi, mang cho nó khả năng nhìn, để tôi chứng kiến nhiều điều kỳ diệu. Và từ ngọn núi thiêng tôi nghe một giọng nói thốt lên: “Kiến thức là tình yêu, ánh sáng và khả năng nhìn thấy.”
[1] Marie-Joseph Paul Yves Roch Gilbert du Motier de La Fayette, Marquis de La Fayette (1757 - 1834), thườngđược gọi đơn giản là Lafayette, là một quý tộc Pháp và một vị tướng trong cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ, dưới quyền của George Washington, tổng thống đầu tiên của Mỹ.
[2] Robert Edward Lee (1807 – 1870), đại tướng chỉ huy quân đội Liên minh miền Nam trong Nội chiến Mỹ.
[3] Núi Sinai (còn được gọi là Núi Horeb) là ngọn núi linh thiêng nhất của các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham, tọa lạc ở bán đảo Sinai của Ai Cập.
No comments:
Post a Comment